Teal Swan Transcripts 191 - Chung thuỷ và Ngoại tình trong các mối quan hệ

 

Teal Swan Transcripts 191


Chung thuỷ và Ngoại tình trong các mối quan hệ

 

08-08-2015




Xin chào tất cả mọi người. “Chung thủy” được định nghĩa là sự trung thành với một người, một lý tưởng hoặc một niềm tin, thể hiện qua sự ủng hộ và lòng trung thành liên tục. Nó là dạng cam kết cao nhất. Vì vậy, hiển nhiên, chung thủy là một phần rất quan trọng trong một mối quan hệ. Còn “ngoại tình” chính là sự phản bội lại mối quan hệ đó.

 

Tuy nhiên, ngoại tình lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tình bạn tan vỡ, các mối quan hệ kết thúc và hôn nhân đổ vỡ. Ngoại tình không chỉ gói gọn trong hành vi quan hệ tình dục ngoài luồng. Ngoại tình là bất kỳ sự gián đoạn nào trong sự trung thành hay ủng hộ, một sự thiếu hụt lòng trung thành. Bạn thấy điều này mở toang cánh cửa cho sự nhầm lẫn chứ?

 

Ngoại tình là một điều hoàn toàn mang tính chủ quan. Có người định nghĩa ngoại tình rất nghiêm ngặt. Người khác lại định nghĩa một cách thoáng. Cách hiểu của mỗi chúng ta về ngoại tình bắt nguồn từ hệ thống niềm tin, sở thích cá nhân, và sự giáo dục về đạo đức, mà ta hầu hết đều được dạy từ thời thơ ấu. Nếu khi còn nhỏ chúng ta từng chứng kiến hoặc trải qua sự phản bội, rất có thể ta sẽ không thể nhận ra sự ngoại tình khi chính mình là người gây ra.

 

Nó sẽ trở thành một điểm mù khổng lồ. Điều này đặc biệt đúng nếu ta từng chứng kiến bố mẹ mình không chung thủy trong cách họ đối xử với nhau hoặc với bạn bè, và nhất là khi chính ta là người đã trải qua sự phản bội từ một trong hai người cha hoặc mẹ. Nếu ta không thể cảm nhận được sự trung thành tuyệt đối từ một trong hai người đó, thì ta sẽ không có một khuôn mẫu nào để hiểu được thế nào là sự chung thủy. Khái niệm về ngoại tình cũng rất khác nhau giữa các nền văn hóa. Ví dụ, ở một số nền văn hóa, việc một người đàn ông có nhân tình là điều hoàn toàn chấp nhận được và không được xem là phản bội.

 

Nhưng ở những nơi khác, điều đó lại bị coi là sai trái và xấu xa. Trong thế giới hiện đại ngày nay, ngoại tình tình dục dường như là mối quan tâm hàng đầu khi nói đến lòng chung thủy. Nhưng thực tế, mối đe doạ lớn nhất đối với sự chung thủy lại là ngoại tình cảm xúc. Vậy, ngoại tình cảm xúc là gì? Đó là khi một người tham gia vào cái gọi là “mối quan hệ cảm xúc ngoài luồng”, tức là khi họ trở nên thân mật về mặt tình cảm với người khác ngoài bạn đời, đến mức mối gắn kết đó ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ chính.

 

Ngoại tình, về bản chất, là để thỏa mãn những nhu cầu cá nhân. Không có ngoại lệ, khi có sự ngoại tình, tức là có một hoặc nhiều nhu cầu của người đó không được đáp ứng trong mối quan hệ hiện tại. Vì thế, họ tìm cách thoả mãn những nhu cầu đó bên ngoài, theo những cách làm tổn hại đến chính mối quan hệ mà họ đang có. Ví dụ, nếu ta cảm thấy thiếu tự tin, ta có thể tán tỉnh người khác để được ngưỡng mộ, nhằm lấp đầy nhu cầu ấy. Nếu ta mong muốn một người duy nhất có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của mình, thì nguy cơ ngoại tình lại càng cao, vì điều đó đặt một gánh nặng quá lớn lên bạn đời.

 

Họ sẽ không thể làm được điều đó, và ta sẽ đi tìm sự thoả mãn ở nơi khác. Không ai có thể mãi ở trong trạng thái tự phủ nhận nhu cầu bản thân, và đó là lý do vì sao ta cần rõ ràng về những nhu cầu nào nhất định phải được đáp ứng bởi bạn đời. Nhưng bạn cần nhớ một điều quan trọng về nhu cầu: bạn không đến thế giới này để phủ nhận chúng. Dù bạn có cố gắng đến mấy, bạn cũng không thể chối bỏ nhu cầu và ham muốn của mình.

 

Vì vậy, điều thực sự quan trọng ở đây không phải là cố gắng dạy bản thân hay người khác từ bỏ nhu cầu của mình. Không phải chuyện đúng sai của nhu cầu. Mà là: làm sao để trong mối quan hệ của mình, bạn có thể sáng tạo ra những cách để thỏa mãn các nhu cầu đó theo hướng có lợi thay vì phá hoại mối quan hệ.

 

Một rào cản rất lớn mà ta thường gặp khi nói đến sự chung thủy, đó là khi cuộc trò chuyện chuyển sang hướng đạo đức. “Đạo đức” là sự phân định đúng – sai, tốt – xấu. Nhưng đừng bước vào lãnh địa đó, vì nó hoàn toàn mang tính chủ quan và bị ảnh hưởng mạnh bởi văn hóa. Thay vào đó, tôi muốn bạn tiếp cận vấn đề nhu cầu chung thủy như những sở thích cá nhân, không nhất thiết là đúng hay sai, nhưng đều có giá trị.

 

Chúng ta cần đạt được sự đồng thuận trong mối quan hệ, một sự thỏa thuận được cả hai bên chấp nhận. Nói cách khác, chúng ta cần thiết lập ranh giới của sự chung thủy trong mỗi mối quan hệ, dù là tình bạn hay tình yêu, càng sớm càng tốt. Điều này tạo nên một khuôn khổ hành xử trong mối quan hệ.

 

Nó là nền tảng của niềm tin, và niềm tin rất dễ bị phá vỡ một cách vô tình nếu đôi bên không có một sự hiểu biết chung về khái niệm “chung thủy”. Trong chuyện này, giao tiếp không chỉ quan trọng, mà là thiết yếu. Thiết yếu tới 100%. Nó là tất cả.

 

Rõ ràng, chủ đề chung thủy có liên hệ mật thiết với sự ghen tuông. Vì vậy, đừng lo, tôi sẽ làm một tập riêng nói về ghen tuông và đố kỵ trong thời gian tới. Chung thủy là khi cả hai người đồng thuận về các ranh giới trong mối quan hệ của mình. Hãy tưởng tượng mối quan hệ như một thực thể thứ ba. Khi bạn và người kia bên nhau, hai người cần cùng nhau thiết lập ranh giới cho thực thể thứ ba này.

 

Ví dụ, một người có thể xem việc trút bầu tâm sự về mối quan hệ với người khác là phản bội, trong khi người kia thì không. Điều này lại mở ra cánh cửa cho việc phá vỡ lòng tin. Vì thế, điều quan trọng là phải đạt được sự đồng thuận về điều đó ngay trong mối quan hệ. Chỉ bạn và người kia mới biết chính xác điều gì được xem là “ngoại tình” trong mối quan hệ của mình. Hãy bỏ qua định kiến của xã hội.

 

Chúng ta cần bắt đầu thiết kế và thiết lập các ranh giới cho mối quan hệ. Càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, tôi phải nói trước rằng, nhiều khi ta chỉ biết ranh giới nằm ở đâu sau khi nó bị vi phạm. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu bạn chỉ nhận ra ranh giới của mối quan hệ sau khi niềm tin hoặc cảm giác gắn bó bị tổn hại. Nhưng thay vì nổi giận khi điều đó xảy ra, tôi muốn bạn xem đây là cơ hội để xác định ranh giới và làm cho niềm tin trở nên vững chắc hơn trong tương lai.

 

Thiết lập ranh giới ngay từ đầu là cách làm tốt nhất. Bởi vì, như nhiều người trong chúng ta đã trải nghiệm, có những ranh giới bị vượt qua khiến mối quan hệ không thể hồi phục, ít nhất là với một số người. Chính vì vậy, việc xác định các khu vực dễ bị vi phạm trước khi điều đó xảy ra là cực kỳ quan trọng. Nói cách khác, chúng ta cần xác định “luật chơi” mà cả hai sẽ tuân theo. Điều này giúp tránh cảm giác như thể mình đang bước đi trên một bãi mìn mà không biết đâu là chỗ nguy hiểm.

 

Bạn biết chính xác kiểu quan hệ đó cảm giác ra sao. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc thiết lập ranh giới cá nhân, thì một cách để phát triển ranh giới lành mạnh trong mối quan hệ là bắt đầu từ ranh giới với chính bản thân. Vì vậy, tôi muốn bạn xem video YouTube có tiêu đề: “Cách phát triển ranh giới lành mạnh” (Teal Swan Transcripts 097).

 

Để xác định ranh giới trong một mối quan hệ, bạn cần giao tiếp. Bạn phải nói ra sở thích, mong muốn của mình và xem liệu có thể đạt được sự thỏa hiệp ở những khía cạnh nào trong cuộc sốn,nơi mà lòng tin dễ bị tổn hại.

 

Ví dụ: cách cư xử, sự riêng tư, thời gian dành cho nhau và cách giải quyết mâu thuẫn. Hãy cố gắng cụ thể nhất có thể. Nếu đang thảo luận về ranh giới liên quan đến việc tán tỉnh người khác, đừng nói chung chung như “không được tán tỉnh”. Hãy làm rõ: kiểu tán tỉnh nào được chấp nhận và kiểu nào thì không. Nếu bạn không cho phép bất kỳ hình thức tán tỉnh nào, hãy định nghĩa rõ “tán tỉnh” là gì dưới góc độ hành động cụ thể.

 

Ví dụ: một ranh giới rõ ràng có thể là “không chạm vào người khác” hoặc “không giao tiếp bằng ánh mắt gợi cảm với người khác”. Tôi khuyên bạn, khi bắt đầu một mối quan hệ mới, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là cùng nhau trả lời bảng câu hỏi về sự tương thích. Càng chi tiết và càng khó chịu, càng tốt, miễn là bạn sẵn sàng nói ra sự thật của mình thay vì những gì bạn nghĩ người kia muốn nghe.

 

Tin tôi đi, sau khi bạn trải qua đủ nhiều mối quan hệ đau đớn, bạn sẽ nhận ra rằng biết mình không phù hợp với ai đó trước khi cam kết thì tốt hơn rất nhiều. Những bảng câu hỏi này có thể giúp phơi bày những khu vực tiềm ẩn nguy cơ ngoại tình trong tương lai.

 

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, điều rất quan trọng là phải cởi mở với ý tưởng rằng: các ranh giới trong mối quan hệ có thể thay đổi theo thời gian. Giống như cá nhân mỗi người sẽ phát triển và thay đổi, thì “mối quan hệ”, bên thứ ba ấy, cũng sẽ trải qua quá trình tiến hóa.

 

Giờ thì chúng ta đi đến một khía cạnh rất thú vị của chủ đề chung thủy: chế độ một vợ một chồng và đa thê. Trong phạm vi của video này, hãy định nghĩa “chế độ một vợ một chồng” là sự thân mật chỉ với một người, và “đa ái” (đa thê) là sự thân mật với nhiều người. Thân mật không chỉ là tình dục.

 

Tình dục có thể là một phần của sự thân mật, hoặc hoàn toàn không liên quan. Khi ta nói đến thân mật, ta đang nói đến việc bước vào thế giới nội tâm của ai đó. Nhìn thấu họ. Và chia sẻ bản thân mình với người khác.

 

Vì vậy bạn thấy đấy, hầu hết mọi người trên Trái Đất không hoàn toàn theo chế độ một vợ một chồng, cũng không hoàn toàn theo kiểu đa ái. Phần lớn mọi người thực chất là sự pha trộn của cả hai.

 

Để đơn giản hóa điều tôi muốn nói, hãy tưởng tượng tên của mỗi người được viết ở đầu một tờ giấy. Và bên dưới tờ giấy đó là một loạt các ô để đánh dấu, giống như kiểu chọn “có” hoặc “không”, với các mục như “đa ái” hay “một vợ một chồng” trong từng khía cạnh của một mối quan hệ. Tùy từng lĩnh vực khác nhau trong mối quan hệ, mỗi người sẽ có xu hướng nghiêng về một vợ một chồng hay đa ái.

 

Ví dụ, một người có thể chung thuỷ về mặt tình cảm lãng mạn, nhưng lại đa ái trong việc chia sẻ những chi tiết sâu kín về bản thân và những nỗi sợ thẳm sâu. Người khác có thể một vợ một chồng cả về mặt tình dục lẫn trong việc chia sẻ những điều thân mật và nỗi sợ nội tâm.

 

Mâu thuẫn về sự thân mật trong các mối quan hệ nảy sinh khi có sự không tương thích giữa các “ô lựa chọn” này trong từng lĩnh vực. Những “ô” này thường rơi vào ba nhóm chính: cảm xúc, tinh thần và thể xác. Khi một người đa ái về tình dục, đó thuộc nhóm đa ái thể xác. Còn khi một người cam kết sống cởi mở và minh bạch, điều đó rơi vào nhóm đa ái cảm xúc, thậm chí là tinh thần.

 

Hãy nhận thức rằng đôi khi ta áp dụng tiêu chuẩn kép lên bạn đời khi đánh dấu những “ô” này. Ý tôi là, có những lĩnh vực mà ta cho phép bản thân sống đa ái, nhưng lại kỳ vọng bạn đời phải giữ sự chung thủy tuyệt đối trong cùng lĩnh vực đó.

 

Cần phải nói rằng, phần lớn những người theo con đường tâm linh thực ra là người sống đa ái về mặt cảm xúc. Và nếu bạn là người sống trong một cộng đồng có chủ đích, thì ít nhất bạn cũng đang thực hành một dạng của đa ái cảm xúc.

 

Tuy nhiên, vẫn hoàn toàn có thể sống đa ái cảm xúc mà không phản bội bạn đời, miễn là người bạn đời ấy không đòi hỏi bạn phải hoàn toàn chung thuỷ về mặt cảm xúc để họ cảm thấy an toàn hoặc có sự gắn bó từ bạn.

 

Thực tế, khi chúng ta có con trong một mối quan hệ, chúng ta đã bắt đầu thực hành một dạng của đa ái rồi.

 

Điều này vô cùng quan trọng để hiểu: ngoại tình và đa ái là hai điều hoàn toàn khác nhau.

 

Ngoại tình là khi ta phá vỡ sự gắn bó. Đây là điều mà ta thường gọi là “lừa dối” hay “vụng trộm”. Thay vì bao gồm người khác trong tình yêu của mình, ta lại loại trừ một người ra khỏi tình yêu đó, cụ thể là bạn đời. Ta gạt họ ra ngoài, để họ đứng bên lề. Và như thế là vi phạm mối quan hệ.

 

Chính vì vậy, sự bí mật là yếu tố then chốt trong ngoại tình. Nếu bạn cảm thấy mình cần phải giấu hoặc giữ bí mật điều gì đó khỏi một người khác, đặc biệt là bạn đời, bạn có thể chắc chắn rằng mình đã rơi vào vùng ngoại tình rồi.

 

Tùy theo định nghĩa của bạn về sự chung thủy, bất kỳ điều gì bạn làm mà gây tổn hại đến sự kết nối giữa bạn và người kia đều có thể được xem là một dạng ngoại tình. Và chính vì vậy, việc giao tiếp rõ ràng về định nghĩa của bạn đối với ngoại tình là vô cùng thiết yếu. Cần phải xác định rõ điều gì được xem là làm tổn hại đến sự kết nối, và điều gì thì không.

 

Sự minh bạch hoàn toàn, sự chân thật và sẵn sàng thỏa hiệp trong lĩnh vực này là điều cần thiết để tạo ra một cấu trúc chung thủy an toàn trong mối quan hệ. Việc thiết lập cấu trúc an toàn đó thường được các nhà trị liệu gọi là “bong bóng đôi lứa”. Nhưng chỉ có bạn và người kia mới biết được các thông số của cái bong bóng ấy là gì, điều gì sẽ làm nó vỡ, và điều gì giúp duy trì nó.

 

Thỏa hiệp là khi ta từ bỏ điều gì đó quan trọng để đổi lấy điều mà ta cho là quan trọng hơn. Rõ ràng, nếu bạn từ bỏ một điều gì đó quý giá để lấy một điều còn quý giá hơn, thì bạn xem đó là một cuộc trao đổi xứng đáng. Vì bạn trân trọng điều mà bạn nhận được. Và vì thế, điều đó không dẫn đến sự oán giận bên trong.

 

Tuy nhiên, nếu bạn cố từ bỏ điều mình cực kỳ quý trọng để đổi lấy thứ mà bạn thấy không đáng giá bằng, bạn sẽ sinh ra oán giận. Và đó không phải là một sự thỏa hiệp lành mạnh, đó là sự hy sinh.

 

Cần nhận ra rằng, khi nhiều người nói “thỏa hiệp”, điều họ thực sự đang nói là “hy sinh”. Hy sinh không phải là một đức tính. Nó sẽ không đưa bạn đến đâu cả, ngoài trừ cảm xúc đau đớn, và cảm giác căm ghét những người xung quanh vì mình đã phải gánh chịu điều đó.

 

Vì vậy, khi xây dựng các mối quan hệ, chúng ta cần phải cực kỳ trung thực và cởi mở với chính mình và với người khác về mức độ tương thích. Nếu hai người có cấu trúc niềm tin không tương thích về sự chung thủy, về đa ái hay một vợ một chồng, và nếu mức độ không tương thích ấy là quá lớn, người kia sẽ có cảm giác như thể họ đang phải từ bỏ điều gì đó quý giá để đổi lấy thứ gì đó không đáng giá bằng. Và họ sẽ oán giận bạn vì điều đó. Và mối quan hệ sẽ không thể tồn tại nếu có oán giận như thế.

 

Chúng ta thường phát triển mối quan hệ mà không hề xét đến mức độ tương thích. Ta yêu, và nghĩ rằng số phận đã được định đoạt. Nhưng những khác biệt sâu sắc về mức độ thân mật và sự chung thủy hiếm khi có thể vượt qua được, vì hầu hết không thể được giải quyết thông qua thỏa hiệp mà làm hài lòng cả hai bên.

 

Thường thì cả hai bên sẽ phải hy sinh, thay vì thỏa hiệp, và điều đó dẫn đến mất niềm tin, oán giận, và mất kết nối. Chúng ta dễ bị cuốn vào niềm tin rằng “tình yêu có thể vượt qua tất cả” trong một mối quan hệ. Nhưng nếu bạn đang tin vào điều đó, có lẽ bạn nên xem video của tôi với tiêu đề: “Liệu tình yêu có đủ không?” (Teal Swan Transcripts 162) trước khi bạn thật sự quyết định.

 

Các chuyên gia về mối quan hệ cứ lặp đi lặp lại rằng: giao tiếp là chìa khóa tuyệt đối để có một mối quan hệ tốt đẹp.

 

Tại sao họ lại cứ nói điều đó? - Vì đó là sự thật 100%, đặc biệt là trong vấn đề ngoại tình. Nếu ta không giao tiếp, ta đã đặt bạn đời vào thế thất bại, và mối quan hệ không có cơ hội để tồn tại. Chúng ta đang dẫn mối quan hệ đến chỗ thất bại nếu ta kỳ vọng bạn đời sẽ hiểu và tuân theo định nghĩa của mình về sự chung thủy, mà không hề truyền đạt rõ ràng.

 

Chúng ta phải nói cho người kia biết, đặc biệt là người yêu hoặc bạn đời, khi nào nhu cầu của mình không được đáp ứng hoặc ranh giới của mình đang bị vi phạm, và cho cả hai cơ hội để cùng xử lý, tìm cách thỏa mãn nhu cầu đó một cách lành mạnh.

 

Điều này cũng áp dụng với con cái của chúng ta. Là cha mẹ, chúng ta thường vô tình “ngoại tình” với con mình, tức là phá vỡ sự trung thành với chúng mà không hề hay biết. Và chính điều đó khiến con cái bước vào các mối quan hệ khi lớn lên với vấn đề ngoại tình là điều hiển nhiên.

 

Chúng ta cần xem xét lại mối quan hệ giữa mình và con cái. Cách tốt nhất là tưởng tượng hoặc giả định mình đang ở trong góc nhìn của đứa trẻ, đang tương tác với bạn như một người cha hay mẹ. Quan sát bản thân từ góc nhìn đó, và xem thử bạn có đang phản bội sự trung thành hoặc ủng hộ đối với chúng không, nơi mà sự gắn bó bị đứt gãy một cách rõ ràng.

 

Nói cách khác, bạn có thể nhìn thấy những lúc mà bạn không còn chung thủy với con mình không, vì bạn đã ngừng ủng hộ và không còn trung thành với chúng?

 

Ví dụ, có thể bạn từng đứng về phía anh chị em của chúng trong một cuộc tranh cãi, và chúng cảm thấy bị phản bội. Chúng có quan sát thấy ngoại tình giữa bạn và người bạn đời không?

 

Khả năng rất cao là bạn sẽ mắc sai lầm trong một mối quan hệ. Vì vậy, thay vì cố gắng không bao giờ mắc sai lầm, thay vì cố bám vào việc duy trì sự chung thủy tuyệt đối, tôi muốn bạn chú tâm hơn vào việc chữa lành sau khi những sai lầm đã xảy ra.

 

Đổ vỡ trong một mối quan hệ là điều không thể tránh khỏi. Việc chữa lành sau đổ vỡ là điều thiết yếu nếu bạn muốn xây dựng một mối quan hệ có sự an toàn bền vững. Vì vậy, việc tạo ra sự chữa lành sau khi mối quan hệ bị rạn nứt chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến lòng chung thủy và tình cảm.

 

Hãy dùng những sai lầm trong mối quan hệ như cơ hội để xác lập ranh giới, và sau đó hành xử phù hợp với những ranh giới ấy để xây dựng niềm tin sâu sắc hơn trong mối quan hệ.

 

Và như mọi khi, hãy đảm bảo rằng bạn cũng đang giữ sự chung thủy với chính mình. Đảm bảo rằng bạn tiếp tục ủng hộ và trung thành với bản thân mình.

 

Chúc bạn một tuần thật tốt lành.

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=NLJy35BYrN4

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.