Teal Swan Transcripts 192 - GIẤC MƠ (Giấc mơ là gì và Làm sao để hiểu chúng)

 

Teal Swan Transcripts 192


GIẤC MƠ (Giấc mơ là gì và Làm sao để hiểu chúng)

 

15-08-2015




Xin chào mọi người. Vì đây là một yêu cầu khá phổ biến, nên hôm nay tôi sẽ nói với bạn về giấc mơ. Một giấc mơ là chuỗi những suy nghĩ, hình ảnh và cảm giác xuất hiện khi bạn đang ngủ. Nhưng chính xác thì giấc mơ là gì?

 

Khi chúng ta ngủ, ý thức của chúng ta quay trở về với góc nhìn phi vật chất. Nó rút khỏi sự chú ý vào vật chất. Khi mơ, về bản chất, chúng ta đang trải nghiệm một cuộc du hành ngoài thân xác. Chúng ta đang trải nghiệm một thực tại chiều không gian tần số cao hơn, một chiều không gian chứa bản thiết kế của những gì đang trong quá trình biểu hiện. Chúng ta đang ở trong trạng thái xuất vía, dù không phải là trạng thái có ý thức.

 

Vì vậy, chúng ta hòa nhập vào thế giới trong mơ. Cho đến khi chúng ta học được cách mơ sáng suốt, lúc đó chúng ta sẽ nhìn thế giới mộng cảnh qua con mắt của góc nhìn vĩnh cửu, góc nhìn đã không còn đồng nhất với thế giới tư tưởng của giấc mơ. Đây là điều tốt, bởi vì nếu chúng ta không xuất vía, ít nhất là ở một mức độ nào đó, thì cơ thể của chúng ta sẽ diễn lại mọi thứ xảy ra trong giấc mơ, và thành thật mà nói, điều đó sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta. Trong mơ, vì ý thức tách rời khỏi cơ thể, nên phần não bộ điều khiển vận động sẽ bị vô hiệu hóa. Mặc dù bạn có cảm giác như đang mơ suốt cả đêm, đó chỉ là góc nhìn tuyến tính của não về thời gian.

 

Thực chất, điều đang xảy ra là khi bạn đi vào giấc ngủ, bạn đang rút ý thức của mình trở về góc nhìn của Nguồn. Khi bạn quay trở lại ý thức vật chất, bạn phải để ý thức mình đi xuyên qua và trở thành bản thể rung động tương đương với từng tầng thực tại chiều không gian cao hơn. Khi bạn chạm vào một cảnh trong mơ, bạn thường đang ở trong thực tại chiều thứ năm hoặc thứ sáu. Và khi bạn hòa nhập với các tần số đó, chúng sẽ được “tải xuống”, và não bộ bạn sẽ bắt đầu dịch các dữ liệu đó. Nói cách khác, rung động đang được tải xuống và được dịch lại để tâm trí có thể hiểu, và chúng ta gọi những bản dịch này là “giấc mơ”.

 

Giấc mơ đích thực là phản ánh trực tiếp của những gì đang diễn ra trong bạn ở cấp độ rung động. Khi bạn đi ngủ, bạn không còn ở trong trạng thái chủ động tạo dựng thực tại. Nhưng những điều bạn đang tạo ra vẫn còn hoạt động bên trong bạn. Những gì bạn nghĩ, những cảm xúc bạn cảm thấy trong cuộc sống khi thức, và những gì biểu hiện trong thực tại, luôn luôn tương ứng với nhau. Giấc mơ của bạn cũng luôn là sự phù hợp rung động với những gì bạn đã nghĩ và cảm thấy.

 

Thực tế, giấc mơ là bản xem trước của thực tại trước khi nó được biểu hiện. Chúng là công cụ tuyệt vời giúp bạn nhận biết điều gì sắp được tạo ra. Bất cứ điều gì bạn tập trung vào hoặc chú ý đến đều có thể biểu hiện thành giấc mơ. Bởi vì trong khi ngủ bạn không còn kháng cự, đó chính là chức năng của giấc ngủ, giúp bạn buông bỏ sự kháng cự. Bạn không còn tự trách mình, không còn cố gắng thuyết phục bản thân rằng thực tại khác với những gì nó vốn có. Lúc này, bạn có khả năng nhìn thấy thực tại, hay đúng hơn là thực tại rung động của bạn, đúng như bản chất của nó.

 

Trong thời gian mơ, tâm trí tiềm thức của bạn, nơi chứa những điều bạn không biết là mình không biết, có thể được hé lộ vì bạn không còn sự kháng cự trong trạng thái ngủ. Đây là lý do tại sao nhiều nhà tâm lý học nổi tiếng xem giấc mơ như cánh cửa sổ vào tâm trí tiềm thức. Người đang ngủ sẽ mơ về những gì họ gặp phải trong cuộc sống, đặc biệt là những mối quan tâm cảm xúc. Tuy nhiên, trong giấc mơ, các rung động này sẽ diễn ra như những phản ánh chính xác. Điều này nghĩa là tâm trí bạn sẽ chọn cấu trúc cho các giấc mơ sao cho tương ứng nhất với chính rung động đó.

 

Những kỳ vọng, và do đó là niềm tin trong thế giới trong mơ, khác với khi tỉnh thức, đó là lý do chúng biểu hiện như vậy. Nói cách khác, trong đời thực, không ai mong chờ một con kỳ lân sẽ xuất hiện. Thậm chí niềm tin chung là chúng không thể xuất hiện, nên chúng sẽ không xuất hiện. Nhưng kỳ vọng đó không tồn tại trong thế giới trong mơ. Vì vậy, rung động của bạn có thể biểu hiện ra y nguyên như nó vốn có.

 

Điều đó có nghĩa là, nếu một con kỳ lân là sự tương ứng gần nhất về rung động với bất cứ điều gì bạn đang mang bên trong, nó có thể xuất hiện trong mộng cảnh, dù nó không thể hiện ra trong đời thực hữu hình. Một ví dụ khác về cách mà tâm trí bạn sẽ chọn cấu trúc tương ứng chính xác với rung động bạn đang mang có thể thấy qua tình huống sau: giả sử sếp của bạn khiến bạn cực kỳ khó chịu và cảm thấy hoàn toàn bất lực mỗi khi ông ấy bước vào văn phòng, bạn chỉ muốn tránh xa ông ta. Trong giấc mơ, sự tương ứng gần nhất với cảm giác thực sự bạn có về ông sếp đó có thể là bạn đang cố chạy trốn khỏi một con cá sấu đang cố ăn thịt bạn.

 

Vì thế, bạn sẽ mơ về một con cá sấu mà không hề nhận ra rằng nó tượng trưng cho sếp của bạn. Trong đời sống tỉnh thức, có thể bạn không sẵn sàng thừa nhận rằng bạn thực sự sợ ông ta. Có thể bạn đang căng cứng chống lại nhận thức về nỗi sợ đó bằng cách cho rằng cảm thấy tệ với người có quyền lực là bình thường, hoặc bạn chỉ đang cố tránh né ông ta bằng mọi giá. Nhưng giấc mơ đó tồn tại để giúp bạn đối diện với điều mà bạn không muốn thừa nhận. Vậy mục đích của “bản xem trước” này là gì?

 

Trong thời gian mơ, như đã nói, bạn có thể thấy rõ các rung động của mình đang được “diễn ra”. “Diễn ra” là từ khóa. Mọi thứ trong vũ trụ này đều được thiết kế cho sự mở rộng. Giấc ngủ cũng không ngoại lệ. Cơ thể con người là một công cụ phục vụ cho sự mở rộng, và nó rất hiệu quả trong nhiệm vụ đó.

 

Thế nên điều đang diễn ra là một hình ảnh ba chiều học tập, giúp tạo điều kiện cho sự mở rộng của toàn vũ trụ. Đó là chức năng của nhận thức về không gian và thời gian tuyến tính. Vì vậy, giấc mơ hỗ trợ chúng ta tích hợp ký ức, giải quyết vấn đề, và xử lý cảm xúc. Đây là lý do tại sao khi con người mơ về một công việc họ đang làm trong đời sống tỉnh thức, họ sẽ thức dậy và có thể làm tốt công việc đó hơn.

 

Có hai giai đoạn ngủ rất rõ rệt. Các nhà khoa học gọi đó là giấc ngủ Không REM và giấc ngủ REM. Ngủ không REM liên quan đến quá khứ, trong khi ngủ REM liên quan đến tương lai. Trong mơ không REM, chúng ta đang xử lý quá kh, chúng ta dùng quá khứ để học hỏi theo cách có lợi cho tương lai.

 

Trong chu kỳ REM, chúng ta kết nối giữa quá khứ và những thay đổi hoặc điều chỉnh mà chúng ta muốn thực hiện để tạo ra một tương lai khác. Đây là giai đoạn mô phỏng sự sáng tạo trong giấc ngủ, nơi chúng ta lấy những gì đã học được trong trạng thái không REM và dùng nó để tạo ra điều gì đó mới. Chúng ta giải quyết vấn đề. Chúng ta cố gắng kết nối quá khứ với tương lai theo cách có lợi cho sự tiến hóa của mình.

 

Ví dụ, trong giấc ngủ không REM, bạn có thể mơ về việc trượt tuyết. Sau đó, khi bước vào chu kỳ REM, bạn có thể mơ thấy mình bị cuốn vào một trận lở tuyết và bị mắc kẹt. Và cảm giác bị kẹt đó có thể phản ánh một tình huống trong đời sống hàng ngà, có thể là cảm giác bạn đang mắc kẹt trong chính ngôi nhà của mình. Và trong giấc mơ, bạn sẽ tìm cách thoát ra khỏi tình huống bị mắc kẹt trong tuyết đó. Và bằng cách làm điều đó ở cấp độ rung động, bạn thực sự đang dạy chính mình cách để thoát ra khỏi trạng thái mắc kẹt đó, nhờ vậy mà điều này sẽ có ích cho đời sống thực của bạn, giúp bạn giải phóng bản thân và trở nên tự do hơn. Những giấc mơ như gương phản chiếu, hơn bất kỳ loại giấc mơ nào khác, là các buổi diễn tập mô phỏng mối đe dọa, để bạn sẵn sàng sinh tồn nếu tiếp tục gặp phải mối đe dọa tương tự trong đời sống khi thức.

 

Khi bạn đang mơ, như tôi đã nói trước đó, bạn chủ yếu đang tương tác với các thực tại chiều thứ năm và thứ sáu. Điều này nghĩa là khi bạn ở trong những tầng thực tại đó, bạn thường sẽ tương tác với những thực thể hoặc những dạng tư tưởng có rung động ở tần số của chiều thứ năm hoặc thứ sáu.

 

Vì vậy, đúng vậy, cảnh mơ của bạn có thể là nơi bạn tương tác với các linh thể. Khi bạn đang có một giấc mơ đích thực, điều đang xảy ra là bạn đã rời khỏi cơ thể vật chất và đang tương tác với chính những vùng cảnh giới tư tưởng của mình, thực tại rung động của chính bạn, đang xuất hiện một cách biểu tượng và đầy ý nghĩa, để bạn có thể dùng nó phục vụ cho sự mở rộng của chính mình. Và dĩ nhiên, điều đó có thể rất hữu ích nếu các vị hướng dẫn tinh thần của bạn tương tác với bạn thông qua những cấu trúc đó.

 

Trong nhiều năm, giới khoa học đã tranh luận về việc liệu giấc mơ có ý nghĩa gì không, hay chỉ đơn thuần là kết quả của những xung động ngẫu nhiên diễn ra trong não bộ.

 

Nhưng tôi sẽ nói với bạn từ góc nhìn của tôi: giấc mơ luôn luôn có ý nghĩa, 100%. Và có lý do tại sao chúng ta có thể giải mã ý nghĩa này một cách biểu tượng, đặc biệt là xuyên suốt các nền văn hóa. Đó là vì con người, bởi họ có những rung động khá tương đồng, thường có xu hướng liên kết những điều giống nhau với cùng một biểu tượng.

 

Ví dụ, hầu như ai cũng liên tưởng động đất với bi kịch, bất ổn, bất an và cảm giác bất lực. Vì thế, mơ thấy động đất có thể tượng trưng rằng bạn đang trải nghiệm một điều gì đó có liên quan đến bi kịch, sự bất ổn, bất an hay bất lực trong cuộc sống của bạn.

 

Điều này có thể đúng với tất cả mọi người, bất kể họ lớn lên trong nền văn hóa nào. Vậy thì tại sao việc giải mã giấc mơ theo cách tượng trưng này lại hiệu quả đối với rất nhiều nền văn hóa, thậm chí có thể chính xác cao trong lĩnh vực tiên tri? Như tôi đã nói trước đó, giấc mơ là bản xem trước của thực tại sẽ được biểu hiện. Chúng, về bản chất, là thực tại rung động tiền biểu hiện.

 

Vì vậy, giả sử bạn mơ thấy động đất, một biểu tượng cho rung động của bất an và các rung động liên quan. Điều đó có nghĩa là bạn đang mang một rung động tương ứng với những trải nghiệm đó. Nếu có ai đó giải mã giấc mơ đó và nói rằng bạn sắp trải qua mất mát hoặc bi kịch, thì điều họ thực sự đang làm là nhìn thấy bản xem trước của thực tại bạn đang hướng đến, và nói cho bạn biết rằng ngay lúc này, bạn đang là một sự tương hợp rung động với điều đó.

 

Nếu bạn muốn biết tổng thể rung động trong cuộc sống của mình ra sao, hãy nhìn vào các chủ đề trong giấc mơ của bạn, đặc biệt là các giấc mơ lặp đi lặp lại. Vậy hãy thử nhìn vào loại giấc mơ bạn thường có. Giả sử trong hầu hết giấc mơ, bạn luôn thấy mình hoàn toàn cô độc, hoặc mọi người chẳng ai để ý đến bạn cả. "Cô đơn", vì vậy, là một chủ đề trong thực tại rung động của bạn.

 

Hoặc có thể bạn liên tục chạy trốn để giữ mạng sống trong mơ. Điều đó có thể nghĩa là bạn cảm thấy không an toàn trong đời sống tỉnh thức, vì cảm giác nguy hiểm là một chủ đề liên tục trong cảnh giới tư tưởng của bạn. Hoặc bạn thường bay lượn trong giấc mơ. Và nếu điều đó không chỉ là cách não bộ diễn giải cảm giác chuyển động ra khỏi thân thể, thì có thể điều đó nghĩa là trong đời thực, bạn cảm thấy tự do, hoặc có một khao khát mạnh mẽ được thoát khỏi áp lực.

 

Chúng ta phải nhớ rằng khao khát là một rung động rất mạnh bên trong bạn. Và vì vậy, nếu giấc mơ là thực tại tiền biểu hiện, thì dĩ nhiên bạn sẽ được sống trọn hoặc diễn ra nhiều điều bạn khao khát trong thế giới tư tưởng của mình, nếu như chúng đủ mạnh.

 

Nhiều người không nhớ được giấc mơ của họ. Thường thì đó là vì bản ngã đang phủ nhận một điều gì đó liên quan đến trạng thái rung động thật sự của nó. Thường là từ tầng tâm trí tiềm thức.

 

Rất hiếm khi, những người đã trải qua một trạng thái giác ngộ thực sự có thể ngừng nhớ giấc mơ hoặc thậm chí ngừng có giấc mơ. Bởi vì trong trạng thái bình yên đó, trạng thái là kết quả của việc hoàn toàn buông bỏ sự kháng cự, quá trình mở rộng không còn diễn ra nữa, và vì vậy giấc mơ cũng mất chức năng.

 

Nhưng phần lớn thời gian, khi tần số của bạn càng cao, thì việc nhớ giấc mơ càng trở nên dễ dàng hơn, bởi vì việc “dịch” giữa các thực tại chiều cao và các thực tại chiều thấp này dễ hơn khi các tần số gần nhau hơn. Giống như bạn chỉ cần xoay nút radio 2 độ thay vì 18 độ để bắt đúng tần số.

 

Vậy thì bạn có thể làm gì với giấc mơ của mình, khi mà tôi vừa thuyết phục bạn rằng giấc mơ vô cùng quan trọng?

 

Điều đầu tiên, tôi muốn bạn bắt đầu ghi nhật ký giấc mơ. Ngay khi bạn thức dậy, hãy viết xuống bất cứ chi tiết nào bạn có thể nhớ về những giấc mơ trong đêm vừa qua. Hãy chú ý đến cảm xúc của bạn đối với những gì bạn đã trải nghiệm trong giấc mơ. Cảm xúc chính là manh mối tốt nhất để bạn hiểu được ý nghĩa thực sự của những giấc mơ ấy, đặc biệt là những gì chúng tượng trưng.

 

Tuy nhiên, cách yêu thích nhất của tôi để tương tác với giấc mơ, và cũng là cách chính xác nhất để giải mã, đó là trải nghiệm cảm nhận từ nhiều góc nhìn.

 

Bắt đầu bằng cách viết lại giấc mơ trong thì hiện tại, như thể nó đang diễn ra ngay lúc này. Thay vì viết "tôi đã đi đến đó", bạn viết "tôi đang đi đến đó". Sau đó, bạn nhập vai vào từng yếu tố quan trọng trong giấc mơ. Bạn trải nghiệm và thể hiện góc nhìn của từng phần trong giấc mơ như thể bạn là nó, và tất cả đều đang xảy ra ngay bây giờ.

 

Ví dụ, giả sử tôi có một giấc mơ về một con cá sấu trong đầm lầy. Bên cạnh đầm lầy đó là một căn chòi cũ kỹ đang sụp đổ. Và trong mơ, con cá sấu đó ăn cha tôi. Trước hết, tôi sẽ ghi lại cảm nhận và nhận thức của mình trong vai chính tôi, Teal trong giấc mơ.

 

Sau đó, tôi sẽ chuyển sang góc nhìn của đầm lầy, có thể cảm nhận sẽ như thế này: “Tôi là đầm lầy. Tôi cổ xưa và chất chứa buồn thương. Tôi cô đơn và mọi người ghê sợ tôi. Tôi muốn Teal bước vào làn nước của tôi. Cá sấu là người bạn duy nhất của tôi.”

 

Rồi tôi chuyển sang nhập vai căn chòi, sau đó là con cá sấu, rồi người cha bị ăn thịt, v.v.

 

Bạn làm điều này với càng nhiều yếu tố càng tốt, để nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Và rồi, hãy xem điều đó thay đổi nhận thức của bạn về giấc mơ như thế nào.

 

Mỗi yếu tố trong giấc mơ là một biểu hiện của chính bạn, và là cách bạn đang nhìn nhận cuộc sống. Nói cách khác: mỗi phần trong giấc mơ chính là người mơ.

 

Không có cách nào là sai trong quá trình này. Đây là một cuộc khám phá tâm trí tiềm thức. Và việc làm này sẽ giúp bạn tái hòa nhập với những phần bị chia tách trong chính mình.

 

Nếu bạn muốn mơ về điều gì đó cụ thể, bạn hoàn toàn có thể làm điều đó. Tất cả những gì bạn cần là đặt hẹn giờ và tập trung vào điều bạn muốn mơ trong 5 phút liên tục trước khi đi ngủ. Sau đó, bạn hãy nói với chính mình: “Tôi muốn mơ về…” (điền vào chủ đề bạn muốn mơ).

 

Loại giấc mơ có chủ đích này thực tế chính là nguyên nhân dẫn đến rất nhiều phát minh trên hành tinh này. Bạn cũng có thể sử dụng cách này để mơ về những câu hỏi bạn muốn có câu trả lời.

 

Giấc mơ là một phần vô giá trong cuộc sống của chúng ta. Chúng là cánh cửa sổ dẫn vào thực tại tiềm thức, thế giới nội tâm của chúng ta. Chúng là phương tiện giúp chúng ta tiến hóa và trở nên có ý thức hơn. Và tất cả chúng ta đều mơ, dù ta có nhớ hay không.

 

Thật ra, một giấc mơ chưa hoàn tất thì được gọi là… cuộc đời.

 

Chúc bạn một tuần mới tốt lành.

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=sMewKknfVJM

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.