Teal Swan Transcripts 188 - Sự Giải Thoát (Thực Hành Không Dính Mắc)

 

Teal Swan Transcripts 188


Sự Giải Thoát (Thực Hành Không Dính Mắc)

 

18-07-2015




Xin chào các bạn.

 

Danh tính là trạng thái của việc trở thành “Cái tôi”. Một cái tôi riêng biệt. Một từ khác cho điều này là “Bản ngã” (ego). Bạn không thể có cảm nhận về cái tôi mà không đồng thời có cảm nhận về cái “không phải tôi”. Danh tính đã phục vụ cho sự Mở Rộng của Vũ Trụ, bởi vì Sự Hợp Nhất không thể tự nhận thức được chính nó. Rõ ràng là để nhận thức được điều gì, bạn phải đang đứng từ một điểm đối lập. “Trắng” cần phải có để nhận thức được “Đen”, và “Đen” cũng cần để nhận thức được “Trắng”. Vì vậy, Ý thức Vũ trụ đã cần đến sự đơn nhất, để trở nên ý thức về chính nó.

 

Giống như con cá không thể nhận biết nước cho đến khi nó đã trải nghiệm không khí, và vì thế, danh tính được hình thành. Một cách giải thích thực tiễn hơn đối với bạn, đó là cái tôi tách biệt, hay bản ngã, là điều kiện cần thiết để bạn có thể trải nghiệm Sự Hợp Nhất hay Giác Ngộ. Bất cứ khi nào chúng ta gắn một điều gì đó với cái tôi, chúng ta “đồng nhất” với nó. Nó trở thành một phần của chúng ta. Chúng ta xem nó không phải là một thực thể tách rời, mà là một phần trong con người mình, nếu không muốn nói là toàn bộ con người mình. Hãy tưởng tượng rằng “bạn” (khái niệm về bạn) là như thế này:

 

Nếu bạn đồng nhất với một suy nghĩ, suy nghĩ đó trở thành bạn. Nếu bạn đồng nhất với một người, người đó trở thành bạn. Điều đó bắt đầu hình thành nên khái niệm về cái tôi. Và đây chính là bản chất thật sự của sự dính mắc. Ví dụ: tôi tức giận... tôi đồng nhất với con mình vì đó là “con của tôi”... Đây chính là cấu trúc tính cách của bạn, là bản ngã của bạn, một sự kết hợp khổng lồ của tất cả những điều bạn đang đồng nhất với. Một tập hợp những điều bạn dính mắc vào. Và nếu bất kỳ một điều nào trong số đó bị đe dọa, đó là lúc chúng ta phản ứng dữ dội.

 

Giả sử ai đó đến và đe dọa một người mà bạn dính mắc vào (hoặc bạn cảm thấy có sự đe dọa); cảm giác như bạn đang bị kéo ra, bạn có thấy lực hút cảm xúc đó không? Đó chính là phản ứng cảm xúc khi bạn cảm thấy đối tượng mà bạn đồng nhất đang bị đe dọa. Nếu điều bạn đồng nhất bị đe dọa, bạn sẽ trải nghiệm điều đó như thể chính bản thân bạn đang bị đe dọa, bởi vì bạn không phân biệt được giữa cái mà bạn đang đồng nhất và chính mình, nên bạn xem đó là một cuộc tấn công cá nhân.

 

Người ta có thể tranh luận rằng: việc đồng nhất không sao cả, miễn là chúng ta đồng nhất với những điều khiến ta cảm thấy dễ chịu. Nhưng... đừng vội. Bất kỳ hình thức đồng nhất nào với điều gì khiến bạn thấy tốt đẹp, thì đồng thời cũng là sự đồng nhất với điều đối lập của nó. Nói cách khác, mọi trạng thái tích cực mãnh liệt đều ẩn chứa trong nó hạt giống của trạng thái đối lập, hay tiềm năng cho sự đối cực đó.

 

Ví dụ, cảm giác “xứng đáng” ẩn chứa trong nó hạt giống của “không xứng đáng”. Phấn khích mang theo hạt giống của thất vọng. Nhưng điều đáng lo hơn nhiều, đó là ta thường đồng nhất với những điều khiến ta cảm thấy tồi tệ. Và bằng cách làm thế, chúng ta lại có động lực để giữ những điều đó sống mãi bên trong mình, để tiếp tục củng cố chúng. Chúng ta cần chúng để duy trì cảm nhận về cái tôi.

 

Nhiều vị thầy tâm linh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không đồng nhất – ngừng đồng nhất với những thứ bên ngoài chúng ta, đặc biệt là với người khác. Nhưng theo tôi, chính những điều bên trong mà ta tưởng là bản thân mình mới là nguyên nhân gây ra khổ đau lớn nhất.

 

Chúng ta thường đồng nhất sâu sắc nhất với ba khía cạnh chính của bản thân: Thân thể, Suy nghĩ, và Cảm xúc. Mỗi yếu tố này thực chất là những biểu hiện khác nhau của Ý Thức - Nguồn. Nhưng ta lại nhầm lẫn những biểu hiện đó là toàn bộ con người mình.

 

Giống như một họa sĩ quá đồng nhất với bức tranh của mình đến mức quên mất rằng bản thân anh ấy là nhiều hơn thế. Nói cách khác, chúng ta tưởng mình là cảm xúc, tưởng mình là cơ thể, tưởng mình là những suy nghĩ. Và vì vậy, chúng ta dính mắc đến mức bị ảnh hưởng vô cùng sâu sắc. Chúng làm ta đau khổ.

 

Những người có cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ tiêu cực hay thân thể đau đớn sẽ chịu khổ đến mức cảm thấy cuộc sống là một địa ngục. Đây chính là lý do tại sao không đồng nhất là một trong những thực hành tâm linh cao nhất mà bạn có thể thực hiện.

 

Để không đồng nhất khỏi một điều gì đó, bạn chỉ cần nhận ra rằng nó không phải là bạn, rằng nó tách biệt với bạn. Bạn có thể không đồng nhất khỏi bất kỳ thứ gì, chẳng hạn như nỗi đau.

 

Để không đồng nhất khỏi nỗi đau, bạn chỉ cần nhìn nó như một “cái tôi khác”. Bạn có thể hình dung nỗi đau như một thực thể riêng biệt. Và khi bạn trải nghiệm nó, bạn có thể quan sát như thể đang nhìn một thực thể tách biệt đang phản ứng.

 

Lúc này, bạn không còn xem nỗi đau là của mình nữa, vì bạn đã “khước từ” nó. Nhưng điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm trong việc thực hành không đồng nhất, đó là: không đồng nhất khỏi suy nghĩ, cảm xúc và thân thể của bạn.

 

Bạn sẽ nhận thấy rằng các dính mắc với những thứ bên ngoài, người, nơi chốn, sự vật..., sẽ tự động rơi rụng, đơn giản chỉ nhờ việc này. Vì những dính mắc bên ngoài đó đều được lọc qua dính mắc gốc rễ của chúng ta với cảm xúc, suy nghĩ và thân thể.

 

Phần khó nhất của thực hành tâm linh là phải chấp nhận những nghịch lý đối lập vốn có trong một vũ trụ đa chiều. Sự thật không nhất thiết phải giống nhau ở các tầng cấp khác nhau của thực tại. Đôi khi chúng mâu thuẫn, nhưng mỗi sự thật đều đúng ở tầng của nó.

 

Ở tầng cao nhất của sự Thật, tất cả là Một. Người họa sĩ và bức tranh hoàn toàn là một. Cho nên, bất kỳ hình thức không đồng nhất nào cũng đều làm tăng cường sự phân cực giữa Cái Tôi và cái Khác trong vũ trụ này. Khi không còn gì là “khác” với bạn, không phải tâm trí bạn, cơ thể bạn, cảm xúc của bạn, người khác, bàn bếp, con chó, đám mây hay vỉa hè xi măng, thì lúc đó bạn mới thấy được sự Thật.

 

Nhưng để thấy, chứ chưa nói tới việc trải nghiệm, sự Thật đó, bạn phải không đồng nhất khỏi những thứ đang khóa chặt bạn trong cảm giác danh tính cá nhân.

 

Cái tôi giả (False Self) giống như một tổ hợp những điều bạn đồng nhất với. Giống như những lớp hành, bạn lột từng lớp một để để phơi bày sự thật về Con người và Bản chất thực sự của bạn. Lúc đó, Bản Ngã thật sự sẽ được hé lộ.

 

Chúng ta không thực hiện quá trình “tách ra khỏi những điều mình đồng nhất” bằng một thái độ chống cự. Làm vậy chỉ khiến vấn đề kéo dài. Thay vào đó, điều ta cần làm là hoàn toàn cho phép bản thân nhận ra sự đồng nhất ấy. Và trong chính sự nhận ra đó, ngay lúc đó, bạn đã không đồng nhất khỏi chính điều bạn đang quan sát.

 

Cách dễ nhất để hình dung điều này, là tưởng tượng những điều bạn đồng nhất giống như những cánh hoa hồng, khi được phơi dưới ánh mặt trời (ý thức), chúng sẽ tự rơi khỏi cành.

 

Cố gắng đẩy ra những điều bạn đồng nhất chỉ khiến bạn dính chặt vào chúng hơn. Bạn sẽ cảm thấy bị chính mình từ chối. Bạn tự kích hoạt một phản ứng sinh tồn mãnh liệt từ chính việc tự chối bỏ bản thân. Bạn không thể cố lấy đi điều gì đó từ chính mình mà không gây tổn thương cho bản thân.

 

Liên quan đến cơ thể, tâm trí và cảm xúc, bạn không thể “cố ngắt kết nối” khỏi những khía cạnh đó mà không khiến chúng bị cảm nhận như là sự “bỏ rơi chính mình”.

 

Cách để cho phép những phần đó dần rơi khỏi Bản Ngã thật sự, là nhận diện những điều bạn đang dính mắc vào. Hãy lấy một tờ giấy trắng và viết ra tất cả những điều bạn nghĩ rằng mình có thể đang dính mắc vào.

 

Tất nhiên, danh sách thật sự thì dài hơn nhiều, nhưng đây là một bài tập về ý thức. Một cách tốt để tìm ra điều bạn đồng nhất là nhìn vào những gì bạn gọi là “của tôi”. Ví dụ: khi bạn nói “bạn bè của tôi”, bạn đã đồng nhất, và do đó, dính mắc, với họ. Hoặc hãy xem bạn điền gì vào chỗ trống khi nói: “Tôi là…”. Những điều bạn ghi vào đó, bạn cũng đang đồng nhất với chúng.

 

Ví dụ: khi bạn nói “Tôi gợi cảm”, bạn đang đồng nhất với việc “là người gợi cảm”. Hãy cố gắng nhận diện những suy nghĩ và niềm tin mà bạn dính mắc. Ví dụ: một niềm tin bạn có thể đang đồng nhất là: “Tiền không mọc trên cây.”

 

Cố gắng nhận diện những cảm xúc mà bạn đồng nhất. Cảm xúc bạn đồng nhất thường là những cảm xúc mãn tính, lặp đi lặp lại, và có thể định hình cả bầu không khí cảm xúc của cuộc sống bạn. Ví dụ, thất vọng có thể là một trong số đó.

 

Hãy cố gắng nhận diện những phần của cơ thể mà bạn đang đồng nhất. Ví dụ: nếu bạn nghĩ mình “mập”, bạn đang đồng nhất với việc “là người mập”. Nhớ rằng: bất cứ điều gì bạn đồng nhất sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ trong bạn.

 

Bản ngã xem điều đó như một phần trong khái niệm về chính nó. Bất cứ khi nào những điều đó bị đe dọa, bản ngã sẽ phản ứng và phòng thủ. Nó có động lực để duy trì những phần đó của cuộc sống bạn, ngay cả khi chúng gây đau khổ, bởi vì bản ngã xem mất đi những điều đó như là diệt vong.

 

Chúng ta thậm chí có thể đồng nhất với chính nỗi đau. Thật trớ trêu phải không? Đây chính là một trong những trạng thái đau khổ nhất: đồng nhất với nỗi đau, vì bản ngã sẽ tìm kiếm đau đớn chỉ để củng cố cảm giác về cái tôi.

 

Nhưng có một điều thú vị: những người đồng nhất với đau đớn, thường sẽ đau khổ đến mức, trong một khoảnh khắc chớp nhoáng, họ hoàn toàn không đồng nhất khỏi chính mình. Nó giống như một dạng tự sát cảm xúc. Đây chính là điều diễn ra trong trải nghiệm Thức Tỉnh Tự Phát.

 

Và từ đây, thực hành thật sự bắt đầu khi ta trở nên ý thức về những gì ta đang đồng nhất ngay khi chúng xuất hiện hay tạo ra phản ứng trong ta. Cách dễ nhất để làm điều này là quan sát cảm xúc. Hãy xem cảm xúc mãnh liệt như một tiếng chuông cảnh tỉnh, một chiếc chuông thiền, báo hiệu rằng bạn cần dành trọn vẹn sự hiện diện và chú ý cho khoảnh khắc này.

 

Có điều gì đó bạn cần nhận ra. Có điều gì đó bạn cần ý thức đến. Và chính trong việc nhận ra, bạn đã ở trong trạng thái của Bản Ngã thật sự, quan sát cái tôi tạm thời, thay vì hoàn toàn chìm trong góc nhìn của cái tôi đó.

 

Không còn ở dưới nước, bạn đang ở trên mặt nước, nhìn xuống nước. Khi một cảm xúc mạnh xuất hiện, hãy đối diện với nó bên trong bạn, thay vì phản ứng hay tìm cách chạy trốn khỏi nó. Khi bạn cảm nhận nó, hãy dùng cảm xúc ấy như lời nhắc nhở rằng: đây là Thể Cảm Xúc đang bị kích hoạt như hàng rào điện. Hãy nói: “Đây không phải là tôi.” Chính việc đồng nhất với cảm xúc mới là điều khiến bạn đau khổ, chứ không phải bản thân cảm xúc đó.

 

Chỉ cần nhận ra và để nó hiện diện. Đừng cố ngừng quan tâm đến cảm xúc. Đừng cố thay đổi nó. Một điều thú vị là nếu bạn dùng những “cú chạm” này, khi có điều gì đó bạn đồng nhất bị tác động, làm cơ hội để hiện diện trọn vẹn, bạn sẽ mở lòng đón nhận trực giác và cái nhìn sâu sắc.

 

Thay vì phản ứng, bạn sẽ nhận ra điều gì đã kích hoạt bạn và tại sao. Bạn có thể nhận được cái nhìn giúp làm tan biến phản ứng đó.

 

Khi nói đến cảm xúc tiêu cực, bạn có thể thấy ta đồng nhất với chúng qua ngôn ngữ mình dùng. Ví dụ: ta nói “Tôi buồn”, “Tôi giận” – ngụ ý rằng đó là toàn bộ con người mình, thay vì nhận ra rằng: mình đang trải nghiệm cảm xúc ấy.

 

Đừng lo lắng rằng không đồng nhất sẽ dẫn đến kìm nén hay đè nén cảm xúc. Trái lại, không đồng nhất chính là điều đối lập với đè nén.

 

Nó là khoảnh khắc mà Ý Chí Tự Do được đưa vào trải nghiệm, cho phép bạn lựa chọn cách thể hiện cảm xúc đó.

 

Hãy hình dung thế này: khi bạn hoàn toàn hiện diện với phản ứng cảm xúc hay suy nghĩ, bạn đang chiếu ánh sáng thuần khiết của Ý thức vào những góc tối, và ánh sáng ấy gần như đốt cháy chúng, như cuộn phim bị bén lửa.

 

Khi bạn nhận ra và quan sát một suy nghĩ mà không dính vào nó, bạn không thêm năng lượng cho nó nữa. Bạn đã bước ra khỏi nó. Điều này làm dừng chuỗi suy nghĩ tiêu cực đang kéo theo những suy nghĩ cùng tầng. Bạn dừng được đà của chuỗi suy nghĩ tiêu cực, bạn cắt được vòng xoáy.

 

Về thân thể, nếu bạn nghĩ rằng mình là cơ thể, mỗi lần cơ thể thay đổi, bạn gần như mất luôn danh tính, điều này thật đáng sợ phải không?

 

Chúng ta có thể luyện tập quan sát cơ thể như một trải nghiệm mà ta đang có, thay vì xem nó là “mình”. Đó chính là ý tưởng cốt lõi rằng: “Chúng ta là sinh mệnh tâm linh đang có trải nghiệm làm con người.”

 

Khi bạn quan sát thân thể, thấy nó, cảm nhận nó, trải nghiệm nó, thì chính khoảnh khắc ấy, bạn không còn là thân thể nữa. Bạn đã không đồng nhất khỏi nó.

 

Bạn không phải là bản ngã... Bạn không phải là cái tôi tách biệt... Trong khoảnh khắc bạn ý thức được bản ngã, bạn đã không đồng nhất khỏi nó.

 

Và điều bạn có thể thấy một cách rõ ràng nhất, chính là những gì bạn không phải. Khi bạn trở nên cực kỳ ý thức về những gì bạn không phải, thì tấm màn ngăn bạn khỏi sự nhận biết về cái là bạn, sẽ được dỡ bỏ.

 

Và tất cả những gì còn lại sau khoảnh khắc nhận ra ấy... chính là Bản Ngã thật sự, bản thể đích thực của bạn. Đó là một trạng thái Bình An, là một trạng thái không lay chuyển.

 

Chúc bạn có một tuần tốt lành.

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=uRfkTg8-I7I

 

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.