Teal Swan Transcripts 185 - Chướng Ngại Mang Tên “Biện Minh”

 

Teal Swan Transcripts 185


Chướng Ngại Mang Tên “Biện Minh”

 

27-06-2015




Chào các bạn!

 

Sự thoải mái có thể là một điều tuyệt vời. Hầu hết tất cả chúng ta đều đã từng nếm trải cảm giác dễ chịu ấy, khi ta thấy an yên, tự do khỏi đau đớn và ràng buộc. Nhưng sự thoải mái cũng có một mặt tối... Mặt tối đó là: ta có thể nghiện nó.

 

Tại sao tôi lại dùng từ “nghiện” để nói đến sự thoải mái? Bởi vì ta có thể dùng sự thoải mái để che đậy điều gì đó mà ta đang cố tránh né. Ta phát triển sự phụ thuộc vào nó đến mức nếu nó bị lấy đi, ta sẽ phản ứng mạnh mẽ như thể đang trải qua một cơn cai nghiện. Ta tự giới hạn bản thân trong cuộc sống khi ở trong vùng an toàn, nhưng vẫn tiếp tục bám víu lấy nó, dù ta biết rõ nó đang gây hại cho mình. Và đó chính là định nghĩa của một cơn nghiện.

 

Là con người, đặc biệt là khi càng lớn tuổi, ta dành ngày càng nhiều thời gian để biện minh cho nơi mình đang ở, cho những điều mình đang làm. Ta dành nhiều thời gian hơn trong vùng an toàn của mình. Và sự “biện minh” đó dần trở thành những song sắt nhà tù, giam giữ ta trong một cái ngục tù... của giới hạn.

 

Bây giờ, tôi muốn bạn thử tưởng tượng mình bị đưa vào tù... Nếu bạn không có những liên tưởng tiêu cực về nhà tù, và nếu trong buồng giam bên cạnh không có những tên tội phạm nguy hiểm, thì bạn sẽ thấy nhà tù thực ra... khá thoải mái. Tại sao?

 

Bởi vì nó có tính dự đoán được. Bạn biết ai sẽ đến và đi, thực tế là rất ít người lạ xuất hiện. Bạn được cho ăn đều đặn... có thời gian biểu rõ ràng... Về bản chất, nhà tù này bảo vệ bạn khỏi sự bất định và rủi ro. Và đó chính là điều đang diễn ra trong cuộc sống của bạn khi bạn sống trong vùng an toàn.

 

Nhưng việc ở lại đó không phải là hành động yêu thương bản thân. Bởi vì, dù có thoải mái đến đâu, nó vẫn là một cái tù. Nó khiến bạn xa rời những mong muốn thực sự, những thứ đòi hỏi rủi ro. Và nó khiến bạn xa rời bản chất thật sự của mình, thứ đòi hỏi sự thay đổi. Hầu hết mọi người trên Trái Đất đều đang sống trong kiểu nhà tù này ở mức độ nào đó. Một số nhà tù có vẻ hào nhoáng hơn những cái khác, nhưng chúng vẫn là nhà tù.

 

Chúng ta phải học cách nhận diện những song sắt ấy. Ta cần nhìn thẳng vào những lời biện minh mà ta đang dùng trong cuộc sống, những lý do vì sao ta không thể làm những điều mà ta cảm thấy có cảm hứng để làm, hay thậm chí là biết rằng mình phải làm.

 

Có một điều quan trọng ta cần nhận ra: Ngay khi ta bắt đầu biện minh cho điều gì đó, hay viện ra những lý do rất hợp lý để bảo vệ nó, thì tại thời điểm đó, ta đang cam kết mạnh mẽ hơn với việc chứng minh mình đúng, đúng với vị trí hiện tại, đúng với điều mình đang làm, hay đã làm, hơn là cam kết với những thứ như Yêu thương hay Hạnh phúc.

 

Chúng ta dùng những lời biện minh và lý do đó để từ chối sự Mở Rộng của chính mình. Và vì vậy, ta cần phải quyết định điều gì quan trọng hơn: được đúng hay được hạnh phúc?

 

Ví dụ, tôi có thể cảm thấy thôi thúc muốn vẽ, nhưng những lý do mà tôi có thể dùng để không làm theo cảm hứng ấy sẽ là:

 

- “Tôi không biết vẽ...”

- “Phải tốn tiền mua màu vẽ...”

- “Tôi chưa bao giờ là kiểu người nghệ sĩ...”

- “Tôi chẳng biết vẽ gì cả...”

- “Tôi không có đủ thời gian...”

- “Thực ra tôi quá bận để làm điều đó...”

 

Những lý do đó nghe có vẻ rất hợp lý với tôi, nhưng với bạn, người đang lắng nghe, bạn bắt đầu cảm thấy xẹp xuống. Tại sao?

 

Bởi vì bạn biết rằng đó là một nhà tù!

 

Hãy nhìn vào cuộc sống của bạn... Lĩnh vực nào khiến bạn cảm thấy không hạnh phúc nhất? Ngay khoảnh khắc bạn nhận ra điều gì đó là điều bạn không muốn, thì trên thực tế, bạn đã ngay lập tức khai sinh ra điều mà bạn muốn. Điều này có thể xảy ra ở cấp độ tiềm thức, nhưng điểm mấu chốt là: bạn biết mình muốn gì.

 

Vậy câu hỏi đặt ra là, tại sao bạn vẫn chưa hành động theo hướng đó? Những lời biện minh nào đang giữ chân bạn trong vùng an toàn?

 

Hãy nhìn thẳng vào tất cả những lời biện minh ấy, và hoặc là chất vấn chúng từng cái một, tìm ra những suy nghĩ mâu thuẫn đủ mạnh để giúp bạn buông bỏ chúng; hoặc đơn giản là nhìn chúng như những song sắt nhà tù và bước xuyên qua chúng.

 

Nếu bạn cảm thấy mình cần một góc nhìn mới, hãy cho phép bản thân tiếp cận điều đó. Hãy mang những lời biện minh cứng đầu đó ra trước mặt những người có góc nhìn hoàn toàn khác, và để họ phá tan chúng ngay trước mắt bạn.

 

Nhưng nhớ rằng, đừng chọn ai đó đang bị giam cầm y như bạn trong cái nhà tù của vùng an toàn của chính họ. Tại sao? Bởi vì họ sẽ dùng bạn làm cái cớ để tiếp tục ở yên trong nhà tù của mình.

 

Hãy cẩn thận với cái bẫy mang tên “Chuẩn Bị”. Chuẩn bị là điều có ích, tôi không cần phải giải thích sự quan trọng hiển nhiên của nó, nhưng nó cũng có thể trở thành một lý do khác để bạn giữ mình trong tù.

 

Sẽ đến một ngày, bạn nhận ra mình không thể lên kế hoạch thêm nữa. Và rằng chính việc lập kế hoạch ấy đang ngăn bạn sống trọn vẹn hôm nay. Và tôi sẽ bật mí cho bạn một bí mật...

 

Những trải nghiệm trọn vẹn nhất trong cuộc sống, những điều thật sự đáng sống, bạn sẽ không bao giờ có thể chuẩn bị đủ cho chúng, cho dù bạn chuẩn bị bao nhiêu đi nữa.

 

Hãy thừa nhận rằng bạn đang sợ, hãy gọi tên nỗi sợ của bạn.

 

Bạn biết không? Tất cả chúng ta đều sợ, chỉ là ta sợ không dám nói với nhau rằng ta sợ!

 

Vậy nên, mục tiêu không phải là chiến đấu hay chối bỏ nỗi sợ, mà là ôm lấy nó, như một đứa trẻ đang khóc, và bước tiếp cùng với nỗi sợ đó, thay vì để nó ngăn cản bạn hoàn toàn.

 

Nỗi đau và nỗi sợ là lời mời gọi bạn trở nên hiện diện, tỉnh thức và ý thức hơn, chứ không nhất thiết là dấu hiệu cho thấy điều gì đó đã đi sai.

 

Hãy để tôi nói điều này cho nhanh gọn: Bạn sẽ không bao giờ làm mọi thứ đúng hoàn toàn, điều đó là không thể.

 

Và với những ai cầu toàn ngoài kia, tôi biết câu nói đó khiến bạn phát hoảng. Nhưng nếu bạn suy nghĩ kỹ, đó cũng là một sự giải thoát...Nếu bạn không bao giờ có thể làm mọi thứ hoàn hảo, (ý tôi là thật sự không thể, vì trò chơi này đã bị gian lận, vì bạn không có đủ thông tin để chơi một cách hoàn hảo), thì điều gì còn lại để bạn làm?

 

Hãy buông bỏ áp lực bạn đang tự đặt lên chính mình, và đơn giản là chọn điều mà bạn cảm thấy là đúng nhất cho mình trong từng khoảnh khắc, với những gì bạn có, từ nơi bạn đang đứng, và như thế là đủ rồi...

 

Con người không muốn dễ bị tổn thương, điều đó dễ hiểu. Nhưng vấn đề là, “dễ tổn thương” là bản chất của chúng ta...

 

Tại sao ta dễ tổn thương? Bởi vì cuộc sống luôn chứa đựng yếu tố bất định, rủi ro và khả năng bị tổn thương.

 

Nhưng những người sống cuộc đời trọn vẹn nhất sẽ nói với bạn rằng, họ chấp nhận rủi ro đó. Vì sao?

 

Bởi vì có một vẻ đẹp nhất định trong sự mong manh, và chính những điều như Hạnh phúc, Tình yêu, Niềm vui, và sự hiện thực hóa giấc mơ của bạn, cũng là sản phẩm phụ của sự mong manh ấy.

 

Phải nói rằng, không gì khiến ta cảm thấy mong manh hơn việc bước ra khỏi vùng an toàn bằng sự bất định. Vì lý do đó, tôi muốn bạn xem video của tôi trên YouTube có tiêu đề: “Làm sao để đối diện với sự Bất định” (Teal Swan Transcripts 169).

 

Nếu bạn muốn bắt đầu bước ra khỏi vùng an toàn, một cách tốt để bắt đầu là bắt đầu với những điều nhỏ nhặt.

 

“Điều nhỏ nhặt” nghĩa là gì?

– Đi đường khác đến chỗ làm...

– Học điều gì đó mới...

– Ăn sáng món khác mọi khi...

– Hoặc đồng ý với một lời đề nghị mà bình thường bạn sẽ từ chối.

 

Một kỹ thuật hữu ích mà bạn có thể dùng làm công cụ, cho đến khi bạn học được cách thể hiện trọn vẹn bản thể độc đáo của mình như là Ý thức Nguồn đang tự tin bước đi giữa thế giới, là chọn một hình mẫu và mô phỏng hành vi của bạn theo hình mẫu đó.

 

Hãy chắc rằng bạn chọn ai đó mà bạn nhìn thấy họ có sự tự tin và không bị giới hạn... Họ có thể còn sống hoặc đã mất, có thể là người thật hoặc nhân vật hư cấu, một nhân vật lịch sử nổi tiếng chẳng hạn...

 

Hãy tự hỏi: họ sẽ làm gì? Và rồi hãy hành động theo điều đó.

 

Ví dụ, nếu hình mẫu của bạn là Albert Einstein, và bạn đang đối diện với một quyết định đáng sợ, hay đang bị kẹt trong nhà tù của những lời biện minh, thì hãy hỏi: “Einstein sẽ làm gì trong tình huống này?” - và rồi, hãy làm điều đó!

 

Nếu là tôi, tôi muốn bạn sống cả cuộc đời mình mỗi ngày mà không cần đến một lời biện minh nào, nhưng, cho tuần này và cho bài thực hành này, tôi muốn bạn chọn một điều mà bạn biết bạn đã muốn làm từ lâu, nhưng vẫn chưa làm, vì những lời biện minh, và hãy làm điều đó trong tuần này.

 

Chúng ta thường sống cuộc đời mình như thể luôn còn ngày mai để sống. Ta trì hoãn đến ngày mai... rồi lại ngày mai... và rồi lại ngày mai... chỉ để tránh đối mặt với cảm giác khó chịu khi làm điều đó hôm nay.

 

Nhưng nếu không có ngày mai thì sao?

 

Ý nghĩa của cuộc sống bạn đang sống hôm nay là gì, nếu ngày mai không bao giờ đến?

 

Nhiều người sống một cách “khôn ngoan”, chỉ để rồi đến với cái chết, một cách cẩn trọng. Và đó, là sự lãng phí cuộc đời.

 

Xin lỗi vì phải là người mang đến tin xấu này, nhưng bạn rồi cũng sẽ chết một ngày nào đó... và bạn chẳng bao giờ biết ngày đó là khi nào... Vậy điều này để lại cho chúng ta điều gì?

 

Nó để lại cho ta sự thật rằng, ta cần phải phá vỡ những song sắt đang giam giữ mình trong vùng an toàn, bởi vì bạn không đến đây để sống một cuộc đời “an toàn”. Và một phần nào đó sâu thẳm trong bạn, biết điều đó.

 

Vậy nên, hãy phá tan nhà tù đó, xô đổ những lời biện minh, và đi theo tiếng gọi của trái tim bạn.

 

Tôi hứa với bạn rằng, mọi va vấp, trầy xước bạn có thể gặp trên hành trình ấy, đều sẽ hoàn toàn xứng đáng.

 

Chúc bạn một tuần thật tuyệt vời.

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=fQUDjBhZrI8

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.