Teal Swan Transcripts 184 - Ý Nghĩa – Nút Tự Hủy

 

Teal Swan Transcripts 184


Ý Nghĩa – Nút Tự Hủy

 

20-06-2015




Từ thuở sơ khai, loài người đã luôn tìm kiếm ý nghĩa đằng sau mọi trải nghiệm mà mình trải qua. Con người tìm kiếm hàm ý trong mọi điều mà họ chạm mặt. Khả năng tìm kiếm ý nghĩa là một hình thái cao cấp của ý thức, nhưng như chúng ta đều biết rõ, sự tiến hóa luôn đi kèm với cạm bẫy. Một ví dụ điển hình cho cạm bẫy này là khi một người trở nên ngạo mạn vì cho rằng mình đã thoát khỏi cái tôi.

 

Tôi gọi loài người là “một giống loài cạm bẫy”, nghĩa là chính sự xuất sắc trong ý thức của họ... lại trở thành nguyên nhân dẫn đến sự suy sụp. Khả năng tìm ra ý nghĩa vừa là điều khiến loài người trở nên vượt trội như một nhánh tiến hóa của ý thức đang mở rộng nhanh chóng, lại vừa là thứ khiến họ tự hủy hoại bản thân.

 

Chúng ta trải nghiệm đủ loại tình huống trong cuộc sống hằng ngày. Có những trải nghiệm ta cho là tích cực, cũng có những trải nghiệm ta cho là tiêu cực. Nhưng “sắc thái” của trải nghiệm đó, là do một yếu tố duy nhất quyết định: ý nghĩa mà chúng ta gán cho trải nghiệm đó.

 

Ngày nay, người ta đã biết rằng một người phụ nữ có thể trải qua một trải nghiệm sinh nở hoàn toàn khác với người phụ nữ khác, chỉ vì sự khác biệt trong ý nghĩa mà cô ấy gán cho trải nghiệm ấy, hoặc cho những cảm giác diễn ra trong quá trình đó. Hai người có thể trải qua cùng một sự kiện, nhưng lại có cảm nhận hoàn toàn khác nhau, đơn giản vì họ gán ý nghĩa khác nhau cho cùng một trải nghiệm.

 

Hãy tưởng tượng điều này: nếu bạn bắt đầu nôn mửa không kiểm soát ngay bây giờ, và bạn gán cho điều đó ý nghĩa rằng bạn không rửa tay sạch nên đã nhiễm một loại virus chết người, thì trải nghiệm nôn mửa đó sẽ rất khác với nếu bạn gán cho nó ý nghĩa rằng: cơ thể bạn đang tự thanh lọc độc tố để tái sinh… tái tạo… và trở về trạng thái khỏe mạnh.

 

Chúng ta phải nhìn nhận rằng: ý nghĩa không tự tồn tại trong một hoàn cảnh. Nó thực chất chỉ là một diễn giải, và bạn không thể đơn giản xem diễn giải đó là sự thật. Nếu ý nghĩa không tồn tại sẵn trong một trải nghiệm, thì chúng ta, chính chúng ta, tự gán ý nghĩa vào trải nghiệm đó, và rồi... lại nhầm lẫn rằng trải nghiệm đó và ý nghĩa đó là một.

 

Hãy hình dung điều này giống như món bơ đậu phộng và mứt: Bơ đậu phộng là trải nghiệm. Mứt là ý nghĩa mà ta gán cho trải nghiệm đó. Và khi ta trộn chúng vào nhau, ta không còn phân biệt được đâu là cái gì, ta tạo ra một “chất thứ ba”. Điều này khiến ta không thể nhìn ra sự thật của một trải nghiệm. Chúng ta cần học cách tách bơ đậu phộng ra khỏi mứt.

 

Nói cách khác: tách trải nghiệm ra khỏi ý nghĩa.

 

Chỉ khi làm được như vậy, chúng ta mới có thể tiếp cận được sự thật, và học cách lựa chọn những ý nghĩa mang lại lợi ích, thay vì những ý nghĩa hủy hoại chính mình.

 

Nếu bạn cho rằng việc gán ý nghĩa cho một trải nghiệm là điều không mấy nghiêm trọng, hãy nghĩ đến chuyện sau đây: bạn hoàn toàn có thể phá hủy cả cuộc đời mình chỉ vì đã gán một ý nghĩa tiêu cực cho một trải nghiệm nào đó.

 

Ví dụ: một bé gái ba tuổi đang chơi trong văn phòng của ba mình và nài nỉ ông chơi búp bê với cô bé. Ông quát lên, tỏ vẻ bực dọc và nói: "Không! Ba đang bận!"

 

Đây là một trải nghiệm gây sang chấn với cô bé, cô bé tiếp nhận nó một cách cá nhân.

 

Giờ hãy tưởng tượng: ý nghĩa mà cô bé gán cho trải nghiệm đó là: "Tôi không quan trọng với ba mình."

 

Đó không phải là ý nghĩa mà người cha gán cho sự kiện này. Với ông, ý nghĩa đơn giản là: "Tôi đang bận."

 

Nhưng ngay khi cô bé gán cho trải nghiệm đó ý nghĩa "Tôi không quan trọng với ba", thì giống như việc cô đeo lên một cặp kính có màu sắc đặc biệt, và từ khoảnh khắc đó trở đi, mọi trải nghiệm với cha mình sẽ bị lọc qua ống kính “Tôi không quan trọng với ba.”

 

Sự thật lúc này đã bị nhuộm màu và méo mó bởi "nhận thức" mà cuộc sống đang bị lọc qua. Mỗi lần cô bé tương tác với ba mình, trải nghiệm đó lại bị bóp méo bởi lớp kính màu này.

 

Và đây là lúc mọi chuyện trở nên vô cùng phức tạp…Mỗi lần cô có một trải nghiệm với cha mình, mà có thể củng cố thêm cho niềm tin/ý nghĩa này, thì những cái "kính" kia sẽ ngày càng dày lên và méo mó hơn. Cho đến một lúc, chỉ còn những trải nghiệm củng cố ý nghĩa đó mới có thể lọt qua được “cặp kính” ấy.

 

Điều đó có nghĩa là: bất kỳ lúc nào người cha thể hiện tình yêu thương với con gái, điều đó cũng không thể lọt qua được bộ lọc này. Người cha có thể thực sự yêu con gái mình hơn bất kỳ điều gì trên đời, có thể làm đủ mọi điều yêu thương, nhưng nó không còn ý nghĩa gì nữa, vì mọi hành động của ông đều đã bị lọc qua ống kính của ý nghĩa mà con gái ông đã gán từ năm ba tuổi.

 

Cô bé ấy rất có thể sẽ lớn lên và tin rằng mình không quan trọng với đàn ông, và sẽ bước vào những mối quan hệ với những người đàn ông thiếu thốn cảm xúc, rồi tìm cách khỏa lấp nỗi đau của mình bằng những chứng nghiện khác nhau, và luôn thắc mắc vì sao lòng tự trọng của mình lại thấp đến thế.

 

Hãy nhìn kỹ vào lớp kính ấy…Có phải nó lý giải vì sao hai người lại có thể cảm nhận một sự kiện theo hai cách hoàn toàn khác nhau?

 

Chúng ta cần đặt câu hỏi: liệu rằng ý nghĩa đau đớn mà ta gán cho một trải nghiệm có thật sự phản ánh đúng bản chất của trải nghiệm ấy ngay từ đầu?

 

Chúng ta cần tự hỏi: Liệu rằng ta đã trừng phạt người khác, hoặc tránh né họ chỉ vì một ý nghĩa nào đó mà chính ta đã tự gán cho trải nghiệm với họ, chứ không phải vì điều gì họ thật sự đã làm?

 

Rất nhiều nỗi đau mà ta đang trải qua trong đời không xuất phát từ những gì thật sự đã xảy ra, mà là từ ý nghĩa mà ta đã gán cho những điều đó.

 

Điều này cũng lý giải vì sao ta thường rất bối rối trước cách hành xử phòng vệ của người khác.

 

Hãy lưu ý: xung đột về sự diễn giải ý nghĩa là nguyên nhân gây ra phần lớn các hiểu lầm trong giao tiếp hằng ngày của chúng ta.

 

Hãy nhìn lại những ký ức đầu đời của bạn...Với mỗi ký ức đó, tôi muốn bạn tự hỏi:

 

- "Tôi đã gán ý nghĩa gì cho trải nghiệm này?"

- "Tôi đã quyết định rằng điều đó có nghĩa gì?"

 

Rồi hãy tưởng tượng rằng, vào chính khoảnh khắc đó, bạn đã đeo lên một cặp kính mang màu sắc của ý nghĩa ấy, và từ đó trở đi, bạn nhìn cuộc đời, cho đến cả khi trưởng thành, qua cặp kính đó.

 

- Liệu một phần cuộc đời bạn có trở nên dễ hiểu hơn?

- Liệu một số mối quan hệ có trở nên sáng tỏ hơn?

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu ý nghĩa bạn từng gán cho sự kiện đó hoàn toàn không đúng?

 

Từ hôm nay trở đi, tôi đề nghị bạn hãy làm điều này: Bất cứ khi nào bạn trải qua một điều gì đó khiến bạn bị kích hoạt, hoặc khiến bạn cảm thấy đau đớn, hãy tự hỏi: "Tôi đang khiến điều này có nghĩa là gì?"

 

Câu hỏi này giúp bạn tách biệt điều gì đang thực sự xảy ra với ý nghĩa mà bạn đang gán cho trải nghiệm đó. Nó trao cho bạn một cơ hội để làm rõ lại sự thật.

 

Ví dụ: giả sử ai đó tặng bạn một món quà sinh nhật tệ hại, một món mà bạn cực kỳ ghét, đến nỗi bạn tin rằng người ta nên biết điều đó.

 

Hãy tự hỏi: "Tôi đang khiến điều này có nghĩa là gì?"

 

Có thể bạn sẽ nhận ra mình đang gán cho điều này ý nghĩa rằng: "Người này thật ra không quan tâm tôi đủ để tìm hiểu xem tôi thích gì, hay để thật sự hiểu tôi."

 

Giờ thì bạn có cơ hội để không đeo cặp kính ý nghĩa đó lên nữa, mà thay vào đó, bạn có thể xem xét lại ý nghĩa đó, hoặc trực tiếp hỏi người kia.

 

Bạn có thể nói: "Tôi đang khiến điều này có nghĩa là như vậy... Đó có phải là điều bạn thật sự có ý định không?"

 

Điều này không chỉ giúp người kia có cơ hội nói rõ sự thật, mà còn giúp bạn không đeo cặp kính ý nghĩa ấy lên ngay từ đầu, để bạn được tự do khỏi ảo tưởng.

 

Hãy tách bơ đậu phộng ra khỏi mứt và rồi hãy chất vấn mứt.

Nói cách khác: Hãy tách sự kiện thực tế ra khỏi ý nghĩa mà bạn gán cho nó. Rồi hãy chất vấn ý nghĩa ấy, để bạn không tuyệt đối tin rằng nó là sự thật.

 

Hãy chất vấn ý nghĩa của bạn, thay vì tin chắc vào nó. Hãy tháo cặp kính ý nghĩa mà bạn đã đeo từ rất lâu, và chuẩn bị để nhìn thế giới rõ ràng hơn nhiều.

 

Chúc bạn một tuần thật tốt lành.

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=Qfuwz5kK99I

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.