Teal Swan Transcripts 179 - Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ mâu thuẫn

 

Teal Swan Transcripts 179


Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ mâu thuẫn

 

23-05-2015




Chào tất cả các bạn. Vì sự gắn kết xã hội là một phần quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, ngay cả ở cấp độ bản năng sâu nhất của bản thể, nên thật dễ hiểu khi hầu hết chúng ta đều có mức độ kháng cự nào đó với mâu thuẫn. Nhưng một số người trong chúng ta thì bị nó làm tê liệt hoàn toàn. Chúng ta dành cả đời để cố gắng tử tế, cố gắng chạy đôn chạy đáo làm vừa lòng tất cả mọi người, cố gắng không làm ai phật lòng... Kết quả là, ở tầng sâu bên trong, chúng ta là những con người rất bất hạnh.

 

Chúng ta sống lệch khỏi tính chân thực của chính mình, lệch khỏi sự chính trực của bản thân. Và vấn đề với việc sống lệch khỏi sự chính trực là: lòng tự trọng của chúng ta tụt dốc. Chúng ta dành cả đời để cố tránh điều mình không muốn thay vì tiến về phía điều mình muốn, và các giá trị cá nhân mà chúng ta trân trọng. Khi lòng tự trọng của bạn sụp đổ, đó là một vấn đề nghiêm trọng, vì bạn phải sống trong chính làn da của mình mỗi ngày.

 

Vậy thì nỗi sợ mâu thuẫn bắt đầu từ đâu?

 

Giống như mọi thứ khác, nó bắt nguồn từ những năm đầu tiên bạn sống trên hành tinh này.

 

Trong một gia đình lý tưởng, mỗi thành viên được đối xử như một cá thể riêng biệt. Họ được chấp nhận và đón nhận như con người thật của mình. Để dùng một phép ẩn dụ, một gia đình lý tưởng vận hành giống như một món cà ri Ấn thật ngon, nơi các hương vị độc đáo góp mặt chính là thứ tạo nên sự phức tạp (và vẻ đẹp) của món ăn. Rau mùi sẽ không cố thuyết phục hạt tiêu trở thành rau mùi, và gừng cũng không muốn thì là hóa thành gừng, vì chính sự khác biệt giữa các hương vị này, khi kết hợp lại, mới tạo nên hương vị thơm ngon cho món ăn.

 

Trong một gia đình như vậy, sự khác biệt là điều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, trong nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình nơi cha mẹ tìm kiếm giá trị bản thân thông qua đứa trẻ, thì sự "khác biệt" lại không thể chấp nhận. Trên thực tế, "khác biệt" (vốn là một hình thức phản đối) sẽ bị trừng phạt, bằng những hình thức như thờ ơ, làm nhục, chỉ trích… Đứa trẻ bị đáp lại bằng sự bất mãn thay vì sự đón nhận, và vì vậy, đứa trẻ sẽ đứng trước nguy cơ mất đi tình yêu chỉ vì là "khác biệt". Những gia đình như vậy thường xoay quanh một người lớn có tính áp đảo, hoặc thậm chí là ái kỷ.

 

Một người lớn khiến cho hạnh phúc hay bất hạnh của bản thân trở thành trách nhiệm trực tiếp của tất cả những người khác trong nhà. Nếu kiểu gia đình này là một món cà ri Ấn, thì nó sẽ giống như gừng, là thành phần có hương vị chiếm ưu thế nhất, bắt tất cả các gia vị khác trong món phải biến thành gừng, nếu không thì... “sẽ có chuyện lớn xảy ra,” và thậm chí là bạn có thể bị “loại bỏ” khỏi món ăn đó... Vì vậy, nếu chúng ta lớn lên trong kiểu gia đình này, chúng ta sẽ hình thành nỗi sợ bất kỳ hình thức phản đối nào. Chúng ta học được rằng, việc không tuân phục sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

 

Chúng ta phản ứng một cách tổn thương và đau đớn mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra. Trong các mối quan hệ, khi mâu thuẫn xuất hiện, điều đó được xem như một “sự rạn nứt” trong mối liên kết, hay “sự đứt gãy” của mối quan hệ. Và khi ta tìm ra cách để giải quyết mâu thuẫn đó, thì đó được xem như một sự "hàn gắn", nơi ta tái thiết lập lại kết nối, thậm chí là kết nối sâu sắc hơn với người mà ta vừa trải qua rạn nứt. Trên thực tế, rạn nứt trong các mối quan hệ là điều không thể tránh khỏi, bởi vì bạn chắc chắn sẽ nói hoặc làm điều gì đó khiến người kia tổn thương vào một ngày nào đó, bạn sẽ có những quan điểm khác nhau, và vì vậy, điều quan trọng nhất trong các mối quan hệ là khả năng hàn gắn.

 

Nếu bạn lớn lên với nỗi sợ mâu thuẫn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn có rất ít kinh nghiệm với “sự hàn gắn”. Và tại sao sự hàn gắn lại quan trọng đến vậy? Vì đó chính là thứ mang lại cho ta cảm giác an toàn trong mối quan hệ. Vì thế, nếu bạn có vấn đề với mâu thuẫn, bạn sẽ có ít kinh nghiệm với sự hàn gắn, và kéo theo đó là rất ít cảm giác an toàn, rằng mối quan hệ đó sẽ vẫn còn đó, rằng sự kết nối đó là điều lâu dài chứ không phải chỉ là thứ nhất thời, dễ dàng tan biến chỉ vì một lỗi lầm nhỏ. Thường thì, những gì ta thấy là một (hoặc cả hai) phụ huynh trong tuổi thơ của ta không hề quan tâm đến việc hàn gắn mối quan hệ. Khi có sự rạn nứt xảy ra, họ không hề chủ động giải quyết cùng ta.

 

Tình yêu với họ là một cuộc chiến giành quyền lực, nên họ kỳ vọng chúng ta phải nhượng bộ và là người tạo ra sự hàn gắn mà chúng ta rất khao khát, bằng cách tuân theo những điều họ muốn. Vậy là chúng ta chẳng có chút an toàn nào trong mối quan hệ. Chúng ta dành cả cuộc đời để cố tránh rạn nứt trong tất cả các mối quan hệ, bởi vì chúng ta không hề cảm thấy chắc chắn rằng nếu có rạn nứt xảy ra, thì sẽ có sự hàn gắn. Cảm giác an toàn trong mối quan hệ (và do đó là sự an toàn về mặt cảm xúc) hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của chúng ta trong việc không bao giờ làm tổn thương người cha hoặc mẹ đó. Khi trưởng thành, chúng ta hoảng loạn mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra, vì chúng ta tin chắc rằng sẽ chẳng bao giờ có sự hàn gắn trong mối quan hệ.

 

Đó là lý do vì sao chúng ta cố gắng làm vừa lòng tất cả các bên. Chúng ta tưởng là mình làm điều đó vì lợi ích của họ, nhưng thực ra chúng ta chỉ đang cố làm vậy để bảo vệ sự an toàn cảm xúc của chính mình, sự bình yên bên trong của chính mình… Nếu chúng ta thật sự sợ mâu thuẫn, chúng ta sẽ né tránh hai tình huống cơ bản. Tình huống đầu tiên là khi có người tỏ ra bực bội trực tiếp với ta. Dĩ nhiên, với những lý do tôi vừa nói ở trên, kinh nghiệm của chúng ta với mâu thuẫn là nó luôn dẫn đến tổn thương.

 

Chúng ta muốn tránh kiểu tình huống này vì đã học được rằng nó gây ra cảm giác xấu hổ. Lòng tự trọng của chúng ta sẽ giảm xuống, chúng ta sẽ mất đi người khác, sẽ cảm thấy bị bỏ rơi, và chính những “hậu quả” đó khiến ta sợ đến mức không thể ở lại, mà chỉ muốn thoát ra khỏi cuộc mâu thuẫn. Đa số những người sợ mâu thuẫn thường nghĩ rằng nếu ai đó bất đồng hoặc thách thức ta, nghĩa là họ không thích, không yêu, hoặc không chấp nhận ta. Và vì con người là một loài sống theo xã hội, điều đó được hệ thần kinh của ta ghi nhận như một mối đe dọa đến sự sống còn. Tình huống thứ hai mà chúng ta sẽ tìm mọi cách tránh né là mâu thuẫn xảy ra giữa hai người khác, dù chúng ta không hề liên quan trực tiếp. Chúng ta không muốn dính vào mâu thuẫn của người khác.

 

Lý do là, khi hai người bất hòa, chúng ta cảm thấy như mình phải chọn phe. Và điều ta sợ là: nếu ta chọn phe, ta sẽ phải hứng chịu những hậu quả từ phe đối lập, tương tự như những gì ta sẽ gánh chịu nếu người đó tức giận trực tiếp với mình, tức là, những điều tôi vừa đề cập ở tình huống trước. Điều đó khiến ta cảm thấy cực kỳ không an toàn về mặt cảm xúc mỗi khi ai đó nổi giận, và cách đối phó của ta là tìm cách tránh né hoặc rút lui khỏi tình huống. Nhưng mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Lý do là bởi mỗi người trong chúng ta trải nghiệm cuộc sống từ những góc nhìn riêng biệt. Điều đó có nghĩa là quan điểm, kinh nghiệm sống và cách giải quyết vấn đề của bạn sẽ khác với người khác.

 

Vì mâu thuẫn về cơ bản là điều không thể tránh khỏi, nên khi chúng ta kháng cự nó, chúng ta đang tự đào hố chôn mình sâu hơn. Bạn có để ý rằng nếu bạn cứ tránh né mâu thuẫn, thì bạn càng dễ thu hút những người mà ở đâu họ cũng tạo ra mâu thuẫn? Đây là cách mà Vũ Trụ, dù có vẻ không mấy dịu dàng, buộc bạn phải đối mặt với nỗi sợ này để bạn có thể sống một cuộc đời trọn vẹn hơn. Nhưng khi chúng ta cứ rón rén bước đi trong cuộc sống để tránh mâu thuẫn mà không thể tránh được, thì chúng ta đang tự đẩy mình vào thất bại. Ta không thể sống một cuộc đời chân thực, chính trực, và cũng không thể có những mối quan hệ lành mạnh.

 

Ta đánh mất sự tôn trọng với chính mình. Ta cũng đánh mất sự tôn trọng từ người khác. Trớ trêu thay, ta đang tự làm tổn thương bản thân chỉ vì muốn được cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc. Và hầu hết những người tránh né mâu thuẫn không thể chịu nổi ý nghĩ làm người khác tổn thương, nhưng nếu tôi nói với bạn rằng: việc tránh né mâu thuẫn chắc chắn đang khiến bạn làm tổn thương người khác thì sao?

 

Bây giờ, nếu ai đó bước vào một mối quan hệ với chúng ta, và chúng ta cứ liên tục nói với họ những gì chúng ta nghĩ họ muốn nghe, thay vì nói ra sự thật về bản thân mình, thì điều đó có nghĩa là họ đang ở trong một mối quan hệ với một mặt nạ, và đây là một cái mặt nạ mà chúng ta không thể duy trì mãi được.

 

Vì vậy, ngay khi cái mặt nạ đó rơi xuống, họ sẽ cảm thấy vỡ mộng, kiểu như: “Trời ơi, người này là ai vậy? Không phải là người mà tôi tưởng mình đã cưới, hay là người bạn mà tôi tưởng mình có!”

 

Nếu điều chúng ta ưu tiên là thể hiện con người thật của mình và những suy nghĩ thật sự của mình, thay vì chỉ nói những gì người khác muốn nghe, thì cuối cùng, chúng ta sẽ được bao quanh bởi những người yêu thương con người thật của mình, và cảm thấy hạnh phúc khi ở gần mình.

 

Nhưng nếu điều chúng ta ưu tiên là chỉ nói những gì người ta muốn nghe, thì ta đã đánh lừa họ, có khả năng khiến họ bước vào những mối quan hệ mà lẽ ra họ sẽ không bao giờ đồng ý nếu họ biết được những sở thích, quan điểm và cảm xúc thật sự của ta.

 

Khi ta tránh né mâu thuẫn, ta cũng đang né tránh việc sống thật trong các mối quan hệ, và như vậy, tình yêu chân thật sẽ không thể tồn tại. Ta cũng dễ rơi vào trạng thái thụ động–hung, và điều đó thực sự rất tệ cho người khác, bởi vì chẳng có gì tệ hơn việc phải sống với một người luôn thể hiện cảm xúc theo cách thụ động–gây hấn cả.

 

Ngoài ra, khi ta tránh né mâu thuẫn, điều mà ta thật ra đang nói là: “Tôi chỉ có thể hiện diện với bạn trong những lúc tốt đẹp.”

 

Đó là phiên bản cuối cùng của một người bạn chỉ đồng hành khi thuận lợi.

 

Khi mâu thuẫn xuất hiện, ta gần như đang nói rằng: “Thôi nha, bạn cứ ở lại chiến trường một mình đi – tôi rút đây. Chào nha...”

 

Và điều đó chẳng có gì là yêu thương cả.

 

Nếu chúng ta muốn nâng cao mức độ nhận thức của mình, thì ta cần học cách hiện diện một cách vô điều kiện với người khác, cả trong những khoảnh khắc tốt đẹp lẫn những lúc mà ta cho là không tốt.

 

Có một mô thức rất âm thầm mà chúng ta thường rơi vào khi né tránh mâu thuẫn, và nó gây tổn thương rất lớn cho người khác. Đó chính là câu chuyện kinh điển của “kẻ trở mặt”. Chúng ta hy sinh những người mà mình yêu thương, chỉ để né tránh xung đột.

 

Bây giờ, giả sử bạn đang trong một mối quan hệ đủ lâu với ai đó, và bạn đã cùng người đó trải qua nhiều lần đứt gãy, cũng như nhiều lần hàn gắn. Khi ấy, bạn sẽ có một mức độ an toàn cảm xúc nhất định trong mối quan hệ đó. Và vì vậy, đến một mức độ nào đó, bạn có thể bảo đảm sự an toàn cảm xúc của mình khi ở bên người này.

 

Nhưng nếu người ấy, người bạn yêu thương, xảy ra mâu thuẫn với một người khác, thì bạn có thể sẽ đứng về phía đối phương và “ném người thân yêu của mình xuống gầm xe buýt”, bởi vì đối phương là người mà bạn chưa thể đảm bảo được sự an toàn cảm xúc từ họ.

 

Thật khủng khiếp!

 

Điều đó có nghĩa là: người mà bạn đã có sự an toàn cảm xúc, bạn lại đem ra làm con tốt thí, chỉ để tránh phải đối mặt với hậu quả đến từ những người mà bạn chưa có cảm giác an toàn.

 

Tôi nhận thấy rằng, một khi con người nhận ra rằng họ đang vô tình làm tổn thương người khác chỉ vì cố tránh né mâu thuẫn, thì việc thay đổi mô thức này trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

 

Vậy thì, giờ bạn đã biết tại sao mình lại có xu hướng tránh né mâu thuẫn – câu hỏi tiếp theo là: Bạn nên làm gì với điều đó?

 

Tôi sẽ liệt kê ra những gợi ý và đề xuất cho bạn ngay sau đây...

 

BƯỚC 1: Nếu bạn sợ mâu thuẫn, thì bạn đang gặp vấn đề về ranh giới cá nhân, cụ thể là, ranh giới của bạn quá yếu. Chính vì lý do này, tôi muốn bạn xem video YouTube của tôi có tiêu đề: “Làm thế nào để thiết lập ranh giới lành mạnh” (Teal Swan Transcripts 097).

 

BƯỚC 2: Bạn cần nhận ra rằng, bất kể bạn đối mặt với mâu thuẫn hay cố gắng né tránh nó, bạn vẫn sẽ cảm thấy khó chịu về mặt cảm xúc. Có những cái giá rất lớn cho việc tránh né mâu thuẫn mà bạn vẫn chưa cho phép mình nhận thức ra. Nhưng khi bạn bắt đầu nhận ra điều đó, bạn có thể đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với tình yêu bản thân. Chúng ta cần thấy rằng, khi bạn tránh né mâu thuẫn, có thể bạn đang tạm thời tránh được sự bất đồng, hoặc cảm giác không đồng điệu với người mà bạn muốn đồng điệu, và tạm thời tránh được nỗi sợ, nhưng bạn cũng đang tiến về phía một cuộc đời mà bạn sẽ không cảm thấy hạnh phúc. Bạn sẽ dành thời gian than phiền... cảm thấy oán giận... nghĩ đi nghĩ lại về những gì đã xảy ra... thấy tệ về chính mình vì bạn đã bỏ rơi chính mình (và cả người khác)... và do đó nhận ra rằng bạn đang không sống chân thật, và không sống đúng với sự chính trực của mình. Vậy nên câu hỏi bạn cần tự hỏi là: "Nếu đã không thoải mái dù chọn cách nào, thì việc né tránh mâu thuẫn có xứng đáng không?"

 

BƯỚC 3: Hãy nhìn mâu thuẫn như một cơ hội, thay vì một thảm họa. Mâu thuẫn là thời điểm hoàn hảo để bạn hiểu rõ hơn về chính mình, để bạn thật sự biết cái gì là tính chân thật của bạn. Mâu thuẫn về cơ bản là sự tương phản, là khi có hai quan điểm, hai nhu cầu đối lập. Bây giờ hãy nghĩ về Trái Đất, nền tảng chính của hành tinh này là sự tương phản. Bởi nếu không có trải nghiệm đối chiếu, chúng ta sẽ không thể đạt được sự thấu hiểu.

 

Vậy nên, khi bạn gặp phải sự đối đầu, bạn sẽ có cơ hội để sáng rõ hơn về việc bạn thực sự đứng ở đâu. Mỗi khi mâu thuẫn xảy ra, bạn có thể coi đó như một hồi chuông cảnh tỉnh rằng: “Đây là cơ hội để thật sự hiểu chính mình.” Khi mâu thuẫn xuất hiện, hãy dùng nó để tự hỏi bản thân:

 

- “Tôi thật sự tin vào điều gì?”

- “Tôi thật sự muốn gì?”

- “Tại sao tôi lại làm/ nói điều đó?”

- “Tôi thật sự nghĩ gì về tình huống này?”

 

Và hơn cả sự hiểu biết, mâu thuẫn còn là cơ hội để bạn hành động phù hợp với sự thật cá nhân và sự chính trực của mình. Đó là lúc để bạn gửi đến chính mình thông điệp: “Tôi đứng ở đây, vì bản thân tôi, cùng với bản thân tôi, trong sự thật chân thật nhất của tôi.”

 

Đây là một vị trí rất vững vàng để đứng. Hãy sẵn sàng để được tiếp thêm sự tự tin. Làm điều này sẽ làm sâu sắc mối quan hệ với chính bạn và nâng cao sự tin tưởng bạn dành cho bản thân. Bạn không thể thật sự tin vào mình nếu bạn không đứng vững trong tính chân thật của mình.

 

Nếu mỗi khi ai đó bước vào phòng, bạn liền mất phương hướng và cố hòa vào họ thay vì giữ vững sự thật cá nhân của mình, thì bạn chưa thực sự tin vào bản thân. Và vì sự tự tin là vấn đề lớn đối với những ai sợ mâu thuẫn, tôi muốn bạn xem thêm video: “Làm thế nào để tin tưởng bản thân”.

 

BƯỚC 4: Khi bạn cảm thấy nỗi sợ trỗi dậy ngay lập tức vì một mâu thuẫn đang xảy ra, tôi muốn bạn dùng cảm xúc đó như hồi chuông báo hiệu rằng bạn đang bị kích hoạt. Và thay vì cố chạy trốn khỏi nỗi sợ, hãy đối diện với nó, nhận biết rõ ràng điều mà bạn đang thật sự sợ hãi trong khoảnh khắc đó. Câu hỏi rõ ràng nhất cần tự hỏi là: “Điều gì tệ đến mức đó khi làm ai đó buồn lòng?”

 

Bạn cũng cần trở nên nhận thức về điều mà bạn đang sợ hãi trong tình huống cụ thể mà bạn đang gặp phải. Ví dụ: giả sử bạn đang đi chơi với một người bạn và họ muốn đến một nơi mà bạn thật sự không muốn đến. Họ mời bạn đi, và bạn rất muốn nói “Đồng ý” chỉ vì bạn muốn sự "gắn kết". Lúc này, điều bạn có thể nói là: “Cho mình một phút để suy nghĩ,” nhưng trong phút đó, bạn sẽ dùng nó để xác định rõ điều gì đang khiến bạn sợ, rồi sau đó bày tỏ sự thật chân thành đó với bạn mình.

 

Chẳng hạn, bạn nhận ra bạn không muốn đi, nhưng lại sợ rằng nếu bạn từ chối, họ sẽ thất vọng, rồi từ đó sẽ rạn nứt mối quan hệ, và bạn sẽ mất đi người bạn này. Khi đó, bạn sẽ nói: “Thật sự thì mình không muốn đi đến chỗ đó, nhưng mình sợ rằng nếu mình nói ‘không’, bạn sẽ thất vọng, rồi giữa tụi mình sẽ có khoảng cách, và mình sẽ mất đi bạn theo một cách nào đó, mà mình thì không muốn điều đó xảy ra, vì bạn rất quan trọng với mình.”

 

Đây là một sự bày tỏ chân thật, nghĩa là bạn đang đứng vững trong sự chính trực. Và tôi nói thật với bạn, nếu người bạn đó xứng đáng để giữ lại, thì họ sẽ không làm bạn xấu hổ vì sự bày tỏ đó. Thay vào đó, họ sẽ phản ứng theo cách giúp bạn xoa dịu nỗi sợ đó… họ sẽ làm bạn cảm thấy an tâm… Nói cách khác, họ sẽ trấn an bạn về mối liên kết đó, và sẽ không bắt bạn phải từ bỏ chính mình chỉ để duy trì mối quan hệ.

 

Và bạn càng được trấn an rằng mâu thuẫn sẽ không dẫn đến sự đứt gãy, thì bạn sẽ càng dễ đối mặt khi mâu thuẫn xảy ra. Và vâng, tôi đang kêu gọi bạn can đảm đủ để sống thật dễ tổn thương như thế.

 

BƯỚC 5: Hãy phát triển lòng thấu cảm dành cho người khác. Lý do là, nếu bạn tránh né mâu thuẫn, bạn sẽ có xu hướng xem mọi chuyện là cá nhân. Và cách duy nhất tôi tìm thấy có thể xóa bỏ hoàn toàn xu hướng này, là phát triển lòng thấu cảm. Nghĩa là, bạn cần nhìn vào những nỗi sợ cụ thể, những điểm yếu, những tổn thương và nỗi đau trong cuộc sống của người kia, là những điều khiến họ hành xử theo cách đó, hay dẫn đến những quan điểm mà họ đang thể hiện với bạn.

 

Đây là cách duy nhất để bạn nhận ra rằng, mọi chuyện thật ra không liên quan đến bạn, cho dù vào thời điểm đó bạn là người đã kích hoạt phản ứng nơi họ. Vì vậy, khi mâu thuẫn xảy ra, hãy tự hỏi: “Người này đang tổn thương chỗ nào?”, và hãy thiền định hoặc suy ngẫm đủ lâu để bạn có thể nhìn sâu xuống bên dưới bề mặt của cuộc xung đột đang diễn ra.

 

BƯỚC 6: Hãy kết nối với những gì đang hoạt động bên trong tiềm thức của bạn. Rõ ràng là, khi ta có nỗi sợ mâu thuẫn, không phải tâm trí ý thức đang điều khiển tình huống, bởi vì, nếu nó là người điều khiển, thì ta đã dễ dàng bước vào mâu thuẫn và biết cần làm gì rồi. Nhưng thực tế là, tiềm thức mới là người đang cầm cần điều khiển...

 

Vậy nên, nếu bạn không biết chuyện gì đang xảy ra trong tiềm thức của mình, thì đây là một thực hành rất hiệu quả mà bạn có thể làm. Hãy ngồi xuống và mời đứa Trẻ bên trong bạn bước lên, hiện diện trong cơ thể bạn, và là người cầm bút viết. Nhưng cây bút này phải được cầm bằng tay mà bạn không thường viết.

 

Ví dụ, nếu bạn thuận tay phải, thì tay phải của bạn được kết nối với bán cầu não kiểm soát ý thức, trong khi tay trái lại không, điều này cho phép tiềm thức được bày tỏ thông qua bài tập này. Lúc đó, bạn để Đứa Trẻ bên trong viết cho Bản ngã trưởng thành một bức thư về cảm xúc hiện tại.

 

Nếu bạn không thích làm theo cách đó, bạn cũng có thể để Bản ngã trưởng thành đặt câu hỏi, và Đứa Trẻ bên trong sẽ trả lời bằng tay không thuận.

 

Ví dụ: tôi có thể hỏi:

 

- “Vì sao con đang cảm thấy sợ hãi như vậy?”

 

và Trẻ bên trong có thể trả lời:

 

- “Vì nếu họ giận con, con sẽ bị nhốt một mình trong phòng.”

 

Khi bạn trở nên ý thức về những nỗi sợ bị dồn nén, bạn sẽ bắt đầu sẵn sàng đối diện với mâu thuẫn, và nhận ra rằng mình đang bị điều khiển bởi những nỗi sợ thời thơ ấu vốn không còn hợp lý trong thế giới người lớn.

 

BƯỚC 7: Việc tránh né mâu thuẫn thật ra chỉ là cố gắng cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc. Vậy nên, thay vì chạy vòng quanh tìm cách làm hài lòng mọi người để rồi bạn cảm thấy an toàn, tôi sẽ mời bạn can đảm đủ để đi thẳng vào trọng tâm, đó là: cảm giác an toàn cảm xúc.

 

Hãy lặp lại theo tôi:

 

- “Mình có quyền mong muốn được an toàn về mặt cảm xúc.”

 

Rồi hỏi bản thân:

 

- “Điều gì sẽ khiến mình cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc?”

 

Hãy khảo sát cuộc sống của bạn và nghĩ về tất cả những điều giúp bạn cảm thấy an toàn. Có thể đó là sự trấn an rằng bạn sẽ không mất đi ai đó nếu bạn nói lên quan điểm của mình... Có thể đó là một vật dụng an ủi mà bạn thường giữ bên cạnh... Có thể đó là một cái ôm, một sự đụng chạm nhẹ nhàng...

 

Điều quan trọng là, đôi khi thứ duy nhất mà bạn cần để có thể đối mặt với mâu thuẫn (thay vì tránh né) là tự hỏi:

 

- “Mình cần gì để cảm thấy đủ an toàn về mặt cảm xúc, để có thể đối diện với mâu thuẫn này thay vì trốn tránh nó?”

 

Hoặc nhờ người khác hỏi bạn câu đó.

 

Và đây là một câu khẳng định nữa để bạn lặp lại:

 

- “Tôi không hề an toàn với chính mình nếu tôi cứ hy sinh bản thân, thỏa hiệp bản thân chỉ để người khác được vui vẻ và hài lòng.”

 

BƯỚC 8: Hãy kết nối với cảm xúc của chính bạn. Nếu bạn đang né tránh mâu thuẫn, thực tế là, bạn không thật sự kết nối với cảm xúc của mình. Và điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Nếu bạn sợ mâu thuẫn (điều đó có nghĩa là trong cuộc sống của bạn, những cảm xúc thật sự mà bạn từng có không được xử lý đúng cách), thì những người lớn trong đời bạn đã không dạy bạn nên làm gì với cảm xúc của mình.

 

Vì vậy, khi cảm xúc trỗi dậy bên trong bạn, bạn không biết phải làm gì với nó, bạn thấy choáng ngợp và sợ hãi. Và khi cảm xúc trỗi dậy trong người khác cũng vậy, bạn thấy sợ, bạn không biết phải xử lý thế nào. Bạn chưa hiểu rằng mâu thuẫn không nhất thiết phải là thứ đáng sợ, phá hủy, bùng nổ hay hung hãn như những gì bạn hình dung trong đầu. Sự dạy dỗ xã hội ban đầu của bạn không hề hỗ trợ bạn, nó mang tính trừng phạt.

 

Vì vậy, để học cách xử lý cảm xúc của chính bạn, và cách đối diện với cảm xúc của người khác, tôi muốn bạn xem hai video sau trên YouTube của tôi:

 

-  “Cách chữa lành cơ thể cảm xúc” (Teal Swan Transcripts 124)

- “Lời kêu gọi đánh thức cảm xúc” (Teal Swan Transcripts 143)

 

 

BƯỚC 9: Phát triển kỹ năng giao tiếp. Một trong những cách hiệu quả nhất để tự tin hơn khi đối diện mâu thuẫn là: trở nên tự tin hơn trong khả năng giao tiếp. Có thể trong tương lai tôi sẽ làm một video về chủ đề này, nhưng từ giờ đến lúc đó, tôi sẽ cho bạn một mẹo nhỏ: Hãy đặt thật nhiều câu hỏi.

 

Câu hỏi thường dẫn đến giải pháp nhanh chóng. Câu hỏi hàm ý rằng bạn cởi mở, vì vậy nó không khiến người khác có xu hướng phòng thủ. Byron Katie có một câu nói mà tôi rất yêu thích: “Phòng thủ là hành động đầu tiên của chiến tranh.”

 

Và chiến tranh là một kiểu “mâu thuẫn”. Vậy nên dễ thấy rằng nếu chúng ta có thể tránh được việc trở nên phòng thủ (cả trong chính mình lẫn người khác), thì mâu thuẫn cũng sẽ không còn nữa. Câu hỏi giúp gỡ bỏ sự phòng thủ.

 

Tôi đặc biệt muốn bạn tập trung vào các câu hỏi giúp làm rõ kỳ vọng. Phần lớn các mâu thuẫn trong xã hội là do những kỳ vọng không được đáp ứng, những nhu cầu xung đột nhau, hoặc nhu cầu không được thỏa mãn. Vì vậy, có thể thấy rằng, bằng cách đặt nhiều câu hỏi, chúng ta có thể nhận diện được nhu cầu chưa được đáp ứng là gì và tìm ra cách để đáp ứng nó. Đó chính là giải pháp ngay lập tức. Chúng ta chỉ cần tìm ra cách đáp ứng những nhu cầu chưa được đáp ứng.

 

--------

 

Giờ là lúc chấm dứt chu kỳ tự phá hoại bản thân và làm tổn thương người khác bằng cách sống cả cuộc đời trong trạng thái tránh né.

 

Với những mâu thuẫn, thời gian không làm cho nó tốt lên. “Để đó mai nghĩ tiếp” – không làm cho nó khá hơn. Mâu thuẫn sẽ không tự biến mất. Trên thực tế, nó sẽ chỉ ngày càng thối rữa bên trong.

 

Và bạn càng đối mặt với mâu thuẫn, bạn sẽ càng bớt sợ nó. Bạn sẽ trải nghiệm những điều tốt đẹp nảy sinh từ nó. Bạn sẽ cảm nhận được sự hàn gắn trong các mối quan hệ. Bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn về chính mình, và các mối quan hệ của bạn sẽ được cải thiện, bởi vì bạn đang học cách hiện diện trọn vẹn với chính mình và với người khác.

 

Bằng cách đối mặt với mâu thuẫn một cách trực diện, bạn sẽ từng bước học được cách sống đúng với tính chân thật của mình. Bạn sẽ phải thay đổi cuộc sống để phù hợp với sự thật đó, và bạn sẽ bắt đầu sống một cuộc đời với sự chính trực. Kết quả là, hoàn cảnh sống của bạn sẽ thay đổi, để phản chiếu lại sự thật sâu sắc và chân thật bên trong bạn.

 

Và kết quả của điều đó là bạn sẽ bắt đầu sống một cuộc đời mà bạn thật sự muốn hiện diện trong đó.

 

Và điều bạn sẽ nhận ra là: đối mặt với mâu thuẫn thật ra có thể làm sâu sắc thêm mối liên kết với ai đó, thay vì tạo ra rạn nứt như bạn vẫn lo sợ.

 

Chúc bạn một tuần tuyệt vời.

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=RSzjnJ8_1W8

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.