Teal Swan Transcripts 180
Tôi Không Thể Tin Vào Vũ Trụ (Tôi Cảm Thấy
Như Thượng Đế Đang Chống Lại Tôi)
30-05-2015
Xin chào mọi người.
Nghệ thuật buông
bỏ là một trong những nền tảng của thực hành tâm linh. Có thể bạn đã từng nghe
câu: “Hãy buông tay và để Thượng Đế dẫn đường” hoặc “Giao phó cho các vì sao”.
Về cơ bản, đó là ý niệm rằng nếu bạn buông sự kháng cự, bạn sẽ cho phép vũ trụ
dẫn bạn thẳng đến điều bạn đã yêu cầu. Dẫn bạn đến điều gì phù hợp với lợi ích
cao nhất của bạn.
Bây giờ, nếu bạn
là một trong những người thực sự tin rằng vũ trụ có quan tâm đến lợi ích cao nhất
của bạn và sẽ đưa bạn đến điều đó, thì bạn xứng đáng nhận được một ngôi sao
vàng. Bạn thật may mắn về mặt niềm tin. Nhưng với một số người trong chúng ta,
nếu thành thật mà nói, thì cảm giác của chúng ta lại hoàn toàn ngược lại. Chúng
ta cảm thấy như thể vũ trụ đang âm mưu chống lại mình. Rằng vũ trụ hoàn toàn
không quan tâm đến lợi ích của chúng ta, và chắc chắn sẽ không đưa chúng ta đến
những điều mà ta mong muốn. Thật ra, nó dường như quyết tâm khiến chúng ta
không bao giờ đạt được điều đó. Cuộc sống của chúng ta giống như một điệu nhảy
đầy sợ hãi, nơi mọi thứ dường như chống lại ta và vũ trụ thì hả hê khi nhìn ta
đau khổ. Mỗi điều tích cực đến trong đời ta lại bị xem như một trò đùa tàn nhẫn
sẽ sớm biến thành nguồn gốc của khổ đau. Tương lai của ta trông u ám và đáng sợ.
Cách dễ nhất để
mô tả trạng thái tâm lý tiềm thức này là: ta như đang chơi một ván cờ sinh tử với
vũ trụ. Ta cố gắng tính trước, chiếm ưu thế, làm vừa lòng, xoa dịu và mặc cả với
vũ trụ. Vì vũ trụ không phải là bạn ta, mà là kẻ đối đầu. Và điều này khiến ta
khổ sở, bởi vì ta đang đấu với một thế lực lớn hơn rất nhiều, và hoàn toàn
không có cách nào để chiến thắng. Nếu đây là thực tại của bạn, thì cảm giác thật
khủng khiếp. Ta đang trong một mối quan hệ tồi tệ với chính vũ trụ mà ta đang sống
trong đó. Để bạn có thể hiểu được cảm giác kinh khủng này, hãy tưởng tượng một
con cá tin rằng nước mà nó đang sống đang cố giết nó.
Ta bắt đầu tin rằng
cuộc sống là khổ đau. Ta nhìn quanh thế giới, thấy biết bao khổ đau, và điều đó
trở thành bằng chứng cho niềm tin đó. Niềm tin này bắt đầu từ rất sớm, trong những
trải nghiệm đầu đời. Trạng thái này có gốc rễ sâu xa trong chấn thương tâm lý.
Một số đứa trẻ được xem là “may mắn”, chúng được sinh ra trong điều kiện thuận
lợi, thời kỳ mang thai êm ấm, sinh nở không chấn thương, cha mẹ có sự đồng điệu
khiến đứa trẻ cảm thấy an toàn trong cuộc sống. Đó là một hoàn cảnh rất may mắn
và ít gây ra chấn thương.
Nhưng một số người
trong chúng ta không được sinh ra trong những hoàn cảnh như thế. Có thể mẹ
chúng ta cũng từng cảm thấy vũ trụ chống lại mình. Và ta bắt đầu tiếp nhận tần
số đó ngay từ trong bụng mẹ. Một số người trải qua sinh nở đầy chấn thương. Một
số khác có cha mẹ không hề nuôi dưỡng hay yêu thương. Kết quả là: ta tin rằng
mình bất lực trước các thế lực đang tồn tại. Những thế lực không hề quan tâm đến
lợi ích của ta. Cuộc sống bắt đầu trở nên không thân thiện. Dù trải nghiệm có
khác nhau, nhưng mô thức tâm lý này lại xuất hiện giống nhau trong tiềm thức.
Kiểu chấn thương phổ biến nhất mà tôi thấy tạo ra mô thức suy nghĩ này, là đến
từ cha mẹ, một hoặc cả hai người. Và đây là điều: cha mẹ lẽ ra phải là người ủng
hộ, là đồng minh của ta. Ta đáng lẽ phải cảm thấy rằng họ đứng về phía mình.
Nhưng đôi khi, ta không hề cảm thấy điều đó. Dù cha mẹ ta thực sự có ý tốt, thậm
chí họ nghĩ rằng việc đối đầu với ta là vì mục đích tốt, nhưng từ phía ta, điều
đó không hề mang lại cảm giác tích cực.
Ta chỉ thấy họ
như những người đối đầu. Và rất có thể, nếu bạn mang niềm tin rằng vũ trụ đang
chống lại mình, thì bạn cũng đã từng cảm thấy rằng một trong hai hoặc cả hai
cha mẹ đang chống lại bạn. Đây không phải là một điều gì đó độc ác, nhưng điều
ta cần hiểu là mô thức này mang theo ý niệm rằng cha mẹ ta không quan tâm đến lợi
ích của ta. Và thực tế, ta phải cảm thấy tốt bất chấp họ. Khi ta còn nhỏ, cha mẹ
to lớn hơn ta, khôn ngoan hơn ta, và có khả năng hơn ta rất nhiều.
Họ đáp ứng nhu cầu
của ta. Về bản chất, họ là “Thượng Đế” trong mắt ta, nên ta tin bất cứ điều gì
họ nói. Ta không biết gì khác. Thực tại chắc chắn phải là những gì họ nói. Và
khi ta trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng hình tượng cha mẹ, vì giờ ta đã có sự
khôn ngoan và năng lực ngang bằng, thậm chí hơn họ, ta bắt đầu thay thế hình tượng
đó bằng một phiên bản tâm linh của Thượng Đế. Đó là một ý thức toàn năng tồn tại
bên ngoài ta, như trong hầu hết các hệ thống tín ngưỡng.
Bởi vì ta xem ý
thức toàn năng đó là lớn hơn, khôn ngoan hơn, toàn năng hơn, toàn tri hơn, nên
ta cũng xem nó là hình tượng của quyền lực. Và rồi, tiềm thức của ta làm gì? Nó
lục lọi trong “tập hồ sơ” của mình để tìm định nghĩa và kỳ vọng về một hình tượng
quyền lực, rồi chồng lên hình ảnh mới mà ta đang gọi là Thượng Đế. Và đó chính
là vấn đề. Vì sao?
Vì hãy hy vọng rằng
bạn đã từng có những hình tượng quyền lực hòa hợp. Nếu bạn từng có những hình
tượng quyền lực đầy trừng phạt, thì đó sẽ là hình ảnh bạn chồng lên Thượng Đế. Giờ
thì bạn hiểu Kinh Thánh rõ hơn rồi đó, phải không? Bởi nếu cha mẹ đầu tiên của
bạn từng là kẻ đối đầu, thì Thượng Đế trong tâm trí bạn cũng sẽ là một thế lực
trừng phạt. Mọi thứ sẽ được nhìn qua lăng kính “vũ trụ chống lại tôi” thay vì
“vũ trụ ủng hộ tôi”.
Bạn không tin
tôi ư? Hãy lập một danh sách tất cả những điều bạn thích và không thích ở từng
người trong số cha mẹ của bạn. Rồi nhìn lại danh sách đó, bạn sẽ thấy bạn đang
làm đúng y như vậy. Những gì bạn kỳ vọng từ vũ trụ chính là những gì bạn kỳ vọng
từ cha mẹ. Chính là những gì bạn thích và không thích ở họ. Nếu bạn có một người
mẹ khiến bạn bối rối, bạn sẽ dễ thấy bối rối với Thượng Đế. Nếu bạn bị cha mình
trừng phạt, bạn sẽ có xu hướng tin rằng vũ trụ cũng sẽ trừng phạt bạn, v.v. Bạn
sẽ thấy rằng bạn thường chiếu hình ảnh người cha/mẹ có quyền lực nhất trong nhà
lên hình ảnh của Thượng Đế.
Vấn đề mất niềm
tin vào vũ trụ càng trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn tiếp tục trải qua những
sang chấn, thất vọng và đau đớn trong cuộc sống. Mỗi lần tổn thương, niềm tin
tiêu cực ấy càng ăn sâu hơn. Điều này càng trầm trọng hơn nữa nếu bạn lớn lên
trong một tôn giáo có quan niệm về Thượng Đế giống với hình tượng cha mẹ trừng
phạt, một vị thần mà bạn phải làm hài lòng, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Rồi một ngày,
không quan trọng là có những người truyền giáo gõ cửa nhà bạn nói rằng: “Thượng
Đế yêu bạn”, hay một vị thầy tâm linh tuyên bố với bạn rằng vũ trụ là đầy lòng
nhân từ… bạn có thể muốn tin điều đó, nhưng bạn không thực sự tin. Và rồi, có một
câu hỏi lớn cứ vang vọng trong đầu bạn, ám ảnh bạn không dứt: “Nếu Thượng Đế thực
sự yêu thương tôi, nếu Ngài thật sự từ bi, thì tại sao những điều đó lại xảy ra
với tôi?”; “Tại sao một Thượng Đế toàn năng lại để tôi phải chịu đựng những
chuyện như vậy?”
Chúng ta có thể
mở rộng câu hỏi này ra và áp dụng nó với những gì đang xảy ra trên thế giới:
“Nếu Thượng Đế
là toàn năng và yêu thương nhân loại, thì tại sao Ngài để trẻ em bị lạm dụng,
phụ nữ bị cưỡng hiếp, đàn ông chết tan xác trong chiến tranh, thiên tai xảy ra,
động vật bị giết hại hàng loạt, v.v…?”
Thay vì đi vào
những thế giới giả định đầy trừu tượng mà hầu hết các thầy tâm linh thường hay
dẫn dắt bạn đến để trả lời những câu hỏi như thế, tôi thà giúp bạn xây dựng mối
quan hệ cá nhân với Nguồn hoặc Thượng Đế, để bạn có thể tự mình tìm ra câu trả
lời.
Tôi không muốn
ngồi đây và mất thời gian cố gắng thuyết phục bạn rằng Thượng Đế đang đứng về
phía bạn.
A: Việc đó rất
phiền phức.
B: Bạn có cả núi
bằng chứng để chứng minh điều ngược lại.
Thế nên, thay
vào đó, tôi muốn bạn làm những điều sau:
Bước 1: Hãy lấy
một tờ giấy ra và viết xuống tất cả những bằng chứng bạn có cho thấy vũ trụ hoặc
Thượng Đế đang chống lại bạn. Với mỗi bằng chứng, hãy tìm cách "bắn thủng"
nó. Có nghĩa là: tìm ra lý do vì sao điều đó không thực sự là bằng chứng cho thấy
vũ trụ chống lại bạn.
Hãy nhờ đến sự
giúp đỡ của người khác nếu bạn không thể tự nhìn ra được điểm yếu trong từng bằng
chứng cụ thể đó.
Nếu bạn cảm thấy
vũ trụ chống lại bạn, tức là bạn đang cảm thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh.
Vậy nên, mà không rơi vào sự tự trách, hãy nhìn xem bạn đã góp phần tạo ra hoàn
cảnh đó như thế nào. Bạn đã đưa ra những lựa chọn nào dẫn đến điều đó?
Ngoài ra, hãy cố
gắng nhìn lại mỗi bằng chứng đó như một bằng chứng cho thấy vũ trụ thật ra đang
ủng hộ bạn. Mỗi điều đó đã mang lại lợi ích gì cho bạn?
Bước 2: Hãy bắt
đầu một cuốn nhật ký mới. Cuốn nhật ký này có tên là: “Cách mà Thượng Đế, Nguồn
hay Vũ trụ (tuỳ cách gọi của bạn) đang đứng về phía tôi”.
Đây là phiên bản
nâng cấp của nhật ký “đồng bộ hoá” mà tôi đã nhắc đến trong vài video trước.
Bạn bắt đầu bằng
cách nhìn về quá khứ, những tình huống đã xảy ra từ lâu, những điều vẫn khiến bạn
day dứt, và tìm xem liệu trong những tình huống đó, Thượng Đế hoặc Nguồn có thể
đang đứng về phía bạn chứ không phải chống lại bạn.
Ví dụ, giả sử bạn
bị lật xe trên đường cao tốc, nhưng bạn lại bị lật xe đúng vào đoạn duy nhất được
trải đất thay vì nhựa đường. Đó có thể là một minh chứng cho thấy Thượng Đế thật
ra đang đứng về phía bạn. Bạn cần tìm những điều như vậy, những “tia sáng nơi đầy
mù mịt”.
Câu hỏi bạn cần
tự hỏi là: “Kịch bản tồi tệ hơn nào có thể đã xảy ra... nhưng lại không xảy
ra?”
Rồi dần dần, bạn
biến điều này thành một thói quen hằng ngày: “Hôm nay, vũ trụ đã đứng về phía
tôi như thế nào?”
Điều này bao gồm
cả các trải nghiệm đồng bộ và những điều bạn biết ơn.
Tất cả những điều
đó chính là cách mà vũ trụ đang đứng về phía bạn. Kể cả khi vũ trụ đặt bạn vào
một nơi có một bông hoa đẹp trước mắt, thì đó cũng là vũ trụ đang ủng hộ bạn.
Hãy ghi lại những điều đó. Bởi khi ta cảm thấy vũ trụ chống lại mình, ta sẽ
không còn chú ý đến những điều ấy nữa.
Bước 3: Hãy bắt
đầu một cuộc đối thoại với Thượng Đế, Nguồn hoặc Vũ trụ.
Để hiểu cách làm
điều này, tôi muốn bạn xem video YouTube của tôi có tiêu đề “Thư Gửi Thượng Đế”
(Teal Swan Transcripts 171)
Bước 4: Hãy cân
nhắc điều sau đây: Chúng ta không thể tách rời khỏi vũ trụ mà ta đang sống
trong đó. Thật ra, vũ trụ là sự phản chiếu của chính chúng ta. Vậy điều gì có
thể đang diễn ra nếu ta nghĩ rằng vũ trụ bên ngoài đang chống lại mình?
Nó có thể đang
phản chiếu điều sau: “Tôi đang chống lại chính mình.”
Hãy nhìn xem điều
này có thể đúng như thế nào trong cuộc sống của bạn. Nếu bạn nghĩ vũ trụ đá bạn
ngã khi bạn đã gục ngã, thì hãy tự hỏi: Làm sao bạn cũng đá chính mình khi mình
đã ngã?
Nếu bạn nghĩ vũ
trụ liên tục làm những điều có hại cho bạn, thì hãy hỏi: Làm sao bạn cũng đang
liên tục làm những điều có hại cho chính mình?
Bước 5: Nếu bạn
cảm thấy vũ trụ đang chống lại mình, thì sự thật là bạn không hề tin tưởng vũ
trụ. Và vì vũ trụ là sự phản chiếu của bạn, điều đó có nghĩa là: bạn không tin
vào chính mình, đặc biệt là, bạn không tin rằng bạn có thể tự bảo vệ bản thân. Đó
là một thực tại đáng sợ, sống trong làn da của chính mình mỗi ngày mà không thể
tin vào chính mình.
Vì lý do đó, việc
xây dựng lòng tin vào bản thân là một phần quan trọng trong hành trình học cách
tin rằng vũ trụ không hoàn toàn chống lại bạn. Vì vậy, tôi muốn bạn xem video
YouTube của tôi có tiêu đề: “Làm Thế Nào Để Tin Tưởng Bản Thân” (Teal Swan Transcripts 128)
Bước 6: Sửa chữa
những sai lầm của bạn.
Trước tiên, ta cần
hiểu rằng: đúng hay sai không phải là phán xét mà vũ trụ đưa ra. Thượng Đế
không ngồi trên cao để đánh giá người trần rằng: “Cái này đúng, cái kia sai,
ngươi nên làm cái này, không nên làm cái kia.”
Tuy nhiên, nếu bạn
đang ở trong trạng thái tin rằng vũ trụ chống lại mình, thì bạn rất đang hoạt động
từ một hệ thống niềm tin rằng: có đúng, có sai. Và rằng bạn phải làm đúng, nếu
không sẽ bị trừng phạt vì cái sai. Vậy nên, tôi sẽ làm việc trong khuôn khổ của
niềm tin đó.
Nếu bạn cảm thấy
vũ trụ chống lại mình, thì bạn cảm thấy bất lực và thường đi kèm là cảm giác tội
lỗi sâu sắc. Vì sao ta lại bị vũ trụ trừng phạt nếu ta không có tội?
Vậy nên, tôi muốn
bạn suy nghĩ về điều sau: Chính xác thì bạn đã làm gì? Điều gì bạn đã làm khiến
bạn cho rằng nó quá sai lầm, đến mức vũ trụ (hoặc Thượng Đế) không hài lòng với
bạn?
Giờ thì, hãy lấy
lại quyền lực bằng cách tìm cách sửa chữa những điều sai lầm mà bạn tin là mình
đã gây ra. Làm sao bạn có thể khiến mọi thứ tốt hơn? Làm sao bạn có thể cho thấy
rằng bạn đang sửa chữa lỗi lầm của mình?
Khi đã có câu trả
lời, hãy hành động. Hãy thay đổi lối sống theo hướng tích cực.
Cũng cần nói
thêm: rất nhiều người khi hỏi bản thân rằng “Tôi đã làm gì sai để khiến vũ trụ
không hài lòng?”, thì không thể đưa ra câu trả lời cụ thể. Ngoại trừ một điều: Có
điều gì đó trong bản chất con người tôi là sai lầm. Là xấu xa. Và vì thế tôi bị
vũ trụ chọn làm người gánh chịu. Đây được gọi là xấu hổ, mặc cảm về bản thân.
Và vì lý do đó,
tôi muốn bạn xem video của tôi có tiêu đề: “Cách Vượt Qua Cảm Giác Xấu Hổ” (Teal Swan Transcripts 167)
Bước 7: Thiền định.
Nếu bạn theo đạo
Thiên Chúa hoặc một tôn giáo tương tự, bạn có thể sử dụng cầu nguyện. Cầu nguyện
và thiền định có mối liên hệ rất chặt chẽ. Điểm cốt lõi là: Thiền đã được sử dụng
trong hàng ngàn năm để kết nối với khía cạnh thần thánh, và nó hiệu quả. Thiền
giúp chúng ta trải nghiệm phần sâu hơn trong bản thân, phần vượt ngoài suy
nghĩ, cảm xúc, và cả cuộc đời làm người tạm thời này.
Phần lớn những
điều mà chúng tôi, những người dạy tâm linh, nói với bạn về vũ trụ đều là giả
thuyết, vì lý do sau: bạn chưa có trải nghiệm trực tiếp với nó. Tôi cho rằng thật
tàn nhẫn khi mong đợi bất kỳ ai chỉ tin vào lời tôi, đơn giản vì tôi nói vậy.
Thiền định cho
phép bạn có trải nghiệm trực tiếp, để nó trở thành chân lý của riêng bạn, chứ
không phải là một niềm tin mà bạn muốn tin.
Việc thiền định
đều đặn hằng ngày, theo quan điểm của tôi, là một trong những cách tốt nhất để
đạt được điều này. Hãy thử nhiều kỹ thuật thiền khác nhau cho đến khi bạn tìm
được cái phù hợp nhất với bạn.
Bước 8: Hãy nhận
ra rằng nếu khi còn nhỏ bạn không nhận được nhiều sự chú ý hay quan tâm tích cực
từ cha mẹ, thì có thể bạn đã chọn cách tìm kiếm sự chú ý tiêu cực.
Tại sao? Vì bị
phớt lờ, không được quan tâm, là hình thức đau khổ cùng cực.
Tại sao điều này
lại quan trọng?
Vì nó có nghĩa
là chúng ta đang mang trong mình một động cơ tiềm ẩn để giữ vững niềm tin rằng
vũ trụ đang chống lại ta.
Nếu vũ trụ chống
lại ta, điều đó phải có nghĩa là ta quan trọng. Nếu vũ trụ thấy ta là mối đe doạ,
điều đó phải có nghĩa là ta mạnh mẽ. Nếu ta không quan trọng, tại sao vũ trụ lại
bận tâm?
Vì vậy, ta giữ lấy
cảm giác mình quan trọng và có sức ảnh hưởng, bằng cách tin rằng có một thế lực
chống lại ta, bởi ta không thể khiến nó yêu thương ta.
Bước 9: Khi bạn
cảm thấy như vũ trụ đang chống lại mình, thường là bởi một nỗi thất vọng to lớn,
hoặc một chuỗi thất vọng kéo dài. Bạn cảm thấy như vũ trụ nhất định không bao
giờ cho bạn thứ bạn muốn.
Và đúng vậy, bạn
làm cho nó trở nên rất cá nhân: “Những điều tồi tệ chỉ xảy ra với tôi, chứ
không phải người khác.”
Bạn có thể chắc
chắn rằng mình đã từng vật lộn với sự thất vọng khi còn nhỏ và đến nay vẫn chưa
thực sự giải quyết được những cảm xúc đó. Bạn cũng bắt đầu dự đoán thất vọng
trong tương lai, vì thế bạn lo lắng, và rơi vào trạng thái nghĩ tiêu cực cực
đoan.
Vì vậy, tôi muốn
bạn xem các video YouTube của tôi có tiêu đề:
- “Làm Thế Nào Để
Vượt Qua Sự Thất Vọng” (Teal Swan
Transcripts 104)
- “Làm Thế Nào Để
Ngừng Lo Lắng” (Teal Swan Transcripts 075)
- “Làm Thế Nào Để
Ngừng Mong Đợi Điều Tồi Tệ Nhất” (Teal
Swan Transcripts 138)
Chúng ta cũng cần
nhìn vào những cách mà người khác cũng phải trải qua những điều thất vọng, chứ
không chỉ riêng chúng ta. Tôi nói thật với bạn: cảm giác rằng “vũ trụ chống lại
bạn” phần lớn đến từ nỗi đau khi cảm thấy mình là người duy nhất bị như vậy. Nếu
cần, bạn có thể hỏi bạn bè hoặc những người khác kể cho bạn nghe về những thất
vọng của họ, chỉ để bạn thấy rằng bạn không đơn độc.
Ngoài ra, khi ta
gặp thất vọng, hầu hết chúng ta, đặc biệt là những người trong cộng đồng “tư
duy tạo ra thực tại”, thường trách mắng bản thân: “Mình không nên cảm thấy như
vậy về sự thất vọng này.”
Thực tế, bạn có
thể nhìn quanh và nghĩ: “Sao người khác
lại vượt qua sự thất vọng giỏi hơn mình?”
Tôi thách bạn
hãy hỏi ai đó xem họ thật sự cảm thấy thế nào về nỗi thất vọng trong đời họ. Sự
thật là: họ cảm thấy giống y như bạn. Hoàn toàn suy sụp.
Bước 10: Hãy
thay đổi cách bạn nhìn nhận về những điều bạn đang xem là tiêu cực.
Chúng ta đang sống
trong một nền văn hoá ám ảnh với hạnh phúc. Dù lý do bạn được sinh ra là gì đi
nữa, hiện tại đang có một sự kháng cự mãnh liệt, vì đây là thời đại bóng tối cảm
xúc, đối với việc cảm nhận bất kỳ cảm xúc nào, đặc biệt là cảm xúc tiêu cực. Bất
kỳ điều gì không phải là vui vẻ đều bị xem là “không ổn”.
Chúng ta học được
rằng: “Cảm thấy điều gì đó là không ổn.”
Vì vậy, khi ta
rơi vào trạng thái năng lượng thấp, khi ta đau đớn, ta sẽ cố làm mọi thứ có thể
để thay đổi cảm giác ấy ngay lập tức, để cảm thấy vui hơn ngay lập tức. Nhưng
trong những trạng thái rung động thấp đó, việc cố cảm thấy tốt hơn chẳng khác
gì cố gắng thoát khỏi mạng nhện, càng giãy, càng mắc kẹt.
Thay vào đó, ta
cần nhìn nhận lại rằng những “đêm đen của linh hồn” ấy có thể thật ra là cần
thiết. Chúng có thể là bệ phóng đưa ta đến một nơi tốt đẹp hơn trong cuộc đời.
Khi ta thật sự vật
lộn, thường thì đó là lúc ta đang trong giai đoạn chữa lành sâu sắc. Những thứ
cũ kỹ đang trồi lên để được nhìn thấy và giải phóng. Đó là giai đoạn biến hoá,
một quá trình thanh lọc.
Và bạn có thể biết
chắc 100% rằng: “Mình không nên cảm thấy thế này”?
Có thể đây chính
là cách mà vũ trụ đang giúp bạn thấy và giải phóng những khối chặn giữa bạn và
niềm hạnh phúc.
Bước 11: Nếu bạn
cảm thấy như vũ trụ đang chống lại mình, cốt lõi là: bạn không cảm thấy được bảo
vệ.
Bạn không cảm thấy
an toàn. Bạn cảm thấy bị nhắm vào. Bạn cảm thấy bị vũ trụ âm mưu chống lại.
Vì vậy, tôi muốn
bạn xem video YouTube của tôi có tiêu đề: “Bảo Vệ Tâm Linh Và Năng Lượng” (Teal Swan Transcripts 077)
Bước 12: Nếu bạn
cảm thấy vũ trụ chống lại mình, thì hãy thành thật rằng: bạn không thật sự tin
rằng mình tạo ra thực tại của mình. Bởi nếu bạn thực sự tin rằng mình tạo ra thực
tại, thì tại sao bạn phải quan tâm đến việc vũ trụ nghĩ gì hoặc sẽ làm gì?
Rất nhiều người
trong cộng đồng “tư duy tạo thực tại” đang hô hào rằng họ tin suy nghĩ tạo ra
thực tại, nhưng thật ra họ không thật sự tin điều đó, họ chỉ ước gì mình có thể
tin. Họ không thực sự thấy rằng ý nghĩ biến thành sự thật.
Vì vậy, bạn cần
bắt đầu thực hành thật sự việc tạo ra thực tại. Tôi muốn bạn chọn một điều gì
đó mà bạn không có nhiều cảm xúc tích cực hay tiêu cực về nó.
Giả sử là… gà. Hãy
tập trung vào gà. Hãy hình dung về gà. Thiền định về gà. Nghĩ về gà, nghĩ mãi về
nó… rồi ngừng nghĩ. Và quan sát xem nó xuất hiện trong thực tại của bạn thế
nào. Khi mới bắt đầu, nhiều người không tin quá trình này sẽ hiệu quả. Họ tập
trung vào con gà, thấy nó phiền phức, rồi quên đi. Và rồi, đột nhiên, họ bắt đầu
thấy thiệp có hình gà, đĩa có hình gà, gà thật, hình dán xe có gà… và họ nói với
tôi: “Biết không, tôi không thể thoát khỏi con gà nữa. Khá rùng rợn đấy.”
Nhưng ít nhất họ
đã chứng minh được cho chính mình rằng: khi bạn tập trung vào một điều gì đó,
thực tại của bạn sẽ sắp xếp xoay quanh điều đó. Và điều đó mang lại cho bạn một
chút quyền lực. Bạn phải chứng minh cho bản thân rằng bạn có thể tạo ra thực tại,
để thôi sợ rằng vũ trụ sẽ tạo ra cuộc đời bạn thay bạn, và bạn thì hoàn toàn bất
lực.
---------------
Cuối cùng, bạn không
tách rời khỏi Thượng Đế, khỏi Nguồn, khỏi vũ trụ, hay bất kỳ cái tên nào bạn muốn
gọi nó. Ý thức toàn năng ấy thấm nhuần vào mọi sự sống, và mọi thứ đều được tạo
ra từ nó. Ngay cả khi Chúa Jesus nói rằng mình là “con của Thượng Đế”, những lời
đó khi được dịch ra đã mất đi ý nghĩa ban đầu. Cách nói của ông ấy thực chất được
hiểu đúng hơn là “sự tiếp nối” hay “sự mở rộng” của Thượng Đế, bởi vào thời đó,
con cháu được xem là sự tiếp diễn của cha mẹ.
Điều đó có nghĩa
là: Thượng Đế không phân biệt giữa bản thân và bạn. Bạn chính là vi mô của tổng
thể mà chúng ta gọi là Thượng Đế. Và vì vậy, bạn được ban cho cùng một sức mạnh
để tạo ra và lựa chọn. Đây chính là trái tim của sự tự do ý chí.
Đó là lý do vì
sao Thượng Đế không phán xét việc bạn tạo ra điều gì là đúng hay sai. Hay việc
bạn chọn tập trung vào điều gì là đúng hay sai.
Thế giới này là tấm
gương trung lập và không thiên vị, phản chiếu lại những gì chúng ta chọn để suy
nghĩ đến.
Điều đó có nghĩa
là: nếu chúng ta mang theo những khuôn mẫu niềm tin rằng thế giới chống lại ta,
thì vũ trụ sẽ phản chiếu lại những tình huống khiến ta cảm thấy như vậy.
Vậy tại sao Thượng
Đế không can thiệp để ngăn nỗi đau đó lại? - Bởi nếu can thiệp, điều đó có
nghĩa là Thượng Đế đã phán xét niềm tin, lựa chọn hay sự sáng tạo của ta là sai.
Mà điều đó thì không thể xảy ra.
Chính thông qua
việc trải nghiệm, thông qua việc có những suy nghĩ, rồi thấy những suy nghĩ ấy
được phản chiếu lại, và quyết định ta muốn điều gì hơn, mà Thượng Đế mới biết
điều gì là gì. Thượng Đế đang ở trong một quá trình tự hiện thực hóa, bằng cách
phóng chiếu chính mình ra những góc nhìn khác nhau. Trong trường hợp của bạn,
là một góc nhìn con người riêng biệt.
Không có một trạng
thái hoàn hảo định trước nào để đạt được. Thượng Đế không thể nhìn bất kỳ phần
nào của chính mình là bất lực. Nếu bạn không tách rời khỏi Thượng Đế, mà là sự
mở rộng của Thượng Đế, với góc nhìn và ý chí tự do riêng, vậy thì tại sao Thượng
Đế lại nghi ngờ sự dẫn dắt của bạn đến mức phải can thiệp để ngăn những điều tồi
tệ xảy ra với bạn?
Những điều đó sẽ
không xảy ra, nếu không có một mục đích nào đó cho chúng.
Và khi ta phán
xét những điều tiêu cực là “xấu”, ta đã ngầm thừa nhận rằng chúng không nên xảy
ra, và vì thế không có mục đích gì cả. Ta đã bỏ lỡ món quà ẩn trong trải nghiệm
ấy.
Rất thường
xuyên, nhiều năm sau những hoàn cảnh đau đớn và thất vọng xảy ra trong đời bạn,
bạn nhìn lại… và vì tầm nhìn sau này luôn rõ ràng, bạn bất ngờ nhận ra rằng: Chính
điều mà bạn nghĩ sẽ hủy hoại bạn, lại mang đến cho bạn sự tự do và niềm vui.
Khi ta bắt đầu
nhận ra rằng: mọi thứ đến là để ban phước lành cho ta, thì ta bắt đầu tin tưởng
vào vũ trụ, thay vì ngờ vực nó. Ta bắt đầu thấy rằng nó đứng về phía ta, dù trải
nghiệm tạm thời có thể chưa vui vẻ.
Nhưng thật bất
công nếu bạn mong đợi bản thân, trong khi đang trải qua nghịch cảnh, lại nhìn
ra mục đích, hay thấy được vẻ đẹp ẩn chứa trong đó. Tôi không muốn bạn phải ngồi
trong nỗi đau và cố cảm thấy biết ơn vì một điều bạn hoàn toàn không biết ơn.
Thay vào đó, tôi
muốn bạn phát triển một sự cởi mở với khả năng rằng: Một ngày nào đó, khi bạn
đã vượt qua giai đoạn này, bạn sẽ nhận ra rằng vũ trụ đã làm điều đó “vì bạn”,
chứ không phải “chống lại bạn”.
Việc thay đổi một
niềm tin mà ta đã tích lũy quá nhiều bằng chứng cho nó là điều cần luyện tập. Và
rất có thể bạn sẽ không chỉ đơn giản thức dậy một ngày và có được sự giác ngộ bừng
sáng, nơi mọi thứ trở nên tuyệt vời, và bạn có mối quan hệ hoàn hảo với Thượng
Đế hay Nguồn.
Nhưng điều mà
tôi có thể hứa, là nếu bạn thực hành những điều được đề cập trong video này, bạn
ít nhất sẽ có được một mối quan hệ với Nguồn, một mối quan hệ ngày càng tốt
lên, thay vì ngày càng tệ đi.
Nhưng tôi thách
bạn hãy đặt một câu hỏi khác đi.
Thay vì hỏi với
thái độ hoài nghi: “Nếu Thượng Đế hay Nguồn yêu tôi, thì tại sao điều đó lại xảy
ra, hoặc đang xảy ra?”
Tôi muốn bạn hỏi
từ một không gian của sự tò mò: “Giả sử rằng Thượng Đế hay Nguồn yêu tôi, thì
điều đó đã xảy ra hoặc đang xảy ra là vì lý do gì?”
Chúc bạn có một
tuần tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=CGNSBKxkaRA
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.