Teal Swan Transcripts 178
Nhận thức khi Thiền (Cái Tôi Quan Sát)
16-05-2015
Chào mọi người!
Hôm nay tôi sẽ
chia sẻ lại một phương pháp cổ xưa trong hành trình tu tập tâm linh. Rất, rất
lâu về trước, khi con người lần đầu tiên bắt đầu nhận thức được những suy nghĩ
của chính mình, họ cũng nhận ra rằng bên trong mình tồn tại hai góc nhìn khác
nhau: một là Người Trải Nghiệm và hai là Người Quan Sát trải nghiệm đó. Người
ta gọi Người Trải Nghiệm là Thân xác hoặc Bản ngã, còn Người Quan Sát thì chính
là Linh hồn hoặc Ý thức. Và thế là - Thực hành Tâm linh ra đời…
Trong hầu hết
các truyền thống tôn giáo và tâm linh cổ xưa trên khắp thế giới, một trong những
thực hành đầu tiên là học cách nhận biết về Cái
Tôi Quan Sát.
Thật ra, rất khó
để tìm thấy một thực hành tâm linh hay tôn giáo nào mà không nhắc đến việc nhận
thức được Người Quan Sát đang trải nghiệm cuộc sống của bạn. Vậy thì, tại sao
tôi lại mang phương pháp cổ xưa này trở lại, trong khi nhân loại đã phát triển
vượt xa khỏi các tôn giáo và truyền thống tâm linh sơ khai của hành tinh này?
Câu trả lời là:
Thành thật mà nói, phương pháp này hiệu quả! Nó hiệu quả khi xưa, và đến giờ vẫn
còn hiệu quả.
Để bạn dễ hình
dung hơn về khái niệm Cái Tôi Quan Sát,
hãy thử tưởng tượng tình huống sau:
Giả sử bạn đang
tranh cãi với ai đó. Bạn có thể hoàn toàn "chìm sâu" trong trải nghiệm
ấy, tức là hoàn toàn bị cuốn vào cảm xúc tức giận và những suy nghĩ đang hiện
lên trong đầu như: “Tất cả là lỗi của mày, đồ ngu!”
Nhưng bạn cũng
có thể quan sát cuộc tranh cãi đó, và cả phản ứng của bạn đối với nó. Thay vì bị
mắc kẹt trong góc nhìn ngôi thứ nhất của trải nghiệm, bạn có thể đứng ở góc
nhìn ngôi thứ ba và quan sát lại tất cả như thể đang xem một đoạn phim. Khi làm
điều này, bạn không còn hoàn toàn đồng nhất với trải nghiệm nữa. Thay vào đó, bạn
đang quan sát chính mình.
Đây chính là thực hành buông tách.
Buông tách, khác
với trốn tránh, là khả năng giữ được trạng thái tỉnh thức, nhờ đó bạn có thể lựa
chọn cách phản hồi thay vì phản ứng một cách vô thức. Nó cũng giúp bạn vượt qua
góc nhìn hạn hẹp của một trải nghiệm cụ thể, để nhìn nhận cuộc sống một cách
khách quan hơn, thay vì chủ quan.
Tuy nhiên, tôi
cũng muốn nói thêm rằng: Một số người khi dành quá nhiều thời gian trong trạng
thái khách quan này, có thể khiến người khác nghĩ rằng họ đã đạt được giác ngộ.
Nhưng thực tế, đôi khi đó lại là sự tránh né việc phải thực sự sống với những
trải nghiệm chủ quan trong cuộc đời mình.
Ngược lại, phần
lớn con người trên Trái Đất lại dành toàn bộ thời gian sống trong cái nhìn chủ
quan, và vì thế, họ bị cắt đứt khỏi khả năng quan sát khách quan cuộc sống của
chính mình. Họ không thể nhìn thấy ý thức của mình một cách rõ ràng, và vì vậy,
thiếu đi sự tỉnh thức.
Vì vậy, tôi là
người đầu tiên sẽ nói với bạn rằng: Chúng ta cần phát triển khả năng chuyển đổi
qua lại giữa góc nhìn chủ quan và khách quan khi trải nghiệm cuộc sống. Vì
hầu hết con người trên hành tinh này đã rất giỏi trong việc sống từ góc nhìn chủ
quan, nghĩa là ngôi thứ nhất, điều họ cần để nâng cao thực hành tâm linh là học
cách nhìn cuộc sống từ góc nhìn thứ ba, hay còn gọi là góc nhìn của Người Quan
Sát.
Vì lý do đó,
chúng ta thực hành “Nhận thức khi Thiền”. Và một
trong những cách tốt nhất để phát triển “Nhận thức” chính là thông qua “Nhận thức
khi Thiền”.
Vì vậy hôm nay,
tôi sẽ hướng dẫn bạn một trong những bài “Nhận thức khi Thiền” yêu thích của
tôi.
-------------
Khởi đầu buổi
thiền
Hãy tìm một nơi
yên tĩnh, nơi bạn cảm thấy thoải mái nhất.
Ngồi ở tư thế
nào mà bạn cảm thấy dễ chịu, rồi nhắm mắt lại và đưa toàn bộ sự chú ý vào hơi
thở của bạn...
Hít vào…
Thở ra…
Khi bắt đầu thực
hành thiền, việc đầu tiên bạn nên làm là chọn một điều gì đó để tập trung. Lý
do chúng ta thường bắt đầu bằng việc chú ý vào hơi thở, là vì não bộ sẽ dần
hình thành một mối liên kết giữa hơi thở và trạng thái thiền.
Và rồi chỉ cần bạn
bắt đầu chú ý đến hơi thở, như một "công tắc", là tâm trí sẽ chuyển
vào trạng thái phù hợp cho việc thiền.
Trong bài thiền
này, bạn có thể quan sát hơi thở bao lâu tùy thích, sau đó nhẹ nhàng chuyển sự
chú ý sang những gì bạn đang cảm nhận từ thế giới bên ngoài. Nếu bạn muốn, bạn
có thể mở mắt và dùng cả thị giác để quan sát, hoặc bạn có thể nhắm mắt lại và
chỉ chú ý đến các giác quan khác.
Ví dụ nếu tôi thực
hiện bài thiền này ngay bây giờ, tôi sẽ bắt đầu bằng việc lắng nghe âm thanh
xung quanh…Và rồi, tôi sẽ đặt tên cho những gì tôi đang nghe. Giống như thể tôi
đã bước ra khỏi vai trò người trải nghiệm và giờ đang đứng ở vị trí người quan
sát, nhận diện những gì tôi đang cảm nhận.
Tôi có thể nói:
- “Tiếng chim…”
- “Nghe tiếng
máy bay…”
- “Tiếng xe tải…”
- “Chó sủa…”
Nếu tôi chuyển sự
chú ý sang khứu giác, tôi có thể nói:
- “Ngửi thấy mùi
đất…”
- “Cảm thấy
không khí mát lạnh trong mũi…”
Nếu tôi tập
trung vào cảm giác cơ thể:
- “Đau ở cánh
tay…”
- “Cảm nhận mặt
đất dưới thân mình…”
Giai đoạn này của
bài thiền là để bạn quan sát thế giới bên
ngoài mà bạn đang tương tác cùng.
--------
Chuyển sang quan
sát thế giới bên trong
Ở giai đoạn tiếp
theo, chúng ta hướng sự chú ý vào suy nghĩ. Bạn chỉ cần quan sát tư tưởng, không cần thay đổi, không phán xét chúng là tốt hay xấu. Chỉ đơn giản là nhận diện và đặt
tên cho chúng.
Ví dụ, nếu tôi
nhận ra mình đang nghĩ: “Thật ngu ngốc!”, tôi có thể nói:
- “Đang nghĩ một
ý tiêu cực…”
Nếu tôi nghĩ: “Cảm
giác này thật tuyệt”, tôi có thể nói:
- “Đang nghĩ một
ý tích cực…”
Hoặc tôi có thể
gọi tên kiểu suy nghĩ:
- “Phán xét”
- “Đổ lỗi”
- “Lo lắng”
Điều quan trọng
là không đồng nhất với các suy nghĩ, mà chỉ quan sát chúng hiện lên và gọi tên
chúng đúng với bản chất. Ngay cả khi không nói ra thành tiếng, bạn chỉ cần thầm
nhận diện trong tâm trí mình là đủ.
-------
Chuyển sang quan
sát cảm giác và cảm xúc
Sau một lúc, khi
bạn đã sẵn sàng, hãy đưa sự chú ý vào cảm giác nội tại.
Lúc này bạn có
thể nhận thấy các cảm xúc như:
- “Nóng rát ở
vùng bụng trên…”
- “Tê ở bàn
chân…”
Hoặc cảm xúc cụ
thể hơn như:
- “Bực bội”
- “Căng thẳng”
- “Tuyệt vọng”
- “Niềm vui”
Nếu trong quá
trình thiền, tâm trí của bạn bắt đầu lang thang, điều này hoàn toàn bình thường,
bạn không cần phải tự trách. Chỉ cần nhẹ nhàng ghi nhận:
- “Tâm trí đang
lang thang…”
Và khi bạn đưa sự chú ý trở lại:
- “Tâm trí đang
quay lại…”
Bạn có thể dành
bao nhiêu thời gian tùy ý trong trạng thái Quan Sát này. Tuy nhiên, nếu bạn mới
bắt đầu, tôi khuyên bạn chỉ nên thiền khoảng 10 phút. Với một tâm trí chưa
quen, việc duy trì sự chú ý lâu hơn sẽ rất khó, bạn hãy rèn luyện như luyện cơ
bắp: từ từ, không quá sức. Sau đó, bạn có thể kéo dài thời gian thiền bao lâu
tùy bạn muốn.
---
Kết thúc buổi
thiền
Khi đã sẵn sàng,
bạn có thể đưa sự chú ý trở lại góc nhìn chủ
quan, trở lại với hơi thở…
Hít vào…
Thở ra…
Và khi đã sẵn
sàng, bạn mở mắt ra.
---
Thông điệp cuối
cùng
Mục tiêu của bài
thiền này là giúp bạn không đồng nhất với những gì bạn đang nghĩ hay cảm nhận. Bạn
chỉ đơn giản ở trong trạng thái Quan Sát,
cho phép mọi thứ trong trải nghiệm chủ quan của bạn được hiện hữu.
Một trong những
lý do tôi rất yêu thích bài thiền “Nhận thức khi Thiền” này là vì nó rất phù hợp
với người mới bắt đầu. Khi thực hành đủ lâu, bạn sẽ dần đạt tới trạng thái tĩnh
lặng hoàn toàn, tức là không còn bình luận nội tâm, không nói chuyện ngoài miệng,
và không suy nghĩ trong đầu. Tâm trí sẽ đơn giản trượt vào trạng thái quan sát
thuần túy.
Dĩ nhiên, với những
ai quen với việc tâm trí luôn phải “làm gì đó”, trạng thái này lúc đầu là một
thử thách lớn. Vì vậy, phương pháp thiền này vẫn cho tâm trí “một việc để làm”:
quan sát, nhận diện, và đặt tên cho những gì nó nhận thấy.
Nhưng rồi theo
thời gian, khi bạn cảm thấy “cơ bắp nhận thức” đã đủ mạnh, bạn có thể bắt đầu
thêm yếu tố tĩnh lặng vào việc quan
sát, quan sát mà không cần đặt tên nữa. Đó là trạng thái hoàn toàn không phán xét.
Tôi tin bạn sẽ
biết khi nào mình đã sẵn sàng cho điều đó.
Và cũng giống
như luyện tập cơ bắp, bạn sẽ thấy mình dần trở nên khách quan hơn trong cuộc sống
hàng ngày. Khả năng quan sát sẽ trở thành một kỹ năng mà bạn có thể sử dụng bất
kỳ lúc nào, không chỉ trong thiền, mà cả trong lúc sống, làm việc, hay đối diện
với mâu thuẫn.
Khả năng đủ tỉnh
thức để nhìn nhận khách quan những gì bạn đang trải qua sẽ giúp bạn chủ động lựa
chọn cách sống, cách phản hồi với chính mình và với người khác.
Thực hành “Nhận
thức khi Thiền” giúp bạn không còn “ngủ quên” trong cuộc sống, mà hoàn toàn tỉnh
thức trong từng khoảnh khắc.
Tôi muốn chia sẻ
một quan điểm rằng: Rất đáng để chúng ta rèn luyện khả năng buông bỏ vào trải nghiệm khách quan, và
cũng đồng thời chìm đắm trong trải nghiệm
mà ta gọi là Cuộc Sống.
Điều quan trọng
là ta có thể làm cả hai, vừa trải nghiệm bản
ngã tạm thời, vừa quan sát bản thể
vĩnh cửu của chính mình.
Chúc bạn có một
tuần thật an lành...
------------
Ồ,
rất khó để một tâm trí chưa quen với trạng thái “Nhận thức khi Thiền” duy trì
được nó…
Chờ
đã… ờ… (Chết tiệt!)…
“Chúng
ta quay lại từ đầu nhé, tôi vừa bị một con sóc làm phân tâm!”
<<
Cười lớn >>
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=w5KuoBOpNp0
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.