Teal Swan Transcripts 173
Đáp ứng nhu cầu của bạn!
11-04-2015
Xin chào bạn. Dù
bạn có mong muốn điều gì đó khác đi đến đâu nữa, thì sự thật vẫn là: bạn có nhu
cầu. Mọi sinh vật tồn tại đều có nhu cầu nhất định. Thay vì bị cuốn vào cuộc
tranh luận xem từ “nhu cầu” có phải là một từ “tiêu cực” vì nó hàm ý sự thiếu
thốn hay không, hãy cùng nhau định nghĩa rõ ràng về nhu cầu là gì.
Nhu cầu là điều
gì đó cần thiết để sống, để thành công, và/hoặc để hạnh phúc.
Bạn không thể
khiến một điều bắt buộc trở thành không bắt buộc, và bạn cũng không thể tự “nói
lý lẽ” để thuyết phục bản thân rằng nó là không cần thiết.
Vậy nên, bạn chỉ
có một lựa chọn duy nhất khi nói đến
nhu cầu của mình: đó là đáp ứng nó.
Tôi muốn nhấn mạnh
điều này để tạo tác động mạnh hơn: Khi nói đến nhu cầu, bạn chỉ có một lựa chọn,
đó là phải đáp ứng chúng.
Tại sao đây lại
là lựa chọn duy nhất?
Bởi nếu bạn
không đáp ứng nhu cầu của mình một cách có ý thức, thì nó sẽ được đáp ứng một
cách vô thức. Và thật ra, đó chính là nguồn gốc của mọi hành vi thao túng.
Khi nhắc đến từ
“thao túng”, chúng ta thường cảm thấy đó là điều xấu, là dấu hiệu của một người
độc hại. Nhưng thực chất, thao túng không phải là chuyện xấu xa hay ác ý. Thao
túng đơn giản là khi một người không thể trực tiếp yêu cầu điều họ cần, nên họ
dùng những cách vòng vo để được đáp ứng. Khi thao túng, ta cố gắng tác động đến
người khác để họ làm điều ta muốn, vì điều đó sẽ giúp ta được đáp ứng nhu cầu.
Ví dụ:
- Một người cảm
thấy không an toàn, nhưng không thể trực tiếp yêu cầu được bảo vệ, có thể tạo
ra một tình huống khiến người khác phải cứu họ, hoặc dựng nên câu chuyện rằng họ
đang gặp nguy hiểm để người khác đến giúp đỡ.
- Một người cần
được giúp đỡ hoặc cảm thấy cần sự nâng đỡ, nhưng không thể mở lời, có thể khiến
bản thân bị bệnh để buộc người khác phải chăm sóc.
- Một người cần
được chấp nhận nhưng không thể cầu xin điều đó, có thể trở thành “tắc kè hoa”,
cố gắng thay đổi bản thân để được yêu mến.
Mỗi người trong
chúng ta đều từng thao túng. Câu hỏi đặt ra là: "Mình nhận thức được bao
nhiêu phần trăm về hành vi đó?"
Để giúp bạn hiểu
rõ hơn, sau đây là một số ví dụ về những hành vi thao túng phổ biến: Nói dối, gợi
ý gián tiếp, khiến người khác cảm thấy tội lỗi, hy sinh bản thân, thụ động gây
hấn, trừng phạt bằng cảm xúc, nịnh bợ không chân thành, làm nạn nhân, đưa ra lời
hứa suông, quyến rũ, giúp đỡ để đổi lấy điều gì đó, hăm dọa, v.v...
Hãy nhớ rằng: ai
cũng sử dụng những gì mình có. Chúng ta sẽ thường thao túng người mà chúng ta
thấy có lợi thế nhất cho mình.
Ví dụ, một người
có năng lực ngoại cảm có thể dùng khả năng đó để truyền đạt thông điệp từ
"Thượng Đế", khiến người khác phụ thuộc vào họ, không dám rời đi.
Thao túng không
khiến bạn trở thành người xấu. Nhưng tôi thách bạn nhìn lại cuộc sống của mình
và nhận ra những cách bạn có thể đang thao túng người khác.
Hãy hỏi chính
mình:
- "Tôi đang
thao túng bằng cách nào?"
- "Tôi đã
làm gì để đảm bảo mình nhận được phản ứng mình muốn, thay vì thẳng thắn nói ra
nhu cầu?"
- "Tôi có
nghĩ rằng mình có thể đáp ứng nhu cầu của người khác cũng như họ có thể đáp ứng
nhu cầu của tôi?"
Hành vi thao
túng luôn khiến bạn cảm thấy không đúng với chính mình, vì lúc đó bạn không
thành thật với nhu cầu thực sự của bản thân.
Một câu hỏi hay
để tự hỏi bản thân là: "Tôi đang làm điều gì khiến tôi đau khổ mà tôi
không thể dừng lại được?"
Ví dụ, ai đó có
thể tự rạch tay, điều này rõ ràng gây đau đớn, họ biết điều đó không tốt, nhưng
lại không thể dừng. Chúng ta cần nhìn sâu vào điều mà hành vi đó mang lại.
Rất có thể, khi
một người tự làm hại bản thân, mọi người xung quanh cuối cùng sẽ chú ý đến họ với
sự lo lắng. Như vậy, một cách vô thức, việc tự tổn thương chính là cách thao
túng để được người khác chú ý và quan tâm. Nói cách khác, đó là một cách để được
nhìn thấy và thấu hiểu.
Giờ tôi muốn bạn
nghĩ lại về thời thơ ấu và nền văn hóa bạn đã lớn lên: "Những nhu cầu và
mong muốn nào từng không được phép có?"
Chúng ta thường
thao túng nhiều nhất ở những nhu cầu mà ta từng được dạy rằng "không được
phép có."
Và một gợi ý: nếu
bạn sống trong xã hội hiện đại, hầu hết những nhu cầu bạn cho là "không ổn"
thường là nhu cầu cảm xúc.
Sau đó, hãy hỏi:
"Hiện tại,
tôi đang đáp ứng những nhu cầu đó theo cách nào?" - Câu hỏi này sẽ giúp bạn
phát hiện những hành vi thao túng của mình.
Việc ngừng thao
túng rất khó. Lý do chính là: Để ngừng thao túng, ta phải đủ dũng cảm để đối diện
với sự tổn thương. Ta phải chấp nhận rằng mình có những nhu cầu mà bản thân cảm
thấy “không được phép có”. Khi bạn nhận thức được hành vi thao túng, việc đó sẽ
không còn “thoải mái” nữa. Bạn sẽ bắt đầu tìm cách thay thế để đáp ứng nhu cầu
đó theo cách lành mạnh hơn.
Khi bắt gặp mình
đang thao túng, hãy hỏi: "Mình đang cố gắng đạt được điều gì?"
Rồi hãy tìm cách
trực tiếp thể hiện nhu cầu đó, hoặc tìm cách khác để đáp ứng nhu cầu ấy. Hãy kết
nối với điều bạn muốn và điều bạn cần.
Trong suốt cả
ngày, hãy dừng lại từng chút và tự hỏi:
- “Ngay lúc này,
tôi cần gì?”
- “Ngay lúc này,
tôi muốn gì?”
Rồi hãy cho phép
bản thân nhận được điều đó.
Nếu bạn thực sự
không rõ mình muốn hay cần gì, hãy tìm một danh sách các nhu cầu (về cảm xúc,
thể chất, tinh thần) trên mạng. Bạn có thể tạo bảng danh sách cá nhân của mình,
lựa chọn từ các danh sách đó những nhu cầu phù hợp với bạn. Khi cảm thấy tiêu cực,
bạn có thể mở danh sách ra và xác định nhu cầu cụ thể bạn đang thiếu, sau đó
tìm cách đáp ứng, dù là tự mình hay nhờ người khác giúp.
Ở cộng đồng của
tôi, đôi khi chúng tôi đưa danh sách này cho một người, để họ chọn ra nhu cầu
hiện tại của họ, rồi chúng tôi sẽ hỗ trợ đáp ứng nhu cầu đó. Đó là một hoạt động
kết nối rất thú vị.
Một điều hay
khác là: hãy để đứa trẻ bên trong bạn chọn điều nó cần và đáp ứng nhu cầu đó
trong ngày.
Hãy nhớ rằng: trẻ
bên trong thường giỏi chọn nhu cầu từ danh sách hơn là diễn đạt bằng lời.
Với mỗi nhu cầu,
bạn có thể: Tự tìm cách đáp ứng. Hoặc nhờ người khác hỗ trợ. Nếu bạn bị kẹt,
hãy mời người khác cùng bạn lên ý tưởng.
Nếu bạn thực sự
mơ hồ về nhu cầu của mình, hãy xem xét điều bạn không muốn, vì ở phía bên kia của
sự “chối bỏ” đó, là sở thích và mong muốn.
Bạn có thể đã
nghe qua khái niệm "con ma đói", giống như lòng tham. Người ta nói rằng
càng cho nhu cầu ăn, nó sẽ càng lớn, và không bao giờ được thỏa mãn. Tôi ở đây
để nói với bạn rằng, sự thật hoàn toàn ngược lại.
Hãy tưởng tượng:
nếu bạn đáp ứng một nhu cầu, thì nhu cầu đó sẽ được thỏa mãn. Sự thật là: lòng
tham không phải là trạng thái tự nhiên. Vì đói khát không phải là trạng thái tự
nhiên.
Khi một người liên
tục được đáp ứng, họ sẽ không còn quan tâm đến việc tích trữ, tranh giành. Tích
trữ chỉ xảy ra khi ta sống trong sự sợ hãi và thiếu thốn. Không đáp ứng nhu cầu
chính là cách nhanh nhất để trở nên tham lam.
Và xin hãy nhớ: Không
có nhu cầu nào là quá “trẻ con.” Ta thường tự bảo: “Cần được ôm ấp, cần được an
ủi là thứ nhu cầu trẻ con.” Rồi ta chối bỏ nó, vì ta nghĩ ta là người lớn.
Nhưng điều đó hoàn toàn sai.
Nếu bạn vẫn còn
nhu cầu “trẻ con” khi đã trưởng thành, điều đó nghĩa là những nhu cầu đó đã
không được đáp ứng khi bạn còn nhỏ. Và nếu không được đáp ứng, bạn sẽ không bao
giờ thực sự trưởng thành vượt qua giai đoạn đó.
Có thể bạn nghĩ
rằng, nếu bây giờ bạn đáp ứng những nhu cầu “trẻ con” đó, chúng sẽ không bao giờ
được thỏa mãn. Nhưng sự thật là: Khi bạn đáp ứng nhu cầu của đứa trẻ bên trong,
nó sẽ trưởng thành. Nói cách khác: nếu nhu cầu không được đáp ứng thời thơ ấu,
thì bây giờ chúng cần được đáp ứng để bạn có thể trưởng thành. Và nếu bạn không
làm vậy, bạn sẽ tiếp tục tìm cách để thỏa mãn chúng, bằng những cách vòng vo và
vô thức.
Bây giờ tôi sẽ
nói điều này, có thể bạn sẽ sốc: Phần lớn các sở thích tình dục kỳ lạ trên thế
giới đều là biểu hiện của các nhu cầu thời thơ ấu chưa được thỏa mãn.
Tôi kể cho bạn một
câu chuyện cá nhân: Khi tôi còn nhỏ, tôi không được bảo vệ. Vài năm trước, tôi
nhận ra rằng mình luôn cảm thấy không an toàn, đặc biệt là khi ngủ vào ban đêm.
Thay vì thao túng, tôi đã trực tiếp yêu cầu một người bạn cùng nhà ngủ chung
giường với tôi. Sáng hôm sau, tôi cảm thấy an toàn hơn, vững vàng hơn, và độc lập
hơn.
Giờ tôi hỏi bạn:
Sẽ tốt hơn nếu tôi chối bỏ nhu cầu đó chỉ vì nó “trẻ con”? Liệu điều đó có khiến
tôi trở thành người tốt hơn không?
Bạn có thể nghĩ
bạn không có nhu cầu, không muốn gì, không phụ thuộc ai. Nhưng trong thế giới
này, bạn vẫn phụ thuộc vào người khác và vào mọi thứ xung quanh. Bạn cần họ, và
họ cần bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn yếu đuối.
Nếu bạn tin rằng
mình không cần ai hay điều gì, thì đó là vì bạn quá sợ hãi để trở nên dễ bị tổn
thương, và vì vậy bạn không dám mở lời để yêu cầu điều mình cần. Khi đó, tiềm
thức sẽ “lái con tàu”, đưa bạn đến với đủ loại cách thức vòng vo, thao túng, mà
bạn thậm chí không nhận ra.
Sự thật là: thừa
nhận nhu cầu là điều đáng sợ. Đặc biệt là những nhu cầu đòi hỏi người khác phải
đáp ứng. Vì người khác có thể nói "không".
Nhưng tôi hỏi bạn
điều này: Nếu bạn dám thừa nhận những điều bạn thật sự cần, liệu cuộc sống của
bạn có thay đổi không? Liệu những người có thể đáp ứng bạn có tìm đến bạn? Và
những người không thể, sẽ tự động rời xa bạn?
Hãy nhớ: chúng
ta cảm thấy hạnh phúc khi được đáp ứng nhu cầu cho nhau. Biết đâu, điều ta thực
sự cần… chính là cần nhau. Bạn sẽ thấy rằng, khi bạn bắt đầu thể hiện nhu cầu của
mình, nhiều người cảm thấy hạnh phúc khi được giúp bạn.
Ví dụ, người này
có thể cảm thấy được kết nối khi giúp người khác cảm thấy được an ủi, vì điều
đó đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu của chính họ. Mặt khác, người khác có thể cảm
thấy vô cùng khó chịu khi phải an ủi ai đó, vì điều đó xung đột với nhu cầu độc
lập và thành tựu cá nhân của họ.
Bài học ở đây
là: Hãy chọn những người mà nhu cầu của họ được đáp ứng bằng cách đáp ứng nhu cầu
của bạn. Và hãy để những người có nhu cầu xung đột, tự rời khỏi cuộc sống bạn. Bạn
có thể sẽ ngạc nhiên. Những người quanh bạn có thể đang rất mong chờ được biết
bạn cần gì, và cuối cùng được đáp ứng điều đó.
Và câu hỏi dành
cho bạn là: "Tôi thích đáp ứng nhu cầu nào của người khác?"
Nếu bạn đang tự
hỏi: "Nếu bạn đời hoặc người yêu của tôi không muốn đáp ứng nhu cầu của
tôi thì sao?" - Lý tưởng nhất là nhu cầu của bạn nên được đáp ứng từ nhiều
người, không chỉ một. Phụ thuộc vào một người duy nhất để được đáp ứng toàn bộ
là công thức dẫn đến cảm giác bất lực.
Hãy thành thật với
chính mình: Nhu cầu nào bạn muốn được đáp ứng từ người yêu? Nhu cầu nào bạn chấp
nhận nhận từ người khác? Nếu người bạn chọn không thể đáp ứng những điều bạn cần
trong một mối quan hệ, thì họ có lẽ phù hợp làm bạn hơn là người bạn đời.
Ví dụ: nếu bạn cần
sự hiện diện cảm xúc trong một mối quan hệ, nhưng đối phương không thể có mặt về
mặt cảm xúc, bạn có thể chọn chuyển họ từ vai trò người yêu sang vai trò bạn
bè. Hoặc, bạn có thể cố gắng thuyết phục bản thân rằng mình không cần điều đó ở
người yêu, thường thì sẽ không hiệu quả. Hoặc, bạn có thể tiếp tục ở trong một
mối quan hệ không được đáp ứng.
Nhưng theo tôi, tốt
hơn là đừng làm khổ nhau, đừng để sự oán giận tích tụ theo năm tháng vì không
thể cho nhau điều cần thiết.
Để hiểu thêm về
chủ đề nhu cầu, hãy xem các video của tôi trên YouTube: “Ngựa vằn và vũng nước”
(Teal Swan Transcripts 165) và “Sự phụ
thuộc và Sự độc lập.” (Teal Swan
Transcripts 094)
Không có gì là
“tâm linh” khi bạn chối bỏ nhu cầu và mong muốn thật sự của mình. Đáp ứng nhu cầu
không biến bạn thành người ích kỷ hay hư hỏng. Đáp ứng nhu cầu chính là thức ăn
cho linh hồn.
Vì vậy, thử
thách tuần này dành cho bạn là: Hãy quan sát cách bạn đang thao túng để được
đáp ứng, từ đó xác định nhu cầu thực sự của bạn là gì. Rồi hãy dũng cảm đối diện
và trực tiếp đáp ứng nhu cầu đó.
Hãy đáp ứng nhu
cầu của bạn trong tuần này. Điều này sẽ khó, vì nó đòi hỏi bạn phải dễ bị tổn
thương. Nhưng nó cũng sẽ đặt bạn vào đúng vị trí của sự chân thật. Và nó sẽ cho
bạn cơ hội lớn nhất để thực sự được nuôi dưỡng.
Chúc bạn một tuần
tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=Zjlum492xBI
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.