Teal Swan Transcripts 165 - Ngựa vằn và vũng nước

 

Teal Swan Transcripts 165


Ngựa vằn và vũng nước

 

11-02-2015




Cho phép tôi kể bạn nghe một câu chuyện về nhu cầu. Nó bắt đầu khi tôi được một trong những người hướng dẫn phi vật chất của mình, tên là Stuart Wilde, đưa ra khỏi thể xác. Ông ấy có mùi như thuốc hít bạc hà. Ông có nụ cười kiểu như: “Tôi đang âm mưu một chuyện gì đó sẽ làm đảo lộn mọi thứ.” Tôi đã học cách theo sau nụ cười đó bằng một sự do dự đầy tò mò, bởi vì nó rất thường dẫn đến sự sụp đổ của thực tại hiện tại.

 

Chúng tôi kết thúc cuộc hành trình bằng việc đi bộ xuống một con phố ở Hackney, Đông London. Mọi người đang vội vã qua lại. Tôi có thể đoán qua trang phục rằng đây là vào những năm 70, thời điểm mà Stuart vẫn còn sống. Chúng tôi đã quay lại một ký ức của ông ấy. Chúng tôi bước vào một khu chợ thực phẩm và quan sát một cậu bé tóc vàng cát và có tàn nhang đang lén lấy một lon thực phẩm khỏi kệ và giấu nó dưới áo khoác. Stuart không nói gì. Nhưng ông chìa tay sang phải và tua nhanh đến thời điểm muộn hơn trong cùng giờ đó, ở chính cửa hàng đó.

 

Lần này tôi nhìn thấy một người phụ nữ mặc áo choàng vải poodle màu đen. Bà ấy giàu có. Bà ấy thảy lên quầy thu ngân một loạt món đồ bất kỳ mà bà thích, và trả tiền bằng một chiếc ví phủ đầy đá lấp lánh bạc.

 

Stuart quay sang tôi và nói: “Cả hai người đều cần thức ăn.” “Nhưng ai mới là người cần thức ăn?” Tôi suy nghĩ một chút và ông lặp lại câu hỏi. “Cả hai đều cần thức ăn, nhưng ai mới là người THẬT SỰ cần thức ăn?”

 

Tôi biết ông đang hướng tới điều gì, nhưng không lên tiếng. Rồi ông nói: “Người giàu và người nghèo đều cần ăn.” “Họ không thể nào chỉ thức dậy vào một ngày và quyết định rằng họ không cần ăn nữa.” “Nhưng chỉ có một người thật sự cảm thấy nhu cầu đó.” “Vì họ không biết là họ có thể có được thức ăn.”

 

Ông nói tiếp: “Một nhu cầu sẽ không còn cảm giác như một nhu cầu, và sẽ không khiến bạn cảm thấy bất lực, khi bạn biết là bạn có thể đáp ứng được nó.” Trước mặt tôi, cả hai cảnh đó diễn ra đồng thời, như thể tôi đang đứng giữa một môi trường học tập dạng mô phỏng ba chiều. Người phụ nữ giàu có đang mua sắm, và cậu thiếu niên nghèo đang ăn trộm. Rồi chúng tôi dần dần rời khỏi cảnh đó, cho đến khi lơ lửng trên vùng đồng bằng châu Phi. Stuart nói: “Chào mừng đến với sân chơi của tôi.”

 

Chúng tôi đang quan sát một nhóm 5 con sư tử đang nằm nghỉ cạnh một đàn ngựa vằn. Không có nhóm nào tỏ ra bận tâm đến nhóm còn lại.

 

Stuart nói: “Hãy nói tôi nghe, tại sao vương quốc động vật lại không đau khổ như loài người.” Tôi quan sát lũ động vật và trả lời: “Vì loài người là sinh vật duy nhất có cấu trúc xã hội dạy nó kháng lại chính nhu cầu của mình.” “Con ngựa vằn cần cỏ thì đi tìm cỏ, con sư tử cần ngựa vằn thì đi tìm ngựa vằn.”

 

“Đúng vậy.” – ông nói – “Con ngựa vằn không lãng phí thời gian chết tiệt của mình để lo lắng là sẽ không có cỏ.” “Nó cũng không cố thuyết phục bản thân học cách tự mọc ra cỏ, hoặc trở thành cỏ rồi tự ăn mình, hoặc cố không cần cỏ nữa.”

 

“Thế nên, con ngựa vằn không bị mất sức mạnh vì nhu cầu của nó, như con người.”

 

Để khắc sâu hơn khái niệm đó, Stuart đưa tôi đến một vũng nước giữa đồng cỏ, nhưng vũng nước đã hoàn toàn cạn khô. Dấu hiệu duy nhất cho thấy nước từng tồn tại là những vết nứt và dấu vết còn sót lại trên mặt đất khô cằn. Chúng tôi đứng im lặng nhìn vào sự vắng bóng của nước. Lần này ông không hỏi tôi câu nào. Thay vào đó ông nói:

 

“Con người cứ tiếp tục chờ đợi vũng nước đầy trở lại. Khi điều đó không xảy ra, họ cố tìm cách để khiến nước trong vũng có thể tạo ra thêm nước. Khi điều đó không hiệu quả, họ cố trở thành nước để có thể tự uống chính mình.

 

Và khi điều đó cũng không hiệu quả, họ kết luận rằng họ không được sinh ra để có nước. Và thế là, với họ, nước trở thành một nhu cầu. Nhưng thay vì là nước, nhu cầu thật sự của họ là sự kết nối thân mật, là sự đồng hành. Và chưa một lần nào họ từng nghĩ đến việc rời khỏi cái vũng nước không có nước đó để đi tìm một nơi có nước.”

 

Stuart nắm lấy tay tôi và nói: “Bạn đã học được rằng việc nhận ra mình không bất lực trước người khác, trong chuyện họ có đáp ứng nhu cầu của mình hay không, bằng cách tự mình đáp ứng các nhu cầu đó, là điều rất trao quyền. Nhưng giờ là lúc để hiểu rằng có những nhu cầu con người không thể tự đáp ứng. Chẳng hạn như nhu cầu kết nối.”

 

“Nhưng nhu cầu đó chỉ là một nhu cầu đối với những người tin rằng họ không thể có được sự kết nối. Và nếu đó là một nhu cầu của bạn, và bạn không thể tự mình đáp ứng nó, thì việc trao quyền nằm ở chỗ: hoặc là bạn thu hút một người muốn đáp ứng nhu cầu đó cho bạn, hoặc là bạn làm như con ngựa vằn – đi tìm cỏ.”

 

Stuart cười với tôi bằng tiếng cười trầm vang từ lồng ngực và nói: “Tự giải thoát mình đi, và đi tìm một cái một vũng nước chết tiệt mới đi.”

 

Khi ông bắt đầu rời đi, sự chuyển động tưởng tượng của ông kéo tôi ra khỏi “cấu trúc học tập” và đưa tôi ra ngoài không gian. Tôi đang lơ lửng trong bóng đen của vũ trụ. Nhìn xuống Trái Đất bên dưới. Một bên của địa cầu là ban đêm, bên kia là ban ngày. Tôi nhận ra, khi nhìn vào thế giới, rằng có lý do vì sao một số nhu cầu không thể được đáp ứng chỉ bởi chính bản thân chúng ta. Sự tách biệt là điều trái ngược với bản chất thật sự của chúng ta.

 

Chúng ta có thể ảo tưởng rằng mình tách biệt, nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Trở nên hoàn toàn độc lập chính là trở thành hoàn toàn bản ngã. Con đường để ta trở về nhận thức về sự nhất thể là qua sự kết nối và sự phụ thuộc lẫn nhau, điều không thể tách rời khỏi đời sống. Bởi vì chúng ta không thể phân chia. Cuối cùng thì, mọi thứ đều là chúng ta. Nên ta không bao giờ có thể thật sự tách biệt đến mức đáp ứng được tất cả nhu cầu của mình một mình.

 

Và tuy người khác giúp ta, nhưng đó là ta, dưới một hình dạng khác, đang giúp chính mình. Và đó chính là sự trao quyền cá nhân mà ta có, để biểu hiện ra những phiên bản khác của chính mình, những phiên bản muốn đáp ứng những nhu cầu mà bản thân ta, trong hình dạng tách biệt, không thể đáp ứng.

 

Chúng ta mang trong mình một niềm tin tập thể, đặc biệt là ở phương Tây, rằng việc cần đến người khác là không ổn. Rằng được đáp ứng nhu cầu bởi người khác là sai trái, vì điều đó khiến ta yếu đuối, bất lực, dễ bị thao túng, ích kỷ, ỷ lại, kém phát triển về tâm linh, non nớt, là gánh nặng, đáng xấu hổ, bất tài… và danh sách còn dài nữa.

 

Nhưng sự thật là tất cả chúng ta đều cần người khác, và chúng ta đều có những nhu cầu mà không thể tự mình đáp ứng. Và rồi, chúng ta sống trong địa ngục, cố phủ nhận những nhu cầu đó. Hoặc ta cố gắng tìm cách được đáp ứng bởi những người không hề muốn đáp ứng.

 

Khi Đức Phật viết rằng: “Dục vọng (ham muốn) là cội nguồn của khổ đau”, từ mà Ngài dùng là Tanha. Nhưng Tanha không có nghĩa là “dục vọng”. Nó thậm chí không có nghĩa là “nhu cầu”. Tanha có nghĩa là “khao khát”. Về bản chất, nó là “sự khao khát tận cùng”. Là trạng thái của sự thiếu thốn. Là trạng thái của việc muốn một điều mà bạn nghĩ rằng mình không thể có, hoặc cần một điều mà không hề hiện diện.

 

Tôi nhận thấy, hết lần này đến lần khác, rằng việc thực hành tâm linh luôn đòi hỏi phải khảo sát sâu sắc về ý nghĩa của từ ngữ. Hầu hết các mâu thuẫn tâm linh thực chất đều là vấn đề về ngữ nghĩa. Ta không thể có hiểu biết đúng đắn về tình yêu khi mà từ “tình yêu” lại đại diện cho quá nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau. Ta cũng không thể có hiểu biết đúng đắn về “nhu cầu”, khi từ “nhu cầu” vừa đại diện cho trạng thái thiếu thốn tột cùng, lại vừa là ý niệm về một điều gì đó cần thiết để sống còn.

 

Tất cả chúng ta đều cần thứ gì đó để phát triển. Vậy nên, tất cả chúng ta đều có nhu cầu. Điều gây ra khổ đau chính là mức độ mà ta tin rằng mình có thể, hay không thể, đáp ứng được nhu cầu đó, hay được người khác đáp ứng.

 

Và đây là điều duy nhất cần được chữa lành.

 

Bản ngã cố cứu ta bằng cách bảo rằng ta nên trở thành một hòn đảo độc lập, và tự mình đáp ứng mọi nhu cầu, để khỏi phải “cảm thấy thiếu thốn” nữa. Bản ngã gọi đó là “sự trao quyền”, nhưng thực chất nó chỉ là “sợ hãi”. Tôi có thể đảm bảo rằng, nếu bạn đang bám vào niềm tin tâm linh rằng bạn “có thể” và “phải” tự mình đáp ứng tất cả nhu cầu, thì bản ngã đã chiếm lấy hành trình tâm linh của bạn rồi.

 

Câu hỏi quan trọng nhất mà ta cần tự hỏi mình là: “Tại sao ta lại cho rằng cần người khác hay được người khác đáp ứng nhu cầu là điều không ổn?”

 

Những chú voi con… thường bị buộc vào gốc cây quá nặng nên chúng không thể kéo đi, và vì thế chúng đứng yên. Khi chúng lớn lên, đã đủ khỏe để kéo cây đi, chúng vẫn tin rằng mình không thể, nên con voi trưởng thành vẫn bị kiềm giữ bởi một cái cây nhỏ, cái cây mà thực tế chẳng còn chút sức mạnh nào đối với nó nữa. Là con người, chúng ta cũng không khác.

 

Khi còn nhỏ, nhu cầu của ta không được người chăm sóc đáp ứng, và ta không có cách nào để tự đáp ứng những nhu cầu đó. Chúng ta sống như bị giam trong một nhà tù. Khi lớn lên, ta đã có thể tự đáp ứng, và tìm cách để được đáp ứng, nhưng ta vẫn tin là không thể. Niềm tin của ta, thay vì hoàn cảnh thực tế, đã trở thành song sắt của nhà tù.

 

Ta cần nhìn lại một sự thật rõ ràng: nếu bạn có một cái ly rỗng và bạn rót nước vào, thì nó sẽ đầy. Trong khi đó, nhiều truyền thống tâm linh lại khiến bạn tin rằng, nếu bạn có một cái ly rỗng và rót nước vào, thì bạn sẽ nghiện nước, phụ thuộc vào nước, và không bao giờ cảm thấy đầy nữa.

 

Có một hiệu ứng nhỏ trong tâm lý học con người, gọi là: Hiệu ứng nghịch lý. Càng gần gũi với ai đó, mối quan hệ càng vững chắc, thì bạn lại càng trở nên tự chủ hơn. Bạn có thể quan sát hiệu ứng này giữa những đứa trẻ sơ sinh và mẹ của chúng.

 

Sự trao quyền cá nhân liên quan nhiều hơn đến sự an toàn trong kết nối với người khác, hơn là tự lập.

 

Tôi thấy đó là một ý tưởng tuyệt đẹp, rằng nếu chúng ta cùng nhau đáp ứng nhu cầu cho nhau, và để người khác đáp ứng nhu cầu của mình, thì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy thiếu thốn bất kỳ điều gì. Chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy cần, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ cảm thấy thiếu ngay từ đầu. Cái niềm tin rằng ta không thể có được điều mình cần sẽ không còn tồn tại, và vì vậy, ta sẽ không bao giờ thật sự bị mất đi sức mạnh.

 

Và vì vậy, tôi hoàn toàn đồng thuận với bài học mà Stuart Wilde đã dạy tôi:

 

“Nếu vũng nước của bạn không có nước, thì hãy đi tìm một vũng nước khác.”

 

Và bằng cách đó, trao quyền cho bản thân, bằng cách đủ dũng cảm để cho phép nhu cầu của mình được đáp ứng.

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=UmyBl8CJs1Y

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.