Teal Swan Transcripts 164
Cảm giác Trống Rỗng (Làm sao để ngừng cảm
thấy trống rỗng)
08-02-2015
Chào các bạn. Một
trong những trạng thái cảm xúc dai dẳng mà rất nhiều người vật lộn, đó là cảm
giác trống rỗng. Những người làm công tác phát triển bản thân thường nói rằng:
nếu bạn đã cảm thấy trống rỗng trước khi bước vào một mối quan hệ, thì bạn cũng
sẽ tiếp tục cảm thấy trống rỗng ngay cả khi đang ở trong mối quan hệ đó. Nhưng
điều đó vẫn chưa trả lời cho câu hỏi: “Nếu chúng ta thực sự cảm thấy trống rỗng
bên trong, thì chúng ta phải làm gì với nó?”
Cảm giác trống rỗng
giống như một khoảng trống bên trong. Nhiều khi nó đau đớn đến mức từ “trống rỗng”
không còn đủ để diễn tả nữa. Nó giống như sự đói khát tột cùng, như một khoảng
chân không, hay một hố đen, một vực thẳm trong lòng.
Điều quan trọng
nhất mà bạn cần nhận ra, đó là cảm giác thiếu hụt. Trống rỗng là một trạng thái
của sự thiếu thốn. Và sự thiếu thốn báo hiệu rằng đang có điều gì đó bị thiếu vắng.
Chìa khóa nằm ở việc tìm ra chính xác thứ mà bạn đang thiếu. Rốt cuộc thì điều
gì bạn đã đánh mất?
Khi còn nhỏ, ý
thức của chúng ta, đôi khi được gọi là linh hồn, bị vỡ vụn. Nó bị vỡ ra khi ta
trải qua những kinh nghiệm mang tính sang chấn. Mỗi khi gặp một trải nghiệm gây
sang chấn, một phần của chúng ta bị “đóng băng” tại thời điểm đó, vì nó chưa được
giải quyết.
Khi phần đó của
chúng ta bị kẹt lại trong quá khứ, nó không thể đi cùng chúng ta vào hiện tại.
Nó trở thành một vết thương bám theo ta, cứ âm ỉ đau, không ngừng báo động rằng
đang có một phần bên trong chúng ta chưa được chữa lành, chưa được trọn vẹn.
Tôi đã nói về khái niệm này trong video trên YouTube của mình có tên là: “Sự
Phóng Chiếu” (Teal Swan Transcripts 154)
Bây giờ là phần
liên quan trực tiếp đến cảm giác trống rỗng:
Khi còn nhỏ, nếu
ta trải qua sang chấn do nhu cầu của mình không được đáp ứng, thì phần bị “đóng
băng” đó của chúng ta sẽ mang theo một nhu cầu chưa được giải tỏa. Và theo luật
hấp dẫn, ta sẽ tiếp tục trải nghiệm sự thiếu hụt của nhu cầu đó trong thời điểm
hiện tại. Vì vậy, rất thường xuyên, thứ mà chúng ta cảm thấy đang thiếu vắng
trong hiện tại, thật ra chính là nhu cầu chưa được đáp ứng ở thời điểm sang chấn
trong quá khứ.
Ví dụ, nếu ta từng
bị tổn thương khi còn nhỏ vì cảm thấy không có sự gắn bó, không có cảm giác thuộc
về trong gia đình, thì sự thiếu vắng cảm giác thuộc về ấy sẽ in hằn thành một dấu
ấn sang chấn. Và chính sự thiếu cảm giác thuộc về ấy là điều mà cảm giác trống
rỗng trong cuộc sống trưởng thành của ta đang nói đến.
Khi chúng ta cảm
thấy trống rỗng, vì nó giống như một sự đói khát bên trong, nó trở nên vô cùng
khó chịu đến mức chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để trốn tránh nó. Nhiều chuyên
gia phát triển bản thân sẽ nói rằng khi con người cảm thấy một khoảng trống bên
trong, họ sẽ cố lấp đầy nó. Nhưng hôm nay tôi đến đây để nói với bạn điều ngược
lại.
Vấn đề chính là:
họ không cố gắng lấp đầy khoảng trống đó bằng cách tìm hiểu xem nhu cầu nào của
mình đang bị bỏ đói. Thay vào đó, họ cố gắng phân tâm, trốn chạy khỏi khoảng trống
ấy bằng những thứ như mua sắm, tình dục, ma túy, hay thức ăn.
Tôi sẽ tiết lộ một
điều: phần lớn những người vật lộn với cảm giác trống rỗng kéo dài là những người
đã lớn lên với cha mẹ không có khả năng tạo nên sự gắn kết thân mật. Điều đó có
nghĩa là cha mẹ của họ không có khả năng kết nối về mặt cảm xúc.
Đúng là họ có thể
được cha mẹ chăm sóc đầy đủ về mặt thể chất, nhưng họ không được nhìn thấy,
không được lắng nghe, không được hiểu, và không được công nhận bởi chính những
người chăm sóc họ. Điều đó không chỉ khiến họ bị tổn thương và mất đi món quà của
sự hiện diện, mà còn khiến họ kết luận một cách vô thức rằng, thật ra, bên
trong họ chẳng có gì cả.
Sự bỏ rơi về mặt
cảm xúc chính là nguyên nhân số một tạo ra khoảng trống bên trong con người. Vì
lý do đó, tình yêu bản thân là điều quan trọng tuyệt đối đối với những ai đang
cảm thấy trống rỗng bên trong.
Năm nay, vào
tháng 5 năm 2015, tôi sẽ xuất bản một cuốn sách có tên: Shadows Before Dawn (Bóng tối trước bình minh – Tìm lại ánh sáng
của tình yêu bản thân trong những thời khắc tăm tối nhất) (Có bản dịch trên blog). Nếu bạn đang muốn
biết làm sao để yêu chính mình, hãy tìm đọc cuốn sách đó.
Còn nếu bạn đang
vật lộn với cảm giác trống rỗng, hãy thử tìm hiểu chính xác xem mình đang cảm
thấy thiếu vắng điều gì. Một câu hỏi thú vị phải không?
“Nếu tôi cảm thấy
trống rỗng, thì hẳn là tôi đang thiếu một điều gì đó.”
“Điều đó là gì?”
“Đó là cảm giác
được thuộc về?”
“Là cảm giác có ý
nghĩa?”
“Là cảm giác có
mục đích?”
“Là sự kết nối với
người khác?”
Có thể bạn sẽ
phát hiện ra rằng lý do khiến mình cảm thấy trống rỗng là vì mình thật sự quá
cô đơn.
Bất cứ điều gì
mà bạn khám phá ra rằng mình đang thiếu, thì bạn hãy cố gắng biểu hiện điều đó
ra đời sống. Hãy áp dụng các kỹ năng biểu hiện thực tại của bạn để kêu gọi
chính thứ mà cuộc đời bạn đang bị thiếu vắng.
Một trong những
cách tốt nhất mà tôi từng tìm ra để biểu hiện điều gì đó, là bắt đầu đưa bản
thân vào tần số rung động tương ứng với điều mà bạn muốn biểu hiện. Và bạn có
thể làm điều đó bằng cách nhìn vào cuộc sống hiện tại và nhận ra những nơi mà bạn
đã có điều đó rồi.
Ví dụ, nếu tôi
đang thiếu cảm giác thuộc về, thì tôi hãy tự hỏi: “Hiện giờ trong cuộc sống của
tôi, tôi đang thuộc về ở đâu?”
Bước tiếp theo
là: đáp ứng nhu cầu của chính bạn. Bước này là điều tuyệt đối bắt buộc. Nhưng tất
nhiên, ta lại chạm vào một rào cản khác.
Tại sao?
Vì phần lớn những
người trong lĩnh vực phát triển bản thân và tâm linh lại mang trong mình niềm
tin rằng: có nhu cầu là điều không ổn.
Đây là vấn đề.
Vì mọi người đều có nhu cầu, dù bạn có thừa nhận hay không. Điều khiến một nhu
cầu trở nên đau đớn, là khi ta nghĩ rằng mình không thể có được điều mình cần. Và
lý do khiến ta tin rằng mình không thể có điều mình cần, thường là vì ta nghĩ
mình phải tự đáp ứng tất cả, phải một mình lo liệu tất cả, như thể ta có thể là
một hòn đảo độc lập giữa đại dương.
Nhưng bạn biết
không? Dòng sông không thể tự uống nước của chính nó.
Nhiều khi điều
trao quyền cho ta không nằm ở việc phải tự mình đáp ứng nhu cầu, mà là việc chủ
động hành động, đứng dậy và tìm đến người khác để được đáp ứng, hoặc mở lòng ra
để người khác có thể đến và đáp ứng nhu cầu ấy cho ta.
Ví dụ, nếu nhu cầu
của bạn là có người bầu bạn, thì bạn không cần phải dành thời gian để cố gắng
“làm bạn với chính mình”, mà chỉ cần tìm đến một ai đó, để có sự bầu bạn.
Ngoài ra, mỗi
khi bạn cảm thấy khoảng trống hoặc sự rỗng không bên trong, điều quan trọng là
bạn hãy trao tặng cho nó sự hiện diện vô điều kiện của mình. Tôi đã phát triển
một quy trình cho việc này, được tôi giới thiệu trong video mang tên: “Cách chữa
lành cơ thể cảm xúc” (Teal Swan
Transcripts 124).
Vì vậy, khi bạn
cảm thấy khoảng trống bên trong, tôi muốn bạn thực hành quy trình đó. Thay vì cố
gắng tránh né cảm xúc trống rỗng, thay vì cố gắng thoát khỏi nó hay đánh lạc hướng
bản thân bằng điều gì đó khác, tôi muốn bạn làm điều ngược lại. Tôi muốn bạn
chìm sâu vào khoảng trống đó, trao cho nó sự hiện diện vô điều kiện và sự chú
tâm trọn vẹn. Tôi muốn bạn ở bên cạnh nó.
Quá trình này
cũng sẽ giúp bạn đưa những phần bị vỡ vụn của bản thân, vốn chính là nguyên
nhân tạo ra khoảng trống đó, trở về hiện tại, để bạn có thể hợp nhất những phần
ấy và trở nên toàn vẹn một lần nữa, và khi ấy, khoảng trống đó sẽ không còn nữa.
Chúng ta thường
nghĩ rằng cảm giác trống rỗng kéo dài này là một trong những vấn đề khó giải
quyết nhất. Nhưng thật ra, nó lại là một trong những vấn đề dễ giải quyết nhất,
vì nó đơn giản chỉ là chuyện: chúng ta đã bị tổn thương vì những nhu cầu của
mình không được đáp ứng, và bây giờ, nhiệm vụ của ta là đáp ứng những nhu cầu
chưa từng được đáp ứng đó.
Chúc bạn một tuần
mới bình an.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=9WDPVI9Tiww
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.