Teal Swan Transcripts 160
Tháo Dây Xích
10-01-2015
Xin chào các
bạn. Con người có một mối quan hệ rất thiếu lành mạnh với ham muốn. Và hai khía
cạnh thiếu lành mạnh nhất trong mối quan hệ này là: chúng ta liên tục không thể
thừa nhận những gì mình thật sự muốn, và chúng ta không chịu trực tiếp theo đuổi
những điều đó.
Chúng ta được
nuôi dạy với quan niệm rằng có một số thứ thì được phép khao khát, như một công
việc ổn định, con cái, bữa tối, một đợt tăng lương, hay một người vợ. Còn những
thứ khác thì không được phép khao khát, như sự nổi tiếng, quyền lực, thật nhiều
tiền, hay một cô bạn gái gợi cảm.
Dĩ nhiên,
tuỳ vào văn hóa, gia đình hoặc tôn giáo mà bạn được nuôi dạy, thì những điều được
phép khao khát sẽ khác nhau từ người này sang người khác. Nhưng trong xã hội hiện
tại, việc thừa nhận những điều mình thật sự muốn sẽ khiến bạn phải trả giá rất
nhiều về mặt xã hội. Ví dụ, có người có thể muốn trở thành triệu phú vì sự sung
túc mà điều đó mang lại. Nhưng trong xã hội ngày nay, người đó sẽ bị xem là kẻ
có hệ giá trị sai lệch, là kẻ vật chất.
Hoặc, ví dụ
khác, có người khao khát được công nhận, được nổi tiếng. Nhưng trong xã hội,
người đó sẽ bị cho là hời hợt, ích kỷ. Một ví dụ nữa: có người sinh ra trong một
gia đình nghèo nơi người ta không tin rằng có thể giữ một vị trí có địa vị cao
trong xã hội. Nếu đứa con trong gia đình đó muốn làm chính trị gia, thì nó sẽ bị
ngăn cản với lý do chắc chắn sẽ thất bại. Thế là đứa trẻ đó buộc phải đè nén,
chối bỏ và xa lánh nhu cầu đó, rồi bước vào công việc kinh doanh của gia đình
hoặc chọn một nghề trong ngành dịch vụ.
Hoặc có người
sinh ra trong một gia đình giàu có, nơi có kỳ vọng rằng họ phải chọn một nghề
có địa vị cao. Nhưng người đó thật sự lại muốn tham gia một tổ chức phi lợi nhuận
và đi vòng quanh thế giới. Vì gia đình không chấp nhận khát khao đó, nên người
đó phải chối bỏ một phần con người mình để được chấp thuận. Chúng ta phải được
xem là người tốt thì mới duy trì được sự ưu ái trong xã hội, từ đó mới có tình
yêu. Và chúng ta cần có tình yêu để tồn tại, nên cũng như với những phần khác
không được chấp nhận của bản thân, chúng ta tống chúng vào tiềm thức.
Chúng ta phủ
nhận, đè nén, chối bỏ và từ chối những ham muốn đó. Nhưng chúng không biến mất.
Chúng chỉ đơn giản là cư trú trong tâm trí vô thức. Chúng ta vẫn đưa ra quyết định
vì những ham muốn ấy, vẫn theo đuổi chúng, nhưng lại đi đường vòng và không thật
sự hiểu vì sao mình làm vậy. Những ham muốn bị đè nén trong tiềm thức sẽ trở
thành sự thôi thúc, và đó là lúc chúng trở nên nguy hiểm đối với chúng ta.
Hãy làm rõ
một điều ngay từ đầu: Không thể nào “hết muốn” một điều gì đó mà bạn đã muốn.
Cũng không thể “muốn ít đi” một điều gì đó bạn thật sự ham muốn. Thế nên chúng
ta bị đẩy vào một tình thế khó xử: nếu không thể ngừng ham muốn một điều gì đó,
nhưng lại không được phép muốn nó, thì chúng ta sẽ làm gì?
Chúng ta sẽ
chọn lựa. Hoặc là chúng ta đẩy nó hoàn toàn ra khỏi nhận thức và ngoan ngoãn
theo những gì người khác nghĩ ta nên muốn, bằng cách tự giết chết chính mình và
những ham muốn của mình. Hoặc, chúng ta chọn một hướng khác: không thừa nhận
nó, đẩy nó vào tiềm thức, nhưng vẫn cố gắng đạt được điều mình muốn. Chúng ta
theo đuổi nó một cách ngấm ngầm, bị động, vòng vo. Nếu ai đó đối diện chúng ta
về ham muốn thật sự hoặc ưu tiên thật sự của mình, ta sẽ trở nên phòng thủ và
chối bỏ.
Vì sao? - Vì
ta không thể giữ được hình ảnh tích cực về bản thân khi lại ham muốn những điều
đó.
Thật ra, việc
không thừa nhận và không trực tiếp theo đuổi điều mình muốn là điều cực kỳ tai
hại. Cuộc đời ta sẽ bị chệch hướng nghiêm trọng nếu cứ tiếp tục như vậy. Và tâm
trí vô thức thì rất tệ trong việc điều khiển cuộc đời ta, nó giỏi hơn nhiều
trong việc phá hỏng mọi thứ.
Trước khi bạn
xem việc thừa nhận và theo đuổi điều mình muốn là một kỹ thuật tự giúp bản thân
đáng yêu nhưng sáo rỗng, hãy xem xét điều này: Nếu Adolf Hitler có thể thừa nhận
rằng điều ông ta thật sự muốn là cảm giác được trao quyền, được thuộc về và được
an toàn, thì cả chế độ phát xít có thể đã không xảy ra. Khi chúng ta cảm thấy bất
lực, cô đơn và bị phản bội, như Hitler đã trải qua thời thơ ấu và trong Thế chiến
thứ nhất, nhưng lại không thể thừa nhận những tổn thương, sự bất an và yếu đuối
của mình, thì tâm trí vô thức buộc phải tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu đó.
Làm lãnh đạo
mang lại cho Hitler cảm giác được trao quyền. Việc trở thành một phần của một
nhóm, mà ta biết đó là Đức quốc xã, mang lại cho ông ta cảm giác được thuộc về.
Việc loại bỏ người Do Thái, những người ông ta xung đột cả đời và cảm thấy bị
phản bội trong chiến tranh, khiến ông ta cảm thấy an toàn hơn. Nếu chúng ta
không dám thừa nhận những gì mình thật sự muốn, chúng ta có thể sẽ tìm cách đạt
được nó theo những cách làm tổn hại đến chính mình và cả thế giới.
Ví dụ: bỏ
qua yếu tố khốn khổ về tài chính, phần lớn gái mại dâm thật sự muốn được trân
trọng. Lòng tự trọng của họ thấp đến mức họ cảm thấy thứ duy nhất mình có giá
trị là tình dục. Thế nên họ quan hệ với người lạ bất chấp rủi ro, chỉ để cảm nhận
trong chốc lát rằng mình có giá trị, dù chỉ với thứ duy nhất mà họ cho là đáng
giá.
Một ví dụ
khác: có người yêu thích quyền lực và muốn trở thành trung tâm của sự chú ý.
Nhưng họ nghĩ rằng việc thừa nhận điều đó là sai trái. Thế nên họ chọn một nghề
nghiệp nơi họ vẫn có được những điều đó, nhưng không cần phải thú nhận điều
mình thật sự thích.
Chẳng hạn
như chính trị. Thật ra, họ ghét chính trị. Họ chẳng quan tâm đến luật pháp hay
quyền lợi của người dân. Họ chỉ muốn ở vào vị trí có quyền lực và là trung tâm
chú ý. Và rồi họ gây tổn hại đến cuộc sống của người khác, vì họ vốn dĩ chưa từng
quan tâm đến những điều kia.
Nếu họ đủ
can đảm để thừa nhận điều mình thật sự muốn, họ đã có thể tìm một công việc chẳng
liên quan gì đến chính trị hay luật pháp.
Chúng ta
thường lo lắng về điều người khác muốn. Chúng ta cho rằng họ không nên ham muốn
những điều đó, hay rằng điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho họ. Thậm chí ta
còn nghĩ rằng nếu họ cứ đi theo những ham muốn đó, họ sẽ bị tổn thương. Nhưng sự
thật là, ta sẽ không bao giờ có thể thuyết phục được ai ngừng ham muốn điều họ
muốn.
Sẽ là một
quyết định khôn ngoan hơn nhiều nếu ta giúp họ hết sức để đạt được điều họ khao
khát. Dĩ nhiên, ta không thể làm điều đó với thái độ miễn cưỡng, vì điều đó vẫn
là sự phán xét. Nhưng nếu ta thật sự có thể chấp thuận và ủng hộ việc người
khác theo đuổi điều họ muốn, và đạt được nó, thì ta sẽ hiểu rằng, ngay khoảnh
khắc họ đạt được điều đó, quan điểm của họ sẽ thay đổi.
Mỗi khi ta
đặt ra một mục tiêu, một điều gì đó ta muốn, bạn có thể hình dung nó như một nền
tảng. Khi ta leo lên được nền tảng đó, tầm nhìn từ đó khác đi, và nó tạo ra những
ham muốn hoàn toàn mới.
Người muốn
trở thành triệu phú và sẵn sàng đặt các mối quan hệ xuống hàng thứ hai sau tiền
bạc, thì sau khi đạt được hàng triệu đô, người đó lại có xu hướng đặt con người
lên hàng đầu. Nếu chúng ta cố gắng bắt họ đặt mối quan hệ lên trước tiên, trong
khi khát khao thực sự của họ là tiền, thì ta sẽ mất nhiều năm sống cạnh một người
đầy sự oán giận và chẳng bao giờ đặt mối quan hệ là ưu tiên số một cả.
Chúng ta có
niềm tin rằng mình phải chối bỏ nhu cầu của bản thân hoặc không được cho phép
mình đạt được chúng. Kiểu như “Đừng cho con sói ăn”, bởi vì ta nghĩ rằng nếu
đáp ứng một nhu cầu nào đó, nó sẽ trở thành cái hố không đáy, không bao giờ là
đủ và chẳng có gì là vừa lòng cả.
Nhưng nếu
ta nhìn nhận nhu cầu và mong muốn theo một cách khác thì sao? Giống như bạn
nhìn vào một cái ly vậy. Nếu ly rỗng, thì có thể nếu bạn rót đầy nó, nó sẽ được
lấp đầy. Hãy tưởng tượng rằng, bằng việc đáp ứng một nhu cầu hay mong muốn, nhu
cầu hay mong muốn ấy thực sự có thể được thỏa mãn, và nhờ vậy, người đó có thể
phát sinh ra những nhu cầu và mong muốn khác hoàn toàn mới.
Để hiểu rõ
điều tôi muốn nói, hãy cùng xem một ví dụ minh họa giữa thành phần chính và thành
phần phụ.
Giả sử tôi
thèm muối, nhưng tôi lại không cho phép bản thân được lấy muối trực tiếp. Tôi sẽ
đi tìm những món ăn có chứa muối như một thành phần trong đó, nhưng tôi sẽ chẳng
bao giờ có đủ muối, bởi vì tôi liên tục đuổi theo muối một cách vòng vo. Tôi phải
lấy nó thông qua những món khác mà tôi ăn. Nhưng nếu tôi cho phép mình đi thẳng
đến với muối, có lẽ rồi tôi sẽ bắt đầu thèm một thứ gì đó khác.
Cốt lõi ở
đây là: Chúng ta, con người, đã tự buộc dây xích lên chính mình và cả người
khác. Chúng ta không cho phép bản thân chạy về phía những điều mình thực sự muốn.
Chúng ta cũng không cho người khác được lao về phía điều họ thực sự khao khát.
Và một người bị cột dây xích thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chạy
vòng vòng.
Chúng ta cần
tháo dây xích ra. Chúng ta cần đủ can đảm để thừa nhận điều mình thực sự muốn
và đủ dũng cảm để theo đuổi nó.
Thật nhẹ
nhõm và sảng khoái biết bao khi bạn ngừng cố gắng đàn áp, phủ nhận và chối bỏ
những điều bạn thực sự mong muốn chỉ vì sợ hãi. Vậy nên hôm nay, tôi sẽ mời bạn
thực hiện vài bước rất quan trọng. Tôi mời bạn tháo dây xích ra và bước về phía
tự do của mình.
Bước một: Hãy thừa nhận điều bạn thật sự muốn.
Bạn đang xấu
hổ khi thừa nhận mình muốn điều gì?
Bước hai: Hãy thừa nhận vì sao bạn muốn điều đó.
Cụ thể thì
bạn thích điều gì ở nó? Lý do đằng sau mong muốn đó thực ra nói lên nhiều điều
hơn bất cứ điều gì khác về những gì bạn thật sự cần.
Bước ba: Hãy tự hỏi vì sao lại sai khi muốn điều đó.
Muốn điều
đó có thật sự xấu hay sai không? Vì sao? Vì sao không?
Nếu bạn bị
người khác ảnh hưởng khiến bạn tin rằng mong muốn đó là sai trái hay tiêu cực,
thì họ đã có niềm tin đó từ đâu?
Họ sợ điều
gì sẽ xảy ra nếu bạn theo đuổi điều đó?
Bước bốn: Hãy nhìn vào mặt đối lập của mong muốn ấy.
Mong muốn
đó đang nói với bạn rằng bạn tuyệt đối không muốn điều gì?
Một cách
khác để khám phá điều này là hỏi: “Tôi sợ điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không có được
điều mình muốn?”
Ví dụ: Nếu
tôi xấu hổ vì muốn nổi tiếng, vì tôi đang khao khát cảm giác được coi trọng,
thì có thể tôi đang rất sợ cảm giác vô danh, không có ý nghĩa gì.
Khi ta hiểu
vì sao ta nghĩ rằng việc muốn điều gì đó là sai, và hiểu được điều gì mà ta
đang cố tránh né khi theo đuổi mong muốn ấy, thì ta có thể thay đổi góc nhìn về
những niềm tin đó, từ đó giải phóng sự kháng cự và chữa lành vết thương trong
lòng.
Bước năm: Hãy chọn ít nhất một người để chia sẻ mong muốn
này, và thật lòng bày tỏ với họ.
Hãy bước ra
khỏi “cái tủ” mà bạn đang giấu mình trong đó.
Bước sáu: Hãy tự hỏi:
- Hiện tại
tôi đang tự kìm hãm mình khỏi điều tôi muốn bằng cách nào?
- Tôi đang
tiếp cận điều mình muốn bằng những con đường vòng vo như thế nào thay vì trực
tiếp?
Bước bảy: Hãy hỏi:
- Những bước
nào tôi có thể thực hiện ngay bây giờ để đi thẳng đến điều tôi mong muốn?
- Làm sao để
đơn giản hóa quá trình, để bạn không còn phải đi vòng nữa? Bạn sẽ làm gì khác
đi?
Bước tám: Hãy thực hiện những bước đó.
Nếu chúng
ta khao khát điều gì đó một cách tuyệt vọng, thì đó là vì chúng ta đang kháng cự
rất mạnh mẽ với khả năng không có được nó. Chúng ta cảm thấy mình bất lực trước
điều mình mong muốn. Do đó, ta cần giải phóng kháng cự.
Hầu như
không có điều gì trong vũ trụ này mạnh mẽ hơn rung động của một “khát khao rõ
ràng” không kèm theo sự kháng cự với những điều không mong muốn ở phía bên kia.
Nếu chúng
ta sẵn sàng thừa nhận những mong muốn thật sự, Vũ trụ sẽ có khả năng cao hơn gấp
10 lần để mang đến cho chúng ta những cơ hội giúp thực sự đạt được chúng, nơi
mà mong muốn ấy là món chính, chứ không phải là món phụ trang trí bên lề.
Nếu chúng
ta sẵn sàng thừa nhận điều mình muốn và dám đi thẳng đến với nó, thì chúng ta
cũng sẽ cho phép người khác làm điều tương tự. Kết quả là một xã hội lành mạnh
hơn nhiều và cũng hạnh phúc hơn rất nhiều. Kết quả là các vết thương trong ta
được chữa lành nhanh hơn. Sự mở rộng trong ta diễn ra nhanh hơn.
Chúng ta bắt
đầu sống từ một nơi gọi là Chân Thật, thay vì từ nơi gọi là Giả Tạo.
Vậy nên,
hãy tự làm một điều tử tế cho chính mình, tháo dây xích ra khỏi cổ. Tôi hứa với
bạn, bạn sẽ không bao giờ muốn quay lại nữa. Và nếu bạn có ngoái nhìn lại, thì
chỉ là để chiêm ngưỡng hoặc hồi tưởng lại rằng: đó thực sự là một quyết định
tuyệt vời.
Chúc bạn một
tuần thật tốt lành.
Link gốc của
bài viết
https://www.youtube.com/watch?v=6ks4YKODxfA
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.