Teal Swan Transcripts 137
Tại Sao Tôi Cứ Hẹn Hò Với Những Người
"Thất Bại"? (Người Thành Công Hẹn Hò Với Người Không Thành Công)
09-08-2014
Chào tất cả mọi
người... Dựa trên video tuần trước, tôi đã nhận được vô số câu hỏi về lý do tại
sao những người thành công và những người không thành công lại liên tục tìm thấy
nhau. Đây là một cặp đôi điển hình: cặp đôi giữa “Người thành công” và “kẻ thất
bại toàn tập”.
Người ta có thể
lập luận rằng thành công hay không thành công chỉ là vấn đề quan điểm, nhưng nếu
chúng ta lấy góc nhìn đó, thì chẳng còn gì để nói nữa. Vì vậy, trong khuôn khổ
video này, hãy giả định rằng "thành công" nghĩa là một người có hành
động và lựa chọn thể hiện niềm đam mê với sự phát triển của bản thân, và kết quả
là họ đã thành công về tài chính, đạt được cả thành tựu cá nhân lẫn sự nghiệp.
Còn "không thành công" nghĩa là một người có hành động và lựa chọn thể
hiện sự thờ ơ với sự phát triển của bản thân, và kết quả là họ thất bại về mặt
tài chính, cũng như trì trệ trong cả đời sống cá nhân lẫn sự nghiệp. Vậy điều
gì khiến người thành công và người không thành công lại là một sự kết hợp hoàn
hảo đến vậy?
Câu trả lời là: Giá
trị bản thân cực thấp.
Những người
“thành công” là những người theo đuổi thành tựu. Nếu bạn là người theo đuổi
thành tựu, thì đó là vì bạn đã được kỳ vọng phải đạt được điều gì đó. Bạn lớn
lên trong hoàn cảnh mà chỉ khi bạn làm được điều gì đó thì bạn mới được khen ngợi.
Bạn chỉ được công nhận khi thành công. Kết quả là, bạn cảm thấy mình phải xứng
đáng mới được khen, phải xứng đáng mới có tình yêu. Người thành công chỉ nhận
được sự khen ngợi khi họ gây ấn tượng với ai đó. Còn lại phần lớn thời gian, họ
bị phớt lờ hoặc bị xem là gánh nặng.
Nếu bạn là người
theo đuổi thành tựu, cha mẹ bạn thường thấy bạn là một đứa trẻ khó bảo, có ý
chí mạnh mẽ, và thay vì xem bạn như một điều quý giá, họ đối xử với bạn như thể
bạn là thứ gì đó họ phải chịu đựng. Bạn lớn lên cố gắng kiếm tình yêu từ cha mẹ,
rồi từ xã hội bằng cách đạt được thành tích. Bạn cố gắng đạt được điều gì đó với
hy vọng rằng thành tích ấy sẽ khiến bạn xứng đáng được yêu. Bạn có một cảm nhận
rất tệ về giá trị bản thân, và sâu bên trong, bạn không tin rằng mình xứng đáng
với tình yêu mà bạn mong muốn. Bạn tin rằng tình yêu là một giao dịch.
Và vì vậy, trong
tiềm thức, bạn tin rằng nếu bạn không cung cấp đủ thứ, qua vẻ ngoài, những việc
bạn làm cho ai đó, vị thế xã hội mà bạn có được, hay tiền bạn kiếm được, thì
người kia chẳng có lý do gì để ở lại. Bằng cách chọn một người bạn đời có nhiều
thứ để nhận khi ở trong mối quan hệ với bạn, bạn nghĩ rằng bạn có thể đảm bảo rằng
mình sẽ không bị bỏ rơi. Trong tiềm thức, bạn tin rằng nếu một người nào đó cũng
thành công như bạn hoặc thậm chí thành công hơn, thì họ sẽ không có lý do gì để
gắn bó lâu dài với bạn.
Thêm vào đó, nếu
bạn ở bên một người bạn đời có trách nhiệm, thành công, hấp dẫn, bạn sẽ cảm thấy
mình như bị “hạ cấp” và trở nên kém cỏi khi so sánh với họ. Ở bên họ, bạn sẽ
càng nhận thức rõ hơn những khuyết điểm của bản thân. Và điều đó khiến lòng tự
trọng của bạn tụt xuống thêm. Ban đầu, khi mới bước vào mối quan hệ, bạn cảm thấy
an toàn vì tin rằng bạn có thể tin tưởng vào sự cam kết của người kia, người
"kém hơn" bạn. Nhưng theo thời gian, mối quan hệ ấy bắt đầu xấu đi.
Nó xấu đi vì tất cả gánh nặng đổ lên bạn. Thay vì cảm thấy được trân trọng và hỗ
trợ, bạn bắt đầu cảm thấy như mình vừa "nhặt" được một… ký sinh
trùng. Sự thờ ơ của người kia khiến bạn phải gánh vác hết mọi trách nhiệm. Và tất
cả những gì cần để bạn hoàn toàn mất hứng thú với người này, là khi họ bắt đầu an
phận trong mối quan hệ. Khi họ đã “yên vị” và không còn cố gắng cho bản thân
hay cho bạn nữa, bạn sẽ cảm thấy mình bị xem nhẹ, bị coi thường.
Còn về phần những
người “không thành công”, họ là những người tự hủy hoại chính mình. Họ tự hủy
hoại vì chính họ đã từng bị phá hoại.
Thường thì, nếu
bạn là người “không thành công”, bạn từng có cha mẹ chỉ yêu bạn khi bạn đáp ứng
nhu cầu và mong muốn của họ. Bạn từng bị ngăn cản theo đuổi thành công của
riêng mình. Trong thâm tâm, bạn ghét việc cuộc sống của mình cứ phải xoay quanh
người khác, những gì họ muốn, họ cần, nhưng bạn không biết cách nào khác để sống,
và bạn không biết cách nào khác để có được tình yêu. Bạn đã bị làm cho nản chí
quá nhiều, bị thất vọng quá nhiều, đến mức bạn nghĩ: “Thôi kệ. Cố làm gì nữa?”
Sâu thẳm bên trong, bạn không tin rằng mình có khả năng để thành công, và trong
tiềm thức, bạn thà không thử còn hơn thử rồi thất bại. Bạn thà giữ niềm tin rằng
"lẽ ra tôi đã có thể thành công" còn hơn là thử và rồi thất bại, để rồi
phát hiện ra mình thật sự bất tài vô dụng.
Cuộc sống của bạn
trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm, nơi mà chính sự thờ ơ của bạn lại tạo
ra đúng điều bạn đang cố tránh bằng cách… không làm gì cả. Đối với bạn, tình
yêu cũng là một giao dịch. Trong tiềm thức, bạn tin rằng nếu bạn không sống vì
ai đó, bạn chẳng còn lý do gì để tồn tại trong mắt họ, và vì thế, họ sẽ không ở
lại với bạn. Bằng cách gắn bó với một người cần bạn chăm sóc họ, bạn nghĩ rằng
bạn có thể đảm bảo mình không bị bỏ rơi. Trong tiềm thức, bạn tin rằng nếu người
kia không cần bạn để hỗ trợ họ, về sự nghiệp, về thành công hay bất cứ điều gì,
thì họ cũng sẽ chẳng có lý do gì để ở lại với bạn.
Ban đầu, khi bước
vào một mối quan hệ, bạn cảm thấy an toàn vì bạn tin rằng bạn đang đóng một vai
trò có ích, bạn phục vụ một mục đích nào đó cho người bạn đời “vượt trội” hơn
mình.
Bạn cũng có xu
hướng "rao bán" một hình ảnh khác xa con người thật của bạn. Bạn nói
rất hay về những điều bạn muốn làm, về hoài bão của bạn. Nhưng chẳng bao lâu
sau, mọi thứ bắt đầu đổ vỡ. Khi người bạn đời của bạn nhận ra rằng “lời nói
không đi đôi với hành động”, họ bắt đầu tức giận. Họ bắt đầu chỉ trích bạn. Và
điều đó làm giảm sự tự tin của bạn. Đột nhiên, bạn cảm thấy như thể… mình thật
sự là một ký sinh trùng. Sâu thẳm bên trong, bạn cảm thấy có lỗi. Bạn thấy tồi
tệ về bản thân. Và chỉ cần người kia bắt đầu chỉ trích bạn, là bạn sẽ lập tức cảm
thấy mình bị xem nhẹ, bị lợi dụng.
Nếu bạn là một
người thành công nhưng vẫn tiếp tục hẹn hò với những người mà xã hội gọi là “thất
bại”, bạn cần tự hỏi mình một câu: “Chuyện
tồi tệ gì sẽ xảy ra nếu tôi hẹn hò với một người có trách nhiệm, thành công và
hấp dẫn?”
Bạn sẽ thấy rằng,
người thành công thường cảm thấy nếu họ gặp một người xứng đáng với mình, hoặc
thậm chí hơn cả mình, thì người đó sẽ không có lý do gì để ở lại. Người thành
công thường cảm thấy bản thân mình vốn dĩ không đáng được yêu thương, vì vô vàn
lý do.
Vì thế, điều
quan trọng là bạn cần tự hỏi: “Có điều gì
ở tôi mà vốn dĩ tồi tệ đến mức một người thành công, có trách nhiệm và hấp dẫn
sẽ không bao giờ chấp nhận được?”
Bạn có thể sẽ
phát hiện ra rằng, những điều bạn cho là lý do khiến bạn không được yêu thương,
thật ra lại chính là những điều mà cha mẹ bạn từng cho là không thể chấp nhận
được, khi bạn còn là một đứa trẻ.
Ví dụ: Nếu một
người mẹ nói với con gái mình: “Nếu không nhờ vẻ ngoài ưa nhìn của con thì chẳng
ai chịu đựng nổi cái tính khí thất thường của con đâu”, thì cô bé đó chắc chắn
sẽ lớn lên với niềm tin rằng một “mối tốt” sẽ không bao giờ chịu đựng được sự
thất thường của cô, và vì thế sẽ rời bỏ cô, hoặc thậm chí sẽ không bao giờ bước
vào mối quan hệ với cô ngay từ đầu.
Nếu bạn là một
người “không thành công” nhưng vẫn tiếp tục hẹn hò với những người siêu thành
công, những người khiến bạn cảm thấy mình thấp kém, thì điều cực kỳ quan trọng
là bạn cần tự hỏi: “Điều tồi tệ gì sẽ xảy
ra nếu tôi trở nên có trách nhiệm, thành công và cuốn hút?”
Bạn sẽ nhận ra rằng,
những người “không thành công” cảm thấy rằng nếu họ trở nên thành công, thì người
khác sẽ không còn lý do gì để giữ họ trong cuộc sống của mình nữa. Người không
thành công cảm thấy như vậy vì rất nhiều lý do. Đó là lý do tại sao, nếu bạn
thuộc nhóm này, thì điều vô cùng quan trọng là bạn phải tự hỏi mình: “Nếu tôi thành công, có trách nhiệm và hấp dẫn,
tại sao người ta lại không muốn ở bên tôi?”
Bạn có thể thấy
rất rõ tại sao những người “thành công” và “không thành công” lại là một cặp
đôi hoàn hảo. Thậm chí là một cặp đôi do thiên đường sắp đặt.
Đó là bởi vì sự
khác biệt giữa họ chỉ nằm ở bề mặt. Nếu bạn nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy họ phản
chiếu lẫn nhau một cách hoàn hảo. Họ có chính xác cùng một tần số rung động
trong cách họ nhìn nhận bản thân mình. Trong một Vũ trụ luôn hướng đến sự mở rộng,
họ phản chiếu hoàn hảo những khía cạnh chưa lành và bóng tối của nhau, để rồi từ
đó cả hai có thể nhận ra điều gì cần được tích hợp và chữa lành. Việc chấp nhận
bản thân là điều tối quan trọng đối với cả hai.
Bài tập tốt nhất
cho điều này nên được thực hiện vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy. Tôi muốn bạn
hãy thật tàn nhẫn và thành thật với chính mình về những điều bạn không thể chịu
đựng nổi ở bản thân: những đặc điểm ngoại hình, cảm xúc, hay tính cách.
Mỗi buổi sáng,
tôi muốn bạn chọn một điều từ danh sách đó và tìm cách chấp nhận nó. Bạn càng
viết được nhiều điều trong danh sách này thì càng tốt. Đặc biệt hữu ích nếu những
điều đó đến từ câu trả lời của bạn cho những câu hỏi được đưa ra trước đó trong
video. Nếu bạn cảm thấy mình không đủ khả năng để suy nghĩ vượt khỏi khuôn khổ,
thì đừng ngại nhờ người khác làm bài tập này cùng bạn.
Ví dụ: Giả sử, ở
một cấp độ sâu bên trong, tôi đã quyết định, nếu tôi thực sự thành thật, rằng
tôi là một người “Người Bóng Tối”. Và tôi không thích điều đó ở bản thân.
Danh sách của bạn
có thể giống như sau:
– “Tôi có dũng
khí.”
– “Tôi không sợ
bóng tối.”
– “Tôi sợ ít hơn
trong cuộc sống vì tôi đã quen thuộc với bóng tối.”
– “Bạn phải có
màn đêm… thì mới thấy được ánh sáng của những vì sao.”
– “Tôi có một
cái nhìn sâu sắc hơn về hạnh phúc, nhờ vào sự tương phản.”
– “Tôi khiến người
khác thoát khỏi sự nhàm chán và thu hút sự chú ý của họ.”
– “Tôi không hời
hợt, tôi sâu sắc.”
– “Tôi có thể đồng
hành cùng người khác qua những vấn đề khó khăn và chân thực nhất của họ.”
– “Tôi không sợ
khi phải đào sâu vào nội tâm của người khác.”
– “Màu đen là
Năng lượng Gốc – nó sinh ra Ánh sáng.”
– “Giống như giả
kim thuật: Tôi chuyển hóa bóng tối thành ánh sáng.”
– “Bóng tối là
nguồn năng lượng chuyển hóa mạnh mẽ nhất.”
– “Mọi tần số đều
nằm trong bóng tối.”
– “Tôi luôn nhìn
vào mặt tối của cuộc sống, điều đó có nghĩa là tôi sống một cuộc sống thật hơn
đa số người khác.”
– “Nếu tôi là
Bóng tối, và tôi sống trong Bóng tối, thì tôi có ít sự kháng cự nhất với Bóng tối,
và vì vậy, tôi chính là Ánh sáng!”
Càng nghĩ ra được
nhiều càng tốt.
Điểm mấu chốt
là: Tôi muốn bạn liệt kê bất kỳ điều gì, càng dài càng tốt, miễn là điều đó thực
sự khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn với đặc điểm mà bạn vốn chối bỏ trong bản
thân mình.
Ngoài vấn đề về
sự thiếu giá trị bản thân vốn tồn tại ở cả hai phía, thì vấn đề lớn nhất trong
mối quan hệ giữa “người thành công” và “người không thành công” là họ cảm thấy
rằng tình yêu là một giao dịch. Một thỏa thuận kinh doanh. Mỗi bên phải nhận được
gì đó. Họ không hiểu rằng tình yêu có thể được trao đi một cách tự do, không cần
điều kiện, không cần sự đáp lại. Họ không thấy rằng tình yêu có thể được trao
đi mà không cần động cơ. Điều những người này đang tìm kiếm trong tình yêu, thực
ra không phải là tình yêu, mà là chủ nghĩa cộng sinh (mutualism). Và chủ nghĩa
cộng sinh không phải là tình yêu.
Nhưng việc cung
cấp điều gì đó có lợi cho người khác có thể là một cái cớ tốt để họ tập trung
tích cực vào bạn. Chính điều đó là vấn đề – nó có điều kiện!
Sự “cộng sinh”
này vốn dĩ đã gây đau đớn, bởi vì nó khiến cho tình yêu vô điều kiện trở nên bất
khả thi. Ngay khi bạn nhận được tình yêu vì một điều gì đó bạn làm, bạn đang thầm
công nhận rằng bạn không đáng được yêu chỉ vì bạn là bạn.
Tình yêu là một
trải nghiệm đơn phương. Đó là trạng thái của sự hiện diện vô điều kiện. Đó là
trạng thái tập trung tích cực vào một điều gì đó, và sự tập trung tích cực đó kết
nối bạn với Bản Thể Vĩnh Cửu của mình, và đồng thời với người mà bạn đang tập
trung tích cực vào. Sự tập trung tích cực đó không cần phải phụ thuộc vào việc
người kia làm hay không làm điều gì.
Bạn hoàn toàn có
thể cảm thấy tích cực, có cảm xúc yêu thương dành cho một đứa trẻ tự kỷ, ngay cả
khi nó đang nổi cơn thịnh nộ.
Sự tập trung
tích cực luôn là câu chuyện của Người Trao, chứ không phải Người Nhận.
Khi còn nhỏ,
chúng ta không nhận được sự hiện diện vô điều kiện hay sự tập trung tích cực từ
cha mẹ nếu như chúng ta không “làm” gì đó để đạt được hoặc xứng đáng với sự tập
trung đó. Và giờ đây, chúng ta không biết cách yêu thương ai đó vô điều kiện,
cũng như cha mẹ chúng ta đã không biết cách làm điều đó. Và tôi cam đoan với bạn,
họ không biết.
“Tình yêu” là từ
mà chúng ta dùng khi thực ra chúng ta đang nói về chủ nghĩa cộng sinh. Và điều
đó không có gì sai cả, sau cùng, nó thúc đẩy sự hợp nhất, hỗ trợ cho tính Toàn
Thể. Nhưng tình yêu và chủ nghĩa cộng sinh là hai phần khác nhau trong một mối
quan hệ đối tác. Hai thành phần riêng biệt trong một mối quan hệ tốt đẹp.
Và nếu tình yêu
của chúng ta dựa trên và phụ thuộc vào chủ nghĩa cộng sinh, thì bạn có thể chắc
chắn rằng mối quan hệ đó sẽ không bao giờ ổn định, và không bao giờ thật sự hạnh
phúc. Bởi vì tình yêu khi đó trở thành thứ phụ thuộc vào việc bạn có gì đó để
trao, và vào việc bạn có tiếp tục giữ được phần cam kết của mình hay không.
Chúc bạn một tuần
thật tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=beo2IgWlo44
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.