Teal Swan Transcripts 094 - Sự phụ thuộc và Sự độc lập

 

Teal Swan Transcripts 094


Sự phụ thuộc và Sự độc lập

 

30-11-2013




Hôm nay tôi muốn nói với bạn về sự phụ thuộc. Những ai trong chúng ta đã tìm đến con đường tâm linh, thường là do đã từng trải qua nỗi đau. Những nhu cầu của chúng ta đã không được đáp ứng. Điều đó dẫn đến một cảm giác trống rỗng sâu sắc. Nó khơi dậy sự khao khát. Và chính điều này mới thực sự là thứ giúp ta bước đi trên con đường tâm linh ngay từ đầu.

 

Hầu hết những người sống đời tâm linh đều không xa lạ gì với việc tự làm tổn thương bản thân. Và dù con đường tâm linh giúp ta cảm thấy tốt hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự thay đổi hoàn toàn cách sống của mình. Thay vào đó, chúng ta lại dùng những chân lý tâm linh để tiếp tục làm tổn thương chính mình. Điều này đặc biệt đúng với một trong những giáo lý quý báu, một niềm tin được xem là thiêng liêng: Tự lập – Tự chủ – Tự tạo ra thực tại cho riêng mình.

 

Thật hấp dẫn và hữu ích khi ta học được rằng mình là người duy nhất tạo ra thực tại của chính mình. Nhất là sau khi ta từng tin rằng cuộc sống của mình chỉ là hệ quả của hoàn cảnh, rằng ta là nạn nhân của thực tại mà ta đang sống. Nhưng sau khi trải nghiệm cảm giác dễ chịu tạm thời từ “sức mạnh độc lập”, thì điều kéo đến sau đó là sự cô lập, là áp lực rằng ta phải làm mọi thứ một mình.

 

Khái niệm "tự lập hoàn toàn" mâu thuẫn với chân lý vũ trụ rằng chúng ta đều là Một, giống như hận thù đối lập với tình yêu. Sự đối lập của tình yêu là nỗi sợ. Mà tức giận, dù sao, vẫn là một bước tiến so với sợ hãi. Sự đối lập của cảm giác có sức mạnh là cảm giác bất lực. Độc lập là một bước tiến so với cảm giác bất lực. Nhưng... ta có nên dừng lại ở đó không? - Không.

 

Về cơ bản, khi nhận ra mình độc lập, nghĩa là bạn cũng đang nhận ra mình là một phần tách biệt, một cá thể có thể chia cắt khỏi tập thể. Nhận thức này chỉ có ích trong giai đoạn chuyển hóa từ cảm giác bất lực trước người khác, sang cảm giác mình có sức mạnh. Nhưng nếu nó khiến bạn cảm thấy mình bị cô lập, bị tách biệt, và phải gánh vác cả thế giới trên đôi vai mình, thì từ chỗ có ích, nó sẽ trở thành gánh nặng.

 

Hầu hết các bậc thầy tâm linh và các thực thể truyền tải thông điệp đều dạy dựa trên tần số rung động hiện tại của con người. Và thực tế là, nếu bạn nhìn vào bức tranh tổng thể của cuộc sống trên Trái Đất, thì rung động tập thể hiện nay chính là: sự bất lực. Vì vậy, việc dạy bạn làm sao để trở nên có sức mạnh, làm sao để tạo ra thực tại của riêng mình và ngừng lệ thuộc vào những gì khiến bạn cảm thấy bất lực, điều đó là cần thiết.

 

Bạn thấy đó, những bậc thầy tâm linh, nhất là các những người dẫn kênh, không quá bám chấp vào "sự thật" như bạn vẫn làm. Họ sẽ đưa ra cho bạn một niềm tin nào đó miễn là nó phục vụ cho quá trình tiến hóa của bạn, bất kể nó có thật hay chỉ là ảo tưởng.

 

Sự thật là, bạn có ảnh hưởng đến mọi thứ tồn tại, và mọi thứ tồn tại cũng ảnh hưởng đến bạn. Trước đây bạn từng được dạy rằng bạn không cần bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì ngoài chính suy nghĩ của mình. Nhưng điều đó không hoàn toàn đúng. Bởi vì bạn chính là người ảnh hưởng đến mình. Mà suy nghĩ của bạn, xét cho cùng, cũng chính là bạn. Vậy nên suy nghĩ ảnh hưởng đến bạn. Mọi thứ bạn tạo ra trong thực tại của mình đều ảnh hưởng đến bạn. Bạn không thể tách rời khỏi bất kỳ điều gì khác trong sự tồn tại này. Bởi vì theo chân lý của Sự Hợp Nhất, “họ” cũng chính là bạn.

 

Điều đó có nghĩa là họ luôn là tấm gương phản chiếu bạn. Chúng ta đang học hỏi từ những phản chiếu ấy. Mọi hành động của người khác đều ảnh hưởng đến bạn, bởi vì mọi hành động của bạn cũng ảnh hưởng đến chính bạn. Bằng cách chuyển hướng sự chú ý về những điều tích cực, bạn có thể tạo ra điều mình muốn, bất kể người khác có làm gì hay không làm gì. Bởi vì bạn chỉ bất lực trước sự sáng tạo của người khác ở mức độ bạn bất lực trước chính sự sáng tạo của mình.

 

Quan điểm cho rằng “họ” lớn hơn hay quyền năng hơn bạn, chỉ là ảo tưởng. Khi bạn nhận ra họ không gì khác hơn là phản chiếu của bạn, được phóng đại lên thành quy mô thế giới, thì bạn sẽ hiểu rằng tập thể đang dần dịch chuyển ra khỏi trạng thái bất lực. Và đã đến lúc chuyển mình, tiến hóa và hiểu sâu hơn.

 

Giận dữ là một bước tiến từ bất lực. Độc lập cũng là một bước tiến từ cảm giác bất lực trước người khác. Đó là lý do tại sao giáo lý về sự độc lập – “Bạn tạo ra thực tại của chính mình” – là điều hữu ích. Nhưng còn một bước vượt lên trên cả sự độc lập, đó là: Sự tương hỗ lẫn nhau, hay còn gọi là cộng sinh, nâng đỡ, trao quyền lẫn nhau.

 

Cốt lõi là: Bạn có phụ thuộc. Bất kỳ ai nghĩ khác đi đều đang mắc kẹt trong ảo tưởng. Nếu bạn cần ăn, bạn phụ thuộc vào thực phẩm. Nếu bạn cần lái xe, bạn phụ thuộc vào nhà sản xuất xe. Bạn phụ thuộc vào đủ thứ – con người, địa điểm, đồ vật. Ngay cả mặt đất bạn đang đứng lên, bạn cũng đang phụ thuộc vào nó. Bởi vì sự phụ thuộc là điều tất yếu trong sự tồn tại của bạn, nên điều quan trọng là đừng để bị lạc lối trong ảo tưởng rằng bạn có thể hoàn toàn tự lực.

 

Niềm tin đó sẽ sớm hay muộn chỉ khiến bạn tổn thương thêm. Bạn phụ thuộc vào mọi thứ đang tồn tại, và mọi thứ đang tồn tại cũng lệ thuộc vào bạn. Cả vũ trụ phụ thuộc vào bạn. Bạn cũng phụ thuộc vào nó. Không có bạn, Nguồn không thể tự nhận biết mình, cũng không thể mở rộng. Không có Nguồn, bạn sẽ không thể tồn tại. Ngay cả khi bạn cho rằng mình không phụ thuộc vào ai, thì bạn vẫn đang phụ thuộc vào củ cà rốt trên đĩa ăn tối của mình.

 

Vậy tại sao khái niệm “phụ thuộc” lại khiến chúng ta sợ đến thế?

 

Bởi vì khi còn là những đứa trẻ, nhu cầu của chúng ta không được đáp ứng. Chúng ta không thực sự sợ việc phụ thuộc. Điều chúng ta sợ là việc người khác tạo ra thực tại cho mình. Nói cách khác, chúng ta sợ cảm giác bất lực. Vì ta không tin rằng mình thật sự tạo ra thực tại của chính mình, nên ta nghi ngờ khả năng sáng tạo của mình.

 

Vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta ghét việc phải phụ thuộc. Vấn đề là chúng ta ghét cảm giác như thể mình bị phụ thuộc vào người khác trong việc tạo ra thực tại cho mình.

 

Nếu chúng ta tin tưởng rằng mình có thể tạo ra những gì mình lệ thuộc vào, thì việc phụ thuộc không còn là vấn đề. Nếu ta tin rằng nó không nằm ngoài tầm tay chúng ta, rằng ta có thể tạo ra trải nghiệm mình có, thì ta sẽ hiểu rằng cảm xúc của mình cũng không nằm ngoài tầm kiểm soát. Ta sẽ cảm thấy rằng mình làm chủ được cảm xúc của chính mình. Ta sẽ không còn là nạn nhân của vũ trụ. Và khi đó, ta sẽ không còn sợ phụ thuộc. Ngược lại, ta sẽ đón nhận nó.

 

Chúng ta nghi ngờ khả năng sáng tạo của chính mình đến mức dùng những “chân lý tâm linh” để thuyết phục bản thân rằng ta không nên muốn những gì ta thật sự muốn, và không nên cần những gì ta thật sự cần. Ta tự đánh lừa mình khi cho rằng trạng thái tâm linh cao nhất là không có bất kỳ nhu cầu nào.

 

Đây là một vấn đề lớn, bởi vì mọi sinh linh trong vũ trụ đều có mong muốn và nhu cầu.

 

Thế là, bạn đã vô tình tạo ra một nghịch lý: hoặc là sống một đời tâm linh, hoặc là sống một đời người, không thể có cả hai cùng lúc.

 

Sự thật là: Nhu cầu hay mong muốn chỉ khiến bạn đau khổ khi bạn không tin rằng mình có thể đạt được nó. Chính niềm tin đó mới là thứ gây ra đau đớn. Không phải bản thân nhu cầu hay mong muốn.

 

Vấn đề của chúng ta không phải là có nhu cầu. Vấn đề cũng không phải là chúng ta cần đến người khác. Vấn đề là ta tin rằng khi cần đến họ, thì họ là người quyết định thực tại của mình. Ta tin rằng cuộc đời mình phụ thuộc vào việc họ có làm hay không làm điều gì đó. Và điều đó đẩy ta vào trạng thái bất lực.

 

Nói cách khác, chúng ta trở thành nạn nhân của chính sự sáng tạo của mình.

 

Và điều quan trọng vô cùng là bạn hãy luôn nhớ điều này: Bạn không bất lực trước bất kỳ điều gì, miễn là bạn tạo ra được những gì mình đang phụ thuộc vào.  Chính bạn là người đang làm điều đó. Từ đầu đến cuối vẫn luôn là bạn. Chỉ là bạn không thấy vậy khi bạn đang bị mắc kẹt trong ảo tưởng về “cái tôi” và “người khác”.

 

Chúng ta liên tục được những người ủng hộ chủ nghĩa tự lực độc lập nói rằng, việc cố gắng lấp đầy bản thân thông qua người khác là điều không phù hợp. Rằng việc dùng người khác để lấp đầy khoảng trống trong ta là không ổn. Rằng mọi nhu cầu nên được lấp đầy từ chính bên trong ta. Nhưng cách nhìn này đang coi người khác là tách biệt khỏi ta. Họ là bạn. Nếu bạn dùng họ để lấp đầy khoảng trống bên trong mình, thì bạn đang dùng chính mình để lấp đầy khoảng trống đó. 

 

Tất cả chúng ta đều đang tìm cách lấp đầy một khoảng trống, nhu cầu bên trong mình. Nhưng câu trả lời không phải là ngừng cần hay ngừng muốn, mà là nhận ra rằng chúng ta có quyền năng để tạo ra những gì ta cần và muốn. Ngay cả khi điều ta cần và muốn là một người khác. 

 

Trong một thế giới là Một, bạn chỉ có thể phụ thuộc vào chính bản thân mình, dù là dưới hình thức nào. 

 

Chúng ta đã nhầm lẫn giữa phụ thuộc và bất lực. Nhưng hai điều này không hề giống nhau. Thậm chí chẳng liên quan gì đến nhau. Bạn không thể trở nên độc lập tuyệt đối. Muốn như vậy là phải tách mình ra khỏi phần còn lại của vũ trụ. Điều đó không những không thể, mà còn là điều không ai thực sự mong muốn. 

Vì mong ước sâu thẳm trong tim mỗi sinh linh là sự gắn kết. Chúng ta không muốn cô đơn. Chúng ta thực sự không hề muốn cái “tự lực tuyệt đối” mà ta tưởng mình muốn.  Chúng ta chỉ muốn điều đó khi ta từng bị tổn thương, khi từng cần một điều gì đó mà không được đáp ứng.

 

Ví dụ, tôi cần một người bạn đời để cảm thấy an toàn. Các giáo lý tâm linh truyền thống sẽ nói điều đó là không thích hợp. Rằng tôi giờ đây đang trở nên bất lực trước hành động hoặc sự im lặng của anh ấy.  Nhưng trong một vũ trụ phản chiếu tư tưởng, chính tôi đã tạo ra người bạn đời ấy. Tôi đã khiến vũ trụ mang anh ấy đến, thông qua luật hấp dẫn. Vậy nên, tất cả những gì tôi thực sự phụ thuộc vào, là chính sự sáng tạo của mình. Điều duy nhất có thể khiến tôi bất lực, cũng là sự sáng tạo của tôi. 

 

Và mỗi lần sáng tạo đều giúp tôi hiểu rõ về mình hơn, khiến tôi ngày càng tinh chỉnh và nâng cấp những điều tôi tạo ra. Những sáng tạo của tôi, vì thế, liên tục tiến hóa. Và cảm giác an toàn của tôi cũng đang không ngừng tiến hóa. 

 

Nếu tôi không thích điều mình tạo ra, tôi có thể cải thiện nó. Tôi có thể thay đổi nó. Nếu bạn phụ thuộc vào những gì bạn tạo ra, mà rốt cuộc, mọi thứ trong thực tại của bạn đều là như vậy, thì bạn đang tin tưởng chính sáng tạo của mình. Và tất cả những gì tồn tại, là sự sáng tạo của bạn. 

 

Vậy nên, có thể nói rằng: phụ thuộc thực sự là sự tin tưởng. Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng trạng thái tâm linh cao nhất là trạng thái của niềm tin. Nhưng bạn không thể kết tội “phụ thuộc” mà không đồng thời kết tội “niềm tin”.

 

Vậy nên không cần phải nói nhiều, những người tự nhận là độc lập, thực ra cũng chỉ tin vào bản thân mình hơn đôi chút so với những người cảm thấy hoàn toàn bất lực. Nhưng cả hai nhóm này đều chưa thực sự tin tưởng chính mình, hay những điều họ tạo ra.

 

Từ “phụ thuộc” không phải là một từ xấu. Nó là một khái niệm đẹp đẽ bị hiểu sai thành một điều tiêu cực. Phụ thuộc là trở thành Một. 

 

Thế giới này nhẹ nhàng và hỗ trợ chúng ta nhiều hơn ta tưởng. Nó dịu dàng, yêu thương và gắn kết nhiều hơn mức mà ta cho phép mình hiểu. Bởi vì ta vẫn còn cảm thấy bất lực trước thế giới, nên ta cố gắng trở thành cả một vũ trụ riêng biệt. 

 

Cái tôi đã dùng những giáo lý tâm linh, vốn được thiết kế để trao quyền cho bạn, như một công cụ để tách bạn ra xa hơn khỏi Vũ trụ. Và đây là một ví dụ rõ ràng: nó đã sử dụng khái niệm “bạn tạo ra thực tại của chính mình” và “độc lập” trong cộng đồng tâm linh như một cách để khiến ta xa rời vũ trụ. Đó là một khái niệm của cái tôi.

 

Những người cảm thấy đồng điệu với cảm giác được trao quyền từ sự độc lập, chính là những người đã từng cảm thấy bất lực khi không được người khác đáp ứng nhu cầu. Có thể họ lớn lên trong gia đình nơi cha mẹ không quan tâm đủ đến nhu cầu của họ. Hoặc cha mẹ của họ lúc thì đáp ứng, lúc thì không. Dù là thế nào, nhu cầu cũng đã trở thành nỗi đau. 

 

Việc phụ thuộc vào người khác, hoặc bất kỳ điều gì, đã trở thành một điều đau đớn. Và đó là lý do khiến việc trở nên độc lập mang lại cảm giác dễ chịu đến vậy với họ. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải quay về với chính mình. Nhưng đó chỉ là một bước chuyển tiếp. Chỉ là một bước, trên hành trình đi đến trao quyền. Nó chưa phải là đích đến của sự trao quyền. 

 

Bước tiếp theo là nhận ra sự phụ thuộc hoàn toàn của bạn vào chính mình. Và “chính mình” bao gồm tất cả sinh linh trong vũ trụ này, bởi vì tất cả họ đều là bạn. Đây là một vũ trụ liên kết phụ thuộc lẫn nhau, bởi vì sự thật tuyệt đối nhất của vũ trụ này là tính Nhất Thể. 

 

Khi bạn chỉ muốn phụ thuộc vào một mình bạn như một cá thể tách biệt, tức là bạn chỉ muốn tự mình đáp ứng các nhu cầu của bản thân, và muốn loại bỏ tất cả các phần khác của bạn trong vũ trụ. Bởi vì bạn đã tin vào ảo tưởng rằng họ là “khác bạn”. Nhưng thực ra, sự hòa hợp đích thực là khi bạn bao gồm mọi thứ mà bạn từng xem là "khác", như là một phần của chính mình, và vì thế, trở thành một với tất cả, bằng cách cho phép mình phụ thuộc vào nó.

 

Tôi muốn giới thiệu cho bạn một khái niệm: “Đi đến cửa hàng dụng cụ để mua sữa.” Tôi thực sự thích ý tưởng này. 

 

Nó nói rằng: việc đáp ứng nhu cầu là hoàn toàn bình thường. Bạn chỉ cần tìm đúng nơi và đúng người có thể đáp ứng nhu cầu ấy. Và đó lại chính là điều chúng ta không giỏi. Chúng ta cứ đi đến cửa hàng dụng cụ để mua sữa. Và ta cứ lặp đi lặp lại điều đó mỗi ngày. Mặc dù, rõ ràng là họ không bao giờ bán sữa.

 

Việc ta thực sự cần làm, là cho phép bản thân được muốn điều mình muốn, và cần điều mình cần. Rồi sau đó, đi tìm những người và nơi chốn có thể thực sự mang lại những điều ấy.

 

Và tôi hứa với bạn: điều đó hoàn toàn khả thi. Nếu thứ bạn cần là con người, thì bạn có thể tìm được những người cảm thấy hạnh phúc khi được đáp ứng mong muốn và nhu cầu của bạn. Bạn không hề bất lực trước họ. Bạn không cần phải lừa gạt một người không muốn đáp ứng bạn để họ đáp ứng bạn.

 

Bạn chỉ cần đi đến cửa hàng sữa, để mua sữa.

 

Là một phần mở rộng của Nguồn năng lượng, bạn được ban tặng quyền năng để tạo ra. Và bạn không hề bất lực, ngay khoảnh khắc bạn hiểu rằng bạn có thể tạo ra điều mình phụ thuộc vào.

 

Vậy điều đó có khiến bạn phụ thuộc không? - Vừa có, vừa không.

 

Đã đến lúc, những ai đang bước trên hành trình tâm linh, và cả trong thế giới này nói chung, chuyển mình sang trạng thái “phụ thuộc được trao quyền”, và rời xa ảo tưởng về “tự lực độc lập tuyệt đối”.

 

Tôi hứa với bạn, hạnh phúc của bạn sẽ tăng lên nhờ sự chuyển đổi đó.

 

Chúc bạn một tuần thật an lành.

 

 

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=nxdRQA_GhxU

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.