Teal Swan Transcripts 202
Thất bại trong tâm linh (Chủ nghĩa cầu
toàn tâm linh)
24-10-2015
Chào tất cả mọi
người. Hôm nay, tôi sẽ cực kỳ thẳng thắn với bạn. Tôi sẽ vạch trần một sự thật.
Chúng ta đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng trong cộng đồng tâm linh, và
nói rộng hơn là trong toàn xã hội, và nó có dạng như vầy: trừ khi mọi thứ trong
cuộc sống của bạn đang diễn ra hoàn hảo, nếu không thì bạn đang làm sai điều gì
đó. Và để được xem là đang làm đúng, thì mọi khía cạnh trong đời bạn phải vận
hành trơn tru.
Ngay khi chúng
ta nhận ra, hay nói đúng hơn là phát hiện ra rằng tâm trí tạo nên thực tại, và khi ta hiểu rằng luật hấp dẫn là
nguyên tắc cơ bản điều hành toàn bộ thực tại không-thời gian này, thì chúng ta
đã đi đến một kịch bản tệ hại nhất có thể. Điều mà chúng ta đã làm là: chúng ta
gán cho nó ý nghĩa rằng “tôi phải tập trung vào điều tích cực 24/7 và luôn luôn
cảm thấy tốt đẹp, nếu không thì cả cuộc đời tôi sẽ lao dốc.”
Chúng ta trở
thành những người theo chủ nghĩa cầu toàn tâm linh đến mức… thậm chí, chúng ta
còn biết yêu thương bản thân nhiều hơn khi vẫn còn vô thức và tin rằng thế giới
tách biệt khỏi mình, rằng những điều tồi tệ chỉ đơn giản là xảy ra. Về cơ bản,
chúng ta tin rằng mọi thứ xoay quanh việc duy trì tư duy tích cực và cảm thấy dễ
chịu. Và nếu chúng ta không cảm thấy ổn, thì nghĩa là chúng ta đang mất kiểm
soát và thất bại thảm hại.
Luật hấp dẫn về
cơ bản là luật phản chiếu. Nó là một thiết kế thiên tài của thực tại, bởi vì nó
cho phép chúng ta trở nên tự nhận thức nhiều hơn bao giờ hết.
Thật thiên tài
làm sao, rằng bất cứ điều gì tồn tại bên trong tôi cũng sẽ được phản chiếu ra
bên ngoài, để tôi có thể nhìn thấy nó và nhận ra nó. Một ý tưởng thật tuyệt vời,
đúng không? Rất tuyệt. Nhưng gần như mọi thứ trên đời đều có “cái giá” của nó.
Và cái giá ở đây
là gì?
Nếu thế giới bên
ngoài bạn không hoàn hảo… thì lỗi là của ai? - Là của bạn.
Rất nhiều điều
được phản chiếu trong thực tại bên ngoài của chúng ta thực chất là những thứ nằm
trong ta mà ta hoàn toàn không có ý thức về nó, cho đến khi nó xuất hiện ra
ngoài. Chúng ta gọi đó là “sự nhận thức sau biểu hiện”. Nhưng giả sử bạn nhận
ra điều gì đó vì nó được phơi bày ra bên ngoài, thì ngay cả khi ta đã ý thức được
nó, như bạn và tôi đều biết, việc thay đổi nó không hề dễ dàng.
Ý tôi là, bạn có
thể nhận ra việc người bạn đời rời bỏ bạn phản ánh nỗi sợ bị bỏ rơi trong bạn.
Nhưng nhận thức đó có khiến bạn cảm thấy tốt đẹp về việc người bạn đời bỏ đi
không? Chắc chắn là không.
Sự thật là chúng
ta không cảm thấy ổn 24/7. Nhưng người ta lại bảo ta rằng, việc cảm thấy tốt
hay tệ là lựa chọn của ta trong mọi khoảnh khắc. Vậy nên, chúng ta làm gì?
Chúng ta cảm thấy
mình là kẻ thất bại vì cuộc sống không hoàn hảo, và điều duy nhất ta biết làm
là: cố gắng hơn nữa. Và rồi ta bắt đầu ngược đãi chính mình, nhân danh tâm
linh.
Vậy rốt cuộc,
chúng ta đang kỳ vọng điều gì ở chính mình? Hãy thành thật và nhìn thẳng vào
nó:
1. Ta kỳ vọng bản
thân phải hoàn toàn nhận thức được mọi thứ bên trong, đến mức không còn điều gì
khiến ta bất ngờ. Ta phải kiểm soát hoàn toàn thực tại của mình.
2. Ta kỳ vọng bản
thân phải chủ động chọn lựa mọi thứ trong đời. Nghĩa là không có điều không
mong muốn nào được phép xảy ra.
3. Ta kỳ vọng bản
thân phải thay đổi sự tập trung và suy nghĩ ngay lập tức, để ta có thể ngay lập
tức cảm thấy dễ chịu, và không chỉ thế, còn phải duy trì trạng thái tích cực đó
bất kể điều gì xảy ra.
4. Ta kỳ vọng bản
thân trở thành hình mẫu hoàn hảo về tâm linh như ta vẫn hình dung trong đầu.
Sau khi nói ra hết
những điều đó, nếu bạn giống tôi, có lẽ bạn đang nghĩ: “Cái mức độ áp lực đó
khiến tôi thực sự hối hận vì đã bước chân vào con đường tâm linh. Liệu ý thức
có xứng đáng không? Liệu sự giác ngộ có đáng không?” – “Tôi không chắc nữa.”
Và nếu áp lực đó
chưa đủ tồi tệ khi bạn tự áp đặt lên bản thân, thì giờ đây bạn còn trông chờ điều
đó từ người khác nữa.
Chúng ta thường
xuyên đối mặt với sự phán xét trong cộng đồng tâm linh. Như thể việc mọi thứ
không ổn chưa đủ tồi tệ, thì giờ đây chúng ta còn phải nghe thêm: “Ồ, bạn chính
là người tạo ra tất cả những điều đó đấy.”
Và thế là ta bị
thiêu đốt trong địa ngục của sự tự trách và đổ lỗi. Chúng ta tin rằng: nếu ta
không làm sai điều gì, thì cuộc sống phải hoàn hảo. Nói cách khác: nếu cuộc sống
không hoàn hảo, thì nghĩa là tôi đang sai lệch về mặt tâm linh. Tôi lẽ ra phải
cảm thấy tốt, bất kể điều gì đang xảy ra. Và nếu tôi không thấy tốt, nghĩa là
tôi đang làm điều gì đó sai, và những điều tồi tệ sẽ tiếp tục biểu hiện. Và tôi
không thể làm đúng được, vì nhìn cuộc đời tôi đi, rõ ràng có gì đó sai sai ở
tôi.
Ôi trời đất ơi…
Khoan đã, dừng lại
một chút và nhìn xem cái mức độ áp lực đó là thế nào. Nếu bạn phải tắt video
này để nghiền ngẫm những gì tôi vừa nói và nhận ra bạn đang phải chịu áp lực cỡ
nào, thì hãy làm đi. Vì bạn cần hiện diện với sự thật rằng: đây chính là sự xấu
hổ.
Bạn biết không?
Tôi đã làm một video về chủ đề đó. Hãy tìm xem video có tên là “Làm thế nào để
vượt qua sự xấu hổ”. (Teal Swan
Transcripts 167)
Nhưng đây là loại
xấu hổ mà cộng đồng tâm linh lại đang cổ vũ.
Tùy vào con đường
thực hành của bạn, bạn sẽ có hình mẫu lý tưởng về một người đã “hoàn hảo về mặt
tâm linh”, trông ra sao, hành xử thế nào, cảm xúc thế nào, cuộc sống của họ phải
như thế nào. Và nếu bạn sống thấp hơn tiêu chuẩn đó, thì bạn là một kẻ thất bại
thảm hại.
Ví dụ: trong một
số nhóm Phật giáo, nếu bạn không đạt được trạng thái bình an hoàn toàn, không
phản ứng với cuộc đời, không dính mắc, sống tối giản trong bộ áo nâu sồng, thì
có gì đó sai với bạn. Hoặc nếu bạn ở trong cộng đồng Luật hấp dẫn và tư duy
tích cực, nếu bạn chưa thành triệu phú, chưa có người yêu hoàn hảo, chưa có sự
nghiệp rực rỡ, bạn bè tuyệt vời, sức khỏe hoàn hảo, tràn ngập tình yêu vô điều
kiện khi đang lái chiếc Ferrari mới trên xa lộ với tâm thế tích cực… thì có gì
đó sai ở bạn.
Không có gì sai ở
bạn cả. Bạn không phải là kẻ thất bại chỉ
vì cuộc sống bạn không phản ánh hình mẫu hoàn hảo tuyệt đối, đặc biệt là hình mẫu
“hoàn hảo tâm linh”. Chuyện gì đang xảy ra ở đây là: bản ngã của bạn đã chiếm
quyền điều khiển hành trình tâm linh. Và nó làm vậy liên tục.
Về cơ bản, chính
bản ngã là kẻ duy nhất quan tâm đến chuyện: tốt hay xấu, đúng hay sai, thành
công hay thất bại. Và sự thật sâu xa hơn là bạn vẫn đang tuyệt vọng cố gắng để
được yêu thương bằng cách trở nên đúng đắn, tốt đẹp và thành công.
Vậy bạn nên làm
gì?
Bạn nên tự trao
cho chính mình tình yêu đó. Hãy dành lòng trắc ẩn và sự chăm sóc đầy yêu thương
cho phần bên trong bạn, phần cảm thấy mình không xứng đáng được yêu, phần đang
khát khao tình yêu đến mức cố gắng nhét bạn vào một hình mẫu mà nó tin là “đáng
yêu, hoàn hảo và tốt đẹp”. Hình mẫu đó là: một người được giác ngộ tâm linh,
người có tất cả mọi thứ, người “sống đúng” với cuộc đời.
Hãy nhận ra rằng
bạn đang đối xử với chính mình giống hệt như cách mà những người lớn thời thơ ấu
từng đối xử với bạn. Bạn kỳ vọng sự hoàn hảo nơi bản thân, để từ đó mới tin rằng
có điều gì đó tốt đẹp và đáng yêu ở bạn.
Hãy ngồi xuống,
và có một khoảnh khắc tỉnh ngộ thật sự về cái áp lực mà bạn đang tự đặt lên bản
thân. Bạn cần phải nhận ra bạn thật sự đang kỳ vọng điều gì từ chính mình.
Ví dụ nhé, có một
sự khác biệt rất lớn giữa thật sự cảm thấy tha thứ và kỳ vọng rằng mình phải cảm
thấy tha thứ.
Tôi sẽ chia sẻ với
bạn một ví dụ cá nhân.
Trước đây, khi
tôi trải qua một trong những khoảnh khắc tỉnh ngộ đó, tôi nhận ra rằng, với vai
trò là một giáo viên tâm linh, tôi đã tin (và kỳ vọng nơi chính mình) rằng tôi phải
luôn cảm thấy tốt bất kể chuyện gì xảy ra. Ý tôi là, tôi phải luôn ở trong trạng
thái hoan hỷ tuyệt đối, bất chấp hoàn cảnh. Và nếu tôi không như vậy, thì nghĩa
là tôi có vấn đề.
Chỉ để bạn hiểu
cái áp lực mà chính tôi, một giáo viên tâm linh, đặt lên bản thân: tôi kỳ vọng
mình cảm thấy dễ chịu, kể cả khi có người bôi nhọ tôi trên mạng, đốt tranh của
tôi trước công chúng, hoặc gửi thư đe dọa giết tôi.
Công bằng ghê
ha?
Và điều này cực
kỳ dễ xảy ra: khi ta có một hình dung trong đầu về việc mọi thứ “nên” diễn ra
như thế nào, hoặc ta “nên” cảm thấy gì, hành xử ra sao, hoặc một người hoàn hảo
về tâm linh “nên” trông như thế nào, thì ta rất dễ dựng lên một mặt nạ, để tự
thuyết phục bản thân rằng: ta thật sự cảm thấy như vậy, ta thật sự như thế, hoặc
ta đang nghĩ theo hướng đó, trong khi thực tế thì không hề.
Trong giới tâm
linh, chúng tôi gọi hiện tượng đó là né tránh tâm linh. Vậy nên, nếu bạn có
thói quen đặt hàng tá áp lực tâm linh lên bản thân, thì chắc chắn cánh cửa để
rơi vào bẫy né tránh tâm linh đang mở toang trước mặt bạn. Vì lý do đó, tôi thật
sự muốn bạn xem video của tôi trên YouTube có tên là “Né tránh tâm linh” (Teal Swan Transcripts 120).
Chúng ta rất dễ
nhìn vào những người mà ta tin là phù hợp với hình mẫu lý tưởng của “sự hoàn hảo
tâm linh”, và lấy đó làm tiêu chuẩn mới để so sánh bản thân mình. Nhưng hôm
nay, tôi cần phá tan cái điều, lời nói dối này cho bạn. Đây là một phần trong phong
trào sống chân thật của tôi.
Bạn biết không? Tôi
không muốn phải nói ra điều này đâu, nhưng thật sự rất nhiều thứ mà bạn thấy
ngoài kia chỉ là giả vờ. Tôi tiếp xúc với các giáo viên tâm linh khác liên tục.
Tôi không thể tin được có bao nhiêu lớp mặt nạ đang tồn tại giữa những người
rao giảng cho bạn về “hình mẫu người tâm linh hoàn hảo” hoặc “cách sống lý tưởng
tuyệt đối”. Tôi thực sự buồn nôn khi bước chân vào lĩnh vực này.
Bây giờ hãy nghĩ
về điều này một chút. Bạn có thể nghĩ: “Không đâu, tôi chắc chắn sẽ nhận ra nếu
ai đó không thật sự như họ thể hiện.”
Có chắc không?
Bạn có chắc là bạn
sẽ biết… nếu tôi không nói thẳng ra với bạn rằng tôi thật sự cảm thấy tổn
thương khi bị những nhóm người ghét bỏ mình phỉ báng trên mạng?
Nếu tôi không
nói gì, bạn có mặc định rằng tôi là một giáo viên tâm linh với quan điểm siêu
việt đến mức chuyện đó chẳng hề ảnh hưởng gì đến tôi không?
Bạn không biết
điều gì thật sự diễn ra với người khác trừ khi họ nói thẳng với bạn. Và đa số mọi
người sẽ không nói, vì họ không muốn bị xem là kẻ thất bại. Và rồi bạn nghĩ rằng
bạn là người duy nhất không thể “làm đúng”.
Đây là một câu
chuyện khác:
Khi tôi mới bước
chân vào giới giáo viên tâm linh và bắt đầu tương tác với những người khác, họ
thường xuyên đến nói với tôi: “Tôi rất thích phong trào sống chân thật của bạn.
Nó thật dũng cảm, thật tiên phong, thật tuyệt vời.”
Và tôi hỏi lại: “Vậy
sao bạn không làm như thế?”
Bạn biết họ trả
lời sao không? - “Quá rủi ro.”
Vì nếu người ta
thấy được chúng tôi thật sự cảm thấy thế nào, và thấy những gì đang diễn ra đằng
sau bức màn nhung, thì họ sẽ không còn lắng nghe thông điệp của chúng tôi nữa.
Và bạn biết
không? - Họ nói đúng.
Nhiều khi, khi mọi
người biết sự thật đằng sau bức màn về những người mà họ cho là “hoàn hảo về mặt
tâm linh”, họ sẽ phản ứng kiểu: “Ồ, người đó vẫn còn cảm xúc tiêu cực trong
tình huống đó à? Nếu họ thật sự có một góc nhìn siêu việt, thì họ không nên như
vậy.” => “Vậy tôi không còn muốn nghe họ nói nữa.”
Vậy nên không có
gì lạ khi nhiều người trong chúng tôi tiếp tục bán cho bạn hình ảnh về một người
hoàn hảo tâm linh. Vì đó là lý do duy nhất bạn lắng nghe chúng tôi.
Và chuyện gì xảy
ra khi người khác không nói ra sự thật vì họ không muốn bị coi là thất bại?
Bạn lại tiếp tục
nghĩ rằng bạn là người duy nhất không thể làm đúng.
Vậy nếu không có
ai thật sự làm đúng thì sao? Và hơn nữa, trong vũ trụ này, không hề tồn tại cái
gọi là “đúng tuyệt đối”.
Hãy để điều đó
thấm vào bạn. “Đúng” chỉ là vấn đề của góc nhìn. Và nếu bạn chưa nhận ra, không
ai đồng thuận với nhau về góc nhìn đó cả. Nên “đúng” và “sai” hoàn toàn là trải
nghiệm mang tính chủ quan. Hãy giải phóng bản thân khỏi áp lực. Không có cách
nào để “sống sai”, vì không có quy chuẩn nào trên trời quy định cái gì là đúng.
Bạn nhận ra
chưa?
Nếu bạn biết
chính xác điều gì đúng và điều gì sai, thì việc sống “đúng” sẽ thật dễ dàng. Nhưng
điều đó không tồn tại. Vậy nên nếu bạn không thể sống sai, thì bạn cũng không
thể sống đúng. Điều đó có thể khiến bạn đau khổ, hoặc có thể giải phóng bạn.
Điều gì sẽ xảy
ra nếu ngay lúc này, bạn ngưng kỳ vọng bản thân phải cảm thấy tốt?
Vì việc cảm thấy
tồi tệ không có nghĩa là bạn có vấn đề.
Liệu sẽ ổn không
nếu bạn không cảm thấy tốt?
Điều gì sẽ xảy
ra nếu bạn ngưng kỳ vọng bản thân phải có một công việc hoàn hảo, người bạn đời
hoàn hảo, hoặc đã trở thành triệu phú?
Bởi vì việc không
có những điều đó không có nghĩa là bạn sai, hay có gì đó không ổn.
Liệu sẽ ổn không
nếu bạn đang ở chính nơi bạn đang đứng?
Ngay lúc này,
tôi muốn bạn liệt kê ra tất cả những điều mà bạn không chấp nhận nơi bản thân
mình. Để làm điều đó, bạn chỉ cần hỏi: “Tôi đang kỳ vọng điều gì ở bản thân mà
tôi hoàn toàn đang thất bại?”
Sau khi viết
xong danh sách đó, với mỗi điều, tôi muốn bạn tìm cách chấp nhận nó. Nếu bạn
không thể làm điều đó một mình, hãy nhờ người khác giúp. Vì họ sẽ có những góc
nhìn mà bạn không có.
Nhưng điều tôi
muốn bạn làm là nghĩ về điều này:
- Điều gì khiến
việc cảm thấy tồi tệ là tốt, không chỉ là chấp nhận được?
- Điều gì khiến
việc phản ứng là tốt?
- Điều gì khiến
việc không có tiền là tốt?
Nếu bạn hoàn
toàn không chấp nhận một khía cạnh nào đó đang là sự thật trong hiện tại, bạn
đang kháng cự lại “cái đang có”. Và kết quả là bạn sẽ tiếp tục tạo ra “cái đang
có” đó thêm nữa.
Khi bạn nhìn vào
những điều bạn khao khát đạt được, tôi muốn bạn có một khoảnh khắc tỉnh ngộ
khác, nhưng lần này là: Tại sao bạn muốn có những điều đó?
Hãy nhìn vào cả
những điều bạn đang cố chạy trốn ở phía đối lập với những thứ bạn mong muốn.
Ví dụ: Bạn muốn
có người yêu hoàn hảo, vì bạn muốn cảm thấy được yêu thương và có giá trị. Nhưng
ở phía đối lập, bạn căm ghét cảm giác cô đơn, cảm giác không đáng yêu, và vô
giá trị, là sự thật mà bạn đang cảm nhận về chính mình.
Tóm lại: bạn đã
cố sống theo cách này trong rất rất nhiều năm. Và nếu bạn chưa nhận ra, thì nó
không hiệu quả. Bạn vừa mới thêm tên mình vào danh sách dài dằng dặc những người
bước vào con đường tâm linh vì ghét bỏ chính mình. Một danh sách tâm linh… đầy ắp
những người tự ghét bỏ bản thân.
Nếu bạn biết rằng
bạn sẽ không bao giờ có thể “làm đúng” thì sao? Lúc đó, điều gì sẽ trở nên khả
thi? Bạn sẽ làm gì khác đi?
Hãy gỡ bỏ áp lực,
vì bạn không phải là người thất bại.
Hãy tưởng tượng
một thế giới nơi mọi trải nghiệm đều được chấp nhận đúng như nó vốn có. Tưởng
tượng rằng bạn chấp nhận “cái đang có”. Điều đó không có nghĩa là buông xuôi
trong thất bại, mà là ôm lấy thực tại.
Hãy tưởng tượng
rằng cảm xúc bạn đang cảm thấy là đúng đắn.Trải nghiệm bạn đang có là đúng đắn.
Hãy tưởng tượng một thế giới nơi mọi thứ trong hiện tại, đều xứng đáng được yêu
thương và có giá trị, chính trong cái trạng thái mà nó đang hiện hữu.
Chúc bạn một tuần
thật bình an.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=9JTVCqcb0bI
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.