Teal Swan Transcripts 201
Ghen tuông và Đố kỵ (Làm sao để đối diện
với chúng)
18-10-2015
Xin chào các bạn.
Ghen tuông và đố kỵ là những cảm xúc đầy đau đớn. Còn điều gì khác để nói về
chúng? Thật ra là rất nhiều. Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng ghen tuông và đố kỵ
là một, nhưng trên thực tế, giữa chúng có một vài điểm khác biệt then chốt.
Thực tế, đố kỵ
là cảm xúc xuất hiện khi ta cảm thấy khao khát mãnh liệt một điều gì đó mà người
khác có, dù đó là phẩm chất, thành tựu hay tài sản, nhưng ta lại nghĩ rằng mình
không thể có được.
Còn ghen tuông
là cảm xúc xuất hiện khi ta dự đoán hoặc cảm nhận trước sự mất mát của một điều
gì đó rất có giá trị với mình, dù là phẩm chất, thành tựu hay tài sản.
Nói cách khác, một
cảm xúc xuất hiện khi ta muốn giữ lại những gì mình đang có, và cảm xúc kia xảy
ra khi ta muốn có được điều mình không có. Trong cả hai trường hợp, ta đều cảm
thấy bất lực.
Tại sao hai trạng
thái cảm xúc này lại có vẻ giống nhau đến thế?
Bởi vì cả hai đều
là sự phản ánh cảm xúc của sự thiếu thốn, thiếu một điều gì đó mà ta khao khát
hay rất cần. Và đôi khi, bạn có thể cảm thấy cả ghen tuông lẫn đố kỵ cùng một
lúc, đặc biệt khi mất mát của bạn lại là lợi ích mà người khác vừa có được.
Trước tiên,
chúng ta cần khẳng định một điều: Không có gì sai trái khi cảm thấy đố kỵ. Và
cũng không có gì sai trái khi cảm thấy ghen tuông.
Đây là các trạng
thái cảm xúc. Nhưng dĩ nhiên, trong xã hội ngày nay, chúng ta đã biến cảm xúc
thành kẻ thù, và vì vậy cũng biến ghen tuông và đố kỵ thành “xấu xa”, giống như
cách chúng ta đã làm với cơn giận dữ.
Hãy nhìn vào
Kinh Thánh, ngay cả Kinh Thánh cũng liệt đố kỵ vào danh sách những tội lỗi chết
người. Điều này thật tệ. Vì sao?
Vì điều đó có
nghĩa đây là một “tội lỗi” mà con người không thể không phạm phải. Việc tự bảo
mình đừng cảm thấy thế này, hay bảo người khác đừng cảm thấy thế kia, không bao
giờ hiệu quả. Nó chỉ khiến ta tự chỉ trích bản thân chồng lên những vấn đề vốn
đã có sẵn.
Ghen tuông và đố
kỵ chỉ có thể xuất hiện khi ta đang nhìn nhận mình là một thực thể tách biệt với
người khác.
Hãy suy nghĩ
trong một phút: nếu tôi tin rằng mọi thứ đều là Một, nếu đó là góc nhìn mà tôi
đang có, thì khi bạn đạt được điều gì đó, tôi cũng ngay lập tức đạt được điều
gì đó. Đó là cách để nhận ra rằng: khi bạn cảm thấy ghen tuông hay đố kỵ, tức là
cái bản ngã đã nhúng tay vào. Vì bản ngã quan tâm đến sự tách biệt, đến tính cá
nhân. Về cơ bản, nếu bạn đang cảm thấy ghen tuông hay đố kỵ, điều đó có nghĩa
là bản ngã đang cảm nhận một mối đe dọa, chẳng hạn như một bên thứ ba đe dọa đến
mối liên kết với một ai đó, hoặc là đe dọa đến hình ảnh bản thân hay giá trị cá
nhân mà bản ngã đang bám víu.
Nhưng thay vì tiếp
tục lý luận hay phân tích về ghen tuông và đố kỵ với bạn, tôi muốn đi thẳng vào
câu hỏi thực tế: Vậy nếu bạn đang cảm thấy ghen tuông hoặc đố kỵ thì bạn phải
làm gì?
Bước
1:
Chúng ta chỉ cảm thấy ghen tuông hoặc đố kỵ khi ta đang nhìn nhận từ trạng thái
thiếu thốn. Vì vậy, điều ta cần làm là nhận thức thật rõ ta đang thiếu điều gì.
Nhưng trước
tiên, ta cần xác định xem mình đang cảm thấy đố kỵ hay ghen tuông.
- Có phải bạn cảm
thấy không thể có được điều bạn muốn không? → Đó là đố kỵ.
- Hay bạn đang sợ
sẽ mất đi một điều gì đó quý giá với bạn? → Đó là ghen tuông.
Nếu bạn đang cảm
thấy ghen tuông, điều quý giá mà bạn sợ mất là gì?
Nếu bạn đang cảm
thấy đố kỵ, điều quý giá mà bạn không có nhưng rất khao khát là gì?
Sau đó, tôi muốn
bạn sẵn sàng thay đổi góc nhìn một cách có ý thức bằng cách tham gia vào một
trò chơi mà tôi gọi là: “Trò chơi Dồi Dào” (The Abundance Game)
Hãy tự hỏi: Bằng
cách nào tôi đã thực sự có điều mà tôi nghĩ là mình đang thiếu?
Ví dụ:
- Nếu bạn sợ mất
đi sự chú ý từ người khác → Vậy bạn đang có sự chú ý ở đâu trong đời mình?
- Nếu bạn nghĩ
mình thiếu giá trị → Hãy tự hỏi mình đang có giá trị như thế nào?
Hãy lập một danh
sách càng nhiều càng tốt các cách mà bạn thực sự đã có điều mà bạn nghĩ là mình
thiếu. Bạn đã có điều mà mình đang khao khát như thế nào? Hãy sáng tạo hết mức
có thể!
Một biến thể thú
vị khác của trò chơi này là: Hãy tưởng tượng bạn là một người có ít hơn rất nhiều
những gì bạn đang có hiện tại. Và bạn bước vào cuộc sống hiện tại này như một
người ngoài cuộc. Vậy người đó sẽ nhận thấy bạn đang có những gì? Những điều mà
hiện tại bạn đang vô tình xem nhẹ?
Bước
2:
Hãy nghĩ đến những cách khác để có được điều mà bạn muốn.
Ghen tuông và đố
kỵ vô cùng mạnh mẽ ở chỗ chúng chỉ ra chính xác điều bạn muốn và cần. Chúng gần
như đang chỉ cho bạn hướng đi mà bạn nên tiến tới. Vì vậy, hãy tìm cách tiến tới
điều bạn muốn, hoặc ít nhất là bắt đầu đi về hướng đó. Không nơi nào điều này
phù hợp hơn là trong các mối quan hệ.
Thường thì ta cảm
thấy ghen tuông vì có một người thứ ba đe dọa đến mối liên kết giữa ta và ai
đó. Ta cảm thấy bị bỏ rơi và bắt đầu xuất hiện nỗi bất an về mối quan hệ đó. Rồi
ta bắt đầu tập trung vào việc loại bỏ mối đe dọa thay vì làm sâu sắc thêm sự kết
nối mà ta đang có với người bạn đời của mình.
Dù người ta có
thể lập luận rằng ghen tuông là một cấu trúc thuộc bản ngã, nên nó vốn dĩ không
tâm linh hoặc xấu xa, nhưng thật ra ghen tuông trong một mối quan hệ lại là điều
tích cực, miễn là bạn ý thức được nó thay vì phản ứng một cách vô thức. Nó giúp
bảo vệ mối liên kết giữa bạn và người kia bằng cách cảnh báo bạn rằng đã đến
lúc cần phát triển một sự kết nối sâu sắc và an toàn hơn với họ. Và cả với
chính bạn nữa. Đó là một cơ hội để trở nên gần gũi hơn với người ấy.
Để hiểu thêm về
điều này, bạn có thể xem video của tôi trên YouTube có tựa đề: “Đáp Ứng Nhu Cầu
Của Bạn” (Teal Swan Transcripts 173).
Bước
3:
Đừng bao giờ kỳ vọng bản thân không được cảm thấy như vậy.
Không có gì khiến
cho sự ghen tuông hay đố kỵ trở nên đau đớn như một vết thương hở hơn là việc phủ
nhận, kìm nén hoặc chối bỏ những cảm xúc đó. Bạn chẳng thể làm gì được để ngăn
nó. Và cũng chẳng có lý do gì để thấy tội lỗi về điều đó, vì sao? - Vì ai cũng
đã từng cảm thấy như vậy trong đời.
Dù cho cảm giác
ghen tuông hay đố kỵ xuất phát từ một góc nhìn lệch lạc hay hạn chế, thì đó vẫn
là một góc nhìn có thật và đang tồn tại ngay trong khoảnh khắc này. Vậy nên đừng
bảo mình đừng cảm thấy như vậy, và cũng đừng bảo người khác đừng cảm thấy như vậy.
Thay vào đó, điều bạn nên làm là từng bước xoa dịu chính mình trước cảm xúc đố
kỵ và ghen tuông.
Và nó bắt đầu bằng
những câu như:
- “Mình cảm thấy
thế này cũng không sao mà.”
- “Được ở ngay vị
trí hiện tại của mình cũng không sao.”
Sau đó, tôi muốn
bạn chuyển hướng sự chú ý và thay đổi tiêu điểm. Hãy bước ra khỏi câu chuyện
trong đầu, để bạn có thể nhìn thấy những niềm tin đau đớn thực sự đang nuôi dưỡng
những cảm xúc này.
Hãy tự hỏi: Bạn
đang gán cho tình huống này ý nghĩa gì?
Khi bạn cảm thấy
ghen tuông hay đố kỵ, luôn luôn có một niềm tin đau đớn đằng sau mà bạn cần phải
đối mặt trực tiếp. Vì lý do đó, tôi đã tạo ra một bộ ba video được thiết kế đặc
biệt để giúp bạn nhổ tận gốc và làm tan rã những niềm tin đó. Hãy xem những
video này và áp dụng chúng vào đúng trải nghiệm ghen tuông hay đố kỵ mà bạn
đang gặp phải:
1. Làm thế nào để
tìm ra một niềm tin cốt lõi (Teal Swan
Transcripts 174)
2. Ý nghĩa – Nút
tự hủy của bản thân (Teal Swan
Transcripts 184)
3. Làm thế nào để
thay đổi một niềm tin (Teal Swan
Transcripts 021)
Cảm xúc của bạn luôn
là phản ánh hoàn hảo của những gì bạn đang nghĩ, dù bạn có ý thức được mình
đang nghĩ gì hay không. Vì vậy, chưa bao giờ có gì sai với cách bạn cảm thấy cả.
Bước
4:
Ghen tuông và đố kỵ luôn đi cùng với lòng tự trọng thấp, giống như bơ đậu phộng
và mứt vậy. Chúng luôn đi thành cặp, đặc biệt nếu bạn trải qua cảm giác ghen
hay đố kỵ một cách kéo dài và thường xuyên. Đây là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc
bạn cần làm việc với lòng tự trọng của mình.
Mà lòng tự trọng
thì luôn đi đôi với tình yêu bản thân. Tình yêu bản thân sẽ dẫn đến mức độ tự
trọng cao hơn. Vậy nên đã đến lúc bạn bắt đầu yêu chính mình.
May mắn thay,
vài năm trước tôi đã quá bực khi nghe người ta nói với nhau: “Bạn phải yêu
chính mình,” nhưng lại chẳng ai chỉ cách làm sao để yêu bản thân cả. Nên tôi đã
quyết định viết một cuốn sách về chủ đề đó, một cuốn hướng dẫn thực sự.
Cuốn sách có tên
là: “Bóng Tối Trước Bình Minh” (Có bản dịch
trên blog): Tìm ra ánh sáng của tình yêu bản thân trong những thời điểm tăm
tối nhất. Tôi rất khuyến khích bạn nên đọc cuốn này nếu bạn là người thường
xuyên vật lộn với ghen tuông và đố kỵ. Bạn có thể tìm thấy nó ở bất cứ nơi nào
bán sách.
Bước
5:
Nếu ghen tuông, đố kỵ và lòng tự trọng thấp là bơ đậu phộng và mứt, thì sự xấu
hổ chính là lát bánh mì gắn kết tất cả lại với nhau.
Vì lý do đó, nếu
bạn đang vật lộn với ghen tuông và đố kỵ, điều vô cùng quan trọng là bạn nên
xem video của tôi trên YouTube: “Làm Sao Để Vượt Qua Sự Xấu Hổ” (Teal Swan Transcripts 167).
Bước
6:
Ghen tuông và đố kỵ phát sinh từ lối suy nghĩ so sánh.
Trước tiên, cần
hiểu rằng bản chất của so sánh không sai. Trên thực tế, khi nó nằm trong phạm
vi cạnh tranh lành mạnh, suy nghĩ so sánh có thể mang lại lợi ích, giúp ta phát
triển và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Nhưng có những lúc, so
sánh không gì khác hơn ngoài hành vi tự hành hạ bản thân. Và đó chính là trường
hợp nếu bạn đang cảm thấy ghen tuông hoặc đố kỵ. So sánh lúc này là bất công.
Bạn đang so sánh
những điều tồi tệ nhất bạn biết về bản thân với những điều tốt đẹp nhất mà bạn
tưởng tượng ra ở người khác. Nếu đây là một cuộc thi, thì bạn thậm chí đứng về
phía họ chứ không phải chính mình. Còn nữa, bạn không đến đây để trở thành “tốt
nhất” khi so với người khác. Nếu đó thực sự là mục đích của cuộc đời, thì Thượng
Đế hay Nguồn sẽ chỉ cần tạo ra một bản sao hoàn hảo nhất mà thôi. Chúng ta đến
đây để là những biểu hiện độc đáo của Ý thức Nguồn.
Và khi bạn so
sánh bản thân với người khác, tức là bạn đang phủ nhận sự độc đáo của chính mình.
Bạn đang tập trung vào những gì người khác có, thay vì những gì bạn có, và vì vậy
bạn sẽ không thể nhìn thấy giá trị của chính mình.
Michelangelo từng
nói: “Mỗi khối đá đều có một bức tượng ẩn bên trong, và nhiệm vụ của nhà điêu
khắc là khám phá nó.”
Đây chỉ đơn giản
là thiên tài.
Sự đóng góp, mục
đích và giá trị của bạn đối với thế giới này là hoàn toàn độc nhất. Vậy nên hãy
để nó được tồn tại!
Và hãy nhớ rằng,
như bất kỳ nhà trị liệu nào cũng sẽ nói với bạn: Chỉ vì trông người khác có vẻ ổn
bên ngoài, không có nghĩa là cuộc sống bên trong của họ cũng ổn như vậy. Văn
phòng của chúng tôi đầy rẫy những người cố gắng làm ra vẻ như cuộc sống của họ
đang vận hành trơn tru, trong khi thực tế thì nó đang sụp đổ. Vì vậy, mỗi khi bạn
bắt đầu so sánh, hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn không biết điều gì đang thực sự
diễn ra bên trong họ. Bạn không biết họ đang phải đối mặt với khó khăn gì, hay
thậm chí họ có thể đang đố kỵ hoặc ghen tuông với bạn.
Và đây là tin tốt:
Nếu bạn không thể ngừng việc so sánh bản thân với người khác, thì hãy thử chuyển
hướng suy nghĩ so sánh đó trở lại với chính bạn. Hãy so sánh bạn với chính
phiên bản trước đây của mình.
- Trong 5 năm
qua, cuộc sống của bạn đã cải thiện như thế nào?
- Bạn đang làm
điều gì mà trước đây bạn không thể tưởng tượng nổi là mình sẽ làm được?
Bước
7:
Hãy biến lòng biết ơn thành một thực hành tâm linh mới của bạn.
Nghe có vẻ sáo rỗng
đúng không?
Đến lúc này, có
thể bạn đã phát chán khi nghe người ta bảo: “Chỉ cần nghĩ đến những điều bạn biết ơn.”
Nhưng điều quan
trọng là thế này: Lòng biết ơn và sự thiếu thốn không thể cùng tồn tại. Bạn
không thể vừa tập trung vào một điều gì đó bạn trân trọng, vừa nhận ra mình
đang thiếu cái gì đó, cùng lúc.
Vì vậy, càng tập
trung vào những điều bạn trân quý trong cuộc sống hằng ngày, bạn sẽ càng thoát
khỏi ý thức thiếu thốn. Khi bạn nhìn thẳng vào những gì mình đang có, cảm giác
thiếu thốn, bao gồm cả ghen tuông và đố kỵ, sẽ tan biến.
Hãy mang theo một
cuốn sổ biết ơn và ghi lại những điều bạn cảm thấy biết ơn bất cứ khi nào bạn
có thời gian rảnh.
Bạn cũng có thể
chơi một trò nhỏ với chính mình: Trong suốt ngày hôm đó, hãy như thể bạn đang
đi săn kho báu bằng trí óc, tìm kiếm những điều bạn đang trân trọng ngay trong
khoảnh khắc hiện tại của cuộc đời mình.
Ví dụ nhé, giả sử
tôi đang cảm thấy ghen tuông hoặc đố kỵ vào thời điểm này, tôi có thể nhìn
quanh căn phòng nơi tôi đang ngồi và nói:
- “Tôi thích màu
sắc trên bức tranh kia.”
- “Tôi thích cái
sắc đỏ đậm thật sâu và sống động đó.”
- “Tôi thích việc
nhiệt độ trong phòng lúc này đang rất dễ chịu.”
- “Tôi thích sự
thật rằng lúc này, về cơ bản, tôi đang tạo ra công việc cho chính mình. Tôi
không cần phải đi tìm một người chủ khác để tạo ra công việc cho tôi, điều đó
có nghĩa là tôi được tự đặt giờ làm, và cũng có nghĩa là tôi được tự điều chỉnh
thời gian của mình. Đó là một mức độ tự do thật đáng giá.”
Đây là một ví dụ
về cách bạn có thể thực hiện một cuộc “săn kho báu” trong khoảnh khắc hiện tại,
để tìm ra điều gì đó khiến bạn cảm thấy biết ơn.
Bước
8:
Hãy cởi mở với những cảm xúc ghen tuông và đố kỵ, không chỉ với chính mình mà
còn với người khác.
Ghen tuông và đố
kỵ có thể được xem là những khía cạnh bóng tối trong bản thể của bạn. Chúng là
những phần mà hầu hết mọi người cho là không thể chấp nhận, nên thường bị đẩy
xuống tiềm thức. Khi bạn mang những phần đó ra ánh sáng của sự nhận thức, ánh
sáng sẽ thiêu rụi bóng tối, và biến chúng thành một phần của ý thức. Điều này cực
kỳ quý giá khi nói đến ghen tuông và đố kỵ.
Bởi vì khi chúng
không được bạn nhận diện, và không được chia sẻ với người khác, thì ghen tuông
và đố kỵ có thể âm thầm điều khiển bạn làm những điều tồi tệ. Nhưng một khi được
phơi bày dưới ánh sáng ý thức, chúng sẽ mất đi quyền lực. Chúng không còn có thể
giật dây bạn từ sau bức màn như những con rối nữa.
Ghen tuông và đố
kỵ làm tổn thương ta khi ta không đối mặt trực tiếp, mà thay vào đó lại hành xử
theo những cách kiểm soát hoặc làm tổn thương người khác (hoặc chính bản thân
mình). Bằng cách thành thật nói ra cảm giác đố kỵ hay ghen tuông của mình, bạn
cũng đồng thời tạo điều kiện cho người khác giúp bạn thay đổi góc nhìn, vốn thường
rất đau đớn và hạn hẹp.
Bước
9:
Khi bạn cảm thấy ghen tuông hay đố kỵ, tôi muốn bạn chuyển sự chú ý sang việc bạn
có thể cho đi điều gì đó cho người khác. Hãy dồn toàn bộ năng lượng của bạn vào
lòng rộng lượng.
Việc này đòi hỏi
bạn phải tư duy cực kỳ sáng tạo, tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà bạn đang trải qua.
Nhưng vì ghen tuông và đố kỵ là những cảm xúc phát sinh từ sự thiếu thốn, bạn
có thể làm tiêu tan cảm giác thiếu thốn đó ngay lập tức bằng cách cho đi.
Ví dụ:
- Bạn có thể cho
đi tình yêu,
- Cho đi sự quan
tâm,
- Cho đi sự giúp
đỡ,
- Cho đi lời
khen,
- Cho đi tiền bạc,
- Hoặc bất cứ điều
gì bạn có cho ai đó.
Bằng việc này, bạn
thực sự có thể nhận ra giá trị mà mình đang có. Hãy làm điều này vì bạn đang muốn
bước ra khỏi trạng thái ghen tuông và đố kỵ, chứ không phải để mong nhận lại điều
gì đó từ người khác.
Vì rất thường
xuyên, ta cho đi chỉ để được nhận lại. Mà nếu ta làm vậy, ta đang ở trong tâm
thế “lấy”, và đó là rung động của sự thiếu thốn. Mà rung động thiếu thốn thì chỉ
tạo ra nhiều thiếu thốn hơn.
Ngược lại, sự dồi
dào ở bất kỳ hình thức nào cũng giống như không khí. Nếu bạn ngưng thở ra, thì
bạn cũng không thể hít vào. Vì vậy, bằng cách “thở ra”, bằng cách rộng lượng với
người khác, bạn mở ra khả năng đón nhận. Mà một khi bạn có thể nhận vào, bạn sẽ
không còn cảm thấy thiếu thốn nữa.
Nên nếu bạn đang
cảm thấy ghen tuông hay đố kỵ, hãy tự hỏi: “Ngay bây giờ, ở đây, tôi có thể rộng
lượng theo cách nào?”
Và hãy hành động.
Hãy quan sát cảm
xúc của bạn. Quan sát cách mà căng thẳng trong cảm giác ghen tuông hay đố kỵ bắt
đầu tan rã. Thay đổi niềm tin, thay đổi phản ứng, thay đổi hành vi tự hủy,
thông qua việc làm chủ góc nhìn của bạn, chính là chìa khóa để giải phóng chính
mình.
Rồi sẽ đến lúc,
bạn có thể bước ra khỏi một niềm tin hay một cảm xúc như ghen tuông hay đố kỵ
giống như cách bạn thay một bộ quần áo.
Ghen tuông và đố
kỵ không phải là điều để bạn sợ hãi. Chúng tiết lộ cho bạn những nhu cầu và
mong muốn sâu sắc, và từ đó chỉ cho bạn những bước tiếp theo cần đi, để trở về
với bản chất đích thực nhất của bạn.
Khi bạn cảm thấy
ghen tuông hay đố kỵ, rất dễ để rơi vào cảm giác như vũ trụ đang chống lại mình.
Giống như nó đang hành hạ bạn bằng cách đưa ra trước mặt bạn điều gì đó mà bạn
khao khát nhưng không thể có, hoặc đe dọa lấy đi một thứ quý giá mà bạn đang sở
hữu.
Nhưng tôi cam
đoan với bạn, điều đó hoàn toàn không phải là cách mà vũ trụ này vận hành.
Vì sao?
Vì bạn không thể
thực sự khao khát một điều gì đó mà không được định là dành cho bạn. Nếu không
thì điều đó sẽ đi ngược lại với nguyên lý mở rộng của vũ trụ, vốn chính là lý
do vì sao chúng ta đến Trái Đất này.
Bạn đến đây là để
có được những gì bạn mong muốn. Bạn đến đây là để giữ gìn những điều quý giá đối
với bạn.
Chúc bạn có một
tuần thật tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=J8FAoDCmLc4
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.