Teal Swan Transcripts 196
Sự hoài nghi
19-09-2015
Hoài nghi là
thái độ nghi ngờ tính đúng đắn của một điều gì đó. Một người hoài nghi sẽ lập
luận rằng hoài nghi là một trạng thái ý thức siêu việt bởi vì theo họ, đó là sự
đình chỉ phán xét và do đó là sự sẵn lòng chấp nhận sự không chắc chắn. Tuy
nhiên, rung động thực sự của trạng thái hoài nghi thì lại không hề giống như trạng
thái không phán xét hay đình chỉ phán xét. Nó cũng chẳng phải là sự sẵn lòng chấp
nhận sự không chắc chắn. Rất dễ để nghĩ rằng hoài nghi là một điều lành mạnh,
nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Không có thứ gọi
là “sự hoài nghi lành mạnh”. Nếu bạn muốn cảm nhận rõ sự không lành mạnh của
hoài nghi, hãy thử đọc phần bình luận hoài nghi bên dưới video này. Tôi muốn bạn
cảm nhận xem hoài nghi đã rút cạn năng lượng và làm tê liệt chuyển động tiến về
phía trước như thế nào. Nó giống như việc tạt nước vào một ngọn lửa.
Niềm tin là trạng
thái của tâm trí trong đó một người cho rằng điều gì đó là đúng, dù có hay
không có bằng chứng thực nghiệm chứng minh một cách chắc chắn rằng điều đó là thật.
Nhìn vào định
nghĩa này, dễ thấy rằng về mặt lý thuyết, hoài nghi đối lập với niềm tin. Nhưng
vấn đề là: bạn không thể thực sự sống trên Trái Đất này mà không có niềm tin.
Tâm trí luôn phán xét và hình thành niềm tin,dù bạn có thích hay nhận thức được
điều đó hay không. Vấn đề thật sự của niềm tin là chúng ta hiếm khi, nếu không
muốn nói là chẳng bao giờ, chất vấn chúng. Trên thực tế, chúng ta vận hành
trong thế giới mà phần lớn không nhận thức được những niềm tin của mình là gì.
Những niềm tin này trở thành bộ lọc mà qua đó bạn nhìn nhận cuộc sống, và là nền
tảng để hiện thực hình thành xung quanh bạn. Vậy nên, một người hoài nghi không
thực sự đình chỉ niềm tin. Thay vào đó, họ có một niềm tin mãnh liệt vào sự
nghi ngờ.
Thực tại của bạn,
vốn là hệ quả của niềm tin, sẽ không dễ chịu chút nào nếu niềm tin bạn vận hành
theo là sự hoài nghi. Rung động thực sự của sự nghi ngờ không hề giống với sự
không chắc chắn chân thật. Thay vào đó, nó giống như sự phủ nhận. Nghi ngờ là
cho rằng một điều gì đó là khó xảy ra. Mà khi cho rằng một điều gì đó khó xảy
ra, bạn đang hành xử như thể bạn biết rõ điều đó. Bạn đang giả vờ biết một điều
mà bạn không hề biết. Bạn đang cố mang lại cảm giác chắc chắn trong một vũ trụ
vốn đầy bất định. Vì lý do đó, sự nghi ngờ thực chất là mặt đối lập của đức
tin. Nghi ngờ cũng là một hình thức khác của đức tin, nhưng là đức tin vào điều
tiêu cực thay vì điều tích cực. Giống như mặt tối của đức tin, việc cho rằng một
điều gì đó khó xảy ra, tức là nghi ngờ, cũng là hành xử như thể bạn biết điều
gì đó. Con người dùng sự nghi ngờ để có cảm giác chắc chắn và đóng khung nhận
thức, cũng giống như người khác dùng đức tin để có cảm giác chắc chắn và khép lại
nhận thức của mình.
Đức tin đi đôi với
niềm tin. Có đức tin vào điều gì đó là có sự tự tin hoặc sự tin tưởng rằng điều
đó là đúng, ngay cả khi không có bằng chứng hậu thuẫn. Nếu bạn là người hay
nghi ngờ, thì bạn có một năng lực đức tin rất lớn. Điểm khác biệt duy nhất giữa
bạn và một người đầy đức tin là bạn có sự tin tưởng vô biên vào điều tiêu cực
thay vì tích cực. Giống như đức tin, nghi ngờ là chiếc cầu nối giữa tư duy và
niềm tin. Tốt nhất, bạn nên đốt cháy chiếc cầu này, nếu nó không phục vụ bạn. Ý
tôi là, tốt nhất nên phá bỏ chiếc cầu nếu nó kết nối một suy nghĩ bạn đang có với
một niềm tin không mang lại lợi ích gì cho bạn.
Chúng ta chỉ nên
giữ lại chiếc cầu này nếu nó kết nối một tư tưởng và một niềm tin có lợi cho
ta. Thời điểm chúng ta bắt đầu cảm thấy đau đớn là khi ta xây dựng cây cầu nghi
ngờ giữa những suy nghĩ khiến ta cảm thấy tốt và những điều ta mong muốn tin
vào. Để hiểu thêm về đức tin, tôi muốn bạn xem video trên YouTube của tôi có tựa
đề “Đức Tin” (Teal Swan Transcripts 117).
Bản ngã luôn tìm
cách định nghĩa chính nó thông qua tính nhị nguyên. Đó là lý do vì sao bản ngã
cần phải là người tốt. Bản ngã cần được minh oan. Bản ngã cần được coi là vượt
trội. Và quan trọng nhất, bản ngã cần được xác thực và đúng đắn. Rất dễ để nghĩ
rằng hoài nghi là sự vắng mặt của bản ngã. Nhưng thật ra, hoài nghi là nỗ lực
được ngụy trang của bản ngã nhằm trở nên vượt trội và đúng. Người hoài nghi
đang ở trong trạng thái tự cho mình là đúng. Khi phủ nhận một điều gì đó, bản
ngã lập tức được đặt vào vị trí của sự đúng đắn.
Hoài nghi cũng
là cách bản ngã tìm kiếm sự an toàn. Vậy làm sao một người có thể cảm thấy an
toàn hơn bằng cách hoài nghi? Rất đơn giản. Bạn sẽ tránh được nỗi đau của sự thất
vọng. Có rất ít điều khiến người ta đau hơn việc mất niềm tin, hay cảm giác
không được thỏa mãn bởi những mong muốn hoặc kỳ vọng tích cực, hay bị phủ nhận những
niềm tin tích cực của mình. Nó giống như rơi từ độ cao lớn xuống mặt đất. Vậy
nên, ta tự bảo vệ mình bằng cách không leo lên, để không bao giờ phải cảm thấy
cú ngã nữa. Có niềm tin vào điều tiêu cực giúp ta tránh thất vọng.
Bạn sẽ không bao
giờ gặp một người hoài nghi nào mà không từng chịu tổn thương sâu sắc bởi sự thất
vọng, và không cảm thấy rằng sự thật, dù tàn nhẫn, cũng là một dạng an toàn.
Nhưng quan trọng là hiểu rằng: tin mù quáng vào điều gì đó cũng không lành mạnh.
Thật ra, kiểu lạc quan đó chỉ là một sự trốn tránh. Và nó là một trạng thái
hoàn toàn ngu muội. Chúng ta đều biết ngu muội sẽ dẫn tới đâu, nó dẫn đến vô
vàn kết cục tiêu cực. Nó thực chất là một trạng thái kháng cự. Vậy nên tôi
không cố gắng thuyết phục bạn rằng sự lạc quan tuyệt đối và tư duy tích cực tuyệt
đối luôn luôn phù hợp. Không phải lúc nào cũng như vậy. Nhưng nếu bạn đang ở
trong trạng thái hoài nghi, thì đã đến lúc cần cân nhắc rằng có thể sự tập
trung vào mặt tích cực, sự lạc quan, thực sự sẽ phục vụ cuộc sống của bạn tốt
hơn so với sự hoài nghi mà bạn đang mang theo hôm nay. Bạn không cần phải trở
thành người hoài nghi, cũng không cần phải là một người tin mù quáng.
Mục tiêu là phát
triển một tâm trí rộng mở. Tâm trí rộng mở được xây dựng trên nền tảng của sự
chất vấn. Và giữa nghi ngờ và chất vấn, có một sự khác biệt rất lớn. Một bên là
trạng thái kháng cự (nghi ngờ), bên kia là trạng thái cởi mở (chất vấn). Cởi mở
với những chân lý mới. Nghi ngờ khiến đà phát triển bị dừng lại. Chất vấn lại
thúc đẩy sự tiến hóa, đặc biệt là sự phát triển của tư duy. Chất vấn cho phép sự
thật được tự nhiên bộc lộ. Và vì nó không mang tính phủ nhận như hoài nghi, nên
nó không tạo cảm giác tồi tệ cho người hỏi hay đối tượng bị hỏi. Con người
không ngu ngốc. Chúng ta có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa việc bị nghi ngờ
và bị chất vấn. Và có một khác biệt cực kỳ lớn giữa việc phủ nhận điều gì đó và
việc đặt câu hỏi về tính xác thực của điều đó.
Đây là hai trạng
thái rung động hoàn toàn khác nhau. Một sẽ gặp phải sự kháng cự. Còn một sẽ được
đón nhận. Vậy nên, tốt nhất là chúng ta hãy nuôi dưỡng một thái độ tò mò. Sẽ có
những thời điểm mà ta đơn giản là không biết. Vào những lúc như vậy, tôi muốn bạn
hãy cân nhắc việc giữ lấy một niềm tin nào đó mang lại lợi ích cho bạn, bất kể
bạn có chắc chắn rằng nó là thật hay không. Tôi muốn bạn tiếp cận các niềm tin
của mình bằng sự mềm mại. Hãy nắm giữ chúng giống như cách bạn giữ một con chim
non, đừng siết chặt đến mức làm gãy cánh nó, nhưng cũng đừng quá lỏng để nó
rơi, hãy nắm giữ đủ nhẹ để nếu nó cần bay đi vì điều thiện cao nhất, thì nó có
thể bay.
Nếu bạn đang là
người hoài nghi, thì đã đến lúc bạn phải hiện diện một cách sâu sắc và ý thức về
nỗi đau trong cuộc đời mình. Hoài nghi và yếm thế thường đi đôi. Chúng như hai
anh em sinh đôi cùng nhau đi khắp nơi. Tôi muốn bạn suy xét đến thực tế rằng:
không có đứa bé hay đứa trẻ nào trên Trái Đất này sinh ra với trạng thái hoài
nghi hay bi quan. Điều đó có nghĩa là gì? Có nghĩa là chấn thương cảm xúc là thứ
đã khiến chúng ta trở nên như vậy. Vậy nên, hãy tự hỏi hai câu này:
1. Khi nào tôi bắt
đầu trở nên hoài nghi hoặc bi quan?
2. Sự hoài nghi
đang bảo vệ tôi khỏi điều gì?
Trong khoảnh khắc
bạn cảm thấy hoài nghi, hãy tự hỏi: “Thật ra, tôi đang sợ điều gì và đang kháng
cự điều gì trong tình huống này?”
Hãy để lòng trắc
ẩn và sự thấu hiểu yêu thương bước vào không gian ấy, nơi phần bên trong bạn đã
chấp nhận thái độ cứng nhắc của sự nghi ngờ để tự bảo vệ mình khỏi những điều
đó.
Ví dụ, giả sử
tôi nghi ngờ một người có đúng là người như họ nói không. Nếu tôi thật sự chất
vấn bản thân về nỗi sợ trong tình huống này, tôi có thể phát hiện ra rằng tôi sợ
bị lừa. Việc tôi thiếu sự tin tưởng vào chính mình khiến tôi luôn sợ rằng ai đó
có thể dẫn tôi đi sai đường. Nhân đây, cần phải nói rằng không có người hoài
nghi nào thực sự tin tưởng chính mình. Vậy nên, nếu bạn là người hoài nghi, tôi
khuyến khích bạn xem video của tôi trên YouTube có tựa đề “Làm Thế Nào Để Tin
Vào Chính Mình” (Teal Swan Transcripts 128).
Hoài nghi phần lớn
là về việc cố gắng giữ an toàn. Vì lý do này, để vượt qua sự hoài nghi, bạn
cũng phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Chúng ta phải
làm điều đó trên cấp độ cảm xúc, và đặc biệt là cấp độ tư duy. Để vượt qua hoài
nghi, bạn cần cân nhắc những ý tưởng hoàn toàn mới, những ý tưởng mà tâm trí bạn
muốn gạt bỏ để tạo ra sự chốt lại tư duy và cảm giác chắc chắn. Hoài nghi là một
chiếc mặt nạ tuyệt vời của nỗi sợ. Và như tôi đã nói từ đầu, nó không phải là một
trạng thái của sự không chắc chắn. Nó là một trạng thái của sự chắc chắn tiêu cực.
Vì vậy, ôm lấy sự không chắc chắn chính là con đường chữa lành. Để hiểu thêm về
sự không chắc chắn và cách đối diện với nó, hãy xem video của tôi trên YouTube
có tên “Sự Không Chắc Chắn – Làm Thế Nào Để Đối Diện” (Teal Swan Transcripts 169).
Và khi bạn đối
diện với những ý tưởng mà bạn thường sẽ hoài nghi hoặc phủ nhận bằng thái độ
hoài nghi của mình, thì thay vào đó, tôi muốn bạn xem xét tính xác thực của
quan điểm hoặc ý tưởng đó. Tôi muốn bạn nghĩ đến điều này: “Điều gì sẽ xảy ra nếu...”.
Đây giống như việc thật sự thử một ý tưởng hay góc nhìn như bạn đang thử một
chiếc quần trong cửa hàng vậy. Bạn không cần phải sợ việc thử nghiệm những niềm
tin và ý tưởng mới như thể chúng là sự thật. Nếu nó không phù hợp hay không
mang lại điều gì có ích cho bạn, bạn luôn có thể cởi bỏ nó ra.
Nếu bạn là người
hoài nghi, đã đến lúc nhận ra rằng rung động mà bạn đang ở trong không phải là
rung động của sự cởi mở hay trung lập, cũng không khác gì người dùng sự lạc
quan mù quáng để trốn tránh những sự thật khó đối diện. Thay vào đó, bạn đang sống
trong một trạng thái mất lòng tin thường trực và bạn đã quyết định rằng một cái
nhìn tiêu cực sẽ phục vụ bạn tốt hơn là một cái nhìn tích cực. Hãy tự hỏi vì
sao lại như vậy. Một cách tiếp cận tiêu cực với cuộc sống giúp bạn tránh được một
số loại đau, đặc biệt là nỗi đau khi mất đi điều gì đó tích cực, nhưng nó làm
được điều đó bằng cách giữ bạn trong trạng thái đau. Tư duy tích cực không cần
phải là một kiểu lạc quan ngu ngơ. Nó có thể là một cam kết có chủ đích để tạo
nên cuộc sống của bạn. Và nó có thể xuất phát từ sự hiểu rằng: một niềm tin chỉ
có giá trị nếu nó mang lại điều gì đó có ích.
Vậy nên, câu hỏi
dành cho bạn hôm nay là: Những suy nghĩ và niềm tin đau đớn của bạn thực sự
đang mang lại điều gì cho bạn?
Hãy chất vấn những
niềm tin của bạn, đặc biệt là những niềm tin gây đau đớn. Nhưng bạn đã sẵn sàng
cho “nước đi cuối cùng” chưa? Nếu bạn là một người hoài nghi, bạn sẽ thích điều
này.
Nước đi tối thượng
là đây: Nếu hiện tại bạn là người có xu hướng hoài nghi, bạn hoàn toàn có thể biến
chính sự hoài nghi đó thành lợi thế cho bản thân. Hãy dùng nó theo hướng tích cực,
bằng cách dùng chính sự hoài nghi đó để tháo dỡ những niềm tin hạn chế và vô
ích của bạn. Hãy quay nó ngược lại với những gì không còn phục vụ bạn nữa.
Mỗi người bạn gặp
trên đường đều biết một điều gì đó mà bạn không biết. Điều đó thật tuyệt. Nó mở
ra cho ta một nhận thức rằng chúng ta đang sống trong một thế giới luôn có thể
khiến ta kinh ngạc. Chúng ta luôn sống trong một thế giới mà chân lý sẽ liên tục
và dần dần được hé lộ với ta. Hãy mở lòng để cảm thấy hứng thú với điều đó thay
vì cảm thấy bị đe dọa bởi nó.
Hôm nay bạn cần
học gì?
Hôm nay có chân
lý mới nào có thể mang lại lợi ích cho bạn?
Tôi muốn bạn tiếp
cận thế giới với mức độ tò mò này. Và nếu bạn sống với mức độ tò mò cùng sự cởi
mở với các chân lý mới như vậy, thì cuộc sống của bạn sẽ đầy phép màu, bí ẩn và
phiêu lưu.
Trạng thái hoài
nghi là trạng thái của một tâm trí đóng kín và một trái tim khép lại, đầy đau đớn.
Cuộc sống của ta là kết quả của niềm tin. Nếu niềm tin của ta mang hình dạng của
sự hoài nghi, ta đang giới hạn chính mình, giới hạn người khác, và giới hạn cả
vũ trụ. Nếu ta sống trong trạng thái hoài nghi, ta sẽ không thể nào trải nghiệm
được bất kỳ điều kỳ diệu nào. Ta không thể trải nghiệm điều gì mà ta không tin
vào. Đó là một quy luật tuyệt đối của sự tồn tại trong thực tại không-thời gian
này.
Và điều đó thật
đau đớn, bởi vì nó có nghĩa là cõi nhiệm màu và huyền bí đang thực sự bị khép lại
trước nhận thức của bạn.
Vậy nên, thách
thức tôi dành cho bạn là: Hãy chấp nhận thái độ tò mò. Hãy chấp nhận câu hỏi
“Điều gì sẽ xảy ra nếu...”
Hãy bước ra khỏi
vùng an toàn đủ để cân nhắc và quan sát xem thế giới sẽ hé lộ điều gì cho bạn.
Và chúc bạn một
tuần thật tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=s_lZ2ezTXyY
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.