Teal Swan Transcripts 177 - CHỈ TRÍCH (Cách đưa và nhận phản hồi)

 

Teal Swan Transcripts 177


CHỈ TRÍCH (Cách đưa và nhận phản hồi)

 

09-05-2015




Hôm nay, tôi sẽ nói với bạn về sự chỉ trích. Bởi vì thành thật mà nói, đây là một trong những khía cạnh đau đớn nhất trong các mối quan hệ của chúng ta.

 

Chỉ trích thực chất là gì?

 

Chỉ trích là hành động phân tích hoặc đánh giá điểm mạnh hay điểm yếu của một điều gì đó hoặc một ai đó. Chỉ trích tiêu cực, thứ mà chúng ta sẽ tập trung trong video này, là khi ta phê bình một điều gì đó mà ta không tán thành, dựa trên những sai sót hay lỗi lầm mà ta nhận thấy trong nó. Có rất nhiều vùng “xám xịt” xoay quanh việc chỉ trích, đặc biệt là do khái niệm “chỉ trích mang tính xây dựng”.

 

Tôi sẽ giúp bạn làm sáng tỏ sự rối rắm này một cách thật đơn giản: Chỉ trích mang tính xây dựng không tồn tại.

 

Hãy gạt bỏ hoàn toàn khái niệm đó. Và tôi muốn bạn nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ phản hồi. Việc đưa ra phản hồi, tức là chia sẻ quan điểm của bạn với ai đó, thật ra sẽ rơi vào một trong hai nhóm chính:

 

1. Nhóm đầu tiên là chỉ trích (bạn đã quá quen với điều này).

2. Nhóm thứ hai là chia sẻ quan điểm, trải nghiệm, hoặc góc nhìn của bạn.

 

Chỉ trích làm lung lay cảm nhận về giá trị của bản thân chúng ta. Và khi cảm nhận ấy bị đe dọa, một phần trong não bộ, nơi gắn liền với sự sống còn trong xã hội, sẽ bị kích hoạt. Chỉ trích có thể khiến ta cảm thấy như bị đe dọa đến sự sống còn.

 

Tuy nhiên, chúng ta cần phản hồi. Sự phát triển và mở rộng nhận thức của chúng ta phụ thuộc vào điều đó.

 

Việc đưa ra chỉ trích rất khác với việc chia sẻ chân thành góc nhìn của bạn, đặc biệt là bởi vì khi bạn đang trong trạng thái “chỉ trích”, thì bạn không hề quan tâm đến cảm nhận của người đang nhận thông tin đó. Nói cách khác, bạn chẳng mảy may để ý xem người kia có sẵn lòng tiếp nhận hay không. Chỉ trích thường xảy ra khi ta đang ở trong trạng thái phản ứng, và khi ta phản ứng, tức là ta đang phòng thủ, ta đang cảm thấy bị đe dọa theo một cách nào đó.

 

Bạn sẽ thấy rằng việc chỉ trích gần như không liên quan gì đến người bị chỉ trích, mà liên quan gần như hoàn toàn đến người đưa ra sự chỉ trích. Họ đang cố gắng đáp ứng một nhu cầu nào đó của chính họ.

Bất cứ khi nào ta đưa ra phản hồi với mục tiêu là khiến người khác phục vụ nhu cầu của mình tốt hơn, thay vì chú tâm đến nhu cầu của họ, thì phản hồi đó rất ít khi mang lại kết quả mong muốn, mà phần lớn sẽ mang lại kết quả ngược lại.

 

Ví dụ: Một giáo viên dạy múa có thể phê bình bài biểu diễn của một học viên với mục đích giúp học viên đó tiến bộ. Trong trường hợp này, ý kiến đó có thể được xem là có ích nhiều hơn có hại. Tuy nhiên, nếu giáo viên đó chỉ trích phần biểu diễn của học viên với ý định bảo vệ danh tiếng của chính mình khỏi bị bẽ mặt, bằng cách bắt học viên phải tự nhận lỗi trong phần biểu diễn, thì sự chỉ trích đó có thể được xem là gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích.

 

Tôi cần lưu ý một điều quan trọng ở đây. Tôi không nói rằng bạn tuyệt đối không nên chia sẻ quan điểm hoặc ý kiến, trừ khi người kia muốn nghe hoặc bạn hoàn toàn có động cơ vô tư khi chia sẻ.  Trên thực tế, nếu bạn là lãnh đạo của một công ty lớn, bạn hoàn toàn không thể áp dụng cách tiếp cận này với nhân viên của mình.

 

Nhưng chúng ta cần nhận thức đủ rõ rằng mình đang hành động vì lợi ích của chính mình, để từ đó có thể chủ động lựa chọn xem việc chia sẻ quan điểm đó có phù hợp với điều tốt đẹp nhất trong hoàn cảnh mà ta đang đối mặt hay không. Và nếu câu trả lời là “có”, thì làm thế nào để truyền đạt ý kiến đó, vốn xuất phát từ lợi ích cá nhân của mình và không được yêu cầu, một cách khôn ngoan và ý thức.

 

Ý định là tất cả khi nói đến việc chia sẻ quan điểm hoặc chỉ trích. Chúng ta cần thành thật tự hỏi mình: Tại sao tôi lại cảm thấy cần chia sẻ điều này? - Và phải cực kỳ thành thật với chính mình về câu trả lời. Ngay cả khi chúng ta có ý định tốt khi chia sẻ góc nhìn của mình, chúng ta cũng cần thành thật với chính mình rằng điều đó đang thực sự giúp người kia, hay đang gây hại nhiều hơn là mang lại lợi ích.

 

Bạn chắc hẳn đã từng nghe câu: “Con đường xuống địa ngục được lát bằng những ý định tốt.” Khi nói đến chỉ trích, điều này phần lớn là đúng.

 

Tôi sẽ giúp bạn hiểu sự khác biệt then chốt về mặt năng lượng giữa việc chỉ trích và việc chia sẻ góc nhìn chân thật như sau: Chỉ trích là cố gắng đẩy một điều gì đó ra xa khỏi ai đó.

 

Đó là lý do vì sao nó mang lại cảm giác chống đối.

 

Trong ví dụ trước, cô giáo múa đang cố dùng sự chỉ trích để đẩy lùi khả năng bị bẽ mặt hoặc xấu hổ vì học viên của mình. Ngược lại, việc chia sẻ quan điểm chân thật được thực hiện một cách không gắn chặt với mong muốn cá nhân, bạn đơn giản chỉ đặt một góc nhìn lên bàn như một sự trao tặng. Một sự trao tặng thường là được mời gọi trước.

 

Để có một quan điểm, bạn phải phán xét. Tôi không muốn làm bạn vỡ mộng, nhưng để gọi một cái đồng hồ là “đồng hồ”, là bạn đã phán xét rồi. Bạn vừa giới hạn năng lượng tiềm năng của vật đó chỉ còn là… một cái đồng hồ. Bạn có thể thấy điều này vô lý, nhưng nó vẫn là một sự phán xét.

 

Vậy thì những phán xét nào là những thứ chúng ta nên vượt qua, và những phán xét nào thì nên giữ lại?

 

Phán xét giống như bất kỳ công cụ cơ bản nào, nó có thể giúp bạn trong một số tình huống, và cũng có thể làm bạn tổn thương trong những tình huống khác.

Một ý kiến cũng chính là một sự phán xét. Bạn không thể có ý kiến mà không phán xét. Vì vậy, chúc bạn may mắn nếu bạn muốn sống trên hành tinh này mà không có ý kiến gì cả, bởi tôi chưa từng gặp ai làm được điều đó.

 

Nhiều người trong giới tâm linh sẽ bảo bạn đừng phán xét.

 

“Đừng phán xét nữa.”

 

Tôi không nghĩ điều đó thực tế chút nào. Bởi tôi chưa từng gặp ai có khả năng làm điều đó.

 

Nhưng điều chúng ta có thể làm là nhận ra và thay đổi những phán xét đang gây đau khổ cho mình, đó là những phán xét cố gắng đẩy điều gì đó ra khỏi ta, đồng thời rèn luyện khả năng linh hoạt trong góc nhìn.

 

Điều ta cần hiểu về chỉ trích thực sự, đó là: Người đưa ra chỉ trích cũng đau đớn không kém người bị chỉ trích.

 

Bởi vì khi bạn chỉ trích, bạn phải hòa vào tần số của chính sự chỉ trích đó. Thế nên, cả người bị chỉ trích lẫn người chỉ trích đều đang ở cùng một tầng rung động, và đang kìm hãm chính mình trong một trạng thái năng lượng nghẹt thở. Đây là điều xảy ra khi ta cố đẩy bất kỳ điều gì ra xa khỏi mình trong một vũ trụ vận hành theo luật hấp dẫn.

 

Bất kỳ điều gì ta cố gắng đẩy ra xa, ta chỉ khiến mình trở thành sự tương thích lớn hơn với điều đó, bởi ta đã gồm nó trong tần số rung động của mình.

 

Đây là lý do chính mà những người tin mạnh mẽ vào luật hấp dẫn và quan niệm rằng tâm trí tạo ra thực tại thường sẽ nói với bạn rằng: “Đừng bao giờ chỉ trích ai.”

 

Đừng chăm chăm nhìn vào khía cạnh tiêu cực của ai đó và để sự chú ý của bạn dừng lại ở đó quá lâu. Hoặc nếu có nhìn, hãy dùng nó như bàn đạp để hướng sự tập trung của bạn vào điều tích cực hoặc mong muốn.

 

Nhiều giáo lý tâm linh sẽ nói kiểu như: “Nếu bạn không có điều gì tốt đẹp để nói, thì đừng nói gì cả.”

 

Theo tôi, câu này không thực tế cũng chẳng hữu ích. Nó đang bịt miệng một phần bên trong bạn, phần đang rất cần được bạn chú ý và chăm sóc. Nhận thức về những phán xét bên trong mình chính là cách mở cánh cửa dẫn đến sự trưởng thành. Và chia sẻ chân thành góc nhìn hoặc trải nghiệm của bạn, ngay cả khi nó không tích cực, sẽ mang lại cho người khác cơ hội để phát triển.

 

Điều mấu chốt nằm ở: Mức độ nhận thức của bạn về những phán xét mà bạn đang mang trong lòng.

 

Nó không thực sự quan trọng liệu bạn có thể ngừng hoàn toàn việc phán xét hay không. Tôi chưa từng gặp ai làm được điều đó cả. Nhưng sự khác biệt giữa một người đau khổ vì những phán xét của mình và một người không đau khổ, là người không đau khổ ý thức được những phán xét đó và sử dụng sự ý thức ấy để phát triển.

 

Những người thường xuyên vật lộn khi bị chỉ trích thường gặp khó khăn lớn với việc yêu bản thân và cảm nhận giá trị bản thân. Vũ trụ về cơ bản đang phản chiếu lại cho họ thấy mức độ tự chỉ trích cao đang tồn tại trong tâm trí và trái tim họ.

 

Vì lý do này, nếu bạn thường thấy mình bị ảnh hưởng bởi những lời chỉ trích, tôi muốn bạn xem các video YouTube của tôi có tiêu đề:

 

- Làm thế nào để tôi khám phá ra giá trị bản thân? (Teal Swan Transcripts 018)

- Yêu bản thân - Con đường tắt vĩ đại dẫn đến sự giác ngộ ((Teal Swan Transcripts 058)

Bạn cũng có thể đọc quyển sách tôi viết: Bóng tối trước bình minh (Tìm thấy ánh sáng của tình yêu bản thân trong thời kỳ đen tối nhất của bạn) (Có bản dịch tiếng Việt trên blog)

 

Những người thường xuyên chỉ trích, và vâng, chúng ta đều biết mình là ai, thôi thì thừa nhận luôn đi, thường đang sống trong nỗi sợ hãi kéo dài. Chúng ta chỉ trở nên chỉ trích khi sợ rằng mình sẽ bị ảnh hưởng bởi điều gì đó.

 

Chỉ trích là một lời kêu cứu được ngụy trang. Nó là một lời kêu cứu ngầm mang nội dung như sau:

 

“Tôi cảm thấy bất lực trước người khác, và vì vậy tôi không thể tin rằng mình có thể khiến bản thân cảm thấy tốt hơn, đặc biệt là cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc. Vì thế, tôi cần bạn sửa lại điều này, thứ đang đe dọa sẽ khiến tôi đau khổ, để tôi không phải chịu đựng nỗi đau đó.”

 

Nếu bạn có xu hướng hay chỉ trích, bạn cần tự hỏi hai câu sau:

 

1. Tôi đang sợ điều gì đến vậy?

2. Tôi muốn điều gì xảy ra từ việc chỉ trích này?

 

Chúng ta sẽ không bao giờ chỉ trích nếu không có điều gì đó mà chúng ta muốn đạt được. Vì vậy, bạn sẽ thấy rằng chỉ trích thực chất là một cách thao túng để đạt được thứ mà ta nghĩ mình cần. Chúng ta đang đi đường vòng thay vì con đường thẳng. Điều ta cần học là yêu cầu trực tiếp điều ta cần, thay vì chỉ trích người khác để họ đáp ứng nhu cầu đó cho ta.

 

Vì lý do đó, tôi khuyên bạn nên xem video YouTube của tôi có tiêu đề “Đáp ứng nhu cầu của bạn!” (Teal Swan Transcripts 173)

 

Ngoài ra, nhiều người hay chỉ trích cũng thường phủ nhận cảm xúc thật và nhu cầu thật của mình. Họ thường viện lý do và biện minh. Chính vì thế, họ bỏ lỡ cơ hội nhận ra rằng phía dưới mỗi lời phán xét họ đưa ra thường có một niềm tin cốt lõi đang điều khiển hành động của họ. Vì vậy, điều ta cần làm là thực hành truy ngược từ lời phán xét đến niềm tin cốt lõi phía sau nó.

 

Vì lý do này, tôi muốn bạn xem video YouTube của tôi có tiêu đề “Cách Tìm Ra Niềm Tin Cốt Lõi” (Teal Swan Transcripts 174)

 

Khi ta chỉ trích như một cách để thỏa mãn nhu cầu, ta ngụy trang sự chỉ trích dưới vỏ bọc “giúp đỡ”. Rồi ta lại nổi giận khi người khác không tiếp nhận “sự giúp đỡ” đó. Khái niệm “chỉ trích mang tính xây dựng” đã cho phép ta làm vậy trong nhiều năm trời.

 

Ví dụ: Ta có thể có nhu cầu muốn cảm thấy tốt về bản thân mình, và ta đạt được điều đó một cách gián tiếp bằng cách giảm giá trị người khác qua sự chỉ trích, rồi gọi đó là “giúp đỡ”. Nhưng thật ra, đó chỉ là ta đang cố gắng đáp ứng nhu cầu của chính mình thông qua việc chỉ trích.

 

Ví dụ cụ thể hơn: Một người mẹ có thể chỉ trích con gái mình vì mập, mà không nhận ra rằng thật ra bà đang hy vọng con gái bắt đầu tập thể dục và giảm cân để bà cảm thấy mình là một người mẹ tốt. Bà có thể nói đây là “chỉ trích mang tính xây dựng”, vì “tốt cho con”, nhưng thực chất, bà chỉ đang cố thỏa mãn nhu cầu được người khác công nhận của chính mình.

 

Hãy cẩn trọng với những lời biện hộ đằng sau khái niệm “chỉ trích mang tính xây dựng”.

 

Một khi bạn cảm thấy mình đã nhận được “đèn xanh” để chia sẻ góc nhìn chân thật, cách bạn truyền đạt nó là điều tối quan trọng. Bởi nếu người kia đang cảm thấy họ phải tự bảo vệ giá trị bản thân mình, thì bạn có thể chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp nhận.

 

Hầu hết những người thấy rằng góc nhìn của họ không được người khác đón nhận thường gặp vấn đề ở chỗ họ không xây dựng sự kết nối với người kia trước khi chia sẻ. Không có dấu hiệu nào cho thấy họ thực sự quan tâm đến người bị chỉ trích. Lời nói quá thô, quá phán xét, quá cứng nhắc.

 

Lòng trắc ẩn và sự thấu cảm hoàn toàn có thể được truyền tải, nếu bạn chịu làm mềm cách thể hiện của mình.

 

Có một vài cách hay để làm điều này, ví dụ: Bạn có thể làm dịu giọng nói của mình. Thay vì nói: “Bạn làm sai hết rồi”, bạn có thể nói: “Bạn có thể cân nhắc thử thay đổi cách tiếp cận này xem sao”.

 

Hoặc thay vì nói: “Bạn đã bỏ sót tất cả các con số tôi cần trên bảng này”, bạn có thể nói: “Tôi để ý thấy có vài số bị thiếu. Bạn có thể cho tôi biết lý do không?”

 

Cách truyền đạt mềm mỏng giúp người khác dễ tiếp nhận hơn rất nhiều. Nếu bạn cảm thấy rằng sự mềm mỏng sẽ làm mất đi tính trung thực thì tôi xin được phản bác. Nó vẫn là sự trung thực. Chỉ khác là sự trung thực ấy được hỗ trợ bởi sự đồng cảm và quan tâm dành cho người đang nghe bạn. Bạn không kìm nén ý kiến của mình, bạn chỉ truyền tải nó theo cách tử tế hơn.

 

Và thực tế là, chúng ta ai cũng muốn người khác quan tâm đến cảm xúc của mình khi họ chia sẻ những điều không mấy dễ chịu, vậy thì chúng ta cũng nên nói với người khác theo cách mà ta muốn được nói chuyện.

 

Tất nhiên, hãy nhớ rằng mỗi người có một mức độ nhạy cảm khác nhau. Bạn có thể đã nghe qua kỹ thuật biến các câu thành câu “tôi”. Bạn đã nghe rồi, vì nó hiệu quả.

 

Ví dụ, thay vì nói: “Bạn thật lười biếng” – đó là một lời phán xét – bạn có thể nói: “Tôi cảm thấy như bạn đang cư xử lười biếng.” Câu “tôi” khiến bạn phải chịu trách nhiệm cho cảm xúc, quan điểm và phán xét của chính mình. Khi bạn làm vậy, người khác sẽ bớt cảm thấy bị tấn công.

 

Một công cụ khác rất hay là liên hệ cá nhân khi bạn chia sẻ một ý kiến không mấy tích cực. Bạn có thể kể một tình huống mà bạn từng rơi vào hoàn cảnh tương tự như người đó.

 

Ví dụ, nếu bạn phải nói với ai đó rằng họ đang mắc sai lầm, bạn có thể kể thêm về một lần bạn cũng từng phạm cùng lỗi đó. Như vậy, bạn vừa thiết lập sự kết nối, vừa truyền đạt được điều bạn cần nói.

 

Một kỹ thuật khác được dùng nhiều trong quản lý là “chiếc bánh mì kẹp” (sandwiching): bạn đặt lời nhận xét tiêu cực vào giữa hai lời nhận xét tích cực. Cách này thực sự rất hiệu quả.

 

Bất cứ khi nào bạn sắp đưa ra một ý kiến có thể khiến ai đó cảm thấy bị tổn thương hay mất giá trị, một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm là kết thúc bằng một điểm tích cực. Như vậy, người đó sẽ cảm thấy rằng góc nhìn bạn đưa ra mang tính xây dựng, thay vì khiến họ bị lấy mất điều gì đó.

 

Một mẹo nữa: hãy thử kiểm tra lời chỉ trích của mình trên chính bản thân.

 

Nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang đứng trước một người có quan điểm rất quan trọng với bạn. Nếu bạn biết rằng ý kiến của họ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn, và họ đang chuẩn bị nói điều bạn sắp nói, nhưng là về chính bạn, thì họ sẽ nói như thế nào để bạn không cảm thấy bị xúc phạm? Làm sao họ nói để bạn cảm nhận được sự quan tâm, thay vì bị hạ thấp? Khi bạn tìm ra câu trả lời, hãy dùng cách đó để truyền đạt góc nhìn của bạn với người khác.

 

Hãy chú ý đến những lời chỉ trích nội tâm. Tôi nói cho bạn biết, những người thường chỉ trích người khác cũng đang là những “kẻ khủng bố nội tâm” với chính mình. Hãy lắng nghe cái giọng nói trong đầu bạn suốt cả ngày. Nó có khắc nghiệt, chỉ trích, không tha thứ không?

 

Nếu có, hãy nhận diện nỗi đau mà nó gây ra, rồi ý thức gửi đến nó tình yêu và lòng trắc ẩn, bởi đó thực chất là một phần rất sợ hãi bên trong bạn. Khi bạn làm dịu và yêu thương giọng nói đó, bạn cũng sẽ trở nên dịu dàng và yêu thương hơn với người khác.

 

Nếu bạn là một người hay chỉ trích, có khả năng bạn đang đấu tranh rất nhiều với chính tâm trí mình. Bạn có thể cảm thấy như mình đang sống với kẻ thù bên trong. Vì vậy, tôi muốn bạn xem video trên YouTube của tôi có tiêu đề “Tâm trí của bạn là bạn hay thù?” (Teal Swan Transcripts 150)

 

Bước tiếp theo là học cách nhận ra sự tiếp nhận và lời mời từ người khác. Đôi khi điều này rất rõ ràng, ví dụ như bạn bước vào một hoàn cảnh mà bạn được mời đưa ra nhận xét. Nhưng nếu không phải vậy, hãy đảm bảo rằng bạn chọn đúng thời điểm và hoàn cảnh. Ngoài việc người kia nói thẳng rằng họ muốn nghe ý kiến bạn, còn rất nhiều tín hiệu tinh tế khác để bạn cảm nhận xem họ có sẵn sàng tiếp nhận không.

 

Nhưng hãy nhớ rằng rất nhiều người tỏ ra muốn nghe bạn chia sẻ, thực chất chỉ đang “câu lời khen”. Họ không cảm thấy thoải mái khi yêu cầu trực tiếp điều họ cần, nên họ tìm cách thao túng để được đáp ứng.

 

Khi không chắc chắn, hãy hỏi thẳng xem người kia có thật sự muốn nghe góc nhìn của bạn hay không, rồi tôn trọng câu trả lời của họ. Khả năng cao, nếu bạn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng người kia muốn nghe, thì lý do duy nhất khiến bạn muốn nói ra là vì bạn đang cố thỏa mãn một nhu cầu nào đó của bản thân, hoặc vì việc chia sẻ đó mang lại lợi ích cho bạn nhiều hơn là cho họ.

 

Trước khi bạn chia sẻ ý kiến, góc nhìn hay trải nghiệm (đặc biệt nếu là điều tiêu cực), hãy nhớ nguyên tắc cốt lõi: Tìm cách thấu hiểu trước, thay vì cố chứng minh mình đúng. Nếu bạn đã mặc định người kia sai, bạn đã đóng cánh cửa kết nối về mặt năng lượng với họ. Sai lầm phổ biến nhất của chúng ta là cho rằng mình luôn đúng về quan điểm hoặc góc nhìn mà ta muốn chia sẻ.

 

Chúng ta không thể tìm được sự đồng điệu tư tưởng hay kết nối với người khác nếu ta quá cứng nhắc đến mức không chịu hiểu góc nhìn của họ. Sự thật và góc nhìn của chúng ta chỉ là một cách diễn giải. Tất cả góc nhìn đều như vậy.

 

Hãy chia sẻ quan điểm như một khởi đầu cho cuộc thảo luận, chứ không phải kết thúc của nó. Hãy giữ thái độ tò mò, thay vì chắc chắn. Và cũng cần hiểu rằng, rất nhiều lời chỉ trích thực chất là sự phản chiếu. Vì vậy, tôi muốn bạn xem video YouTube của tôi có tiêu đề: “Sự phóng chiếu” (Teal Swan Transcripts 154).

 

Chia sẻ một góc nhìn có thể là điều khiến ai đó bị giam cầm, hoặc là điều giải phóng họ. Nó cũng có thể khiến chính bạn bị mắc kẹt, hoặc được giải thoát. Và đây không phải là một khoa học chính xác.

 

Hãy luôn mở lòng tự hỏi liệu điều bạn sắp chia sẻ có thực sự phù hợp hay không. Và hãy biết rằng sự phản ứng mạnh mẽ khiến ta rơi vào trạng thái chỉ trích thường là hệ quả của những tổn thương chưa được chữa lành. Nó phản ánh nỗi đau mà ta từng trải qua.

 

Nếu ta đối diện trực tiếp với nỗi đau ấy, ta sẽ thấy mức độ phản ứng giảm xuống, và nhờ đó, ta trở nên ít chỉ trích hơn, và kết quả là mọi người không chỉ sẵn sàng lắng nghe ta, mà còn chủ động tìm đến ta để được nghe.

 

Chúc bạn có một tuần thật tốt lành.

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=KXBjUbZKo3A

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.