Teal Swan Transcripts 169 - Sự Bất Định (Làm Thế Nào Để Đối Mặt Với Sự Bất Định)

 

Teal Swan Transcripts 169


Sự Bất Định (Làm Thế Nào Để Đối Mặt Với Sự Bất Định)

 

15-03-2015




Bất định là trạng thái khi điều gì đó chưa được biết đến hoặc chưa được quyết định. Khi điều gì đó là không rõ ràng hay chưa chắc chắn trong bối cảnh gây ra căng thẳng hoặc đau đớn, nó khiến ta cảm thấy mong manh, dễ tổn thương. Ta không có cảm giác rằng mọi thứ đã được giải quyết. Chính sự thiếu rõ ràng này tự thân nó đã gia tăng cảm giác khổ sở mà bạn đang chịu đựng. Không có sự giải tỏa nào cả, bạn cảm thấy như mình mắc kẹt trong một trạng thái bất lực, không kiểm soát được điều gì, hoàn toàn bị thế giới này điều khiển. Nó đưa bạn vào một trạng thái tuyệt vọng, và từ tuyệt vọng ấy nảy sinh ra sự quẫn trí.

 

Cảm xúc phụ phổ biến nhất mà ta trải qua khi gặp bất định chính là sự quẫn trí. Cảm giác ấy giống như một hành tinh bên trong bạn đang gào thét, cố vùng thoát khỏi sự tuyệt vọng và tìm đến một giải pháp, thứ mà bạn chưa có và có vẻ như sẽ không bao giờ nắm được. Bất định là một trong những trạng thái đau đớn nhất mà con người có thể rơi vào.

 

Ta có thể cảm thấy bất định trong những tình huống tạm thời, như người thân đang nằm trong phòng cấp cứu, hay một mối quan hệ sắp tan vỡ. Nhưng nó cũng có thể liên quan đến những điều dài hạn hơn, như tương lai của chính chúng ta. Dù là trường hợp nào đi nữa, bất định là điều mà tất cả chúng ta đều phải đối mặt trong đời, và đó là lý do khiến chủ đề này trở nên vô cùng quan trọng.

 

Nhiều người tin rằng, nếu bạn có vấn đề với sự bất định, thì tất cả những gì bạn cần làm là tìm kiếm sự chắc chắn, đưa ra một quyết định, giải quyết vấn đề, hoặc tìm hiểu thật nhiều về những điều bạn chưa biết. Nhưng thật ra, giải pháp lại nằm ở điều ngược lại.

 

Khi chúng ta vật lộn với sự bất định, ta bắt đầu kháng cự lại nó, đến mức mà ta không còn tương thích rung động với bất kỳ điều gì mang tính chắc chắn nữa. Ta rơi vào những tình huống mà dù có cố gắng đến đâu, ta cũng không thể tìm ra giải pháp, không thể đưa ra quyết định, và không thể thu nhận thêm bất kỳ hiểu biết mới nào.

 

Và khi đến điểm đó rồi, lựa chọn duy nhất còn lại là buông bỏ sự kháng cự với sự bất định.

 

Vậy làm sao để làm được điều đó? - Chúng ta đón nhận sự bất định.

 

Điều tôi vừa nói có thể nghe có vẻ mâu thuẫn với ý niệm "bạn tạo ra hiện thực của riêng mình". Những ai quen thuộc với khái niệm đó có thể nghĩ: “Chà, nếu tôi biết mình muốn gì, tại sao không tập trung vào điều đó và tạo ra nó thay vì đón nhận những gì đang diễn ra?”

 

Điều đầu tiên bạn cần hiểu là: nếu bạn đang ở trong trạng thái bất định, phần lớn khả năng là bạn thật sự không rõ mình muốn gì, vì vậy bạn không biết cần tập trung vào đâu. Thêm vào đó, bạn không thể tạo ra điều mình mong muốn nếu như bạn vẫn đang kháng cự lại điều đang hiện hữu.

 

Cố gắng tạo ra điều mình mong muốn trong khi vẫn kháng cự điều đang xảy ra, giống như chèo xuồng tiến về phía trước trên hồ, nhưng dây câu của bạn lại đang bị móc vào một cành cây dưới đáy hồ. Bạn không thể thực sự đi đâu cả vì có hai luồng rung động đối lập.

 

Vì vậy, việc đón nhận sự bất định, cùng với sự tò mò tự nhiên nảy sinh từ việc đón nhận đó, giống như bạn đang gỡ dây câu khỏi đáy hồ để có thể tiếp tục chèo xuồng tiến lên phía trước. Nói cách khác, chấp nhận điều đang hiện hữu, bao gồm cả sự bất định của nó, thực chất giúp bạn tạo ra hiện thực của chính mình một cách hiệu quả hơn.

 

Thay vì ngồi nói mãi về bản thân khái niệm bất định, tôi sẽ đi thẳng vào phần quan trọng nhất: Chúng ta phải làm gì khi đang ở trong trạng thái bất định và ta ghét nó?

 

Bước 1: Ngừng cố gắng tìm giải pháp.

 

Thay vì cố gắng tìm cảm giác chắc chắn, tìm giải pháp hay tìm hiểu thêm, chúng ta cần đắm mình vào những cảm xúc đau đớn đã trỗi dậy từ sự bất định ấy, và hiện diện với chúng một cách vô điều kiện.

 

Nếu bạn thấy mình đang vật lộn với sự bất định, rất có thể bạn đang được kêu gọi để hòa nhập lại với những phần trong chính mình, những vết thương thời thơ ấu từng cảm thấy tuyệt vọng, bất lực, bị thế giới vùi dập, và thậm chí là mất hết hy vọng.

 

Để hiểu quá trình này sâu hơn, tôi muốn bạn xem video YouTube của tôi với tựa đề: “Làm Thế Nào Để Chữa Lành Cơ Thể Cảm Xúc” (Teal Swan Transcripts 124).

 

Bước 2: Sống với chân lý sau: "Bất cứ điều gì đang xảy ra với tôi rõ ràng là nên xảy ra, bởi vì nó đang xảy ra. Vì thế tôi mở lòng đón nhận lý do vì sao."

 

Những hoàn cảnh bạn đang trải qua không phải là nguyên nhân gây ra đau khổ. Nguyên nhân thật sự là ở suy nghĩ rằng những điều đó không nên xảy ra hoặc không đúng khi xảy ra.

 

Tôi sẽ lặp lại điều này cho bạn: Những gì bạn đang trải qua không phải là nguyên nhân của sự đau khổ. Nguyên nhân là ở suy nghĩ rằng điều đó không nên xảy ra hoặc là nó không được phép xảy ra.

 

Tôi sẽ giữ im lặng vài giây để bạn có thể chiêm nghiệm chân lý này và cảm nhận được nó có đúng trong hoàn cảnh hiện tại của bạn không. Hãy để nó chạm đến bạn.

 

Ngay cả khi bạn là người có tư duy khoa học, bạn vẫn phải thừa nhận ở một mức độ nào đó bên trong bạn rằng bạn không thể chắc chắn 100% rằng điều đang xảy ra là không nên xảy ra. Hãy cảm nhận sự nhẹ nhõm của chân lý đó.

 

Tôi muốn bạn tiến thêm một bước nữa: Hãy chấp nhận khả năng rằng những gì đang xảy ra là nên xảy ra. Ngay cả khi bạn tin vào quan điểm: “Tôi tạo ra hiện thực của chính mình”, thì điều này vẫn đúng.

 

Tại sao?

 

Sau khi bạn đã phát ra điều mình mong muốn và vũ trụ đã lắng nghe, thì vũ trụ, với góc nhìn toàn thể của nó, biết con đường ngắn nhất để đưa bạn từ nơi bạn đang đứng đến nơi bạn muốn đến. Nhưng từ góc nhìn của chúng ta, con đường tắt đó có thể giống như một cú rẽ cực kỳ kinh hoàng.

 

Ví dụ: Giả sử bạn đang trong quá trình tạo ra một mối quan hệ hoàn hảo vì đó là điều bạn khao khát nhất.

Nhưng rồi, người chồng hoặc người vợ mà bạn đang cố gắng xây dựng mối quan hệ đó lại bước vào phòng và nói: “Tôi không còn yêu bạn nữa. Thật ra, tôi muốn một người khác.”

 

Tại khoảnh khắc đó, bạn sẽ cảm thấy như mình đã làm hỏng mọi thứ. Bạn sẽ cảm thấy như mình đã đi sai hướng hoàn toàn. Nhưng trên thực tế, vũ trụ, từ góc nhìn toàn thể của nó, hiểu rằng điều bạn thật sự mong muốn là mối quan hệ tốt nhất có thể, và vì vậy nó đã dẫn bạn đến điều đó.

 

Ví dụ, sau cuộc ly hôn, bạn có thể đạt được mức độ nhận thức và lòng tự trọng mới, và từ đó đi du lịch nước ngoài, nơi bạn gặp được một người bạn đời phù hợp với bạn gấp hàng ngàn lần so với người đã rời bỏ bạn trước đó.

 

Chúng ta cần buông bỏ ở mức độ sâu sắc, rằng dù ta hiểu mình tạo ra hiện thực qua mong muốn và sự tập trung vào mong muốn, thì vũ trụ sẽ dẫn ta đến những mong muốn đó bằng những cách mà ta không thể lường trước được.

 

Nếu chúng ta tiếp nhận ý tưởng rằng “bất cứ điều gì đang xảy ra rõ ràng là nên xảy ra, vì nó đang xảy ra”, thì ta sẽ bắt đầu mở lòng để nhìn thấy rằng trải nghiệm hiện tại có thể đang dẫn ta đến những điều ta khao khát, hoặc đang mang lại cho ta những món quà quý giá, chứ không phải đang kéo ta ra xa khỏi những điều mình muốn và khiến ta đau khổ.

 

Bước 3: Nhận ra rằng bạn không thật sự sợ cái chưa biết, hãy khám phá xem điều gì trong cái chưa biết khiến bạn sợ.

 

 “Tôi sợ điều chưa biết” là một cái cớ rất phổ biến, nhưng hoàn toàn không đúng. Vì sao? - Vì nếu bạn không biết, thì bạn cũng không có gì để sợ cả.

 

Thực tế là bạn đang sợ điều mà bạn đang tưởng tượng về cái chưa biết đó. Bạn đang sợ những gì bạn nghĩ rằng bạn biết về cái chưa biết.

 

Ví dụ, tôi có thể nói rằng tôi sợ tương lai, một điều chưa biết. Nhưng thật ra, tôi sợ rằng tương lai của tôi có thể đầy đau đớn vì tai nạn, thất bại, hoặc vô vàn khả năng khác.

 

Vì vậy, câu hỏi bạn cần đặt ra là: “Tôi nghĩ điều gì đang ẩn chứa trong cái chưa biết?”

 

Hãy đối mặt với những nỗi sợ đó, và buông bỏ sự kháng cự đối với chúng.

 

Bước 4: Hãy buông bỏ sự dính mắc vào kết quả.

 

Sự bất định có thể vô cùng đau đớn khi ta biết rõ mình thật sự muốn điều gì, nhưng nó vẫn chưa thành hiện thực.

 

Ví dụ, tôi biết rõ rằng tôi muốn học tại Stanford, nhưng Stanford vẫn chưa gửi thư nhận hay thư từ chối, vậy nên tôi sẽ rơi vào không gian của sự bất định.

 

Trong tình huống này, điều đang tra tấn tôi chính là sự dính mắc của tôi vào kết quả mà tôi mong muốn. Tôi trở nên kiểm soát cực độ với thế giới bên ngoài, khi tôi dính mắc vào việc mọi thứ phải diễn ra theo đúng cách mà tôi muốn.

 

Tôi bị ám ảnh bởi việc “mọi thứ phải như thế nào”. Và điều này ngăn cản tôi nhận ra những món quà, tiềm năng, và cơ hội khác xung quanh mình.

 

Một trong những phương pháp thực hành tốt nhất là buông bỏ nhu cầu về việc mọi thứ phải diễn ra theo cách cụ thể. Một cách tôi rất yêu thích để làm điều này là:

 

- Hãy tưởng tượng viễn cảnh hoặc kết quả mà bạn thật sự, thật sự khao khát. Hãy tưởng tượng rằng viễn cảnh đó được đặt bên trong một quả bóng bay. Và bạn tưởng tượng rằng quả bóng bay đó được buộc vào một phần nào đó trên cơ thể bạn, có thể là trái tim, hoặc cổ tay chẳng hạn. Rồi bạn hình dung mình tháo sợi dây hoặc dải ruy băng đó ra, và buông quả bóng chứa đựng điều bạn khao khát, phó thác nó lên bầu trời. Khi bạn nhìn nó bay đi, bạn hiểu rằng vũ trụ đang tiếp nhận “đơn đặt hàng” của bạn.

 

Tức là: Bạn đã gửi đơn hàng cho vũ trụ. Bây giờ, đó là công việc của vũ trụ để mang điều bạn mong muốn đến với bạn. Và nhiệm vụ của bạn là đón nhận nó. Biết rằng kết quả nằm trong tay vũ trụ, và vũ trụ biết con đường nhanh nhất để đưa bạn đến điều bạn muốn, sẽ khiến bạn dễ dàng ngừng kiểm soát những thứ mà bạn thật ra không kiểm soát được.

 

Tất nhiên, bạn cần mở lòng với khả năng rằng con đường để đến đích có thể hoàn toàn khác với điều bạn từng nghĩ. Rồi sau khi đã buông kết quả ấy ra, bạn hãy tiếp tục sống mỗi ngày vì niềm vui, đặt tâm trí vào những điều mang lại cảm giác dễ chịu ở thời điểm hiện tại.

 

Bước 5: Nhận ra những điều tích cực xung quanh bạn.

 

Khi ta rơi vào bất định, ta bị mắc kẹt. Và khi ta bị mắc kẹt, ta chỉ còn một lựa chọn: Tìm ra điều tích cực trong chính nơi mà mình đang mắc kẹt.

 

Trong trạng thái bất định, tâm trí ta bị tê liệt bởi lo lắng. Ta trở nên tập trung tiêu cực quá mức vào những gì đang diễn ra, đến mức ta sống cả đời chỉ để mong thoát khỏi hiện tại. Ta dành thời gian để lo lắng và liên tục mong chờ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Nó thật sự vắt kiệt sức ta, và khiến thế giới của ta trở nên đen tối hoàn toàn. Sự diệt vọng bao trùm.

 

Ta có thể trải qua lo âu, hoảng loạn, hoặc trầm cảm. Vì vậy, điều ta cần làm là chủ động tìm kiếm những điều ta yêu thích ngay trong nơi mà ta đang bị kẹt lại. Tôi hay gọi điều này một cách mạnh mẽ là: “Tìm ánh trăng trong phòng giam.”

 

Nếu tôi đang bị nhốt trong một phòng giam, thì cuộc sống của tôi rõ ràng là đã xuống dốc nghiêm trọng, đến mức mà dường như không thể có điều tích cực nào trong hoàn cảnh này. Nhưng, giả sử có một tia ánh trăng chiếu vào phòng, tôi có lựa chọn: hoặc nhìn vào ánh trăng, hoặc nhìn vào những chấn song sắt.

 

Hãy quét qua hiện thực của bạn, tìm xem có điều gì khiến bạn cảm thấy biết ơn, dễ chịu, hoặc đáng trân trọng. Đặc biệt, hãy dành thời gian tập trung vào mặt tích cực của chính hoàn cảnh tiêu cực mà bạn đang bất định về nó, điều đang khiến bạn đau đớn.

 

Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là mang theo một cuốn sổ ghi lại những mặt tích cực. Việc này đòi hỏi sự kỷ luật, nhất là khi bạn đang trượt sâu vào tiêu cực. Nhưng mỗi khi bạn cảm thấy mình đang lao dốc, tôi muốn bạn lấy cuốn sổ đó ra và ép mình phải nhìn quanh môi trường của bạn, giống như một trò săn tìm kho báu, để tìm ra những điều bạn đánh giá cao trong khoảnh khắc hiện tại.

 

Để biết thêm những ý tưởng về cách chống lại sự u ám và lo âu vốn có trong sự bất định, tôi muốn bạn xem những video sau: “Cách Nâng Cao Tần Số Rung Động” (Teal Swan Transcripts 033), “Cách Ngưng Lo Lắng” (Teal Swan Transcripts 075), và “Cách Ngưng Mong Chờ Điều Tồi Tệ Nhất” (Teal Swan Transcripts 138).

 

Tôi sẽ gợi ý điều này: Nếu bạn có thể tìm ra những món quà tiềm ẩn bên trong hoàn cảnh đang khiến bạn khổ đau, thì nỗi khổ của bạn sẽ được giảm đi rất nhiều, nếu không muốn nói là biến mất hoàn toàn.

 

Bước 6: Bắt đầu luyện tập "lướt trên dòng nước xiết" của cuộc đời bạn.

 

Giả sử hành trình sống của bạn là một dòng sông. Đa số chúng ta dành thời gian và năng lượng cố gắng chuyển hướng dòng sông, cố kiểm soát dòng chảy, thay vì học cách kiểm soát chính mình khi đang trôi trong dòng chảy đó.

 

Để có thể đón nhận sự bất định, ta cần buông bỏ ý tưởng rằng ta có thể điều khiển dòng sông. Bởi vì đó chính là điều ta đang cố làm, mỗi khi cố gắng bám víu vào sự chắc chắn trong cuộc sống. Nhưng thực ra, điều chắc chắn duy nhất chính là sự bất định.

 

Nếu bạn chấp nhận rằng điều duy nhất chắc chắn là sự bất định, thì bạn sẽ ngừng cố gắng kiểm soát cuộc sống. Bạn sẽ hướng đến những điều bạn biết mình muốn, và thay vào đó, để dòng chảy của cuộc đời đưa bạn đi. Thay vì chống lại nó, bạn sẽ xem nó muốn cho bạn thấy điều gì, và muốn dẫn bạn đi đâu. Từ đó sẽ phát triển nên một sự tò mò, một sự sẵn sàng thay đổi hướng đi khi cần thiết. Và chính sự tò mò đó giúp bạn đi qua những thăng trầm của cuộc sống, những đoạn nước xiết trong dòng sông, mà không kháng cự chúng.

 

Hãy nghĩ về việc trôi trên sông ở Grand Canyon. Nếu bạn quay đầu lại và cố bơi ngược dòng, bạn sẽ chết đuối. Điều duy nhất bạn có thể làm là lướt trên dòng chảy ấy.

 

Và nếu bạn không kháng cự lại thăng trầm, bạn thật sự đang ở trong một trạng thái bình an.

 

Nếu bạn không biết cuộc sống sẽ đưa mình đi đâu, và không thể kiểm soát dòng sông ấy, thì điều duy nhất còn lại là: sự tò mò.

 

Thay vì sống trong sự chắc chắn, hãy sống trong sự tò mò về điều gì sẽ xảy ra.

 

Hãy tiếp cận thế giới với thái độ: “Mình tự hỏi điều gì sẽ xảy ra tiếp theo nhỉ?”, và rồi quan sát câu chuyện dần hé mở.

 

Bước 7: Nhìn thấy vẻ đẹp của việc không biết.

 

Một trong những thứ khiến ta ám ảnh với sự chắc chắn là mong muốn biết đúng sai, biết điều gì là đúng, điều gì là sai, và biết mọi thứ. Khi ta vật lộn với sự bất định, ta cần đón nhận ý tưởng rằng ta sẽ không bao giờ chắc chắn 100%.

 

Bản ngã bị ám ảnh với việc biết, bởi vì nó tin rằng nếu biết đủ, nó có thể tránh được nỗi đau. Nhưng trạng thái học hỏi là một trạng thái cao hơn trạng thái biết, vì nó là trạng thái cởi mở với mọi khả năng. Trạng thái “biết” thật ra là trạng thái đóng, trạng thái kết thúc, không còn mở lòng với những khả năng khác nữa.

 

Đây là cách mà vũ trụ vận hành: Câu hỏi dẫn đến câu trả lời, rồi lại dẫn đến câu hỏi, và lại có thêm câu trả lời.

 

Chúng ta phải học cách hòa mình vào dòng chảy ấy. Chúng ta cần học cách sống giữa lúc chưa biết hết mọi điều. Và một trong những cách tốt nhất để sống như vậy là ôm lấy ý niệm “có thể lắm chứ”.

 

Sau mỗi “chân lý” mà bạn tin tưởng, hãy tập thói quen thêm từ “có thể” vào sau đó. Một tâm trí cởi mở trước sự bất định giống như một chiếc áo phao trên dòng sông.

 

Bước 8. Hãy để cho lớp bùn lắng xuống.

 

Một bậc thầy trong thế giới vật lý này hiểu được khi nào là lúc hành động, và khi nào là lúc tĩnh lặng.

 

Có một triết lý cổ trong Phật giáo nói rằng, khi ta ở trong trạng thái bất định, ta đang ở trong trạng thái hỗn loạn. Nó giống như việc bạn đang đứng giữa một hồ nước, và bạn vừa khuấy tung lớp bùn dưới đáy hồ, khiến nước đục đến mức bạn không thể nhìn rõ bất cứ điều gì. Cố gắng đạt được sự chắc chắn khi ta đang ở trong trạng thái bất định, cũng giống như cố gắng điên cuồng làm sao cho lớp bùn trở về chỗ cũ. Khi ta làm vậy, điều duy nhất xảy ra là nước càng lúc càng đục hơn. Vì thế, điều ta cần làm là để lớp bùn tự lắng xuống.

 

Ta làm điều này bằng cách trở nên thật tĩnh lặng. Nếu ta chỉ đơn giản ở yên, thì lớp bùn sẽ lắng xuống, và ta sẽ bắt đầu nhìn rõ lại mọi thứ.

 

Trên thực tế, điều này có nghĩa là: Khi bạn đang ở trong trạng thái bất định, đó chính là thời điểm để tĩnh lặng. Bạn cần trở về với chính mình, tránh đưa ra hành động hấp tấp hay quyết định vội vàng.

 

Bạn thấy đó, ta sẽ không biết được, cho đến khi ta thật sự biết được. Nên khi ta đạt đến trạng thái tĩnh lặng và để lớp bùn lắng xuống, thay vì sốt ruột tìm kiếm giải pháp, ta sẽ cho phép giải pháp tìm đến mình. Ta cho phép sự sáng tỏ đến với mình.

 

Làm dịu tâm trí bằng thiền định là một phương pháp rất hiệu quả để hỗ trợ giai đoạn tĩnh lặng này. Vì thế, hãy thêm thiền vào thói quen hàng ngày của bạn, tốt nhất là vào buổi sáng sớm.

 

Bước 9. Hãy đặt câu hỏi với mọi thứ.

 

Hãy đặt câu hỏi với chính bản thân mình, với niềm tin của mình.

 

Nếu bạn đang vật lộn với sự bất định, thì dù bạn có ý thức được hay không, bạn đã ở trong trạng thái đặt nghi vấn rồi. Vậy thì hãy tham gia vào tiến trình ấy một cách chủ động.

 

Đôi khi, việc mời người khác tham gia, như chuyên gia trị liệu, bạn bè hoặc người thân, là một ý tưởng rất hay trong quá trình đặt câu hỏi này, vì có thể họ có một góc nhìn hoặc một câu hỏi mà bạn chưa từng nghĩ đến. Và không có gì mạnh mẽ bằng một câu hỏi đúng lúc, nó có thể đưa bạn đến câu trả lời mà bạn tìm kiếm bấy lâu.

 

Một cách tôi rất thích để làm điều này là: Liên hệ với một người bạn, người thân, hoặc nhà trị liệu, và kể cho họ nghe tình huống mà bạn đang cảm thấy cực kỳ bất định. Rồi nhờ họ viết ra một danh sách các câu hỏi mà họ muốn bạn suy ngẫm, liên quan đến tình huống đó.

 

Theo tôi, một trong những câu hỏi quan trọng nhất bạn nên tự hỏi là: “Mình có thể học được gì từ chuyện này?”

 

Một hình thức khác của quá trình đặt câu hỏi là chất vấn những niềm tin và suy nghĩ đau đớn của bạn.

Phương pháp tôi yêu thích nhất để làm điều này là The Work của Byron Katie. Hãy thử bất kỳ kỹ thuật nào trong số này và xem cái nào phù hợp với bạn nhất.

 

Bước 10. Chơi một trò chơi gọi là: “Nếu có ai khác rơi vào tình huống y hệt mình, mình sẽ nói gì với họ?”

 

Đôi khi, khi ta đang nhìn mọi việc từ góc nhìn của chính mình, ta cảm nhận trọn vẹn sức nặng và rủi ro của tình huống. Vì thế, việc tạm thời thoát ra khỏi cái tôi cá nhân là một công cụ rất hữu ích.

 

Hãy tưởng tượng bạn là một nhà trị liệu vừa ngồi xuống ghế, và một phiên bản giống hệt bạn bước vào, ngồi đối diện, kể rằng họ đang gặp phải chính tình huống mà bạn đang trải qua.

 

Bây giờ, khi nhìn vào “người đó”, bạn hãy tự hỏi:

 

- “Mình sẽ nói gì với người này?”

- “Mình sẽ khuyên gì về tình huống này nếu họ là người đang trải qua?”

 

Bài thực hành này có thể mang đến sự sáng tỏ rất lớn.

 

Bước 11. Hãy tìm những phương pháp giảm căng thẳng.

 

Khi ta ở trong trạng thái bất định, ta tự kích hoạt phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy. Nghĩa là hệ thần kinh của ta rơi vào trạng thái cảnh báo cao độ. Đó là lý do vì sao nhiều người trải qua lo âu dữ dội khi rơi vào bất định. Vì thế, ta cần cung cấp cho hệ thần kinh các công cụ để nó có thể tự làm dịu.

 

Ngoài ra, ta cũng không thể đưa ra những quyết định sáng suốt khi não bộ đang hoạt động trong trạng thái "chiến đấu hoặc bỏ chạy". Vì vậy, thêm các phương pháp giảm căng thẳng vào cuộc sống sẽ giúp ta tiếp cận được những trạng thái rõ ràng hơn, giúp ta nhìn rõ tình huống và đưa ra quyết định phù hợp. Điều này bao gồm cả việc ăn uống sao cho hỗ trợ hệ thần kinh được bình tĩnh, thay vì kích thích nó. Mỗi người có thể có những công cụ giảm căng thẳng khác nhau.

 

Vì vậy, hãy mở lòng khám phá “công thức đặc biệt” của riêng bạn.

 

Dưới đây là một vài gợi ý:

 

- Đi bộ giữa thiên nhiên

- Viết nhật ký

- Ngâm mình trong bồn nước nóng với nến và nhang thơm

- Xem những đoạn video hài

- Đi massage

- Cắm trại

- Tập kỹ thuật thư giãn cơ bắp

- Tham gia lớp yoga hoặc nhảy múa

- Nghe nhạc giúp thư giãn

- Uống trà (đặc biệt là trà đen)...

 

Ngoài ra, sự cô lập cũng khiến mức độ căng thẳng của ta tăng vọt khi ở trong bất định.

 

Vì vậy, tôi muốn bạn lặp lại câu này: “Việc tìm kiếm sự hỗ trợ là hoàn toàn ổn.”

 

Sự bất định trở nên không thể chịu đựng nổi, nếu ta phải đi qua nó một mình. Bạn sẽ thấy rằng ta có thể vượt qua gần như bất cứ điều gì, miễn là có ai đó đồng hành cùng, hoặc đơn giản chỉ là có mặt bên cạnh ta. Vì vậy, trừ khi người khác đang khiến bạn căng thẳng hơn, thì tôi muốn bạn kết nối với ai đó.

 

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc kết nối, hãy xem video của tôi trên YouTube có tên: “Cách kết nối với một người khác” (Teal Swan Transcripts 163).

 

Chúng ta sẽ không chiến thắng sự bất định bằng cách trở nên chắc chắn. Ta cũng không thể trở nên vững vàng bằng cách cố biến sự bất ổn thành ổn định. Thay vào đó, ta tìm thấy sự chắc chắn và cảm giác ổn định bằng cách đón nhận sự bất định và sự bất ổn. Đón nhận sự bất định không có nghĩa là ta ngừng mong muốn. Nó cũng không có nghĩa là ta ngừng tạo dựng cuộc sống, hay ngừng hành động để tạo ra điều ta muốn.

 

Điều đó chỉ đơn giản có nghĩa là: Ta gỡ rối giữa “ý định” và “sự dính mắc” của mình, để buông bỏ sự dính mắc.

 

Vũ trụ luôn đưa ta đến với điều tốt đẹp nhất dành cho mình, ngay cả khi con đường dẫn đến điều tốt đẹp nhất ấy phải đưa ta băng qua địa ngục. Tương lai không chắc chắn với bất kỳ ai trong chúng ta.

 

Ngay cả với những người có thể nhìn thấy tương lai, họ cũng sẽ nói với bạn rằng: Chỉ một thay đổi nhỏ trong góc nhìn cũng có thể thay đổi toàn bộ tương lai và định mệnh của bạn.

 

Cuộc sống là một hành trình qua vùng biển chưa được vẽ bản đồ với tất cả chúng ta.

 

Nhưng nếu bạn kháng cự lại những gì đang đến, chỉ vì bạn sợ nỗi đau, thì chính bạn đang chống lại những con sóng của đời mình, và điều đó rất nguy hiểm.

 

Bạn cũng sẽ bỏ lỡ những buổi hoàng hôn trên đại dương cuộc đời mình.

 

Vì thế tôi nói: Hãy đón nhận sự bất định. Hãy nói với vũ trụ: “Cứ đưa tới đi!”

 

Và rồi bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy những hoàng hôn ấy.

 

Chúc bạn một tuần thật tốt lành.

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=Z6cMH9Mqi60

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.