Teal Swan Transcripts 167 - Cách Vượt Qua Cảm Giác Xấu Hổ

 

Teal Swan Transcripts 167


Cách Vượt Qua Cảm Giác Xấu Hổ

 

21-02-2015




Xin chào các bạn. Có rất ít cảm xúc nào trên đời tệ hại hơn cảm giác xấu hổ. Với những ai chưa hiểu rõ xấu hổ là gì: đó là trạng thái cảm xúc đau đớn xuất hiện khi bạn so sánh bản thân với những tiêu chuẩn của chính mình và thấy mình không đạt được chúng. Điều này dẫn đến các vấn đề liên quan đến lòng tự trọng. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó: Những tiêu chuẩn này đến từ đâu?

 

Khi còn nhỏ, bạn được sinh ra trong một xã hội. Trong một xã hội chưa thức tỉnh, việc được xã hội hóa là điều bắt buộc. Trong một xã hội chưa thức tỉnh, tồn tại những giá trị văn hóa và xã hội mang tính tập thể. Khi chúng ta đề cao một điều gì đó, chúng ta thường lên án điều ngược lại. Ví dụ, sự hy sinh bản thân có thể là một giá trị xã hội, trong khi ích kỷ thì bị lên án. Chúng ta cho một điều là tốt và điều còn lại là xấu.

 

Để duy trì trật tự xã hội, chúng ta xã hội hóa trẻ em, nói cách khác, chúng ta huấn luyện chúng hành xử theo cách được xã hội mà chúng ta đang sống chấp nhận. Chúng ta nhồi nhét vào đầu trẻ các giá trị văn hóa và xã hội, và thưởng cho chúng khi chúng hành xử phù hợp với những giá trị ấy. Ngược lại, chúng ta trừng phạt khi chúng thể hiện hành vi đi ngược lại các giá trị đó.

 

Nếu chúng ta muốn được đáp ứng nhu cầu, muốn tồn tại trong xã hội và có cơ hội cảm nhận những điều như tình yêu, sự thuộc về, đóng góp và an toàn, thì chúng ta chỉ còn một lựa chọn: Chấp nhận các giá trị của xã hội mà mình được sinh ra và áp đặt chúng lên bản thân.

 

Giả sử hồi nhỏ, bạn chạy trần truồng vào phòng, nhưng lại được nuôi dạy trong một xã hội đề cao sự kín đáo và lên án việc khỏa thân nơi công cộng. Khi bạn chạy ra như thế, cha mẹ bạn sẽ lập tức tỏ ra không hài lòng với hành vi đó. Họ có thể trừng phạt bạn, chắc chắn sẽ la mắng, và bắt bạn quay trở lại phòng. Sự không hài lòng ấy đủ đau đớn để khiến bạn quyết định: “Tôi không bao giờ được để chuyện này xảy ra nữa!”. Và bạn sẽ chấp nhận giá trị “kín đáo” để không bao giờ phải chịu sự xấu hổ và bị từ chối như vậy nữa.

 

Để tránh bị tổn thương trong tương lai, chúng ta tiếp thu những giá trị văn hóa của xã hội nơi mình sinh ra. Bằng cách đó, chúng ta trở thành người giám sát chính mình. Chúng ta có thể tự kiểm soát bản thân, mà điều này ít đau đớn hơn rất nhiều so với việc bị người khác kiểm soát.

 

Chúng ta trở nên hoàn toàn ám ảnh với việc trở thành “người tốt”. Bởi vì làm người tốt đồng nghĩa với việc được đáp ứng nhu cầu, được yêu thương, được chấp nhận, được sống sót. Còn làm người xấu đồng nghĩa với việc bị ruồng bỏ, bị tổn thương, không được đáp ứng nhu cầu và bị từ chối tình yêu.

 

Từ đây, cảm giác xấu hổ bắt đầu chiếm quyền kiểm soát. Nó nắm quyền để bảo vệ bạn khỏi những hậu quả tiêu cực trong tương lai. Nó tồn tại để giữ bạn trong khuôn khổ. Nó là chức năng của lương tâm. Bất cứ khi nào bạn vi phạm những quy tắc mà bạn đã chấp nhận, bạn sẽ rơi vào cảm giác xấu hổ.

 

Những người vật lộn với cảm giác xấu hổ một cách dai dẳng thường lớn lên trong những xã hội mà người chăm sóc họ không phân biệt rõ giữa “làm điều xấu” và “là người xấu”. Ví dụ, một đứa trẻ lấy một chiếc bánh quy trên bàn mà nó không được phép lấy, và cha mẹ phản ứng bằng cách nói kiểu như: “Con bé hư quá!” hay “Trời ơi, sao con lại làm vậy, ngu ngốc quá!”. Đứa trẻ đó không đủ khả năng để phân biệt hành động tiêu cực với bản thân mình. Với nó, cảm giác xấu hổ không chỉ là “làm điều xấu” mà là “mình là người xấu”.

 

Cảm giác xấu hổ đau đớn đã đành, nhưng nếu nó chỉ là kết quả của một vài trải nghiệm cá nhân thì còn có thể chịu được; vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều khi nó trở thành trạng thái thường trực vì bạn tin rằng có điều gì đó trong con người bạn, một điều không thể thay đổi, là xấu xa tận gốc. Nếu sự thật về con người bạn mâu thuẫn với những giá trị xã hội mà chính bạn đã tiếp thu, bạn sẽ luôn cảm thấy xung đột nội tâm.

 

Bạn sẽ đi đến kết luận rằng: vì có một phần chân thật trong bạn mâu thuẫn với giá trị xã hội bạn đã chọn, điều đó có nghĩa là bạn có vấn đề. Và nếu bạn có vấn đề, điều đó đồng nghĩa với việc bạn là người xấu. Ngay từ sớm trong cuộc đời, con người hình thành một cái nhìn nội tâm về bản thân: là “đủ đầy” hay “thiếu thốn”, là “phù hợp” hay “không xứng đáng”. Nếu ta phát hiện ra điều gì đó trong con người mình đi ngược với các giá trị của nhóm xã hội, đặc biệt là nếu ta từng chịu hậu quả vì điều đó, ta sẽ nhận được thông điệp rằng ta không thuộc về thế giới này, rằng ta kém cỏi, thấp kém, không xứng đáng và không đủ tốt.

 

Xấu hổ chính là gốc rễ của lòng tự ti.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn sinh ra trong một gia đình Cơ Đốc giáo điển hình, sùng đạo, nhưng bạn lại là người đồng tính. Và vì xã hội nơi bạn lớn lên dạy rằng đồng tính là điều ghê tởm, bạn tiếp nhận niềm tin đó và tạo ra một tiêu chuẩn rằng: “Tôi phải là người dị tính.” Nhưng sâu bên trong, bạn biết mình không như vậy, nên bạn sẽ luôn cảm thấy mình không bao giờ đạt được tiêu chuẩn mà chính mình đã áp đặt. Bạn sẽ cảm thấy xấu hổ mọi lúc, như một trạng thái hiện hữu thường trực, miễn là tiêu chuẩn đó vẫn còn tồn tại trong bạn.

 

Và hãy nhớ rằng bạn có thể có những tiêu chuẩn mang tính ý thức, nhưng cũng có những tiêu chuẩn mang tính vô thức. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ mà không biết vì sao, đó là vì bạn đang sống với một tiêu chuẩn ngầm bên dưới mà bạn chưa hề nhận thức được.

 

Cần phải biết rằng xấu hổ biểu hiện ra ngoài bằng những căn bệnh thể chất cực kỳ khốc liệt. Một trong những ví dụ rõ ràng nhất là AIDS. Nguyên nhân sâu xa phổ biến nhất dẫn đến AIDS thực ra chính là cảm giác xấu hổ, đặc biệt là xấu hổ liên quan đến xu hướng tính dục.

 

Một số căn bệnh khác có thể do xấu hổ gây ra bao gồm: hội chứng mệt mỏi mãn tính, mụn trứng cá, nghiện ngập, rối loạn ăn uống, bất lực, các vấn đề về thận, ung thư, nhiễm nấm, nói lắp và các vấn đề về ngôn ngữ, chấn thương xương ống chân, đau mãn tính, trầm cảm, lo âu, tất cả các rối loạn miễn dịch, đặc biệt là các rối loạn trong đó cơ thể bắt đầu tự tấn công chính nó.

 

Khi con người cảm thấy xấu hổ, họ thường phản ứng bằng cách phòng vệ theo một số cách nhất định. Khi bạn ở gần một người đang mang cảm giác xấu hổ, bạn có thể cảm thấy như đang bước đi trên mảnh kính vỡ hoặc băng mỏng vậy.

 

Họ luôn ở trong trạng thái phòng vệ thường trực. Họ thường đổ lỗi cho người khác một cách hung hăng. Việc đổ lỗi giúp đánh lạc hướng khỏi những bất an và khuyết điểm mà họ cảm thấy về bản thân. Nó khiến người khác sai, để họ cảm thấy mình đúng. Và khi con người vật lộn với cảm giác xấu hổ, họ thường bị nuốt chửng bởi sự khinh miệt dành cho người khác. Khinh miệt người khác đôi khi giúp chúng ta tránh phải cảm thấy khinh miệt chính mình. Sự khinh miệt bảo vệ ta khỏi cảm giác xấu hổ bằng cách cho ta một cái cớ để phủ nhận sự thật rằng sâu thẳm bên trong, ta cảm thấy mình thấp kém, đáng bị khinh bỉ, vô giá trị, và như thể có gì đó sai trái trong con người mình.

 

Những người mang cảm giác xấu hổ sẽ trở nên quá mức vị kỷ (tự luyến). Đừng bao giờ nhầm lẫn giữa yêu bản thân và tính tự luyến, hai điều này khác xa nhau. Nhưng những người cảm thấy xấu hổ sẽ bị ám ảnh bởi lợi ích cá nhân. Họ bắt đầu hành trình tìm kiếm sự chấp thuận, sự vượt trội, sự ngưỡng mộ và cảm giác có giá trị, tất cả ở bên ngoài. Việc khao khát sự chú ý là một nỗ lực để lấp đầy khoảng trống của cảm giác vô giá trị.

 

Để hiểu thêm về tính tự luyến, bạn có thể xem video của tôi trên YouTube với tiêu đề “Tự Luyến” (Teal Swan Transcripts 111).

 

Vậy nếu bạn cảm thấy xấu hổ và muốn vượt qua nó, bạn nên làm gì?

 

Bước một: Việc đầu tiên là bạn cần hoàn toàn nhận thức được những tiêu chuẩn mà bạn đang áp đặt lên bản thân. Điều này đòi hỏi bạn phải đủ can đảm để thành thật tuyệt đối. Việc thừa nhận những tiêu chuẩn thật sự mà bạn đặt ra cho bản thân không hề dễ chịu, vì một số trong số đó có thể khiến bạn cảm thấy xấu hổ. Tuy nhiên, chỉ cần nhận thức được những tiêu chuẩn và giá trị xã hội thật sự của bạn là đã đủ để làm giảm sức mạnh mà chúng nắm giữ.

 

Sau đó, bạn cần đưa ra quyết định: Tôi có muốn giữ tiêu chuẩn này không?

 

Nếu câu trả lời là có, điều đó rất tốt, nó cũng giúp làm giảm cảm giác xấu hổ. Vì sao? - Vì điều đó có nghĩa là bạn đang chủ động chọn để cảm thấy xấu hổ, và điều đó mang lại cho bạn quyền lực đối với cảm xúc ấy, thay vì cảm thấy bất lực.

 

Bước hai: Nếu bạn muốn thay đổi tiêu chuẩn, bạn phải thay đổi niềm tin của mình.

 

Tiêu chuẩn chính là các dạng của niềm tin. Ví dụ, một tiêu chuẩn có thể là: “Tôi nên là người dị tính thay vì đồng tính.” Một niềm tin khác là: “Nếu tôi đồng tính, tôi là một thứ ghê tởm.” Khi bạn phát hiện ra các niềm tin liên quan đến những tiêu chuẩn bạn đang tự áp đặt, bạn có cơ hội để thay đổi chúng.

 

Để tìm hiểu cách thay đổi một niềm tin, bạn có thể xem video của tôi trên YouTube có tên “Cách Thay Đổi Một Niềm Tin” (Teal Swan Transcripts 021). Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng quy trình "The Work" của Byron Katie để làm việc với những niềm tin này.

 

Bước ba: Hãy suy ngẫm nghiêm túc về khái niệm đúng – sai.

 

Nếu bạn cảm thấy xấu hổ, điều đó có nghĩa là bạn đã lạc sâu vào thế giới của sự kỳ thị. Bạn cần chất vấn lại các giá trị xã hội.

 

Chúng ta cần xem xét lại những điều mà ta đang buộc bản thân phải tuân theo. Nghe có vẻ đơn giản: Hãy chất vấn tính đúng – sai của các niềm tin văn hóa và xã hội. Nhưng kỳ lạ thay, hầu hết mọi người lại không làm điều này. Nếu bạn được sinh ra trong một xã hội Công giáo, bạn thường không đặt câu hỏi về những niềm tin đó; bạn tiếp nhận chúng một cách tự động. Phần lớn chúng ta chưa bao giờ thật sự chọn lựa một tôn giáo, một lối sống hay một hệ niềm tin, chúng ta chỉ “thừa hưởng” từ cha mẹ, từ ông bà, và từ cả xã hội.

 

Và điều này khiến cho những niềm tin đó giống như một căn bệnh lây truyền hơn là sự lựa chọn. Chúng xâm nhập vào bạn một cách vô thức, như thể chúng thấm vào da thịt bạn, trở thành một phần của bạn, nhưng thực ra, chúng không phải của bạn. Tôi thậm chí dám nói rằng bạn không có quyền nói rằng bạn tin vào điều gì đó, trừ khi bạn đã thật sự chất vấn nó một cách sâu sắc.

 

Bạn cần chất vấn mọi điều, kể cả những thứ dường như rõ ràng là đúng hoặc sai, để đạt đến sự tỉnh thức trọn vẹn và cũng để giải thoát khỏi cảm giác mình là kẻ xấu. Hơn nữa, bạn nên chất vấn luôn cả câu hỏi: Liệu trong vũ trụ này có thực sự tồn tại thứ gọi là đúng hay sai không?

 

Bước bốn: Chúng ta cần tích hợp cảm giác xấu hổ, vốn thực chất là một kết quả của những tổn thương thời thơ ấu. Nếu bạn cảm thấy xấu hổ trong cuộc sống trưởng thành, đó là vì bạn đã từng bị làm cho xấu hổ khi còn nhỏ.

 

Chúng ta đã trải qua vết thương cảm xúc ấy. Và những gì chúng ta trải nghiệm ở tuổi trưởng thành chỉ là sự phản chiếu lại của vết thương ban đầu. Vậy nên, thay vì cố gắng trốn tránh cảm giác xấu hổ, chúng ta cần chìm vào trong nó, hiện diện với nó một cách vô điều kiện. Hãy tìm đến đứa trẻ bên trong bạn, người đã từng bị tổn thương, từng bị làm cho cảm thấy xấu hổ, và học cách làm cha mẹ lại cho đứa trẻ ấy.

 

Để hiểu quá trình này hoạt động thế nào, bạn có thể xem video của tôi trên YouTube với tiêu đề “Cách Chữa Lành Cơ Thể Cảm Xúc” (Teal Swan Transcripts 124).

 

Bước năm: Hãy rèn luyện sự tự công nhận. Điều này nghĩa là mỗi ngày, bạn hãy chọn ít nhất một điều gì đó bạn không chấp nhận về bản thân, và tìm cách trao cho nó sự công nhận. Bạn đang cố gắng cảm thấy tốt hơn với những phần mà bạn từng từ chối nơi chính mình.

 

Ví dụ, nếu bạn nghĩ mình có phần “đen tối”, hãy tìm cách chấp nhận phần đen tối đó. Nếu bạn thấy mình bị cellulite (rạn da), hãy thật sáng tạo và tìm cách yêu thương cả cellulite. Bạn cũng có thể rủ người khác cùng tham gia vào quá trình này, cùng nhau đưa ra các ý tưởng các cách để tìm sự chấp nhận nơi điều bạn từng chối bỏ.

 

Hãy hỏi bản thân: “Cái điều tôi không chấp nhận ở bản thân... có thể tốt ở chỗ nào?”

 

Bạn cũng có thể áp dụng điều này lên người khác. Nếu bạn đang tự áp đặt cho mình những tiêu chuẩn cao, rất có thể bạn cũng đang áp dụng tiêu chuẩn đó lên người khác.

 

Vậy hãy “đảo ngược” quá trình này. Nhưng lần này, bạn hỏi: “Cái điều tôi không chấp nhận ở người khác... có thể tốt ở chỗ nào?”

 

Bước sáu: Chúng ta cần nhận ra khao khát mãnh liệt bên trong mình để trở thành người tốt, và chất vấn vì sao ta lại cần điều đó đến thế. Sau đó, hãy tìm bằng chứng cho thấy bạn là người tốt. Việc tập trung tích cực vào bản thân là vô cùng quan trọng.

 

Bạn có thể nhờ người khác hỗ trợ bằng cách hỏi họ: “Bạn thích điều gì ở tôi?”

 

Hãy tự hỏi mình:

 

“Người khác sẽ được lợi gì khi có mối quan hệ với tôi?”

“Tôi là người tốt ở điểm nào?”

 

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc nói rằng: Những người thường xuyên trải nghiệm cảm giác xấu hổ là những người có lương tâm rất mạnh mẽ. Trong suốt lịch sử, đây luôn được xem là phẩm chất của người tốt.

 

Người có lương tâm cao cũng thường sống có đạo đức. Điều đó có nghĩa là: bạn là người sẽ không cố ý làm hại người khác. Bên trong con người luôn có một khao khát mãnh liệt để kết nối, để được nhìn thấy, được lắng nghe, được cảm nhận, được thấu hiểu và được thuộc về. Nếu bạn đang sống với cảm giác xấu hổ, đó là vì bạn chưa từng được nếm trải những điều này. Bạn đã luôn gặp phải điều ngược lại. Kết quả là, bạn rút lui, khép lại trái tim mình, và đóng cửa với thế giới. Giờ đây, trong tim bạn tồn tại một vết rạn: giữa một bên là khát khao được kết nối, và một bên là nỗi sợ bị tổn thương nếu lại mở lòng lần nữa.

 

Bạn cần đối diện với sự chia tách đó bằng sự thấu cảm và lòng trắc ẩn. Rất nhiều người ngoài kia cũng đang mang vết rạn y như bạn. Và bạn có cơ hội chữa lành điều đó trong chính mình bằng cách luyện tập nghệ thuật nhìn thấy, cảm nhận, lắng nghe, thấu hiểu và trân trọng chính mình.

 

Và rồi, bạn cũng có thể chữa lành điều đó cho người khác bằng cách luyện tập nghệ thuật nhìn thấy, cảm nhận, lắng nghe, thấu hiểu và trân trọng họ.

 

Bạn không trở thành con người như hôm nay vì bạn có gì đó sai trái hay tồi tệ. Bạn trở thành như vậy vì trong quá trình xã hội hóa, vốn đã làm tổn thương nhiều người hơn bạn tưởng, bạn đã bị tổn thương.

 

Khi bạn nhìn thấy rằng: bạn bị tổn thương bởi sự thiếu hiểu biết, và vì những vết thương mà người khác gây ra cho bạn cũng là những vết thương họ từng phải chịu, bạn sẽ ít cảm thấy cá nhân hóa nỗi đau.

 

Nó không thật sự là lỗi của bạn. Nếu bạn có thể bắt đầu nhìn chính mình qua lăng kính của sự thấu cảm và lòng trắc ẩn, bạn có thể sẽ bắt đầu nhận ra rằng: có thể có một bức tranh lớn hơn, và có lý do sâu xa vì sao bạn không thể hòa nhập với các giá trị xã hội ấy.

 

Có thể bạn không đến đây để hòa nhập với các tiêu chuẩn đó ngay từ đầu. Và có thể, nếu bạn thực sự hòa nhập, thì xã hội này sẽ chẳng còn hy vọng để tiến hóa.

 

Chúc bạn một tuần mới thật tốt lành.

 

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=Lg9KvmK-E0U

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.