Teal Swan Transcripts 154 - Sự Phóng Chiếu (Hiểu Về Tâm Lý Của Việc Phóng Chiếu)

 

Teal Swan Transcripts 154


Sự Phóng Chiếu (Hiểu Về Tâm Lý Của Việc Phóng Chiếu)

 

29-11-2014




Xin chào các bạn. Nếu bạn đang xem video này, rất có thể bạn đã từng nghe đến khái niệm "phóng chiếu". Bạn đã từng ở trong tình huống mà ai đó đang giận bạn và bạn nghĩ: “Mình thì lấm lem mà đi chê người khác bẩn” Hoặc bạn đã từng ở trong hoàn cảnh ai đó nhìn bạn và nói: “Bạn chỉ đang phóng chiếu thôi.” Nhưng vấn đề là hầu hết chúng ta không hiểu cơ chế phía sau việc phóng chiếu là gì. Chúng ta không biết vì sao mình lại làm vậy, và làm sao để dừng lại. Và đó chính là lý do vì sao hôm nay chúng ta có cuộc thảo luận này.

 

Chúng ta được sinh ra là một thể trọn vẹn, nhưng sự trọn vẹn đó không kéo dài lâu. Nó không kéo dài lâu bởi vì chúng ta sinh ra đã phụ thuộc vào mối quan hệ với người khác. Sinh ra trong trạng thái phụ thuộc vào một gia đình chưa phát triển trọn vẹn, vì xã hội vẫn chưa phát triển trọn vẹn, đồng nghĩa với rắc rối lớn. Điều đó có nghĩa là chúng ta sắp sửa học rằng một số khía cạnh của bản thân thì được chấp nhận, còn một số thì không. Và rắc rối bắt đầu từ đây. Điều gì được chấp nhận và điều gì không được chấp nhận phụ thuộc vào gia đình mà bạn sinh ra.

 

Những khía cạnh của chúng ta bị cho là không được chấp nhận (bao gồm cả mặt tích cực lẫn tiêu cực) sẽ bị gia đình từ chối, còn những khía cạnh được xem là có thể chấp nhận thì được tiếp nhận. Vì sự sống còn, khi chúng ta còn phụ thuộc vào người khác, chúng ta sẽ làm mọi cách để chối bỏ, phủ nhận và đè nén những phần bị chê trách, và phóng đại những phần được khen ngợi. Chúng ta tách biệt khỏi những phần mà mình không chấp nhận. Điều này tạo ra một sự chia tách bên trong con người, mà ta gọi là ý thức và tiềm thức.

 

Bản năng tự bảo vệ này thực chất chính là hành động từ chối bản thân đầu tiên của chúng ta. Ví dụ, một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình nơi mà việc thể hiện sự giận dữ là không được chấp nhận. Khi đứa trẻ tức giận, nó bị xấu hổ vì điều đó, nên nó đè nén và phủ nhận cơn giận của mình để có thể tồn tại trong gia đình. Nhưng cơn giận đó không biến mất. Nó chỉ bị phủ nhận ở mức độ ý thức. Nó trở thành tiềm thức. Khi trưởng thành, người này rất có thể sẽ không nhận ra chút nào rằng mình có sự tức giận bên trong.

 

Họ sẽ không, và không thể, nhìn thấy chính mình một cách rõ ràng bởi vì họ đã phủ nhận phần đó trong bản thân. Vậy nên, khi có người nói với họ rằng họ đang giận dữ, họ sẽ không hề cảm thấy đồng cảm hay thấy điều đó đúng chút nào. Họ có thể chỉ thấy mình là người dễ chịu. Khi chúng ta phủ nhận, đè nén hay chối bỏ một điều gì đó, nó không phải là biến mất, mà chỉ là chúng ta mất đi nhận thức có ý thức về nó. Chúng ta tách biệt khỏi ý thức về điều đó. Và để nhận ra điều mà mình đang phủ nhận, chúng ta phải cảm nhận nỗi đau của sự thiếu vắng điều đó. Không có gì lạ khi sự tự nhận thức lại khó đến như vậy. Bất kỳ con người nào từng trải qua quá trình được xã hội hóa, nghĩa là tất cả mọi người, đều đã trải qua quá trình chia tách bản thân thành các phần.

 

Phần được thừa nhận và phần bị chối bỏ. Sự từ chối bản thân này chính là nguồn gốc của việc ghét chính mình. Sự trống rỗng mà chúng ta cảm nhận chính là hệ quả của những phần bị mất đi, bị từ chối hoặc bị chối bỏ trong bản thân. Và linh hồn chỉ được thúc đẩy vì một điều duy nhất: đó là giúp ta trở lại trạng thái trọn vẹn. Chúng ta sẽ được trao mọi cơ hội để trở nên trọn vẹn một lần nữa. Nhưng để có thể trở nên trọn vẹn, chúng ta cần phải nhìn thấy và chấp nhận những phần trong mình mà ta đã từ bỏ. Điều này rất đau đớn. Tự nhận thức không đến một cách tự nhiên với những người luôn muốn tránh né đau đớn. Bởi vì để thật sự chạm đến trạng thái toàn vẹn, chúng ta phải ngừng né tránh nỗi đau, ngừng chạy trốn cảm giác trống rỗng vốn có trong ta, là hệ quả của việc thiếu đi những phần của chính mình, và thay vào đó, ta cần đi thẳng về phía nó.

 

Vậy phóng chiếu xuất hiện ở đâu trong toàn bộ điều này?

 

Chúng ta có xu hướng bù đắp thái quá cho bất kỳ đặc điểm nào mà mình đã đè nén, phủ nhận hoặc chối bỏ. Ví dụ, một người cực kỳ thờ ơ sẽ đè nén phần trong họ vốn có xu hướng nỗ lực và phấn đấu, trong khi một người luôn nỗ lực lại có khả năng sẽ đè nén phần thờ ơ bên trong mình. Bởi vì linh hồn được thúc đẩy hướng về sự trọn vẹn, nó muốn tìm một đối tượng khiến nó cảm thấy toàn vẹn hơn, vì vậy thế giới bên ngoài trở thành sự thay thế cho những gì chúng ta thiếu hụt trong thế giới nội tâm. Chính vì lý do này, trong tình yêu và tình bạn, chúng ta có xu hướng thu hút cả hai thái cực. Chúng ta hút về phía mình những người phản chiếu cả hai cực trong ta, để ta có cơ hội nhận ra sự đối lập trong chính mình.

 

Luật hấp dẫn đáp lại cả hai thái cực: sự bù đắp thái quá, và phần bị đè nén đến mức cực đoan trong ta. Chúng ta thu hút họ, ngay cả khi họ có vẻ đối lập với ta, bởi vì phần bản thân đã bị chối bỏ đó vẫn là một phần của ta và do đó vẫn tuân theo luật hấp dẫn. Nhưng bạn đời, đặc biệt là người yêu hoặc những người thân thiết nhất, thường là tấm gương đối lập của ta. Họ phản chiếu lại đặc điểm mà ta đã đè nén, và chúng ta phản chiếu lại đặc điểm mà họ đã chối bỏ. Người thờ ơ, vì vậy, rất có thể sẽ rơi vào mối quan hệ với một “con nghiện thành công”, và cả hai sẽ bị tổn thương bởi người còn lại, bởi mỗi người là sự gợi nhắc về phần bản thân đã từng bị chối bỏ.

 

Họ phản chiếu cho nhau thấy phần bản ngã đã mất. Bạn biết không? Chúng ta nhận ra và nhìn thấy ở người khác những điều mà ta đã từng phủ nhận và chối bỏ trong chính mình. Đó mới thật sự là bản chất của sự phóng chiếu. Khi ta nhận thấy một đặc điểm nào đó ở người khác mà ta đã từng cho là “không thể chấp nhận được” trong chính mình từ rất lâu rồi, ta sẽ có cùng phản ứng như với chính phần đó trước đây: từ chối, tránh né, đè nén, loại bỏ. Ngược lại, khi ta nhìn thấy những phẩm chất tích cực nơi người khác, những phẩm chất mà ta từng đè nén trong bản thân, ta sẽ yêu họ say đắm. Ta cảm thấy như đó là cơ hội để trở nên toàn vẹn hơn, ta muốn nhiều hơn, ta bị nghiện, ta thần thánh hóa nó và thậm chí tôn sùng nó. Đây chính là điều đang xảy ra khi bạn nhìn thấy những đám đông các cô gái hét lên trong buổi hòa nhạc của Justin Bieber. Tất cả họ đều đang phóng chiếu phần tích cực mà họ từng chối bỏ trong chính mình lên anh ấy, chủ yếu là cảm giác về sự quan trọng và tính dục. Mà họ, tất nhiên, từng chối bỏ để trở thành những cô bé ngoan ngoãn, khiêm tốn, vâng lời cha mẹ.

 

Đặc điểm chính của phần bản thân bị đè nén hoặc phủ nhận là nó hoàn toàn vô hình với bạn, nhưng lại hoàn toàn hiện diện trong mắt người khác. Đó là lý do tại sao bạn cảm thấy vô cùng ngạc nhiên khi có người nhìn ra những đặc điểm nơi bạn mà bạn không hề thấy ở chính mình. Nhưng bạn biết không? Đó chính là cách mà nó phải xảy ra, nếu bạn đã từng đè nén một phần của bản thân, bạn sẽ không có chút nhận thức nào về nó, đó chính là mục đích ngay từ đầu. Tách rời khỏi nó là chiến lược sinh tồn của bạn.

 

Vậy nên, nếu ai đó khiến bạn cảm thấy như thể việc phóng chiếu là một khuyết điểm tính cách khác nữa, thì bạn hãy suy nghĩ lại. Bởi vì bất kỳ ai đã từng được xã hội hóa, thì kết quả đều sẽ giống nhau. Bất kỳ sự ác cảm cực đoan nào đối với một đặc điểm nơi người khác, đều phản ánh mức độ mà bạn đã từng chối bỏ đặc điểm đó, hoặc tiềm năng của đặc điểm đó, trong chính mình. Càng yêu điều gì đó ở người khác, bạn càng từng chối bỏ nó trong chính mình từ rất lâu rồi.

 

Giờ đây có một sự hiểu lầm phổ biến về phóng chiếu: đó là khi phóng chiếu xảy ra, người ta cho rằng người kia bị gán cho một đặc điểm mà họ không hề có. Nhưng thật ra, phóng chiếu luôn là con đường hai chiều. Điều đó có nghĩa là một trong hai điều: Một là, cả hai người đều có cùng một đặc điểm đó, và một người chỉ đơn giản là nhận ra nó nơi người kia; hoặc, chính việc trở thành đối tượng bị phóng chiếu cho thấy rằng có điều gì đó đang được phản chiếu lại từ người đó. Nói cách khác, để một ai đó phóng chiếu lên ta, chúng ta phải có sự tương hợp về tần số rung động với trải nghiệm đó. Nghĩa là, trải nghiệm bị người khác phóng chiếu lên cũng đang phản ánh một điều gì đó mà chính ta đang chối bỏ bên trong mình.

 

Và nhân tiện, cần phải nói rằng phóng chiếu ngày nay đã trở thành một trong những công cụ lảng tránh và trốn tránh trách nhiệm lớn nhất từng được phát minh, đặc biệt là trong cộng đồng tâm linh thời đại mới. Tôi phát điên mỗi khi nghe ai đó nói: “Bạn chỉ đang phóng chiếu thôi.” Đó là một cách siêu hiệu quả để khỏi phải nhìn lại chính mình một cách rõ ràng và khách quan.

 

Bạn sẽ không bao giờ đạt đến trạng thái nhận thức bản thân nếu bạn cứ tiếp tục làm như vậy. Bạn không thể nhìn rõ ai đó một cách có ý thức cho đến khi bạn hoàn toàn có ý thức về chính mình. Nếu không, bạn sẽ tiếp tục nhìn mọi người qua lăng kính của tâm trí vô thức của mình.

 

Mỗi lần chúng ta thoái thác việc nhìn vào bản thân bằng cách nói: “Bạn chỉ đang phóng chiếu thôi,” là chúng ta bỏ lỡ cơ hội để nhìn rõ chính mình và cũng bỏ lỡ cơ hội để nhìn rõ thế giới và người khác. Tất cả chúng ta đều phóng chiếu.

 

Tất cả chúng ta đều nhận ra những gì mình từng chối bỏ, kìm nén và phủ nhận trong bản thân, thông qua sự phản chiếu từ bên ngoài. Ở giai đoạn hiện tại trong tiến trình tiến hóa của nhân loại, việc phóng chiếu sẽ không hoàn toàn biến mất. Và mục tiêu của cuộc sống bạn không phải là ngừng phóng chiếu, mà là trở nên hoàn toàn tự nhận thức. Những phản ứng tiêu cực cực độ và tích cực cực độ của chúng ta với người khác là cơ hội hoàn hảo để phát triển sự nhận thức bản thân.

 

Ngoài ra, càng ghét bỏ điều gì ở người khác thì chúng ta càng khiến vết thương của mình kéo dài. Bởi vì khi từ chối hoặc không chấp nhận điều gì đó nơi họ, là chúng ta đang từ chối và không chấp nhận nó trong chính mình một lần nữa.

 

Vậy nên, đây là cách để bạn khám phá sự tự chối bỏ bản thân thông qua việc tận dụng hiện tượng phóng chiếu:

 

1. Hãy quan sát những đặc điểm hay khía cạnh tiêu cực ở người khác mà bạn không ưa. Đặc biệt chú ý đến những điều bạn không thích ở người yêu hoặc bạn đời. Điều gì khiến bạn khó chịu?

 

2. Tìm ra ý định tích cực ẩn sau cái điều tiêu cực mà bạn ghét ở người khác. Nói cách khác, động cơ thật sự đằng sau hành vi hoặc đặc điểm tiêu cực đó là gì? Câu trả lời luôn liên quan đến việc bảo vệ bản thân khỏi tổn thương.

 

3. Tại sao đối với những người đó, việc trở thành điều trái ngược với đặc điểm tiêu cực ấy lại nguy hiểm hoặc không thể chấp nhận được? Ví dụ: nếu tôi là người lười biếng, thì tại sao việc trở nên có động lực và nỗ lực lại là điều nguy hiểm hoặc không được chấp nhận?

 

4. Hãy thừa nhận rằng, dù bạn có cố phủ nhận hay không muốn công nhận đến mức nào, những khía cạnh bạn căm ghét ở người khác luôn là sự phản chiếu của chính bạn. Đó là những đặc điểm mà bạn đã kìm nén. Chúng là tấm gương phản chiếu phần bạn đã từ chối trong chính mình. Càng cố bảo vệ bản thân khỏi chính mình, thì những đặc điểm bạn ghét ở người khác sẽ càng trông chẳng giống bạn chút nào. Bạn sẽ tự nhủ: “Tôi hoàn toàn không như vậy.”

 

5. Hãy sẵn sàng mở lòng và dễ bị tổn thương đến mức bạn có thể chấp nhận rằng những đặc điểm đó thật sự là của mình, và nhìn ra điều đó đúng như thế nào. Có hai khả năng ở đây:

 

- Một là bạn thật sự có những đặc điểm đó giống y như người bạn ghét;

- Hai là chúng đã bị bạn chôn sâu đến mức bạn không bao giờ thể hiện điều đó (hoặc kìm nén quá mức), điều này cũng không lành mạnh.

 

6. Nếu bạn cảm thấy quá khó để tự thực hiện quy trình này, hãy nhờ người khác giúp. Một cách hiệu quả để biết mình đang kìm nén, chối bỏ hay phóng chiếu điều gì là khi bạn nghe nhiều hơn một người nói cùng một điều tiêu cực về bạn. Một ý tưởng khác là: hãy nhờ những người hiểu rõ bạn liệt kê ra những điều họ không thích ở bạn. Hãy chú ý đặc biệt đến những điểm lặp lại nhiều lần.

 

7. Giống như bạn đã làm với người yêu hoặc người khác ở bước đầu, hãy hỏi chính mình: “Tại sao việc trở thành điều đối lập với đặc điểm tiêu cực mà tôi đang có lại nguy hiểm hoặc không thể chấp nhận được?” Ví dụ: “Tại sao tôi không được phép làm người lười biếng?”

 

8. Hãy bắt đầu tìm thấy sự chấp nhận đối với những điều bạn không thích ở người khác và ở chính mình. Điều này không có nghĩa là tự dối lòng. Bạn không thể nói: “Ồ, họ mắc bệnh ái kỷ, tôi thích điều đó,” bởi vì điều đó không thật. Nhưng có thể, một số đặc điểm đi kèm với bệnh ái kỷ lại có điểm tốt, có giá trị. Đó chính là thứ bạn cần nhận ra để giải phóng sự kháng cự, không chỉ đối với người khác, mà đặc biệt là đối với phần bạn đang chối bỏ, kìm nén hay cố tách khỏi mình.

 

Ví dụ: Một người tàn nhẫn có thể chẳng bận tâm người khác nghĩ gì về họ. Không phải chúng ta ai cũng mong mình có thể tự do như vậy sao?

 

9. Hãy học cách tiếp nhận và biểu lộ những khía cạnh ở người khác mà bạn không ưa, nếu chúng thật sự là tấm gương của những phần trong bạn mà bạn cũng đang không ưa, theo cách có lợi cho bạn. Điều này không có nghĩa là bạn trở nên lười biếng hay tàn nhẫn. Mà là: hãy nghỉ ngơi, hoặc ngừng luôn việc đồng ý với mọi người. Ví dụ: điểm tích cực của người lười là họ không ngại nghỉ ngơi. Vậy thì việc chấp nhận phần bị chối bỏ đó của bạn có thể thể hiện bằng việc bạn cho phép mình được nghỉ ngơi. Điều đó sẽ đưa bạn đến gần hơn với trạng thái toàn vẹn.

 

Bạn có thể áp dụng toàn bộ tiến trình vừa rồi với những điểm tích cực nữa. Để làm điều đó, chỉ cần tìm hiểu xem bạn ngưỡng mộ, ghen tị hay phải lòng điều gì ở người khác, đặc biệt là người yêu, con cái hoặc thần tượng, và khám phá lý do vì sao bạn từng kìm nén những điều tích cực đó trong bản thân. Tìm hiểu tại sao việc sở hữu những phẩm chất tích cực ấy lại từng là điều nguy hiểm.

 

Ví dụ: nếu tôi lười biếng và tôi ganh tị với những người có động lực, siêng năng, thì tại sao khi còn nhỏ tôi lại không được phép trở nên có động lực và nỗ lực? Hãy tìm cách để biểu lộ những phẩm chất ấy trong cuộc sống của bạn.

 

Nếu tôi đang ở một buổi hòa nhạc của Justin Bieber và tôi yêu thích cái cảm giác quan trọng, nổi bật mà cậu ấy có, thì làm thế nào để tôi cho phép chính mình được quan trọng hơn? Nhận thức rõ rằng, khía cạnh bị đè nén ấy vẫn là một phần trong tôi. Bên trong tôi có một phần rất muốn được nổi bật, và muốn điều đó được thể hiện ra bên ngoài.

 

Phán xét không nhất thiết là điều xấu. Và bạn không thể ngừng phán xét chỉ bằng cách quyết định là sẽ ngừng. Có ai từng làm được không? - Tôi chưa từng thấy ai làm được cả.

 

Điều đó có nghĩa là: thay vì lo lắng về việc phải ngừng phán xét người khác, chúng ta cần phát triển một tâm trí cởi mở đến mức dám nhìn thẳng vào những phán xét đó, và dùng chính sự phán xét của mình, cả tích cực lẫn tiêu cực, để nhận ra những khía cạnh mà ta từng chối bỏ trong chính mình. Khi đó, những phán xét sẽ chuyển hóa thành quan sát.

 

Vậy, bạn đang phán xét điều gì?

 

Sự phóng chiếu là một trong những công cụ tuyệt vời nhất để phát triển sự tự nhận thức. Nó cũng là một trong những cái cớ phổ biến nhất để né tránh sự tự nhận thức.

 

Chúng ta không thể thật sự sống một cách chân thật chừng nào ta còn tiếp tục từ chối, kìm nén, phủ nhận hay chối bỏ những khía cạnh trong chính mình, dù là tích cực hay tiêu cực.

 

Vì vậy, nếu bạn đủ can đảm để chịu đựng cảm giác không thoải mái khi nhìn rõ chính mình, đặc biệt là những phần trong bạn đang bị thiếu vắng, thì tôi có thể đảm bảo rằng bạn đã đi được một chặng đường rất xa trên hành trình trở nên chân thật, và bạn cũng đang tiến rất gần đến trạng thái toàn vẹn.

 

Chúc bạn một tuần thật tốt lành.

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=9jFBhJSgw0M

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.