Teal Swan Transcripts 135
Động lực 'Xin hãy yêu tôi'
26-07-2014
Chào mọi người…
Hôm nay, tôi sẽ nói chuyện với các bạn ở một cấp độ rất con người, rất thực tế,
về một trong những động lực quan hệ phổ biến nhất nhưng cũng mang tính hủy hoại
nhiều nhất trong thế giới ngày nay. Tôi sẽ nói về nó trong hình thức phổ biến
nhất: giữa một người phụ nữ và một người đàn ông. Nhưng hãy nhớ rằng, đây không
phải là hình mẫu duy nhất. Vai trò giới có thể đảo ngược. Và cũng đừng quên, động
lực này hoàn toàn có thể xuất hiện trong các cặp đôi đồng giới. Tôi sẽ gọi nó
là: Động lực “Làm ơn, hãy yêu tôi”.
Trong động lực
này, người phụ nữ liên tục cố gắng thu hút và giữ lấy sự chú ý, và do đó là
tình yêu, của người đàn ông. Trong khi đó, người đàn ông cảm thấy mình không
bao giờ có thể làm hài lòng người phụ nữ, và vì thế, anh ta không thể được yêu,
nên anh ta rút lui. Nó giống như hiệu ứng dây thun: người phụ nữ càng tiến lại
gần, người đàn ông càng rút xa.
Chúng ta sẽ bắt
đầu với phần của người phụ nữ. Đây là một hiện tượng phổ biến ở khắp nơi. Ai
cũng từng xem những bộ phim như “Romeo và Juliet” hay “The
Notebook” (Nhật ký tình yêu).
Chúng ta khao khát mức độ gần gũi như vậy. Chúng ta khao khát sự kết nối ấy.
Chúng ta ghen tỵ
đến mức tức giận với những người phụ nữ có thể thu hút những người đàn ông say
mê họ, những người đàn ông sẵn sàng vượt tường, bơi qua đại dương, và luôn ở
bên họ dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Những người đàn ông đủ nam tính để không bị
đe dọa bởi họ, và cũng đủ nam tính để dẫn dắt mối quan hệ. Những người đàn ông
trân trọng họ đúng như chính con người họ, ngay trong khoảnh khắc hiện tại.
Nhưng thực tế
thì sao? Thực tế là chúng ta thường gặp những người đàn ông không bao giờ dốc
toàn tâm toàn ý. Họ thờ ơ với chúng ta.
Chúng ta dành từng
phút trong đời để tìm cách lôi kéo anh ta vào trung tâm của mối quan hệ. Chúng
ta cố truyền cảm hứng để anh ta nỗ lực vì chúng ta. Chúng ta cảm thấy mình phải
“uốn cong người ngược ra sau” để khiến anh ta chú ý, và giữ được sự chú ý ấy.
Cuối cùng, chúng ta kiệt sức. Chúng ta cảm thấy cô đơn. Dù có thể đang ở trong
cùng một căn phòng, nhưng chúng ta “cô đơn” trong chính căn phòng ấy.
Rồi chúng ta bắt
đầu cảm thấy tuyệt vọng. Thật ra, “tuyệt vọng” trở thành trạng thái cảm xúc thường
trực. Sự tuyệt vọng vì khao khát tình yêu và sự chú ý, sự tuyệt vọng vì khao
khát một dòng năng lượng hướng về phía mình, khiến chúng ta cảm thấy hoàn toàn
bất lực trước đối phương.
Vì thế, chúng ta
bắt đầu tức giận. Chúng ta bắt đầu chỉ trích. Và hệ quả là, những người đàn ông
trong cuộc đời chúng ta cảm thấy họ không được yêu thương. Họ thậm chí cảm thấy
như chúng ta đã thay đổi hoàn toàn. Ban đầu, chúng ta từng xem họ là tuyệt vời.
Nhưng giờ đây, họ cảm thấy mình đã “rơi khỏi ngai vàng”.
Vì họ không thể
làm chúng ta hài lòng, không thể khiến chúng ta hạnh phúc, và vì chúng ta không
ngừng chỉ trích họ, nên họ rút lui. Điều đó khiến chúng ta tức giận hơn. Và họ
lại rút lui nhiều hơn. Điều đó khiến chúng ta càng thêm tức giận. Và rồi họ lại
tiếp tục rút lui. Và cứ thế, chúng ta đang cưỡi trên một quả cầu tuyết đang lăn
thẳng xuống địa ngục...
Và giờ, đến phần
của người đàn ông.
Đàn ông mơ về một
người phụ nữ sống động, tự do, có thể tận hưởng tình yêu và những khoảnh khắc đầy
sống động mà không bị áp lực. Họ muốn một kết nối sâu sắc với một người phụ nữ
đủ tự tin để cho phép họ là chính mình và làm những gì họ muốn, nhưng cũng đủ nữ
tính để để cho họ được dẫn dắt. Họ muốn một người phụ nữ có thể yêu thương và
trân trọng họ đúng như con người họ đang có, ngay tại đây và bây giờ.
Nhưng thực tế
thì sao? Thực tế là họ gặp những người phụ nữ luôn không hài lòng với điều gì
đó ở họ. Họ gặp những người phụ nữ hay cằn nhằn và chỉ trích.
Cuộc sống của họ
đầy rẫy căng thẳng, một thứ căng thẳng mà không hề tồn tại khi họ không ở bên
cô ấy. Họ cảm thấy những gì họ làm không bao giờ là đủ, và họ không thể hiểu nổi
người phụ nữ ấy muốn gì. Giống như thể hai người đang nói hai ngôn ngữ khác
nhau. Họ bắt đầu cảm thấy bị mắc kẹt trong một tình huống không thể thắng nổi.
Họ không biết cách nào để làm người kia hạnh phúc, nên họ bắt đầu rút lui và
nuôi dưỡng sự oán giận trong im lặng.
Và rồi, năng lượng
bị dồn nén cùng sự bực bội ấy đi đâu? Nó đi vào những ảo tưởng. Nó đi vào ma
túy. Nó đi vào phim khiêu dâm. Nó đi vào những người phụ nữ khác.
Hệ quả là, những
người phụ nữ trong cuộc đời họ bắt đầu cảm thấy không được yêu. Và vì điều đó,
họ bắt đầu bám víu lấy năng lượng của người đàn ông nhiều hơn. Họ khiến anh ấy
cảm thấy bị mắc kẹt. Họ trở nên phụ thuộc. Họ chỉ trích. Và, vì cảm giác bị mắc
kẹt ấy, vì anh ấy không thể làm họ hài lòng, vì mọi chuyện chỉ càng tồi tệ hơn,
vì họ càng ngày càng chỉ trích nhiều hơn, nên anh ấy rút lui nhiều hơn. Điều đó
khiến cô ấy tức giận. Và anh ấy lại rút lui.
Điều đó lại khiến
cô ấy tức giận. Và anh ấy lại rút lui.
Và một lần nữa,
chúng ta đang cưỡi trên một quả cầu tuyết lăn thẳng xuống địa ngục…
Vũ điệu rung động
mà đàn ông và phụ nữ thường cuốn vào này có thể dễ dàng hình dung như hình ảnh
một cái hồ bơi trẻ em giữa hai người. Hãy gọi cái hồ bơi ấy là “vùng đất của mối
quan hệ” hoặc “vùng đất của sự thân mật”. Điều thường xảy ra là: người phụ nữ (hoặc
một đối tác) đang cố kéo đối phương (thường là nam) vào trong hồ bơi, trong khi
người kia thì liên tục tìm cách thoát ra.
Về nguyên nhân tạo
nên động lực này, như thường lệ, chúng ta phải nhìn về thời thơ ấu. Nhưng tôi
muốn bạn nhớ rằng, tôi sẽ đưa ra kịch bản phổ biến nhất giữa mối quan hệ cha mẹ,
con cái dẫn đến kiểu quan hệ như thế này. Tuy nhiên, đôi khi lại không phải như
vậy. Có những trường hợp cha hoặc mẹ cùng giới lại là người gây ra tổn thương.
Nhưng thường thì, khi chúng ta bước vào những mối quan hệ lãng mạn, chúng phản
chiếu lại mối quan hệ giữa ta với người cha hoặc mẹ khác giới của mình.
Với những bé
gái, chúng ta có những người cha không thể tạo nên sự thân mật và gần gũi về mặt
cảm xúc với mình. Những người cha luôn có điều gì đó quan trọng hơn để làm.
Họ luôn bận rộn
với công việc ở văn phòng, hoặc làm một dự án nào đó trong nhà, hoặc đắm chìm
trong thú vui riêng, hoặc dồn hết sự chú ý của họ cho mẹ của chúng ta. Cha của
chúng ta không chủ động dành thời gian chất lượng với chúng ta. Họ không tìm hiểu
xem chúng ta là ai, thích gì hay ghét gì. Chúng ta phải gần như “uốn dẻo” đủ kiểu
chỉ để giành được sự chú ý của họ. Họ không chủ động hướng năng lượng về phía
chúng ta theo bất kỳ cách nào. Thay vào đó, họ khiến chúng ta cảm thấy như thể
mình phải chinh phục và giành lấy sự chú ý của họ, rồi lại phải nỗ lực gấp đôi
để giữ được sự chú ý đó. Dù chúng ta có khao khát đến mấy, thì cũng không bao
giờ trở thành “con gái cưng của cha”.
Cảm giác này, tất
nhiên, càng nặng nề hơn nếu chúng ta sống trong sự chăm sóc của một người cha
không bảo vệ chúng ta, không bảo vệ khỏi những tổn hại từ bên ngoài, dù là tổn
hại về thể chất hay cảm xúc, đến từ người trong hay ngoài gia đình. Có thể là
anh chị em ruột, có thể là người mẹ còn lại, hoặc một người bạn của gia đình.
Và mọi chuyện
còn tồi tệ hơn nếu mối quan hệ với mẹ của chúng ta cũng tệ. Nếu đó là một mối
quan hệ đầy cạnh tranh, hoặc lạnh nhạt, thì nỗi đau càng lớn. Khi đó, thứ mà
chúng ta thực sự khao khát từ cha mình, chính là sự cứu rỗi khỏi cô đơn và nỗi
sợ. Điều đó khiến mọi thứ càng trở nên hệ trọng.
Cần phải đề cập ở
đây, nếu chúng ta từng phải cạnh tranh với mẹ hoặc anh chị em mình để giành lấy
sự chú ý từ cha, thì sau này, chúng ta rất dễ rơi vào những mối quan hệ với người
đàn ông lãnh đạm, người luôn hướng sự chú ý của mình sang những người phụ nữ
khác. Tương tự, nếu chúng ta từng phải cạnh tranh với sự nghiệp hoặc sở thích của
cha để có được sự chú ý từ ông, thì sau này, rất có thể chúng ta sẽ gắn bó với
những người đàn ông hờ hững, những người dành hết tâm trí cho công việc hoặc
đam mê cá nhân.
Chúng ta khó có
thể nhận ra rằng cảm giác mà chúng ta đang có trong mối quan hệ yêu đương hiện
tại, thực chất chính là cảm giác mà ta từng có trong mối quan hệ với cha mình.
Chúng ta khó thấy được điều này, vì nỗi đau năm xưa đã bị chôn giấu quá sâu dưới
khát khao được cha yêu thương.
Khi chúng ta
không nhận được tình yêu mà mình mong muốn từ cha mẹ, ta thường lý tưởng hóa họ,
và tiếp tục cố gắng với tới họ. Vì sự khao khát ấy quá lớn, nên ta không thật sự
nhận ra nỗi đau khủng khiếp mà sự “rút lui” hoặc thiếu quan tâm từ họ đã gây ra
cho mình.
Còn đối với các
chàng trai, các bạn có những người mẹ quá mức gắn bó, đến mức không thể để cho
bạn được tự do. Mẹ bạn bủa vây bạn bằng sự gần gũi, nhưng đó không phải là sự gần
gũi dễ chịu. Các bạn có những người mẹ nhầm lẫn lo lắng là yêu thương.
Họ hay cằn nhằn
và chỉ trích bạn. Đó là kiểu gần gũi đi kèm với sự phán xét. Họ can thiệp vào
việc bạn trở thành người như thế nào, bạn mặc gì, cư xử ra sao. Họ khiến bạn cảm
thấy có lỗi mỗi khi bạn làm họ không vui. Họ kiểm soát bạn. Tình yêu của họ giống
như chất độc, vì nó không đến một cách tự nhiên, mà chỉ được trao đổi khi bạn
làm họ hài lòng. Và dường như, bạn không bao giờ làm họ hài lòng đủ.
Mẹ bạn là người
không thể hài lòng. Họ chỉ chấp nhận bạn khi bạn làm điều gì đó cho họ. Họ yêu
bạn vì cái họ muốn bạn trở thành, chứ không phải vì con người thật của bạn. Mối
quan hệ ấy khiến bạn thấy căng thẳng. Mẹ bạn khiến bạn có trách nhiệm với hạnh
phúc của họ, nên bạn đã học cách để tự bảo vệ mình, bằng cách khép kín cảm xúc
với họ. Bạn học được rằng: sự thân mật là nguy hiểm. Bạn khao khát nó, nhưng
cũng coi nó như một cái bẫy.
Bạn có thể từng
là một “cậu bé của mẹ”, nhưng thực lòng, bạn không hề muốn như vậy. Cảm giác
làm “cậu bé của mẹ” trong tình huống này thật sự không dễ chịu chút nào.
Cảm giác này, tất
nhiên, càng thêm nặng nề nếu cha bạn là người tránh né, quá thụ động, hoặc nghiện
ngập. Khi điều này xảy ra, mẹ bạn rất có thể đã thay thế chồng mình bằng bạn,
con trai mình. Và lúc đó, bạn phải trở thành chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Điều này
đổ thêm dầu vào lửa, khiến bạn càng cảm thấy rằng sự thân mật là thứ gì đó
“nguy hiểm”.
Bạn khó có thể
nhìn ra rằng cái động lực bạn đang sống trong các mối quan hệ hiện tại, thật ra
chính là cái động lực mà bạn từng có với mẹ. Bởi vì bạn vẫn cảm thấy tội lỗi
khi nhìn mẹ mình theo cách đó. Bạn không nghĩ rằng mình được phép nhìn mẹ một
cách rõ ràng như vậy. Ở một mức độ nào đó, bạn vẫn cảm thấy mình có trách nhiệm
với hạnh phúc của bà, và vì vậy, bạn không cho phép mình nhìn thấy sự thật về
con người mẹ bạn, hay sự thật về tuổi thơ của chính mình. Cảm giác tội lỗi đó
giữ bạn trong nhà tù, khiến bạn nhắm mắt, và không thể nhận ra sự thật về mối
quan hệ của mình.
Đây có lẽ là kiểu
động lực phổ biến nhất trong các mối quan hệ yêu đương hiện nay.
Phụ nữ chúng ta
lặp lại những động lực mà ta từng có với cha trong mối quan hệ với bạn đời. Và
đàn ông thì tái hiện lại mối quan hệ với mẹ trong tình yêu của mình.
Vậy, chúng ta
nên làm gì với điều này?
Bước
1:
là chúng ta phải nhận ra rằng điều này thật sự đang xảy ra. Đó là lý do vì sao
tôi dành nhiều thời gian để giải thích rõ điều này, để bạn có thể thấy nó đúng
là như vậy. Hãy tự hỏi bản thân: Có phải chúng ta đang cố biến người cha lãnh đạm
thành một hình mẫu cha lý tưởng – yêu thương, quan tâm, bảo vệ – bằng cách cố gắng
biến người bạn đời lãnh đạm thành một người tình sâu sắc, gắn bó, luôn hiện diện
và che chở? Có phải chúng ta đang cố biến người mẹ không thể hài lòng thành một
hình mẫu người mẹ luôn yêu thương vô điều kiện, luôn chấp nhận và dễ chịu, bằng
cách cố gắng biến người yêu hay chỉ trích, dính chặt và khó chiều của mình
thành một người phụ nữ tự tin, biết yêu vô điều kiện và đầy quyến rũ?
Bước
2:
Là phụ nữ, chúng ta phải sẵn sàng buông bỏ mối quan hệ, để nó có thể thất bại.
Nỗi sợ lớn nhất của phụ nữ là: nếu ta không kéo một người đàn ông về phía mình,
không nắm lấy năng lượng của anh ấy, thì anh ấy sẽ không bao giờ chủ động tiến
về phía ta. Năng lượng của anh ấy sẽ không bao giờ đến nếu ta không kéo. Nhưng
sự thật là: tốt hơn hết là buông bỏ và không có một mối quan hệ nào, còn hơn là
ở lại trong một mối quan hệ khiến ta kiệt sức và cảm thấy không được yêu
thương, y như cảm giác bị bỏ rơi, bởi vì ta luôn phải cố kéo năng lượng của ai
đó về phía mình, luôn phải cố thuyết phục ai đó yêu mình.
Có rất nhiều
chương trình dành cho phụ nữ dạy cách “huấn luyện” đàn ông để họ biết yêu bạn.
Một trong những
kỹ thuật phổ biến nhất gọi là “Phản chiếu”, tức là nếu bạn đang ở với một người
đàn ông có xu hướng rút lui, thì bạn cũng rút lui. Bạn phản chiếu y hệt hành vi
của anh ta bằng chính hành vi của bạn. Và đúng là, kỹ thuật này thường có tác dụng.
Nhưng câu hỏi
là, nếu bạn phải sống cả đời theo kiểu “huấn luyện” người đàn ông mà bạn đang ở
bên để họ biết cách duy trì một mối quan hệ với bạn, thì liệu hai người có thực
sự “hợp nhau” ngay từ đầu? Điều này đảm bảo bạn sẽ luôn phải sống trong thế chủ
động, đầy tính chiến lược, thay vì được thư giãn trong một mối quan hệ thân mật,
nâng đỡ, với một người đàn ông thực sự muốn gắn bó và sẵn sàng đầu tư năng lượng
vào bạn.
Mối quan hệ của
bạn sẽ trở thành một trò chơi đầy toan tính. Và bạn sẽ chẳng khác gì hình ảnh bạn
từng có với cha mình, luôn phải điều chỉnh hành vi để có được phản ứng bạn mong
muốn từ ông.
Hãy dồn toàn bộ
năng lượng mà bạn vẫn dùng để cố gắng khiến anh ấy hiện diện với bạn, quay ngược
lại và đầu tư cho chính mình.
Tôi biết nghe điều
này thật khó chịu, bởi vì ta đang cảm thấy cô đơn cùng cực, cảm thấy như bị bỏ
rơi và không xứng đáng được yêu, trong khi thông điệp ta liên tục nhận được từ
các chuyên gia phát triển bản thân lại là: “Hãy học cách yêu bản thân mình hơn
nữa.”
Nhưng đầu tư
năng lượng cho chính mình là cách chắc chắn nhất để biết rằng: người bạn đang ở
bên có phải là người phù hợp với bạn, hay thực ra hoàn toàn không phải.
Hãy nói cho người
bạn đời của bạn biết bạn cần gì và mong muốn điều gì, rồi sau đó, hãy lùi lại.
Nếu anh ấy không cho bạn điều bạn cần và mong muốn, thì nghĩa là anh ấy không
thực sự muốn toàn tâm toàn ý với mối quan hệ này. Và bạn phải sẵn sàng chấp nhận
rủi ro đó, thay vì sống suốt phần đời còn lại bên một người không phù hợp. Nếu
người đàn ông đó dần biến mất khỏi cuộc đời bạn, thì đó chính là dấu hiệu cho
thấy anh ta vốn không thuộc về nơi này. Ở một mức độ nào đó, bạn cần chấp nhận
rằng nếu anh ấy muốn ở lại, anh ấy đã ở lại rồi.
Với nam giới,
các anh cần thật sự quyết định rằng mình có muốn ở trong mối quan hệ này hay
không, và không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này. Vì mối quan hệ các
anh từng có với mẹ, nên ban đầu sẽ cảm thấy tội lỗi khi muốn rời khỏi một mối
quan hệ, và có thể né tránh điều đó trong nhiều năm, dù trong thâm tâm biết rằng
nó không thể kéo dài mãi. Nếu bạn đang gặp khó khăn khi tiến tới trung tâm của
một mối quan hệ, hãy tự hỏi bản thân: “Mình có toàn tâm toàn ý không?” Nếu câu
trả lời là không, bạn đã biết phải làm gì, thu dọn đồ đạc, rời đi, chấm dứt mối
quan hệ đó. Nhưng nếu câu trả lời là có, thì giờ là lúc bạn cần cam kết. Đây là
lúc bạn cần nhận ra khi nào mình đang rút lui. Bạn phải bắt quả tang chính mình
lúc đang làm vậy và làm điều ngược lại. Không chỉ vậy, bạn còn phải học cách
yêu thương.
Có rất nhiều người
xung quanh bạn có thể giúp bạn học cách yêu thương ai đó. Thậm chí Google trên
Internet cũng có thể dạy bạn cách yêu một người. Bạn có thể gõ tìm kiếm “những
ý tưởng lãng mạn để khiến người yêu cảm nhận được tình yêu của bạn”. Có quá nhiều
ý tưởng trên mạng đến mức tôi sẽ không bàn thêm trong video này. Và nếu sau khi
làm những điều đó bạn vẫn cảm thấy rối bời, thì cứ hỏi thẳng người yêu của bạn,
tôi chắc chắn cô ấy sẽ biết chính xác điều gì khiến cô ấy cảm thấy được yêu.
Việc bạn rút lui
và ưu tiên những thứ khác là một lựa chọn mà chính bạn đang đưa ra. Nếu bạn thực
sự muốn ở bên cô ấy, thì bạn đã ở bên rồi. Vậy nên, hãy đưa ra quyết định đó.
Bước
3:
Chúng ta cần làm công việc chữa lành Đứa Trẻ Bên Trong với chính những đứa trẻ
nội tâm của mình, những đứa trẻ đang gánh chịu tổn thương từ các mô hình quan hệ
thất bại với cha mẹ. Điều đó có nghĩa là, các cô gái, bạn cần tìm những hình mẫu
người cha tốt hơn cho Đứa Trẻ Bên Trong của mình. Bạn cần tìm cách “làm cha”
cho chúng, trao cho chúng tình yêu và sự quan tâm mà chúng từng khao khát, và
cho phép chúng nhận điều đó từ người khác, chứ không nhất thiết phải là cha ruột,
nếu tâm trí bạn không thể nào hình dung ra việc cha bạn có thể là người đáp ứng
điều đó.
Còn các chàng
trai, các bạn cần bảo vệ Đứa Trẻ Bên Trong mình khỏi người mẹ quá mức chỉ
trích. Nếu trong một ký ức nào đó, mẹ bạn đang chỉ trích bạn, bạn cần đứng ra
giữa Đứa Trẻ và người mẹ. Hãy tạo ra một hình mẫu người cha hoặc người chồng
cho mẹ bạn, người phù hợp hơn cha bạn, và để người đó là chỗ dựa tinh thần cho
mẹ, thay vì bạn.
Bạn cần cho Đứa
Trẻ này được tự do. Bạn cần để Đứa Trẻ này cảm thấy được công nhận vì chính con
người của nó. Điều bạn cần làm là cho phép Đứa Trẻ này có những sở thích riêng,
một cuộc sống riêng.
Bước
4:
Chúng ta cần rõ ràng và thật thà đến tận cùng về điều mình cần và mong muốn từ
người bạn đời. Và cũng cần thật thà đến tận cùng về việc mình có thực sự đáp ứng
được những điều mà họ cần và mong muốn hay không. Đây là một vấn đề lớn đối với
rất nhiều người trong chúng ta, những người muốn ở trong một mối quan hệ mà thật
ra mình không phù hợp.
Khi ta quá khao
khát được ai đó yêu thương, ta thường tự tô vẽ về bản thân những điều mà thật
ra ta không có khả năng làm được. Ta thích nói rằng mình có thể chấp nhận những
điều mà thật ra mình không thể. Ta phải thật lòng với chính mình: “Nếu người đó
không tồn tại, thì mình muốn mẫu người như thế nào?”, “Mình muốn kiểu tình yêu
ra sao?”, “Mình cần điều gì trong một mối quan hệ?”. Hãy ngừng định hình nhu cầu
và mong muốn của bạn theo người mà bạn đang ở cùng, và tìm ra chúng một cách độc
lập.
Nếu chúng ta
không thể đáp ứng những điều mà đối phương cần và mong muốn, thì ta cần chấm dứt
mối quan hệ, thay vì cố ép mình sống sai cách trong nhiều năm. Ta cần cho phép
bản thân tìm được những người có thể đáp ứng điều đó, những người muốn làm điều
đó.
Bước
5:
Cả hai người trong mối quan hệ đều cần học cách biết trân trọng bản thân. Nếu bạn
đang gắn kết với một người thờ ơ với mình, hoặc một người luôn chỉ trích mình,
thì đó là dấu hiệu cho thấy bạn chưa thực sự trân trọng chính mình.
Chủ đề “Làm sao
để trân trọng bản thân” có thể sẽ là một video riêng, nên có thể tôi sẽ làm điều
đó sau. Nhưng đây là điều thiết yếu mà những ai đang vướng vào kiểu năng lượng
cảm xúc này cần làm được, phát triển lòng tự trọng, cảm nhận được giá trị và sự
chấp thuận từ bên trong, để chúng ta không còn thu hút những người không chấp
nhận con người thật của mình nữa.
Bước
6:
Và đây có lẽ là điểm quan trọng nhất, vì chính chúng ta là những người đang
nuôi dưỡng thế hệ tương lai. Nếu ta không muốn thấy mô hình quan hệ sai lệch, đầy
tổn thương này tiếp tục tái diễn, thì mọi thứ phải bắt đầu từ chính cách ta
nuôi dạy con cái.
Điều đó có nghĩa
là, các bà mẹ, chúng ta cần thay đổi cách mình nuôi dạy con. Phải ngừng chỉ
trích và cằn nhằn chúng. Phải bắt đầu để cho chúng được là chính mình. Chúng ta
không thể biến chúng thành người thay thế cho những người chồng vắng mặt. Chúng
ta cần tách nỗi sợ bị người khác phán xét khỏi con cái mình, để ta có thể ngừng
kiểm soát và ngừng cố biến chúng thành những gì ta muốn.
Hãy tưởng tượng
rằng con bạn là những bông hoa độc nhất vô nhị. Bạn không hề biết chúng sẽ trở
thành điều gì, và chính điều đó mới là phần thú vị nhất. Nhiệm vụ của bạn là hiện
diện bên chúng một cách vô điều kiện. Hãy để chúng được tự do. Chúng không “thuộc
về” bạn. Chúng không phải là “sự nối dài” của bạn. Hãy luyện tập sự tập trung
tích cực khi ở bên con. Chúng là những cá thể riêng biệt, với định mệnh riêng,
mong muốn và nhu cầu riêng.
Bạn đang định
hình cho con cái điều mà sau này chúng sẽ mong đợi từ một người bạn gái hay người
vợ. Bạn đang lập trình để con trai mình sau này gắn bó với những người phụ nữ
hay cằn nhằn, chỉ trích, và không bao giờ hài lòng với chúng.
Các người cha,
các anh cần bắt đầu đóng vai trò chủ động trong cuộc đời con gái mình. Hãy gạt
bỏ sự thờ ơ, điều đó không còn hiệu quả nữa. Hãy tìm hiểu xem con bé là ai. Hãy
cho con thấy rằng bạn trân trọng và yêu thương con, hãy dành thời gian cho con.
Hãy để con biết rằng bạn sẽ luôn bảo vệ con. Hãy dồn năng lượng và nỗ lực cho
con. Đừng cho rằng vì bạn là cha, nên con sẽ tự nhiên hiểu rằng bạn yêu con.
Điều quan trọng
nhất bạn cần hiểu, nếu bạn là một người cha, chính là khái niệm về sự thân mật.
Bởi vì nỗi sợ sự thân mật với con gái chính là lý do số một khiến nhiều người
cha né tránh việc gần gũi với con. Họ lo rằng mình sẽ vượt quá giới hạn. Họ
không hiểu rằng sự thân mật không nhất thiết liên quan đến tình dục.
Vì vậy, để hiểu
đúng về sự thân mật, tôi muốn bạn tách từ Intimacy thành cụm “Into-Me-See” (Hãy
nhìn vào trong tôi). Sự thân mật nghĩa là bạn sẵn sàng “nhìn thấu” một con người,
nhìn thấu họ là ai và họ muốn gì. Bạn muốn nhìn thấy bản thể chân thật của họ.
Đó chính là ý
nghĩa thật sự của sự thân mật. Và như bạn thấy, cánh cửa đang mở rộng để bạn nhìn
thấu con gái mình, thấu hiểu ước mơ của con, mong muốn của con, cả những nét
tính cách kỳ lạ mà không hề liên quan đến tình dục.
Hãy để trái tim
bạn chạm đến trái tim con. Hãy cho con thấy rằng bạn yêu con bởi vì bạn nhìn thấy
trọn vẹn con người con. Bạn đang định hình cho con gái bạn điều mà sau này con
sẽ mong đợi từ một người bạn trai hay người chồng. Bạn đang lập trình để con gắn
bó với những người đàn ông thờ ơ với con, không trân trọng con, và rút lui khỏi
con. Bạn đang khiến con sẽ tuyệt vọng chạy theo những người đàn ông không thực
sự yêu con.
Mô hình quan hệ
này đang cực kỳ phổ biến trong thế giới ngày nay, bởi vì nó quá phổ biến trong
mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.
Tin tốt là:
chúng ta có sức mạnh để thay đổi điều đó. Và con đường chấm dứt mô hình này...
luôn bắt đầu... bằng việc chúng ta nhận ra nó.
Chúc bạn một tuần
tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=YjY-1JWED7E
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.