Teal Swan Transcripts 131 - Làm thế nào để ngừng tự cắt (tự làm hại bản thân)

 

Teal Swan Transcripts 131


Làm thế nào để ngừng tự cắt (tự làm hại bản thân)

 

29-06-2014




Chào bạn... "Tự cắt" là một trong những hành vi con người bị hiểu sai nhiều nhất. Đặc biệt là bởi vì nó khiến người khác cảm thấy sợ hãi. Mọi người thường nghĩ: "Nếu họ có thể làm điều đó với chính mình, thì họ có thể làm gì với tôi?" Ngoài ra, tự cắt là một hành vi vô cùng gây nghiện. Vì lý do đó, tôi quyết định đi sâu vào chủ đề này. Trước khi chúng ta đi quá sâu, tôi muốn nói thẳng rằng chính tôi đã từng nghiện việc tự cắt trong rất nhiều năm, vì vậy tôi hiểu chủ đề này ở nhiều cấp độ và góc nhìn khác nhau trong vũ trụ này.

 

Bây giờ, khả năng cao là nếu bạn không phải là người từng tự cắt, thì trong đời bạn sẽ gặp ai đó đang hoặc đã từng tự cắt, và vì lý do đó, chúng ta cần tìm hiểu chủ đề này ở một mức độ sâu sắc hơn. Trong video này, tôi sẽ gọi những người có hành vi này là “Cutters” ,bởi vì đó là cách gọi phổ biến mà người ta thường dùng để chỉ những người tự làm tổn thương bản thân. Nhưng tôi muốn bạn hiểu rõ điều này: Tự cắt không phải là một bản sắc, nó là một triệu chứng.

 

Và có rất nhiều hành vi khác cũng nằm trong phạm trù tự hủy hoại bản thân... không chỉ riêng việc cắt. Một số người tự đốt mình, một số người làm cơ thể tê cóng, có người nhổ tóc, có người tự bẻ xương, đập cho bầm tím, hay thậm chí đưa dị vật vào cơ thể, có rất nhiều hình thức tự làm đau khác nhau. Cắt chỉ là một trong số đó. Và bạn sẽ nhận thấy rằng, người thực hiện hành vi tự làm đau ấy luôn có lý do vì sao họ chọn cách đó để tổn thương bản thân.

 

Ví dụ: Một người chọn việc tự cắt vì họ đang tràn đầy cảm xúc tiêu cực, và khi nhìn thấy máu chảy ra khỏi cơ thể, họ có cảm giác như những cảm xúc ấy cũng đang chảy ra cùng với máu. Điều đầu tiên chúng ta cần hiểu về hành vi tự cắt là: nó không phải là một nỗ lực tự tử. Đúng là một số người tự cắt có ý định tự tử, nhưng cũng có nhiều người không như vậy. Hành vi tự cắt, tự nó, là một cơ chế đối phó. Điều thứ hai chúng ta cần hiểu là: tự cắt là hành vi gây nghiện.

 

Đó là một sự thôi thúc có tính nghiện. Để bất kỳ điều gì được xem là “nghiện”, nó phải đáp ứng đủ ba tiêu chí gọi là “3 chữ C”:

 

1. C (Craving): Thèm muốn chất hoặc hành vi đó.

2. C (Control): Mất kiểm soát khi suy nghĩ về việc “sử dụng” nảy sinh trong đầu.

3. C (Continued Use): Tiếp tục sử dụng dù biết rõ những hậu quả tiêu cực.

 

Tự cắt thỏa mãn cả ba tiêu chí của một cơn nghiện. Và phần lớn sự nghiện này xoay quanh việc nghiện endorphin. Endorphin là chất giảm đau nhưng cũng tạo ra cảm giác nhẹ nhõm và dễ chịu.

 

Nó tác động đến chúng ta tương tự như thuốc giảm đau Codeine hay Morphine. Khi endorphin gắn vào các thụ thể thuộc hệ thống thần kinh limbic, đặc biệt là vùng dưới đồi trong não, bạn sẽ trải nghiệm cảm giác nhẹ nhõm, dễ chịu, và thỏa mãn. Bạn cũng sẽ cảm thấy bình tĩnh hơn và tràn đầy năng lượng tích cực. Vấn đề là, khi cơ thể trải qua đau đớn, não sẽ tiết ra endorphin. Endorphin vừa xoa dịu vừa kích hoạt bạn để bạn có thể thoát khỏi nguy hiểm. Vì vậy, việc tự cắt có khả năng làm dịu cảm xúc tiêu cực. Nó là một cơ chế đối phó giúp mang lại sự thoát tạm thời khỏi các cảm xúc mãnh liệt như lo âu, tội lỗi, trầm cảm, căng thẳng, tê liệt cảm xúc, cảm giác thất bại hoặc ghét bỏ bản thân, tự ti hay áp lực từ chủ nghĩa hoàn hảo.

 

Chúng ta có thể nghiện những hóa chất do chính cơ thể mình sản sinh ra với mức độ tương đương như khi nghiện ma túy. Và khi ta bắt đầu gắn kết hành động cắt với cảm giác nhẹ nhõm, não sẽ hình thành một con đường thần kinh buộc ta, mỗi khi gặp trạng thái cảm xúc tiêu cực, lại tìm đến hành vi tự cắt để được giải tỏa. Đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng trôi. Để hiểu đầy đủ về hành vi tự cắt, ta cần đi sâu hơn nữa, và hiểu rằng hành vi tự hủy hoại bản thân không chỉ xảy ra ở con người, nó cũng xuất hiện ở các loài động vật khác, đặc biệt là động vật bị giam cầm. Và từ đó hé lộ một sự thật rất đáng lưu ý.

 

Ở một mức độ nào đó, người tự cắt, về mặt thể xác, cảm thấy mình đang “bị giam cầm”. Không ngoại lệ, giống như một con thú bị nhốt trong lồng, người tự cắt đang ở trong một nhà tù nơi những cảm xúc tiêu cực như tuyệt vọng, thù ghét và giận dữ không thể được bộc lộ ra ngoài, và vì thế những trạng thái cảm xúc ấy bị dồn nén vào trong. Không còn nơi nào để năng lượng đó thoát ra ngoài, nên nó quay vào bên trong và trút lên chính bản thân. Những trạng thái cảm xúc thôi thúc người ta tự cắt chính là hậu quả của các sang chấn thời thơ ấu. Ví dụ: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hành vi này là khi đứa trẻ cảm thấy mình bị cha mẹ, những người lẽ ra phải yêu thương mình, từ chối về mặt tình cảm.

 

Điều này rất thường xảy ra khi đứa trẻ lớn lên trong một gia đình có cha mẹ khắt khe hoặc cầu toàn. Đứa trẻ bắt đầu nảy sinh cảm giác căm ghét và giận dữ với cha mẹ, đồng thời rơi vào trạng thái tuyệt vọng sâu sắc. Nhưng khi đứa trẻ biểu lộ những cảm xúc ấy, nó bị người lớn làm cho xấu hổ vì điều đó. Những cảm xúc ấy bị phủ nhận. Người lớn khiến đứa trẻ tin rằng việc nó cảm thấy như vậy là sai, rằng bản thân nó có vấn đề. Vì thế, đứa trẻ kìm nén cảm xúc, rồi trở nên vô cùng khắt khe với chính mình, và sự căm ghét giờ đây được hướng vào bản thân. Để hiểu sâu hơn về nguyên nhân dẫn đến tự cắt, hãy hình dung một con cá trong hồ kính.

 

Giờ hãy tưởng tượng con cá đó đang phát ra cảm xúc. Cảm xúc ấy sẽ va vào thành kính rồi dội ngược trở lại con cá. Là một người tự cắt, có thể bạn sẽ mất nhiều năm để nhận ra rằng không đứa trẻ nào sinh ra đã ghét bỏ bản thân. Có thể bạn sẽ mất nhiều năm để hiểu rằng: thực chất, ai đó trong cuộc đời bạn đã đối xử với bạn không bằng tình thương, và bạn đã tiếp nhận cảm xúc ấy vào bên trong và bắt đầu đối xử với bản thân mình bằng cùng một sự từ chối và căm ghét như vậy. Bạn đối xử với chính mình như thể bạn là kẻ có vấn đề, rằng bạn tồi tệ và xứng đáng bị trừng phạt. Bạn đã thay thế sự tra tấn về cảm xúc bằng hành vi tàn phá thể xác. Tất cả những người tự cắt đều có một điểm chung: ghét bỏ bản thân. Tất cả đều tự chỉ trích chính mình.

 

Bạn không tự nhiên nhìn nhận bản thân theo cách đó, bạn học được cách đó từ những người đã nhìn bạn như vậy. Tôi thách bạn nhìn vượt qua bề nổi. Tôi thách bạn đặt lại niềm tin mù quáng vào quan điểm rằng cha mẹ luôn yêu thương con chỉ vì họ là cha mẹ, và thay vào đó, hãy cởi mở với khả năng rằng: đã từng có người trong thời thơ ấu của bạn không yêu bạn như bạn cần được yêu. Ai đó đã từ chối con người thật của bạn. Hãy nhìn sâu vào bên trong... và thừa nhận xem ai lẽ ra nên yêu bạn, nhưng lại không thể, hoặc không muốn làm điều đó. Hành vi tự cắt thường là dấu hiệu của việc từng bị lạm dụng, đặc biệt là lạm dụng tình dục, vì đó là sự thể hiện nỗi tuyệt vọng và sự ghét bỏ bản thân phát sinh từ việc bạn phải kìm nén sự đau khổ và cơn thịnh nộ khi bị người mà bạn từng mong được yêu thương. Đó cũng là một nỗ lực để giành lại quyền kiểm soát cơ thể, điều mà bạn đã từng bị tước đoạt khi người khác sử dụng nó.

 

Khi nói đến cảm xúc tiêu cực, chúng ta không cảm thấy mình có quyền cảm nhận chúng, nhất là khi những cảm xúc ấy từng bị phủ nhận, từng bị coi là “không được phép”. Vì lý do đó, chúng ta luôn tìm kiếm hai thứ: sự làm dịu và kiểm soát.

 

“Làm dịu” cảm xúc có nghĩa là làm tê liệt hoặc làm mờ đi nhận thức của ta về cảm giác tiêu cực. “Kiểm soát” nghĩa là giành lại quyền làm chủ nỗi khó chịu của mình. Khi ta cảm thấy cảm xúc tiêu cực, ta có cảm giác như đang mất kiểm soát, và ta giành lại quyền kiểm soát bằng cách tác động lên cách mà ta đang cảm thấy. Tất cả mọi cơn nghiện, không loại trừ, đều tồn tại nhằm mục đích làm dịu hoặc kiểm soát cảm xúc. Hành vi tự cắt thực hiện được cả hai điều đó. Ta có thể làm dịu cảm xúc tiêu cực thông qua việc cơ thể tiết ra endorphin.

 

Chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc của mình bằng cách tạo ra và gây nên sự giải phóng endorphin.

 

Có hai kiểu người tự cắt:

 

- Có những người tự cắt một cách kín đáo và mang tính nghi thức,

- Và có những người tự cắt một cách công khai, thể hiện ra ngoài.

 

Việc một người là Cutter kín đáo hay thể hiện ra ngoài sẽ cho bạn biết rất nhiều về việc người đó đang cần sự an thần hay kiểm soát nhiều hơn. Những người thực hiện việc tự cắt một cách nghi thức và kín đáo thì thường rất tuyệt vọng trong việc tìm kiếm cảm giác kiểm soát.

 

Ở phía đối lập, có những Cutter thể hiện hành vi này một cách công khai. Họ sẽ cắt ở những khu vực dễ thấy đối với người khác, bởi vì họ đang cần an thần.

 

Họ đang tìm kiếm một cách nào đó để cảm thấy nhẹ nhõm, thay vì cảm giác kiểm soát. Nhưng điều đặc biệt ở đây là: họ muốn sự nhẹ nhõm ấy đến từ người khác. Những Cutter kiểu này đang tuyệt vọng mong được giải cứu.

 

Xã hội xấu hổ họ vì cho rằng “họ chỉ muốn gây chú ý”. Và thế là họ không thể (và cũng không dám) thừa nhận với ai, kể cả với chính mình, rằng điều họ thực sự muốn là có ai đó nhìn thấy họ. Họ như đang mắc kẹt trong một nhà tù tra tấn mà không ai nhìn thấy, bị người đời xấu hổ vì họ muốn có được sự quan tâm, thứ mà sâu thẳm bên trong họ thật sự rất cần.

 

Họ muốn được chú ý, bởi vì họ muốn có người cứu họ khỏi địa ngục mà họ đang sống, hãy nghĩ về hành vi ấy như một tín hiệu S.O.S hữu hình. Họ mơ rằng, bên cạnh sự an thần do endorphin mang lại, sẽ có ai đó đến để làm dịu nỗi đau của họ bằng tình yêu và sự quan tâm thật lòng.

 

Tất nhiên, việc tự cắt lại tạo ra tác dụng ngược, nó đẩy mọi người ra xa.

 

Tôi từng là một Cutter tuyệt vọng mong được cứu. Tôi sẽ không bao giờ quên một lần, năm 18 tuổi, khi tôi khao khát nhất có ai đó nhìn thấy nỗi đau bên trong mình. Tôi đang ở một khu nghỉ mát trượt tuyết rất đông người, trong khu vực nhà ăn, và tôi ngồi đó cắt tay bằng một mảnh kính, máu chảy xuống sàn. Rất nhiều gia đình đi ngang qua tôi, cả trẻ nhỏ cũng vậy. Chỉ có những đứa trẻ nhỏ là nói điều gì đó.

 

Tôi nhớ có một bé gái ngước lên hỏi mẹ: “Cô ấy bị gì vậy hả mẹ?”

 

Không ai muốn lại gần tôi, họ tránh né, bước qua ... ngay cả nhóm nhân viên cứu hộ trượt tuyết cũng vậy... Tôi không thể thừa nhận, vào thời điểm đó, rằng tôi chỉ đang muốn được chú ý. Tôi không thể thừa nhận rằng đó là một lời cầu cứu tuyệt vọng.

 

Việc đó quá đáng xấu hổ, vì đó chính là điều mà bố mẹ tôi luôn khiến tôi cảm thấy tội lỗi khi lớn lên ... và khi tôi cắt tay ...Nhưng điều tôi thực sự mong muốn là có ai đó dừng lại và nhìn thấy mức độ đau đớn mà tôi đang phải chịu đựng. Tôi muốn người ta chú ý đến nỗi bất ổn bên trong tôi. Tôi muốn ai đó nhận ra tôi. Cuộc sống của tôi lúc đó giống như đang ở trong một nhà tù bằng kính, tôi nhìn ra được, nhưng không ai nhìn vào được.

 

Điều cuối cùng trên đời bạn nên làm, đó là khiến một Cutter cảm thấy xấu hổ vì họ muốn được chú ý. Đó cũng giống như bạn khiển trách một con tin đang bị nhốt, vì họ viết chữ S.O.S lên tường, vì cho rằng đó chỉ là "lời kêu cứu tuyệt vọng để gây sự chú ý” vậy.

 

Khi nói đến việc tự cắt, cũng như mọi loại nghiện khác, hành vi nghiện chỉ là triệu chứng của nguyên nhân gốc rễ sâu xa hơn. Đó là lý do tại sao, khi ai đó đến tìm tôi để xin giúp đỡ về vấn đề tự cắt, thì điều chúng ta làm không phải là "ngừng cắt", mà là tìm ra nguyên nhân thật sự khiến họ cắt. Chúng ta không điều trị triệu chứng như điều trị một vết mẩn đỏ, mà là điều trị nguyên nhân bên trong cơ thể gây ra vết mẩn ấy. Đó là cách duy nhất để hành vi này thay đổi. Cũng là cách duy nhất để hòa nhập và chữa lành những cảm xúc dẫn đến hành vi ấy.

 

Tự cắt là một cách để trốn chạy cảm xúc. Nhưng khi ta còn trốn chạy cảm xúc, ta sẽ không thể tìm được sự chữa lành.

 

Chúng ta phải can đảm đi ngược lại hướng đó, khi cảm xúc tiêu cực xuất hiện, hãy dùng năng lượng thúc bách mà bạn cảm nhận được, để đi sâu vào chính cảm xúc mà bạn đang cố trốn tránh. Hãy bắt đầu hành trình hòa nhập cơ thể cảm xúc. Vì vậy, bất kỳ ai đang đấu tranh với hành vi tự cắt, hãy xem video của tôi trên YouTube có tên: "Healing the Emotional Body" (Chữa lành cơ thể cảm xúc).

 

Có rất nhiều kỹ thuật giúp bạn ngừng hành vi cắt. Nhưng với tôi, đó chỉ là giải pháp bên ngoài, chữa lành giả tạo, chứ không phải chữa lành thật sự.

 

Lý do bạn tự cắt bắt nguồn sâu sắc từ sang chấn thời thơ ấu. Và cho đến khi bạn sẵn sàng quay về nơi đó, bạn sẽ không thể giải quyết tận gốc việc tự cắt. Nhưng... hôm nay tôi sẽ chia sẻ với bạn một kỹ thuật duy nhất đã giúp tôi dừng hành vi tự cắt mãi mãi.

 

Để làm được điều này, tôi phải kết nối với Đứa Trẻ Bên Trong. Tất cả các phương pháp chữa lành cảm xúc chân chính đều, ở một mức độ nào đó, giúp bạn kết nối với Đứa Trẻ Bên Trong bạn.

 

Và điều tôi đã làm để ngừng tự cắt có thể tóm gọn trong một câu: Tôi tưởng tượng rằng, khi tôi cắt mình, tôi đang cắt vào đứa trẻ bên trong tôi.

 

Hầu hết các Cutter đều có một “vị trí nghi lễ”, chỗ quen thuộc họ hay cắt. Với tôi, đó là trong phòng tắm. Vì vậy, tôi đã lục lại đống ảnh cũ và tìm bức ảnh dễ thương nhất của mình hồi nhỏ, rồi dán nó lên tường phòng tắm. Nếu bạn không có ảnh hồi nhỏ, bạn có thể tưởng tượng chính mình là một đứa trẻ nhỏ. Và mỗi lần tôi định cắt, tôi sẽ tưởng tượng rằng mình đang cắt vào đứa bé ấy. Tôi tưởng tượng cảnh tôi nắm lấy tay con bé, nó vùng vẫy, khóc lóc và không hiểu tại sao tôi lại làm đau nó ... tại sao tôi lại đối xử với nó như thế ... tại sao nó lại phải bị trừng phạt.

 

Tôi muốn bạn thử điều đó.

 

Mỗi lần bạn muốn cắt, hãy tưởng tượng bạn đang cắt chính đứa trẻ trong bạn. Hãy quan sát bản thân mình vùng vẫy trước sự tàn nhẫn đó. Hãy quan sát bản thân mình khóc dưới lòng trắc ẩn của chính mình. Và điều tôi nhận ra khi làm điều này là: Tôi không thể làm được, tôi bắt đầu gục xuống và khóc. Tôi không thể cắt đứa bé ấy ... dù tôi có thể cắt chính tôi lúc trưởng thành.

 

Nhưng điều quan trọng là: nếu bạn không thể cắt đứa trẻ, nhưng có thể cắt người lớn, thì ngay khoảnh khắc bạn nhận ra rằng đứa trẻ ấy vẫn còn tồn tại trong bạn, bạn sẽ không thể cắt chính mình nữa.

 

Và nếu bạn vẫn có thể cắt bản thân dù đã làm bài tập này, thì điều đó có nghĩa là Đứa Trẻ Bên Trong bạn vẫn chỉ là một ý niệm, bạn chưa thật sự chạm được đến nó, chưa thật sự kết nối cảm xúc với nó, nó vẫn chưa trở thành hiện thực đối với bạn. Nếu bạn biết ai đó đang tự cắt, bạn không thể ngăn họ thay họ được ... Họ phải muốn ngừng lại. Và để muốn ngừng, hành vi đó phải không còn phục vụ cho họ nữa.

 

Vấn đề là, miễn là những cảm xúc và sang chấn chưa được hòa nhập, miễn là họ vẫn đang cố trốn tránh cảm xúc, thì việc cắt vẫn có ích với họ. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm với một Cutter là khiến họ xấu hổ vì đã cắt. Điều đó chỉ đổ thêm dầu vào ngọn lửa khiến họ cắt ngay từ đầu. Nếu bạn thực sự muốn giúp, đừng phản ứng với hành vi cắt, mà hãy thể hiện tình yêu vô điều kiện bằng cách hướng sự chú ý đến cảm xúc mà họ đang cố trốn tránh.

 

Ở một mức độ nào đó, mọi Cutter đều muốn bạn biết rằng họ đang rất đau đớn. Họ cần được công nhận. Họ cần nỗi đau của họ được xác thực thay vì bị phủ nhận. Họ cần được yêu bất chấp cảm xúc họ đang có, thay vì bị dẫn đến niềm tin rằng họ chỉ đáng yêu và được chấp nhận khi họ cảm thấy tích cực. Họ không cần bị từ chối, họ cần điều ngược lại.

 

Họ cần biết rằng không có gì sai ở họ, mà mọi thứ ở họ đều đúng, vì hệ thống hướng dẫn cảm xúc của họ đang phản ánh chính xác những sang chấn và cảm xúc bị kìm nén sâu sắc trong nội tâm họ. Hãy bắt đầu nhận biết các “kích hoạt” cảm xúc của bạn, bởi vì chúng chính là manh mối dẫn bạn về những tổn thương tuổi thơ cần được cảm nhận và hòa nhập.

 

Không có gì sai ở bạn, bởi vì cảm xúc của bạn đang nói lên một cách chân thực cách mà người khác đã đối xử với bạn khi bạn còn nhỏ.

 

Chỉ là… đừng mong chờ họ thừa nhận điều đó.

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=GdWXA8Plr84

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.