Teal Swan Transcripts 130
Làm cha mẹ 2.0
07-06-2014
Xin chào mọi người...
Đây là “Làm cha mẹ 2.0”. Đây là bước tiến tiếp theo
từ “Làm cha mẹ 101”.
Khi con bạn đến
với thế giới này, chúng là sự hội tụ của quan điểm và ý thức đã tích lũy từ cả
bạn và người bạn đời của bạn. Đây là một trong những cách mà Vũ trụ tạo điều kiện
cho sự Mở Rộng của chính nó. Mục đích của trẻ nhỏ không chỉ là để mở rộng Ý thức
của Vũ trụ, mà còn là để giúp mở rộng ý thức của chính bạn, và đây là cách điều
đó diễn ra. Chúng ta bị ngăn cản khỏi sự Mở Rộng khi ta vẫn còn mắc kẹt trong
tuổi thơ của chính mình.
Và người lớn thì
đang mắc kẹt, về mặt cảm xúc, trong thời thơ ấu. Tất cả người lớn đều còn một
hoặc nhiều Đứa Trẻ Bên Trong. Nếu chúng ta chưa từng “tái nuôi dạy” Đứa Trẻ Bên
Trong đó, thì chúng ta sẽ bị chi phối bởi những nhu cầu và thôi thúc chưa được
đáp ứng từ thời thơ ấu. Phần Cảm Xúc của chúng ta thì không bao giờ lớn lên. Phần
Cảm Xúc của ta luôn là những đứa trẻ. Vậy nên, những người lãnh đạo thế giới hiện
nay về cơ bản là những đứa trẻ 5 tuổi đang giận dữ và sợ hãi... với vũ khí hạt
nhân trong tay!
Trẻ nhỏ cho ta
cơ hội để nuôi dạy đứa trẻ bên trong mình. Con cái của chúng ta sẽ phản chiếu lại
chính chúng ta, để ta có thể chữa lành cho bản thân. Thay vì gọi là “chữa
lành”, hãy nói rằng chúng ta “hội nhập” bản thân, và đây là lời khuyên đầu
tiên: Hãy nuôi dưỡng Đứa Trẻ Bên Trong bạn thông qua chính đứa con của bạn.
Tình yêu sẽ trở
nên méo mó nếu ta không đối diện với nỗi đau của chính mình. Ta cần sẵn lòng đối
diện với những tổn thương thời thơ ấu của chính ta. Ta cần sẵn sàng hội nhập Thể
Cảm Xúc của mình để có thể tự hỏi bản thân: “Tôi đã từng cần điều gì từ cha mẹ
mà tôi không nhận được?”
Khi đó, bạn sẽ dễ
dàng nhận ra những sai lầm bạn đang mắc phải với con mình. Và cũng dễ dàng nhận
ra cách nuôi dạy con đúng đắn. Nếu bạn nuôi con theo cách mà cha mẹ bạn đã từng
nuôi dạy bạn (mà điều đó sẽ xảy ra nếu bạn không trở nên tỉnh thức hơn), thì sẽ
không có sự tiến hóa về mặt Ý thức, đó là một trạng thái “kết thúc”. Điều quan
trọng số 1 mà ta có thể làm cho con mình chính là hội nhập những nỗi đau cảm
xúc thời thơ ấu của chính ta. Nếu không, ta sẽ truyền lại vết thương đó cho con
cái. Hãy hình dung điều này như một “cuộc chuyển giao gậy tiếp sức”, chúng ta
truyền gậy từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho đến khi có một Người dừng lại và
phá vỡ chu kỳ truyền vết thương đó.
Nếu bạn không đủ
can đảm để đắm mình vào nỗi đau của chính mình, để đi xuyên qua nó và trở nên ý
thức về nó, thì bạn sẽ không thể thấy được mức độ tổn thương mà cha mẹ bạn đã
gây ra cho bạn bằng cách khiến bạn cảm thấy xấu hổ, và thế là bạn sẽ khiến con
mình cảm thấy xấu hổ y như vậy. Bạn sẽ “mặc định” nuôi con giống hệt như cách
cha mẹ bạn đã nuôi bạn. Và bạn đã truyền lại vết thương đó, đã chuyển giao gậy
tiếp sức...
Về phần tôi, tôi
muốn nói: “Tôi là người dừng lại ở đây.”
Tôi là người lựa
chọn đối mặt với tất cả những vết thương liên thế hệ đó, thay vì hy vọng rằng
con tôi sẽ tự biết cách giải quyết chúng. Chúng ta chiếu những vết thương của
mình lên con cái, biến nó thành vấn đề của đứa trẻ, và rồi cho rằng chính đứa
trẻ mới là người cần phải thay đổi. Vì ta không nhận ra rằng đây là một sự “chiếu
phản” (một phản ánh lại nỗi đau thời thơ ấu của chính mình), ta tìm cách sửa chữa
những biểu hiện bên ngoài, nghĩa là: ta cố “sửa” con mình, làm cho chúng khác
đi...
Nhưng làm như vậy
là bạn đang “đi ngược dòng” và sẽ chẳng đạt được gì cả. Nó giống như việc cố
thay đổi hình ảnh phản chiếu trong gương bằng cách lau gương thật kỹ. Điều đó
không chạm đến nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, mà nguyên nhân đó chính là nỗi
đau trong bạn. Đó Là BẠN.
Tôi có chia sẻ một
quy trình để thực hiện việc này trong video YouTube có tên “Chữa Lành Thể Cảm
Xúc”. Nếu được quyền lựa chọn, tôi muốn tất cả các bậc cha mẹ đều đưa quy trình
đó vào thói quen hằng ngày. Bạn “thay đổi”, thì con bạn cũng sẽ “thay đổi”. Đây
chính là lý do thật sự khiến tôi không làm việc trực tiếp với trẻ con.
Nếu có vấn đề với
một đứa trẻ, tôi sẽ làm việc với cha mẹ của đứa trẻ đó. Tôi hiểu rằng một số bạn
sẽ phản ứng phòng thủ ngay khi nghe tôi nói điều này, bởi bạn sẽ muốn tôi nói rằng
“bạn là một bậc cha mẹ tuyệt vời dù thế nào đi nữa”... Nhưng, nếu bạn là người
luôn xem đứa trẻ là vấn đề, thì hãy dừng lại một chút và tự hỏi:
- “Từ góc nhìn của
đứa trẻ, nó đang lớn lên trong môi trường như thế nào?”
- “Với một cái
nhìn về bản thân như thế nào, nếu như nó liên tục được ‘nuôi dưỡng’ bằng ý nghĩ
rằng nó là vấn đề, rằng nó có gì đó không ổn?”
Đó là điều xảy
ra khi ta chiếu những vết thương nội tâm của mình lên con cái, thay vì giải quyết
chúng từ nguồn gốc thật sự, là bên trong chính bản thân ta. Tôi sẽ nói lại điều
này một lần cuối: Nếu bạn có vấn đề với con mình, thì vấn đề không phải ở con bạn,
mà là một phần bên trong bạn chưa được chữa lành. Bạn thay đổi, thì con bạn
cũng sẽ thay đổi. Không có ngoại lệ nào trong quy tắc này.
Khi con bạn đang
buồn bã, bạn có thể dễ dàng tự hỏi (khi bạn đã trở nên ý thức về sự chiếu phản
này):
- “Trong tình huống
tương tự, tôi đã từng mong muốn điều gì từ cha mẹ mình?”
Tôi sẽ gợi ý cho
bạn: Khi còn là một đứa trẻ, điều ta thực sự cần từ cha mẹ không phải là việc họ
kéo ta ra khỏi nỗi đau, không phải là họ đến cứu ta, không phải là họ sửa chữa
ta hay khiến mọi thứ tốt đẹp hơn...Điều ta thật sự cần là sự chú ý vô điều kiện,
tình yêu vô điều kiện.
“Vô điều kiện”
nghĩa là: cha mẹ sẽ hiện diện bên ta, bất kể ta đang cảm thấy tốt hay cảm thấy
tồi tệ. Đó là điều mà bạn từng thật sự mong muốn khi còn là một đứa trẻ.
Vì vậy, để có thể
hiện diện hoàn toàn với con cái, ta phải có mặt với chúng trong chính cảm xúc
mà chúng đang trải qua. Điều này có nghĩa là ta không lập tức cứu con khỏi cảm
giác tức giận, buồn bã hay đau đớn. Thay vào đó, ta giúp con hiểu rằng: chúng
có thể cảm nhận, hoàn toàn cảm nhận, những cảm xúc đó, và ta sẽ ở bên chúng khi
chúng cảm nhận trọn vẹn những cảm xúc đó.
Ta không nên vội
vàng kéo chúng ra khỏi cảm xúc vì điều đó sẽ khiến đứa trẻ hình thành niềm tin
rằng cảm xúc tiêu cực là “xấu” và cần phải tránh né. Điều này chỉ làm cho đứa
trẻ càng thêm phân mảnh bên trong, nó khiến đứa trẻ lớn lên thiếu trí tuệ cảm
xúc, luôn đè nén cảm xúc và tách rời khỏi chính bản thân mình. Và điều đó cũng
giống như việc từ bỏ chính mình.
Điều này đưa ta
đến lời khuyên tiếp theo, theo tôi, đây là trụ cột của việc Nuôi Dạy Con đúng đắn:
Hãy xác nhận cảm xúc.
Một trong những
điều tồi tệ nhất bạn có thể làm với con mình là phủ nhận cảm xúc của chúng.
Hành vi này cực kỳ phổ biến ở các bậc cha mẹ. Phần lớn nó xuất phát từ một lý
do khá ích kỷ: ta không chịu nổi khi thấy con mình buồn. Vì thế, ta cố làm mọi
cách để con không buồn, không phải vì tình yêu và sự thấu cảm với con, mà là để
bảo vệ cảm xúc của chính mình.
Ta làm vậy vì ta
không muốn cảm thấy buồn khi thấy con buồn. Cũng giống như ta cần hiện diện trọn
vẹn với bản thân, bất kể ta cảm thấy thế nào, ta cũng cần hiện diện với con
mình, bất kể chúng đang cảm thấy thế nào.
Hãy hình dung
tình huống này: Một đứa trẻ cảm thấy tiêu cực vì cha mẹ không cho nó mua thứ gì
đó ở cửa hàng. Kết quả là đứa trẻ giận dữ, hoặc bật khóc. Cha mẹ thở dài, khó
chịu, và bắt đầu hét lên “Không! Không!”, hoặc tranh cãi với cảm xúc của đứa trẻ
bằng những câu như:
- “Ngưng khóc
ngay!”
- “Con khóc vậy
là không đúng!”
- “Tiền không mọc
trên cây đâu, biết chưa?”
- “Chúng ta đã
mua kem cây cho con rồi còn gì!”
Lúc này, đứa trẻ
đang được dạy rằng: cách con cảm thấy là sai trái.
Đứa trẻ bị buộc
phải đè nén cảm xúc đó. Nó không được phép trải nghiệm và đi xuyên qua cảm xúc
đó, nên cảm xúc đó sẽ bị kẹt lại dưới dạng một dấu ấn trong Thể Cảm Xúc của đứa
trẻ, và nó sẽ tiếp tục tồn tại đến khi đứa trẻ trưởng thành.
Cảm xúc đó giờ
đây trở thành một dấu ấn, và nó sẽ phản chiếu ra cuộc sống của người trưởng thành
này, dưới hình thức những tình huống khiến họ cảm thấy tội lỗi, hoặc khiến họ cảm
thấy thiếu thốn.
Chỉ trong khoảnh
khắc nhỏ ấy, cha mẹ đã vô tình lập trình tương lai của đứa trẻ theo một cách đầy
tiêu cực.
Chuyện là thế
này: Mọi cảm xúc mà một đứa trẻ trải qua đều có giá trị. Không quan trọng việc
bạn đang cố áp đặt sự hiểu biết của một người trưởng thành lên trải nghiệm của
một đứa trẻ, mọi cảm xúc đều đáng được thừa nhận. Nếu bạn vừa đến từ góc nhìn của
Nguồn, giống như một đứa trẻ, nơi chỉ có tình yêu vô điều kiện và sự sung túc
vô hạn, thì việc bất ngờ bị ném vào một thế giới có điều kiện, nơi sự sung túc
dường như bị giới hạn bởi tư duy thiếu thốn của cha mẹ, là một trải nghiệm rất
đau đớn.
Và một phản ứng
mãnh liệt trong trường hợp đó là hoàn toàn hợp lý. Sẽ chẳng bao giờ hiệu quả nếu
bạn cố áp đặt quan điểm của người lớn, với tất cả những năm tháng kinh nghiệm
và thói quen đè nén cảm xúc, để ép một đứa trẻ nhìn nhận theo cách của bạn.
Nhưng đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu không phải là thay đổi đứa trẻ, mà là
hiện diện cùng với chúng trong trải nghiệm ấy, một cách vô điều kiện, dù trải
nghiệm đó với chúng là dễ chịu hay không.
Trong ví dụ trước,
việc cần làm là hạ xuống ngang tầm với trẻ và thể hiện sự thấu cảm thật sự bằng
cách nói điều gì đó như:
- “Mẹ biết mà
con yêu, cảm thấy buồn bực là điều bình thường.”
- “Mẹ cũng cảm
thấy y như vậy khi mẹ muốn một thứ gì đó mà mẹ không thể có.”
Sau đó bạn có thể
khuyến khích trẻ diễn đạt cảm xúc thành lời, hoặc nói xem chúng cảm thấy cảm
xúc đó ở đâu trong cơ thể. Bằng cách làm điều này, bạn cho phép trẻ được cảm nhận,
thay vì phải kìm nén. Bạn cho trẻ cơ hội
được đi xuyên qua cảm xúc. Bạn khiến trẻ hiểu rằng, dù bất cứ điều gì xảy ra, bạn
sẽ ở đó với chúng, vì chúng. Chúng không cô đơn. Bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ
có trí tuệ cảm xúc,, chứ không làm lệch lạc khả năng cảm nhận cảm xúc của
chúng.
Lưu ý rằng chúng
ta không vội vàng “xoa dịu” cảm xúc đó bằng cách chiều theo điều trẻ đòi hỏi.
Chúng ta không cố “giải cứu” trẻ khỏi cảm xúc tiêu cực, từ đó vô tình khiến
chúng tin rằng cảm xúc tiêu cực là xấu, là sai, hoặc cần tránh né. Chúng ta
cũng không vội mua ngay thứ trẻ muốn, không chiều chuộng trẻ đến mức biến chúng
thành “tiểu hoàng đế” trong nhà.
Thay vào đó, trẻ
được đối xử như một thành viên bình đẳng trong gia đình. Nếu tôi ở trong tình
huống đó, tôi sẽ xem đó là thời điểm lý tưởng để dạy trẻ không chỉ cách xử lý cảm
xúc mà còn là về luật hấp dẫn và sự sáng tạo thực tại. Khi hạ xuống, tôi có thể
giải thích với trẻ rằng: “Mẹ chưa có tư duy dồi dào đủ tốt. Không phải vì con
không xứng đáng có được điều con muốn, mà là vì mẹ chưa đủ mạnh về mặt tư duy
sung túc để mua mọi thứ. Nhưng mẹ cũng không phải là cách duy nhất để con có được
điều con mong muốn.”
Con cái không được
lợi gì khi nghĩ rằng cha mẹ là hoàn hảo. Là cha mẹ, chúng ta thường dễ rơi vào
cái bẫy bản ngã khi muốn trở thành “Thần thánh” trong mắt con, bởi lẽ phải thừa
nhận, cảm giác được xem là người quan trọng nhất trong đời ai đó là một cảm
giác rất dễ gây nghiện. Nhưng sự thật là, khi nuôi dạy con theo kiểu “Ba mẹ biết
hết”, ta đang gây hại.
Bởi đoán xem
sao? – Không ai trong chúng ta biết hết mọi thứ cả. Vậy nên, hãy giải thích cho
trẻ về những hạn chế của bạn. Hãy nói rằng bạn cũng không biết câu trả lời. Hãy
cho trẻ thấy quá trình bạn đi tìm câu trả lời. Hãy cho chúng thấy hành trình học
hỏi. Một trong những điều tốt đẹp nhất bạn có thể làm là giúp trẻ tự tin với những
điều chúng sẽ học được khi trưởng thành. Khi con bạn hỏi bạn điều gì đó (ở giai
đoạn “Vì sao?”) và bạn không có câu trả lời, hãy nói:
- “Ba/mẹ không
biết tại sao đâu.”
- “Và cũng không
chắc có ai biết tại sao không nữa.”
- “Nhưng có thể
khi con lớn lên, con sẽ tìm ra tại sao.”
Điều này tạo cho
trẻ một niềm tin rằng: luôn có điều gì đó để khám phá, để hướng tới. Rằng chúng
có thể mang lại giá trị cho thế giới. Rằng ba mẹ không phải là thần thánh.
Mọi cảm xúc cần
được hiểu và công nhận. Điều này không có nghĩa là chúng ta đồng tình với niềm
tin của trẻ, mà là chúng ta xác nhận cảm xúc của trẻ. Chúng ta phản chiếu cảm
xúc đó. “Phản chiếu” nghĩa là: khi trẻ bị té và khóc, thay vì vội vàng dỗ dành,
ta nói:
-“Chắc con sợ lắm
nhỉ, đúng không?”
- “Mẹ nhớ mẹ
cũng từng rất sợ khi bị té lúc bằng tuổi con.”
Chúng ta vừa phản
chiếu cảm xúc của trẻ. Bằng cách đó, trẻ không cần phải chống lại cảm xúc tiêu
cực, và nhờ vậy, cảm xúc ấy sẽ trôi qua nhanh hơn.
Gợi ý thứ ba hôm
nay là: Đừng làm con bạn thấy xấu hổ.
Khiến trẻ cảm thấy
hổ thẹn là một hình thức lạm dụng cảm xúc. Chấm hết. Không có gì để tranh cãi ở
đây. Một đứa trẻ chỉ tôn trọng và yêu thương người biết tôn trọng và yêu thương
chúng. Việc làm trẻ cảm thấy xấu hổ sẽ khiến trẻ thấy nhục nhã, và cha mẹ trở
thành “kẻ thù”. Và một đứa trẻ sẽ không thể học hỏi nếu nó bị bao phủ bởi cảm
giác xấu hổ.
Làm trẻ thấy hổ
thẹn chẳng khác gì tạt axit lên hình ảnh về bản thân của chúng. Trẻ hoàn toàn
có khả năng học hỏi từ hệ quả của hành động mà không cần bị “xát muối vào vết
thương”. Tôi luôn nói với các bậc cha mẹ rằng: giá trị lớn nhất là khi trẻ được
phép mắc sai lầm, nhất là khi còn nhỏ. Dù đúng là bạn sẽ gặp phải sự chỉ trích
từ giáo viên hoặc phụ huynh khác, những người không hiểu điều này, nhưng thực tế
là, mục tiêu của chúng ta là nuôi dạy những đứa trẻ có trách nhiệm, khỏe mạnh,
và có khả năng sáng tạo.
Chúng ta không
nuôi dạy một con người nhỏ bé chỉ để trở thành một “bánh răng” trong cỗ máy gọi
là Xã Hội, một người không biết tự suy nghĩ, không biết chịu trách nhiệm, và
trên hết, là sống cả đời chỉ để tránh xung đột với những người có quyền lực
hơn.
Điều này có
nghĩa là, ví dụ, nếu con bạn không chịu đi ngủ đúng giờ sau khi đã được thông
báo rằng hậu quả là: hôm sau sẽ buồn ngủ ở trường, thì cứ để chúng tự trải nghiệm
hậu quả đó. Hãy để chúng học điều đó mà không cần bạn nói: “Thấy chưa! Mẹ nói rồi
mà!” Khi đó, chúng sẽ tự quyết định rằng đi ngủ đúng giờ là điều nên làm.
Xấu hổ còn tệ
hơn tội lỗi. Tội lỗi là tin rằng mình đã làm điều gì đó sai. Còn xấu hổ là tin
rằng bản thân mình là sai, là không đủ tốt.
Những ai thật sự
tỉnh thức với vết thương thời thơ ấu của mình đều hiểu rõ cảm giác này có thể
phá hủy cuộc đời người ta đến mức nào khi mang theo nó đến tuổi trưởng thành.
Chúng ta thường nghĩ cha mẹ chỉ gây sang chấn cho con khi họ bạo hành hoặc bỏ
bê về thể chất. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.
Thực tế là: Tổn
thương nặng nề nhất thường đến từ những hành vi lạm dụng cảm xúc mà xã hội lại
cho là “nuôi dạy bình thường”. Làm con thấy xấu hổ chính là một trong những
hành vi lạm dụng cảm xúc được chấp nhận rộng rãi.
Bản thân tôi,
người đã trải qua và sống sót sau nhiều dạng lạm dụng thời thơ ấu, có thể nói
chắc chắn rằng: Lạm dụng cảm xúc (bao gồm cả việc làm trẻ thấy xấu hổ) gây tổn
thương sâu sắc hơn cả bạo hành thể chất lẫn xâm hại tình dục. Tôi thấy thật bi
kịch khi xã hội lên án tất cả các dạng bạo hành khác, nhưng lại ngầm chấp nhận
hình thức bạo hành tồi tệ nhất này.
Hãy suy nghĩ kỹ
về điều này, đúng là bạo hành thể xác hay xâm hại tình dục gây hậu quả nặng nề,
nhưng chính lạm dụng cảm xúc (thường đi kèm theo hai hình thức kia) mới là thứ
theo bạn suốt cả đời, vì nó xây dựng hình ảnh bản thân của bạn.
Nếu bạn bước vào
tương lai với một bản ngã bị ăn mòn, thì cuộc đời bạn sẽ giống như một cơn ác mộng.
Những hành vi mà
chúng ta tưởng là “nuôi dạy bình thường”, mà thực ra ta đã bị tê liệt cảm xúc đến
mức không còn nhận ra, chính là nguyên nhân gây sang chấn cho trẻ, và sau này tạo
nên những người lớn không thể hạnh phúc.
Tôi rất thích cụm
từ “Không thể phát triển” mà người ta hay dùng để mô tả trẻ em bị bỏ bê. Nhưng
tôi sẽ nói cho bạn biết: có rất nhiều người lớn ngoài kia, dù được xem là “bình
thường”, thực chất vẫn không thể phát triển.
Vậy phát triển
là gì?
Tôi có thể nói
chắc chắn rằng: phát triển không chỉ đơn giản là sống sót đến tuổi trưởng
thành.
Bạn càng tích hợp
(hàn gắn) thời thơ ấu của chính mình, bạn sẽ càng thấy rõ: cách nuôi dạy “tốt”
theo tiêu chuẩn hiện nay gây tổn hại dài lâu đến mức nào.
Và cuối cùng, gợi
ý sau cùng trong video về Nuôi Dạy Con này là: Hãy đặt câu hỏi với mọi thứ.
Thật đáng kinh
ngạc khi ta làm cha mẹ hoàn toàn theo chế độ “tự động”. Chúng ta chỉ tiếp thu
niềm tin của người khác, của xã hội, và nhất là của cha mẹ mình.
Bạn sẽ nuôi con y
hệt như cách bạn đã được nuôi dạy, cho đến khi bạn thật sự tỉnh thức.
Điều đó nghĩa là
chúng ta cần phải chất vấn tất cả mọi thứ, những gì ta nghĩ trẻ em nên như thế
nào, cách mà ta nghĩ mình nên đối xử với con, và cả cách mà ta nghĩ con nên đối
xử với mình.
Không có gì là
không thể chất vấn.
Chúng ta, những
người đang xem video này, những người thật sự mong con mình được lớn lên trong
một môi trường nuôi dưỡng bản chất Vĩnh Hằng của chúng, được phát triển và nở rộ,
chứ không chỉ sống sót qua ngày, tất cả điều đó phụ thuộc vào việc chúng ta chọn
trở nên tỉnh thức.
Đó chính là ý
nghĩa của Nuôi Dạy Con Có Ý Thức.
Là sự tỉnh thức
trọn vẹn với chính mình, tỉnh thức trọn vẹn với con, để chúng ta có thể hỗ trợ
cho sự tiến hóa và mở rộng trong thế giới này.
Chúc bạn một tuần
thật tốt lành...
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=726Dnj8dKT4
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.