Teal Swan Transcripts 128
Làm Thế Nào Để Tin Tưởng Bản Thân
14-06-2014
Xin chào mọi người.
Hôm nay tôi sẽ nói với các bạn về sự tin tưởng vào bản thân. Trên hết, tôi sẽ dạy
các bạn cách để tin vào chính mình. Sự tin tưởng bản thân có thể được tóm gọn
là sự tin cậy vững chắc vào tính cách, khả năng, sức mạnh và sự thật bên trong
bạn. Hầu hết chúng ta đã dành cả đời mình để lắng nghe cha mẹ, chính phủ, thầy
cô và sếp của mình. Chúng ta được nuôi dạy với niềm tin rằng ta không biết điều
gì là tốt nhất cho chính mình. Thay vào đó, chúng ta được dạy rằng những người
“biết nhiều hơn chúng ta” mới biết điều gì tốt cho ta.
Vì vậy, chúng ta
chọn những gì mà chúng ta nghĩ rằng mình “phải” chọn. Chúng ta cố sống theo những
gì xã hội cho là đúng. Chúng ta cho phép bản thân trở thành những gì mà người
khác nói chúng ta nên như vậy. Và chúng ta bị mắc kẹt trong cuộc đấu tranh bất
tận để tìm kiếm sự chấp thuận và khao khát được công nhận. Hệ quả là, chúng ta
đánh mất sự tin tưởng vào chính mình. Cái giá phải trả khi cố gắng uốn mình
theo mong muốn, sở thích và kỳ vọng của người khác, chính là đánh mất bản thân.
Và khi đánh mất bản thân, chúng ta trở nên tê liệt, không có phương hướng,
không thể đưa ra quyết định của riêng mình.
Theo tôi, hai trạng
thái đau đớn nhất mà một người có thể trải qua trong vũ trụ này là: căm ghét bản
thân và không tin tưởng bản thân. Nhưng điều thú vị là, một cái sinh ra từ cái
còn lại. Căm ghét bản thân bắt nguồn từ việc không tin vào chính mình. Sự căm
ghét bản thân là hậu quả của việc bạn tự chứng minh cho chính mình rằng bạn
không đứng về phía bản thân.
Thay vì vòng vo,
tôi sẽ đi thẳng vào các mẹo. Tôi sẽ chia sẻ với bạn một vài lời khuyên để bắt đầu
học cách tin tưởng chính mình.
Mẹo
số 1: Xây dựng sự tự tin.
Tự tin và tự tin
tưởng bản thân là một cặp đôi không thể tách rời. Chúng đi cùng với nhau. Khi
chúng ta nói về sự tự tin, ý là khả năng bạn có thể dựa vào chính mình. Nếu bạn
không có sự tự tin, bạn sẽ không cảm thấy có thể dựa vào bản thân. Khi hiểu rằng
sự thiếu tự tin đi đôi với sự thiếu tin tưởng bản thân, ta có thể thấy rõ rằng
việc không tin vào mình là một vấn đề về giá trị bản thân. Đó là vấn đề của việc
hạ thấp và phủ nhận chính mình. Chúng ta không tin vào bản thân vì chúng ta
không thừa nhận khả năng, tài năng, ý định và giá trị của chính mình. Điều đó
có nghĩa là, bước đầu tiên là bạn cần bắt đầu nhận ra và ghi nhận những khả
năng, thế mạnh, tài năng, phẩm chất tốt của mình. Bất cứ điều gì bạn có thể xem
là điểm tích cực của bản thân đều sẽ giúp bạn xây dựng thêm niềm tin vào chính
mình.
Mẹo
số 2: Cho phép bản thân làm những điều bạn giỏi và dễ dàng với bạn.
Chúng ta đang sống
trong một nền văn hóa tôn thờ sự nỗ lực, coi nỗ lực là điều đáng trân trọng.
Nhưng bạn sẽ nhận ra rằng, những điều khiến bạn thật sự đam mê, những điều bạn
sinh ra để làm, lại là những việc bạn làm rất giỏi. Thế nhưng, chúng ta cứ tự
nói dối rằng bất cứ điều gì đáng có đều phải giành được bằng khó khăn. Vì vậy,
ta không cho phép mình làm những điều đến một cách tự nhiên. Đây là một sự thiệt
thòi cho xã hội, vì hãy tưởng tượng xã hội sẽ như thế nào nếu mỗi người được
phép chuyên sâu vào điều họ làm tốt nhất?
Và cho phép người
khác cũng làm điều họ giỏi nhất? Khi đó, ta sẽ có một xã hội lý tưởng, nơi mọi
người đều làm đúng việc mà họ giỏi. Nếu bạn cứ tiếp tục làm những việc mà bạn
không giỏi, những việc khiến bạn vật lộn, những việc bạn nghĩ là mình “phải làm”,
bạn sẽ luôn cảm thấy như thể có điều gì đó sai sai với mình, rằng mình không đủ
tốt. Điều đó sẽ làm giảm khả năng tin tưởng vào chính mình. Nếu ta luôn cảm thấy
mọi việc đều khó khăn, ta sẽ luôn cảm thấy mình đang tụt lại phía sau.
Vì vậy, hãy thừa
nhận những gì bạn giỏi và thiết kế cuộc sống của bạn xoay quanh những điều đó.
Hãy cho phép bản thân tự hào về chúng. Và hãy ghi nhận những thành công mà bạn
đạt được. Những bước đi này sẽ giúp bạn tăng cường sự tự tin, và kéo theo đó là
sự tin tưởng vào bản thân. Khi ta làm những điều ta thực sự sinh ra để làm, điều
thực sự khiến ta vui, và khi ta thành thật với điều đó, bạn sẽ nhận ra rằng
chúng trôi chảy một cách nhẹ nhàng. Dù bạn có phải bỏ công sức, thì nó cũng
không cảm thấy như là nỗ lực. Nó không hề giống như đang đấu tranh.
Mẹo
số 3: Buông bỏ sự gắn bó vào việc tìm ra “câu trả lời đúng”, và thay vào đó,
hãy tìm câu trả lời đúng với bạn.
Những người thiếu
tự tin và không tin tưởng bản thân thường bị ám ảnh bởi ý tưởng về đúng và sai.
Chúng ta phải tìm ra đáp án đúng. Vấn đề là: không ai đồng tình với nhau cả. Bởi
vì cuộc sống này được sống thông qua lăng kính cá nhân. Không ai có một góc
nhìn giống hệt ai. Điều đó có nghĩa là, mọi người sẽ luôn bất đồng.
Những người
không tin tưởng bản thân rất sợ đưa ra quyết định sai, đến mức trì hoãn không
đưa ra bất kỳ lựa chọn nào. Chúng ta tin vào ý kiến của người khác hơn là chính
mình. Điều quan trọng là phải nhận ra rằng, khi ta đối mặt với một vấn đề hay
quyết định, “không có thứ gọi là một đáp án đúng duy nhất” mà bạn phải tìm ra.
Thay vào đó, ta cần có được góc nhìn bằng cách tham khảo ý kiến người khác,
nhưng không dùng ý kiến của họ để thay mình quyết định. Ta cần phải tự đưa ra
quyết định của riêng mình.
Ta có thể dùng sự
truy vấn để đặt câu hỏi với quan điểm hiện tại và chọn một góc nhìn có lợi nhất
cho sự phát triển cao nhất của mình. Mỗi người đều trải nghiệm thế giới theo
cách riêng. Vì vậy, ta đưa ra quyết định dựa trên những giả định, phán đoán, cảm
nhận và trải nghiệm quá khứ riêng. Và như tôi đã nói, không có hai quan điểm
nào giống nhau. Không ai có thể nhìn vấn đề từ đúng góc nhìn của bạn. Bạn cũng
sẽ không bao giờ có được tất cả thông tin mà bạn muốn để đưa ra quyết định. Bạn
không thể biết hết mọi thứ. Vì vậy đôi khi bạn phải chấp nhận mạo hiểm và đưa
ra quyết định dù chưa chắc chắn. Bạn không thể tìm được “đáp án đúng”, nhưng bạn
có thể tìm được đáp án đúng với bạn.
Mẹo
số 4: Hãy chấp nhận mạo hiểm.
Dù điều đó có thể
dẫn đến sai lầm hoặc điều mà bạn cho là thất bại. Những người không tin tưởng bản
thân rất sợ việc mạo hiểm, bởi vì họ rất sợ sai lầm, bởi vì giá trị bản thân của
họ bị gắn chặt vào việc luôn đúng. Nhưng có một sự thật thế này: nếu bạn không
dám mạo hiểm, bạn đã thất bại rồi.
Tôi sẽ kể bạn
nghe một câu chuyện cá nhân: Ngày xưa, khi tôi còn theo đuổi sự nghiệp thể
thao, tôi từng là một vận động viên trượt tuyết chuyên nghiệp. Và như thường lệ,
trước mỗi cuộc thi, tôi thường phải nôn ói trong nhà vệ sinh vì tôi quá sợ ý
nghĩ bị thua. Nhưng một ngày nọ, khi đang ngồi trên cáp treo để lên điểm xuất
phát, tôi chợt nhận ra: tôi đã thua 100% số cuộc đua mà tôi không tham gia. Đó
là một khoảnh khắc giác ngộ rất quan trọng với tôi. Một bài học mà bất kỳ ai
đang vật lộn với sự thiếu tin tưởng bản thân cũng có thể học được. Chúng ta thường
nghĩ rằng nếu ta không mạo hiểm, ta sẽ không thất bại.
Nhưng sự thật
thì ngược lại. Nếu bạn không dám mạo hiểm, bạn đã thất bại rồi. Dù việc mạo hiểm
trong cuộc sống có thể khiến ta sợ hãi, nhưng đó là một trong những cách tốt nhất
để xây dựng sự tin tưởng vào bản thân. Mạo hiểm đòi hỏi sự can đảm, và lòng can
đảm khiến ta cảm thấy tốt hơn về chính mình. Nó cho phép ta thấy được mình thực
sự có thể làm được gì, và từ đó, ta bắt đầu tin vào chính mình. Và đừng quên… nếu
bạn không dám mạo hiểm để kiểm chứng xem bạn có thể tin vào mình hay không, bạn
sẽ không bao giờ biết rằng bạn có thể.
Mẹo
số 5: Hãy chịu trách nhiệm cho những lựa chọn của bạn và cả những hậu quả từ những
lựa chọn đó, dù là tốt hay xấu.
Việc tự nhận
trách nhiệm cho những quyết định mình đưa ra là yếu tố then chốt trong quá
trình phát triển sự tin tưởng vào bản thân. Chúng ta cần trải nghiệm cả quá
trình ra quyết định lẫn quá trình trực tiếp cảm nhận hậu quả từ quyết định đó,
để từ đó học hỏi. Nếu chúng ta rơi vào cái bẫy của việc chối bỏ phần mình trong
quyết định, hay đổ lỗi cho người khác về điều mình đã chọn, thì ta đang tự tước
đi cơ hội để học và trưởng thành.
Tương tự, nếu ta
tìm cách trốn tránh hậu quả từ những quyết định của mình, ta cũng đánh mất cơ hội
nhận được phản hồi cần thiết, để có thể đưa ra lựa chọn khác tốt hơn trong
tương lai. Đây cũng chính là hành động tự tước đoạt một cuộc sống tốt đẹp hơn
sau này. Ngoài ra, bạn không thể đổ lỗi cho người khác mà lại không vô tình
công nhận rằng bạn đang bất lực. Khi cố gắng xây dựng sự tự tin và tự tin vào bản
thân, bạn cần nhìn nhận mình là người xứng đáng được tin tưởng. Bạn không thể vừa
cho rằng mình yếu đuối, bất lực, lại vừa tin tưởng chính mình cùng lúc.
Khi bạn đổ lỗi
cho ai đó, là bạn đang xem họ như người chiến thắng, và chính bạn là kẻ thua cuộc.
Vậy, rốt cuộc, bạn sẽ tin ai hơn? Một người hay khiến bạn thất vọng ư? Khi bạn
đổ lỗi cho người khác, tức là bạn thừa nhận rằng mình không thể trông cậy vào
chính mình, rằng bạn bất lực. Và như vậy, thay vì giúp ích cho bạn, bạn có thể
đã thoát khỏi cảm giác tội lỗi tạm thời, nhưng đồng thời bạn cũng đang thừa nhận
mình là người không đủ năng lực.
Mẹo
số 6: Hãy sống cuộc đời bạn theo một cảm nhận về sự chính trực.
Nếu bạn không sống
một cuộc đời có chính trực, bạn không thể phát triển lòng tin vào bản thân. Hãy
dành thời gian để tự hỏi mình: “Chính trực thực sự có nghĩa là gì đối với tôi?”
Bạn sẽ nhận ra rằng
sự chân thật và chính trực luôn song hành cùng nhau. Thế nào là chân thật?
Sự thiếu chính
trực có thể thể hiện ra ngoài bằng những hành vi lớn như cố tình phá hoại ai đó
hoặc trộm cắp. Nhưng nó cũng có thể biểu hiện dưới dạng nhỏ bé hơn, như nói dối
vặt, nói xấu sau lưng, hoặc không dám đứng lên vì chính mình.
Bất kỳ hành vi
nào thiếu chính trực cũng đều làm suy yếu hình ảnh bản thân. Hãy xác định xem
chính trực có ý nghĩa gì với bạn. Không ai có thể quyết định điều đó thay bạn,
bởi không có hai người nào có cùng hệ thống giá trị, đạo đức hay chuẩn mực đạo
lý giống nhau.
Hãy nhìn lại cuộc
sống và xác định những khía cạnh bạn chưa sống đúng với chính trực. Sau đó, hãy
chọn ra ba hành động cụ thể mà bạn có thể làm ngay bây giờ để khôi phục sự
chính trực đó.
Ví dụ: bạn có thể
viết một bức thư xin lỗi gửi cho ai đó mà bạn đã mang cảm giác tội lỗi bấy lâu.
Bạn có thể công khai xu hướng tính dục thật của mình. Bạn có thể hoàn lại số tiền
mình đã lấy trộm từ hồi còn nhỏ…Danh sách này có thể tiếp tục dài mãi.
Mẹo
số 7: Nhìn nhận những phương diện mà bạn đã tin tưởng bản thân.
Khi chúng ta tự
nhận rằng “Tôi không tin bản thân mình”, ta thường xem đó như một câu khẳng định
tuyệt đối. “Tôi không tin bản thân, hết chuyện.” Nhưng thực tế là: chúng ta đều
tin bản thân ở một số khía cạnh nào đó, và cũng không tin mình ở những mặt
khác.
Khi đang cố phát
triển sự tự tin vào chính mình, bạn cần nhìn nhận rõ những điều mà bạn đã có
lòng tin. Cũng giống như bất kỳ điều gì khác, khi bạn muốn xây dựng sự tự tin,
bạn đang muốn tăng cường một tần số rung động nhất định. Khi bạn tập trung tích
cực vào những lĩnh vực mà bạn đã tin tưởng bản thân, bạn đang nuôi dưỡng và làm
mạnh mẽ tần số của niềm tin đó.
Ví dụ như tôi,
có thể tôi không tin rằng mình có thể tự tay lắp ráp lại một chiếc xe hơi,
nhưng tôi tin chắc rằng tôi có thể nấu một bữa ăn tuyệt vời. Hãy dành thời gian
để lập một danh sách tất cả những điều bạn biết rằng bạn có thể tin vào bản
thân mình.
Lập danh sách bằng
cách hoàn thành câu sau nhiều lần nhất có thể: “Tôi tin rằng mình có thể…”
Ví dụ:
– “Tôi tin rằng
mình sẽ trung thành với người mà tôi đã cam kết.”
– “Tôi tin rằng
mình sẽ trung thành với hạnh phúc của chính mình, dù điều đó có thể đồng nghĩa
với việc chấm dứt một cam kết với người khác.”
Một số ví dụ
khác:
– “Tôi tin rằng
mình sẽ chăm sóc thú cưng của mình thật tốt.”
– “Tôi tin rằng
mình sẽ làm đúng những điều tôi đã nói ra.”
Không có điều gì
quá nhỏ bé hay quá lớn lao để bị loại khỏi danh sách này. Bất kỳ dạng lòng tin
nào, dù là về điều gì, cũng đều quan trọng, bởi vì đó là sự tin tưởng.
Mẹo
số 8: Hãy lắng nghe cảm xúc của bạn.
Cảm xúc luôn
mang trong mình một thông điệp quan trọng. Chúng luôn có giá trị.
Hầu hết chúng ta
trên đời không thật sự hiểu cảm xúc là gì. Chúng ta đã đánh mất sự kết nối với
sự thật rằng, cảm xúc chính là chiếc la bàn dẫn đường cho ta trong hành trình sống.
Chúng luôn là phản hồi tức thì về sự thật trong con người bạn và về nơi mà bạn
đang đứng ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Nếu bạn phớt lờ điều đó, thì bạn đã
hoàn toàn mất kết nối với chính mình.
Người bình thường
xem cảm xúc như một thứ rắc rối, là thứ cần phải chống lại, là điều họ bất lực
trước nó, một thứ tiêu cực, và thậm chí là điều không đáng để tin cậy. Họ chẳng
hiểu mục đích thật sự của cảm xúc là gì. Vậy là đa số chúng ta sống trong một
cuộc giằng co nội tâm giữa việc trở thành nô lệ cho cảm xúc và việc chống lại cảm
xúc.
Chúng ta còn có
cả một ngành công nghiệp dược phẩm trị giá hàng tỷ đô, được dựng nên để trục lợi
từ việc hỗ trợ con người đàn áp cảm xúc bằng hóa chất và thay đổi chúng. Điều
này thực sự đáng buồn, vì cảm xúc chính là chiếc la bàn chỉ dẫn bạn trong cuộc
phiêu lưu được gọi là cuộc đời. Đó là tất cả sự hướng dẫn mà bạn cần. Đó là lý
do vì sao trực giác nói chuyện với bạn thông qua cảm xúc.
Chỉ khi bạn phớt
lờ cảm xúc của mình, thì bạn mới bị thuyết phục rằng cảm xúc là tiêu cực hoặc
là thứ khiến bạn thất bại. Mẹo này đi đôi với mẹo vừa rồi, khi nói về việc xây
dựng sự tin tưởng vào chính mình. Và lý do tôi để dành mẹo này cho cuối cùng,
là vì nó chính là Chén Thánh của việc tự tin vào bản thân.
Lý do bạn không
tin bản thân mình, là vì bạn đã tập quen với việc tự bỏ rơi chính mình. Bạn đã bỏ
rơi chính mình bằng cách không lắng nghe và không tôn trọng cảm xúc của mình. Bạn
vi phạm ranh giới của bản thân, bạn chạy trốn cảm xúc tiêu cực. Và điều quan trọng
nhất trong việc học cách tin tưởng chính mình, đó là: ngừng bỏ rơi chính mình.
Tôi đã tạo ra một
từ viết tắt: STAY Nghĩa là: Stop Abandoning Yourself (Ngừng Bỏ Rơi Chính Mình)
Cách đầu tiên để
ngừng bỏ rơi bản thân, là ngừng chạy trốn khỏi cảm xúc tiêu cực. Nghe có vẻ lạ,
vì những chuyên gia phát triển bản thân như tôi lúc nào cũng nói với bạn cách để
cảm thấy tốt hơn. Nhưng thực tế là: khi bạn cố gắng cảm thấy tốt hơn hay cảm thấy
khác đi, thì một phần nào đó trong bạn đang từ chối sự thật về cảm xúc hiện tại
của mình.
Bạn có để ý rằng
mỗi khi cảm xúc tiêu cực bắt đầu trỗi dậy, nó luôn đi kèm với một kiểu hoảng loạn?
Nó đi kèm với hoảng loạn, bởi một phần trong bạn biết rằng hễ bạn cảm thấy tệ
là bạn sẽ tìm cách bỏ chạy khỏi chính mình và cảm xúc ấy. Bạn không thể chạy trốn
cảm xúc mà lại không chạy trốn chính mình cùng lúc. Và đó chính là: bỏ rơi bản
thân.
Vì vậy, khi đang
học cách tin tưởng chính mình, chúng ta sẽ làm điều ngược lại. Thay vì cố gắng
cảm thấy tốt hơn, thay vì cố thay đổi cảm xúc hay chạy trốn khỏi chúng, chúng
ta học cách ở lại trọn vẹn với cảm xúc của mình một cách vô điều kiện, dù là cảm
xúc dễ chịu hay khó chịu.
Việc này dạy bạn
rằng dù bạn có cảm thấy thế nào, bạn vẫn sẽ luôn ở đó vì chính mình. Điều này
trái ngược hoàn toàn với cách mà những người lớn thời thơ ấu của bạn đã đối xử
với bạn. Sự hiện diện và chấp nhận của họ dành cho bạn luôn phụ thuộc vào việc
bạn có cảm thấy vui vẻ hay không.
Mỗi khi bạn cảm
thấy tồi tệ, họ liền tìm cách thay đổi cảm xúc của bạn như thể “có gì đó sai
sai”, hoặc họ rời đi cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn. Tất cả những hành vi đó
đã dạy bạn cách làm y như vậy với chính mình.
Và nhiều người
trong chúng ta đang làm điều đó theo những cách rất tổn hại. Chúng ta dùng các
loại nghiện. Chúng ta cố gắng trốn khỏi cảm xúc bằng cách làm những điều cuối
cùng sẽ hủy hoại bản thân.
Thông điệp mà bạn
đang truyền đi là: “Khi tôi cảm thấy tệ, không những tôi sẽ cố trốn khỏi chính
mình (tức là bỏ rơi bản thân), mà tôi còn sẽ làm tổn thương chính mình nữa.”
Tôi có chia sẻ một
quy trình giúp bạn học cách ở bên chính mình một cách vô điều kiện trong video
YouTube của tôi có tên: “Healing The
Emotional Body” (Chữa lành cơ thể cảm xúc - Teal Swan Transcripts 124). Nếu
là bạn, tôi sẽ xem lại video đó và làm theo quá trình trong đó, nó sẽ giúp bạn
học được cách không bỏ rơi bản thân bằng việc chạy trốn khỏi cảm xúc tiêu cực.
Nếu bạn bắt đầu
ngừng bỏ rơi bản thân mỗi khi cảm thấy tiêu cực, bạn sẽ dần xây dựng được lòng
tin rằng mình sẽ luôn ở đó vì chính mình. Bạn sẽ cảm nhận được một sự bình yên
sâu sắc trỗi dậy từ bên trong, một cảm giác an hòa mà bạn chưa từng biết là nó
tồn tại.
Phần tiếp theo
trong phương trình không bỏ rơi bản thân là: phát triển ranh giới lành mạnh. Vì
vậy, tôi sẽ nói với bạn một chút về ranh giới.
Ranh giới cơ bản
có nghĩa là: có cảm nhận rõ ràng giữa bản thân và người khác. Khi tham gia vào
thế giới vật chất này, góc nhìn và trải nghiệm cá nhân chính là điều đang phục
vụ cho sự mở rộng của vũ trụ. Và vì vậy, chúng ta nhận thức được sự khác biệt
giữa bản thân và phần còn lại của thế giới. Cái nhìn cá nhân này chính là một
loại “ranh giới” giúp định nghĩa chúng ta khác với mọi thứ còn lại.
Chúng ta luôn
nghe đi nghe lại từ các chuyên gia tâm lý và phát triển bản thân rằng, việc
phát triển ranh giới lành mạnh là điều thiết yếu cho sức khỏe tinh thần. Nhưng ranh
giới thật sự là gì?
Ranh giới là những
hướng dẫn để xác định cách bản thân tương tác với thế giới. Chúng là những quy
tắc ứng xử được hình thành từ hỗn hợp niềm tin, quan điểm, thái độ, trải nghiệm
trong quá khứ và học hỏi xã hội. Ranh giới cá nhân hoạt động theo hai chiều, ảnh
hưởng đến cả những gì ta tiếp nhận từ người khác và truyền ra ngoài khi tương
tác. Ranh giới giúp xác định bạn là ai bằng cách vạch rõ điều bạn thích và
không thích, điều gì là đúng hoặc sai đối với riêng bạn. Việc xác định rõ những
điều này giúp bạn biết rõ bạn sẽ được đối xử như thế nào, cả bởi chính bạn và bởi
người khác.
Dưới đây là một
số dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang có ranh giới không lành mạnh:
- Nói “có” khi bạn
thực sự muốn nói “không”, hoặc nói “không” khi bạn thực sự muốn nói “có”.
- Cảm thấy tội lỗi
khi nói “không”.
- Hành động trái
với giá trị hay sự chính trực của bản thân để làm vừa lòng người khác.
- Không lên tiếng
khi bạn thực sự có điều muốn nói.
- Chấp nhận niềm
tin hay quan điểm của người khác chỉ để được chấp nhận.
- Không lên tiếng
khi ai đó đối xử tệ với bạn.
- Chấp nhận sự đụng
chạm thể xác hay quan hệ tình dục khi bạn không thực sự muốn.
- Để bản thân bị
gián đoạn hay xao nhãng để chiều theo nhu cầu hay mong muốn tức thời của người
khác.
- Cho đi quá nhiều
chỉ để được nhìn nhận là “có ích”.
- Dính líu quá mức
vào vấn đề hay khó khăn của người khác.
- Cho phép người
khác nói những điều khiến bạn không thoải mái, dù là nói với bạn hay trước mặt
bạn.
- Không xác định
và bày tỏ nhu cầu cảm xúc của bạn trong các mối quan hệ.
Vấn đề lớn nhất
về ranh giới không phải là người khác vi phạm ranh giới của bạn, mà là bạn vi
phạm chính ranh giới của mình. Mỗi lần bạn để bản thân làm điều gì đó khiến bạn
cảm thấy không ổn, bạn đang tự vi phạm ranh giới của mình. Bạn đang phản bội
chính mình.
Nếu bạn để người
khác vi phạm ranh giới của mình, bạn cũng đang phản bội bản thân. Mỗi khi bạn
đi ngược lại với ranh giới cá nhân của mình, bạn đang tự phản bội mình, bạn
đang bỏ rơi chính mình và để sự tự ghét bản thân lấn át.
Tôi sẽ đơn giản
hóa khái niệm ranh giới cho bạn một cách rõ ràng: Ranh giới của bạn được định
nghĩa bởi cảm xúc của bạn. Cảm xúc luôn cho bạn biết khi nào một ranh giới của
bạn bị vượt qua, bất kể đó là ranh giới gì.
Ví dụ, nếu ai đó
nói điều gì đó khiến bạn tổn thương, điều đó có nghĩa họ đã vượt qua một ranh
giới cảm xúc của bạn, và cảm giác tổn thương chính là dấu hiệu để bạn biết rằng
ranh giới đó cần được xác lập lại.
Một ví dụ khác:
ai đó mời bạn đi tiệc, bạn không muốn đi nhưng vẫn đi, và sau đó bạn cảm thấy tệ,
đó là dấu hiệu cho thấy bạn đã vi phạm ranh giới của chính mình.
Vì vậy, điều cực
kỳ quan trọng là phải kết nối với cảm xúc của mình mỗi ngày, mọi lúc. Chúng ta
có thể hình dung ranh giới là một đường ranh tưởng tượng phân định và bảo vệ hạnh
phúc cá nhân, sự chính trực, mong muốn, nhu cầu, và từ đó là sự thật cá nhân của
bạn, khỏi phần còn lại của vũ trụ.
Người không lắng
nghe và tôn trọng cảm xúc của mình là người đang vi phạm ranh giới của chính họ.
Hết!
Vì vậy, điều
then chốt là bạn cần bắt đầu chú ý, lắng nghe và khám phá cảm xúc thực sự của
mình. Bạn cần biết điều gì bạn thích và không thích, bạn muốn gì và không muốn
gì. Bắt đầu xác định bạn là ai, thật sự hiểu rõ con người mình, để bạn có thể sống
một cách chân thực.
Vì chỉ khi đó, bạn
mới có thể sống đúng với ranh giới của chính mình. Vì chỉ khi đó, bạn mới thực
sự lắng nghe cảm xúc của mình. Cảm xúc của bạn đang nói lên sự thật cá nhân của
bạn.
Việc không chỉ
biết mình là ai và mình thực sự muốn gì, mà còn biết rằng người khác cũng biết
và công nhận con người thật của mình, là điều tối quan trọng. Khi chúng ta thấy
xấu hổ về con người mình hay điều mình mong muốn, ta có những ranh giới yếu
kém.
Và chúng ta bị
người khác làm cho xấu hổ vì con người thật của mình, mọi lúc. Người như thế
không có sự tin tưởng vào bản thân. Đó là người từng bị phủ nhận cảm xúc ngay từ
thời thơ ấu.
Để bạn hiểu rõ
điều gì đã dẫn đến vấn đề mất lòng tin vào bản thân, tôi sẽ mô tả một kịch bản
thường gặp thời thơ ấu:
Một đứa trẻ bắt
đầu cảm thấy tức giận vì cha mẹ nó luôn bận rộn công việc và không có thời gian
ở bên con. Đứa trẻ thể hiện cơn giận và bị phủ nhận cảm xúc ấy.
Cha mẹ nói: “Cha/mẹ
dành thời gian cho con nhiều hơn bất kỳ người cha/người mẹ nào mà ba/mẹ biết.” Và
đứa trẻ bị làm cho cảm thấy xấu hổ vì “vô ơn”. Đứa trẻ học được rằng cảm xúc của
mình là không đúng sự thật và nên xấu hổ khi cảm thấy như vậy.
Cảm xúc bị kìm
nén. Tức giận là điều không thể chấp nhận, nên đứa trẻ tạo ra một “cái tôi giả”,
một con người không thể bộc lộ sự tức giận, và luôn nói “cảm ơn” dù trong lòng
không muốn. Theo thời gian, đứa trẻ đó tin rằng bản thân là một người vui vẻ và
biết ơn. Chưa bao giờ nó dám thừa nhận rằng, tận sâu bên trong, nó thực sự đang
giận dữ.
Vậy làm sao bạn
biết mình đang sống với một “cái tôi giả”?
Hãy tự hỏi những
câu hỏi sau:
- Tôi có biết
mình thực sự muốn gì không?
- Tôi có để người
khác quyết định suy nghĩ, niềm tin hay cảm xúc của mình không?
- Tôi có làm những
việc mà mình không thực sự muốn làm không?
- Tôi có nói
“có” khi thực sự muốn nói “không”, hoặc nói “không” khi muốn nói “có” không?
- Tôi có sợ để
người khác biết cảm xúc thật của mình không?
- Tôi có sợ người
khác nghĩ xấu về mình không?
Bắt đầu chú ý đến
cảm xúc của bạn và tôn trọng chúng, điều này sẽ dẫn đến việc không còn bỏ rơi bản
thân nữa, giống như mở chiếc hộp Pandora.
Một khi đã mở
ra, bạn không thể đóng nó lại. Nó sẽ thay đổi mọi thứ trong cuộc đời bạn. Tất cả
mọi khía cạnh trong cuộc sống của bạn sẽ thay đổi khi bạn thực hiện bước cuối
cùng này trong quá trình học cách tin tưởng chính mình.
Tin tưởng bản
thân là một quá trình. Nó không phải là thứ có thể xảy ra chỉ sau một đêm.
Nhưng sự tin tưởng
bản thân là kết quả không thể tránh khỏi khi bạn bắt đầu thực sự tôn vinh con
người thật của mình và thừa nhận con người thật ấy.
Chúc bạn một tuần
thật tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=ylZnQnMoLOU
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.