Teal Swan Transcripts 125 - Lặn sâu (Công việc với Bóng tối)

 

Teal Swan Transcripts 125


Lặn sâu (Công việc với Bóng tối)

 

25-05-2014




Tất cả các bạn đều đã từng nghe những câu như “Tôi mệt mỏi với tất cả cái drama này” hoặc “Kìa cô ta, đúng là một nữ hoàng drama…” Chúng ta thường dùng từ “drama” (bi kịch/kịch tính) khi muốn phủ nhận trải nghiệm cảm xúc của ai đó. Hoặc, khi ai đó có phản ứng mạnh mẽ trước một trải nghiệm cảm xúc nào đó mà người ngoài cảm thấy là không cần thiết, vô cớ, hoặc là phản ứng thái quá. Như tôi đã từng nói trong một tập “Hỏi Teal” trước đây, từ “drama” ban đầu có nghĩa là “diễn”. Đó là lý do tại sao từ này được sử dụng lần đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và sân khấu.

 

Khi áp dụng vào đời sống cảm xúc, “drama” là một trạng thái, tình huống hoặc chuỗi sự kiện liên quan đến mâu thuẫn dữ dội. Khi kết hợp hai điều này, ta có được định nghĩa của một người “drama”: đó là người hành xử như thể họ đang ở trong một tình trạng xung đột mãnh liệt. Vì sao họ lại hành xử như thể họ đang xung đột gay gắt? Bởi vì thực sự, họ đang ở trong trạng thái xung đột sâu sắc. Không ai phản ứng “quá mức”. Chưa từng có một con người hay sinh mệnh nào trong vũ trụ này từng phản ứng một cách "thái quá".

 

Chúng ta luôn phản ứng hoàn toàn phù hợp với thực tại mà chính chúng ta đang nhận thức. Chỉ là thực tại mà ta đang cảm nhận không nhất thiết trùng khớp với thực tại mà người khác đang cảm nhận. Khi nói đến trải nghiệm cảm xúc của con người, thật ra không có cái gọi là “drama”.

 

Ví dụ: Có một quan niệm rằng người “drama” hay “nữ hoàng drama” là người phản ứng quá mức, hoặc cố tình diễn để gây chú ý, giống như một diễn viên trên sân khấu. Nhưng nếu đúng là họ đang “diễn” để thu hút sự chú ý, thì họ đang thực sự ở trong trạng thái xung đột cực độ, bởi vì sâu thẳm bên trong họ cảm thấy tuyệt vọng vì thiếu sự quan tâm. Sâu bên trong, họ cảm thấy không được nhìn thấy, không được lắng nghe, không được yêu thương. Họ không tin tưởng và không yêu chính bản thân mình, nên không có sự bình an nội tâm, và vì thế, sâu trong họ là một tiếng gào thét mong người khác đến cứu họ khỏi chính họ.

 

Vậy nên, câu hỏi đặt ra là: Họ có thật sự phản ứng thái quá không? Hay họ đang diễn lại cái cảm nhận rằng mình không được yêu, không được quan tâm, không có giá trị, và phơi bày điều đó ra cho thế giới thấy?

 

Nếu bạn phủ nhận cảm xúc của người khác bằng cách bảo họ “đang drama”, điều đó chứng tỏ bạn đã học được cách phủ nhận chính cảm xúc của mình suốt cuộc đời. Và bạn áp đặt kỳ vọng đó lên người khác. Dù bạn có mong muốn rằng mình không cảm thấy như vậy, thì đã đến lúc bạn phải thừa nhận cảm xúc thật của mình, và không còn xấu hổ về những cảm xúc ấy nữa. Cảm thấy tội lỗi và xấu hổ vì những cảm xúc của chính mình mới chính là lý do thật sự khiến bạn muốn phủ nhận và gạt bỏ chúng đi.

 

Đó cũng là lý do vì sao bạn phủ nhận cảm xúc của người khác, bằng cách đánh giá rằng họ đang "drama". Nếu bạn cảm thấy khó chịu với "drama", thì điều tối quan trọng là hãy nhắc nhở chính mình rằng không ai phản ứng thái quá, bao gồm cả bạn. Bạn luôn hành động hoàn toàn phù hợp với thực tại mà bạn đang cảm nhận.

 

Nhưng giờ, hãy đi sâu hơn. Hãy gọi “drama” là chuyến tàu lượn cảm xúc bất tận, lên rồi xuống, lên rồi lại xuống của chính chúng ta. Chúng ta không thể thoát khỏi chuyến tàu lượn này vì chúng ta đang bị mắc kẹt ở tầng bề mặt. Chúng ta không lặn sâu xuống.

 

Chúng ta không nhận ra rằng những sự kiện trên bề mặt, những sự kiện tạo ra xung đột trong cuộc sống, không chỉ là "cái cớ", chúng là những sứ giả, giúp chúng ta trở nên ý thức về điều gì đó đang bị chôn giấu và kìm nén sâu bên trong.

 

Khi muốn cảm thấy khá hơn, chúng ta thường cố thay đổi hoàn cảnh bên ngoài: chúng ta chấm dứt mối quan hệ, chuyển đến thành phố khác, ăn kiêng, đi tập gym, hoặc dùng thuốc... Nhưng khi chỉ làm như vậy, chỉ tìm kiếm và thực hiện các hành động mang tính vật chất để cảm thấy tốt hơn, chúng ta sẽ không bao giờ thật sự thoát khỏi xung đột gốc rễ. Nó sẽ tiếp tục lặp lại trong mối quan hệ mới, thành phố mới, bất kể bạn ăn uống ra sao, tập luyện thế nào hay dùng thuốc gì. Chúng ta đang tiếp tục kéo dài “drama” trong cuộc đời mình nếu những thay đổi ta tạo ra chỉ tác động đến triệu chứng bên ngoài của vấn đề, thay vì giải quyết nguyên nhân sâu xa của nỗi đau.

 

Ví dụ: Giả sử tôi bị thừa cân. Về mặt cảm xúc, tôi cảm thấy khổ sở. Việc béo lên là một hậu quả thể chất của vấn đề. Nó, về bản chất, là một triệu chứng bề mặt của một vấn đề sâu hơn rất nhiều. Nếu tôi lặn sâu vào bên trong chính mình và nỗi đau của mình, tôi sẽ thấy rằng tôi mang trong mình cảm giác tội lỗi sâu sắc, rằng khi còn nhỏ, tôi không bao giờ đáp ứng được kỳ vọng của người khác. Và thế là cơ thể tôi cố tự bảo vệ mình bằng cách dựng một lớp tường ngăn cách, chính là lớp mỡ, để tránh bị yêu cầu, áp lực từ người khác.

 

Nếu tôi thay đổi nhận thức của mình về kỳ vọng của người khác, và bắt đầu xây dựng lòng tự trọng, thì sẽ không còn lý do gì để cơ thể tôi tích trữ mỡ nữa, và tôi sẽ bắt đầu giảm cân. Khi ấy, tôi có thể cảm thấy có cảm hứng để đăng ký tập gym hoặc ăn uống lành mạnh hơn, nhưng những thay đổi ấy xuất phát từ một sự dịch chuyển bên trong, rất sâu sắc.

 

Tuy nhiên, nếu tôi chỉ đơn giản là đến phòng tập và ăn kiêng ngay từ đầu, mà không nhận diện và hòa nhập được cảm xúc bị tắc nghẽn, cụ thể là cảm giác tội lỗi, thì sẽ không bao giờ có hồi kết cho cuộc xung đột bên trong đã tạo ra tình trạng béo phì. Sẽ không có hồi kết cho “drama” trong cuộc đời tôi. Tôi sẽ chỉ cố thay đổi cái hiệu ứng vật lý bên ngoài của vấn đề, thay vì giải quyết nguyên nhân thật sự.

 

Tóm lại, chúng ta phải lặn sâu vào bên trong chính mình.

 

Vậy, làm sao để “lặn sâu”? - Chúng ta lặn sâu bằng cách nhận ra các “tác nhân kích hoạt” (triggers).

 

Kích hoạt là những thứ gợi lại ký ức đau thương trong quá khứ. Nó được gọi là “trigger” (cò súng) vì một khi nó được bóp (tức là xuất hiện trong thực tại của bạn), nó lập tức gây ra phản ứng cảm xúc mãnh liệt trong cơ thể, mà ta gọi là cảm xúc. Ta thường thấy rõ các kích hoạt này trong hội chứng Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD). Chắc hẳn bạn đã nghe đến.

 

Ví dụ: một cựu binh sau chiến tranh trở về nhà, và đến ngày Quốc khánh, khi pháo hoa nổ vang lên, anh ta hoảng loạn và chui xuống gầm bàn vì tưởng như mình đang quay lại chiến trường. Ký ức đau thương sống dậy. Anh ta cảm thấy như mình đang ở giữa làn đạn.

 

Nhưng điều mà nhiều người không hiểu là: bạn không cần phải được chẩn đoán PTSD thì mới có “kích hoạt”.

 

Thật ra, tất cả mọi người trên Trái Đất này đều có triggers.

 

Để hiểu rõ hơn, hãy lấy một ví dụ đời thường: Một người phụ nữ bước vào một mối quan hệ mới. Mọi thứ rất tuyệt vời, đầy hứa hẹn. Cho đến một ngày, bạn trai cô ấy quyết định đi uống với bạn sau giờ làm thay vì dành thời gian cho cô ấy. Khi phát hiện ra anh ấy đã ưu tiên bạn bè thay vì mình, cô ấy lập tức trào dâng cơn giận và cảm giác bất lực. Cô ấy cảm thấy bị bỏ rơi và không có giá trị. Cô bắt đầu nghi ngờ mối quan hệ và trút giận lên anh ấy bằng lời nói.

 

Sự kiện đó chính là một “kích hoạt” cho nỗi đau chưa được chữa lành bên trong cô.

 

Bề ngoài, có vẻ như cô ấy đã phản ứng thái quá. Có vẻ như cô ấy là một “nữ hoàng drama”. Đó cũng là điều mà người bạn trai nghĩ. Anh ta tin rằng cô đã phản ứng quá mức, và giờ thì anh cũng bắt đầu nghi ngờ mối quan hệ này.

 

Nhưng nếu cô nhận ra cường độ cảm xúc mãnh liệt kia chính là dấu hiệu của một trigger, và dùng nó để lặn sâu vào bản thân, cô sẽ phát hiện ra rằng phản ứng của mình chỉ là triệu chứng bề mặt của một chấn thương sâu hơn, nỗi đau chưa được tích hợp. Nếu cô dùng trigger đó để lặn sâu, cô sẽ khám phá ra rằng mình cảm thấy bị bỏ rơi và không có giá trị, giống như khi còn nhỏ, cha cô thường đặt mọi thứ lên trên cô. Cô sẽ thấy rằng ông không kết nối với cô, và sự thiếu kết nối, thiếu yêu thương ấy chính là vết thương sâu nhất bên trong cô. Chính nó đã khiến cô cảm thấy mình không có giá trị, bất lực ngay từ đầu.

 

Phản ứng cảm xúc mãnh liệt mà cô thể hiện với người yêu, thực chất không phải là phản ứng với anh ấy, mà là phản ứng với người cha của mình.

 

Bạn sẽ nhận ra một “trigger” như thế này: Trigger luôn khiến bạn trỗi dậy cảm xúc khó chịu, cảm xúc cực đoan. Nó sẽ khiến bạn muốn phản ứng, để tấn công hoặc để phòng vệ.

 

Khi chúng ta trải qua một “cú kích hoạt”, ta sẽ cảm thấy ngay lập tức bất lực, vô cùng buồn bã, tràn ngập đau thương đến mức không thể kìm được nước mắt. Hoặc ta có thể cảm thấy giận dữ đến mức chỉ muốn đập phá thứ gì đó, thậm chí là giết ai đó. “Kịch tính”, với nghĩa là một trạng thái xung đột nội tâm mãnh liệt, về bản chất là một chuỗi phản ứng tiến triển. Nó được thiết kế để khiến người khác chú ý đến ta, sự chú ý mà chính ta không thể tự trao cho mình.

 

Chúng ta có thể chấm dứt “drama” trong cuộc sống của mình bằng cách sử dụng những “cú kích hoạt” như những lá cờ đỏ để lặn sâu vào bên trong và tìm ra cội nguồn thực sự của những phản ứng cảm xúc đó. Ta có thể dùng chúng để đào sâu và tìm ra nỗi đau, nỗi buồn bị chôn giấu và chưa được giải tỏa trong ta. Một khi ta tìm ra nguyên nhân gốc rễ của xung đột cảm xúc, ta có thể điều chỉnh nó. Trên thực tế, chỉ cần nhận ra nguyên nhân gốc rễ, nó đã bắt đầu thay đổi.

 

Hãy hình dung như việc khai quật một xác chết bị chôn vùi. Cứ hỏi một nhà khảo cổ mà xem. Giống như việc đưa một xác chết ra ánh sáng và không khí sẽ khiến nó thay đổi mãi mãi, việc mang nỗi đau bị chôn giấu ra ánh sáng của sự nhận biết cũng thay đổi nó vĩnh viễn. Các hành vi, vẻ ngoài, hoàn cảnh bên ngoài của ta sẽ tự động thay đổi khi ta điều chỉnh được nguyên nhân sâu xa của nỗi đau cảm xúc bị chôn vùi.

 

Điều này sẽ dẫn đến sự giải thoát và thay đổi vĩnh viễn, chứ không chỉ là sự thay đổi nhất thời. Tôi không nói rằng chúng ta nên ngừng mọi hành động bên ngoài, mà là: nếu ta hành động mà chưa thực sự lặn sâu để nhìn thấy và chữa lành nguyên nhân gây ra nỗi đau hay phản ứng bên trong, thì ta chưa thực sự giải quyết được gì cả. Cú kích hoạt đó sẽ vẫn mang năng lượng "nổ" của nó, và tình huống ban đầu từng gây ra sang chấn cho ta sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại trong trải nghiệm của ta.

 

Ta sẽ tiếp tục trải nghiệm lại nó, lần này đến lần khác, cho đến khi ta chịu nhìn vào lá cờ đỏ đó và dùng nó để đào sâu vào bên trong mình.

 

--------

 

Bước 1: Nhận diện cú kích hoạt như đúng bản chất của nó, một "trigger".

 

Việc đặt tên cho nó theo cách này sẽ khiến ta tách mình ra khỏi phản ứng cảm xúc, và bắt đầu quan sát thay vì bị cuốn vào nó.

 

Bước 2: Nhận diện những “người đưa tin”.

 

“Người đưa tin” chính là những tình huống bề mặt gây ra cảm xúc mãnh liệt và khó chịu trong bạn. Chúng không phải là điều mới xảy ra với bạn, mà là sự phản chiếu. Chúng là người đưa tin của một vết thương chưa được chữa lành nằm sâu bên trong bạn. Vì vậy, thay vì “bắn chết người đưa tin”, hãy nhận ra và đặt tên đúng cho chúng.

 

Trong một video trước có tựa đề “Thân thể Cảm Xúc”, tôi đã chia sẻ một quy trình bạn có thể áp dụng để hòa nhập lại những ký ức đau thương bị kìm nén. Đó chính là quy trình ta cần dùng mỗi khi đối diện với một cú kích hoạt.

 

------

 

Tóm lược quy trình:

 

Khi bị kích hoạt, hãy ngồi lại với cảm xúc đó.

Đừng cố chạy trốn, đừng cố thay đổi nó.

Đừng tìm đến điếu thuốc.

Đừng cố làm bản thân thấy khá hơn.

Đừng mong ai đó đến an ủi bạn.

Hãy ngồi lại – hiện diện trọn vẹn – với cảm giác ấy.

Hít vào – thở ra – và nhắc nhở bản thân, như thể đang nói với cảm xúc của mình:

 

 "Tôi đang ở đây với bạn, hoàn toàn, ngay lúc này."

 

Sau đó, hãy tự hỏi mình 3 câu hỏi:

 

---

 

Câu hỏi 1: “Tôi đang cảm thấy thế nào?”

 

Hãy gọi tên những cảm xúc, những cảm giác đang hiện diện trong bạn. Cho phép bản thân cảm nhận lại những điều mà từ lâu bạn đã kìm nén.

 

---

 

Câu hỏi 2: “Lần gần nhất tôi từng cảm thấy y như thế này là khi nào?”

 

Hãy để hình ảnh và trải nghiệm hiện lên trong tâm trí bạn một cách trọn vẹn, để cảm xúc trở nên sống động. Đừng ép buộc, hãy để tiềm thức của bạn dẫn đường qua cảm giác, hình ảnh, hoặc xúc giác trong cơ thể.

 

---

 

Câu hỏi 3: “Lần đầu tiên tôi từng cảm thấy như thế này là khi nào?”

 

Hãy để bản thân quay lại tận gốc. Thật ra bạn không thực sự “quay lại”, mà là mời quá khứ hội nhập vào hiện tại. Ngay cả khi những gì bạn thấy, cảm nhận hay ngửi được chẳng có vẻ gì là hợp lý, hãy ghi nhận lại. Tại sao bạn nghĩ bạn đang cảm thấy điều này? Hoàn cảnh lúc ấy là gì?

 

---

 

Hãy kiên nhẫn với quá trình này.

 

Không có cách nào sai để thực hiện quy trình này cả. Việc chữa lành cảm xúc sẽ xảy ra một cách tự nhiên.

 

Nếu bạn hiểu được lý do tại sao bạn cảm thấy như vậy, thì đó là vì bạn đã sẵn sàng để có sự hiểu biết nhận thức phục vụ cho sự phát triển cảm xúc của bạn. Nếu bạn không có được sự hiểu biết đó, thì có thể bạn đơn giản chỉ đang cần hòa nhập một cảm xúc, rất có thể là cảm xúc từng xảy ra trước khi bạn có khả năng lý trí (trước 8 tuổi).

 

Khi ấy, bạn chỉ đang sống trong trải nghiệm cảm xúc của thế giới, chứ chưa thể suy nghĩ về nó. Điều đó là hoàn toàn ổn. Chỉ cần cảm nhận cảm xúc cũng đủ để tích hợp và chữa lành.

 

---

 

Từ khoảnh khắc bạn được đưa về ký ức nơi xảy ra sang chấn ban đầu, nếu bạn cảm thấy điều đó “đúng đắn”, bạn có thể thay đổi trải nghiệm ban đầu ấy. Chỉ cần quan sát lại ký ức đó thôi cũng đã giúp tích hợp nó rồi. Nhưng nếu bạn muốn, bạn có thể tiến thêm một bước nữa để chữa lành.

 

Phiên bản Người Lớn của bạn có thể giúp Đứa Trẻ bên trong bạn. Bạn có thể "sửa lại" ký ức theo cách khiến bạn cảm thấy nhẹ nhàng, tích cực hơn. Đây chính là phương pháp gọi là Làm Việc với Đứa Trẻ Bên Trong (Inner-Child Work).

 

---

 

Một số bạn có thể cho rằng việc này “mơ hồ”, không thực tế vì nó chẳng thay đổi điều gì cụ thể ngoài đời. Nhưng điều đó hoàn toàn sai. Tất cả những gì bạn đang sống trong hiện tại đều là hệ quả của chấn thương thời thơ ấu. Quay về gốc rễ của trải nghiệm đó và thay đổi nguyên nhân, sẽ làm thay đổi tất cả những nhánh rẽ phát sinh từ nó.

 

Nếu bạn thực hiện điều này đủ sâu và đủ nhiều, một ngày nào đó bạn có thể bỏ thuốc lá, không phải vì bạn cố bỏ, mà vì bạn đã chữa lành cảm xúc bị kìm nén, thứ từng khiến bạn thèm thuốc ngay từ đầu.

 

---

 

Hoàn cảnh trong cuộc sống của bạn sẽ thay đổi, không ngoại lệ, khi bạn thay đổi nguyên nhân gây ra chúng, mà nguyên nhân đó luôn luôn là sang chấn trong quá khứ.

 

Quá trình này cho phép ta rút sự chú ý ra khỏi sự kiện hiện tại khiến ta buồn khổ, để quay vào trong và phản ứng một cách tỉnh thức, thay vì phản ứng tự động. Ta sẽ học cách sử dụng cú kích hoạt như một lá cờ đỏ để lặn sâu vào bên trong và nhận diện nỗi buồn chưa được giải tỏa và những tổn thương chưa được chữa lành, những dấu ấn vẫn còn nằm trong ta.

 

Khi ta làm được điều này, cảm xúc bị tắc nghẽn ấy sẽ được hòa nhập trở lại với bản thể của mình. Đây chính là chữa lành cảm xúc ở tầng sâu, vì đó là sự hòa nhập.

 

Và vì thế, điều quan trọng nhất mà ta có thể làm trong cuộc đời này, là ngừng đối xử với bất kỳ điều gì như thể nó chỉ là “drama”, và hãy đối xử với “drama” đúng như bản chất của nó:

 

Một cú kích hoạt, đang mời gọi ta lặn sâu vào bên trong.

 

Chúc bạn một tuần bình an.

 

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=qHPI6LucOo0

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.