Teal Swan Transcripts 120
Sự né tránh tâm linh
26-04-2014
Sự né tránh tâm
linh là “căn bệnh ung thư” của thế giới tâm linh. Đó là một “dịch bệnh” đã lan
rộng cả trong giới tôn giáo lẫn những người không theo tôn giáo nào. Sự né
tránh tâm linh là hành động sử dụng niềm tin tâm linh để né tránh những nhu cầu
chưa được đáp ứng, nỗi đau sâu thẳm và những vết thương chưa được chữa lành. Nó
là một hình thức né tránh. Và vì là né tránh, nên đó cũng là một hình thức
kháng cự. Trên thực tế, sự né tránh tâm linh chính là mặt tối của tâm linh.
Các niềm tin tâm
linh thuộc bất kỳ truyền thống nào, dù là Thiên Chúa giáo, Ấn Độ giáo, Phật
giáo, trào lưu Thời Đại Mới, Hồi giáo hay thậm chí là lĩnh vực Tự phát triển bản
thân, đều có thể trở thành cái cớ hoàn hảo để sống một cuộc sống thiếu chân thực.
Tất cả những hệ thống niềm tin này đều có thể được dùng làm lý do để né tránh
những khía cạnh không mong muốn trong cảm xúc và trạng thái hiện tại của một
người, để hướng đến những gì mà họ cho là “trạng thái giác ngộ” hơn.
Ngay cả câu nói
nổi tiếng, được yêu thích rộng rãi mà không cần dán nhãn tôn giáo nào, “Hãy
bình tĩnh và tiếp tục tiến bước” - cũng là một hình thức tôn vinh sự né tránh
tâm linh.
Một vài ví dụ điển
hình về sự né tránh tâm linh bao gồm:
- Sợ hãi hoặc
bài trừ cơn giận,
- Thái độ tách
biệt quá mức,
- Tê liệt hoặc
đè nén cảm xúc,
- Lòng từ bi mù
quáng hoặc quá khoan dung,
- Thiếu ranh giới
rõ ràng hoặc để ranh giới quá lỏng lẻo,
- Dùng lý trí để
trốn tránh cảm xúc,
- Phán xét bản
thân một cách tê liệt vì sự tiêu cực hay phần “bóng tối” trong mình,
- Xem nhẹ cái
tôi cá nhân so với tâm linh,
- Né tránh đời sống
vật chất và thực tế thường nhật,
- Ảo tưởng rằng
mình đã đạt tới một cấp độ cao hơn trong sự tồn tại,
- Và điều tôi cá
nhân cảm thấy khó chịu nhất: sự tập trung quá mức vào điều tích cực, đến mức phản
kháng dữ dội trước bất kỳ điều gì tiêu cực.
Mọi tôn giáo và
truyền thống tâm linh đều góp phần lan truyền sự né tránh tâm linh dưới một
hình thức nào đó. Ví dụ:
- Xưng tội trong
Công giáo, nơi mà người ta kỳ vọng rằng chỉ cần xưng tội là có thể rửa sạch tội
lỗi và thay đổi hành vi tiêu cực một cách dễ dàng.
- Sự siêu việt sớm
trong Phật giáo, tức là hành xử như thể mình đã vượt trên sự rối rắm và hỗn loạn
của cuộc sống, trong khi sự thật là mình chưa hề vượt qua được nó.
- Tình yêu vô điều
kiện kiểu Cơ Đốc giáo, khi người ta rao giảng tình yêu nhưng là tình yêu giả dối,
nói “tôi yêu họ” trong khi thực chất vẫn còn định kiến và kháng cự với họ, chỉ
ước gì mình có thể học cách yêu họ.
Thiền định cũng
thường xuyên bị dùng như một công cụ để né tránh cảm xúc khó chịu và các vấn đề
chưa được giải quyết trong cuộc sống. Với những người phủ nhận cảm xúc và vết
thương của chính mình, việc thực hành thiền càng củng cố xu hướng tách biệt,
rút lui và tạo khoảng cách trong các mối quan hệ. Việc sử dụng chất thức thần
trong tâm linh cũng có thể là một công cụ để tránh “nhúng tay” vào quá trình giải
quyết những vấn đề cảm xúc. Ở trong một trạng thái ý thức thay đổi thì dễ hơn
là phải đối mặt với nỗi đau của chính mình.
Và trong cộng đồng
tâm linh, không có hình thức né tránh tâm linh nào phổ biến và lan rộng hơn sự
tập trung vào điều tích cực.
Ví dụ điển hình
sau đây sẽ cho thấy rõ điều đó:
- Người A cảm thấy
vô cùng tội lỗi và đau buồn vì vừa kết thúc một mối quan hệ tình cảm. Người B cảm
thấy khó chịu trước cảm xúc mãnh liệt đó, nên muốn giúp Người A né tránh những
cảm xúc đau đớn ấy. Người B nói với Người A rằng cô ấy tạo ra thực tại của
riêng mình, nên thay vì cứ nghĩ đến những điều đó thì hãy nghĩ tích cực đi.
Không chỉ phủ nhận
và phán xét các suy nghĩ của Người A (và do đó khiến họ cảm thấy xấu hổ), lời
khuyên đó còn yêu cầu Người A làm một điều mà họ thật sự không thể làm được. Nhảy
vọt từ một suy nghĩ hoàn toàn tiêu cực sang một suy nghĩ hoàn toàn tích cực là
điều không thể trong vũ trụ mà chúng ta đang sống, khoảng cách rung động là quá
lớn. Suy nghĩ tích cực không khớp với rung động của suy nghĩ tiêu cực đang hiện
hữu, chúng nằm ngoài phạm vi rung động của nhau. Nên khi kỳ vọng ai đó chuyển từ
một trạng thái tiêu cực sang tích cực một cách đột ngột, tức là yêu cầu họ làm
một điều nằm ngoài khả năng hiện tại.
Hệ quả là: Người
A cảm thấy xấu hổ và bất lực trước chính suy nghĩ của mình. Họ cảm thấy rằng nơi
mình đang đứng là không được chấp nhận. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc tích
cực một cách chân thật và ép buộc mình phải tích cực chỉ để né tránh tiêu cực.
Trong thế giới
hiện đại, chúng ta có rất ít sự kiên nhẫn để đối mặt và vượt qua nỗi đau của
chính mình. Chúng ta thà uống một viên thuốc cho nhanh. Và rồi, không ngạc
nhiên khi tâm linh cũng đã trở thành một chiến lược né tránh.
Khi chúng ta
quay lưng lại với nỗi đau của mình, hay chối bỏ nơi mà mình đang ở, thì cuối
cùng, chúng ta đang quay lưng với chính mình và kháng cự lại chính mình. Điều
đó đảm bảo rằng chúng ta, cùng với vấn đề đó, sẽ tiếp tục xuất hiện đi xuất hiện
lại trong thực tại của mình. Nghĩa là vấn đề đó sẽ tiếp tục phản chiếu ra ngoài
và ngày càng rõ rệt, rõ rệt hơn nữa… cho đến khi chúng ta không còn lựa chọn
nào khác ngoài việc phải đối mặt với nó.
Sự chân thực là
trạng thái cao nhất dành cho người thực hành tâm linh. Trên thực tế, trong những
năm tới, sự chân thực sẽ thay thế sự giác ngộ như là mục tiêu thật sự của con
đường tâm linh. Khi chúng ta dùng tâm linh để tô vẽ, che phủ lên những vấn đề của
mình và cố gắng né tránh chúng, chúng ta đã biến mục tiêu của sự siêu việt tâm
linh thành công cụ để thoát ly khỏi cái phần thô ráp, rối rắm và thực tế của đời
sống con người, trước khi ta thật sự đối diện và làm hòa với nó. Điều này có thể
được xem như một sự siêu việt tâm linh giả tạo và quá sớm.
Và đó là một
trong những cái bẫy lớn nhất, hay tai nạn nghề nghiệp điển hình, của những ai
đang bước đi trên con đường tâm linh.
Sự né tránh tâm
linh không chỉ là một khía cạnh phiền toái trong thế giới tâm linh, nó cực kỳ
nguy hiểm.
Tại sao lại nguy
hiểm đến vậy?
Trước hết, nó
nguy hiểm vì nó tạo ra một sự chia tách bên trong mỗi con người. Con đường tâm
linh lẽ ra phải là con đường tái hợp nhất, là hành trình giúp ta tiến tới sự
toàn vẹn bên trong chính mình. Nhưng khi ta sử dụng sự né tránh tâm linh, ta tạo
ra một sự phân tách giữa nơi ta đang đứng và nơi ta nghĩ rằng mình nên ở. Nó
khiến ta dễ dàng tự lừa dối chính mình, sống trong ảo tưởng và hành xử theo một
phiên bản giả tạo của bản thân. Mà ta không thể chữa lành nếu không sẵn sàng thừa
nhận mình đang ở đâu.
Sự né tránh tâm
linh cũng giống như việc gãy chân mà không chịu thừa nhận là mình vừa bị gãy
chân. Nó giống như dán một miếng băng cá nhân lên một vết gãy hở xương, rồi cứ
thế tiếp tục bước đi như không có chuyện gì. Bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ
xảy ra với người làm như vậy. Và tôi sắp nói cho bạn biết:
Sự né tránh tâm
linh gây ra hậu quả trên bình diện cảm xúc y như việc phớt lờ một vết gãy hở
xương gây ra trên thể chất.
Chúng ta cần
dành thời gian để đối diện, vượt qua, chữa lành và vượt qua nỗi đau cảm xúc
cũng như những vết thương chưa được giải quyết, nếu muốn tiến về phía trước
trên bình diện cảm xúc. Cũng giống như cách chúng ta cần nhìn nhận rằng chân
mình đã bị gãy, cần nắn lại xương và cho phép nó được hồi phục, nếu muốn tiếp tục
bước đi về mặt thể chất.
Sự né tránh tâm
linh cũng dẫn đến một hình thái tâm linh phiến diện về mặt tư duy, nơi một khía
cạnh nào đó của đời sống được đề cao quá mức và đè nén mặt đối lập còn lại. Ví
dụ:
- Sự thật khách
quan được đề cao đến mức phủ nhận sự thật chủ quan.
- Phi vật chất
được coi trọng hơn hình tướng vật chất...
- Tầng 5D được đề
cao hơn tầng 3D...
- Trạng thái
siêu việt được coi là cao quý hơn sự hiện thân thể chất.
- Sự tách biệt
được coi trọng hơn khả năng cảm nhận.
Hành vi đề cao một
cực và hạ thấp cực còn lại của sự nhị nguyên như vậy sẽ dẫn đến những trải nghiệm
cực kỳ tổn hại. Ví dụ: một người có thể cố gắng thực hành “tách biệt cảm xúc”
khỏi người khác bằng cách đàn áp nhu cầu được yêu thương của chính mình. Nhưng
điều đó chỉ khiến nhu cầu ấy chìm xuống tiềm thức và rồi được thể hiện ra ngoài
một cách ngầm ẩn và đầy tính thao túng.
Ngoài ra, việc
trở thành “một người tâm linh tốt” có thể trở thành một bản ngã bù đắp cho bản
sắc cá nhân bị thiếu hụt, tức là cảm giác mình kém cỏi, “không đủ tốt”, “không
bằng ai”. Rất nhiều lần, bản ngã tâm linh ấy chỉ là lớp vỏ che phủ một nỗi bất
an to lớn bên trong. Và bởi vì ta biết mình nên cảm thấy thế nào, bởi vì ta biết
một “người có tâm linh” nên như thế nào, nên ta không dành thời gian để chữa
lành và nhìn thẳng vào cảm giác thiếu giá trị bên trong chính mình. Ta cảm thấy
tồi tệ về chính bản thân mình.
Dù có thể đang
thực hành tâm linh rất chăm chỉ, nhưng đôi khi, chính việc thực hành đó lại trở
thành công cụ để phủ nhận và phòng vệ. Và khi việc thực hành tâm linh được sử dụng
để né tránh các vấn đề thật sự của đời sống con người, thì nó bị tách rời ra,
không hòa nhập với cuộc sống thường nhật hay toàn bộ sự hiện hữu của chúng ta.
Chúng ta có thể cảm thấy như mình đang bị rối loạn nhân cách phân ly.
Chúng ta không
bao giờ có thể thực sự hiện thân của “Bản Ngã cao hơn” nếu ta vẫn còn xem phần
“thấp kém” hơn trong mình là “bản ngã thấp hơn”, là phần bản thân không được
mong muốn. Việc thực hành tâm linh sẽ không thể thực sự thấm sâu vào cuộc sống
và mang lại cảm giác hạnh phúc nếu ta dùng các nguyên lý tâm linh để tránh né bản
thân hoặc để né tránh nỗi đau.
- Bạn có đang né
tránh cảm giác rằng mình kém cỏi, không đủ tốt, hay thậm chí là tồi tệ, bằng
cách tạo ra một hình ảnh về bản thân như một người đã siêu việt về tâm linh?
- Bạn có dùng niềm
tin tâm linh để né tránh nỗi đau hoặc vấn đề của mình?
- Bạn có cảm thấy
“phiên bản tâm linh” của bạn là một con người hoàn toàn khác với “bạn của đời
thường”?
- Bạn có đang
dùng tâm linh để biện minh cho một nỗi bất an bên trong?
- Bạn có dùng
tâm linh để tránh nhìn vào những điều trong thực tại mà bạn ước gì nó không tồn
tại?
Bạn không thể né
tránh nỗi đau và những vết thương chưa được chữa lành của mình. Tất cả những gì
sẽ xảy ra là: chúng sẽ cứ quay lại, quay lại, và quay lại, cho đến khi chúng lớn
đến mức bạn buộc phải đối mặt với nó.
Hầu hết chúng ta
tìm đến tâm linh vì chúng ta muốn cảm thấy khá hơn. Nhưng rồi, quá thường
xuyên, tâm linh lại trở thành chính thứ chúng ta dùng để trốn chạy khỏi chính
mình và tránh né các vấn đề của bản thân. Chúng ta dùng tâm linh để tránh khỏi
quá trình hồi phục thực sự. Chúng ta dùng việc thực hành tâm linh để né tránh
những vấn đề tâm lý.
Và đó là lý do
vì sao phần lớn sự phát triển tâm linh phụ thuộc vào việc ta có dám đối mặt với
những vấn đề tâm lý bên trong mình hay không. Chúng ta không thể tiến bước trên
hành trình tâm linh, cũng giống như không thể di chuyển trên bản đồ nếu ta không
chịu thừa nhận mình đang ở đâu.
Hãy suy nghĩ điều
đó một chút. Hãy tưởng tượng bạn cầm một tấm bản đồ, giả sử bạn đang đi leo
núi, và bạn biết mình muốn đến đâu, nhưng bạn lại không chịu thừa nhận vị trí
hiện tại của mình. Bạn sẽ không bao giờ có thể vạch ra lộ trình từ nơi bạn đang
đứng đến nơi bạn muốn đến, nếu bạn không chịu nhìn nhận vị trí hiện tại, nếu bạn
cứ cố tránh né sự thật ấy.
Giờ tôi sắp đưa
ra một tuyên bố táo bạo: Hầu hết chúng ta đang sống ngày nay đều đang vật lộn với
sự né tránh tâm linh.
Vậy làm sao để
biết bạn có đang mắc kẹt trong điều đó không?
- Nếu bạn tin
vào “Tôi tạo ra thực tại của mình”, nhưng vẫn hay lo lắng...
- Nếu bạn tin
vào “Tình yêu vô điều kiện”, nhưng lại cảm thấy kháng cự cảm xúc với ai đó...
- Nếu bạn tin rằng
“Vũ trụ là Tử tế và Tốt lành”, nhưng lại mất niềm tin vào người khác hoặc vào
thế giới...
- Nếu bạn tin
vào “Tình yêu và Lòng tốt”, nhưng lại chửi rủa, dằn vặt chính mình...
Nếu trong bạn tồn
tại bất kỳ sự chia rẽ nào giữa nguyên tắc tâm linh và cảm xúc hoặc hành vi thật
sự của bạn, thì điều bạn cần làm ngay bây giờ là sống chân thật.
Chúng ta không
chỉ là những sinh thể vật lý đang thức tỉnh với trải nghiệm tâm linh. Chúng ta
cũng là những sinh thể tâm linh đang thức tỉnh với trải nghiệm thể chất. Trải
nghiệm thể chất không hề thấp kém hơn trải nghiệm tâm linh. Thực ra, cả hai đều
là trải nghiệm tâm linh.
Cuộc sống không
gọn gàng. Cuộc sống là hỗn độn. Nó bao gồm cả điều ta mong muốn lẫn điều ta
không mong muốn.
Bạn đến đây để tìm
kiếm sự đối lập trong trải nghiệm của mình, rồi từ đó chọn lựa và hướng tới điều
bạn thực sự mong muốn. Bạn đến đây để chuyển hóa những vết thương chưa được chữa
lành.
Tâm linh không
phải là cái cớ để bạn chạy trốn khỏi đời sống thể chất. Linh hồn không phải là
lý do để phủ nhận khía cạnh con người trong bạn. Các nguyên lý tâm linh không
nên được dùng để tránh né những mảnh hồn bị tổn thương hoặc nỗi đau trong bạn. Chúng
cũng không nên được dùng để bảo vệ cho hệ thống phòng vệ của bạn.
Muốn không rơi
vào sự né tránh tâm linh, ta phải can đảm. Can đảm để thừa nhận cảm xúc thật sự
của mình. Can đảm để thừa nhận những điều mình muốn và không muốn, điều mình
thích và không thích. Ta phải sẵn sàng nhìn nhận con người thật của mình, cảm
xúc thật của mình, kể cả khi điều đó khiến ta cảm thấy không ổn hoặc không dễ
chịu.
Nếu bạn muốn
tránh rơi vào cái bẫy của sự né tránh tâm linh, đây là vài gợi ý:
- Hãy thể hiện
và cho phép cảm xúc, vết thương, sang chấn và nỗi đau bên trong bạn được bộc lộ
một cách lành mạnh và đầy yêu thương.
- Hãy buông bỏ nỗi
sợ bị phán xét và thói quen đàn áp cảm xúc.
Chúng ta thường
dùng sự né tránh để đối phó với nỗi đau và khổ sở nội tâm. Những biểu hiện thường
thấy là: nghiện ăn, nghiện thuốc, nghiện rượu, nghiện mua sắm, tình dục, công
việc, chăm chăm vào người khác, tự phân tán sự chú ý của mình, hoặc đánh lạc hướng
khỏi chính bản thân.
Hãy học cách chấp
nhận cảm giác không thoải mái. Nếu bạn đang tự làm tê liệt mình từ trong ra
ngoài, thì năng lượng ấy sẽ tiếp tục tồn tại và trở thành môi trường cho những
vấn đề khác sinh sôi. Vì vậy, hãy đi đến tận gốc của vấn đề.
Hành trình cuộc
đời không phải lúc nào cũng là một hành trình hân hoan và hạnh phúc. Đôi khi,
hành trình ấy khiến bạn phải cuộn tròn trên sàn, trong nước mắt, hoàn toàn suy
sụp...Và đó mới chính là “phần cố lõi” của quá trình chuyển hóa.
Tôi muốn bạn
hình dung về một con bướm. Bởi vì quá trình chuyển hóa tâm linh của chúng ta giống
hệt như vậy. Khi một con bướm bò vào trong kén của nó, điều xảy ra tiếp theo là
nó tan rã hoàn toàn thành một dạng “súp”, một hỗn hợp vật chất di truyền thuần
khiết. Con bướm phải vỡ vụn hoàn toàn để có thể trở thành bướm thay vì chỉ là
sâu. Nó không phải chỉ đơn giản mọc thêm đôi cánh.
Muốn không rơi
vào né tránh tâm linh, chúng ta phải đem những điều mình học được ứng dụng vào
cuộc sống thực. Việc đi học lớp yoga, hội thảo hay các khóa học tâm linh là những
công cụ tuyệt vời, nhưng công cụ là vô dụng nếu bạn không dùng nó.
Chính bạn là người
phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình và áp dụng những công cụ đó vào từng
ngày sống. Chỉ khi đó, những nguyên lý tâm linh trừu tượng mới thực sự trở
thành hiện thực sống động, hiện hữu trong từng hành động thường ngày của bạn.
Nếu ta muốn
tránh rơi vào cái bẫy của sự né tránh tâm linh, thì ta phải từ bỏ ý nghĩ rằng
có điều gì đó sai trong ta khi ta có suy nghĩ tiêu cực, cảm xúc tiêu cực hay trạng
thái tiêu cực. Nếu ta tin rằng sự tiêu cực là điều sai trái, thì ta đã có một động
cơ để né tránh tâm linh. Và khi ta có động cơ ấy, ta sẽ rơi vào cái bẫy ấy rất
nhanh.
Chúng ta không
thể chữa lành chính mình, cũng như không thể tránh khỏi sự né tránh tâm linh, nếu
ta tiếp tục trốn tránh cảm xúc thật của mình.
Chữa lành không
thể đến từ một nơi thiếu chân thực.
Chúc bạn một tuần
bình an.
«... tiếp tục
theo dõi nhé ...»
Blake: “Nếu
bạn gắn cánh vào một đống phân, thì nó cũng chỉ là... phân biết bay thôi!” «...
cười lớn ...»
Teal:
“Tôi muốn bạn gửi câu đó đi...” «cười tiếp»
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=0ErlTinKrQw
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.