Teal Swan Transcripts 091
Cảm giác lạc lối và Mười bước để tìm lại
chính mình
09-11-2013
Chào tất cả mọi
người. Hôm nay tôi muốn nói về cảm giác lạc lối. Cảm giác này rất phổ biến ở
con người chúng ta. Lý do là bởi vì phần lớn chúng ta được dạy cách phớt lờ hệ
thống định hướng bên trong của chính mình. Và hệ thống đó là gì?
Chính là cảm xúc
và cảm giác của bạn. Hãy hình dung cảm xúc của bạn giống như một chiếc la bàn
hay hệ thống định vị đang dẫn đường cho bạn đi qua cuộc đời. Chiếc la bàn này sẽ
cho bạn biết điều gì là đúng với bạn, điều gì không phù hợp, bạn thích gì, bạn
không thích gì, mong muốn thật sự của bạn là gì, nói cách khác, đó là sự thật về
con người bạn. Nếu bạn bỏ qua hệ thống dẫn đường bên trong này, thì cũng giống
như bạn đang đi vào vùng đất chưa được khám phá mà không mang theo la bàn. Tâm
trí bạn sẽ không bao giờ nói cho bạn biết điều gì là thật với bạn, chỉ có cảm
xúc mới làm được điều đó.
Vậy nên nếu bạn
bị ngắt kết nối với cảm xúc của chính mình, tức là bạn cũng đang bị tách rời khỏi
sự thật bên trong bạn. Điều đó khiến bạn cảm thấy xa lạ với chính mình, như thể
bạn là một người xa lạ đối với bản thân. Khi tôi nói đến "sự thật bên
trong bạn", ý tôi là những điều như bạn thích hay không thích, điều gì khiến
bạn rung động, bạn đang nghĩ gì, bạn tin vào điều gì, và quan trọng nhất là: bạn
thực sự muốn gì, cần gì, khao khát điều gì. Đây mới là những thước đo chân thật
và chính xác nhất về con người bạn.
Bây giờ, hãy giả
sử bạn đã chọn cách phớt lờ hệ thống định hướng nội tâm của mình từ hơn hai
mươi năm trước, khi bạn còn bé. Vậy bạn nghĩ mình có thể đi lệch hướng bao xa
trong hai mươi năm đó? Có thể là rất xa, đến mức bạn phải tê liệt cảm xúc của
mình hoặc hoàn toàn tắt hệ thống cảm nhận để có thể tiếp tục bước đi. Có thể bạn
đã đi xa đến mức giờ đây, tất cả những gì bạn cảm thấy chỉ là sự tê liệt. Nó giống
như việc bạn đang lái xe và hệ thống định vị liên tục nhắc bạn rằng bạn đã bỏ lỡ
lối rẽ. Nhưng vì nó cứ nhắc đi nhắc lại điều đó khiến bạn khó chịu, nên bạn quyết
định vặn nhỏ âm lượng đi, nhưng càng đi lạc xa, nó càng nói to hơn: “Này, chúng
ta đang đi sai đường đấy!”
Bạn đã không lắng
nghe chính mình. Có thể bạn đã lắng nghe cha mẹ, hoặc bạn bè, hoặc xã hội nói
chung, bất kỳ điều gì, miễn không phải cảm xúc bên trong của chính mình. Điều
này chẳng khác gì lấy băng keo dán lên mặt la bàn và vặn nhỏ âm lượng của hệ thống
định vị. Khi bạn phớt lờ cảm xúc quá lâu, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy như mình đang
chết dần bên trong, hay bị tê liệt cảm xúc.
Tin tốt là chiếc
la bàn của bạn không bao giờ ngừng chỉ về phương Bắc. Hệ thống dẫn đường của bạn
không bao giờ ngừng lên tiếng, dù bạn đã vặn âm lượng xuống bao nhiêu hay dùng
bao nhiêu lớp băng keo đi nữa. Vì vậy, tất cả những gì bạn cần làm để “hết lạc”
là bắt đầu lắng nghe lại cảm xúc của mình. Bắt đầu lắng nghe chúng thay vì những
suy nghĩ trong đầu. Và hãy thành thật với bản thân, kể cả nếu điều đó có thể
khiến người khác tổn thương về sự thật bên trong bạn.
Phần lớn chúng
ta được nuôi dạy trong một môi trường khen thưởng và trừng phạt. Điều đó có
nghĩa là từ khi còn nhỏ, chúng ta học được rằng cách duy nhất để được yêu
thương là phải “ngoan ngoãn”. Chúng ta khao khát trở thành người tốt đến mức sẵn
sàng từ bỏ sự thật, mong muốn và cá tính thật của mình chỉ để làm người khác
hài lòng. Chúng ta nghĩ rằng như vậy là tốt, nhưng thực ra, điều đó chỉ khiến
chúng ta lạc lối.
Nếu bạn đang cảm
thấy lạc lõng, có thể là bởi vì bạn đã, hoặc vẫn đang, quan tâm đến cảm xúc của
người khác nhiều hơn cảm xúc của chính mình. Vì lý do đó, bạn sẽ bị bao quanh bởi
những người không thực sự phù hợp với bạn, những người mà, nếu biết sự thật về
con người bạn, có thể sẽ từ chối bạn… hoặc ít nhất là bạn nghĩ vậy. Bạn sẽ cảm
thấy mình có gì đó sai sai, không bình thường. Ở một mức độ nào đó, bạn biết
mình đang sống giữa những người hoàn toàn khác biệt với mình. Và rồi, bạn không
chỉ thấy lạc lối, mà còn cảm thấy cô đơn.
Điều bạn không
biết là: nếu bạn cho phép bản thân quay lại kết nối với hệ thống định hướng cảm
xúc bên trong, và đặt sự thật cá nhân của mình lên hàng đầu, bạn sẽ bắt đầu thu
hút vào cuộc sống những người thực sự đồng điệu với bạn, những người hoàn toàn
chấp nhận con người thật của bạn. Bất kỳ ai cảm thấy lạc lối đều đang mang
trong mình một câu chuyện sâu sắc về sự chối bỏ bản thân. Và khi ta rơi vào trạng
thái chối bỏ chính mình, chúng ta chỉ có thể thu hút những người cũng chối bỏ sự
thật trong con người chúng ta.
Điều đó có nghĩa
là nếu bạn là người đồng tính, bạn có thể sẽ bị bao quanh bởi những người theo
chủ nghĩa tôn giáo cực đoan ghét người đồng tính. Nếu bạn sợ sự thân mật, bạn sẽ
thu hút những người rất cần sự gần gũi và liên tục đòi hỏi điều đó từ bạn. Nếu
bạn khao khát sự thân mật, bạn lại thu hút những người độc lập, không muốn dành
thời gian và năng lượng cho bạn. Nếu bạn là một nghệ sĩ, bạn sẽ bị bao quanh bởi
những người thực tế, đi làm công sở 9 giờ đến 5 giờ, luôn coi thường những kẻ
“phi lý trí”, “thiếu thực tế”, những người dám nghe theo trái tim mình. Bạn hiểu
ý tôi rồi chứ?
Điều đáng buồn
là: chính bởi sự từ chối mà chúng ta cảm nhận được từ những người xung quanh,
mà gốc rễ là sự từ chối chính bản thân mình từ thời thơ ấu, chỉ để cố gắng phù
hợp với thế giới mà ta lớn lên, chúng ta bắt đầu cảm thấy như thể có gì đó sai
trái cơ bản bên trong mình.
Nếu bạn không
còn kết nối với cảm xúc của mình, không còn chạm được vào sự thật bên trong,
thì chẳng mấy chốc bạn sẽ không thể biết mình thích gì hay không thích gì. Bạn
sẽ không hiểu tại sao mình lại làm điều đang làm, hoặc vì sao mình lại rơi vào
hoàn cảnh hiện tại. Nó giống như thể bạn để mặc mình trôi theo dòng nước và…
trôi dạt đến nơi nào đó mà chẳng biết là đâu. Về mặt cảm xúc, điều này thực sự
sẽ khiến bạn cảm thấy như đang trôi nổi, hoặc đã trôi đến một nơi nào đó xa lạ.
Cảm giác trôi dạt, cùng với sự tê liệt, chính là dấu hiệu rõ nhất của việc bị lạc
lối.
Và
sau đây là 10 gợi ý giúp bạn đi từ “lạc lối” đến “tìm lại chính mình”.
Điều
đầu tiên:
Hãy kết nối và thể hiện cảm xúc của bạn. Đây là bước quan trọng nhất.
Để bắt đầu tiếp
cận cảm xúc, bạn cần bắt đầu từ cơ thể. Khi bạn mất kết nối với cảm xúc, thì cơ
thể chính là sợi dây nối lại với chúng.
Vì vậy, trong suốt
cả ngày, tôi muốn bạn thực hiện một việc gọi là "quét cơ thể". Đối với
những ai cảm thấy đặc biệt xa rời cảm xúc, bạn có thể đặt báo thức reo ngẫu
nhiên trong ngày để nhắc nhở mình thực hiện việc này.
Khi thực hiện
quét cơ thể, hãy nhắm mắt lại và bắt đầu chú ý đến những gì đang xảy ra trong
cơ thể mình, từ đỉnh đầu cho đến bàn chân. Hãy mô tả những cảm giác bạn đang cảm
nhận được trong cơ thể.
Có lẽ bạn sẽ muốn
giữ một danh sách các cảm xúc. Và khi bạn cảm thấy một cảm giác nào đó, hãy
nhìn vào danh sách ấy và xem liệu bạn có thể nhận diện được cảm xúc nào đang diễn
ra trong cơ thể mình không. Việc này sẽ giúp bạn xác định được bạn đang cảm thấy
như thế nào. Bạn có thể ghi lại kết quả trong một nhật ký cảm xúc hay sổ ghi
chép cảm xúc.
Một việc khác
cũng rất tuyệt nếu bạn đã ngắt kết nối khỏi cảm xúc của mình và cần học cách cảm
nhận và thể hiện cảm xúc, đó là học cách biểu lộ cảm xúc. Tôi thực sự đã làm một
video về chủ đề này từ lâu rồi có tên là Cách
thể hiện cảm xúc (Teal Swan Transcripts 056). Hãy chắc chắn rằng bất cứ khi
nào bạn cảm nhận được cảm xúc, bạn đều nhận ra rằng chúng có điều gì đó giá trị
muốn nói với bạn. Vì thế, hãy để chúng kể câu chuyện của mình.
Mẹo
thứ hai
là hãy khám phá cảm giác cảm hứng và đam mê. Cảm giác cảm hứng và đam mê là điều
ngược lại với cảm giác lạc lối. Hầu hết chúng ta không làm những điều trong cuộc
sống thường nhật, đặc biệt là trong công việc, khiến ta thực sự đam mê. Ta quá
bận rộn để sống với đam mê. Ta tự lừa dối mình rằng những hóa đơn quan trọng
hơn cảm xúc của ta, hoặc một mục tiêu nào đó ta có lại quan trọng hơn cảm giác
hiện tại.
Ta để cho cái đầu
và những niềm tin sai lệch điều khiển cuộc đời, thay vì cảm xúc thật sự. Điều
đó có nghĩa là ảo tưởng đang vận hành cuộc sống bạn, chứ không phải sự thật.
Hãy dám thừa nhận
điều gì làm bạn thực sự đam mê. Và nếu bạn nghĩ rằng mình cần có tiền trước rồi
mới làm được điều mình đam mê, thì bạn đang nghe theo cái đầu, mà hiện tại nó
đang nói dối bạn. Bởi vì sự dồi dào chỉ đến khi bạn sống đúng với bản thân. Và
bạn chỉ đang sống đúng khi bạn cảm thấy đam mê và vui vẻ.
Nếu bạn không biết
điều gì thực sự khiến mình đam mê, thì đã đến lúc thử những điều mới mẻ. Hãy thử
bất cứ điều gì khiến bạn thấy hứng thú, dù chỉ một chút. Không có đúng hay sai
trong việc này. Đăng ký lớp học làm gốm bạn vẫn luôn muốn học. Mua bộ màu vẽ ấy.
Mua quyển sách kế toán đó. Hãy bước theo bất cứ điều gì làm bạn tò mò, rồi chú
ý đến cảm xúc khi bạn làm điều đó.
Nếu bạn cảm thấy
tích cực, hãy tiếp tục làm việc đó. Nếu cảm thấy tiêu cực, hãy dừng lại. Việc
thử cái mới không hề có rủi ro. Và mỗi lần bạn thử điều gì đó mới mẻ, bạn sẽ tiến
gần hơn đến sự thật về bản thân và điều khiến bạn thực sự vui thích. Bạn sẽ tiến
gần hơn với đam mê của mình. Bạn không cần phải gắn bó lâu dài với bất cứ điều
gì. Tin tôi đi, nếu bạn thực sự yêu thích điều gì, bạn sẽ không phải ép buộc
mình để gắn bó với nó, bởi vì nếu không làm điều đó, bạn sẽ cảm thấy tệ. Động lực
sẽ đến từ bên trong, chứ không phải từ áp lực bên ngoài.
Mục đích sống của
bạn chỉ thực sự được biết đến khi bạn có thể kết nối được với cảm xúc thật sự đến
từ đam mê của mình. Và những người cảm thấy lạc lối là những người bị ngắt kết
nối khỏi đam mê, dẫn đến mất kết nối với mục đích sống, và vì thế thiếu vắng ý
nghĩa sâu sắc trong cuộc đời.
Mẹo
thứ ba:
Hãy tự hỏi bản thân tại sao bạn lại làm những điều bạn đang làm. Việc tự truy vấn
nên được bắt đầu, và không bao giờ ngừng lại, nếu bạn cảm thấy lạc lối. Càng hiểu
rõ bản thân, bạn sẽ càng ít cảm thấy mình đang lạc hướng. Và đừng ngần ngại tìm
sự trợ giúp trong việc này. Các nhà tâm lý học, nhân viên xã hội, người dẫn dắt
tinh thần hay huấn luyện viên cuộc sống, tất cả họ đều có kỹ năng giúp bạn nâng
cao nhận thức bản thân.
Mẹo thứ tư: Hãy hướng đến việc
kết nối với những người khiến bạn cảm thấy tốt khi ở bên họ. Những người bạn cảm
thấy có sự kết nối sâu sắc và gần gũi trong mối quan hệ. Nếu đời sống xã hội của
bạn chỉ xoay quanh thể thao, sở thích, công việc hoặc internet, thì bạn đang
thiếu đi sự hỗ trợ cảm xúc thiết yếu cho sức khỏe tinh thần.
Nếu các mối quan
hệ xã hội của bạn chỉ giới hạn với những người cùng sở thích, cùng công việc hoặc
cùng chơi một môn thể thao, thì cuộc trò chuyện giữa các bạn sẽ bị giới hạn
trong chủ đề đó, và không hơn. Mối quan hệ như vậy sẽ thiếu đi sự gần gũi thực
sự. Không ai được bước vào thế giới nội tâm của bạn, và vì vậy, không ai có thể
yêu bạn vượt lên trên những gì bạn làm.
Hãy cẩn thận, bởi
vì đôi khi gia đình cũng không phải là những người có thể mang lại sự kết nối
sâu sắc ấy. Chúng ta không thể hình thành những mối quan hệ gần gũi thiết yếu
cho một cuộc sống hạnh phúc nếu không cho phép mình ưu tiên và tìm kiếm những
người mà ta cảm thấy gắn bó thật sự. Nếu không, bạn sẽ cảm thấy một nỗi cô đơn
sâu sắc, dù xung quanh có nhiều người đi chăng nữa. Cái cảm giác bị cô lập về mặt
tâm hồn đó chính là nguyên nhân dẫn đến cảm giác lạc lối.
Mẹo
thứ năm:
Hãy thôi đánh lạc hướng bản thân khỏi chính mình. Thế giới ngày nay đầy rẫy những
yếu tố khiến ta xao nhãng. Ta dùng chúng để né tránh sự thật bên trong. Ta dùng
chúng để khỏi phải hiện diện với chính mình. Ta cố trốn tránh cảm giác đau đớn
khi cảm thấy mình đã đi sai hướng, bằng cách đắm chìm trong các thói quen như
nghiện nội dung khiêu dâm, tập trung vào vấn đề của người khác, đặt ra mục
tiêu, lướt Facebook hàng giờ liền và khiến bản thân luôn bận rộn.
Thực tế, sự bận
rộn chính là cách đánh lạc hướng số một của những người cảm thấy lạc lối. Bởi
vì khi không bận, ta buộc phải ở một mình với chính mình. Và ở với chính mình
không giống với cô đơn. Khi bạn sẵn sàng đối diện với bản thân, mọi cảm giác
khó chịu có thể ùa đến. Bạn sẽ cảm thấy hỗn loạn hoặc trống rỗng, đó là lúc hệ
thống chỉ dẫn nội tâm đang lên tiếng: “Chúng ta đã đi sai đường.”
Những người cảm
thấy lạc lối thường không muốn thừa nhận mình đang ở đâu. Đó là lý do vì sao những
người lạc lối rất giỏi nói những câu như: “Không, tôi ổn mà. Tôi yêu cuộc sống
này.” - dù điều đó không đúng. Chúng ta không muốn
thừa nhận sự thật rằng mình đang cảm thấy lạc lối. Chúng ta không muốn chấp nhận
rằng mình có thể đã đi lệch hướng hoặc mắc phải một sai lầm lớn trong cuộc đời.
Chúng ta không muốn thừa nhận rằng mình không hạnh phúc. Bởi vì điều đó bị xem
như một thất bại ,và thất bại thì đồng nghĩa với việc không có giá trị.
Việc tự chối bỏ
bản thân có thể từng là công cụ giúp bạn sống sót, khi bạn cố gắng hòa nhập vào
một gia đình mà bạn không đồng điệu, khi bạn không thể giữ vững sự thật của
mình trong môi trường đó. Nhưng tôi nói thật với bạn: việc tự chối bỏ chính
mình không phải là một đức tính tốt.
Cách duy nhất để
bạn biết mình muốn đi đâu và làm sao để đến đó, là thừa nhận nơi mình đang đứng,
ngay cả khi nơi đó thật tệ.
Hãy tự hỏi: Điều gì trong cuộc sống của bạn hiện đang
đóng vai trò như một sự xao nhãng khỏi chính con người thật của bạn?
Mẹo thứ sáu: Hãy mời gọi ý
nghĩa bước vào cuộc sống bạn.
Nếu bạn cảm thấy
lạc lối, rất có thể là vì cuộc sống của bạn đang thiếu vắng ý nghĩa. Hãy tìm hiểu
về những triết lý và quan điểm sống của người khác. Hãy thử nghiệm chúng một
cách cụ thể. Xem liệu có điều gì trong đó phù hợp với bạn không. Hãy bắt đầu tự
chất vấn bản thân về ý nghĩa của cuộc sống nói chung, và ý nghĩa cuộc sống của
riêng bạn.
Bạn đang tin điều
gì về ý nghĩa cuộc đời lúc này? Niềm tin đó khiến bạn cảm thấy tốt hay tồi tệ?
Nếu cảm thấy tồi
tệ, thì bạn quan tâm đến cái gọi là "sự thật" hay "linh cảm"
mà bạn không thể chứng minh hay bác bỏ, cũng như không ai có thể làm được, hơn
là cảm thấy tốt sao?
Đúng là việc bám
víu vào một hệ thống niềm tin đến mức không sẵn lòng đặt câu hỏi về nó sẽ gây hại
cho sức khỏe tinh thần của bạn. Nhưng việc hình thành một hệ thống niềm tin
mang lại cảm giác tốt đẹp cho riêng bạn là một phần thiết yếu để sống một cuộc
đời có ý nghĩa và hạnh phúc.
Cuối cùng thì, bạn
là người quyết định gán cho những sự kiện và hoàn cảnh trong cuộc sống của mình
một ý nghĩa tích cực hay tiêu cực.
Đó là lý do vì
sao rất nhiều người cảm thấy lạc lối lại tìm đến các nhóm tôn giáo và cảm thấy
dễ chịu hơn sau đó. Bởi vì những triết lý tôn giáo đó mang lại ý nghĩa cho cuộc
sống của họ. Và khi bạn có một ý nghĩa nào đó, bạn có một nền tảng để bám víu
vào cuộc sống. Đó là điều hoàn toàn ngược lại với sự lạc lối. Nhưng thay vì gia
nhập một tổ chức tôn giáo nào đó, tôi đề xuất bạn hãy tự tạo cho mình một tôn
giáo cá nhân, dựa trên những chân lý bạn đã thu thập từ nhiều hệ thống tư tưởng
khác nhau xung quanh bạn.
Bạn là người được
định sẵn để tạo nên một tôn giáo của riêng mình từ những điều phù hợp nhất với
bạn.
Mẹo
thứ bảy:
Đừng sợ việc đánh mất chính mình. Không có gì là sai cả. Một chân lý tâm linh
là: bạn không thể thực sự tìm thấy bản thân nếu bạn chưa từng lạc mất chính
mình.
Khi bạn nhìn nhận
việc lạc lối như một bước ngoặt để khám phá bản thân và những gì mình thực sự
muốn làm, thì bạn đang đi đúng hướng. Và trên thực tế, bạn đang đến gần hơn với
việc thấu hiểu bản thân thật sự, còn gần hơn cả những người tưởng rằng họ không
lạc lối, nhưng thật ra lại đang lạc. Nếu bạn biết mình đang lạc, tức là bạn đã
biết mình đang ở đâu. Bạn đang lạc. Điều đó cũng có nghĩa là bạn biết sứ mệnh của
mình lúc này là tìm lại chính mình.
Và khi bạn bắt đầu
tìm kiếm bản thân, bạn sẽ tìm thấy. Mỗi việc bạn làm đều có thể góp phần giúp bạn
hiểu rõ hơn về chính mình và sự thật bên trong bạn, nếu bạn chịu lắng nghe cảm
xúc và đặt câu hỏi về những phản ứng của mình.
Liệu có thể đi
chệch hướng không?
Không.
Hãy nghĩ thế
này: nếu mục tiêu của bạn trong kiếp sống này là để tìm lại chính mình, thì bạn
phải trở nên lạc lối trước. Vậy thì, khi bạn bị lạc, đó có phải là sai lầm
không? Nó có phải là điều nằm ngoài kế hoạch không?
Không.
Nó là một phần
trong kế hoạch. Đó là điều tất yếu, trên phương diện tâm linh và cả phát triển
cá nhân, để bạn có thể thật sự tìm lại bản thân và mở rộng tầm vóc tâm hồn
mình. Điều đó có nghĩa là mọi thứ đang diễn ra đúng hướng.
Mẹo
thứ tám:
Đừng chỉ lý trí khi nghĩ về điều gì sẽ mang lại hạnh phúc cho bạn. Hầu hết
chúng ta có một ý niệm về điều sẽ khiến ta hạnh phúc. Nhưng điều đó không phải
là trải nghiệm thực sự của hạnh phúc. Đó chỉ là niềm tin trong tâm trí, và tâm
trí thì hiếm khi chính xác về điều gì thực sự khiến bạn hạnh phúc.
Những người đặt
mục tiêu thường là những người mắc lỗi này nhiều nhất. Chúng ta nghĩ rằng hạnh
phúc nằm ở đâu đó trong tương lai, gắn liền với một mục tiêu mà ta đã đề ra. Vì
vậy, ta có xu hướng hy sinh hạnh phúc hiện tại để theo đuổi một hạnh phúc tiềm
năng trong tương lai. Ta nghĩ rằng hạnh phúc là đạt được huy chương vàng, kiếm
được khoản tiền nào đó, chuyển đến nơi nào đó, hay cưới người nào đó.
Bằng cách đó, ta
biến hạnh phúc thành một thứ gì đó ở bên ngoài. Nhưng sự thật là chúng ta không
biết liệu những điều đó có thật sự khiến mình hạnh phúc hay không, hay chúng ta
chỉ nghĩ vậy mà thôi. Điều duy nhất giúp ta biết được điều gì khiến mình hạnh
phúc là cảm nhận cảm xúc tích cực của chính mình trong từng khoảnh khắc. Hãy sống
từng ngày một, đừng lo lắng quá nhiều về mục đích sống, đừng vội nghĩ đến tương
lai xa xôi, mà hãy đối diện từng ngày một cách trọn vẹn.
Bạn có đang cố tự
thuyết phục mình rằng một thành tựu nào đó trong tương lai sẽ khiến bạn hạnh
phúc không? Nếu vậy, bạn đang sống quá lý trí, và đang đánh đổi hạnh phúc hiện
tại cho một lời hứa trong tương lai.
Mẹo
thứ chín:
Ngừng sống cẩn trọng một cách thái quá. Cuộc sống này không được tạo ra để bạn
sống dè chừng. Để sự nghi ngờ bản thân chi phối cuộc sống là con đường ngắn nhất
để bạn lạc lối.
Có thể bạn không
nghĩ mình là người cẩn trọng, nhưng nếu bạn đang lạc lối, thì rất có thể bạn
đang sống rất dè dặt. Có thể bạn không thận trọng về tài chính, nhưng lại dè chừng
khi mở lòng với tình yêu. Có thể bạn không e ngại thân mật với người khác,
nhưng lại e ngại khi thử những điều mới trong công việc. Sự nhút nhát ngăn cản
chúng ta theo đuổi đam mê. Sự nhút nhát khiến ta không thể tìm thấy bản thân và
sống thật sự hạnh phúc về lâu dài.
Chúng ta cần đối
diện trực tiếp với nỗi sợ, quan sát và thấu hiểu nó. Càng hiểu rõ, ta càng bớt
sợ, và càng dễ đưa ra những quyết định yêu thương bản thân hơn, không bị chi phối
bởi nỗi sợ. Khi ấy, bạn sẽ làm điều đúng đắn cho chính mình, và đó là cách bạn
tìm lại được bản thân.
Mẹo
thứ mười:
Đã đến lúc có một kế hoạch thực tế. Hãy lấy một tờ giấy ra và ghi ở đầu trang: Tìm
lại chính mình. Rồi liệt kê 10 việc bạn có thể làm để giúp mình tìm lại bản
thân. Sau đó, hãy chọn 3 việc trong số đó mà bạn thấy quan trọng nhất và cam kết
thực hiện chúng.
Danh sách của bạn
có thể trông như thế này:
- Viết nhật ký cảm
xúc mỗi ngày
- Mua màu vẽ và
bắt đầu tập tô
- Đồng ý đi hẹn
hò với [tên người nào đó]
- Trò chuyện thật
lòng với một người bạn mà bạn tin tưởng về [chủ đề nào đó]
- Đọc cuốn Đi
Tìm Lẽ Sống (Man’s Search for Meaning)
- Xem video trên
YouTube về cách cảm nhận và thể hiện cảm xúc
- Đọc các bài viết
về cảm giác lạc lối
- Bắt đầu gặp
chuyên gia tâm lý
- Mỗi ngày, dành
ít nhất một khoảnh khắc ưu tiên làm điều khiến tôi cảm thấy dễ chịu ngay bây giờ,
thay vì chỉ chạy theo các mục tiêu tương lai
- Mỗi sáng thức
dậy, viết ra cảm xúc của tôi – kể cả khi nó lộn xộn và khó hiểu
Nếu bạn thực sự
nghiêm túc với những điều này và hành động, bạn sẽ bắt đầu tìm lại được vị trí
của mình trong dòng chảy cuộc sống, và cảm giác lạc lối sẽ dần biến mất.
Nếu bây giờ bạn
đang cảm thấy lạc lối, thì có nghĩa là hướng đi và vị trí của bạn trong cuộc sống
đang không rõ ràng. Tức là chân lý trong bạn đang bị bóng tối bao phủ. Và đó là
lý do tại sao tôi muốn bạn nhớ đến vài câu nói yêu thích của tôi:
- “Trời luôn tối
nhất trước khi bình minh ló dạng.”
- “Và chỉ trong
bóng đêm ta mới thấy được ánh sáng của những vì sao.”
Nếu bạn không
còn kháng cự với thực tại, rằng mình đang lạc, thì bạn sẽ bắt đầu cho phép bản
thân được tìm thấy. Những con người, địa điểm, trải nghiệm, và thông tin sẽ bắt
đầu hiện ra để đưa bạn trở lại đúng quỹ đạo, trở lại với sự thật về con người
thật của bạn.
Và chẳng bao lâu
nữa, bạn sẽ nhận ra rằng: từ chỗ lạc lối, bạn đã tìm thấy chính mình.
Chúc bạn một tuần
thật tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=aIC1wHAYRO0
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.