Teal Swan Transcripts 088
Phức cảm Oedipus (Các mối quan hệ và Định
mệnh)
26-10-2013
Xin chào mọi người.
Tập Ask Teal ngày hôm nay được thiết kế để khiến bạn suy ngẫm và không gì hơn.
Hôm nay, tôi sẽ trình bày với bạn một ý tưởng, thực ra là một sự thật, mà sẽ
khiến rất nhiều người trong các bạn cảm thấy không thoải mái. Và sự thật đó là:
phức cảm Oedipus vẫn đang tồn tại và hoạt động mạnh mẽ trong tất cả chúng ta. Và
cho đến khi chúng ta sẵn sàng thừa nhận điều đó và nhìn thẳng vào các mô thức
hành vi do phức cảm đó tạo ra, chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại cùng một mô thức
trong các mối quan hệ hết lần này đến lần khác.
Chứng loạn thần
kinh của chúng ta sẽ thôi thúc ta không học hỏi từ những trải nghiệm tiêu cực.
Chúng ta bị kết án phải lặp lại nó. Chúng ta bị kết án phải tự đẩy mình vào
chính cái định mệnh mà ta đang cố gắng tránh né. Để hiểu được phức cảm này, trước
tiên ta phải hiểu huyền thoại về Oedipus.
Oedipus là con của
Vua Laius và Hoàng hậu Jocasta. Laius đã đến gặp nhà tiên tri tại đền Delphi,
và được tiên đoán rằng con trai ông sẽ lớn lên để giết cha mình và cưới mẹ
mình. Vì vậy, ông đã đem đứa trẻ bỏ ngoài đồng để chết vì phơi nắng. Nhưng đứa
bé được các mục đồng tìm thấy và được Vua Polybus cùng Hoàng hậu Merope ở thành
phố Corinth nuôi dưỡng.
Khi trưởng
thành, Oedipus cũng đến gặp nhà tiên tri tại Delphi, và một lần nữa ông được
tiên đoán rằng mình sẽ giết cha và cưới mẹ. Nhưng vì nghĩ rằng lời tiên đoán ám
chỉ cha mẹ nuôi của mình, Oedipus rời khỏi Corinth.
Trên đường đến
Thebes, Oedipus gặp một người đàn ông lớn tuổi đang cưỡi xe ngựa đi ngược chiều
trên con đường hẹp. Họ tranh cãi xem ai phải nhường đường, và kết quả là
Oedipus giết người đàn ông đó rồi tiếp tục hành trình đến Thebes. Ở đó, ông
phát hiện vị vua của thành phố, Laius, vừa bị giết, và thành phố đang bị một
con nhân sư đe dọa. Nhân sư sẽ giết bất kỳ ai không trả lời được câu đố của nó.
Oedipus đã trả lời đúng câu đố, đánh bại con quái vật và giành được ngai vàng của
vị vua đã chết cùng tay trong hôn nhân của góa phụ, Hoàng hậu Jocasta.
Oedipus và
Jocasta có với nhau hai con trai và hai con gái. Trong quá trình tìm ra kẻ đã
giết Laius (để giải trừ tai họa đang giáng xuống Thebes), Oedipus phát hiện ra
rằng chính ông là người đã giết vị vua quá cố, tức cha ruột của mình, và ông đã
cưới chính mẹ ruột, Jocasta. Ông đã hoàn thành lời tiên tri, lời tiên tri mà
ông từng cố gắng tránh né. Jocasta cũng sớm nhận ra rằng mình đã kết hôn với
con trai ruột và bà đã treo cổ tự vẫn. Oedipus sau đó đã rút hai chiếc trâm từ
váy của bà và tự đâm mù mắt mình.
Bài học rút ra từ
đây có nhiều lớp nghĩa. Trước tiên là: chúng ta có số phận phải trải nghiệm
chính điều mà ta chống đối. Thứ hai: chúng ta được định sẵn để có một mối quan
hệ mang tính biểu tượng, về mặt tình dục, với cha/mẹ khác giới và phát triển sự
ganh đua với cha/mẹ cùng giới.
Trước khi tôi tiếp
tục, tôi muốn nói rằng: đối với những ai là người đồng tính nam hoặc đồng tính
nữ, điều này vẫn áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn, phức cảm này có
thể bị đảo ngược. Nghĩa là bạn phát triển mối liên kết tình cảm và tình dục với
cha/mẹ cùng giới, và sự ganh đua lại xuất hiện với cha/mẹ khác giới. Vì vậy, bạn
có thể xem xét các mô thức như vậy nếu bạn đang khám phá phức cảm này trong
chính cuộc sống của mình.
Phức cảm Oedipus
là một phần ăn sâu vào tâm thức của chúng ta. Nếu chúng
ta từng bị làm cho cảm thấy tội lỗi vì những ham muốn tình dục của mình, chẳng
hạn khi bị mắng vì thủ dâm hay bị quở trách vì khỏa thân, thì chúng ta sẽ bắt đầu
chiến đấu với chính bản thân.
Nói một cách cơ
bản, chúng ta có một mặt là ham muốn, và mặt kia là cảm giác tội lỗi kéo lại
ham muốn đó. Sự đối kháng nội tâm này chính là thứ tạo ra chứng loạn thần kinh.
Là phụ nữ, bạn có số phận phải có một mối quan hệ lãng mạn với cha mình. Là đàn
ông, bạn có số phận phải có một mối quan hệ lãng mạn với mẹ mình. Và bạn sẽ lặp
lại những mô thức đau đớn từng tồn tại giữa bạn và người cha hoặc mẹ đó, hết lần
này đến lần khác.
Phức cảm
Oedipus, nói một cách đơn giản, là khát khao tiềm thức muốn hợp nhất với cha hoặc
mẹ khác giới. Khát khao kết nối đó trong thế giới động vật thường thể hiện
thành ham muốn gắn bó tình dục. Đồng thời, phức cảm Oedipus cũng là sự ganh đua
tiềm thức đi kèm với cha hoặc mẹ cùng giới. Chúng ta sẽ lặp lại những mô thức từng
có với cha mẹ mình hết lần này đến lần khác. Tôi đã giải thích sơ qua điều này
trong một video trước đó khi nhắc đến khái niệm "luân hồi tình yêu".
Tức là, khi bạn
không nhận được tình yêu mà bạn cần từ một trong hai người cha/mẹ, bạn sẽ liên
tục bị thu hút bởi những người gợi nhớ đến người cha hoặc mẹ đó, với hy vọng thay
đổi kết cục, để nó khác đi so với những gì bạn từng trải qua với cha/mẹ mình.
Ví dụ: nếu tôi có vấn đề bị bỏ rơi vì cha tôi đã bỏ rơi tôi, và tôi tìm được một
người đàn ông có những đặc điểm tính cách giống với người đàn ông đó , và nếu
tôi có thể khiến anh ta không bỏ rơi tôi, thì tiềm thức của tôi sẽ coi như tôi
đã “giải quyết xong” vấn đề với cha mình.
Chúng ta cần hiểu
rằng: chúng ta không chỉ đang cố gắng tìm lại tình yêu mình từng thiếu từ một
người cha hoặc mẹ, mà còn đang lặp lại toàn bộ mô thức mối quan hệ giữa ta với
họ. Những mô thức đó chính là những cái bóng cần được nhìn nhận, vì chúng cứ lặp
đi lặp lại. Chúng chính là lý do vì sao, dù bạn cố gắng đến đâu, bạn vẫn gặp những
vấn đề y hệt trong các mối quan hệ tình cảm.
Tôi muốn giải
thích vì sao hệ thống sinh học của chúng ta lại làm như vậy. Hệ thống sinh học
tìm cách lặp lại các mô thức này để giúp chúng ta chữa lành khỏi chúng. Đó là
lý do chúng ta có “luân hồi tình yêu”. Đó là lý do vì sao phức cảm Oedipus tiếp
tục diễn ra trong đời sống trưởng thành của ta.
Khi tâm trí bạn
gặp phải nỗi đau hay sang chấn mà nó không thể xử lý, nó buộc phải đè nén cảm
xúc liên quan đến trải nghiệm đó. Khi còn là trẻ con, bạn không thể giải quyết
được sang chấn, nên bạn buộc phải chôn giấu cảm xúc. Chúng ta đè nén sâu đến mức
đa số chúng ta không còn nhớ đến sự ganh đua với cha/mẹ cùng giới, không còn nhớ
đến cảm xúc bị thu hút về mặt tình dục với cha/mẹ khác giới, nhưng điều đó không
có nghĩa là những cảm xúc ấy chưa từng tồn tại. Và sự đè nén không giúp chữa
lành. Ngược lại, toàn bộ nhân cách của bạn bị mắc kẹt trong trải nghiệm đó. Nó
lặp đi lặp lại như một chiếc đĩa CD bị kẹt, và nó không thể tiếp tục phát, tức
là:
Bạn không thể tiến
tới sự chữa lành cho đến khi bạn nhận ra mô thức đó, quay lại với nỗi đau ban đầu,
và hoàn toàn chấp nhận phần con người bạn đã từng trải qua điều đó.
Chúng ta luôn bị
thu hút bởi những người phù hợp với mức độ phát triển nội tâm của mình. Vũ trụ,
với các quy luật như luật hấp dẫn, hy vọng rằng nếu bạn liên tục gặp phải một
mô thức giống nhau hết lần này đến lần khác, một hình ảnh phản chiếu tương tự
nhau, và mỗi lần lại rõ nét hơn, thì cuối cùng bạn sẽ nhận ra mô thức đó, nhận
ra sự phản chiếu ấy. Bạn sẽ thừa nhận nó, chuyển hóa tần số rung động của mình,
và nhờ vậy mà trở thành “một bản thể phù hợp” với những trải nghiệm mới.
Đó chính là bản
chất của sự mở rộng. Vũ trụ không cố gắng trừng phạt bạn khi để bạn trải nghiệm
điều cũ lặp lại. Vũ trụ đang cố gắng giúp bạn phát triển.
Khi còn nhỏ,
chúng ta rất khó nhận thức được sự mâu thuẫn và các tầng nghĩa sâu sắc. Vì lý
do đó, chúng ta không thể hiểu nổi việc cha/mẹ có thể vừa mang lại niềm vui, vừa
là người gây ra nỗi đau cho chúng ta. Vì thế, chúng ta chia tách hình ảnh cha/mẹ
ra làm hai. Chúng ta có một mối quan hệ với “cha/mẹ tốt” và một mối quan hệ với
“cha/mẹ xấu”, dù cả hai đều tồn tại trong cùng một người.
Ví dụ: tôi là nữ,
tôi có mối quan hệ với “người cha tốt” và “người cha xấu”, nhưng cả hai đều là
một người, cha tôi. Đây là một chiến lược đối phó mà ta sử dụng.
Điều quan trọng
là: trong các mối quan hệ tình cảm, chúng ta luôn bị thu hút bởi những phẩm chất
ta gắn với “cha/mẹ tốt”. Nhưng điều khiến các mối quan hệ kết thúc, là vì khi mối
quan hệ tiến triển, chúng ta bắt đầu nhìn thấy những phẩm chất giống với “cha/mẹ
xấu”. Mọi chuyện sẽ chẳng tệ nếu không vì việc: ngay khi ta bắt đầu thấy các đặc
điểm tiêu cực đó ở người mình yêu, ta bắt đầu phản ứng chống lại họ.
Bạn thấy đấy, tất
cả những cảm xúc đó từng bị ta đè nén trong thời thơ ấu. Khi ấy, ta không thể
phản ứng hay bộc lộ ra ngoài những cảm xúc đó.
Nhưng bây giờ
chính là cơ hội của chúng ta. Và vì thế, chúng ta trút những cảm xúc đó ra, không
phải về phía người thực sự tạo ra chúng, mà là về phía hình bóng phản chiếu của
cha mẹ trong chúng ta, tức là bạn đời của ta.
Nếu bạn muốn nhận
diện những mô thức thần kinh và thay đổi chúng, bạn cần nhìn thật nghiêm túc vào
cách bạn đang lặp lại mô thức thời thơ ấu giữa bạn và cha mẹ, nay trong cuộc sống
trưởng thành.
Hãy buông bỏ việc
quan tâm xem điều gì là thật hay không thật về thời thơ ấu của bạn. Ý tôi là, đừng
bận tâm đến quan điểm của cha mẹ bạn về tuổi thơ của bạn, cũng đừng bận tâm đến
cách anh chị em của bạn nhìn nhận thời thơ ấu của bạn.
Thứ duy nhất bạn
nên nghĩ đến chính là góc nhìn của bạn về tuổi thơ của bạn. Trải nghiệm của bạn,
cảm xúc của bạn, toàn bộ tương lai bạn đang sống hôm nay, chính là hệ quả của
cách bạn nhìn nhận về tuổi thơ của mình. Và như vậy, nó là điều duy nhất thực sự
quan trọng.
Và cách duy nhất
để chữa lành là đối mặt với chính góc nhìn ấy. Dù nó có “dựa trên thực tế” hay
không cũng không quan trọng, không ai có quyền phán xét điều đó. Đó không phải
là điều cần tranh luận. Nó là góc nhìn của bạn, và bạn bị ảnh hưởng bởi góc
nhìn ấy.
Vậy nên, hãy tự
hỏi:
- Góc nhìn của bạn
về mô thức trong gia đình lúc còn nhỏ là gì?
- Góc nhìn của bạn
về mối quan hệ với cha bạn là gì?
- Góc nhìn của bạn
về mối quan hệ với mẹ bạn là gì?
- Với anh chị em
bạn thì sao?
- Có mô thức lặp
lại nào mà bạn nhận ra trong gia đình không?
Việc ghi lại những
điều này là vô cùng quan trọng.
Bây giờ là lúc bạn
nhìn vào những mô thức đang lặp lại trong các mối quan hệ tình cảm hiện tại:
- Bạn có nhận thấy
những khuynh hướng nào đó lặp lại không?
- Bạn có thấy
các mô thức cứ tái diễn không?
Sau đó, hãy so
sánh những mô thức trong hiện tại với những mô thức bạn đã khám phá từ góc nhìn
của bạn về tuổi thơ.
Tiếp theo, với cha
hoặc mẹ khác giới, hoặc nếu bạn muốn thì có thể làm với cha hoặc mẹ cùng giới,
hoặc cả hai, hãy viết ra một danh sách những đặc điểm tích cực của họ. Đây
chính là hình ảnh về “người cha/mẹ tốt” trong mắt bạn.
Rồi, viết tiếp
danh sách những điểm tiêu cực về họ. Đây là những đặc điểm của “người cha/mẹ xấu”
mà bạn nhận diện.
Và bây giờ, so
sánh những đặc điểm này với những người mà bạn từng bị thu hút. Bạn sẽ nhận thấy
rằng những người bạn bị thu hút thường có rất nhiều nét tương đồng với “cha/mẹ
tốt” của bạn.
Giờ hãy nhìn vào
danh sách “cha/mẹ xấu” và so sánh với những mối quan hệ đã đổ vỡ hoặc đang gặp
trục trặc hiện tại. Làm sao những đặc điểm bạn viết ra lại giống hệt với đặc điểm
của “cha/mẹ xấu” trong danh sách?
------
Với một số người
trong chúng ta, cảm xúc thời thơ ấu bị đè nén sâu đến mức chúng ta không còn cảm
nhận được những cảm xúc đó đối với cha/mẹ thực sự nữa. Thay vào đó, chúng chỉ
trồi lên khi chúng ta ở trong một mối quan hệ tình cảm.
Ví dụ: một người
phụ nữ có thể đã đè nén nỗi sợ tuyệt vọng và sự giận dữ vì bị cha bỏ rơi. Nhưng
cô ấy không cảm thấy sợ hãi hay giận dữ gì khi nghĩ về cha mình. Thay vào đó, nỗi
giận dữ và sợ hãi đó sẽ trồi lên và được bộc lộ với tất cả những người đàn ông
mà cô ấy từng yêu.
Nhận thức là bước
đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất khi bạn muốn chuyển hóa điểm hấp dẫn của
mình, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Vậy nên, ở thời điểm này, chúng ta chỉ
cần quan sát các mô thức ấy, và bắt đầu nhìn một cách khách quan xem liệu ta có
đang tái hiện một phức cảm hình thành từ thời thơ ấu hay không, với mục đích chữa
lành từ bên trong.
------
Và bây giờ tôi
muốn nói đến phần quan trọng nhất của phức cảm Oedipus:
Đó là: chúng ta
bị định mệnh dẫn dắt để tạo ra chính số phận mà ta đang cố tránh né.
Ý tưởng này gắn
liền với luật hấp dẫn: Bất cứ điều gì bạn chống lại, sẽ tiếp tục tồn tại. Nếu bạn
chống lại định mệnh, nó sẽ siết chặt bạn hơn nữa.
Ví dụ, khi chúng
ta cố gắng tránh né nỗi đau ban đầu do bị cha bỏ rơi, bằng cách tìm một người
đàn ông giống cha mình để ở lại bên chúng ta, nhưng những cảm xúc chưa được giải
tỏa về người cha ấy lại trồi lên và dồn vào người tình hiện tại, thì chúng ta sẽ
bị bỏ rơi. Chúng ta sẽ tiếp tục bị bỏ rơi, hết lần này đến lần khác.
Hoặc nếu chúng ta
từng bị mẹ từ chối, thì trong các mối quan hệ tương lai, có thể chúng ta sẽ vô thức khơi gợi và khiêu khích để kiểm
tra xem phụ nữ có bỏ rơi chúng ta không. Chúng ta sẽ cư xử một cách đầy khó chịu,
khiến người khác không thể sống nổi với chúng ta, và vì vậy chúng ta sẽ đi đúng
vào định mệnh mà ta sợ nhất: bị phụ nữ từ chối. Và như thế, chúng ta đã tự tạo
ra chính số phận mà mình luôn cố né tránh.
Khi chúng ta đè
nén một điều gì đó, nó sẽ trở thành một phần trong nhân cách của chúng ta. Và rồi,
nó dần trở thành một phần trong tính cách. Việc cố phớt lờ hoặc phủ nhận một vấn
đề đã trở thành nhân cách là điều không thể. Điều đó chỉ khiến nó bị đè nén sâu
hơn, và cắm rễ sâu hơn trong bản thân chúng ta.
Cố gắng vượt qua
một phần trong tính cách của mình cũng chính là đang biến một phần bản thân chống
lại phần còn lại của chính mình. Nó giống như phát động một cuộc nội chiến
trong tâm hồn. Và điều đó không bao giờ đưa ta đến sự chữa lành.
Việc cố gắng vượt
qua một vấn đề đã ăn sâu vào nhân cách cũng là hành động khiến ta phản bội
chính mình. Đó là một hình thức tra tấn nội tâm, và chính bằng suy nghĩ, lời
nói và hành động, chúng ta đang cam kết bước vào định mệnh mà mình luôn muốn
thoát khỏi.
Đây chính là cốt
lõi của những rối loạn thần kinh.
Những cơ chế
phòng vệ mà chúng ta dựng nên để bảo vệ bản thân lại chính là thứ tạo ra điều
kiện khiến nỗi sợ ấy trở thành hiện thực.
Tôi dạy mọi người
cách tạo ra thực tại cho riêng mình. Nhưng đôi khi, sự kháng cự trong ta quá lớn.
Đôi khi, vấn đề đã cắm rễ quá sâu vào trong nhân cách, đến mức chúng ta không
thể nào tạo ra điều mình mong muốn. Không phần nào trong chúng ta tin rằng điều
đó là khả thi. Và khi rơi vào trạng thái này, giải pháp lại đi ngược với bản
năng của chúng ta.
Thay vì cố gắng
tạo ra điều mình mong muốn, hãy giải phóng sự kháng cự bằng cách chấp nhận số
phận. Chấp nhận rằng điều mà ta tin sẽ xảy
ra, thật sự sẽ xảy ra. Hãy tìm ra những suy nghĩ, những điều có thể nói, những
hành động nào đó, giúp bạn cảm thấy ổn hơn một cách thực sự về cái số phận tưởng
như không thể tránh khỏi kia.
Nếu một vấn đề
đã trở thành phần cốt lõi trong tính cách bạn, bạn không thể “vượt qua nó”. Toàn
bộ ngành công nghiệp “tự giúp bản thân” (self-help) được xây dựng dựa trên ý tưởng
rằng chúng ta có thể vượt qua chính mình. Nhưng sự thật là không thể.
Nếu bạn đã đồng
nhất một phần nào đó là “một phần của con người mình”, thì mọi nỗ lực vượt qua
nó chỉ là bạn đang gây chiến với chính mình. Đó là hành động tự hành xác. Và nó
không bao giờ mang lại sự chữa lành.
Ví dụ: nếu tính
cách của tôi đã gắn liền với nỗi khổ đau, nếu tôi đã chịu khổ quá nhiều đến mức
không còn tin rằng cuộc sống mình có thể khác, và dù tôi muốn điều đó không còn
là sự thật, tôi lại dành cả ngày gồng mình để cố gắng hạnh phúc, trong khi vẫn
mang theo cái niềm tin sâu sắc rằng tôi sẽ khổ đau đến hết đời.
Vậy thì kết quả
là: tôi sẽ khổ đau đến hết đời. Bởi vì tôi đang cố tránh nó. Và chính việc
tránh né đó khiến tôi tái tạo lại đúng cái định mệnh mà tôi muốn thoát khỏi.
-----
Cách chữa lành,
là tìm ra một cách nào đó, một lối suy nghĩ, một điều có thể nói ra hay một
hành động, mà thực sự khiến tôi cảm thấy
ổn hơn với ý nghĩ rằng: tôi sẽ khổ đau đến hết cuộc đời. Điều này không có
nghĩa là bạn đang nói dối với bản thân. Bạn không thể tự nói với mình những điều
bạn không tin, rồi nghĩ rằng điều đó sẽ khiến bạn thấy tốt hơn.
Không, bạn phải
tìm ra những điều thật sự khiến bạn thấy nhẹ nhõm hơn, với cái “số phận không thể tránh khỏi” kia.
Tôi hiểu rằng video
này sẽ khiến một số người cảm thấy khó chịu. Đây là điều cuối cùng mà hầu hết
chúng ta muốn nghe. Nhưng bạn cần trung thực về mức độ kháng cự bên trong mình,
và trung thực về việc liệu vấn đề của bạn có đã trở thành một phần cốt lõi
trong tính cách và nhân cách của bạn hay không.
Đối với những ai
muốn tìm hiểu sâu hơn về phức cảm Oedipus và mối liên hệ của nó với các mối
quan hệ hiện tại và cách bạn đang sống cuộc đời mình, tôi gợi ý một cuốn sách
có tên là Fear of Life (Nỗi sợ cuộc sống) của bác sĩ Alexander
Lowen.
-----
Tôi hiểu rằng
video này có thể khiến rất nhiều người cảm thấy bức bối, đặc biệt là những ai
đã dành cả cuộc đời mình cố kéo bản thân đi theo hướng ngược lại với cái mà họ
cho là số phận của mình, dù là ở mức độ tiềm thức. Hầu hết chúng ta không sẵn
sàng thừa nhận điều mà ta thực sự tin là đúng. Đặc biệt là khi ta dùng
"tâm linh" để cố thuyết phục bản thân rằng sự thật không phải là điều
mình đang tin là thật.
Đó là lý do tại
sao nhiều người trong chúng ta thích tin rằng mình tin vào việc tạo ra thực tại
riêng, trong khi thực tế là bên trong ta không thật sự tin điều đó. Tôi đang mời
bạn bước vào trạng thái tự nhận thức, nhìn
thẳng vào các mô thức của mình, và đối diện với cái số phận mà bạn tin rằng
mình sẽ phải gặp, cho dù bạn có muốn tự dối mình để tin điều ngược lại đi chăng
nữa.
Video này có thể
dường như đi ngược lại với một số điều tôi đã từng dạy trước đây, vì tôi từng dạy
bạn cách để đồng nhất với điều bạn mong muốn trở thành sự thật. Nhưng điều đó
chỉ khả thi nếu bạn thật sự có khả năng thay đổi niềm tin của mình.
Và vấn đề nằm ở
chỗ: Khi những vấn đề và niềm tin đã ăn sâu đến mức trở thành một phần của nhân
cách, thì rất khó, gần như không thể, để bạn thay đổi chúng. Lúc đó, mọi điều bạn
nói với bản thân sẽ chỉ khiến bạn rơi vào cuộc chiến với chính những gì bạn thật
sự tin là đúng. Bạn sẽ rơi vào trận chiến với bản chất thật của mình. Và điều
đó không bao giờ mang lại sự chữa lành.
Vì vậy, tôi đang
khuyên bạn: Hãy can đảm đi ngược với bản năng.
Nếu có một phần
trong bạn tin rằng mình sẽ gặp một số phận nhất định, hãy giải phóng sự kháng cự
với số phận đó bằng cách trở nên chấp nhận nó.
Tôi hứa với bạn,
ngay khi bạn làm điều này, những sợi dây đang siết chặt quanh bạn sẽ nới lỏng,
và lúc đó, bạn sẽ được tự do.
Chúc bạn một tuần
tốt lành.
Link gốc của bài
viết
http://www.youtube.com/watch?v=ZGbb2FK8-HY
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.