Teal Swan Transcripts 087
Theo Dõi Quá Trình Cảm Nhận (để chuyển
hóa cảm xúc tiêu cực của bạn)
19-10-2013
Chào mọi người.
Chúng ta thường trốn tránh cảm xúc của mình. Hầu hết chúng ta sẽ làm bất cứ điều
gì để không phải đối diện trực tiếp với cảm xúc bên trong. Phần lớn các phương
pháp được giới thiệu trong cộng đồng phát triển bản thân và cộng đồng tâm linh
đều được thiết kế để giúp bạn chủ động thay đổi cảm xúc mà bạn đang trải nghiệm,
chứ không phải để cảm nhận chúng. Và bản thân điều đó đã là một hình thức né
tránh.
Vì vậy, quy
trình mà tôi chia sẻ hôm nay sẽ giúp bạn thả mình vào những cảm xúc đó, thay vì
trốn tránh chúng. Hầu hết chúng ta đều trải qua một quy trình gồm bốn bước.
Bước 1. Chúng ta
trải qua một điều gì đó. Trải nghiệm đó khiến chúng ta bước sang bước 2.
Bước 2. Chúng ta
bắt đầu kể một câu chuyện về những gì mình vừa trải nghiệm. Câu chuyện đó là một
tập hợp các niềm tin. Từ tập hợp các niềm
tin đó sinh ra Bước 3, cảm xúc của chúng ta.
Bước 3. Cảm xúc
phản ánh những suy nghĩ mà ta đang có vì trải nghiệm đó.
Bước 4. Chúng ta
thể hiện một hành vi nào đó như là hệ quả của những cảm xúc này.
Nhưng phần lớn
chúng ta nhảy thẳng từ bước 1 đến bước 4. Chúng ta đi thẳng từ trải nghiệm đến
hành vi.
Trong khi đó,
chúng ta bỏ qua những suy nghĩ liên quan đến trải nghiệm và cả những cảm xúc
phát sinh từ đó. Tuy nhiên, toàn bộ quá trình chữa lành nằm chính trong bước 2
và bước 3. Để tôi giải thích thêm.
Ví dụ: Bước 1.
Tôi cãi nhau với bạn trai hoặc bạn gái.
Bước 2. Điều đó
khiến tôi kể ra những câu chuyện như: “Lúc nào cũng như vậy.”, “Họ sẽ rời bỏ
mình.”, “Mình sẽ chẳng đến được với ai.”, “Mình sẽ chết một mình.”, “Đàn ông thật
tồi tệ.”, “Phụ nữ thật đáng ghét.”
Bước 3. Cảm xúc
và cảm nhận của bạn phản ánh những câu chuyện đó. Bạn cảm thấy trầm cảm, tuyệt
vọng, có thể hoảng loạn.
Bước 4. Cảm xúc
đó trở thành một cảm giác khó chịu trong cơ thể. Và bạn tìm cách thoát khỏi nó
càng nhanh càng tốt: bạn uống rượu, tự làm đau bản thân hoặc ăn uống vô độ.
Vấn đề là quá
trình này diễn ra quá nhanh, đến mức bạn có thể thậm chí không nhận ra bước 2
và bước 3. Và chắc chắn là bạn không dừng lại để hiện diện trong hai bước đó, để
nhận diện những suy nghĩ hoặc chủ ý đi sâu hơn vào cảm xúc đi kèm với trải nghiệm
đó. Thay vào đó, bạn cãi nhau với người yêu, rồi lập tức bỏ qua bước 2 và bước
3, và lao vào uống rượu, tự hại mình, hay ăn uống không kiểm soát.
Chữa lành thực sự
luôn đến từ bước 2 và bước 3, từ việc trải nghiệm những suy nghĩ, nhận diện
chúng, thay đổi chúng một cách chủ ý để từ đó trải nghiệm của bạn thay đổi, đồng
thời từ việc nhận diện và cảm nhận cảm xúc, hướng trực tiếp về phía cảm xúc đó
và cho phép nó tự chuyển hóa.
Chúng ta đã nói
dối trong cộng đồng tâm linh và cộng đồng phát triển bản thân. Và lời nói dối
đó là: "Chỉ có hạnh phúc trong hiện
tại." Thực tế không phải lúc nào cũng vậy. Có thể đúng là khi bạn quay
về hiện tại, bạn sẽ cảm thấy rất nhiều cảm giác và cảm xúc, và chúng không nhất
thiết dễ chịu. Ví dụ: Có thể bạn vừa mất đi ai đó. Vậy nên khi trở về khoảnh khắc
hiện tại, bạn có thể cảm nhận được nỗi buồn, thắt ngực, cảm giác bị bóp nghẹt,
cảm giác chìm xuống, cảm giác trầm uất, tất cả đang hiện diện trong cơ thể bạn,
ở thời điểm hiện tại.
Tất cả những gì
thực sự tồn tại trong hiện tại chính là cảm giác. Những suy nghĩ mà chúng ta
có, những câu chuyện mà ta kể về cảm giác đó, chính là thứ kéo ta ra khỏi hiện
tại. Đó là những câu chuyện về bạn, về tôi, về tương lai, về quá khứ, tất cả là
những hệ thống niềm tin không tồn tại trong hiện tại.
Có sự khác biệt
giữa cảm xúc và cảm nhận, và điều này rất quan trọng để hiểu. Cả hai đều khiến
bạn hành xử theo cách nhất định.
Cảm nhận là một
trạng thái nhận thức, nơi bạn đang tri giác. Nó là một trạng thái của sự tỉnh
thức. Và điều bạn đang tri giác đó sẽ được chuyển hóa thành một cảm giác. Trong
thế giới vật chất, cảm giác này được biểu hiện qua các giác quan: thị giác,
thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, và cả cảm xúc. Vì là một trạng thái
nhận thức, cảm nhận vượt ra ngoài cơ thể vật chất. Đây là lý do vì sao bạn vẫn
có cảm nhận trong những trải nghiệm ngoài cơ thể.
Cái tôi có ý thức
diễn giải cảm nhận và gán ý nghĩa cho nó, ví dụ như: “Cảm giác này có nghĩa là
mình cần phải bỏ chạy.”
Cảm xúc thì giới
hạn trong chiều không gian vật chất. Chúng là sản phẩm phụ của suy nghĩ, suy
nghĩ tạo ra phản ứng hóa học, hormone và chất dẫn truyền thần kinh, dẫn đến phản
ứng hoặc cảm giác trong cơ thể, mà bạn trải nghiệm như là cảm xúc tạm thời, ví
dụ như vui hay sợ.
Chúng giống như
hệ thống phản hồi cho cơ thể, như đồng hồ đo nhiên liệu trên xe hơi. Cảm xúc chỉ
là một phần của cảm nhận. Chúng là sản phẩm phụ của cảm nhận. Hãy nhớ rằng cảm
nhận là một trạng thái nhận thức có tính tri giác.
Khi bạn cảm nhận
cảm xúc, bản chất là bạn đang tri giác phản ứng sinh lý của cơ thể đối với suy
nghĩ của mình. Và suy nghĩ của bạn tạo ra rung động của bạn. Nên khi bạn cảm nhận
cảm xúc, bạn đang tri giác cách cơ thể mình diễn giải rung động ấy.
Thú vị là bạn có
thể dùng cảm xúc để bước vào cảm nhận. Ví dụ bạn có một cảm xúc như buồn bã. Bạn
có thể nói: “Tôi đang buồn.” Sau đó bạn dùng điều đó để đi sâu vào cảm nhận bằng
cách hỏi: “Cảm giác buồn bã này thể hiện như thế nào trong cơ thể tôi?”
Một trong những
vấn đề lớn nhất về sức khỏe tinh thần trong thế giới hiện đại là chúng ta cố gắng
giúp con người thoát khỏi cảm xúc và cảm nhận của chính họ.
Chúng ta làm tê
liệt cảm xúc bằng thuốc kê đơn. Chúng ta không thể tưởng tượng rằng những cảm
xúc này thực sự có thể đang phục vụ một mục đích, thực tế là nhiều mục đích.
Chúng ta không hiểu rằng nếu tiến vào bên trong cảm xúc, chúng sẽ tự chuyển
hóa. Và chúng ta nói với mọi người rằng lý do họ cảm thấy như vậy là vì não bộ
của họ có vấn đề, vì họ bị rối loạn. Điều này hoàn toàn không đúng với sự thật.
Có một lời nói dối
khác mà chúng ta thường kể với nhau, đó là: Cảm xúc sẽ không thay đổi trừ khi bạn
cố ý thay đổi chúng. Sự thật là, tất cả những gì bạn cần làm là buông bỏ sự
kháng cự đối với những cảm xúc mà bạn đang cảm nhận. Vậy làm thế nào để làm điều
đó?
Thay vì chạy trốn
chúng, đó là một hình thức né tránh, một dạng kháng cự, và như chúng ta đều biết:
"Cái gì bạn chống lại thì sẽ kéo dài", bạn hãy quay đầu lại và hướng
về phía cảm xúc.
Bạn thả mình vào
cảm xúc. Bạn tiến vào bên trong cảm xúc. Bạn hoàn toàn cho phép bản thân trải
nghiệm việc ở trong cảm xúc đó và thuộc về nó. Nếu bạn quan sát một cảm xúc và
cho phép mình ý thức hoàn toàn về việc cảm nhận nó, nó sẽ luôn tự chuyển hóa,
chỉ bằng chính sự quan sát và trải nghiệm của bạn. Việc duy nhất bạn cần làm
sau đó là theo dõi cách cảm xúc thay đổi, và tiếp tục thả mình vào cảm giác mới
đó. Hít thở vào cảm giác ấy. Và khi cảm giác mới lại tiếp tục thay đổi, bạn lại
theo nó. Bạn tiến vào và cho phép bản thân cảm nhận cũng như hít thở vào cảm
xúc mới đó.
Chúng ta làm điều
này cho đến khi cảm giác chuyển hóa thành một cảm giác tích cực hơn, dễ chịu
hơn mà ta có thể nhận diện được. Trớ trêu thay, nếu bạn cứ tiếp tục như vậy, cứ
đi theo cảm giác mới mỗi khi nó xuất hiện, cuối cùng bạn sẽ không còn lớp nào để
lột bỏ nữa, và bạn sẽ còn lại bản chất thật sự của chính mình. Đây là điều mà
phần lớn các bậc thầy tâm linh muốn nói khi họ nói:
"Hãy hiện
diện trong khoảnh khắc hiện tại, nơi không còn thời gian, bạn chỉ còn lại với sự
hiện diện quyền năng của 'Tôi là'."
Bạn có thể áp dụng
quy trình này bất cứ lúc nào và với bất kỳ cảm xúc nào xuất hiện. Không có một
cảm xúc nào là ngoại lệ với sức mạnh của phương pháp này. Vậy nên khi một cảm
xúc tiêu cực mạnh mẽ trỗi dậy bên trong bạn, hoặc cả tích cực nữa, vì bạn cũng
có thể “vắt kiệt” cảm xúc đó để tận hưởng trọn vẹn, hãy dừng lại ngay tại nơi bạn
đang đứng và cho phép bản thân tiến vào cảm giác đó.
Bạn quan sát
hoàn toàn nó, đắm mình trong nó, cho phép nó tràn ngập bạn. Bạn đầu hàng trước
cảm xúc đó. Hãy tự miêu tả cho bản thân nghe cảm giác đó như thế nào.
Nó cảm giác như
gì? Trông nó như thế nào?
Đừng cố gắng
thay đổi nó một cách chủ ý. Chỉ cần ở lại với nó và quan sát nó thay đổi. Nếu
nó không thay đổi, hãy cho nó không gian để chuyển hóa, bằng cách hít thở vào cảm
giác đó, hoặc mở rộng cảm giác đó ra ngoài, bao trùm cả căn phòng, để bạn như
đang ở trong nó và được nó bao quanh. Khi bạn cho nó không gian như vậy, nó sẽ tự
động chuyển hóa.
Sau đó, nhiệm vụ
của bạn là đơn giản chỉ cần theo đuổi hoặc đi theo từng cảm giác khi nó thay đổi,
bao nhiêu lần cũng được, cho đến khi bạn đến được một cảm giác hiện tại khiến bạn
cảm thấy dễ chịu khi trải nghiệm.
Một phần thú vị
trong quá trình này mà tôi muốn bạn ghi nhớ là: Khi bạn đang ở giữa quá trình,
và tâm trí cố kéo bạn trở lại những câu chuyện, điều này đang xảy ra như một cơ
chế tự bảo vệ. Bản ngã của bạn không thực sự muốn cảm nhận những cảm giác khó
chịu, vì nó liên kết cảm giác khó chịu với: “Mình sẽ không sống nổi.” Thế nên
nó sẽ cố đẩy bạn theo hướng ngược lại.
Vì vậy, khi não
bạn cố làm điều đó trong lúc bạn đang thực hành phương pháp này, thay vì cố
quay lại với câu chuyện hay suy nghĩ trước đó, hãy trở về với căn phòng bạn
đang ở, ngay tại đây và bây giờ, và quan sát cảm giác mới nào đang hiện diện
trong cơ thể, rồi tiếp tục với quá trình.
Tôi muốn bạn thực
hiện điều này bất cứ khi nào tâm trí bạn cuốn bạn đi theo câu chuyện, theo hệ
thống niềm tin, hoặc cố gắng diễn giải những hình ảnh trực giác mà bạn nhận được
trong suốt quá trình, hoặc nếu bạn bị lạc trong những hình ảnh đó.
Một số cảm giác
có thể thực sự không thể diễn tả bằng lời, điều đó hoàn toàn bình thường. Chúng
ta chỉ đang dùng việc mô tả để giúp bạn đi sâu hơn vào trải nghiệm. Vì thế, nếu
bạn không thể mô tả cảm giác, điều đó không quan trọng bằng việc bạn thực sự cảm
nhận được nó.
Với một số người,
chúng ta có thể theo dõi cảm giác, rồi cảm giác tiếp theo, rồi cảm giác tiếp
theo nữa khi nó thay đổi.
Với những người
có xu hướng sống trong đầu, rất lý trí, cảm giác có thể được báo trước bằng một
hình ảnh tượng trưng đại diện cho cảm xúc mà cơ thể bạn đang biểu hiện. Vậy
nên, thay vì bị cuốn vào hình ảnh đó, bạn có thể sử dụng nó để đi sâu hơn vào cảm
xúc. Ví dụ: nếu một hình ảnh biểu tượng xuất hiện, bạn có thể hỏi:
“Hình ảnh đó
mang lại cảm giác gì trong cơ thể mình?”– thay vì bị lạc vào câu chuyện hay
hình ảnh đã hiện lên.
Để minh họa cách
quá trình này hoạt động như thế nào, tôi sẽ hướng dẫn một người tên Graciela,
thực hiện theo quy trình này. Vậy nên bạn sẽ được xem từng bước tôi tương tác với
cô ấy. Trong đời thực, bạn có thể nhờ ai đó làm điều này với bạn, hoặc bạn có
thể tự làm cho chính mình bằng cách đóng cả hai vai. Tôi chỉ muốn cho bạn thấy
quy trình này vận hành ra sao.
Tôi muốn nhắc rằng
những gì chúng ta sắp làm là trong thời gian thực. Chúng tôi không hề chuẩn bị
trước. Tôi thậm chí không biết cô ấy sẽ nói gì. Đây là cách bạn thật sự làm việc
với cảm xúc.
Vậy nên để bắt đầu,
chúng ta cần hỏi Graciela điều gì đang xảy ra với cô ấy, điều đó sẽ giúp ta xác
định được cảm xúc mà cô ấy đang trải qua. Bạn có thể làm điều này bất cứ khi
nào bị ảnh hưởng bởi một trải nghiệm cụ thể, hoặc chỉ đơn giản là làm trong khoảnh
khắc hiện tại mà không cần lý do gì cả. Cách này luôn hiệu quả, bất kể lý do bạn
thực hiện nó là gì. Vậy nên bắt đầu nhé...
G: Về cơ bản thì
em phát hiện ra rằng ba em đã lạm dụng cảm xúc em trong thời gian dài, đó là cảm
xúc mà em sẽ đi sâu vào.
T: Được rồi. Vậy
điều đầu tiên em cần làm là chú ý đến cơ thể mình. Em có thể làm điều này với mắt
mở hoặc nhắm. Hãy cảm nhận xem cảm xúc đó như thế nào và mô tả lại cho chị.
G: Lo lắng, hoảng
loạn.
T: Vậy cảm giác
lo lắng và hoảng loạn biểu hiện ra cơ thể em như thế nào?
G: Như là tê rần.
Các ngón tay em lạnh. Khó thở. Em chỉ muốn chạy trốn thôi.
T: Em có thể
quét toàn bộ cơ thể, và chỉ cần nhận diện cách cảm xúc đó biểu hiện ra về mặt
thể chất như thế nào.
G: Cơ thể em
đang run.
T: Được rồi. Vậy
điều chị muốn em làm là hướng về phía sự run rẩy đó. Hãy đầu hàng nó, tiến vào
cảm giác đó, và cho phép nó bao trùm lấy em hoàn toàn. Như em thấy, chúng ta
không làm gì để cố thay đổi cảm xúc hoặc cảm giác đó cả. Chúng ta chỉ đơn giản là
quan sát và ở trong nó, vậy thôi. Chúng ta sẽ để cảm xúc tự thay đổi, và nó sẽ
làm vậy. Nó đang thay đổi chứ? Nếu có, thì nó đang chuyển thành điều gì?
G: Nó cảm giác
bình tĩnh hơn. Nhưng vẫn còn rung, kiểu như một cơn sóng.
T: Em đang thấy
hình ảnh một con sóng à?
G: Đúng rồi, em
đang thấy hình ảnh một con sóng.
T: Tuyệt vời. Giờ
khi em có hình ảnh đó, hãy cảm nhận xem con sóng đó cảm giác như thế nào trong
cơ thể em.
G: Nó nặng nề,
như đang đè bẹp em.
T: Tốt lắm. Hãy
tiến vào cảm giác đó. Để nó nghiền nát em. Trải nghiệm trọn vẹn cảm giác nặng nề
đó.
G: Tâm trí em
không cho phép em bước vào cảm giác đó. Nó cứ ra vô liên tục.
T: Khi điều đó xảy
ra, hãy hít thở vào cảm giác đó cùng lúc khi em đang tiến về phía nó.
T: Vậy nó đang
thay đổi hay vẫn chưa?
G: Vẫn chưa thay
đổi. Cơ thể em chỉ cảm thấy tê cứng.
T: Hoàn hảo. Vậy
nếu em đang giữ cảm xúc mà nó không tự thay đổi, điều em cần làm là thở và mở rộng
cảm xúc đó ra cả căn phòng. Những cảm giác này bị giam giữ trong cơ thể, và điều
đó như một dạng nhà tù riêng cho cảm xúc. Vì vậy, khi em hít thở, hãy tưởng tượng
rằng mình đang mở rộng cảm xúc đó ra cả không gian xung quanh, để nó vừa ở bên
trong em, vừa bao quanh em. Khi em làm điều đó, em đang cho nó không gian để
chuyển hóa, và em sẽ thấy nó thay đổi khá nhanh.
G: Hình ảnh chuyển
thành như thể em đang đi dạo trong công viên. Nhưng vẫn còn cảm giác nặng.
T: Vậy hãy tiếp
tục. Cảm giác đi dạo trong công viên đó thế nào trong cơ thể em, ngoài cảm giác
nặng nề? Hãy kể thêm về cảm giác đó.
G: Cảm giác như
em đang ép bản thân phải đi dạo. Như thể em không thực sự muốn ở đó.
T: OK. Vậy cảm
giác “không muốn ở đó” biểu hiện như thế nào trong cơ thể em?
G: Nặng nề.
T: Thấy không,
cô ấy vừa bị cuốn vào một câu chuyện trong đầu. Đó chính là điều chị nói trước
đó, khi tâm trí cố gắng kéo em rời khỏi cảm xúc và quay lại với câu chuyện “về”
cảm xúc, thay vì trải nghiệm chính cảm giác đó. Cảm ơn bản ngã đã cố bảo vệ ta.
Vậy nên nếu em thấy mình bị cuốn theo câu chuyện và cảm thấy khó khăn khi ở lại
với cảm xúc...
G: Ừ. Em vẫn cảm
thấy tê cứng.
T: Vậy hãy trở lại
với hiện tại. Mở mắt ra….
Giờ nhắm mắt lại,
và cảm nhận xem cơ thể em đang cảm thấy gì ngay lúc này. Chúng ta không quan
tâm đến toàn bộ quá trình đã qua. Chúng ta bắt đầu lại từ thời điểm này. Bởi vì
rung động của cảm xúc đã thay đổi, và cảm xúc ban đầu không còn là cảm xúc hiện
tại của em nữa. Thế nên đây không phải là khởi đầu lại hoàn toàn, mà là bắt đầu
từ rung động hiện tại của cơ thể em, khi cảm xúc đã tự chuyển hóa.
G: Bây giờ em thấy
hơi choáng váng.
T: Hoàn hảo. Hãy
tiến vào cảm giác choáng váng đó.
T: Để nó xoay
chuyển em hoàn toàn. Cảm giác đó thế nào?
G: Rối rắm.
T: Em có nghĩ “rối
rắm” là từ chính xác để mô tả cảm xúc này không?
G: Rối vì em
không biết phải nghĩ gì, nhưng...
T: Tuyệt. Vậy cảm
giác “không biết phải nghĩ gì” biểu hiện như thế nào trong cơ thể? Có màu sắc
không? Một số người có màu sắc. Có thể là kết cấu. Cũng có thể là âm thanh.
G: Em vẫn rất lạnh.
Tay chân lạnh ngắt.
T: Vậy em có
nghĩ lạnh là cảm giác chiếm ưu thế nhất trong cơ thể lúc này không?
G: Vâng.
T: Được ồi. Hãy
tiến vào cảm giác lạnh đó.
Như bạn thấy, tất
cả những gì cô ấy đang làm là theo dõi cảm giác khi nó thay đổi.
G: Tâm trí em
không cho em đi vào đó. Nó không để em cảm nhận cái lạnh.
T: Đó là một câu
chuyện. Vậy hãy trở lại với hiện tại. Giờ quay lại và cảm nhận xem cơ thể em
đang cảm thấy gì ngay tại đây, ngay bây giờ.
G: Bây giờ vẫn lạnh,
nhưng không còn áp đảo nữa. Nó dịu hơn.
T: Em có hình ảnh
nào không?
G: Không hẳn.
T: OK. Vậy nó dịu
hơn nhưng vẫn còn là cảm giác lạnh. Vậy lần này, hãy bước vào cảm giác đó. Ở lại
với nó. Hiện diện hoàn toàn cùng cảm xúc đó. Để nó ở trong em, thuộc về em và
bao quanh em.
G: Bây giờ em thấy
một hình ảnh.
T: Hình ảnh gì vậy?
G: Là em, trong
tuyết, mặc một chiếc áo khoác to.
T: Tuyệt vời. Vậy
với hình ảnh đó, em hãy cảm nhận xem nó có cảm giác gì trong cơ thể mình. Hình ảnh
đó chuyển thành cảm giác như thế nào?
Biết rằng một số
cảm giác có thể không thể diễn tả được, có nghĩa là cô ấy không thể mô tả
chúng, nhưng chúng ta chỉ đang sử dụng các mô tả của cô ấy để giúp cô ấy đi sâu
vào cảm xúc, ngay cả khi chúng không thể diễn tả được.
G: Chà, nó cảm
thấy an toàn hơn trước. Nhưng giờ nó thành lo lắng.
T: Được rồi. Vậy
lo lắng... Lo lắng cảm giác thế nào trong cơ thể em?
G: Muốn chạy đi.
T: Cảm giác
"muốn chạy đi" thế nào trong cơ thể em?
G: Như là em muốn
di chuyển, chạy đi đâu đó. Em muốn chạy đi đâu đó.
T: Vậy em cảm nhận
được sự thúc giục rung động đó, đúng không?
G: Vâng.
T: Khó mà cưỡng
lại, phải không?
G: Vâng.
T: Vậy hãy tiến
về phía cảm giác đó trong khi em thở vào nó. Nếu cần, em có thể mở rộng cảm
giác đó ra cả căn phòng, cho nó không gian để thay đổi.
G: Giờ thì nó
thành giận dữ.
T: Tốt. Đó là một
sự thay đổi tốt. Được rồi. Vậy giờ chúng ta đang ở trong cảm giác giận dữ. Giận
dữ cảm giác thế nào trong cơ thể em? Chị đang nhìn thấy nó trên khuôn mặt em
ngay bây giờ. Nó cảm giác thế nào trên mặt em?
G: Mặt em trở
nên căng hơn. Thở khó hơn. Em muốn đấm cái gì đó.
T: Vậy chúng ta
có một sự thúc giục khác.
G: Vâng.
T: Còn cảm giác
gì nữa trong cơ thể em? Hãy quét toàn bộ cơ thể đi.
G: Căng hơn. Cơ
thể em căng hơn.
T: Vậy là căng
thẳng. Chúng ta có một mục tiêu tốt. Vậy hãy đi vào cảm giác căng thẳng đó. Tìm
ra nơi nó đang ở và bước vào đó như thể đó là một nơi để tiến vào. Hít thở vào
cảm giác đó như thể em đang chấp nhận nó. Không chỉ là chấp nhận nó, mà là đồng
ý với nó, thậm chí là mong muốn nó.
T: Nó có thay đổi
không?
G: Một chút.
Nhưng nó vẫn giận dữ.
T: Vậy em sẽ nói
nó cảm giác như thế nào bây giờ?
G: Cảm giác ổn định
hơn.
T: Tốt. Vậy cảm
giác ổn định. Cảm giác đó thế nào trong cơ thể em khi em cảm thấy ổn định?
G: Cảm giác như
em đang được gắn chặt xuống đất.
T: Cảm giác gắn
chặt xuống đất đó thế nào? Vì chúng ta đang sử dụng cảm xúc để cảm nhận cảm
giác, cảm xúc.
G: Cảm giác như
cơ thể em rất nặng.
T: Nhưng đó là nặng
theo kiểu tốt hay nặng theo kiểu không thoải mái?
G: Không, là nặng
theo kiểu tốt. Giống như là cảm giác được kết nối với mặt đất.
T: Tốt. Tiến vào
cảm giác đó.
G: Cảm giác như
em là một khối.
T: Được rồi. Vậy
cảm giác là một khối và được gắn chặt xuống đất. Hãy đi vào cảm giác đó. Để nó
hoàn toàn bao trùm lấy em. Em không có sự kháng cự nào đối với nó. Em sẽ ở lại
với cảm giác đó bao lâu tùy em. Và hít thở ở đó.
T: Giờ thì cảm
giác đó đã chuyển thành gì?
G: Cảm giác bình
yên hơn. Em thấy hình ảnh như đang nhảy dây.
T: Được rồi. Tuyệt
vời. Vậy hình ảnh đó cảm giác thế nào trong cơ thể em?
G: Cảm thấy vui
vẻ.
T: Cảm giác vui
vẻ thế nào trong cơ thể? Vui vẻ có kết cấu nào không? Có màu sắc không? Có cách
nào để em cảm nhận nó không?
G: Cảm giác như
niềm vui trong tim em. Em muốn nhảy dây.
T: Được rồi. Vậy
trong tim em... Hãy tập trung vào cảm giác đó, vì chúng ta đã gán nhãn là niềm
vui.
G: Được rồi.
T: Cảm giác niềm
vui trong tim em thế nào? Em làm sao biết đó là cảm giác vui?
G: Cảm giác ấm áp.
Giống như một niềm vui…
T: Vậy em cảm thấy
như là năng lượng đó nâng cao em lên. Có phải vậy không?
G: Vâng.
T: Được rồi. Vậy
giữ cảm giác đó. Hít thở vào và ra khỏi cơ thể em, lan tỏa ra cả căn phòng. Và
em có thể chọn làm gì đó, em có nghĩ đây là một rung động tích cực không?
G: Vâng.
T: Được rồi. Vậy
trở lại với không gian này. Chị muốn giải thích rằng em có thể tiếp tục cảm nhận
cảm giác này lâu như em muốn. Có nghĩa là thực sự sẽ không có kết thúc nào khi
em theo dõi các dấu vết của cảm giác và cảm xúc khi chúng thay đổi. Nhưng vì
chúng ta đã đưa Graciela đến một cảm xúc tích cực, một cảm giác tích cực, chúng
ta có thể dừng lại ở đây. Bởi vì mục tiêu của chúng ta là biến đổi cảm giác
thông qua việc không kháng cự. Vậy hãy chú ý vào cơ thể mình ngay lúc này, em cảm
thấy thế nào so với cảm giác khi em mới đứng đây lúc bắt đầu quá trình?
G: Nhẹ nhàng
hơn, như là em muốn di chuyển xung quanh. Cười tươi.
T: Tuyệt vời.
Đây chính là những gì chị muốn nói. Chúng ta đã không làm gì cả. Em có nhận ra
không?
Chúng ta không
làm một quá trình nào để cố thay đổi các rung động và cảm xúc. Điều chúng ta
làm là chúng ta cho phép chính mình trải nghiệm cảm xúc, và chúng đã thay đổi một
cách tự nhiên. Chúng thay đổi theo ý muốn của chúng. Chúng thay đổi vì chúng ta
chú ý đến chúng, vì chúng ta không kháng cự với chúng, vì chúng ta hoàn toàn trải
nghiệm chúng. Cảm xúc được sinh ra để được trải nghiệm, chứ không phải để bị tê
liệt, phớt lờ hay chạy trốn khỏi chúng. Cơ sở của tất cả hành vi bốc đồng là sự
không sẵn lòng cơ bản trong việc trải nghiệm cảm xúc, cảm giác của chính mình.
Nhưng điều quan trọng là phải di chuyển về phía những cảm xúc đó, để cho phép
chính mình cảm nhận chúng. Nếu em dành cả đời để tránh chúng, thì em sẽ có tất
cả các hành vi không thể giải thích trong suốt quãng đời còn lại mà em không thể
kiểm soát. Vì em không hiểu rằng em không cần phải chạy trốn khỏi cảm xúc.
Chúng thực sự sẽ không làm gì em đâu. Đây là cách để đạt được trạng thái giác ngộ
trong cuộc sống tỉnh thức.
Nếu em hiểu rằng
cảm xúc của em không có quyền lực đối với em, chúng chỉ là thông tin, thông tin
rất quan trọng mà em đang nhận thức trong cuộc sống tỉnh thức của mình, thì em
sẽ không còn chạy trốn khỏi bất kỳ điều gì nữa. Em có thể trở thành một bậc thầy
thực sự, người có thể vượt qua các xung động, người có thể vượt qua những thúc
giục và thay vào đó hành động theo cảm hứng. Điều quan trọng là chúng ta học
cách giải phóng sự kháng cự với cảm xúc của mình đủ để trải nghiệm chúng. Và
cũng quan trọng là chúng ta hiểu rằng em không cần phải làm gì để thay đổi cảm
xúc của mình. Nếu em cho phép mình giải phóng sự kháng cự đủ để trải nghiệm
chúng, chúng sẽ thay đổi một cách tự nhiên.
Chúc bạn một tuần
tuyệt vời.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=lVShM00qQ80
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.