Teal Swan Transcripts 086 - Lời khuyên vô giá về các mối quan hệ

 

Teal Swan Transcripts 086


Lời khuyên vô giá về các mối quan hệ

 

05-10-2013




Xin chào mọi người. Tuần này, tôi được yêu cầu nói về các mối quan hệ. Mọi người hỏi tôi rằng, theo tôi, lời khuyên tốt nhất để có một mối quan hệ hạnh phúc là gì. Vì vậy, hôm nay tôi sẽ chia sẻ điều đó với các bạn.

 

Chúng ta đều là những nguồn năng lượng tiềm năng. Vì vậy, việc nhận ra tiềm năng vốn có trong bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai là một điều tốt. Vấn đề chỉ xảy ra khi chúng ta xây dựng các mối quan hệ dựa trên tiềm năng, thay vì dựa vào thực tại.

 

Xã hội đã in sâu vào đầu bạn rằng những người anh hùng hay nữ anh hùng là những người bạn đời, người yêu luôn nhìn thấy tiềm năng trong ai đó, ngay cả khi chính người đó không nhìn thấy được. Xã hội khiến bạn tin rằng những người bạn đời như vậy chính là lý do giúp đối phương đạt được mục tiêu của mình. Nhưng đây không phải là một hình ảnh chính xác. Những người bạn đời này không yêu người kia vì họ có thể trở thành ai, mà họ thực sự yêu con người của họ ở hiện tại.

 

Ví dụ nhé: Có thể bạn đã từng xem bộ phim Người vợ của nhà du hành thời gian (Time Traveler’s Wife), phim ấy khiến tôi khóc nhiều đến mức không thể nhìn rõ được nữa. Xã hội sẽ khiến bạn tin rằng Claire là một nữ anh hùng vì cô ấy luôn ở bên Henry mặc cho sự thật là rất khó để sống với một người cứ biến mất, đôi khi là hàng tuần, ngay trước mắt bạn và thường vào những lúc rất không thích hợp. Xã hội sẽ khiến bạn nghĩ rằng cô ấy ở bên anh ấy vì lời hứa hay tiềm năng rằng một ngày nào đó ai đó có thể chữa được căn bệnh di truyền khiến Henry tự phát du hành thời gian. Nhưng thực tế không phải vậy.

 

Lý do duy nhất Claire không ly hôn với Henry là bởi vì, bất chấp sự khó khăn khi liên tục bị bỏ lại một mình mà không có bất kỳ lời báo trước nào, cô ấy đã yêu Henry, một người du hành thời gian. Cô ấy yêu con người và bản chất của anh ấy. Chúng ta đều từng thấy những câu chuyện như vậy trong Thế vận hội, một vận động viên được bao quanh bởi vợ/chồng, người yêu hay người thân đã luôn ở bên họ bất chấp mọi khó khăn, và rồi giờ đây họ có một tấm huy chương vàng. Xã hội sẽ khiến bạn tin rằng mối quan hệ đó bền vững vì người kia đã tin tưởng vào tiềm năng của họ, ngay cả khi họ chưa đạt được điều đó.

 

Nhưng điều này cũng không hoàn toàn đúng. Sự thật là người vợ/chồng, người yêu hoặc người thân ấy có thể tin vào khả năng của vận động viên, nhưng điều mà họ thực sự yêu chính là con người của vận động viên đó, ngay tại thời điểm hiện tại.

 

Quay lại với ví dụ về vận động viên: người bạn đời hạnh phúc của vận động viên không yêu họ vì tiềm năng sẽ giành huy chương vàng một ngày nào đó. Họ yêu vì niềm đam mê, sự tham vọng, và cách người ấy kiên định với ước mơ của mình. Có hay không có huy chương vàng, thì đó vẫn là con người họ. Vì vậy, người bạn đời ấy có thể hạnh phúc ngay trong hiện tại, bất kể lời hứa về một tấm huy chương có trở thành hiện thực hay không.

 

Cách duy nhất để một mối quan hệ trở nên hạnh phúc, là khi tình yêu dành cho con người ở hiện tại lớn hơn lời hứa về những gì họ có thể trở thành. Và cách duy nhất để một mối quan hệ có thể bền vững lâu dài, là khi bạn yêu người đó đúng như họ đang có, nếu như có thể đóng băng thời gian và không có gì thay đổi nữa, chứ không phải yêu phiên bản mà họ nói rằng họ có thể trở thành, hoặc bạn nghĩ rằng họ có thể hoặc sẽ trở thành. Vấn đề của chúng ta là bắt đầu một mối quan hệ bằng cách đặt cược vào tương lai. Chúng ta đặt niềm tin vào tiềm năng của ai đó thay vì thực tế hiện tại. Lúc đầu, điều đó khiến ta cảm thấy đầy hứa hẹn về tương lai. Ta hào hứng với điều đó. Và lời hứa về một tương lai hạnh phúc khiến hiện tại trở nên dễ sống hơn.

 

Nhưng vấn đề là, sớm muộn gì thì chúng ta cũng phải đối mặt với thực tế. Và khi nhìn vào hiện tại, chúng ta cảm thấy thiếu vắng người mà ta thực sự muốn ở bên. Thay vào đó, chúng ta lại bị "mắc kẹt" với người mà chúng ta không muốn, người mà chúng ta từng nghĩ rằng mình muốn, dựa trên tiềm năng mà họ có thể có, người mà chúng ta hy vọng sẽ trở thành một ngày nào đó. Nói cách khác, ảo tưởng của chúng ta tan vỡ. Điều này đặc biệt đúng khi bạn yêu một người thuộc kiểu tính cách "người bán cầu vồng".

 

Để giải thích kiểu người bán cầu vồng, tôi sẽ đưa ra một tình huống giàu ẩn dụ. Người bán cầu vồng là kiểu người không thể yêu chính mình như họ vốn có. Họ chỉ yêu bản thân dựa trên những gì họ có thể hoặc sẽ trở thành một ngày nào đó. Như thể giá trị và phẩm chất của họ nằm ở phía bên kia cầu vồng. Họ không thực sự tin vào bản thân. Và sau nhiều năm chạy theo cái “nồi vàng” ở cuối cầu vồng mà chẳng bao giờ với tới, họ bắt đầu không còn tin rằng mình có thể đạt được nó.

 

Vì vậy, họ nhờ bạn tin giùm họ, rằng họ có thể với tới cái nồi vàng ấy. Họ bán cho bạn giấc mơ rằng có một kho báu ở cuối cầu vồng. Họ hứa với bạn đủ điều, mà chính họ cũng không thật sự tin mình có thể đạt được. Bởi vì họ tự thuyết phục mình rằng, có thể, với sự ủng hộ và niềm tin từ bạn, họ sẽ có thể chạm tới cái nồi vàng đó. Và tận hưởng phần thưởng ở đó. Và trong một thời gian, bạn cũng được chia sẻ cảm giác phấn khích của cuộc rượt đuổi ấy. Trong một khoảng thời gian, bạn cũng tin rằng có một nồi vàng ở cuối cầu vồng.

 

Thực tế là, bạn bước vào mối quan hệ với họ vì tin vào nồi vàng ở cuối cầu vồng ấy. Nhưng khi bạn bắt đầu nhận ra rằng cái “cuối cầu vồng” ấy cứ không ngừng dịch chuyển, cứ lùi xa mãi, và bạn bắt đầu cảm thấy mình không hề thích nơi mà mình đang đứng, bạn bắt đầu nghi ngờ rằng thật sự có tồn tại cái nồi vàng đó hay không. 

 

Và rồi một điều buồn cười xảy ra: bạn đổ lỗi cho họ về điều đó. Không những đổ lỗi, bạn còn trừng phạt họ vì điều đó. Và không chỉ bạn trừng phạt họ, họ cũng trừng phạt lại bạn. Họ trở nên cực kỳ tức giận và thường có xu hướng tự hủy hoại bản thân. Họ cố làm bạn nghĩ rằng bạn đã phản bội họ. Họ khiến bạn cảm thấy xấu hổ, dằn vặt bạn bằng cảm giác tội lỗi, bắt bạn tin rằng bạn là người tồi tệ vì đã đánh mất niềm tin vào “sứ mệnh” mà cả hai đang theo đuổi. 

 

Cuối cùng, chúng ta lại quay về tự trách mình là ngu ngốc. Chúng ta cảm thấy mình thật sự là một người tồi tệ vì đã từ bỏ giấc mơ ấy, từ bỏ họ. Và mối quan hệ rồi cũng kết thúc như thế. 

 

Hoặc tệ hơn, chúng ta ở lại trong một mối quan hệ khổ sở đầy sự trừng phạt lẫn nhau và bất mãn kéo dài đến hết đời, và rồi chết vì một căn bệnh mà cơ thể sinh ra chỉ vì điều đó. 

 

Đây là điều chúng ta làm khi ảo tưởng bắt đầu sụp đổ: 

 

– Trước tiên, chúng ta đổ lỗi cho họ vì đã tạo ra ảo tưởng đó. 

– Sau đó, đổ lỗi cho họ vì ảo tưởng đang tan vỡ. 

– Và cuối cùng, chúng ta mang trong lòng sự oán giận, trừng phạt họ vì họ không trở thành người như ta muốn họ trở thành.

 

Điều này đặc biệt đúng bởi vì xã hội dạy chúng ta rằng có một số mong muốn nhất định trong mối quan hệ là không phù hợp. Khi tôi nói rằng xã hội khiến bạn tin rằng muốn một số điều từ đối phương là sai trái, ý tôi là, xã hội bảo bạn rằng việc bạn muốn những điều như vẻ đẹp ngoại hình hay sự hỗ trợ tài chính từ một người bạn đời là không phù hợp.

 

Vì vậy, tôi sẽ đưa ra vài ví dụ mang tính rập khuôn để minh họa:

 

Kịch bản 1: Là một người phụ nữ muốn ở bên một người đàn ông giàu có. Cô ấy yêu cảm giác được che chở, được chăm sóc, và ở bên một người thành đạt. Nhưng xã hội lại nói với cô ấy rằng đây là một mong muốn nông cạn và do đó là không phù hợp. Xã hội gọi cô là “kẻ đào mỏ”.

 

Vì vậy, cô ấy không chờ đợi một người đàn ông giàu có, mà thay vào đó chấp nhận những người đàn ông không có tiền, nhưng hứa hẹn rằng họ “sẽ” có tiền và sẽ hỗ trợ cô về tài chính sau này. Cô ấy chấp nhận những người đàn ông bán cho cô những “cầu vồng”.

 

Cô không nhận ra rằng những người đàn ông đó thật ra sẽ không coi tiền bạc là ưu tiên hàng đầu nếu họ được sống đúng với bản thân. Thay vào đó, họ chỉ đang cố kiếm tiền vì cô. Cuối cùng, cô nhận ra họ chẳng đi tới đâu cả, bởi vì động lực đó không đến từ chính họ, mà đến từ mong muốn của cô. 

 

Cô bắt đầu cảm thấy mình bị lừa. Cô bắt đầu trút bực bội lên họ và mất niềm tin vào họ. Còn những người đàn ông đó bắt đầu cảm thấy bực tức vì họ nhận ra rằng cô không yêu họ, không phải yêu con người hiện tại của họ. Họ nghĩ rằng “Cô chỉ muốn tiền”, trong khi thực ra không phải vậy.

 

Chỉ là cô đã yêu cái tiềm năng mà họ có thể trở thành một ngày nào đó, chứ không phải con người họ ở hiện tại. Và cô vẫn khao khát kiểu đàn ông mà cô thật sự mong muốn, người mà, trùng hợp thay, lại là một người đàn ông giàu có.

 

Kịch bản 2: Là một người đàn ông muốn ở bên một người phụ nữ có ngoại hình cực kỳ xinh đẹp. Anh ấy yêu cảm giác “tim đập loạn nhịp” khi ở gần cô. Anh ấy thích cảm giác được những người đàn ông khác ngưỡng mộ khi thấy anh đi cùng một người phụ nữ xinh đẹp như vậy. Nhưng xã hội nói rằng đó là một mong muốn không phù hợp. Xã hội gọi anh là kẻ “thiếu đứng đắn” hoặc “ghét phụ nữ”.

 

Thế là, anh không tiếp tục tìm kiếm người phụ nữ xinh đẹp như anh mong muốn. Thay vào đó, anh chấp nhận. Anh chấp nhận một người phụ nữ có một vài điểm hấp dẫn, nhưng rồi dành thời gian cố gắng thuyết phục cô ấy tập thể dục, hay đi làm tóc, làm đẹp. Anh thấy mình cứ nhìn ngắm những người phụ nữ khác mà anh thấy xinh đẹp, ngay cả khi đang ở bên người yêu của mình, và điều đó khiến cô ấy cảm thấy không được trân trọng và xấu xí. 

 

Anh bắt đầu đăng ký các trang web khiêu dâm, vì anh không còn hứng thú tình dục với người phụ nữ mà anh đáng ra sẽ có một mối quan hệ lâu dài. Anh không hài lòng. Anh ấy bắt đầu trút những bực dọc của mình lên cô, và cô bắt đầu mang trong lòng sự oán giận. 

 

Cô tin rằng mình vô giá trị vì không đủ xinh đẹp,  nhưng thực ra không phải như vậy. Vấn đề chỉ là: anh ấy đã yêu cái “tiềm năng” về việc cô có thể trông như thế nào một ngày nào đó, chứ không phải là ngoại hình thực tế của cô ở hiện tại. Và anh ấy vẫn khao khát điều mình muốn, mà trùng hợp thay, lại là một người phụ nữ đẹp đến “mê người”.

 

---------

 

Nhưng có lẽ cách phổ biến nhất mà chúng ta thể hiện khuynh hướng này, là trong các mối quan hệ với những người có “vấn đề”. Chúng ta bước vào, hoặc ở lại trong, các mối quan hệ với ai đó vì tiềm năng rằng một ngày nào đó họ sẽ ngừng đánh đập ta. Chúng ta ở lại vì hy vọng một ngày nào đó họ sẽ cai nghiện. Chúng ta ở lại vì tiềm năng rằng một ngày nào đó họ sẽ hạnh phúc.

 

Nhưng chúng ta chưa bao giờ thật sự đối diện với sự thật rằng, chúng ta không muốn ở trong một mối quan hệ với một người đang mang những vấn đề đó, ở thời điểm hiện tại. 

 

Lý do duy nhất chúng ta ở lại hoặc bắt đầu mối quan hệ đó, là vì “lời hứa” rằng người kia có thể trở nên khác đi. Vì lời hứa rằng vấn đề của họ có thể sẽ được giải quyết một ngày nào đó. Chúng ta đang yêu một ảo tưởng, không phải hiện thực. 

 

Bởi vì bạn không thể ép bản thân từ bỏ điều mình thật sự mong muốn. Bạn không thể thuyết phục bản thân rằng mình không muốn điều mình thật sự muốn ở một người bạn đời. Làm điều đó là đi ngược dòng phát triển tự nhiên của chính bạn.

 

Chính những khao khát của chúng ta là động lực mở rộng của vũ trụ này. Và đó cũng chính là mục đích của sự sống.

 

Nhưng điều trớ trêu là, với những người trong chúng ta thường rơi vào các mối quan hệ dựa trên tiềm năng chứ không phải thực tại, thì hầu hết đều có hai vấn đề: 

 

1. Hoặc chúng ta tin rằng những điều mình thật sự mong muốn là không phù hợp. 

2. Hoặc chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng có được điều mình thật sự muốn.

 

Người mà bạn thật sự muốn ở bên, là người đã sẵn là con người bạn khao khát, trước cả khi bạn bước vào cuộc đời họ. Đó là cách để bạn biết rằng khát khao trở thành điều bạn mong muốn không phải do bạn ép họ, mà đến một cách tự nhiên từ bên trong họ.

 

Chúng ta rơi vào cái bẫy này rất dễ dàng, đặc biệt là khi ta có những bất an với chính bản thân. Khi chúng ta có vấn đề với giá trị bản thân, chúng ta sẵn sàng đánh đổi chính mình để trở thành điều mà người khác mong muốn. Thay vì được là chính mình và để bản thân được rơi vào một mối quan hệ với người thật sự yêu ta vì chính con người của chúng ta, chúng ta lại cố gắng uốn mình theo mong đợi của người khác.

 

Hãy nhìn kỹ vào người yêu bạn. Nếu bạn đóng băng họ lại trong không gian và thời gian, và suốt phần còn lại của mối quan hệ, họ vẫn y hệt như bây giờ. Với tính cách này, ngoại hình này, thu nhập này, bạn có còn muốn ở bên họ không?

 

Nếu câu trả lời là không, thì bạn không thể vừa ở trong mối quan hệ với người đó, vừa hạnh phúc lâu dài cùng lúc. 

 

Bạn không thể đòi hỏi họ chịu trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn, bằng cách cố gắng thay đổi họ thành người mà bạn muốn họ trở thành.

 

Giờ hãy nhìn lại chính mình. Nếu bạn cũng bị “đóng băng” trong không gian và thời gian, với ngoại hình hiện tại, tài năng hiện tại, công việc hiện tại, thu nhập hiện tại, bạn có còn yêu chính mình không?

 

Nếu câu trả lời là không, thì bạn cần học cách yêu chính mình.

 

Nếu không, chúng ta sẽ rất dễ “bán cầu vồng” cho người khác, tức là vẽ ra những hứa hẹn không thực, thay vì thể hiện đúng con người thực tại của mình.

 

Hãy yêu điều đang có, chứ không phải điều có thể có. Điều đó không khiến bạn là người thiếu niềm tin. Bạn vẫn có thể có niềm tin vào ai đó, chỉ là đừng dựa vào niềm tin đó để quyết định xem bạn có nên bước vào mối quan hệ với họ hay không. Bởi vì nếu bạn làm vậy, bạn không thật sự yêu họ. Bạn chỉ yêu con người mà họ có thể trở thành. 

 

Và đừng mong đợi mình sẽ có một mối quan hệ hạnh phúc với ai đó nếu bạn không thích con người họ ngay lúc này. Bạn đã yêu một ảo ảnh. Bạn đã yêu một điều không tồn tại. Tất cả những gì thật sự tồn tại, chỉ là hiện tại. Quá khứ không tồn tại. Tương lai cũng không tồn tại. Và rồi cuối cùng, bạn sẽ phải đối diện với hiện tại, và tất cả những gì bạn thấy ở người bạn đời là sự thiếu vắng những điều bạn mong họ trở thành.

 

Bạn không thể bắt bản thân không muốn những điều mình thật sự muốn. Như tôi đã nói trước đó trong chương trình này: làm vậy là đang đi ngược lại dòng chảy mở rộng tự nhiên của chính bạn.

 

Điều tốt nhất bạn có thể làm là cố gắng tìm hiểu tại sao bạn lại muốn những điều bạn muốn. Vì làm vậy sẽ đưa bạn đến gần hơn với những khát khao chân thật nhất của mình. Làm vậy sẽ đưa bạn đến gần hơn với chính nguyện vọng mà bạn đã từng thể hiện.

 

Và dù xã hội có nói gì đi nữa, bạn hoàn toàn có quyền muốn bất kỳ điều gì bạn muốn ở một người bạn đời. Không có gì là sai trái khi mong muốn điều gì đó trong một mối quan hệ. Nếu ai đó nói với bạn rằng điều đó là “không nên”, thì đó là bởi vì họ đang bất an trước những gì bạn khao khát. Hoặc là họ cảm thấy họ không có được những điều đó. Hoặc là họ không muốn bạn muốn những điều đó, để bạn có thể chọn họ thay vì chọn điều bạn thực sự mong muốn.

 

Hầu hết mọi người ngoài xã hội sẽ cố nói với bạn rằng: bạn không nên ao ước điều bạn thật sự ao ước,   để họ không cảm thấy tồi tệ về chính mình và không bị phủ nhận giá trị.

 

Và hãy tin tôi đi, yêu một người chỉ vì tiềm năng họ có thể trở thành ai đó trong tương lai là công thức hoàn hảo cho một thảm họa tình cảm. 

 

Nghĩ mà xem: Bạn đâu muốn người khác yêu bạn chỉ vì con người bạn có thể trở thành, cũng như họ đâu muốn bạn yêu họ chỉ vì điều đó.

 

Chúc bạn một tuần tốt lành.

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=IFEyEM2OxA4

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.