Teal Swan Transcripts 067
Vấn đề số 1 của loài người và cách giải
quyết
20-07-2013
Xin chào mọi người.
Tôi đã nói rất
nhiều lần rằng cảm giác bất lực là vấn đề phổ biến nhất của loài người. Nhưng
điều gì gây ra sự bất lực này?
Bất lực là một cảm
xúc, và tất cả chúng ta đều biết rằng cảm xúc là hệ quả của những khuôn mẫu suy
nghĩ. Vậy khuôn mẫu suy nghĩ nào đang tạo ra sự bất lực này?
Suy nghĩ đầu
tiên xuất hiện trong tâm trí là: Chúng ta hẳn đều tin rằng mình không tạo ra thực
tại của chính mình, và đó hẳn là khuôn mẫu suy nghĩ gây ra nhiều đau khổ nhất.
Nhưng thực tế
không phải vậy. Dù điều đó gây ra rất nhiều đau khổ, nhưng niềm tin rằng mình
không tạo ra thực tại sẽ không làm chúng ta đau khổ, nếu như ta tin rằng bất cứ
điều gì tạo ra thực tại đó cũng yêu thương ta và vì vậy sẽ không khiến ta đau
khổ. Khuôn mẫu suy nghĩ gây ra nhiều sự bất lực nhất trên hành tinh này là: Đau
khổ hoặc nỗi đau là điều tốt. Và các bạn thân mến, đây là niềm tin mà gần như mọi
con người trên Trái Đất đều nắm giữ. Hãy để tôi giải thích.
Từ rất lâu về
trước, xa xưa đến mức không thể lần về lịch sử, một sinh thể đã quên rằng chính
tâm trí mới là thứ tạo ra thực tại. Chiều kích vật chất trở nên quá thật, thật
hơn cả tâm trí. Kết quả là, họ không thể hiểu tại sao những điều lại xảy ra với
mình. Thay vì cảm thấy mình là nạn nhân của chính tâm trí mình, họ cảm thấy
mình là nạn nhân hoặc con mồi của sự phản chiếu bên ngoài của tâm trí, hãy gọi
đó là “kẻ săn mồi hiện thân”. Sinh thể đó cảm thấy bất lực trước thực tại của
chính mình và bắt đầu nghĩ rằng kẻ nào đó kiểm soát thực tại của họ đang khiến
họ đau khổ.
Họ bắt đầu nghĩ
rằng cách duy nhất để đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc cho mình là thao túng thế
giới bên ngoài để bản thân cảm thấy hạnh phúc khi nhìn vào thế giới đó. Ví dụ:
Nếu tôi đào một cái hố đủ sâu, tôi sẽ an toàn. Nếu tôi giết kẻ săn mồi, tôi sẽ
hạnh phúc. Ý tưởng này lây lan qua hết loài này đến loài khác như một căn bệnh
truyền nhiễm, cho đến khi hầu hết các loài đều chia sẻ niềm tin rằng họ không
kiểm soát được thực tại của mình, và cách duy nhất họ có là thay đổi thế giới
bên ngoài. Niềm tin này trở thành một phần của việc hiện thân trên Trái Đất.
Từ thuở sơ khai,
con người đã cố gắng bắt người khác cư xử theo cách khiến bản thân họ cảm thấy
tốt hơn. Từ thuở sơ khai, chúng ta đã kể câu chuyện rằng ích kỷ là không chấp
nhận được. Vì sao? Vì chúng ta nghĩ rằng mình không tạo ra thực tại của mình,
nên hành động của người khác trở nên rất quan trọng. Nếu họ hành động vì lợi
ích của họ mà không phải của chúng ta, chúng ta không kiểm soát được việc mình
cảm thấy tốt hay xấu.
Và thế là chúng
ta tạo ra chính phủ và tôn giáo để kiểm soát lẫn nhau, buộc nhau cư xử theo
cách khiến nhau cảm thấy khá hơn. Hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào người
khác. Chúng ta tôn vinh ý tưởng “vị tha”. Nhưng vị tha, khi hiện thân trong một
cá thể riêng biệt, là điều bất khả thi. Và thế là chúng ta bắt đầu dối mình và
dối nhau rằng điều đó là khả thi và rằng chúng ta thực sự đang làm được điều
đó, dù thực tế là không thể.
Hãy đưa ý tưởng
này tiến về hàng triệu năm sau, nơi cha mẹ vật chất của bạn tồn tại. Tôi sẽ nói
cho bạn biết rằng, việc chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ, lâu hơn nhiều
so với các loài khác, là một trong những thiết kế vĩ đại nhất về sự tương phản
trong lựa chọn làm người. Vì vậy, chúng ta chịu ảnh hưởng từ niềm tin của cha mẹ
nhiều hơn bất kỳ loài nào khác.
Khi bạn lớn lên,
cha mẹ bạn, giống như tất cả mọi người, cảm thấy bất lực trước thực tại của
chính họ. Họ không thể sống với cái tôi ích kỷ của mình, nên họ không thể thừa
nhận rằng lý do họ làm điều gì đó cho bạn hay muốn bạn cư xử theo cách nào đó
thực ra là vì họ, chứ không phải vì bạn. Họ tìm cách bảo vệ hình ảnh bản thân.
Và cách đó là nuôi dưỡng bản thân, cũng như bạn, bằng niềm tin này: “Đó là vì lợi
ích của con.”
Đây là câu nói
dùng để bao biện cho mọi điều tồi tệ. Chúng ta được nhồi vào đầu niềm tin này từ
ngày đầu tiên, ngay cả trong những gia đình yêu thương nhất. Vậy nên, bạn không
cần phải lớn lên trong một gia đình bạo hành mới mang sẵn ý tưởng này trong người.
Chúng ta tiêm vắc-xin đau đớn vào con trẻ và nói rằng đó là vì lợi ích của
chúng. Chúng ta bắt chúng ngồi hàng giờ trong nhà tù mà ta gọi là trường học và
nói rằng đó là vì lợi ích của chúng. Chúng ta kỷ luật chúng bằng những cách gây
tổn thương tâm trí và thể xác và lại nói rằng đó là vì lợi ích của chúng.
Chúng ta nói với
chúng rằng những ham muốn của chúng là không phù hợp và chúng cần chọn những
ham muốn khác, và ta cũng nói rằng đó là vì lợi ích của chúng. Nhưng thực ra,
chúng ta không bao giờ có thể biết điều gì là tốt hay tốt nhất cho người khác.
Nghĩ rằng ta biết là ta đang đóng vai Thượng đế. Chúng ta chỉ có thể biết điều
gì là tốt hoặc khiến chính mình cảm thấy tốt hơn mà thôi. Và như vậy, chúng ta
đang tự lừa mình khi nghĩ rằng mình đang làm điều gì đó vì lợi ích của người
khác, bởi bạn không thể ngắt kết nối khỏi hệ thống chỉ dẫn cảm xúc của chính
mình đủ lâu để thực sự biết điều gì là tốt cho ai đó.
Bạn có thể có ý
kiến, nhưng điều đó không nhất thiết là đúng hay sai. Và đây chính là vấn đề. Đứa
trẻ bắt đầu, giống như chúng ta đã từng, tin rằng có lẽ cha mẹ đúng, có lẽ đó
thực sự là vì lợi ích của mình. “Họ hẳn biết nhiều về thế giới hơn mình, dù sao
thì cha mẹ cũng kiểm soát sự sống còn của mình mà.” “Nếu họ quyền năng đến vậy,
hẳn họ biết nhiều hơn mình.” Khoảnh khắc ta bắt đầu nghĩ rằng thứ gì đó gây đau
đớn cho ta là vì lợi ích của mình, ta bắt đầu tin rằng khoái lạc là xấu và đau
đớn là tốt.
Và đây chính là
vấn đề lớn nhất của loài người. Chúng ta xem đau đớn là điều tốt. Cha mẹ chúng
ta cứ nói: “Mẹ yêu con, mẹ làm điều này vì lợi ích của con.” Trong khi họ đang
làm tổn thương chúng ta, và thế là chúng ta bắt đầu tin rằng yêu thương chính
là đau đớn. Chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mình không thể tin vào bản thân, rằng hệ
thống chỉ dẫn cảm xúc bên trong mình đang dẫn dắt chúng ta đi lạc. Nó cho chúng
ta cảm giác vui sướng khi làm điều mẹ nói là xấu cho chúng ta. Và nó cho chúng ta
cảm giác đau đớn khi mẹ nói rằng bà đang yêu chúng ta.
Chúng ta nghĩ rằng
có điều gì đó sai nếu mình đang cảm thấy dễ chịu hay sung sướng. Chúng ta không
còn tin vào những ham muốn của mình. Chúng ta từ bỏ ý nghĩ rằng hạnh phúc là
quan trọng. Chúng ta nghĩ rằng hoàn toàn có thể ưu tiên những thứ khác ngoài hạnh
phúc, những thứ mà ta bị bảo phải làm, dù làm điều đó không khiến ta hạnh phúc.
Bạn thấy đấy, lòng
vị tha theo nghĩa tự hủy mình là điều bất khả thi vì thiết kế của thực tại vật chất
ba chiều là bạn đến đây, bị khóa chặt vào một góc nhìn cá nhân, chính góc nhìn
mà bạn mang trong cơ thể con người này, cái tên mà bạn gọi mình. Bạn trải nghiệm
toàn bộ thực tại qua duy nhất góc nhìn đó. Bạn có thể thể hiện tình yêu và lòng
tốt với ai đó và nghĩ rằng điều đó xuất phát từ động cơ vô vị lợi. Nhưng nếu lần
theo tận gốc rễ, bạn sẽ thấy rằng lý do bạn muốn thể hiện sự tử tế hay yêu
thương ai đó, lý do bạn muốn họ hạnh phúc, là vì bạn cảm thấy hạnh phúc khi thấy
họ hạnh phúc.
Không có hành động
nào trên đời này là vị tha cả. Nếu một người mẹ tiêm vắc-xin cho con mình, bà
không làm điều đó vì đứa trẻ, mà là vì bà sẽ cảm thấy đau khổ khi thấy con mình
chết vì bệnh, nên bà nghĩ rằng tiêm vắc-xin sẽ giúp bà tránh được nỗi đau đó.
Thực ra, bà không thể biết con mình sẽ cảm thấy thế nào nếu mắc bệnh. Bà chỉ biết
bản thân bà sẽ cảm thấy thế nào, và đó mới là điều bà đang cố tránh.
Chúng ta chỉ cần
nhận ra rằng mọi người trên thế giới đều đang hành xử như vậy. Không ai có thể
hành động vì lợi ích của bạn. Họ chỉ có thể hành động vì lợi ích của chính họ.
Người khác không thể thật sự vì bạn, vậy nên khi chúng ta nghĩ mình đau khổ vì
họ đang yêu mình, đó là một lời dối trá mà chúng ta chọn tin vào.
Khi chúng ta nghĩ rằng đau khổ khiến chúng ta trở nên tốt
đẹp, đó là một lời dối trá mà chúng ta chọn tin vào. Giây phút chúng ta tự dối
mình như vậy, chúng ta không thể buông bỏ nỗi đau. Chúng ta nghĩ rằng nó có ích
cho chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ nó. Chúng ta trở nên tận tụy duy trì nó
trong chính mình. Chúng ta bị thuyết phục rằng nếu buông bỏ nỗi đau và đi theo
hướng khoái lạc, chúng ta sẽ trở thành mối nguy cho xã hội, chúng ta sẽ trở nên
xấu xa, bị ruồng bỏ và không còn đáng yêu nữa.
Chúng ta không
bao giờ làm điều gì cho người khác, chúng ta chỉ làm vì nó khiến chúng ta cảm
thấy tốt hơn, hoặc chúng ta nghĩ rằng nó sẽ khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn. Và
điều đó là hoàn hảo, hoàn hảo đúng như nó vốn có. Bởi chính việc bạn cam kết với
góc nhìn cá nhân và đi theo niềm vui cá nhân của mình mới tạo ra sự mở rộng
không chỉ của bạn mà còn của toàn vũ trụ. Vì vậy, vũ trụ, cái mà bạn gọi là Thượng
đế, sẽ không bao giờ muốn thay đổi điều này bằng bất cứ giá nào.
Và điều này còn
bị nhân lên bởi hệ thống tư duy thưởng - phạt của chúng ta. Hãy nhìn lại thời
thơ ấu của bạn. Có đúng không khi bạn thường xuyên được thưởng vì đã đi ngược lại
với hệ thống chỉ dẫn cảm xúc bên trong của mình?
Khi cha mẹ bạn
muốn bạn làm điều gì đó mà họ nghĩ sẽ khiến họ cảm thấy tốt hơn, nhưng bạn biết
điều đó sẽ khiến bạn đau đớn… nếu bạn chịu đựng cơn đau đó, họ sẽ cho bạn một
cây kẹo mút hoặc một cái sticker. Hãy nghĩ về những lần đến phòng khám bác sĩ.
Bài học bạn học được là gì? Rằng phần thưởng sẽ đến với những ai chịu đựng đau
đớn. Rằng phần thưởng sẽ đến với những ai phớt lờ hệ thống hướng dẫn nội tâm của
chính mình, không lắng nghe tiếng nói của bản thân, không nghe theo tiếng gọi của
khao khát bên trong mình, không nghe theo điều gì khiến mình hạnh phúc, mà thay
vào đó chọn đi ngược lại với nó.
Chúng ta bắt đầu
tin rằng mình chỉ xứng đáng nhận phần thưởng nếu trước đó mình chịu khổ. Chúng
ta chỉ có thể biện minh cho việc tử tế với bản thân nếu trước đó chúng ta đã tự
trừng phạt chính mình. Bạn từng nghe câu: “Dành dụm cho những ngày mưa gió”. Vấn
đề là xã hội này cần phải có “ngày mưa” trước đã thì mới cho phép bản thân hưởng
những gì mình đã dành dụm. Chúng ta nghĩ rằng tiết kiệm là lành mạnh, nhưng phần
lớn thời gian, chúng ta dùng nó như một hình thức tự trừng phạt. Tự trừng phạt
bằng cách từ chối bản thân. Và giờ chúng ta thắc mắc vì sao ai cũng đi ngược lại
trực giác của mình, vì sao ai cũng ngờ vực cảm xúc của chính mình đến vậy.
Và chấn thương
không dừng lại ở đó, vì chúng ta còn tạo ra các tôn giáo phản chiếu niềm tin xã
hội này. Nghĩ về câu chuyện của Chúa Jesus đi. Phần lớn các tôn giáo trên thế
giới dạy bạn rằng cuộc sống là để vật lộn và chịu thử thách, như thể có một
vinh quang nào đó nằm trong sự tự hy sinh. Và nếu bạn vượt qua được những thử
thách, chịu đựng đủ nhiều, bạn sẽ được phần thưởng sau khi chết, là thiên đường
hay sự giác ngộ. Xã hội chúng ta tôn vinh những ai sống lệch khỏi chính mình
nhiều nhất. Chúng ta tôn vinh những câu chuyện từ bi kịch đến chiến thắng.
Không tin ư? Cứ
xem Thế vận hội lần tới mà xem. Chúng ta tin rằng chỉ khi từng trải qua bi kịch
thì bạn mới xứng đáng nhận chiến thắng. Chúng ta vật lộn qua những khóa học đại
học khắc nghiệt để lấy bằng. Chúng ta chịu đựng những công việc ghét cay ghét đắng
chỉ để đổi lấy tiền bạc và thăng chức. Mọi phần thưởng, huy chương vàng và tượng
đài đều trao cho những người đã chịu đựng nhiều nhất. Hãy nhìn vào những câu
nói tiếng Anh phổ biến này:
- "Thất bại
là mẹ thành công."
- "Điều tốt
đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi."
- "Chúa
ghét kẻ bỏ cuộc."
- "Dành dụm
cho những ngày mưa gió."
- "Giác ngộ
đến từ đau khổ."
- "Chỉ khi
bạn lao động mới được nếm quả ngọt."
- "Người
đàn ông phải đổ mồ hôi trán mới có miếng ăn."
- "Đôi khi
chúng ta phải làm những điều mình không muốn, đó là một phần của cuộc sống."
- "Đau đớn
khiến bạn mạnh mẽ hơn."
- "Chúa
chưa bao giờ nói rằng nó sẽ dễ dàng, nhưng Ngài nói rằng nó sẽ xứng đáng."
- "Cuộc sống
không phải để dễ dàng."
- "Những thứ
đáng có sẽ không bao giờ đến dễ dàng."
Còn tôi, tôi nói
đã đến lúc chấm dứt cái vòng lặp này. Vậy làm thế nào để làm được điều đó?
Tôi muốn bạn nhắm
mắt lại một phút. Hãy hình dung bạn đang quan sát chính mình suốt một tuần
trong cuộc sống. Hãy nhìn xem điều gì trong cuộc sống bạn đang khiến bạn đau đớn.
Hãy tua lại những tình huống đó. Và tôi muốn bạn tự hỏi:
- "Làm thế
nào mà mình lại cam kết với nỗi đau của chính mình? Mình đang duy trì nó như thế
nào trong khoảnh khắc mình đang quan sát này? Mình đang làm điều gì chỉ vì nghĩ
rằng rồi sẽ có phần thưởng cho sự chịu đựng này?"
- "Mình
đang tự đày ải bản thân bằng nỗi đau nào vì nghĩ nó khiến mình trở nên tốt đẹp
hơn, đáng yêu hơn hoặc được người khác công nhận hơn?"
- "Mình
đang bám víu và bảo vệ nỗi đau đó như thế nào vì nghĩ rằng nó khiến mình trở
nên tốt hơn?"
- "Mình
đang đi ngược lại khao khát nào vì sợ rằng nếu cho phép nó, mình sẽ trở thành
người xấu?"
Bạn đang nói gì
với con cái hoặc bạn bè mình? Có phải bạn đang dạy họ rằng họ cần phớt lờ niềm
vui hay mong muốn của bản thân "vì lợi ích của chính họ", trong khi
thật ra là vì bạn nghĩ bạn sẽ hạnh phúc hơn nếu họ làm hoặc không làm điều gì
đó? Tôi sẽ hỏi bạn một vài câu hỏi nhanh để giúp bạn nhận ra mình đang tìm kiếm
điều gì khi hình dung một tuần cuộc sống của mình. Nó có thể giúp bạn xác định
những cách chủ chốt mà bạn đang bám víu và gắn bó với nỗi đau của chính mình.
- Bạn có đang
tham gia một tôn giáo mình không hề thích chỉ vì muốn lên thiên đàng?
- Bạn có đang tự
hy sinh vì con cái, vợ/chồng, bạn bè hoặc đồng nghiệp?
- Bạn có đang từ
bỏ điều mình muốn làm dưới cái cớ rằng bạn làm vậy vì người khác?
- Bạn có đang tự
hành hạ mình bằng cách "dành dụm cho những ngày mưa gió"?
- Bạn có đang trừng
phạt chính mình chỉ để có thể biện minh cho việc cho phép bản thân làm hoặc có
điều mình muốn?
- Bạn có đang
làm công việc mình ghét chỉ vì phần thưởng là tiền bạc?
- Bạn có đang cố
sống một cuộc đời "vị tha" để xứng đáng được yêu, xứng đáng có điều
mình muốn hoặc được vũ trụ ban phước hay gặp may mắn?
- Bạn có đang
duy trì một mối quan hệ đầy đau khổ vì nghĩ rằng làm vậy khiến bạn trở thành
người tốt, hoặc bạn đang nhầm lẫn giữa việc chọn ở lại với họ (dù họ đối xử tệ
với bạn) với yêu họ?
- Bạn có đang tự
làm mình bất hạnh bằng cách lo lắng về những điều thậm chí chưa xảy ra, vì nghĩ
rằng lo lắng sẽ giúp mình tránh được điều đó, hoặc nghĩ rằng vũ trụ sẽ không
"chơi khăm" bạn nếu bạn đã lường trước được điều xấu?
- Bạn có không
làm những điều bạn biết sẽ khiến bạn thấy tốt hơn chỉ vì "còn những việc
quan trọng hơn phải làm", ví dụ như phải dậy làm bữa sáng cho mọi người dù
bạn hạnh phúc hơn khi bắt đầu buổi sáng bằng một bài yoga?
- Bạn có đang từ
chối nhu cầu của chính mình vì nghĩ nhu cầu của mình là gánh nặng cho người
khác?
- Bạn có đang từ
bỏ việc làm điều mình luôn muốn thử chỉ vì nó "không thực tế" hoặc
"không khả thi" để biến thành một nghề?
- Bạn có tiếp tục
dành thời gian cho những người khiến bạn cảm thấy tệ về bản thân?
- Bạn có từ chối
sự an ủi, tình cảm hay lời khen ngợi của người khác?
- Bạn có dùng cảm
giác tội lỗi để giữ mình "ngoan"?
- Bạn có tự lừa dối bản thân rằng bạn thích một
điều gì đó dù thật ra bạn không hề thích, chỉ vì nghĩ mình nên thích nó?
- Bạn có giữ những
cam kết dù việc giữ nó gây đau đớn cho bạn đến mức nào?
- Bạn có nói
"vâng" với những điều mà trong lòng bạn muốn nói "không"?
- Bạn có nghiện
những bài tập tự hoàn thiện bản thân đầy đau đớn vì nghĩ rằng chỉ bằng cách đó
mình mới xứng đáng được yêu hoặc nhận được tình yêu?
- Bạn có giữ khư
khư và bảo vệ những niềm tin khiến bạn đau đớn?
- Bạn có cảm thấy
mình nhất định phải làm điều gì đó "có ích", vì làm điều gì đó chỉ vì
vui vẻ không phải là lý do đủ chính đáng để làm?
- Bạn có đang sống
cuộc đời mình theo những điều "phải làm" thay vì những điều mình
"muốn làm"?
Còn rất nhiều
cách nữa mà chúng ta có thể gắn bó với nỗi đau và duy trì nó trong cuộc đời
mình chỉ vì nghĩ rằng điều đó khiến mình tốt đẹp, vì nghĩ điều đó giúp mình nhận
được tình yêu. Nhưng dù thế nào, đó vẫn là chúng ta đang tự duy trì nỗi đau của
chính mình. Chính ta đang bám víu vào nỗi đau đó nên chúng ta không thể buông bỏ
nó.
Tôi chỉ muốn bạn
quan sát cuộc sống của chính mình và bắt đầu nhận diện những khu vực mà bạn
đang gắn bó với nỗi đau. Khi bạn tìm ra những khu vực đó, những điều bạn đang
làm để duy trì nỗi đau của chính mình, tôi muốn bạn dừng lại và tự hỏi:
"Mình có thể làm gì khác đi?" "Ngay tại khoảnh khắc này, trong
tình huống này - nơi mình đang tự gây đau khổ cho chính mình - mình có thể làm
gì để thay vào đó, đi về phía niềm vui của chính mình?"
Tôi muốn bạn chọn
ra 3 tình huống mà bạn biết rằng mình có thể cam kết làm một hành động khác đi,
đi về phía niềm vui thay vì đi về phía nỗi đau. Hãy tự giải thoát mình khỏi nó.
Khi bạn đi qua cuộc sống hàng ngày, khi cơn đau xuất hiện vào một khoảnh khắc
nào đó, tôi muốn bạn nhận diện cảm giác đau đớn hay cảm xúc tiêu cực đó, dừng lại
ngay tại đó và tự hỏi: "Mình đang tự gây ra nỗi đau này cho chính mình như
thế nào?" "Phần của mình trong chuyện này là gì?"
Bởi vì bạn không
thể kiểm soát người khác làm hay không làm điều gì, bạn chỉ có thể kiểm soát bản
thân mình trong những suy nghĩ và hành động của chính mình. Vậy những suy nghĩ
hay hành động nào của bạn đang duy trì nỗi đau đó? Bạn đang duy trì nó như thế
nào? Khi bạn tìm ra, hãy làm khác đi. Hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để đi về
phía điều khiến bạn cảm thấy tốt hơn.
Chúng ta thật sự
là một giống loài đáng quý. Chúng ta khao khát được trở thành người tốt đến mức
nào. Và chúng ta nghĩ rằng chính nỗi đau của mình là điều khiến mình trở nên tốt
đẹp. Vì vậy, chúng ta sẽ bảo vệ nó. Chúng ta sẽ duy trì nó bằng mọi giá, vì
chúng ta quá khao khát trở nên tốt đẹp. Vì chúng ta quá khao khát được yêu vì
mình tốt đẹp. Đó đâu phải là một giống loài nguy hiểm, bạn không nghĩ vậy sao?
Chúng ta sẽ chỉ
giải quyết được vấn đề này trong loài người nếu từng cá nhân đủ dũng cảm để giải
quyết vấn đề này bên trong chính mình. Tôi đã nói điều này nhiều lần: nền văn
hóa chung của con người chẳng qua chỉ là tổng hòa của những phần nhỏ nhất tạo
nên nó. Vậy nên, cho đến khi phần nhỏ nhất ấy - là từng cá nhân - quyết định rằng
đã đến lúc ngắt kết nối khỏi nỗi đau đủ lâu để ngừng bảo vệ nó, ngừng duy trì
nó, và thay vào đó đi về phía niềm vui của mình, thì chúng ta sẽ tiếp tục thấy
chiến tranh, bất công và tàn nhẫn trong loài người.
Và chúng ta phải
cho nhau sự cho phép được làm điều tương tự. Nỗi đau và sự chịu đựng không phải
là tình yêu. Nỗi đau và sự chịu đựng không khiến bạn trở nên tốt đẹp. Thực tế,
chính nỗi đau và sự chịu đựng mới thường xuyên biến chúng ta thành điều ngược lại
của sự tốt đẹp, ngược lại của yêu thương và được yêu thương. Thực tế, ở sâu
trong mỗi kẻ giết người hàng loạt, mỗi kẻ bạo hành trẻ em, mỗi thành viên băng
đảng, mỗi kẻ hiếp dâm, mỗi tội phạm, mỗi kẻ hiếu chiến… chính là nỗi đau và sự
chịu đựng.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=cf2irlQZxSM
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.