Teal Swan Transcripts 066
Nếu chúng ta tự tạo ra thực tại của
mình, làm sao giải thích được sự đau khổ?
13-07-2013
Xin chào tất cả
mọi người.
Các bậc thầy tâm
linh dạy rất nhiều điều khác nhau, nhưng mỗi người đều có một sở trường riêng.
Và như các bạn biết, sở trường của tôi chính là làm việc với "bóng tối".
Làm việc với
bóng tối nghĩa là đưa nhận thức của chúng ta đến những khía cạnh sâu kín và đau
đớn nhất trong tâm trí, những thứ bị chôn vùi trong bóng tối của tiềm thức. Lý
do đây là sở trường của tôi là bởi vì tôi đã sống một cuộc đời với nỗi khổ
không thể tưởng tượng nổi. Tôi đã ở trong địa ngục suốt nhiều năm trời, và cách
duy nhất để thoát ra khỏi địa ngục đó là đi xuyên qua nó. Chính vì vậy, tôi đã
trở thành một chuyên gia về sự đau khổ của con người.
Hôm nay, tôi sẽ
nói với các bạn về một chủ đề mà tôi tự tin mình là chuyên gia: sự đau khổ.
Sự đau khổ có lẽ
là vấn đề lớn nhất khi chúng ta cố gắng hiểu chân lý vũ trụ rằng: "Bạn tạo
ra thực tại của chính mình" và "Mục đích của cuộc đời bạn là niềm
vui".
Và ai có thể
trách chúng ta khi chúng ta hoài nghi điều đó?
Làm sao chúng ta
có thể nói rằng mình tạo ra thực tại của chính mình, hay mục đích của đời sống
là niềm vui, khi chúng ta chứng kiến con người bị sát hại bởi những kẻ giết người
hàng loạt?
Làm sao một đứa
trẻ mới 5 tuổi, bị chặt xác thành từng mảnh, lại có thể tự tạo ra thực tại đó
cho chính mình?
Làm sao có thể
nói rằng mục đích của cuộc đời là niềm vui, khi chúng ta mất đi những người
thân yêu vì bệnh ung thư, hay khi chúng ta đang ở giữa một cuộc chiến
tranh?
Việc chúng ta có
những suy nghĩ như vậy là hoàn toàn dễ hiểu. Và đó là lý do tôi nên là người
nói với các bạn về chủ đề này. Bởi vì chính tôi là đứa trẻ đã chọn trải nghiệm
những hình thức cực đoan nhất của sự lạm dụng về thể xác, tinh thần và tình dục,
những thứ mà một con người có thể chịu đựng mà vẫn sống sót được. Vì vậy, điều
đó mang nhiều ý nghĩa hơn khi chính tôi nói với các bạn rằng "bạn tạo ra
thực tại của chính mình", hơn là khi một ai đó, người đã sống một cuộc đời
tương đối dễ dàng, nói y hệt như vậy.
Thật khó để lắng
nghe những kênh kết nối tâm linh thông qua dẫn kênh, những thực thể không tồn tại
dưới dạng vật chất, những thực thể chưa từng sống qua cảnh tra tấn ở hành tinh
này, rồi họ lại nói với bạn rằng: "Bạn tạo ra thực tại của mình" và
"Mục đích của đời bạn là niềm vui". Nhưng dễ chấp nhận hơn nhiều khi
nghe điều đó từ một người đã trải nghiệm những điều kinh khủng đó ngay từ thời
thơ ấu. Và tôi có thể nói với các bạn, dù khi trải qua những điều đó, tôi không
hề nhận ra rằng mình đang tạo ra thực tại của chính mình. Nếu tôi nhận ra, tôi
đã thay đổi nó rồi. Nhưng sự thật thì chỉ nhìn lại sau này tôi mới thấy rõ được
điều đó.
Toàn bộ thực tại
của chúng ta được sắp xếp xung quanh ta như một tấm gương phản chiếu 360 độ cho
mọi suy nghĩ của chúng ta. Các giác quan của chúng ta tiếp nhận sự phản chiếu
đó và chuyển hóa nó thành trải nghiệm vật chất. Bạn có thể hình dung nó như một
ảnh ba chiều học tập.
Khi sinh ra,
chúng ta biết mình tạo ra thực tại bằng chính sự chú ý của mình. Vì vậy, trẻ sơ
sinh mới dễ dàng phớt lờ bạn như thế. Nhưng rất nhanh sau đó, chúng ta bị người
lớn xung quanh gây áp lực bắt phải chú ý vào những điều chúng ta không muốn chú
ý hơn là vào những gì mình muốn. Và thế là, chúng ta bắt đầu chú ý vào những điều
đó. Nhưng ngay khi chúng ta chú ý vào nó, chúng ta bắt đầu tạo ra chính những
điều đó trong thực tại của mình, rồi dần dần cảm thấy mình là nạn nhân. Cuối
cùng, chúng ta quên mất rằng mình chính là người tạo ra thực tại.
Đôi khi điều này
còn xảy ra trước cả khi chúng ta sinh ra. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của
những người xung quanh, đặc biệt là người mẹ, ngay cả khi chúng ta còn nằm
trong bụng mẹ. Vì vậy, có thể chúng ta đã mang theo những rung động đó từ trước
khi được sinh ra. Điều đó có nghĩa là rất nhiều người trong chúng ta đã bắt đầu
tạo ra thực tại của chính mình từ khi còn chưa chào đời. Đó là lý do vì sao
chúng ta lại sinh ra trong đúng hoàn cảnh như vậy.
Nhưng một khi đã
quên rằng mình là người tạo ra thực tại, chúng ta không còn nhận ra điều gì là
nguyên nhân dẫn đến những trải nghiệm trong đời mình. Chúng ta mất đi nhận thức
về những gì mình đang nghĩ, để rồi trở thành nạn nhân của một thế giới mà ta
nghĩ là tách biệt với mình, nơi mọi thứ "xảy ra với chúng ta". Chúng
ta quên rằng môi trường phản chiếu này vô cùng trung lập, không khác gì một chiếc
gương trong phòng ngủ. Chiếc gương đó không hề phán xét rằng suy nghĩ của bạn
là tốt hay xấu, đúng hay sai, hay nó nên hay không nên phản chiếu lại điều đó
cho bạn. Nó chỉ đơn giản là phản chiếu chính xác những gì bạn nghĩ.
Và rồi, đến một
lúc nào đó, chúng ta tình cờ biết đến sự thật hay triết lý này: "Bạn tạo
ra thực tại của chính mình". Ngay lập tức, chúng ta rơi vào trạng thái tự
trách. Và chính vì rơi vào sự tự trách đó, chúng ta trở nên phòng thủ. Chúng ta
nổi giận vì, như thể những sự kiện kinh khủng ban đầu chưa đủ đau đớn, giờ
chúng ta lại phải tự hỏi:
- Chính tôi đã
gây ra điều này cho mình ư?
- Tôi là người
đã tạo ra cái chết của con trai mình sao?
- Tôi là người tạo
ra cuộc ly hôn của mình sao?
- Tôi là người
chọn một người cha hằng đêm cưỡng bức mình sao?
Nhưng sự thật
không phải vậy. Không phải lỗi của ai cả. Bởi nếu ngay khi đó chúng ta biết rằng
mình đang tạo ra thực tại của chính mình, chúng ta đã dừng lại rồi. Bạn không
thể tự trách mình về một điều mà bạn thậm chí còn không biết là mình đang làm. Hơn
nữa, chẳng có gì để trách móc ở đây cả.
Như tôi đã nói, ảnh
ba chiều gương soi này hoàn toàn trung lập. Nó không quan tâm việc bạn nghĩ như
vậy là đúng hay sai. Nó đơn giản là: "Tôi nghĩ một điều... và nó được phản
chiếu lại."
- Không có bất kỳ
sự phán xét nào về kiểu phản chiếu này.
- Không có phán
xét về việc liệu sự phản chiếu đó là đúng hay sai.
- Không có phán
xét về việc liệu nó nên hay không nên xuất hiện ở đó.
Nó đơn giản chỉ
là phản chiếu.
Vũ trụ sẽ không
đến cứu bạn khỏi chính tâm trí của bạn, bởi vì vũ trụ không hề không biết trước
sự thật về con người bạn. Nó nhìn bạn đúng với bản chất của bạn, một phần mở rộng
của chính nó, một phần mở rộng của vũ trụ này. Vì thế, bạn không kém thần thánh
hơn chính nó, và cũng không hơn nó.
Và nếu vũ trụ nhìn
nhận bản chất thần thánh trong bạn, thì tại sao nó lại can thiệp? Vũ trụ nhìn
nhận mọi sinh thể tồn tại đều là Thượng Đế được hiện thân, vậy nên tại sao nó
phải can thiệp vào bất cứ điều gì?
Nó sẽ không can
thiệp, kể cả trong trải nghiệm của một đứa trẻ sơ sinh.
Có lẽ, để hiểu
điều này rõ hơn, tôi sẽ dùng câu chuyện của chính mình làm ví dụ về cách tôi đã
tạo ra thực tại của chính mình. Tôi không chủ ý tạo ra một thực tại trong đó
mình thuộc về một kẻ tâm thần và bị tra tấn giống như những gì tôi đã trải qua
khi còn nhỏ. Chuyện đó xảy ra một cách mặc định.
Tôi đã lớn lên
quanh nỗi sợ của mẹ mình, nỗi sợ mà bà thừa hưởng từ ông ngoại tôi, và ông thì
thừa hưởng từ cha của ông, cứ thế... cứ thế... Bởi vì các mô thức tư duy hoạt động
giống như di truyền học, chúng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cho đến
khi chúng ta nhận ra mình có thể vô hiệu hóa chúng.
Tôi tiếp nhận nỗi
sợ của mẹ mình. Tôi bắt đầu nghĩ: "Có lẽ bà ấy đúng về thế giới này là một
nơi đáng sợ." Vì dù sao bà ấy cũng to lớn và quyền lực hơn tôi rất nhiều,
bà ấy với tới được kệ trên cùng trong bếp, bà ấy lái được ô tô.
Và chỉ một ý nghĩ
đó thôi đã kích hoạt cả một chuỗi sự kiện dẫn đến việc tôi mất đi tuổi thơ của
mình. Tôi bắt đầu thu hút những điều ngày càng đáng sợ hơn. Tôi bắt đầu cảm thấy
mình là nạn nhân, và càng nghĩ và cảm nhận mình là nạn nhân, rung động đó càng
mạnh lên. Cho đến khi, sự phản chiếu của những ý nghĩ về vai trò nạn nhân trong
tôi trở thành hình hài của một kẻ tâm thần.
Để thoát khỏi địa
ngục do chính mình tạo ra, tất cả những gì tôi làm chỉ là đảo ngược quá trình
đó. Tôi bắt đầu tập trung vào những điều khiến tôi cảm thấy tự do và có sức mạnh.
Từ đó dẫn tôi đến những suy nghĩ khiến tôi cảm thấy tự do và có sức mạnh. Và rồi,
sự phản chiếu của những suy nghĩ về tự do và hạnh phúc trong tôi trở thành hình
hài của một cơ hội để tôi chạy trốn.
Tôi đã không thể
nào thoát ra được, nếu không nuốt trọn sự thật cay đắng rằng: Chính tôi là người
chịu trách nhiệm cho thực tại của mình, rằng tôi đã vô tình tạo ra chính sự tra
tấn mà mình đang sống trong đó.
Đó là một sự thật
rất khó chấp nhận. Ban đầu, tôi rơi vào trạng thái tự trách, cho đến khi tôi nhận
ra rằng không ai phải chịu trách nhiệm ở đây cả. Tôi chỉ đơn giản là đang sống
trong sự phản chiếu trung lập của những suy nghĩ và niềm tin của mình, dù đúng
hay sai, thì chúng vẫn là những thứ tôi tiếp tục dồn năng lượng vào.
Luận điểm mà rất
nhiều người không tin vào việc mình tạo ra thực tại của chính mình thường lặp
đi lặp lại là: "Những người tin rằng họ tạo ra thực tại của mình cũng giống
như những người tin vào một Thượng Đế giả tạo."
Họ nói rằng: "Niềm
tin đó giúp các bạn cảm thấy tốt hơn. Dù đó là một niềm tin sai lầm – chúng ta
không hề tạo ra thực tại của mình – nhưng nó khiến các bạn cảm thấy dễ chịu
hơn, giống như một cái núm vú giả hay một kiểu suy nghĩ màu hồng về vũ trụ, để
các bạn cảm thấy mình kiểm soát được nhiều hơn thực tế."
Vậy nên, với những
người hoài nghi, niềm tin này giống như chúng ta đang ngậm núm vú giả để đối
phó với cuộc sống.
Tôi sẽ là người
đầu tiên nói với bạn rằng: Nếu bạn không thực sự thử xem liệu điều này có đúng
với bạn hay không, thì bạn sẽ không bao giờ tự chứng minh được cho mình rằng nó
đúng hay sai.
Nhưng tôi có thể
nói với bạn bằng chính trải nghiệm của mình: Đó chính xác là cách tôi tự cứu
mình ra khỏi hoàn cảnh tuổi thơ ngày xưa.
Tôi chính là bằng
chứng sống cho việc chúng ta tạo ra thực tại của mình. Và đó là lý do vì sao việc
tôi đứng ở đây nói về điều này hôm nay lại quan trọng đến thế.
Nhưng, tôi có một
câu hỏi dành cho những ai tin rằng mình không tạo ra thực tại của mình: Hãy tạm
gác chuyện đúng hay sai sang một bên. Hãy giả sử rằng chuyện chúng ta có tạo ra
thực tại của mình hay không là không quan trọng.
Bạn có thực sự cảm
thấy tốt hơn khi sống trong một thực tại nơi bạn tin rằng con người có thể là nạn
nhân? Bạn có cảm thấy khá hơn khi nghĩ rằng chỉ vì xui xẻo hay vận rủi, một đứa
trẻ có thể được sinh ra trong một gia đình sẽ giết nó?
Điều đó có thực
sự khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn không?
Và nếu không, vậy
tại sao bạn lại chọn tin vào điều đó?
Tại sao cái gọi
là "sự thật", điều mà bạn tin chắc là sự thật, lại quan trọng đến mức
bạn cứ bám vào nó, ngay cả khi nó tiếp tục gây đau đớn cho bạn, tiếp tục khiến
bạn cảm thấy mình là nạn nhân, tiếp tục làm tổn thương bạn mỗi ngày?
Và tôi có thêm một
câu hỏi nữa: Nếu bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi tin rằng mình không tạo ra thực tại,
rằng không ai tạo ra cả, vậy tại sao điều đó lại khiến bạn thấy dễ chịu hơn?
Xét trên toàn vũ
trụ, những suy nghĩ tiêu cực của chúng ta giống như một lời mời gọi những điều
tiêu cực xảy đến với chúng ta. Những suy nghĩ sợ hãi của chúng ta giống như lời
mời gọi những điều khiến chúng ta sợ hãi xuất hiện. Nó được xem như một lời mời.
Chúng ta thường
nhìn các nạn nhân như những kẻ yếu thế. Nhưng chúng ta quên mất rằng chính những
nạn nhân đó, và tôi cũng nằm trong kịch bản này, chúng ta là những người đang
nghĩ ra những ý nghĩ mà rồi được phản chiếu trong tấm gương ảnh ba chiều thành
các cuộc tấn công.
Không một sinh
thể nào, dù là con người, động vật hay thực vật, khi đã được thấm nhuần ý thức,
được miễn trừ khỏi quy luật này: "Bạn tạo ra thực tại của chính
mình."
Bạn đang tạo ra
thực tại của chính mình, dù bạn có thích hay không, dù bạn có biết hay không. Nó
giống như luật hấp dẫn, bạn không cần biết về luật hấp dẫn thì nó vẫn hoạt động
và giữ bạn trên bề mặt Trái Đất. Nó đang diễn ra. Bạn đang làm điều đó.
Và càng nhận thức
rõ về quá trình này, chúng ta càng có thể chịu trách nhiệm về cuộc sống của
mình và tạo ra kiểu cuộc sống mà mình thực sự muốn sống. Và để tôi nói cho bạn
biết, từ góc nhìn của Nguồn, không đời
nào chúng ta chọn bước vào một cuộc đời chỉ toàn ánh nắng, kẹo ngọt và hoa hồng.
Tại sao?
Vì trong trải
nghiệm kiểu đó không hề có sự tiến bộ hay mở rộng. Nếu bạn xuống đây và mọi thứ
bạn sống qua đều ở trạng thái hoàn hảo, thì sẽ không còn nơi nào khác để đi nữa.
Những khao khát của bạn là thứ thúc đẩy bạn tiến về phía trước, và điều kiện cần
thiết để bạn nảy sinh những khao khát đó chính là trải nghiệm những điều mình
không mong muốn.
Vậy, tại sao một
thực thể, hay linh hồn như bạn gọi, lại chọn bước vào cuộc sống của một bào
thai sắp bị phá bỏ?
Chúng ta có thể
gọi kiếp sống đó là một cuộc đời đầy đau khổ. Họ làm điều đó vì trải nghiệm, vì
những điều mà trải nghiệm đó sẽ khiến họ khao khát. Và khi họ khao khát và hòa
hợp với khao khát đó, những điều họ sẽ được trải nghiệm tiếp theo cũng sẽ đến. Góc
nhìn mà trải nghiệm đó đem lại cho họ cũng sẽ thay đổi. Vậy nên, tại sao tôi lại
chọn bước vào trải nghiệm làm con của một người mẹ luôn sống trong trạng thái sợ
hãi, và sau đó là trải nghiệm sống với một kẻ tâm thần? Vì những điều nó khiến
tôi trở thành. Vì góc nhìn mà nó tạo ra trong tôi.
Đi qua trải nghiệm
đó buộc tôi phải đặt ra những câu hỏi lớn nhất về cuộc đời. Và một khi bạn bắt
đầu đặt ra những câu hỏi, câu trả lời sẽ không ở quá xa.
Những câu trả lời
đã đến với tôi. Tôi có một sự thấu hiểu hoàn toàn mới về vũ trụ này dựa trên những
trải nghiệm đó. Tôi được mở ra với tình yêu, mở ra với lòng trắc ẩn, mở ra với sự
nhận thức về vũ trụ này và cách nó vận hành. Và giờ đây, tôi mang trong mình một
góc nhìn hoàn toàn mới. Và những khao khát mới mà trải nghiệm đó sinh ra trong
tôi... Tôi khao khát những điều như tự do, tôi khao khát những điều như hạnh
phúc.
Tôi dành cả cuộc
đời mình để ngày càng hòa hợp với những điều đó hơn mỗi ngày, và cuộc đời tôi
ngày càng trở thành sự phản chiếu và hiện thực hóa những khao khát đó, những
khao khát chính là sản phẩm phụ của tuổi thơ mà tôi đã chọn bước vào. Và giờ
đây, tôi mang một góc nhìn hoàn toàn mới. Và chính góc nhìn mới này là điều mà sự
mở rộng của vũ trụ hướng đến.
Vũ trụ đang
trong quá trình tự nhận thức, và nó làm điều đó thông qua mọi góc nhìn đã từng
và sẽ từng tồn tại. Tổng hòa của tất cả những góc nhìn đó, có thể là vô tận,
chính là góc nhìn của toàn thể vũ trụ nếu bạn gom chúng lại. Mỗi lần một góc
nhìn mới được sinh ra, góc nhìn của vũ trụ lại mở rộng thêm. Vũ trụ nhìn nhận
những kiếp sống này giống như việc bước vào và rời khỏi một rạp chiếu phim. Nó không
bị kẹt trong ảo tưởng rằng đây là tất cả những gì tồn tại, cũng giống như khi bạn
bước vào rạp chiếu phim, bạn không tin rằng cốt truyện trong bộ phim đó chính
là bạn và là tất cả những gì tồn tại. Nó chỉ là một trải nghiệm mà bạn đang có.
Vậy, tại sao
chúng ta lại chọn xem một bộ phim bi kịch hoặc kinh dị? Vì trải nghiệm, và vì những
gì mà trải nghiệm đó khơi dậy trong ta. Vì góc nhìn mới mà bộ phim đó sinh ra
trong ta.
Để minh họa ý
này, hãy lấy một bộ phim kinh điển của Mỹ, "Người cuối cùng của bộ tộc Mohican".
Chúng ta đều yêu thích bộ phim đó, đúng không? Chúng ta yêu nó vì ta được trải
nghiệm mà không cần hoàn toàn trở thành các nhân vật và đánh mất sự thật về con
người thật của mình, rằng ta đang ngồi trên ghế và xem phim.
Hãy xem lại bộ
phim đó đi, bạn sẽ không thể nói rằng mình muốn sống chính xác trải nghiệm đó. Nếu
thực tại của bạn trở thành thực tại của bộ phim, bạn sẽ không muốn ở giữa cuộc
chiến nơi bạn bè mình bị tàn sát và bỏ mặc trên bãi cỏ, nơi bạn mất đi tình yêu
của đời mình, nơi dân tộc của bạn bị tiêu diệt đến mức chỉ còn lại một người.
Đó chính là cách
linh hồn của bạn nhìn nhận cuộc sống.
Vậy tại sao nó lại
chọn bước vào trải nghiệm của kiếp sống này, dù với một số người trong chúng
ta, nó đau đớn đến vậy?
Vì nó biết nó sẽ
đứng dậy và bước ra khỏi rạp chiếu phim mà chúng ta gọi là cuộc đời. Nó biết sự
thật về con người nó là ai. Nó biết rằng sự thật về con người nó lớn hơn nhân vật
mà chúng ta đang đồng hóa trong bộ phim cuộc đời này, thứ mà bạn gọi bằng cái
tên của chính mình. Nó biết rằng bản chất thật sự của nó, người quan sát tất cả
những trải nghiệm này, sẽ không bao giờ bị tổn hại bởi bất cứ trải nghiệm nào
xuất hiện trên màn hình của rạp chiếu phim mà chúng ta gọi là cuộc đời.
Điều tệ nhất có
thể xảy ra là bi kịch hoặc kinh hoàng của bộ phim mà chúng ta đang xem khiến
chúng ta đứng dậy và rời khỏi rạp chiếu phim, điều mà chúng ta gọi là cái chết.
Sự đau khổ không
phải là điều tất yếu. Sự tương phản mới là điều tất yếu để bạn biết mình thật sự
khao khát điều gì. Bạn phải biết mình không muốn điều gì. Vì thế, những yếu tố
không mong muốn sẽ luôn tồn tại trong thực tại của bạn. Và ngày mà những điều
không mong muốn không còn xuất hiện nữa, bạn cũng sẽ không còn tồn tại, bởi vì
lúc đó, vũ trụ không còn mở rộng thông qua bạn nữa. Sự tương phản là yếu tố bắt
buộc để mở rộng.
Nhưng đau khổ
thì không. Bạn đến đây để trải nghiệm sự tương phản, tức là những gì bạn không
muốn, để chính những điều không mong muốn đó truyền cảm hứng cho bạn hướng về
những điều bạn thật sự muốn. Và niềm vui sẽ đến với bạn dưới dạng cảm xúc, như
là phản ứng khi bạn tiến về phía những điều bạn mong muốn. Vậy nên, có thể nói
rằng mục đích của cuộc đời bạn chính là đi theo niềm vui của mình.
Đau khổ là hệ quả
của việc không đi theo niềm vui, không hướng về nó bằng suy nghĩ, bằng lời nói
hoặc bằng hành động của mình. Đau khổ là kết quả của việc tiếp tục tập trung
vào những điều không mong muốn, bất chấp thực tế rằng những điều bạn mong muốn đã
được sinh ra trong bạn rồi. Đau khổ nghĩa là bạn đã trải nghiệm những điều mình
không muốn, bạn đã quyết định muốn một điều khác thay thế, dù là ở cấp độ tiềm
thức, nhưng bạn vẫn tiếp tục tập trung vào điều không mong muốn đó, thay vì
quay về hướng của điều mình mong muốn.
Đau khổ là hệ quả
của sự tập trung. Nó luôn luôn là kết quả của việc tiếp tục dồn sự chú ý vào những
điều không mong muốn, vào những gì khiến bạn cảm thấy tiêu cực. Và vì vậy, bạn
luôn có quyền kiểm soát việc mình có đau khổ hay không. Đau khổ là điều có thể
lựa chọn.
Chỉ là chúng ta
không biết rằng nó là điều có thể lựa chọn, bởi vì chúng ta không biết rằng
mình kiểm soát được sự tập trung của chính mình. Chúng ta kiểm soát những gì
mình chú ý đến và những gì mình nghĩ về.
Đau khổ không phải
là tất yếu, miễn là bạn là người kiểm soát sự tập trung của mình. Và dù sự tập
trung đó dễ bị tác động, nhưng không ai ngoài bạn có thể kiểm soát nó.
Để đưa điều này
lên một cấp độ sâu hơn, tôi sẽ giải thích thế này: Khi tôi còn nhỏ, kẻ gây ra tổn
thương cho tôi đã sử dụng những phương pháp khoa học tinh vi và có chủ đích để lập
trình tâm trí tôi. Nhưng sự thật là, hắn không thể kiểm soát được suy nghĩ của
tôi. Hắn không thể làm điều đó, bởi vì hắn không thể nghĩ thay tôi. Tất cả những
gì hắn có thể làm là cố gắng tác động để tôi nghĩ theo cách mà hắn muốn tôi
nghĩ. Và kiểu tác động đó gọi là huấn luyện.
Huấn luyện thực
chất chỉ là một dạng tác động mạnh mẽ. Và sự tác động đó có thể bị xóa bỏ ngay
lập tức, chỉ cần chúng ta muốn và sẵn sàng xóa bỏ nó. Chúng ta được lập trình sẵn
để sinh tồn.
Điều đó có nghĩa
là, khi chúng ta tin rằng thế giới lớn hơn mình và nó có thể áp đặt lên mình,
có thể mang đến cho mình những điều không mong muốn mà mình không hề mời gọi, não
bộ sẽ lập tức hoạt động để chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.
Bạn chưa từng
nói cho bộ não mình biết rằng chính nó mới là thứ tạo ra thực tại. Nó chỉ đơn
giản là làm theo mệnh lệnh bảo vệ bản thân, dựa trên chương trình cũ rằng: "Thế
giới bên ngoài có thể làm tổn thương tôi bất cứ lúc nào."
Vậy nên, nó tập
trung hết mức vào những mối đe dọa tiềm tàng. Nó chú ý nhiều hơn rất nhiều vào
những thứ khiến ta tổn thương, hơn là vào những điều mang lại cảm giác tốt đẹp,
bởi vì nó tin rằng nếu chú ý vào những điều gây đau đớn, nó sẽ có cách tránh được
chúng trong tương lai hoặc tìm ra giải pháp.
Về bản chất, chúng
ta tin rằng nhu cầu cơ bản của con người là sự chắc chắn, và nhu cầu đó sẽ đến khi
ta tập trung vào vấn đề. Bởi vì chúng ta quá bận tâm đến việc sinh tồn, nên
chúng ta dành nhiều sự chú ý vào việc tránh né nỗi đau hơn là hướng về niềm vui.
Nhưng, đây là một
thực tại mà sự tập trung vào việc tránh né điều gì đó cũng chính là sự tập
trung vào thứ mà ta đang cố tránh né. Và vì vậy, thực tại của ta sẽ phản chiếu
lại chính những điều không mong muốn đó. Việc đó khiến chúng ta đau đớn, khi
chúng ta càng tập trung vào nó nhiều hơn, nhiều hơn nữa, cho đến khi chúng ta
rơi vào đau khổ. Và đó chính là tất cả bản chất của sự đau khổ.
Đau khổ không phải
là điều cần thiết. Nhưng mặt tích cực, và vì thế cũng chính là mục đích của đau
khổ, đó là nó cắt đứt chúng ta khỏi con người thật của mình và khỏi niềm vui, đến
mức chúng ta buộc phải đứng trước một ngã rẽ. Khi chạm đến ngã rẽ này, chúng ta
không còn gì để mất nữa. Quyết định duy nhất còn lại là: "Hoặc là mình chết,
hoặc là mình đi về phía bất cứ điều gì khiến mình cảm thấy tốt hơn."
Và chính bằng
quyết định đó, hoặc là chết, hoặc là bước về phía điều khiến mình cảm thấy tốt
hơn, chúng ta tự giải phóng chính mình. Và khi giải phóng được bản thân, chúng
ta bắt đầu chạm tới sự giác ngộ.
Mặc dù đau khổ
không phải là điều kiện bắt buộc để bạn đạt tới giác ngộ, nhưng nó thường là
cánh cửa mà con người chọn đi qua để đến với giác ngộ.
Bởi vì đau khổ đẩy
chúng ta đến ngã rẽ đó, nơi chúng ta không còn gì để mất, nơi mà duy nhất còn lại
chính là bước về phía niềm vui của mình. Và chúng ta nhận ra rằng làm điều đó
chính là câu trả lời cho cách để sống một cuộc đời không còn đau khổ.
Nỗi đau trong cuộc
đời thu hẹp sự tập trung của chúng ta, cho đến khi thứ duy nhất chúng ta nhìn
thấy chính là sự đau khổ, nó bao vây chúng ta. Nhưng sự thật của thực tại không
chỉ là những gì chúng ta nhìn thấy. Và chúng ta sẽ trải nghiệm niềm vui ngay
khi học được cách mở rộng góc nhìn của mình vượt ra ngoài những gì mình đang bị
giới hạn để nhìn thấy. Bởi vì tất cả những gì chúng ta nhìn thấy chính là những
gì chúng ta đang nghĩ.
Vậy nên, nếu
chúng ta nghĩ những suy nghĩ khiến ta đau đớn, thì thứ duy nhất ta có thể nhìn
thấy và trải nghiệm trong thực tại chính là nỗi đau.
Bạn không đến
đây để chịu đựng đau khổ. Bạn đến đây để theo đuổi niềm vui của mình tới tận
cùng Trái Đất.
Mọi thứ phải tệ
đến mức nào thì bạn mới đủ can đảm đưa ra quyết định đó? Bạn không cần phải đau
khổ mới đưa ra được quyết định đó. Bạn có thể đưa ra quyết định sẽ theo đuổi niềm
vui của mình tới tận cùng Trái Đất, ngay bây giờ.
Và hôm nay tôi
có một câu hỏi dành cho bạn: Bạn chọn bước vào cuộc đời này để nỗi đau hút cạn
sự sống trong bạn, hay chính nỗi đau đã
chọn bước vào cuộc đời bạn để bạn hút cạn sự sống trong nó?
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=kWdPXUyMiM8
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.