Teal Swan Transcripts 150
Tâm
trí của bạn là bạn hay thù?
08-11-2014
Xin chào
các bạn. Chào mừng đến với con đường thực hành tâm linh. Trong hàng ngàn năm,
người ta từng cho rằng để đạt đến cấp độ tâm linh, mà dấu hiệu đặc trưng là
linh hồn, thì bạn phải tách mình ra khỏi cơ thể, khỏi cảm xúc, và khỏi tâm trí.
Nhưng ít ai ngờ rằng sự thật lại nằm ngay trước mắt chúng ta. Sự thật là: không
có gì là không tâm linh.
Tinh thần
hay linh hồn thể hiện chính nó qua suy nghĩ, qua cảm xúc và qua cơ thể vật chất.
Vì vậy, bằng cách kết nối sâu sắc hơn với cảm xúc, với suy nghĩ và với cơ thể
mình, chúng ta đang tiến sâu hơn vào bản chất tâm linh của vũ trụ này. Cảm xúc,
suy nghĩ và cơ thể vật chất cần được tích hợp lại với nhau để chúng ta có thể
tiến hóa về mặt tâm linh trong cuộc sống. Nhưng đã có bao nhiêu người nói với bạn
rằng để đạt được sự giác ngộ hay để cảm thấy tốt đẹp, bạn cần phải tách mình ra
khỏi những phần đó của bản thân?
Câu trả lời
là: Quá nhiều người.
Và phần
trong việc hiện thân mà phần lớn họ có vẻ muốn tách rời nhất, chính là tâm trí.
Nhiều người trong chúng ta đã nâng cấp việc né tránh tâm linh lên một cấp độ
hoàn toàn mới. Không chỉ cố gắng né tránh những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta còn
đang cố gắng né luôn cả tâm trí của mình.
Đúng là một
chân lý tâm linh nói rằng bạn không phải là tâm trí của mình, bạn không phải là
cảm xúc của mình và bạn không phải là cơ thể của mình. Nhưng đồng thời, bạn là
tâm trí của mình, bạn là cảm xúc và là cơ thể của mình. Những điều này không đối
lập nhau. Chúng không phải là kẻ thù. Tâm trí của bạn không phải là một kẻ phản
diện được cử đến để cố tình ngăn cản bạn đạt đến giác ngộ. Trên thực tế, tâm
trí của bạn cũng muốn giác ngộ và muốn cảm thấy tốt đẹp, giống như chính bạn vậy.
Chỉ là nó không biết phải làm như thế nào.
Cũng giống
như một đứa trẻ, tâm trí vừa có sự hiểu biết sâu sắc ở một số mặt, vừa ngây thơ
ở những mặt khác. Hãy thử nhờ một đứa trẻ ba tuổi giúp bạn dọn dẹp vết bẩn, dù
ý định của đứa trẻ rất tốt, khả năng cao là nó sẽ chỉ khiến vết bẩn lan ra sâu
hơn vào tấm thảm.
Tâm trí của
bạn cũng vậy. Thường thì điều mà nó nghĩ là đang giúp bạn, thực ra lại đang làm
hại bạn. Tâm trí bạn học cách vận hành từ cha mẹ bạn. Nó chỉ biết cái gì hiệu quả
và cái gì không hiệu quả bằng cách quan sát họ. Điều này có nghĩa là nếu bạn có
một người cha hay mẹ, dù chỉ ở mức tiềm thức, tin rằng lo lắng là cách giải quyết
vấn đề, thì tâm trí của bạn đã học rằng “lo lắng là có tác dụng”. Vấn đề trên
hành tinh này, tất nhiên, là người ta vẫn có thể sinh sản bất kể họ đang ở cấp
độ nhận thức nào.
Một người
có thể hoàn toàn vô thức, hay có rất nhiều khuôn mẫu tư duy sai lệch, mà vẫn có
con, rồi lại truyền những mô thức ấy cho thế hệ sau. Bao nhiêu lần bạn đã nghe
những câu như:
“Bình tĩnh
tâm trí lại đi”,
“Tâm trí của
bạn như một con khỉ hay con ngựa hoang – bạn phải thuần hóa nó”,
“Đừng nghe
theo tâm trí”,
“Đừng tin
vào tâm trí của bạn”,
“Tâm trí là
ảo tưởng”,
“Tâm trí
khiến bạn mất kết nối với khoảnh khắc hiện tại – đừng để điều đó xảy ra”,
“Suy nghĩ
chỉ đưa bạn đi vòng vòng”,
“Những suy
nghĩ của bạn không thực sự là của bạn”,
“Tâm trí là
công cụ của bạn – hãy học cách làm chủ nó, đừng để bị nó điều khiển”,
“Những rào
cản lớn nhất trong đời là do tâm trí tạo ra”, v.v...
Nói ngắn gọn,
có một cảm giác lan tỏa trong con người, và cả trong các giáo lý tâm linh, rằng
tâm trí bằng cách nào đó đang chống lại chúng ta, chống lại sự tiến hóa của
chúng ta, và cố tình làm tổn thương chúng ta. Niềm tin này khiến chúng ta đối xử
với tâm trí như kẻ thù. Chúng ta phát triển sự kháng cự cực đoan với chính tâm
trí của mình. Và đây chính là sự tra tấn, vì chúng ta không thể trốn thoát khỏi
tâm trí mình.
Nó giống
như sống cùng một kẻ thù ở bên trong làn da của chính mình. Việc kháng cự tâm
trí là một hiểm họa, bởi vì thay vì trở nên toàn vẹn, chúng ta lại chia tách
chính mình và cố gắng tách khỏi một phần của bản thân. Chúng ta cần nhận thức
thật rõ ràng điều gì đang khiến chúng ta kháng cự tâm trí, và tìm đến những thực
hành giúp hòa hợp và ôm trọn tâm trí mình, chứ không phải tìm cách chia tách
hay “ly hôn” với nó. Tâm trí của bạn không phải là kẻ thù. Và nó được tạo ra với
một mục đích vô cùng quan trọng.
Tâm trí của
bạn, trên thực tế, là thứ nắn dòng năng lượng của vũ trụ này thành hình dạng,
chất liệu và hình thức. Nó biến năng lượng tiềm năng thành hiện thực hữu hình.
Tâm trí của bạn giống như một nhà điêu khắc hay một nghệ sĩ, đang tạo ra thế giới
mà bạn đang sống trong đó. Nó tạo ra cả thế giới bạn nhận thức được và những
năng lực để bạn có thể nhận thức. Tâm trí mang phần lớn trách nhiệm trong việc
tạo nên “cái tôi” mà bạn vẫn gọi bằng tên mình. Mọi thứ bạn yêu quý trong cuộc
đời này đều là kết quả của một ý nghĩ được hiện thực hóa. Do đó, mọi điều bạn
yêu quý trong cuộc sống này đều nhờ vào tâm trí.
Tôi thấy thật
đáng buồn khi tập thể loài người chúng ta chỉ có thể liên hệ với khái niệm “cần
được nuôi dưỡng” khi điều đó áp dụng cho một đứa trẻ. Chúng ta không thể hình
dung rằng một người lớn cũng có thể cần được nuôi dưỡng. Tuy nhiên, tôi sẽ tạm
chấp nhận quan điểm chung hiện tại và đưa ra một phép ẩn dụ: Tôi đã nhiều lần
nói rằng cảm xúc của bạn giống như đứa trẻ bên trong bạn. Chúng cần được nuôi
dưỡng, được trân trọng, được ôm ấp và được yêu thương. Nhưng tâm trí của bạn cũng
giống như một đứa trẻ… Và nó cũng cần những điều đó không kém gì.
Tâm trí sẽ
không lên tiếng nếu nó không nghĩ rằng nó có điều gì đó quan trọng để chia sẻ với
bạn. Nó muốn bạn lắng nghe nó. Thay vì tách mình khỏi tâm trí, hãy ôm lấy tâm
trí của bạn. Đó là hành động của sự tự yêu thương, và là điều ngược lại với sự
tự chối bỏ. Đặc biệt là khi tâm trí bạn đang khiến bạn đau đớn. Khi tâm trí bạn
đang làm điều gì đó khiến bạn khổ sở, như lo lắng hoặc tập trung vào những niềm
tin đau đớn, thì đó chính là tâm trí đang bị tổn thương. Hãy làm với tâm trí bạn
điều mà bạn sẽ làm với một đứa trẻ đang đau đớn.
Bạn có thể
ôm lấy tâm trí và đưa nó trở lại trạng thái hòa hợp bằng một quy trình gồm 4 bước.
Tôi sẽ trình bày quy trình đó ngay bây giờ:
Bước 1: Nhận biết bạn đang suy nghĩ gì hoặc đang chú
ý đến điều gì. Nhận ra và gọi tên điều mà tâm trí bạn đang làm. Hãy gọi bước
này là nhận diện.
Bước 2: Hãy chăm
sóc và đồng cảm với những gì bạn đang nghĩ và những gì tâm trí bạn đang làm, bằng
cách xem nó là điều hợp lý và quan trọng. Đừng phán xét những suy nghĩ của bạn
là đúng hay sai. Hãy tìm cách hiểu chúng, thay vì đồng ý hay không đồng ý với
chúng.
Bước 3: Công nhận và xác thực những suy nghĩ của bạn
Để công nhận
và xác thực những suy nghĩ của bạn, bạn không cần phải xác thực rằng những suy
nghĩ đó là đúng. Thay vào đó, bạn cần cho tâm trí biết rằng việc có những suy
nghĩ như vậy là điều hoàn toàn ổn và hợp lý. Bạn hiểu được vì sao mình lại có
những suy nghĩ đó.
Ví dụ: nếu
tâm trí bạn bắt đầu nghĩ đến những viễn cảnh tệ nhất, bạn không xác thực suy
nghĩ đó bằng cách nói với tâm trí rằng: “Đúng rồi! Những chuyện đó chắc chắn sẽ
xảy ra.” Thay vào đó, bạn có thể nói: “Tôi thấy bạn đang lo lắng, và tôi hoàn
toàn hiểu vì sao bạn lại nghĩ đến kịch bản tệ nhấ, vì bạn muốn chuẩn bị sẵn
sàng.”
Bước 4: Chỉ sau khi những suy nghĩ đã được nhận diện,
công nhận và xác thực, bạn hãy giúp tâm trí mìn, một cách đầy yêu thươn, hướng
về điều gì đó dễ chịu hơn để tập trung vào. Đây là lúc mà bạn có thể sử dụng bất
kỳ kỹ thuật nào được thiết kế để định hướng suy nghĩ, thay đổi suy nghĩ hoặc dừng
dòng suy nghĩ.
Tôi thường
dạy mọi người rằng, trước khi bước qua giai đoạn này, hãy tưởng tượng tâm trí của
bạn đang ở trong đầu, hoặc quanh đầu, hoặc ở bất kỳ nơi nào bạn cảm nhận là
"tâm trí" của mình… Và tôi muốn bạn hình dung mình đang bao bọc tâm
trí bằng một nguồn năng lượng yêu thương, ôm ấp, ấm áp, đầy lòng từ bi. Bằng bất
kỳ màu sắc nào bạn chọn.
Kỹ thuật
này đặc biệt hiệu quả với những người hay lo lắng hoặc cảm thấy mình là nạn
nhân của những suy nghĩ tiêu cực kéo dài.
Chúng ta cần
phải công nhận rằng tâm trí là điều có giá trị và được yêu thương, trước khi nó
sẵn sàng đồng hành cùng chúng ta đi lên trên thang cảm xúc, hướng về những suy
nghĩ dễ chịu hơn. Bạn không có mặt ở đây để “sửa chữa” tâm trí mình, cũng giống
như bạn không có mặt ở đây để “sửa chữa” một đứa trẻ. Bạn ở đây để yêu thương
và dẫn dắt tâm trí mìn, và hướng dẫn nó đi về phía những gì thúc đẩy sự phát
triển, niềm hạnh phúc và mục đích sống của bạn trên Trái Đất này.
Khi bạn đã
yêu thương, công nhận và xác thực những suy nghĩ của mình như là điều hợp lý để
nghĩ tới, và bạn cảm thấy tâm trí mình sẵn sàng được hỗ trợ để trở lại trạng
thái cân bằng, thì có rất nhiều kỹ thuật mà bạn có thể sử dụng.
Một trong
những cách đầu tiên là đặt câu hỏi cho những suy nghĩ mà bạn đang có. Điều này
không giống như việc phủ nhận những suy nghĩ của bạn, mà là để cho bạn thấy rằng
bạn không cần phải sợ hãi chính những gì bạn đang nghĩ. Nó giúp bạn thoát ra khỏi
sự kìm kẹp bởi nỗi đau đến từ cái gọi là “sự thật”.
Phương pháp
yêu thích của tôi để chất vấn suy nghĩ là quy trình mang tên “The Work” của
Byron Katie.
Nếu bạn
quan tâm đến việc chất vấn lại suy nghĩ của mình, tôi rất khuyến khích bạn tìm
hiểu các tài liệu của bà ấy và thực hành phương pháp đó.
Thiền định
là một kỹ thuật hiệu quả giúp dừng dòng suy nghĩ hoặc định hướng suy nghĩ theo
một hướng có lợi hơn cho bạn. Nếu bạn không thích thiền một mình, bạn luôn có
thể làm theo các bài thiền có hướng dẫn.
Bạn cũng có
thể ngồi xuống và cố ý thay đổi niềm tin của mình. Nếu bạn hứng thú với điều
này, tôi có làm một video trên YouTube có tên là “Cách thay đổi một niềm tin” (Teal Swan Transcripts 021), bạn có thể
tìm và xem video đó để biết cách thực hiện.
Bạn có thể
sử dụng tâm trí như một công cụ để đi lên trên thang tần số rung động, bằng
cách tìm kiếm những suy nghĩ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn, rồi lại dễ chịu
hơn nữa.
Ví dụ: nếu
bạn bị ốm và điều đó khiến bạn bắt đầu chìm vào trạng thái tiêu cực, bạn có thể
cố tình sử dụng tâm trí để tập trung vào những điều tích cực về việc bị ốm mà
khiến bạn cảm thấy đỡ hơn phần nào.
Bạn có thể
lấy ra cuốn nhật ký “những khía cạnh tích cực” của mình. Lưu ý rằng khi tâm trí
bạn đang bị cuốn theo chiều hướng tiêu cực, thì ý tưởng về “tích cực” có thể
khiến bạn cảm thấy khó chịu. Thậm chí từ “tích cực” thôi cũng khiến bạn muốn
tránh xa.
Vậy nên,
thay vì gọi đây là nhật ký tích cực, hãy gọi nó là nhật ký “chú ý đến những điều
khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn”. Bạn có thể viết vào đó những khía cạnh tích cực
của điều gì đó đang khiến bạn đau đớn, hoặc đơn giản là viết những điều dễ chịu
về ngày hôm nay, những gì bạn đang làm, hay căn phòng mà bạn đang ngồi trong
đó.
Bạn cũng có
thể làm một cuộc săn tìm điều dễ chịu. Đây là một trong những kỹ thuật yêu
thích của tôi để khiến tâm trí bạn bắt tay với sự phát triển và cảm giác hạnh
phúc của chính bạn. Hãy tưởng tượng rằng bạn giống như một đứa trẻ nhỏ đang đi
săn trứng Phục sinh, nhưng thay vì săn trứng, bạn đi tìm những thứ khiến bạn cảm
thấy dễ chịu khi nhìn vào.
Ví dụ, nếu
tôi đang lái xe, tôi có thể chú ý đến việc ánh sáng phản chiếu trên chiếc xe
phía trước đẹp thế nào. Tôi có thể nhìn ra ngoài và thấy một vài cái cây trông
rất đẹp và ghi nhận điều đó. Tôi có thể thích cảm giác vô lăng trong tay mình. Cơ
bản là tôi đang cố ý tìm kiếm trong môi trường xung quanh mình những điều dễ chịu,
thay vì chờ chúng tự hiện r, mà như chúng ta đều biết, khi ta đang tiêu cực,
thì điều đó gần như không xảy ra.
Có vô số kỹ
thuật được thiết kế để khiến tâm trí của bạn hợp tác với bạn, thay vì chống lại
bạn. Tôi không thể liệt kê hết tất cả. Tuy nhiên, mục đích của quy trình này không
phải là đối xử với tâm trí như một gánh nặng không mong muốn, hay một kẻ phá hoại
đang cản trở bạn. Mục tiêu là trao cho tâm trí một thứ khác để làm việc cùng, một
thứ mang lại cảm giác tốt đẹp hơn.
Tôi muốn bạn
bắt đầu nhìn nhận tâm trí như một nhà điêu khắc cho cuộc sống của bạn. Nhưng thứ
duy nhất mà nó có thể sử dụng để sáng tạo chính là năng lượng mà bạn trao cho
nó. Cũng giống như cơ thể bạn chỉ có thể làm việc dựa trên thức ăn mà bạn cung
cấp.
Tập trung
vào những điều khiến bạn cảm thấy dễ chịu, như vẻ đẹp, lòng biết ơn, những lời
khẳng định tích cự, giống như trao cho người thợ điêu khắc một cục đất sét ấm
áp, mịn màng và hoàn hảo để làm việc. Còn tập trung vào những điều khiến bạn
đau đớn, như phim kinh dị, sự chỉ trích, những lời nói tổn thương, giống như
đưa cho người thợ điêu khắc một cục đất sét đã mốc meo, lạnh lẽo và khó nắn.
Rõ ràng là,
điều mà người thợ điêu khắc ấy sẽ tạo ra sẽ rất khác so với một người thợ được
trao cho một cục đất sét mịn màng, ấm áp và hoàn hảo để làm việc và nặn thành
hình. Điều này cực kỳ quan trọng nếu xét đến việc người thợ ấy chính là kẻ đang
nặn hình cuộc sống của bạn.
Giờ khi đã
nói đến điều đó, có một quan niệm trong giới tâm linh cho rằng: để chạm đến khoảnh
khắc hiện tại, bạn cần phải tách mình ra khỏi tâm trí. Nhưng mục tiêu khi nói đến
việc sống trong hiện tại không phải là tách rời hay chia cắt bản thân khỏi
chính mình để đến được đó. Mục tiêu là để toàn bộ con người bạn, bao gồm cả tâm
trí, hội tụ và hiện diện nơi khoảnh khắc hiện tại.
Tâm trí sẽ
không bước vào hiện tại bởi vì nó sợ khoảnh khắc hiện tại.
Tại sao nó
lại sợ hiện tại? - Vì nó đã từng trải qua tổn thương trong khoảnh khắc hiện tại.
Nếu bạn làm
những gì cần thiết để giúp tâm trí, hoặc khiến tâm trí bớt sợ hiện tại hơn, thì
tự nhiên nó sẽ cùng bạn bước vào khoảnh khắc hiện tại. Còn nếu bạn cố ép nó hiện
diện, thì chẳng khác gì việc ném một đứa trẻ sợ hãi xuống vùng nước sâu.
Cùng với
đó, cũng có một quan điểm trong lĩnh vực tâm linh rằng: có thể “làm dịu tâm trí”
của bạn. Bao nhiêu lần bạn đã nghe câu đó rồi? - “Hãy làm dịu tâm trí lại,” họ
nói, như thể đó là việc có thể làm được.
Sự thật là:
Bạn không thể ép tâm trí làm bất cứ điều gì. Tất cả những gì bạn có thể làm là trao
cho nó tình yêu, và đưa cho nó những điều khác để tập trung vào, hoặc những
dòng suy nghĩ khác để suy nghĩ đến, và nhờ đó, tâm trí tự nhiên sẽ rơi vào một
trạng thái mà tình cờ là trạng thái bình yên.
Nhưng, vì sự
mở rộng của tất cả chúng ta, hãy tự hỏi bản thân câu này: Điều gì sai ở một tâm
trí không bình yên? Sẽ ra sao nếu tôi nói với bạn rằng trạng thái tự nhiên nhất
của tâm trí không thực sự là trạng thái bình yên? Rằng sự bình yên chỉ là một
trong vô số trạng thái của tâm trí. Và phần lớn các trạng thái kia đều mang
tính tiến về phía trước, thay vì tiếp nhận thụ động như trạng thái bình yên vốn
có. Và trạng thái bình yên của tâm trí không hơn, cũng không kém giá trị so với
bất kỳ trạng thái nào khác.
Hãy tự hỏi:
Mục đích ban đầu khi tâm trí được tạo ra là gì? Và hãy tự hỏi thêm: Nếu tâm trí
có một vai trò quan trọng và có lợi trong chính sự sống, thì vai trò đó là gì?
Bình yên,
theo định nghĩa, là gần như hoặc hoàn toàn bất động. Nhưng tâm trí là nghệ sĩ. Và
chẳng có gì là tự nhiên nếu bạn mong tâm trí luôn luôn trong trạng thái bình
yên, cũng giống như chẳng có gì tự nhiên nếu bạn bắt một nghệ sĩ luôn luôn bất
động.
Chuyển động
và bất động đều đóng vai trò quan trọng trong việc cảm nhận, hình thành ý tưởng,
và thể hiện nghệ thuật. Chuyển động năng lượng chính là chất liệu mà tâm trí
làm việc cùng.
Khi tâm trí
bình yên, nó đang ở trong trạng thái tiếp nhận và cảm nhận. Và khi đó, nó để
cho những phần khác của bạn, như trái tim, dẫn đường. Điều đó không xấu chút
nào, mà còn tuyệt vời nữa. Khi tâm trí bình yên, bạn có thể cảm nhận bản chất
vĩnh hằng của mình. Khi tâm trí bình yên, bạn có thể tận hưởng tất cả những gì
tốt đẹp đến từ sự tĩnh lặng.
Chuyển động
và tĩnh lặng, cả hai đều có chỗ đứng trong vũ trụ này. Cả hai đều đóng vai trò
tâm linh quan trọng.
Điều cốt
lõi là: biết khi nào nên tĩnh lặng, và khi nào nên đón nhận sự chuyển động, một
cách có ý thức.
Chúng ta cần
ngưng lo lắng về việc tâm trí có đang bình yên hay không. Chúng ta chỉ lo về điều
đó khi sự bất an của tâm trí khiến chúng ta không thể cảm nhận được điều gì. Chúng
ta chỉ lo về điều đó khi tâm trí bị kích động bởi những suy nghĩ tiêu cực mà nó
đang đắm chìm trong đó. Nhưng điều đó lại liên quan nhiều hơn đến việc tâm trí
đang nặn ra những điều tiêu cực mà nó đang tập trung vào, thay vì những điều
tích cực.
Chúng ta
hoàn toàn có thể trao cho người thợ nặn này một loại đất sét khác để làm việc,
và khi đó, bạn sẽ thấy rằng: tâm trí bạn đang bình yên hay đang hoạt động nhanh
chóng, không còn là vấn đề nữa.
Tâm trí của
mỗi người là một nghệ sĩ khác nhau. Để bạn hiểu rõ hơn ý tôi, tôi sẽ ví dụ như
sau: Tôi thích so sánh tâm trí con người với các giống chó khác nhau.
Ví dụ:
- Một người
có thể có tâm trí giống như giống chó Springer Spaniel , tràn đầy năng lượng và
hạnh phúc nhất khi nó có nơi để bộc lộ và thể hiện. Nó vui khi được chuyển động.
- Một người
khác có thể có tâm trí giống như giống chó Pug, vui tươi, nhưng cũng dễ dàng
bình tĩnh trở lại.
- Một người
khác nữa có thể có tâm trí giống như Golden Retriever, nó chỉ hoạt động khi có
một “nhiệm vụ” cần làm. Còn lại, nó để trái tim dẫn lối.
Bạn hiểu ý
tôi rồi chứ?
Và để đạt
được sự giác ngộ, bạn không cần phải có một tâm trí như Golden Retriever. Chúng
ta cần ngưng đối xử với tâm trí như thể chúng đều giống nhau, và ngưng cố gắng ép
chúng trở nên giống nhau.
Thay vì vậy,
chúng ta cần tìm ra điều gì thực sự phù hợp với kiểu tâm trí của riêng mình. Công
cụ nào giúp tâm trí cụ thể của bạn tìm được sự hòa hợp với những gì bạn muốn
tâm trí hỗ trợ bạn.
Điều đó có
nghĩa là: nếu ai đó có một tâm trí giống như giống chó Springer Spaniel, và họ
cảm thấy hạnh phúc nhất khi được chuyển động, nhưng lại muốn tâm trí mình ở
trong trạng thái bình yên, thì có lẽ tốt nhất là họ nên thực hành một hình thức
thiền động, như Thái Cực Quyền, để tâm trí có thứ gì đó để chuyển động, hoặc tập
trung vào, nhờ đó, tâm trí có thể tránh đường cho trái tim và để trái tim dẫn lối.
Nếu bạn có
một tâm trí mà bạn cho là "quá hiếu động", thì đừng bao giờ cố ép tâm
trí phải bình yên. Thay vào đó, hãy trao cho nó những gì nó cần, để nó tự nhiên
bước vào trạng thái nghỉ ngơi. Và hãy tin tưởng rằng tâm trí sẽ cho bạn biết điều
nó cần.
Bạn đã bao
giờ nghĩ đến việc hỏi nó chưa?
Lần tới,
khi bạn cảm thấy muốn được bình yên, hoặc muốn điều gì đó từ tâm trí nhưng nó lại
kéo bạn theo hướng ngược lại, hãy hỏi nó: "Bạn cần gì để có thể bình
yên?"
Hoặc: “Bạn
cần gì để ……..?” (bạn có thể tự điền vào chỗ trống đó).
Tôi từng thực
hiện bài thực hành này với một khách hàng của mình, và khi anh ấy hỏi tâm trí
câu đó – “Bạn cần gì?” – tâm trí anh ấy trả lời: “Tôi cần được chạy.” - Thế là
anh ấy để cho tâm trí chạy.
Gần giống
như buông dây cương cho một con ngựa, hoặc tháo dây cho một con chó. Tâm trí
“chạy loạn” lên, nhảy lung tung, di chuyển khắp nơi. Và anh ấy quan sát chuyển
động đó với sự trân trọng, như một sự vui thích đầy yêu thương. Và điều anh ấy
nhận ra là: không lâu sau, sự nhảy nhót và chạy loạn ấy tự động lắng xuống. Và chỉ
khi đó, anh ấy mới có thể chìm vào trạng thái bình yên.
Thật ra,
ngày hôm đó, anh ấy đã đạt được một trạng thái thiền sâu, mà anh ấy đã cố gắng
đạt được suốt 5 năm qua.
Đã đến lúc
chúng ta ngưng xem tâm trí là kẻ thù trong hành trình tâm linh của mình. Chúng
ta không thể trở nên toàn vẹn, và cũng không sống hòa hợp với sự hợp nhất, khi
chúng ta cố tách rời khỏi tâm trí để trở nên tâm linh.
Sự hội nhập
cần phải xảy ra ở cấp độ của tâm trí, cũng như ở mọi cấp độ khác của bản thân. Và
chúng ta không thể làm được điều đó nếu còn cố tránh xa tâm trí, hoặc cố phủ nhận
mình là tâm trí.
Hãy nhìn nhận
và đối xử với tâm trí như một đồng minh. Tìm cách để bạn bao gồm tâm trí vào thực
hành tâm linh của mình. Và sử dụng tâm trí như một công cụ hỗ trợ cho sự phát
triển tâm linh của bạn. Hãy làm việc cùng tâm trí, thay vì chống lại nó.
Bởi vì sự
thật là - Dù tâm trí có thể đã làm tổn thương bạn một cách vô tình, nhưng nó
luôn cố gắng hợp tác với bạn, chứ không chống lại bạn, từ trước đến nay.
Chúc bạn một
tuần tốt lành.
Link gốc của
bài viết
https://www.youtube.com/watch?v=-9mzJFUwTCo
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.