Teal Swan Transcripts 145 - Cách Để Đón Nhận

 

Teal Swan Transcripts 145


Cách Để Đón Nhận

 

04-10-2014




Xin chào tất cả mọi người... Người ta thường nghĩ rằng việc đón nhận đơn giản chỉ là ai đó trao cho bạn một thứ gì đó. Giá mà thế giới này đơn giản được như vậy! Nhưng thực tế là, cho dù ai đó có cho bạn thứ gì đó đi chăng nữa, điều đó không có nghĩa là bạn thực sự có thể đón nhận nó. Tất cả những cách mà người ta thể hiện cảm xúc tích cực với chúng ta... thể hiện sự trìu mến với chúng ta... suy cho cùng, đều là tình yêu. Sự trìu mến là một hình thức của tình yêu, sự giúp đỡ là một hình thức của tình yêu, quà tặng cũng vậy.

 

Vì thế, điều quan trọng là chúng ta cần nhận ra rằng nếu mình có vấn đề với việc đón nhận, thì cái mà ta không thể đón nhận, thực chất chính là Tình yêu. Chúng ta không thể đón nhận tình yêu bởi vì trong quá khứ, tình yêu không hề vô điều kiện. Tình yêu khi ấy bị ràng buộc bởi điều kiện. Việc được nhận cũng bị ràng buộc bởi điều kiện. Điều đó có nghĩa là Tình yêu và Sự đón nhận, mang lại cảm giác tệ thay vì tốt. Yếu tố đầu tiên để học cách đón nhận tình yêu là phải nhận ra những rào cản mà chúng ta đang có với tình yêu.

 

Đối với những người gặp khó khăn trong việc đón nhận, rào cản lớn nhất là sự nghi ngờ động cơ của người cho. Khi chúng ta không tin tưởng vào động cơ của người trao tặng, chúng ta sẽ sợ hậu quả của việc buông bỏ phòng bị, và vì thế, ta không thể mở lòng để đón nhận bất cứ điều gì từ họ. Để một điều gì đó được trao đi một cách chân thành, động cơ đằng sau nó cần phải thuần khiết. Đối với rất nhiều người gặp khó khăn trong việc đón nhận, những người trong thời thơ ấu của họ không hề trao tình yêu một cách tự do hay thuần khiết. Điều này khiến họ không thể cảm nhận hoặc nhận ra tình yêu, hoặc khi được trao tình yêu, thay vì cảm thấy tốt đẹp, họ lại thấy hoảng loạn hoặc dễ tổn thương.

 

Cho phép bản thân được yêu thương và được trân trọng vì con người thật của mình là một hành động phản lại “bản án” mà cha mẹ ta từng đưa ra: rằng chúng ta có khiếm khuyết. Niềm tin này (mà chúng ta tiếp nhận từ cha mẹ) đã giúp lý giải cho cách mà ta từng bị đối xử khi còn nhỏ. Cho nên, việc cho phép bản thân được yêu và được trân trọng vì con người thật của mình, là một hành động mang rủi ro rất lớn. Nó đồng nghĩa với việc ta phải chấp nhận một sự thật nghiệt ngã: rằng ta đã không được yêu thương như ta xứng đáng.

 

Cho phép bản thân được yêu thương và trân trọng còn đánh thức nỗi sợ rằng: nếu ta cảm nhận hoặc suy nghĩ một điều gì đó “sai lệch”, ta sẽ bị bỏ rơi, bị ruồng bỏ, và theo bản năng sinh tồn, ta sẽ bị “bỏ mặc cho chết”. Như vậy, việc đón nhận tình yêu không chỉ đối diện với sự thật đau lòng của quá khứ, mà còn là rủi ro mất mạng. Những người không thể đón nhận, thường đặc biệt khó khăn khi nhận sự giúp đỡ. Họ không yêu cầu sự giúp đỡ và cũng không nhận được nhiều, không phải vì sự giúp đỡ không tồn tại, mà bởi vì họ cảm thấy như cả thế giới đang chống lại mình. Họ cảm thấy để có được thứ họ muốn, họ phải tự mình vật lộn, chiến đấu. Niềm tin này khiến họ mù mờ không thể thấy được sự giúp đỡ khi nó được trao đến. Nếu có thấy đi chăng nữa, họ thường nghi ngờ nó, nghĩ rằng có một ý đồ nguy hiểm ẩn phía sau. Nói cách khác, họ xem sự giúp đỡ như một cái bẫy được ngụy trang. Sâu thẳm bên trong, họ cảm thấy không xứng đáng được giúp, hoặc rằng nếu nhận giúp đỡ thì có nghĩa là họ bất lực.

 

Rất nhiều khi, động cơ của chúng ta khi trao đi tình yêu là ích kỷ. Ta cho đi bởi vì ta muốn nhận lại. Nói cách khác, tình yêu của ta chỉ là một hình thức lấy từ người khác.

 

Ích kỷ được định nghĩa là: "Chỉ quan tâm tới lợi ích, quyền lợi, và phúc lợi của bản thân, mà không để tâm tới ảnh hưởng đối với người khác." Ích kỷ không phải là trạng thái tự nhiên, nó chỉ xuất hiện khi một người tập trung vào và tin rằng họ đang thiếu thốn trong cuộc sống. Chúng ta thường nhầm lẫn giữa Yêu bản thân và Ích kỷ, nhưng thực ra hai điều này rất khác nhau. Ích kỷ sinh ra khi một người không biết cách yêu bản thân và đáp ứng nhu cầu của mình, họ cảm thấy sự trống rỗng bên trong và cả đời sống trong cơn đói nội tâm, cố gắng lấp đầy nó bằng những thứ bên ngoài.

 

Việc ở gần một người ích kỷ thường rất khó chịu, bởi bạn sẽ luôn có cảm giác như người đó đang liên tục lấy đi từ bạn. Họ không biết cách tự tạo ra hoặc đạt được điều mình muốn mà không lấy nó từ người khác. Họ không biết cách yêu thương bản thân, nên cuộc sống của họ phụ thuộc vào việc bạn phải trao cho họ điều đó. Nếu bạn không làm vậy, họ không biết phải làm gì. Họ cảm thấy bất lực và trở nên giận dữ vì họ sợ hãi. Nhưng nếu bạn lùi lại một chút và nhìn bằng lòng trắc ẩn, bạn sẽ thấy rằng họ xuất phát từ một nơi đầy đói khát bên trong. Mong họ không vồ vập lấy bất cứ thứ gì giống như kỳ vọng một đứa trẻ đói bụng không đi ăn trộm thức ăn vậy.

 

Brian lớn lên với một người mẹ luôn nói rằng bà đã hy sinh tất cả vì anh. Kết quả là anh lớn lên với cảm giác tội lỗi và mắc nợ mẹ mình. Khi anh quyết định đi học đại học, khoảng ba tháng sau, mẹ anh gọi điện nói rằng bà cần anh trở về nhà. Khi bà nói: “Mẹ cần con quay về để giúp gia đình điều hành công việc kinh doanh”, Brian không muốn. Khi anh từ chối, mẹ anh đáp lại: “Mẹ đã nuôi con, mặc áo cho con, cho con tất cả mọi thứ để con có cuộc sống tốt hơn mẹ. Mẹ làm tất cả vì con. Sao con không thể làm một việc này cho mẹ? Con thật là ích kỷ!”. Cảm giác tội lỗi và mắc nợ khiến Brian bỏ học và quay về nhà, điều hành công việc gia đình và sống cả đời trong sự khốn khổ. Tất cả, nhân danh cái gọi là “tình yêu”.

 

Câu chuyện này cho thấy một sự thật: tình yêu được trao đi để mong nhận lại không phải là tình yêu. Nó khiến ta rối bời về việc tình yêu thật sự là gì, và khiến tình yêu trở thành điều gì đó dơ bẩn.

 

Có năm rào cản chính khi nói đến việc đón nhận tình yêu. Dưới đây là danh sách:

 

Số 1: Chúng ta có thể có rào cản với tình yêu vì ta cảm thấy tình yêu khiến ta dễ tổn thương và trao quyền lực cho người kia. Điều này đặc biệt đúng nếu trong ta có niềm tin rằng tình yêu đồng nghĩa với đòn bẩy, sự kiểm soát. Chúng ta có rào cản với việc đón nhận nếu tình yêu đi kèm với cảm giác tội lỗi, nghĩa vụ hay món nợ, như trong ví dụ về Brian và mẹ anh. Bạn biết câu nói “có điều kiện” không? Đó chính là điều mà ta đang nói đến ở đây, khi ai đó trao bạn một thứ “có điều kiện kèm theo”, nó giống như một cái bẫy. Và thật ra, thậm chí nếu điều đó chỉ diễn ra ở mức tiềm thức, thì những người trong cuộc đời bạn đã trao tình yêu cho bạn để đảm bảo họ có quyền lực với bạn, để chắc chắn rằng họ có lợi thế hơn. Nếu bạn là một trong những người như vậy, hãy dành một chút để thể hiện lòng trắc ẩn với chính mình, bởi vì trong cuộc sống của bạn, Tình yêu đã từng là một “con ngựa thành Troy”.

 

Số 2: Chúng ta có thể có rào cản với tình yêu nếu chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng được yêu. Khi chúng ta bị cha mẹ đối xử theo bất kỳ cách nào không xuất phát từ tình yêu thương, chúng ta sẽ đi đến kết luận rằng có điều gì đó sai trái với mình. Rốt cuộc, nếu không có gì sai với chúng ta, thì tại sao chúng ta lại bị đối xử như vậy chứ?! Chính vì điều này mà chúng ta không cảm thấy mình đủ tốt để được yêu thương. Chúng ta không cảm thấy mình đủ giá trị để người khác yêu đến mức sẵn sàng trao năng lượng của họ cho mình.

 

Số 3: Điều này gắn liền với rào cản trước. Chúng ta có thể có rào cản với tình yêu nếu chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng với tình yêu mà mình đang nhận được. Những người có vấn đề về “xứng đáng” khi nói đến tình yêu thường nghĩ rằng họ phải xứng đáng hoặc đạt được điều gì đó thì mới được yêu. Họ nghĩ rằng nếu không xứng đáng với một điều gì đó mà vẫn nhận được, thì họ là người xấu và sẽ bị Vũ trụ trừng phạt. Nếu họ không hiểu lý do vì sao họ xứng đáng nhận được điều ai đó trao cho mình, họ sẽ bắt đầu hoảng loạn. Với những ai đang vật lộn với rào cản “xứng đáng”, tôi muốn bạn xem video YouTube của tôi có tiêu đề: “Xứng đáng và Đặc quyền” (Teal Swan Transcripts 029) và hãy gạch bỏ từ “Xứng đáng” khỏi vốn từ vựng của bạn. Tôi cũng muốn bạn tự hỏi mình một câu: “Điều gì tệ đến mức khiến việc nhận được một điều gì đó mà bạn không ‘xứng đáng’ lại trở thành vấn đề?”

 

Số 4: Chúng ta có thể có rào cản trong việc tiếp nhận tình yêu nếu chúng ta nghiện sự đáp trả. Những người nghiện sự trao đổi công bằng cảm thấy rằng việc thể hiện tình yêu phải được cân bằng. Nghe thì có vẻ hợp lý khi nói rằng tình yêu nên bình đẳng, nhưng thực tế thì tình yêu không vận hành như vậy, và chúng ta cảm thấy nó nên bình đẳng là vì những lý do thuộc phần Bóng tối.

 

Ví dụ: với người sợ rằng tình yêu là một hình thức thao túng, thì sự đáp trả đảm bảo rằng người kia sẽ không có lợi thế và không thể dùng cảm giác tội lỗi hay ràng buộc để kiểm soát họ sau này khi đã “trao” cho họ tình yêu. Chúng ta gặp rào cản trong việc tiếp nhận khi ai đó trao cho chúng ta điều gì, và chúng ta lập tức (có ý thức hoặc vô thức) nghĩ: “Mình nên đáp lại họ bằng điều gì đây?” hoặc “Mình nợ họ điều gì?”

 

Số 5: Chúng ta có thể có rào cản trong việc tiếp nhận nếu chúng ta sợ đánh mất tình yêu. Một lý do phổ biến khiến chúng ta không thể đón nhận là những trải nghiệm trước đó liên quan đến việc đánh mất người mình yêu hoặc tình yêu của ai đó. Dù là bị ai đó từ chối và rút lui khỏi bạn, mất người thân vì cái chết, chia tay, hay điều gì khác, một trong những trải nghiệm đau đớn nhất chính là từng có được tình yêu rồi đánh mất nó. Trải nghiệm này tạo nên một vết sẹo và ở cấp độ tiềm thức, chúng ta tin rằng tốt hơn hết là đừng yêu để khỏi mất, hoặc đừng nhận điều gì có thể bị lấy lại. Nếu bạn không tin tưởng tình yêu, thì đừng, tôi nhấn mạnh: đừng mong đợi bản thân sẽ tin tưởng tình yêu mà ai đó trao cho bạn.

 

Nhiều người sẽ nói với bạn rằng cách tốt nhất để học cách đón nhận tình yêu là bắt đầu tin tưởng vào nó. Nghe thì có vẻ hay, nhưng bạn không thể bắt ép bản thân phải tin. Và khi bạn đã từng bị tổn thương bởi ai đó (vốn là lý do khiến bạn bắt đầu mất niềm tin ngay từ đầu) và bạn nói: “Tôi sẽ tin bạn…” thì một phần bên trong bạn sẽ nói: “Bạn nghĩ tôi là đứa ngốc chắc?”

 

Quá trình phục hồi để có thể đón nhận tình yêu bắt đầu bằng việc phát triển một cuộc sống hoàn toàn minh bạch. Vậy “minh bạch” nghĩa là gì khi nói đến việc tiếp nhận? Nó có nghĩa là bạn thực hành việc khuyến khích người khác nhận ra điều họ thật sự muốn khi trao cho bạn điều gì đó, và bạn cũng nhận ra điều bạn thật sự mong nhận được khi trao đi điều gì đó. Điều này giúp việc đón nhận trở nên an toàn hơn.

 

Nó cũng cho phép chúng ta có quyền lựa chọn liệu có chấp nhận một điều gì đó mà bên trong nó chứa những động cơ không xuất phát từ tình yêu hay không. Hãy lưu ý rằng những động cơ pha trộn là có thật. Có thể bạn làm điều gì đó vì thật lòng muốn người kia hạnh phúc, nhưng cũng vì bạn muốn nhận lại điều gì đó.

 

Để tôi đưa ra một ví dụ về việc minh bạch trên thực tế:

 

Giả sử Graciela tặng tôi một ít socola do cô ấy làm ở nhà. Graciela: “Tôi tặng bạn một món quà nè…” - Nếu tôi hỏi lý do vì sao cô ấy làm socola cho tôi (để làm rõ động cơ thật sự đằng sau hành động ấy), có thể Graciela sẽ cảm thấy muốn nói: “Tôi chỉ muốn bạn vui thôi.”

 

Nhưng để có một mối quan hệ thật sự (nghĩa là hoàn toàn minh bạch), chúng ta cần đào sâu hơn một chút.

 

Nếu Graciela thực sự đào sâu, có thể cô ấy sẽ nói: Graciela: “Tôi muốn bạn có socola để bạn vui vì bạn đã thèm suốt cả tuần, nhưng đồng thời, tôi cũng ghen với bạn và Lauren vì hai người đã dành nhiều thời gian bên nhau. Nên… nếu tôi tặng bạn socola, có thể bạn sẽ dành thời gian cho tôi.”

 

Thấy không, mặc dù động cơ của Graciela không hoàn toàn trong sáng, nhưng khi tôi biết rõ động cơ đó là gì, tôi sẽ cảm thấy an toàn hơn khi nhận món quà mà cô ấy trao.

 

Bây giờ, giả sử tôi làm bữa sáng cho Graciela. Có thể tôi sẽ cảm thấy muốn nói: “Tôi nghĩ bạn sẽ thích nên tôi làm.”

 

Nhưng nếu tôi đào sâu hơn về động cơ thật sự, có thể tôi sẽ nói:

 

Teal: “Tôi biết bạn sẽ thích bữa sáng này, nhưng tôi cũng đang cảm thấy rất ngại vì những điều bạn đã làm cho tôi, nên tôi làm bữa sáng này để cố gắng giải tỏa cảm giác ngại ngùng đó!”

 

Hãy tập thói quen làm rõ người khác đang thật sự mong điều gì khi họ trao cho bạn thứ gì đó. Và, hãy tập thói quen khám phá xem họ hy vọng bạn sẽ nhận được điều gì từ món quà đó. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, sự minh bạch hoàn toàn, dù đôi khi khó nói ra, sẽ giúp chúng ta cảm thấy an toàn khi đón nhận.

 

Bước tiếp theo trong việc học cách đón nhận là nhận ra những cách mà chúng ta đã quay lưng với sự tiếp nhận.

 

Một số ví dụ về việc quay lưng với sự đón nhận có thể là:

– Tôi chỉ nhận được điều gì đó từ người khác khi tôi cho trước

– Tôi trở nên căng cứng khi ai đó ôm tôi

– Tôi rút lui về mặt cảm xúc

– Tôi chuyển hướng sự chú ý khỏi mình bằng cách đổi chủ đề

 

Tôi cam đoan rằng danh sách các cách mà con người từ chối sự đón nhận là vô tận… Nếu bạn thấy mình khó khăn trong việc đón nhận, hãy tự hỏi:

 

“Tôi đã quay lưng với tình yêu và sự ủng hộ như thế nào?” và “Tôi đã tự phá hoại tình yêu như thế nào?”

 

Cũng quan trọng khi biết rằng: con người phải nhận được tình yêu bằng cách nào đó, và nếu chúng ta không thể đi qua cửa chính để nhận tình yêu, chúng ta sẽ tìm cách đi vào từ cửa sau, nghĩa là chúng ta tin rằng phải cho đi thì mới được nhận lại.

 

Một số ví dụ về việc cho để được nhận là:

– Chúng ta giúp người khác để được yêu

– Chúng ta ăn mặc đẹp nhất để được yêu

– Chúng ta đạt thành tựu để được yêu

– Chúng ta tỏ ra vô cùng tử tế để được yêu

 

Bạn đang làm điều gì để được yêu?

 

Khi chúng ta nhận ra vì sao mình không nhận ra tình yêu, vì sao mình không thể tiếp nhận tình yêu, và vì sao mình không thể giữ được tình yêu, thì bước tiếp theo là:

 

– nhận ra tình yêu

– tiếp nhận tình yêu

– và giữ lấy tình yêu.

 

Bước 1: Nhận diện tình yêu

 

Hãy dành thời gian suy ngẫm về tình yêu trong hình thức thuần khiết nhất của nó. Tình yêu trông như thế nào? Đối với những ai cảm thấy khó khăn trong việc nhận diện tình yêu, tôi gợi ý bạn đọc cuốn “The Five Love Languages (5 ngôn ngữ yêu thương)” của Gary Chapman. Hãy tưởng tượng bạn là một người quan sát chim, nhưng thay vì quan sát chim, bạn đang quan sát những biểu hiện của tình yêu, như thể bạn cần đếm và ghi nhận lại những biểu hiện đó.

 

Nếu muốn, bạn có thể nhờ người khác giúp mình nhận diện tình yêu. Đôi khi, việc có ai đó quan sát cuộc sống của bạn và chỉ ra “Đây là tình yêu” hay “Đó là tình yêu” sẽ giúp bạn thật sự thấy được nó.

 

Một thời gian trước, tôi có một người bạn đến thăm, và tôi nhờ cô ấy giúp tôi nhận ra tình yêu khi nó xuất hiện. Một lúc sau trong ngày, có người đến ôm tôi. Vô thức, tôi lại làm điều mà tôi luôn làm, là thu mình lại và phòng bị, nên tôi không thật sự đón nhận cái ôm đó. (Cô ấy thì thầm: “Đây là tình yêu!”). Nếu không nhờ câu nói đó, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nhận ra cử chỉ ấy là một hình thức của tình yêu, và tôi sẽ bỏ lỡ cơ hội đón nhận nó.

 

Bước 2: Đón nhận tình yêu

 

Khi đã nhận ra tình yêu, chúng ta cần có ý thức cho phép nó đi vào bản thể của mình. Để làm được điều này, ta có thể thực hành cảm nhận tình yêu bằng trải nghiệm thân thể. Hãy ở lại với cảm giác đó. Tôi thường nói về giá trị của việc ở lại với cảm xúc tiêu cực, nhưng việc ở lại với cảm xúc tích cực cũng quan trọng không kém.

 

Điều này có nghĩa là, khi ai đó thể hiện tình yêu với bạn, hãy trải nghiệm cảm giác đó trong cơ thể bạn. Bộ phận nào trong cơ thể bạn cảm thấy sẵn sàng tiếp nhận điều đó? Có thể lồng ngực bạn còn kháng cự, nhưng tay hoặc đầu gối của bạn lại sẵn lòng đón nhận. Hãy để cảm giác “đón nhận tình yêu” lan tỏa khắp cơ thể bạn. Khi đã nhận ra rằng tay bạn đang cảm thấy muốn đón nhận và sẵn lòng với tình yêu, hãy tưởng tượng rằng bạn đang lan tỏa cảm giác đó khắp toàn thân. Ở lại trong cảm giác sung túc ngọt ngào đó.

 

Hãy nhớ rằng càng cảm nhận cảm giác ấy lâu, nó sẽ càng in sâu vào não bạn, và việc đón nhận tình yêu sẽ càng dễ dàng hơn trong tương lai. Một cách khác để đón nhận yêu thương là hình dung bản thân đang thật sự đưa năng lượng đó vào trong cơ thể. Nếu ai đó tặng bạn một món quà, hãy nhắm mắt và tưởng tượng mình đang hấp thụ năng lượng đó. Nếu ai đó khen bạn, hãy hít một hơi sâu và tưởng tượng lời khen đó đang đi vào trong bạn. Nếu ai đó ôm bạn, hãy hình dung cái ôm đó lan tỏa sâu tới tận cốt lõi bản thể bạn.

 

Hãy lựa chọn phá bỏ rào chắn của chính mình, để cho tình yêu đi vào.

 

Một khía cạnh khác của việc đón nhận tình yêu là tìm ra “trải nghiệm còn thiếu” của bạn, và cho phép bản thân được nhận lấy điều đó. Việc này bắt đầu bằng một sự thật phổ quát, rằng bạn có thể nhận được điều bạn cần và mong muốn, rằng bạn xứng đáng được đáp ứng những nhu cầu đó.

 

(Tiện thể, một trong những điều tốt đẹp nhất bạn có thể làm cho người khác là nhận ra trải nghiệm nào trong cuộc sống họ đang thiếu, và trao nó cho họ.)

 

Có thể bạn đã lớn lên trong một gia đình không chấp nhận bạn như con người thật của mình, vậy thì “trải nghiệm còn thiếu” của bạn chính là cảm giác được chấp nhận đúng như con người bạn.

 

Một ví dụ khác: Tôi có thể thiếu trải nghiệm được người khác giúp mình đạt được điều gì đó. Hoặc tôi có thể thiếu trải nghiệm về sự vui chơi. Việc của bạn là tiến về phía những trải nghiệm bạn đang thiếu đó.

 

Hãy quan sát những người giỏi trong việc đón nhận tình yêu. Mở lòng đón nhận những quan điểm và cách nhìn mới về tình yêu, để bạn bắt đầu thay đổi định nghĩa của mình về nó. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc đón nhận, thì ý niệm về tình yêu có thể tương tự như ý niệm về chất độc. Chúng ta cần có một tâm trí cởi mở để tìm kiếm định nghĩa mới về tình yêu, để ta có thể mở lòng với nó. Việc này giúp ta gỡ rối tình yêu ra khỏi những gì không phải là tình yêu.

 

Một trong những cách hay nhất để học cách đón nhận tình yêu và hiểu sâu hơn về nó là quan sát trẻ con. Trẻ nhỏ vẫn đang sống trong trạng thái nơi mà việc cho và nhận yêu thương là điều tự nhiên và thuần khiết.

 

Bước 3: Giữ lấy tình yêu

 

Với một số người trong chúng ta, ngay cả khi tình yêu đã bước vào, dường như có những lỗ hổng dưới đáy bản thể, khiến tình yêu tuôn ra nhanh như khi nó đến. Khi cảm thấy không được yêu thương, chúng ta có xu hướng rút lui. Khi làm như vậy, ta đóng chặt khả năng đón nhận tình yêu, và mọi nguồn yêu thương từng tồn tại trong ta cũng cạn kiệt. Thay vì rút lui và cô lập bản thân khi cảm thấy tiêu cực, hãy tìm kiếm kết nối.

 

Đừng nói dối rằng “Tôi ổn”, hãy thể hiện bản thân.

Hãy luyện tập nghệ thuật cho phép mình trở nên dễ bị tổn thương. Việc này giúp đảm bảo rằng “bình chứa tình yêu” bên trong bạn sẽ không giống như một giếng nước giữa sa mạc Sahara.

 

Một phần trong việc giữ lấy tình yêu là phát triển khả năng tự hỗ trợ. Khi bạn học được cách tự trao tình yêu cho mình và hỗ trợ bản thân, bạn sẽ có một nguồn yêu thương bền vững để dựa vào.

 

Một vài ví dụ về “tự hỗ trợ”:

 

– Học cách yêu thương chính mình

– Vhăm sóc tốt cho cơ thể

– Sống thật với con người mình

– Xử lý cảm xúc và tìm hiểu sâu hơn

– Bao quanh bởi những người biết yêu thương và làm tăng giá trị bản thân

– Chủ động tìm kiếm sự trợ giúp (hãy nhớ rằng, việc tìm kiếm sự hỗ trợ là cách bạn đang giúp chính mình)

 

Một cách hiệu quả để giữ tình yêu lâu dài là học cách yêu thương nơi người khác những gì bạn ghét ở bản thân. Một điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi bạn học cách chấp nhận những điều bạn ghét ở bản thân, bằng cách chấp nhận chính những điều đó trong người khác.

 

Bạn bắt đầu mở lòng với ý niệm (dù ở tầng vô thức) rằng bạn không hoàn toàn đáng ghét, rằng bạn có thể, thực sự, đáng yêu. Và nhờ vậy, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc đón nhận tình yêu và giữ lấy nó lâu dài.

 

Hãy giữ những vật nhắc nhở về tình yêu ở gần bạn.

 

Khi ta không giỏi đón nhận và giữ tình yêu, ta thường phủ nhận tình yêu, như thể nó chưa từng thật sự tồn tại. Điều đó có nghĩa là, ngay khi ta chia tay với ai đó, ta liền vứt hết thư tình đi vì “nó không còn thật nữa”. Nhưng điều mà ta cần thừa nhận là: tình yêu đó là thật, ở khoảnh khắc ấy. Tình yêu không phải là giả dối.

 

Tình yêu không bị vô hiệu hóa bởi thời gian hay bởi hoàn cảnh thay đổi.

 

Điều gì nhắc bạn nhớ rằng bạn được yêu thương? Đó là một bức ảnh? Một vật phẩm? Một câu nói? Hãy giữ bất kỳ điều gì nhắc nhở bạn rằng bạn được yêu thương trong tầm mắt.

 

Hãy tìm bằng chứng rằng tình yêu không hiếm hoi và không biến mất. Có tình yêu nào trong cuộc đời bạn là vĩnh cửu không? Liệu có khả năng, nếu ai đó rút lại tình yêu, thì sẽ có người khác đến và trao cho bạn một tình yêu thậm chí còn tốt hơn?

 

Những người kháng cự việc đón nhận tình yêu thường sống trong trạng thái tuyệt vọng... và thiếu thốn. Ngay cả những người thiếu thốn lương thực hay nước uống trên hành tinh này cũng không đau khổ bằng những người bị thiếu thốn tình yêu. Bạn xứng đáng có một cuộc sống không thiếu thốn, đặc biệt là tình yêu.

 

Như nhà huyền học Sufi lừng danh – Rumi – đã từng nói:  “Nhiệm vụ của bạn không phải là đi tìm tình yêu, mà là tìm kiếm và phát hiện ra tất cả những rào chắn trong bạn mà bạn đã dựng lên chống lại tình yêu.”

 

Chúc bạn một tuần thật đẹp...

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=F6yiEuEYo3I

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.