Teal Swan Transcripts 127 - Tâm Linh 2.0 (Làm Sao Để Giải Phóng Bản Thân)

 

Teal Swan Transcripts 127


Tâm Linh 2.0 (Làm Sao Để Giải Phóng Bản Thân)

 

31-05-2014




OCV (Người phỏng vấn): Tôi đã nghe bạn nói trong các buổi phỏng vấn rằng cách để chấm dứt khổ đau là chấm dứt sự khổ đau bên trong chính mình. Làm thế nào để ta làm được điều đó?

 

Teal: [cười, gật đầu] Tôi nghĩ đó là câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta có thể đặt ra. Và tôi cho rằng... thực ra, câu trả lời cho câu hỏi đó chính là “Tâm Linh 2.0”.

 

Cho đến hiện tại, hầu hết các vị thầy tâm linh trên hành tinh này, bao gồm cả tôi, đều đang dạy về Tâm Linh 101.

 

Khi bạn nhìn vào nhân loại nói chung, bạn đang nhìn vào một nhóm người mang trong mình thái độ hoàn toàn bất lực. Họ không hiểu rằng chính họ tạo ra thực tại của mình. Họ không hiểu rằng họ có thể có được những gì họ mong muốn. Và vì vậy, tất cả nỗi đau này (tức là cảm giác bất lực) khiến cho bước tiếp theo một cách tự nhiên, chính là Tâm Linh 101, trở thành một sự chuyển động hướng về điều mình mong muốn. Đó là một chuyển động hướng đến những cảm xúc tích cực.

 

Giống như đang nói rằng: “Nhìn xem, thực ra bạn có sức mạnh đấy.” Đó là sự trao quyền. Đó là cho phép ai đó có được điều họ muốn. Đó là giúp họ hiểu rằng, với tư cách là một Đấng Sáng Tạo Toàn Năng, họ có thể tạo ra cuộc sống mà họ mong muốn.

 

Vì vậy, dù trong Tâm Linh 101, bạn có bắt đầu quen với bản thân mình, với những điều bạn muốn, với những suy nghĩ và cảm xúc thật sự của mình, thì nó vẫn là một chuyển động hướng ra bên ngoài, hướng đến điều bạn muốn có trong thế giới này.

 

Nhưng cách để chấm dứt khổ đau bên trong chính mình lại là một chuyển động ngược lại. Thay vì hướng ra thế giới, ta quay vào bên trong, hướng về chính mình.

 

Vì vậy, sự chuyển đổi lớn ở đây là: thay vì thông điệp là “Hãy theo niềm vui của bạn”, thì giờ là: “Đừng đi đâu cả”.

 

Thông điệp là: Hãy ngồi lại với chính mình, hoàn toàn, với tất cả những gì bạn đang cảm thấy. Đó là điều ngược lại với “Hãy đi theo niềm vui”. Đó là “Hãy để bản thân chìm sâu vào nỗi đau của mình”.

 

Và điều đó không phải là thứ mà hầu hết mọi người đã sẵn sàng đón nhận.

 

Nhưng nếu bạn quan sát sự tiến hóa này (trong mọi thứ, bạn có thể thấy một sự tiến triển), thì với một người đang ở trạng thái hoàn toàn bất lực và đau buồn, việc chuyển sang cảm xúc giận dữ là một bước tiến về mặt tần số rung động. Và cho đến khi họ bước vào cảm xúc giận dữ, họ không thể tiếp cận được những cảm xúc như được trao quyền hay niềm vui.

 

Với một người hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, bước vào trạng thái độc lập là một bước tiến về rung động, trước khi họ có thể đạt đến không gian của sự phụ thuộc lẫn nhau, vốn gần gũi với Nguồn hơn bao giờ hết.

 

Từ vị trí bạn đang ở, hoàn toàn bất lực trước cuộc đời mình, việc tiến đến một trạng thái của sự trao quyền cá nhân, và hướng đến những điều bạn muốn, là một bước đi vô cùng quan trọng. Trừ khi bạn cho phép mình đi theo điều mình mong muốn, bạn sẽ không thể bước sang cấp độ tiếp theo, đó là vượt lên trên cả sự mong muốn. Và đây chính là nơi mà rất nhiều vị thầy tâm linh đã thất bại, bao gồm cả Đức Phật. Những gì Ngài ấy cố dạy là phiên bản 2.0 trước khi con người sẵn sàng tiếp nhận. Cơ bản Ngài đang nói rằng: “Hãy ngừng mong muốn, vì mong muốn là cội rễ của khổ đau.”

 

Nhưng hôm nay tôi sẽ ngồi đây và nói với bạn rằng: đó không phải là cội rễ của khổ đau, mà là kết quả của khổ đau.

 

Tất cả mọi mong muốn đều là một chuyển động nhằm rời xa điều gì đó. Tất cả... tất cả... tất cả mong muốn đều được sinh ra để cố gắng giúp bạn tránh xa một cảm xúc mà bạn không muốn cảm thấy.

 

Tôi muốn được yêu vì tôi không muốn cảm thấy nỗi đau khi không được yêu. Tôi muốn có một căn nhà sang trọng để tôi không phải cảm thấy nỗi đau của sự nghèo đói.

 

Tất cả mọi mong muốn đều được tạo ra để thoát khỏi một cảm xúc nào đó. Vậy nên, về bản chất, mọi sự mong muốn đều là một dạng chuyển động duy trì khổ đau.

 

Cuối cùng, Tâm Linh 2.0 là sự vượt lên trên mọi sự mong muốn. Nhưng... bạn không thể vội vàng điều đó, đó mới là điều quan trọng.

 

Khi bạn có một vị thầy tâm linh như Đức Phật, bạn đang có một người từng sinh ra là hoàng tử. Ngài chưa từng sinh ra trong thái độ “thiếu thốn”. Chúng ta phải hiểu điều đó về Ngài, vì Ngài không đến từ một không gian của bất lực với thế giới, đến mức Ngài không biết rằng mình không thể có được điều mình muốn. Ngài lớn lên với tư tưởng “mọi thứ đều là của ta” – phụ nữ, tiền bạc, bất cứ điều gì. Mãi cho đến khi Ngài chứng kiến cái chết và sự đau khổ, Ngài mới bắt đầu cảm thấy tò mò. Vì vậy, khi Ngài xuất phát từ không gian như vậy, Ngài đã dạy mọi người về giá trị của việc buông bỏ mong muốn, buông bỏ sự bám víu vào thế giới bên ngoài.

 

Vấn đề là, với những người sinh ra trong nghèo đói, sinh ra mà không hề có khái niệm rằng họ có thể có được điều họ muốn (trong một tư duy thiếu thốn), bạn không thể khiến họ ngừng mong muốn những điều họ muốn.

 

Đây là điều quan trọng nhất cần hiểu về con đường thực hành tâm linh: Bạn không thể khiến ai đó ngừng mong muốn điều họ đang khao khát.

 

Điều đó có nghĩa là, nếu họ muốn hàng triệu đô la, thì bạn tốt hơn nên giúp họ đạt được điều đó, thay vì dạy họ ngừng mong muốn.

 

Vì thế, Tâm Linh 2.0 đã gây ra rất nhiều vấn đề khi nó cố áp đặt lên những người chưa sẵn sàng cho phiên bản 2.0, họ vẫn đang ở cấp độ 101.

 

Và đây là điều xảy ra khi bạn để ai đó đi theo điều họ muốn: họ có được điều họ muốn, rồi lại tiếp tục có được điều họ muốn, rồi lại tiếp tục...Và rồi, một điều tuyệt đẹp xảy ra. Họ nhận ra rằng: dù họ có muốn gì, dù họ có đạt được gì, dù cuộc sống họ thay đổi thế nào đi nữa... họ vẫn khốn khổ như cũ.

 

Tôi nghĩ đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà một người có thể trải nghiệm.

 

[nghẹn ngào]... [rơi nước mắt]

 

Nước mắt là sự giải phóng tự nhiên...Nó là sự giải phóng tự nhiên khi bạn hoàn toàn hòa hợp với sự thật của Vũ Trụ. Bạn không thể làm gì khác ngoài việc rơi nước mắt khi nghĩ về khả năng cuộc đời này sẽ trông như thế nào nếu...

 

….nếu con người học được cách giải phóng bản thân hoàn toàn.

 

Bạn không thể dạy ai đó cảm giác nhẹ nhõm khi họ biết thế nào là “không còn chạy trốn”.

 

Khi chúng ta chạy trốn khỏi cảm xúc của mình (và đó chính là điều ta đang làm mỗi khi ta mong muốn điều gì khác), chúng ta bỏ rơi chính mình...

 

... cuối cùng là chạy đến với các “mong muốn”...

... là không còn muốn cái Tôi...

... là không muốn điều đang là...

 

Vì vậy... Tâm Linh 2.0 là khi bạn bị vỡ vụn hoàn toàn – theo cách đẹp đẽ nhất có thể.

 

Không còn chuyển động… Vượt khỏi mong muốn… Không còn tự bỏ rơi bản thân nữa… Nhưng điều đó đòi hỏi một lòng dũng cảm rất lớn. Đó là lý do tại sao đây thực sự là câu trả lời mà mọi người vẫn tìm kiếm. Cách để chấm dứt khổ đau không phải là đi theo niềm vui, mà là bước thẳng vào tâm bão của chính nỗi khổ đau bên trong bạn.

 

Nó không giống một "quy trình". Nó giống như bạn bị đưa vào một cỗ máy mài đá, mọi góc cạnh, mọi khía cạnh thừa thãi trong bản thể của bạn sẽ bị mài mòn dần. Nó giống như địa ngục sống. Nhưng bạn sẽ phát hiện ra điều gì? Bạn phát hiện ra là thực ra chẳng có gì xảy ra cả... Thay vì có một điều gì đó được "làm" cho bạn, thì những thứ đó được gỡ bỏ. Khi chúng ta được "gỡ bỏ", ta trở về với bản chất thật sự của mình. Và chẳng còn gì để phải khổ đau nữa.

 

Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra: mọi khía cạnh của khổ đau mà chúng ta trải nghiệm trên hành tinh này không đến từ sự việc đó, mà đến từ sự kháng cự lại nó. Tại sao bạn cảm thấy đau khi bị xe đâm? Là vì bạn kháng cự lại cú đâm đó. Bạn kháng cự lại nỗi đau.

 

Vì vậy, cách để chấm dứt khổ đau trong bạn là đi thẳng vào những cảm xúc không thoải mái của bạn.

 

“Cho phép”, ở cấp độ 101, là: “Tôi sẽ cho phép mình cảm nhận niềm vui”, “Tôi sẽ đi theo hướng của niềm vui”.

“Cho phép”, ở cấp độ 2.0, là: “Tôi sẽ cho phép mình cảm nhận nỗi đau”.

 

Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi mở rộng trái tim mình hoàn toàn... với những cảm xúc mà tôi sợ cảm nhận nhất? Nếu tôi sợ cảm nhận những cảm xúc đó, thì liệu có phải là tôi đang sợ chính cuộc sống?

 

Chúng ta chỉ có thể gọi đây là “sống” khi ta thực sự cảm nhận được trải nghiệm này, và nếu ta không cho phép mình cảm nhận nó, bao gồm cả nỗi đau, thì ta đâu còn đang sống nữa.

 

Tâm linh 2.0 là khi ta ngồi trong những cảm xúc đó. Ta tan chảy vào chúng như bơ tan chảy, không cố thay đổi chúng.

Tâm linh 101 dạy ta thay đổi cảm xúc một cách có ý thức bằng tâm trí, vì điều đó có thể làm được. Đó là một sự trao quyền cho những ai chưa biết rằng mình có thể làm điều đó.

Tâm linh 2.0 là không thay đổi gì cả.

 

Bởi vì khi bạn nghĩ rằng mình cần phải thay đổi suy nghĩ hay cảm xúc của mình, rằng có điều gì đó cần "được chữa lành" hay "phải tốt hơn", thì bạn đã ngầm thừa nhận rằng có điều gì đó sai. Nó giống như đang nói rằng: “Cách mà tôi đang có, là không ổn.” Ngay khoảnh khắc bạn nói “Tôi muốn chữa lành”, bạn đang làm tổn thương chính mình.

 

Đó là lý do vì sao khi Tâm linh 2.0 trở thành hình thức tâm linh mới của chúng ta, thì Tâm linh 101 sẽ được buông xuống. Chữa lành là một khái niệm tuyệt vời cho cấp độ 101.

Nhưng với cấp độ 2.0, "chữa lành" không còn phục vụ ta nữa.

 

OCV: Nhưng ý bạn là người ta cần phải trải qua cấp độ 101 trước… để đến được 2.0?

 

Teal: Đúng vậy… rất nhiều người… đa số là như thế.

 

Rủi ro lớn nhất khi tôi tiết lộ rằng có một cấp độ thứ hai (và thậm chí có thể còn nhiều cấp độ hơn nữa) của tâm linh, đó là mọi người sẽ muốn nhảy vọt ngay lập tức, bởi vì con người thường đánh giá giá trị dựa trên "cấp độ" bạn đang ở đâu.

Nên sẽ có người nói: “Ồ, giờ thì Teal quay sang phản đối sự muốn, dù trước đây cô ấy ủng hộ việc đi theo mong muốn...”, và đó là một rủi ro lớn.

 

Lý do duy nhất khiến tôi nói về Tam linh 2.0 là vì bạn đã hỏi: “Làm thế nào để chấm dứt khổ đau?”

 

OCV: Có cách nào để biết rằng bạn tôi sẵn sàng cho 2.0 không?

 

Teal: Có... Hãy nói tôi biết bạn thực sự muốn điều gì.

 

OCV: Hạnh phúc, nhiều người sẽ nói vậy...

 

Teal: Tôi muốn biết bạn muốn gì...

 

OCV: Tôi muốn được hạnh phúc...

 

Teal: Đó là điều bạn muốn sao?

 

OCV: Ờm, tôi muốn... biết được mục đích sống... và…

 

Teal: Nhưng muốn thế thì không ổn!

 

OCV: Không ổn khi muốn có mục đích sống ư?

 

Teal: Ừ.

 

OCV: Vậy là... bạn đang nói rằng nếu tôi muốn điều đó, thì tôi đang nói rằng hiện tại là không ổn?

 

Teal: Bạn có nhận ra cảm xúc của mình lúc đó không? Khi tôi nói rằng mong muốn có mục đích sống là không phù hợp, bạn cảm thấy tệ. Điều đó có nghĩa là bạn chưa sẵn sàng cho 2.0.

 

Điều đó có nghĩa là vẫn còn những điều ngoài kia mà bạn muốn. Và điều đó không sao cả nếu một phần của bạn vẫn ở trong 101, và một phần đã bước vào 2.0. Nó không phải là một quá trình xảy ra ngay lập tức, mà là... Bạn sẽ biết rằng mình đã sẵn sàng cho Tâm linh 2.0 khi bạn nhận ra rằng: không có điều gì bạn làm, đạt được, hay cố gắng đạt tới, có thể khiến bạn hạnh phúc.

 

Bạn thấy không, khi bạn nhận ra rằng không có điều gì bạn đạt được, không có hành động nào bạn làm, không có mục tiêu nào bạn hoàn thành có thể khiến bạn hạnh phúc, thì... bạn chẳng còn gì để làm nữa. Bạn ngừng chạy trốn. Bạn ngừng di chuyển.

 

Hãy tưởng tượng thế này, đây là một hình ảnh rất hữu ích để hình dung cách làm dịu khổ đau: Khổ đau giống như một cơn lốc xoáy đang đuổi theo bạn từ phía sau. Cơn lốc xoáy ấy có thể là thiếu tiền, sống một cuộc đời không phải của mình, thiếu tự do... Dù là gì, mỗi người đều có một cơn lốc riêng.

 

Khi bạn nhận ra rằng không có điều gì bạn làm sẽ khiến bạn ngừng chạy, và không có nơi nào bạn đến mà cơn lốc ấy không còn đuổi theo, và rằng không có gì khiến bạn hạnh phúc lâu dài, bạn gần như sẽ thấy mình đã sẵn sàng để chết.

 

Và bạn quay người lại, lao thẳng vào cơn bão. Nhưng lao thẳng vào cơn bão không phải là một thái độ kháng cự. Không phải là kiểu: “Chết tiệt, tới đây đi, cơn bão!” - không phải năng lượng đó.

 

Năng lượng đúng là kiểu: “Được rồi…”. Là sự đầu hàng tuyệt đối. Là kiểu như bạn nhắm mắt lại và để cơn bão cuốn qua bạn.  Và đó chính xác là cảm giác của nhiều cảm xúc mà bạn đã kháng cự. Nó sẽ giống như bạn đang ngồi trong một thực tại nơi mọi thứ bên ngoài cố xé toạc bạn thành từng mảnh. Và bạn phải ở lại trong đó.

 

Bạn có biết khó đến mức nào để ở lại với cảm giác đó không? Bạn có biết khó thế nào để ngồi với cảm giác mà ta gọi là một cơn hoảng loạn?

 

Nhưng rồi lần đầu tiên bạn nhận ra rằng: khi bạn không còn kháng cự lại nó, nó sẽ đi qua bạn, và không chỉ là bạn vẫn ổn sau đó, mà bạn trở nên tốt hơn. Nó để lại cho bạn cảm nhận đầu tiên về sự bình yên nội tâm. Và rồi bạn sẽ không bao giờ quay lại được nữa.

 

OCV: Và khi bạn nói đó là một rủi ro lớn đối với những người làm vậy, bạn có ý gì?

 

Teal: Đó chính là cảm giác của nó.

 

Bạn thấy đấy, Vũ trụ biết rằng nếu bạn không kháng cự, thì nó không thể làm bạn đau. Những võ sư vĩ đại nhất của thời đại chúng ta sẽ nói với bạn rằng, bạn có thể bẻ cong thực tại không-thời gian theo cách này. Bằng cách không kháng cự lại viên đạn, nó sẽ không thể xuyên qua làn da của bạn.

 

Nhưng, từ góc nhìn của chúng ta, điều đó trông như một rủi ro cực độ, và cảm giác cũng sẽ đúng y như vậy. Nó sẽ giống như bạn đang tự nguyện nhảy vào một vùng nước đầy cá mập.

 

Nhiều người sẽ nói: “Nhưng trong phiên bản 101, bạn từng nói với chúng tôi là hãy ‘làm theo Hệ thống Hướng dẫn Cảm xúc’ mà!” - “Vậy sao lại đi về phía những cảm xúc tồi tệ?”

 

Điều thú vị là, chúng ta không sinh ra với sự ác cảm tự nhiên đối với việc cảm nhận cuộc sống. Chúng ta không đến đây và tự nhiên kháng cự những điều đó...Chúng ta được dạy phải kháng cự.

 

Lần đầu tiên bạn khóc và bố mẹ nói “Đừng khóc nữa!”, bạn bắt đầu kháng cự lại cảm xúc của mình. Đó là sự xã hội hóa.

 

Chúng ta cũng phải hiểu rằng mình đã đến đây sau hết kiếp này đến kiếp khác, luôn cố gắng khám phá sự mở rộng của Vũ trụ, luôn cố gắng hiểu mình là ai, Nguồn là gì... Khi Nguồn đến một điểm mà nó ngừng tìm kiếm ở bên ngoài (một ảo ảnh thôi, vì nó không thể tìm bên ngoài, bởi chẳng có gì tồn tại ngoài Nguồn), thì nó bắt đầu quay về tìm kiếm bên trong.

 

Vậy nên, nó gần như là: “Hãy mở rộng ra… rồi bây giờ, hãy quay về với Sự Hợp Nhất…” Nhưng sự quay về với Hợp Nhất ấy chính là việc hoàn toàn ở bên bản thân mình. Và đây là điều thú vị, chúng ta cố tránh né chính mình và liên tục bỏ rơi bản thân, trong khi làm những điều ta nghĩ là tốt cho mình. Mỗi lần bạn cố cảm thấy “tốt hơn”, là bạn đang chống lại chính mình. Bạn đang bỏ rơi cách mà mình đang có. Bạn đang từ bỏ bản thân mình, đặc biệt là khi bạn không cảm thấy một cảm xúc tích cực.

 

Và… một điều rất thú vị bắt đầu xảy ra. Lần đầu tiên bạn quyết định mình không muốn ở trong cơ thể này, không muốn hiện diện trong bản thân mình, không muốn cảm nhận một cảm xúc tiêu cực, thay vì trải nghiệm nó… (trải nghiệm có nghĩa là: “Tôi cảm thấy cảm xúc tiêu cực này, nhưng thay vì đón nhận nó, tôi hút thuốc để cảm thấy khá hơn”, hoặc “Tôi đi chạy bộ để cảm thấy khá hơn”). Mỗi lần bạn cố gắng cảm thấy khá hơn, là bạn đang chạy trốn khỏi cảm xúc đó. Về bản chất, bạn đã bỏ rơi chính mình. Khoảnh khắc bạn làm điều đó, bạn trở nên “vỡ vụn”.

 

Bạn đã tách lìa khỏi bản thân. Chìa khóa duy nhất để trở nên toàn vẹn trở lại là tái tích hợp những mảnh vỡ đó của chính mình. Điều đó có nghĩa là bạn phải trải nghiệm lại, và cảm nhận lần đầu tiên, những cảm xúc mà bạn từng không cho phép bản thân cảm nhận. Lần đầu tiên bạn nói: “Tôi không muốn cảm thấy điều này ngay lúc này”, và bỏ rơi bản thân vào thời điểm đó, bạn đã nói rằng: “Tôi chỉ ở bên bản thân khi tôi cảm thấy tốt mà thôi.” Vậy nên, bạn đã sẵn sàng bước vào cuộc đua chưa? Cuộc đua thực sự của những người thực hành tâm linh trong chúng ta là:

 

“Tôi muốn cảm thấy tốt hơn,”

“Bởi vì khi tôi cảm thấy hạnh phúc, tôi sẽ trở nên toàn vẹn,”

“Vì đó là lúc duy nhất tôi sẽ đồng hành cùng bản thân mình.”

 

Đó là Phiên bản 101.

 

Phiên bản 2.0 nói rằng: “Khoan đã… Nếu tôi muốn sự toàn vẹn, tôi muốn Sự Hợp Nhất, đó là điều tôi thực sự khao khát.”

Và Hợp Nhất, (vốn là sự phản chiếu của Hợp Nhất Vũ Trụ) chính là hợp nhất với chính mình…

 

Thay vì cố gắng cảm thấy tốt để cuối cùng có thể ở bên bản thân (bởi vì đó là lúc duy nhất tôi muốn hiện diện với mình, khi tôi thấy tốt), sao không thử: Hãy hoàn toàn hiện diện với cảm xúc của tôi, kể cả khi nó thật tồi tệ, và rồi tôi đã trọn vẹn, ngay tại đây và ngay bây giờ, bất kể tôi cảm thấy như thế nào?

 

Đó là điều bạn từng mong muốn từ cha mẹ. Chúng ta muốn từ cha mẹ một tình yêu vô điều kiện, nhưng điều chúng ta nhận được là: “Chúng tôi chỉ yêu bạn khi bạn đang… cảm thấy vui vẻ…”

 

Có bao nhiêu người trong các bạn, thật lòng mà nói, từng có cha mẹ yêu thương bạn trong những cảm xúc tiêu cực? Phần lớn chúng ta đều bị lên án vì những cảm xúc tiêu cực của mình.

 

Vậy thì sao nếu, lần đầu tiên trong đời, bạn chính là người ở bên bạn, bất kể điều gì xảy ra, không điều kiện?

 

Đó là điều chúng ta đã cầu xin từ Vũ Trụ suốt một thời gian dài. Nếu bạn đang cố cảm thấy tốt để cuối cùng có thể hiện diện với bản thân trong cuộc sống, bạn đang làm với chính mình điều mà cha mẹ từng làm với bạn… và xã hội cũng thế…

 

Rồi bạn sẽ phát hiện ra những điều rất thú vị… Việc đi theo hướng của “nhu cầu” là hữu ích, kể cả khi bạn cần người khác.

Như tôi từng nói, điều đó vẫn là một bước tiến từ chỗ hầu hết mọi người đang đứng, chỗ mà họ chối bỏ nhu cầu của chính mình. Một người đang chối bỏ nhu cầu của mình, cần phải… cho phép bản thân được đáp ứng điều mình cần, kể cả nếu điều đó đến từ người khác. Đó là Tâm linh 101.

 

Bước tiếp theo là, một khi bạn cho phép mình làm điều đó, bạn sẽ nhận ra: “Bất kể tôi cố lấy điều đó từ người khác bao nhiêu lần, nó chẳng bao giờ khiến tôi thấy trọn đầy, vì tôi chưa từng cho điều đó cho chính mình.”

 

Vậy thì… Phiên bản 2.0 không phải là cảm giác cô đơn. Thay vào đó, nó giống như… một bước tiếp theo… một sự trao quyền… đang gọi bạn theo hướng này:

 

“Được rồi, tôi cần trao cho chính mình điều tôi cần.”

“Thứ mà tôi đang cố gắng lấy từ bên ngoài, không hiệu quả, bất kể tôi có được bao nhiêu đi chăng nữa.”

 

Đó chính là lúc bạn biết mình sẵn sàng xoay chuyển mọi thứ, và nói: “Tôi đã cố lấy tất cả điều này từ người khác, bây giờ, hãy làm điều đó cho chính tôi.”

 

Bước đầu tiên là: Đừng cố gắng cảm thấy tốt chỉ để người khác yêu bạn.

 

Vậy, Yêu Bản Thân nghĩa là gì? Bạn từng muốn gì từ cha mẹ? - Điều bạn muốn khi bạn đang khóc là họ hiện diện cùng bạn. Không phải cố gắng xua tan cảm xúc, không phải phủ nhận nó, không phải cố làm nó biến mất. Cố làm cảm xúc thay đổi, tức là cố làm bạn thay đổi.

 

Điều bạn muốn là ai đó hoàn toàn hiện diện cùng bạn và cùng cuộc sống của bạn. Đó chính xác là điều Đức Phật đã làm khi ngồi dưới cội Bồ đề.

 

Điều tôi đang nói đến ở đây, cách để chấm dứt đau khổ, là Vipassana, nhưng là Vipassana cảm xúc, chứ không phải Vipassana tinh thần. Là sự không còn chạy trốn khỏi chính mình, là hoàn toàn ở cùng bản thân, không có bất kỳ điều kiện nào.

 

Không có điều kiện để thay đổi cảm xúc. Tôi không làm điều này để cảm thấy khá hơn. Tôi hoàn toàn hiện diện với bản thân, ngay cả trong những cảm xúc tiêu cực, và cảm nhận mọi khía cạnh của chúng. Bởi vì đó là điều duy nhất cần làm, vì đó là sự thật duy nhất, vì đó là tất cả những gì tồn tại, vì đó là Hiện Tại.

 

Chúng ta không thể chạm tới khoảnh khắc hiện tại nếu chưa học được cách làm điều này. Đó là lý do tôi bật cười khi thấy người ta cố dạy nhau cách sống trong hiện tại, điều đó là không thể… Và nó cũng là một cách “trốn chạy” nữa đấy.

 

Bạn thấy không, chúng tôi đang cố dạy bạn, và… cái điều tối thượng của Tâm linh chính là Tính Xác thực. Đó là điều bạn học được trong Hành trình này. Tâm linh tối thượng là tính xác thực, hạnh phúc thậm chí không chạm tới gót chân của tính xác thực.

 

Khi bạn đạt được tính xác thực ấy, bạn đang ở trong một trạng thái tuyệt vời, nơi bạn hoàn toàn hiện diện với Hiện Tại. Nhưng bạn không thể “dẫn” người khác đến đó. Đây là điều quan trọng để nhận ra.

 

Nếu tôi nói với bạn: “Hãy đến với khoảnh khắc hiện tại, cảm nhận cảm xúc của bạn đi…”

 

Bạn biết tôi đang làm gì không? - Tôi đang dạy bạn cách tránh xa chính mình.

 

Vì tại sao chúng ta lại dạy người khác trở về với hiện tại? - Để họ không phải cảm thấy những cảm xúc tiêu cực đang tồn tại trong họ.

 

Chúng ta dạy họ rằng: “Đó là kết quả của việc tâm trí bạn trôi lạc vào những câu chuyện, đó là lý do bạn cảm thấy tệ. Vậy nên, hãy quay về hiện tại.”

 

Bạn biết điều gì vừa xảy ra không? - Bạn vừa trốn tránh chính mình. Những cảm xúc tiêu cực ấy đang ở cùng bạn, đó mới là Hiện Tại. Và bạn vừa trốn khỏi nó bằng cách đi vào cái gọi là “Hiện Tại”.

 

Cho đến khi bạn cho phép bản thân cảm nhận… mọi thứ… (Ý tôi là hoàn toàn cảm nhận tất cả, bao gồm những cảm xúc bị kìm nén từ thời thơ ấu, và những ký ức bị đè nén trong quá khứ), bạn sẽ không bao giờ thực sự hiện diện.

 

Và đây là lý do: Tất cả mọi người trên Trái Đất đều mắc PTSD (Hội chứng căng thẳng sau sang chấn).

 

Tất cả.

 

Ngay cả khi bạn có cha mẹ “tuyệt vời”, bạn vẫn có PTSD. Và điều về PTSD là, nó tự chiếu hiện vào Hiện Tại, khiến bạn không thể trải nghiệm được hiện tại. Và cho đến khi bạn ngồi xuống với điều đó, với thứ bạn từng kìm nén…Đó chính là PTSD.

 

Ở một mức độ nào đó, tôi đã tách lìa khỏi bản thân và kìm nén việc trải nghiệm những điều này, đó là lý do tại sao nó tràn vào hiện tại của tôi, vì nó đang cố gắng được tích hợp lại. Nó không thể tích hợp vào thời điểm trước, vì quá sức chịu đựng, tôi đã trốn khỏi bản thân…Bây giờ, nó đang cố gắng tích hợp.

 

Nếu bạn không cho phép điều đó xảy ra, bạn sẽ không bao giờ trải nghiệm được Hiện Tại. Vậy nên, ngay cả khi chúng ta cố giúp người khác “đến với Hiện Tại”, chúng ta đang thúc ép họ quá mức.

 

Hiện Tại không phải là thứ bạn có thể “làm ra”, mà là một sự “gỡ bỏ”. Hiện Tại là kết quả tự động của quá trình không bao giờ bỏ rơi chính mình, không còn trốn khỏi bản thân, hoàn toàn quay vào trong, ở bên chính mình trong toàn bộ bản thể, bất kể điều đó xấu xí hay đẹp đẽ thế nào.

 

Hiện Tại chỉ đơn giản là “Hiện Hữu”.

 

Trong những khoảng lặng giữa việc trải nghiệm và thực sự cảm nhận những gì bạn từng không cho phép mình cảm nhận, bạn sẽ có những khoảnh khắc bình an, mà trước giờ bạn chưa từng biết đến.

 

Đủ những khoảnh khắc như vậy, thì bạn sẽ không còn Khổ Đau nữa.

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=UvglEmkhpzY

 

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.