Teal Swan Transcripts 126 - Làm Cha Mẹ 101

 

Teal Swan Transcripts 126


Làm Cha Mẹ 101

 

29-05-2014






Hôm nay chúng ta sẽ nói về chủ đề Làm Cha Mẹ. Tôi nhận được rất nhiều câu hỏi qua email từ các bậc cha mẹ, rằng: “Làm sao tôi có thể nuôi dạy con cái mình hài hòa với đời sống tâm linh, hài hòa với Năng Lượng Nguồn?” Vì vậy, tôi muốn nói với tất cả các bậc cha mẹ ngoài kia rằng: Hãy tha thứ cho chính mình, bởi vì không ai có thể nuôi dạy con cái một cách hoàn hảo.

 

Và nếu có ai đó bảo bạn rằng việc làm cha mẹ là dễ dàng, thì họ đang tự lừa dối chính mình. Và rồi, tất cả các bạn sẽ có những đứa con mà mình cần có... Chúng ta thường mắc sai lầm với tư cách là cha mẹ, rất nhiều sai lầm, là chúng ta nhìn con trẻ như những sinh linh ngây thơ, chưa từng trải; chúng ta không nhìn thấy bản chất của chúng, những Đấng Sáng Tạo Vĩnh Hằng. Chỉ vì bạn đến với cuộc đời này trước chúng không có nghĩa là chúng khác biệt với bạn. Bạn đến đây để giúp cho thực tại 3 chiều này đóng góp vào sự Mở Rộng của chính bạn. (và đó cũng là điều chúng đang làm).

 

Chúng ta thường xem mình là “nguồn sung túc duy nhất” của con, là cái kênh duy nhất mà mọi điều tốt đẹp sẽ chảy đến với chúng. Và chúng ta khiến con tin (hoặc chính bản thân ta tin) rằng hành động và cách cư xử của chúng là yếu tố quyết định hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta cũng thường nhìn con như là “của mình” thay vì là “những đứa trẻ thuộc về Vũ Trụ”.

 

Bốn điều vừa kể trên là những sai lầm lớn nhất mà chúng ta mắc phải khi làm cha mẹ. Chúng ta thay thế vai trò của Vũ Trụ, vai trò mà lẽ ra Vũ Trụ phải đảm nhận, bằng chính chúng ta, và... chúng ta hành xử trong cuộc đời của con như thể mình là thần thánh. Nhưng chúng ta không được sinh ra để trở thành thần thánh trong đời con, chúng ta sinh ra để trở thành người hướng dẫn của chúng.

 

Con cái của bạn là những Đấng Sáng Tạo đầy quyền năng, cũng giống như bạn, đã đến và rời khỏi cuộc sống này, hết lần này đến lần khác. Chúng đến đây để học hỏi từ cuộc đời. Và trải nghiệm giữa Cha Mẹ và Con cái chỉ là một phần trong toàn bộ tiến trình học hỏi đó. Thực ra, nhiệm vụ của bạn với tư cách là cha mẹ không phải là để “dạy dỗ”, “mặc quần áo”, “cung cấp chỗ ở” hay “cho chúng ăn”. Làm những điều đó cho con bạn khiến bạn cảm thấy vui, và đó là dấu hiệu rằng hành động ấy đang hài hòa, nhưng đó không phải là lý do bạn hiện diện ở đây trong vai trò là cha mẹ chúng.

 

Có một câu nói cực kỳ tuyệt vời thế này:

 

Nêu gương không chỉ là một trong những cách dạy, mà là CÁCH DUY NHẤT để dạy.”

 

Chỉ khi chúng ta ở trong trạng thái Hài Hòa thì ta mới có khả năng dạy con những điều mang lại lợi ích cho chúng, thay vì tổn hại chúng. Khi ta không ở trong trạng thái Hài Hòa, ta sẽ dạy con cách sống lệch khỏi Niềm Vui, Tự Do và Bản Thể Chân Thật của chính chúng. Người nào sống trong trạng thái Hài Hòa với Hệ thống Dẫn dắt nội tại, với Niềm Vui, với Tự Do, và với Bản Thể Chân Thật của chính mình, thì chính người đó sẽ là người hướng dẫn đứa trẻ sống y như vậy.

 

Và vì thế, đứa trẻ sẽ đưa ra quyết định trong cuộc đời mình dựa trên trạng thái Hài Hòa, chứ không phải dựa trên một khái niệm nào khác mà chúng ta đã áp đặt thay cho sự Hài Hòa. Đây chính là sự khác biệt giữa một đứa trẻ 16 tuổi sẽ bước vào chiếc xe với đám bạn đang say xỉn, và một đứa trẻ khác, vì tin tưởng vào Hệ thống Dẫn dắt bên trong của mình, đã không bước vào chiếc xe đó và do đó... không chết. Nếu bạn dạy con giữ sự Hài Hòa với Hệ thống Dẫn dắt nội tại của chúng, và dạy chúng tìm đến Tự Do thay vì Nổi loạn, thì con bạn sẽ đưa ra quyết định dựa trên điều gì đúng với chính mình, mà đó là điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho con.

 

Đừng kỳ vọng rằng hành vi của con cái bạn sẽ là nền tảng cho hạnh phúc (hay bất hạnh) của bạn.

 

Bởi vì nếu bạn làm thế, bạn đang khiến chúng tin rằng hạnh phúc trong đời phụ thuộc vào người khác. Và bạn cũng khiến chúng tin rằng chúng phải có trách nhiệm với hạnh phúc của người khác. Điều đó, ngay tại đây, chính là công thức hoàn hảo để tạo ra một người lớn luôn cảm thấy bất hạnh. Mà nếu nhìn thẳng vào sự thật, tất cả những gì chúng ta thực sự muốn cho con mình, là chúng lớn lên và sống một cuộc đời hạnh phúc.

 

Những ai nuôi dạy con cái dựa trên hệ thống “Thưởng và Phạt”, chính là nguồn gốc tạo nên xã hội như hiện nay: một hệ thống dựa trên hình phạt. Chúng ta đang dạy con (và những người trưởng thành tương lai) rời xa sự Hài Hòa, để rồi rơi vào Kháng Cự và Nổi Loạn... Và bạn không thể, không bao giờ có thể, trừng phạt một người để đưa họ đến với Sự Lành Mạnh. Bạn không thể trừng phạt ai đó để đưa họ đến trạng thái Hài Hòa. Bạn không thể trừng phạt một người để họ trở nên “tốt”.

 

Đó là những mâu thuẫn về mặt rung động. Không thể nào trừng phạt một người để họ hành xử theo cách tốt đẹp nhất cho chính họ về lâu dài. Điều đó chỉ dạy cho người ta cách đánh mất kết nối với Hệ thống Dẫn dắt bên trong của chính mình.

 

Vậy, làm sao để chúng ta làm cha mẹ một cách đúng đắn?

 

Tôi sẽ đưa cho bạn một danh sách những điều Nên Làm và Không Nên Làm.

 

Điều Không Nên Làm quan trọng nhất trong việc làm cha mẹ là: – ĐỪNG tước đi Khái niệm Bản thân (Self-concept) của con bạn.

 

Vậy làm thế nào mà ta lại vô tình tước đi Khái niệm bản thân của con?

 

#1: Ta tìm lỗi và chỉ trích con.

 

#2: Ta làm hết mọi thứ cho con.

 

Hãy để con được tự đưa ra quyết định. Ta không thể nghĩ thay cho con và hy vọng rằng sau này chúng sẽ trở thành những người trưởng thành có thể vận hành tốt và tạo ra một xã hội lành mạnh. Đừng nhầm lẫn giữa “Hậu quả” và “Hình phạt”, và đừng thay Hậu quả bằng những bài giảng dài dòng và lời đe dọa.

 

Để hiểu rõ sự khác biệt giữa Hậu quả và Hình phạt, tôi sẽ đưa ra một tình huống:

 

- Giả sử một đứa trẻ 3 tuổi đang chơi với chiếc xe tải đồ chơi. Rồi nó chạy chiếc xe  đó va vào thú cưng trong nhà (chẳng hạn một con mèo hay con chó). Một người cha mẹ hiểu cách tạo ra Hậu quả thay vì Hình phạt sẽ nói điều gì đó như: (với sự đồng cảm)

 

“Ồ, buồn thật đấy... Có vẻ như chiếc xe tải không còn nữa rồi...”

 

Sau đó, họ sẽ cúi xuống, lập tức nhặt chiếc xe và để nó ra ngoài tầm với của đứa trẻ. Họ sẽ không thêm vào bất kỳ lời giảng dạy hay khiển trách nào.

 

Họ để đứa trẻ học từ hậu quả của hành động của mình.

 

Còn một người cha mẹ sử dụng Hình phạt sẽ nổi giận với đứa trẻ. Họ có thể sẽ tịch thu xe, hoặc không, nhưng họ sẽ đặt đứa trẻ vào “góc phạt”. Họ sẽ biến tình huống này thành một cuộc đối đầu giữa Cha mẹ và Đứa trẻ, thay vì để đứa trẻ học từ hậu quả của việc chạy xe va vào thú cưng.

 

Đừng cứu con khỏi vấn đề của chúng. Làm vậy chính là tước đi Tự Do của chúng, tước đi khả năng học hỏi từ mọi việc. Chúng ta có một cơ hội rất đặc biệt khi đứng trước các vấn đề, đó là giúp con học cách tự mình giải quyết. Điều đó sẽ xây dựng một Khái niệm Bản ngã tuyệt vời cho con bạn.

 

Nhiều bậc cha mẹ đầy yêu thương thường hay bước vào, và kiểu như... giải quyết tất cả vấn đề cho con. Họ làm thay hết mọi chuyện. Và rồi đứa trẻ lớn lên, bắt đầu oán giận cha mẹ và không thể tự giải quyết vấn đề của chính mình trong cuộc sống. Chúng ta có thể giúp con giải quyết vấn đề, nhưng không nên giải quyết thay chúng.

 

Đừng đưa ra Hậu quả trong cơn giận. Bởi vì nếu bạn làm vậy, điều đó chỉ biến vấn đề thành một cuộc chiến giữa Cha mẹ và Đứa trẻ, thay vì để con học hỏi từ Hậu quả thực tế của hành động mà chúng đã gây ra.

 

Trẻ đến với cuộc đời này, và ngay từ những ngày đầu tiên, chúng đã học được điều này: “Nguyên nhân & Kết quả.”

 

Lợi ích của việc để trẻ hiểu điều này trong thế giới 3 chiều là rất lớn. Và việc tước đi cơ hội hiểu biết ấy không hề mang lại lợi ích gì cho trẻ.

 

Đừng cho rằng em bé của bạn còn quá nhỏ để hiểu. Trẻ học ngay từ những giây phút đầu tiên. Rất thường xuyên, chúng ta nhìn vào một đứa bé khoảng 6 tháng tuổi và nghĩ:

 

"Ồ, nó còn quá nhỏ để hiểu điều này", "chưa đến lúc đặt ra giới hạn cho nó."

 

Và chính suy nghĩ đó là một sai lầm lớn, vì bạn đang đặt nền móng, trước cả khi trẻ đến tuổi tập đi, cho cách trẻ kỳ vọng vào người lớn, cách trẻ nghĩ rằng chúng có thể "qua mặt" người lớn ra sao, và cảm giác an toàn của trẻ trong thế giới này.

 

Tôi muốn chen vào đây một chút để nói về phương pháp Ferberizing. Nhiều người trong số các bạn chắc đã biết phương pháp nuôi dạy con theo kiểu Ferber, về cơ bản là khái niệm cho rằng trẻ sơ sinh, ngay từ đầu, học được cách thao túng người lớn. Chúng ta không đang nói về trẻ 2 tuổi, 3 tuổi hay 4 tuổi, mà là những đứa trẻ vừa mới sinh ra và học được rằng: nếu chúng khóc và bạn đến bên cạnh chúng, thì chúng có thể thao túng bạn.

 

Từ góc nhìn của Nguồn, phương pháp Ferberizing là điều gây tổn hại nhất từng được tạo ra trong lĩnh vực nuôi dạy trẻ.

 

Trước độ tuổi khoảng... 1 tuổi, trẻ chỉ khóc vì một lý do duy nhất: chúng có nhu cầu. Và nếu bạn không đáp ứng nhu cầu đó, dù là được vỗ về, được cho ăn hay được thay tã, thì bạn đang phá vỡ hệ thống niềm tin và sự tin tưởng giữa bạn và con. Ferberizing con bạn chính là điều TỒI TỆ NHẤT bạn có thể làm đối với sự tin tưởng của một đứa trẻ trên hành tinh này.

 

Là cha mẹ, bạn sẽ ngày càng dễ nhận ra sự khác biệt giữa một đứa trẻ khóc vì nhu cầu thật sự (nhu cầu mà bản thân trẻ không thể tự đáp ứng) và một đứa trẻ khóc để thao túng, hai dạng năng lượng hoàn toàn khác nhau. Và bạn cần tin tưởng vào bản thân đủ để nhận biết được sự khác biệt ấy, bởi là cha mẹ, bạn biết rõ điều đó.

 

Chúng ta được sinh ra với mức độ phát triển cực kỳ thấp. Bản chất của con người khiến cho trẻ sơ sinh không thể chui lọt qua ống sinh nếu được phát triển đầy đủ như hầu hết các loài động vật khác. Đó là lý do vì sao khi được sinh ra, chúng ta vẫn thiếu ba tháng phát triển. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn không có khả năng tự đáp ứng nhu cầu của bản thân cho đến khi khoảng 3 tháng tuổi, và kể cả khi đó, như bạn sẽ biết nếu từng nuôi con, vẫn còn vô vàn nhu cầu khác mà trẻ không thể tự lo liệu.

 

Đừng trở thành tấm thảm chùi chân hay một kẻ độc tài đối với con bạn. Điều bạn nên làm là trở thành người hướng dẫn. Người luôn giải cứu con khỏi mọi rắc rối và người luôn ra lệnh, bắt con tuân thủ, cả hai đều tước đoạt khái niệm về bản thân của đứa trẻ và khiến trẻ cảm thấy bất lực.

 

Và như bạn biết, tôi đã nói rất nhiều về việc bất lực chính là vấn đề số 1 của xã hội hiện nay. Đó là nguyên nhân đằng sau mọi xung đột cá nhân, giữa các mối quan hệ, và thậm chí là các cuộc xung đột trên thế giới.

 

Và giờ, chúng ta đến với một điểm cuối cùng, cũng là một trong những điểm "Không nên" quan trọng nhất khi nuôi dạy con: Đừng gieo vào đầu con những niềm tin vô ích.

 

Một trong những món quà tuyệt vời nhất khi có con chính là bạn buộc phải nhìn lại hệ thống niềm tin của chính mình, cả những niềm tin giới hạn lẫn những niềm tin hữu ích. Bạn không thể dạy con tin vào một điều gì đó nếu chính bạn không tin vào điều đó.

 

Nếu bạn muốn con mình tin rằng chúng có thể làm điều gì đó, bạn không thể cứ lặp đi lặp lại: “Con không làm được đâu”, “Cái này không dành cho con”. Nếu bạn cứ lặp lại điều đó, bạn đang tạo dựng một hệ thống niềm tin cho trẻ rằng: “Tôi không thể.”

 

Chúng ta đang đặt nền móng cho hệ thống niềm tin của trẻ kéo dài đến khi trưởng thành, vì thế, bạn chỉ nên truyền cho trẻ những niềm tin hữu ích. Và điều cốt lõi là: muốn truyền một niềm tin hữu ích, bạn phải thật sự tin vào nó.

 

Bạn không thể nói với con một điều rồi lại thể hiện hoàn toàn ngược lại. Ví dụ: bạn nói “Con là người tạo ra sự giàu có của mình”, nhưng cha mẹ (chính bạn) lại luôn thể hiện rằng “Tiền không mọc trên cây”. Bạn đang sở hữu một món quà khi có con, bởi khi bạn buột miệng thốt ra những niềm tin vô ích, bạn có cơ hội để xem xét lại chúng. Và khi bạn nhận ra chúng không hữu ích, bạn có thể thay đổi.

 

Niềm tin và Khát vọng phải rung động cùng một tần số thì mới có thể tạo ra sự hiện thực. Vì vậy, không đủ nếu bạn chỉ nuôi dưỡng khát vọng trong con mà không nuôi dưỡng niềm tin. Bạn cần nuôi dưỡng khát vọng và đồng thời giúp con tin tưởng vào khát vọng đó, để chúng có thể trở thành người kiến tạo cuộc sống của chính mình.

 

Và vì tôi thích kết thúc bằng những điều tích cực, dưới đây là danh sách những điều nên làm khi nuôi dạy con: Điều quan trọng nhất bạn có thể làm cho con là xây dựng một tự nhận thức tích cực và lành mạnh, và giúp con phát triển nhận thức đó.

 

#1: Hãy để trẻ suy nghĩ.

 

Thường thì, khi trẻ gặp phải tình huống nào đó, chúng ta nói cho chúng nên nghĩ gì thay vì để chúng tự suy nghĩ.

 

Giả sử con trai hay con gái bạn muốn đi học với đôi dép đi trong nhà. Thay vì nói: “Ý tưởng đó dở quá, đi thay giày đi”, bạn đang tước đi khả năng suy nghĩ của trẻ.

 

Bạn có thể chơi một trò chơi kiểu: “Con nghĩ đôi dép này có ổn để chơi ở giờ ra chơi không?” Và để trẻ tự suy nghĩ. Nếu trẻ nói “Có chứ, con nghĩ dép sẽ ổn mà”, thì bạn phải học cách buông bỏ và để con tự trải nghiệm vì sao dép không phù hợp để chạy nhảy ở sân trường.

 

Nhưng khả năng cao là trẻ sẽ ngồi suy nghĩ một chút rồi chủ động thay giày, bởi bạn đã cho con cơ hội suy xét hệ quả của việc đi dép đến trường. Hãy tận dụng mọi cơ hội để giúp trẻ suy nghĩ độc lập, điều đó sẽ đặt nền móng cho một cuộc sống trưởng thành thành công.

 

#2: Hãy để trẻ học từ chính những lựa chọn của mình, dù là đúng hay sai.

 

Không có lựa chọn sai, không có thất bại, vì người thành công luôn biến lựa chọn sai và thất bại thành trí tuệ. Vì vậy, chúng ta không thể biến những lựa chọn sai thành “kẻ thù”.

 

#3: Hãy để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình.

 

Chúng ta có thể giúp bằng cách đưa ra gợi ý, nhưng hãy để quyền quyết định ở trẻ, để giúp trẻ cảm nhận được sức mạnh của chính mình, hiểu rằng chúng có khả năng giải quyết xung đột. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng một tự nhận thức cực kỳ mạnh mẽ. Nó sẽ giúp trẻ hiểu được sức mạnh nội tại và giúp trẻ cảm thấy tự do.

 

#4: Thay vì giảng đạo hay nói kiểu "Thấy chưa, tôi đã bảo mà", hãy trao cho con sự đồng cảm và thấu hiểu.

Trẻ em được sinh ra để học hỏi từ hậu quả của những hành động của chính mình, không phải từ những bài giảng dài dòng của bạn. Phản ứng tự nhiên của con người là chống đối lại bất kỳ điều gì mang năng lượng tiêu cực hướng đến mình. Vì vậy, khi con bạn có những lựa chọn sai lầm, khi chúng đưa ra quyết định tồi, khi chúng gặp phải điều mà bạn cho là "thất bại" (theo nghĩa truyền thống), nếu bạn phản ứng bằng sự đồng cảm và thấu hiểu cho quyết định đó, bạn bỗng nhiên trở thành đồng minh của con, bạn là đồng minh, và “kẻ thù” là lựa chọn sai lầm kia, chứ không phải bạn.

 

#5: Hãy để con được lựa chọn.

 

Điều này vô cùng quan trọng với trẻ nhỏ. Bởi vì chúng vốn đã cảm thấy rằng mình không có nhiều tự do, trong khi lại rất khao khát được tự do. Chúng đang trong giai đoạn (cũng giống như thanh thiếu niên) cố gắng phát triển sự độc lập của mình, đang khám phá "cái tôi, vì đây là lần đầu tiên chúng có thể thực sự nhận thức bản thân như một thực thể độc lập. Vì vậy, nếu bạn cho phép chúng đưa ra lựa chọn trong những giới hạn mà bạn thấy chấp nhận được, điều đó sẽ khiến chúng cảm thấy có tự do.

 

Ví dụ: nếu bạn đang ở công viên và đến lúc phải rời đi, bạn có một cơ hội rất đáng giá. Thay vì ép buộc, bạn có thể hỏi: "Con muốn rời đi bây giờ hay sau 2 phút nữa?"

 

Tất nhiên, đứa trẻ sẽ chọn “sau 2 phút”. Và bạn vừa mới trao cho con sự tự do trong khuôn khổ bạn có thể chấp nhận được, bạn vẫn là cha/mẹ hạnh phúc, giới hạn vẫn an toàn với con.

 

#6: Hãy để con mắc thật nhiều sai lầm.

 

Điều này rất quan trọng, vì như tôi đã nói, chúng ta chỉ thật sự học được khi chính mình trải nghiệm. Không đủ nếu chỉ bảo con: "Nghe lời mẹ/ba đi." Khi bạn để con mắc nhiều sai lầm lúc còn nhỏ, "cái giá phải trả" rất nhỏ so với những sai lầm khi chúng ở tuổi thiếu niên. Lúc nhỏ, chạy xe ba bánh và đâm vào vật gì đó có thể chỉ là trầy gối. Nhưng nếu chưa từng được phép học từ sai lầm, khi lớn hơn, hậu quả có thể là: lái xe khi mới 16 tuổi, đâm vào dải phân cách, và có thể mất mạng.

 

Tôi hiểu, là cha mẹ, rất khó để đứng nhìn khi biết con sắp bị đau, dù không phải là tổn hại nghiêm trọng, tất nhiên nếu con gặp nguy hiểm tính mạng thì phải bảo vệ, nhưng nếu không đến mức đó, thì dù con có trầy xước một chút, bạn cũng cần học cách buông tay. Chính điều đó sẽ giúp con bạn trở thành người lớn thành công, thay vì một người trưởng thành mắc vô số sai lầm với cái giá rất đắt.

 

#7: Chỉ sử dụng những lời nói có thể thực thi được.

 

Ý tôi là: bạn không thể kiểm soát hành vi của con. Đúng là khi chúng còn nhỏ, bạn có thể bế chúng và đưa chúng đi chỗ khác, nhưng về cơ bản, bạn không thể kiểm soát được một con người khác. Điều duy nhất bạn kiểm soát được là chính mình.

 

Ví dụ: nếu con bạn nói "Con không muốn đánh răng!" - Nếu bạn đáp lại "Đánh răng ngay đi!", điều đó không hiệu quả, vì bạn không thể kiểm soát việc con có làm hay không. Nhưng bạn có thể kiểm soát chính mình, bạn có thể nói: "Thật tiếc quá, vì mẹ/chị/chú chỉ đọc sách cho những em bé đã đánh răng thôi..."

 

Lúc đó, bạn trao lại quyền quyết định cho con. Bạn đưa ra một tuyên bố có thể thực hiện được, bạn có thể làm theo điều đó mà không cần phải “kiểm soát” hành vi của con.

 

Nếu bạn thường xuyên sử dụng những lời nói không thể thực thi, con bạn sẽ nhanh chóng nhận ra: “Thực ra mình chẳng cần làm theo lời ba/mẹ nói, vì họ đâu có thực sự kiểm soát được mình!” Và điều đó sẽ dẫn đến sự thiếu trách nhiệm và nổi loạn.

 

#8: Hãy giúp con nhận thức rằng dù bạn không kiểm soát con, nhưng bạn có thể giúp chúng kiểm soát chính mình.

 

Hãy phát triển chiến lược để giữ bình tĩnh và giữ sự đồng điệu, để bạn không phải "toát mồ hôi" khi làm cha mẹ hay trút giận lên con. Vì sao? Vì những đứa trẻ thấy cha mẹ mình vật lộn với vai trò làm cha mẹ và cuộc sống, sẽ phát triển niềm tin:

 

“Nếu những người quyền lực nhất trong đời mình cũng không thể kiểm soát được mình, thì chắc hẳn mình là đứa trẻ rất tệ.”

 

Nếu bạn khiến việc làm cha mẹ trở nên đầy khó khăn, con bạn sẽ hình thành một khái niệm về bản thân rất tiêu cực: “Mình tệ – mình có vấn đề.” Chúng sẽ cá nhân hóa và cho rằng lỗi là ở mình.

 

Vì thế, bất kể điều gì giúp bạn giảm căng thẳng trong vai trò làm cha mẹ, hãy chuẩn bị tinh thần cho các tình huống để bạn không bị bất ngờ, và hãy khiến việc nuôi dạy con trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ nhất có thể. Điều đó sẽ giúp con bạn phát triển một niềm tin:

 

“Những người quyền lực nhất trong đời con thật sự yêu thương con và nghĩ rằng con là một đứa trẻ tốt. Và việc làm cha mẹ với con là điều dễ dàng, vậy thì chắc con phải là một đứa trẻ thật tốt.”

 

#9: Dành nhiều, thật nhiều thời gian tận hưởng, vui chơi, thấu hiểu và trải nghiệm cùng con hơn là dành thời gian để ra hình phạt.

 

Điều này sẽ giúp con bạn hướng tới năng lượng tích cực thay vì chỉ né tránh tiêu cực (hai điều này hoàn toàn khác nhau). Nó cũng sẽ giúp con bạn không cần phải hành động tiêu cực chỉ để tìm kiếm sự chú ý, vì mọi sự chú ý đều là sự chú ý, kể cả khi tiêu cực.

 

#10: Đặt ra giới hạn.

 

Nghe có vẻ mâu thuẫn với một người như tôi, người luôn nói rằng không có giới hạn,, trong khi lại khuyên bạn đặt giới hạn cho con. Nhưng lý do là: chúng ta đang đưa con vào một xã hội tin tưởng vào giới hạn. Và nếu bạn nuôi dạy những đứa trẻ luôn ở ngoài giới hạn, chúng sẽ thất bại trong xã hội hiện tại.

 

Bạn có thể giải thích cho con rằng không có giới hạn thực sự, nhưng cũng cần trang bị để con thành công trong một xã hội đầy giới hạn. Điều này vô cùng quan trọng, để con không “đẩy giới hạn” đến mức phải vào tù.

 

#11: Hãy dạy con rằng chúng là người tạo ra Sự Sung túc và Cuộc sống của chính mình, chứ không phải bạn là người tạo ra điều đó cho chúng.

Tôi hiểu rằng điều này rất khó, vì bạn, nói một cách dễ hiểu, là "vòng xoáy trung tâm" qua đó mọi thứ đến với con bạn. Khi mới sinh ra, bạn chính là nguồn cung cấp mọi thứ cho con, từ quần áo, chỗ ở đến kiến thức. Nhưng nếu con tin rằng bạn là “nguồn duy nhất” cho mọi thứ trong cuộc sống của chúng, thì đó là một hiểu lầm, và về lâu dài, điều đó sẽ gây tổn hại cho chúng.

 

Ví dụ: nếu bạn không thể mua thứ gì đó cho con vì lý do tài chính, thay vì nói: “Ba/mẹ không làm được, con không có được cái đó” - hãy nói: “Hiện tại, ba/mẹ chưa có rung động đủ mạnh về tiền bạc để mua thứ đó, nhưng ba/mẹ không phải là con đường duy nhất để con có được điều đó.”

 

Bạn có thể giải thích cho con cách tạo ra điều mình muốn bằng tâm trí. Bạn có thể giải thích rằng cả Vũ trụ này là nơi tạo ra Sự Sung túc cho con, và nếu nó không đến qua bạn, thì nếu con tập trung đủ, nó sẽ đến qua ai đó khác, hay một cơ hội khác.

 

Rằng chúng không cần phải nhìn bạn như thể bạn là một “giới hạn lớn” đối với chúng (về những gì bạn có thể và không thể làm cho chúng).

 

#12: Hãy dạy chúng cách duy trì Sự Cân Bằng với chính bản thân mình

 

Tin tôi đi, đến cuối cùng, đó mới là điều duy nhất tồn tại. Bởi vì khi chúng 16 tuổi, bạn hoàn toàn không còn kiểm soát chúng được nữa. Thực ra, ngay từ lúc 12 hay 13 tuổi, bạn đã không còn kiểm soát được con mình rồi. Vì thế, điều cực kỳ quan trọng là trước giai đoạn đó, bạn phải giúp chúng nhận thức được Hệ Thống Hướng Dẫn Bên Trong của chính mình, bởi bạn sẽ không thể lúc nào cũng thì thầm vào tai chúng như một “thiên thần hộ mệnh”, chỉ đường cho chúng trong cuộc sống được. Chúng phải học cách tin tưởng vào hệ thống hướng dẫn nội tại để tự mình vượt qua cuộc đời này, vì bạn đơn giản là không thể luôn có mặt được.

 

#13: Hãy làm gương bằng hành động.

 

Đây là cách duy nhất để dạy con bạn. Ví dụ, nếu bạn muốn con mình thấy vui vẻ khi làm việc nhà, bạn tốt hơn hết nên hành động như thể bạn thích làm việc nhà, và hãy thật sự tìm ra cách để tận hưởng điều đó. Bạn có thể cho chúng thấy cách bạn giải quyết vấn đề, cách bạn cư xử với người khác. Quan trọng nhất, bạn cần làm gương về việc giữ mình trong trạng thái Cân Bằng – Cân Bằng với niềm vui, Cân Bằng với điều mà bạn cho là đúng và sai. Bạn phải thể hiện rõ thế nào là sống đúng với bản thân, nếu bạn muốn con mình học cách sống như vậy. Đây là điều có ích nhất bạn có thể làm cho chúng.

 

Nếu bạn liên tục thể hiện rằng việc chọn hạnh phúc của người khác quan trọng hơn hạnh phúc của chính mình, bạn sẽ nuôi dạy ra một đứa trẻ cũng làm y như vậy. Vì vậy, hãy xác định rõ bạn muốn dạy con điều gì liên quan đến sự Cân Bằng, bạn muốn chúng làm gì, không làm gì, bạn muốn chúng giữ niềm tin nào và từ bỏ niềm tin nào, và chính bạn phải trở thành hiện thân của những điều đó.

 

Làm cha mẹ là một trong những cơ hội lớn nhất để phát triển trong vũ trụ này. Bạn sẽ không thực sự hiểu được tình yêu là gì cho đến khi bạn có một đứa con. Nhiều người trong các bạn, những người đã làm cha mẹ, hiểu chính xác điều tôi đang nói.

 

Vì vậy, đừng mong đợi sự hoàn hảo, đó không phải là điều con bạn muốn đâu.

 

Không đứa trẻ nào bước vào thực tại này và nói rằng: “Cha/mẹ thân yêu, con kỳ vọng cha mẹ phải hoàn hảo trước khi con đến.” Không, chúng biết chính xác mình đang bước vào điều gì. Chúng đến đây để sử dụng mối quan hệ giữa bạn và chúng như một công cụ hỗ trợ cho sự phát triển của chính mình.

 

Vì thế, đừng chìm vào cảm giác tội lỗi. Trục sức mạnh của bạn luôn nằm trong hiện tại. Cho nên, không bao giờ là quá muộn để thay đổi cách bạn làm cha mẹ. Dù bạn đã mắc lỗi 5 năm trước hay 5 phút trước, bạn luôn có thể chọn cách nuôi dạy con theo đúng hình mẫu cha mẹ mà bạn mong muốn ngay bây giờ.

 

Con bạn sẽ vẫn học được điều gì đó, dù bạn làm cha mẹ giỏi hay kém, vì trong cả hai trường hợp, mối quan hệ đó vẫn đang thúc đẩy sự phát triển của chúng. Vậy nên câu hỏi là: "Bạn muốn con mình phát triển những nhận thức và niềm tin như thế nào về chính bản thân và về thế giới?"

 

Tốt hơn hết, bạn hãy trở thành tấm gương chính xác cho điều đó.

 

Chính vì lý do này, con cái là cái cớ tuyệt vời nhất để bạn trở thành phiên bản "nhiều hơn" của chính mình.

 

Hãy nghĩ xem, đáng giá biết bao khi bạn tạo ra trong đời mình một cái cớ, buộc bạn phải luôn duy trì sự Cân Bằng với con người thật của mình? Phải duy trì sự kết nối với Hệ Thống Hướng Dẫn Nội Tại của bạn? Thật tuyệt vời biết bao! Con cái là những người thầy vĩ đại nhất của chúng ta, bởi vì chúng là cái cớ khiến ta phải trở thành hiện thân của điều mà ta thực sự muốn trở thành.

 

Vì vậy, nói ngắn gọn, tôi có thể tổng kết tất cả điều này như sau: Điều tốt nhất bạn có thể làm cho con mình, hoặc bất kỳ ai, đó là: tin tưởng vào chúng, và trao cho chúng niềm tin rằng chúng có thể tin tưởng chính mình.

 

Không điều gì làm xói mòn khái niệm về bản thân mạnh mẽ bằng việc nói: “Mẹ/cha biết điều gì là tốt nhất cho con hơn chính con biết.”

 

Khi bạn nhìn vào mắt con mình và nói:

 

- “Mẹ/cha tin vào con.”

- “Mẹ/cha tin rằng con có thể làm bất cứ điều gì.”

- “Mẹ/cha tin rằng con biết điều gì là đúng cho bản thân mình.”

- “Mẹ/cha tin rằng con có thể phân biệt điều gì đúng và sai cho chính con.”

- “Mẹ/cha tin rằng con luôn có thể bước theo điều đúng đắn cho mình – và mẹ/cha tin rằng con biết điều đó là gì.”

 

Thì bạn đang trao cho con mình một món quà vô giá: đó là sự tự nhận thức và tự do để tạo nên cuộc đời của chính chúng, để xây dựng chính bản thân chúng phù hợp với Con Người Thật Sự của chúng, với hình ảnh linh hồn mà chúng đã định hình cho chính mình trước khi đến đây.

 

Bạn đang cho phép chúng thực hiện đúng những gì mà chúng đã định trước (từ góc nhìn của Nguồn) khi bước vào cuộc đời này.

Vì vậy, điều quan trọng nhất bạn có thể làm, đó là: Hãy tin tưởng con bạn với chính bản thân chúng, và dạy chúng cách tự tin tưởng chính mình. Và khi bạn bắt đầu làm điều này, bạn sẽ thấy chúng nở rộ ngay trước mắt bạn.

 

 

 

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=Blttfj0KgQY

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.