Teal Swan Transcripts 115
Muốn Hạnh Phúc Ư? Hãy Từ Bỏ Việc Tìm Kiếm
Hạnh Phúc!
22-03-2014
Chào mọi người...
Hạnh phúc ngày nay đã trở thành một dạng "Khai sáng" mới, một
"Thiên đường" mới, một mục tiêu không thể với tới, một vạch đích cứ
mãi lùi xa. Khi những người thầy tâm linh, bao gồm cả tôi, nhấn mạnh tầm quan
trọng và giá trị của hạnh phúc, một điều thú vị xảy ra, mọi người bắt đầu cảm
thấy có điều gì đó không ổn nếu họ không thấy hạnh phúc, và điều đó chỉ càng
làm gia tăng sự bất hạnh. Một dạng cảm giác xấu hổ nào đó nảy sinh trong chúng
ta khi ta cảm thấy không vui. Điều này càng đau đớn hơn khi ta đồng nhất bản
thân mình với sự bất hạnh.
Một số người
trong chúng ta thậm chí không biết hạnh phúc thật sự là gì vì chưa bao giờ trải
nghiệm nó. Ta cảm thấy vô cùng tệ hại về bản thân vì không thể sống “đúng đắn”
và hạnh phúc như những người khác. Ta bắt đầu cảm thấy như thể mình bị định mệnh
nghiệp quả buộc phải chịu khổ. Việc dính mắc vào “hạnh phúc” chỉ là một nhánh của
cái cây mang tên “phải sống đúng cách”. Khi ta cảm thấy hạnh phúc, ta thấy như
mình đang sống đúng. Khi ta cảm thấy bất hạnh, ta thấy như mình đang sống sai.
Thế là ta ôm lấy
niềm tin rằng mình phải hạnh phúc ngay cả khi không thấy hạnh phúc. Điều đó chỉ
làm sự bất hạnh thêm trầm trọng, nó nuôi dưỡng và kéo dài sự bất hạnh. Khi ta
nghĩ rằng lẽ ra mình phải hạnh phúc trong lúc không hạnh phúc, ta bắt đầu kháng
cự lại cảm xúc tiêu cực của mình. Ta cảm thấy tội lỗi vì chúng. Tôi đã nói điều
này cả triệu lần, và tôi sẽ nói lại: Điều gì ta kháng cự, nó sẽ tồn tại dai dẳng...
Vì vậy, khi ta nghĩ rằng mình phải hạnh phúc, khi ta chống lại cảm xúc tiêu cực
của mình, thì ta bị mắc kẹt trong chính những cảm xúc tiêu cực đó.
Khi ta kháng cự
với nỗi khổ và sự bất hạnh của chính mình, thì khao khát hạnh phúc không còn
mang cảm giác dễ chịu nữa, mà trở thành sự tuyệt vọng, bởi ta đang khao khát một
điều mà mình không tin là có thể có được. Ta muốn hạnh phúc, nhưng lại không
tin rằng mình có thể đạt được nó. Thế là tâm trí ta cứ mãi tập trung vào sự khổ
đau và bất hạnh. Vậy điều tốt nhất ta có thể làm là gì? Từ bỏ việc tìm kiếm hạnh
phúc...
Nghe có vẻ kỳ lạ
và mâu thuẫn, nhất là khi lời nói này đến từ một người như tôi, người đã cống
hiến đời mình để hướng dẫn người khác đạt đến hạnh phúc. Nhưng rồi bạn sẽ nhận
ra rằng những ý tưởng tưởng chừng mâu thuẫn này thực chất lại bổ sung cho nhau.
Khi bạn từ bỏ việc
theo đuổi hạnh phúc, bạn đang giải phóng sự kháng cự với nỗi khổ và bất hạnh.
Hãy tưởng tượng bạn đang sống trong một cơn gió mạnh thổi liên tục, khi bạn
kháng cự điều gì đó, tức là bạn đang quay mặt chống lại dòng gió ấy. Thật khó
thở, khó di chuyển, vì bạn đang cố gắng chống lại sức gió mạnh mẽ đó, và điều
đó khiến bạn kiệt sức. Nhưng nếu bạn ngừng kháng cự, bạn sẽ để cơn gió ấy cuốn
bạn đi đến bất kỳ nơi nào nó muốn. Bây giờ, hãy tưởng tượng rằng cơn gió đó chỉ
có một mục đích duy nhất: đưa bạn đến với mọi điều bạn từng khao khát, đến với những
điều bạn thực sự mong muốn.
Bạn thấy đấy, đi
theo dòng gió có lợi như thế nào? Vũ trụ chính là cơn gió mạnh ấy. Chắc bạn từng
nghe kể về ai đó đã mong được thăng chức suốt nhiều năm. Họ khát khao nó đến
tuyệt vọng. Họ đã thử mọi cách có thể để đạt được điều đó. Cho đến một ngày, việc
khao khát đó trở nên quá đau đớn, họ đành từ bỏ và chuyển hướng tìm một công việc
mới. Và chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày, họ nhận được cuộc gọi thông báo rằng họ
đã được thăng chức. Nghe qua thì giống như một trò đùa trớ trêu, như thể Vũ trụ
đang trêu chọc họ. Nhưng sự thật là, vào khoảnh khắc họ buông bỏ mong muốn đó, họ
đã giải phóng được sự kháng cự với điều mà họ không muốn.
Và khi bạn buông
sự kháng cự với điều bạn không muốn, bạn bắt đầu trôi về hướng của những điều bạn
mong muốn. Bạn không thể tự mình ngừng khao khát một điều gì đó. Người trong ví
dụ này chưa bao giờ ngừng mong muốn được thăng chức (bạn không thể ngừng mong
muốn điều mình thật sự muốn), nhưng khi họ buông bỏ việc theo đuổi điều đó, họ
giải phóng đủ mức kháng cự để điều đó có thể xảy ra. Vũ trụ đã biết rất rõ rằng
bạn muốn được hạnh phúc. Đó chính là điều duy nhất bạn thực sự muốn. Mọi thứ
khác, sự thăng chức, người yêu, ngôi nhà, chiếc xe, chỉ là phương tiện để đạt đến
điều ấy, đó chính là hạnh phúc.
Không những Vũ
trụ biết bạn muốn hạnh phúc, mà nó còn đang gọi bạn về phía đó, đang đẩy bạn về
phía đó... Vũ trụ đang sắp xếp mọi điều kiện cần thiết để bạn có thể đạt được hạnh
phúc.
Cách duy nhất để
Vũ trụ có thể mở rộng thêm thông qua góc nhìn của bạn là khi bạn đủ khả năng đồng
điệu và trải nghiệm những điều bạn mong muốn. Vậy nên, hãy tin tôi, Vũ trụ sẽ hỗ
trợ cho hạnh phúc của bạn từng bước trên hành trình. Thế điều gì sẽ xảy ra nếu
bạn cho phép mình buông bỏ sự kháng cự với việc đang cảm thấy bất hạnh? Điều gì
sẽ xảy ra nếu bạn để mình trôi theo dòng gió? Bạn sẽ cho phép bản thân di chuyển
về phía điều bạn muốn, đó chính là Hạnh phúc. Hãy nghĩ điều này như một lối đi
cửa sau dẫn đến hạnh phúc.
Tất cả những niềm
tin khiến ta mãi bất hạnh, như việc ta bị nghiệp quả định sẵn phải chịu khổ, thực
chất đang làm ta quay lưng lại với cơn gió mạnh mẽ mang tên Vũ trụ. Chúng khiến
ta rơi vào trạng thái kháng cự. Nhưng đôi khi, trạng thái kháng cự gây tổn
thương nhất và kéo dài nhất lại chính là việc ta tuyệt vọng theo đuổi hạnh phúc.
Khi ta trở nên tuyệt vọng vì điều gì đó, đó là bởi ta đang cực kỳ ý thức về sự
thiếu vắng của điều đó trong cuộc sống. Đó là lý do vì sao cảm giác “cần” thường
xuất phát từ cảm nhận về sự thiếu hụt.
Điều đó có nghĩa
là bạn đang tập trung vào sự vắng mặt của điều mình muốn, và bạn không thể vừa
tập trung vào sự thiếu vắng ấy mà lại có được điều mình muốn, đó là một mâu thuẫn
về tần số rung động. Đôi khi, sự nhận thức quá rõ ràng về sự bất hạnh của mình,
cộng với khao khát mãnh liệt được hạnh phúc, lại khiến ta phải chọn con đường
ít kháng cự nhất, đó là từ bỏ việc dính mắc vào hạnh phúc.
Khi hạnh phúc
không còn là mục tiêu của ta nữa, thì hiện tại của ta không còn bị xem là sai lệch
hay thiếu thốn, bởi vì không còn gì để so sánh với “tương lai hạnh phúc” mà ta
từng tưởng tượng.
Bạn sẽ không thể
cảm thấy tệ vì “chưa đến nơi nào đó” nếu chẳng có nơi nào để đến cả. Bạn không
thể bắt bản thân ngừng mong muốn hạnh phúc, vì bạn không thể buộc mình từ bỏ điều
mình thật sự muốn. Nhưng bạn có thể thay đổi sự tập trung của mình, thay vì
nhìn hiện tại như điều không mong muốn, bạn có thể nhìn hiện tại như điều để yêu
thương.
Cách tốt nhất để
buông bỏ “điểm đến” mang tên Hạnh phúc là hãy yêu hiện tại, yêu cái đang có. Lý
do duy nhất khiến bất kỳ sinh linh nào đau khổ là vì họ đang tin vào một suy
nghĩ đi ngược lại với thực tại. Những suy nghĩ kiểu “tôi phải hạnh phúc” là ví
dụ điển hình cho điều đó. Nếu tôi đang nghĩ rằng “Tôi lẽ ra phải thấy hạnh
phúc” mà lại không hạnh phúc, thì tôi đang tin vào một ý nghĩ mâu thuẫn với cái
đang có.
Tôi đang kháng cự
chính mình trong trạng thái hiện tại. Sự căng thẳng trong cuộc sống của chúng
ta bắt nguồn từ việc tranh cãi với những gì đang diễn ra. Hãy đón nhận ý tưởng
rằng những gì đã xảy ra nên xảy ra và vốn dĩ là phải xảy ra. Hãy đón nhận ý tưởng
rằng không có gì thực sự là sai, rằng mọi thứ xảy ra với chúng ta thực chất
đang xảy ra vì chúng ta.
Thực tế là không
ai muốn mất việc, cãi nhau với người thân hay gặp tai nạn… Nhưng khi chúng ta
chưa thể kiểm soát hoàn toàn Tần Số Rung Động của mình, và do đó là Điểm Hấp Dẫn
của mình, thì những điều này vẫn cứ xảy ra. Không ai trong chúng ta duy trì
Rung động của mình ở mức độ mà không có điều gì xảy ra khiến chúng ta cảm thấy
tiêu cực.
Vì vậy, việc
tranh cãi trong đầu với những điều đã xảy ra bằng những suy nghĩ kiểu như “Lẽ
ra điều đó không nên xảy ra”, hoặc “Tôi nên cảm thấy hạnh phúc lúc này, mặc dù
chuyện này đang xảy ra với tôi” ,đều không giúp ích gì. Tốt hơn hết là bắt đầu
chuyển hướng sự chú ý của bạn để đón nhận những gì đang hiện diện ngay tại đây
và ngay lúc này. Ngoài ra, nếu không ai trong chúng ta có thể duy trì một trạng
thái mà không điều gì tiêu cực từng xảy ra, có lẽ chúng ta không được định sẵn
để duy trì một trạng thái rung động mà trong đó chẳng có gì khiến ta cảm thấy
tiêu cực cả.
Hãy tập trung
vào những gì đang có với mục đích tìm kiếm điều đúng đắn bên trong nó. Chúng ta
nên tập trung vào những mặt tích cực vốn có trong những điều ta không mong muốn.
Điều này không chỉ giúp ta giải phóng kháng cự và nhờ đó cảm thấy tốt hơn về mặt
cảm xúc, mà còn thay đổi Điểm Hấp Dẫn Rung Động của ta để ta không còn tương hợp
với điều không mong muốn nữa.
Tôi sẽ cho bạn một
ví dụ: Một ngày nọ, tôi đang trên đường đến một buổi hẹn hò mà tôi đã mong đợi
suốt nhiều tuần. Tôi rất phấn khích… Và, dĩ nhiên, tôi là kiểu người thường có
cảm giác rằng mình không xứng đáng để mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Vì vậy, khi
đang trên đường đi, xe của tôi bỗng dưng bị hư…
Sau khi xe bị hư,
tôi ngồi đó (sau khi hai người đàn ông giúp đẩy xe tôi vào lề đường) và bắt đầu
nghĩ: “Chuyện này không nên xảy ra”, “Tại sao chuyện này lại xảy ra với tôi?”,
“Vũ trụ đúng là đang chống lại tôi”.
Tôi bắt đầu rơi
vào vòng xoáy của kiểu suy nghĩ đó. Rồi tôi nhận ra rằng cách đó sẽ không đưa
tôi đi đến đâu (vì tôi đã hiểu Luật Hấp Dẫn), nên tôi lấy ra cuốn nhật ký “Những
mặt tích cực” của mình. Tôi ngồi xuống và bắt đầu liệt kê tất cả những điểm
tích cực mà tôi có thể nghĩ ra về tình huống đó. Ở đầu trang, tôi viết: “Xe tôi
bị hư.”
Tôi buộc mình phải
viết ra một danh sách những mặt tích cực về việc xe bị hư. Tôi cố gắng tìm bằng
chứng rằng việc xe bị hư là đúng, chứ không phải sai. Ví dụ:
- Xe hư ngay cạnh
một đoạn đường có thể tấp vào lề…
- Dòng xe tôi đi
rất dễ sửa chữa…
- Hệ thống điện
trong xe vẫn hoạt động, nên tôi vẫn có thể nghe nhạc hay…
- Có rất nhiều
người sẵn sàng giúp đỡ, vì tôi đang ở trong thành phố…
- Đây là cơ hội
để luyện tập sự linh hoạt…
- Tôi vui vì
mình đang tập trung vào điều tích cực thay vì tiêu cực, ngay lúc này…
- Tôi không thể
biết chắc rằng buổi hẹn đó sẽ thật sự dễ chịu hay phù hợp với điều tốt đẹp nhất
dành cho tôi…
- Những chiếc lá
đang bay lượn trên đường, và trông chúng rất nghệ thuật và đẹp đẽ…
Tôi cảm thấy tâm
trạng mình được nâng lên. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi không còn kháng cự lại việc
xe mình bị hỏng nữa. Và bạn biết điều gì đã xảy ra khi tôi buông bỏ kháng cự với
việc xe bị hỏng không? Xe tôi khởi động lại động cơ, ngay khi chiếc xe kéo đang
trên đường đến, nó khởi động như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.
Chúng ta có thể
tiến thêm một bước nữa khi ta đã phát triển sự kháng cự đối với việc không vui,
chỉ vì ta quá khao khát được hạnh phúc, bằng cách tìm kiếm điều tích cực trong
việc không hạnh phúc. Hãy học cách chấp nhận nỗi bất hạnh. Hãy bắt đầu nhìn nhận
việc không hạnh phúc như thể đó là điều đúng đắn đã xảy ra. Làm sao việc tôi
đang không hạnh phúc lại là “đúng”? Tôi sẽ đưa ra một vài ví dụ:
- Tôi vừa trải
qua một nỗi thất vọng lớn, bất kỳ ai ở vào hoàn cảnh của tôi cũng sẽ cảm thấy
như vậy, thậm chí tệ hơn.
- Việc không hạnh
phúc giúp tôi hiểu rất rõ điều tôi không muốn, và nhờ đó càng rõ hơn điều tôi muốn.
Khao khát mãnh
liệt = Sự mở rộng to lớn.
- Nó cho tôi sự
rõ ràng về sở thích và ưu tiên của bản thân.
- Tôi đang góp
phần vào sự Mở Rộng của Vũ Trụ, bằng cách cho Vũ Trụ biết qua trải nghiệm của
tôi, điều gì không phải là Nó.
- Nếu ta chỉ biết
đến hạnh phúc, ta sẽ chẳng biết hạnh phúc là gì.
- Trải nghiệm bất
hạnh dẫn ta đến quá trình khám phá bản thân, chiêm nghiệm nội tâm, thúc đẩy nhận
thức về chính mình.
- Việc không hạnh
phúc giúp tôi đồng cảm với những người khác cũng đang đau khổ. Nó có thể mang mọi
người lại gần nhau, tạo ra cơ hội để chữa lành tập thể.
- Nó tạo ra những
tác phẩm nghệ thuật đầy cảm xúc và sâu sắc.
- Sự bất hạnh
giúp ta trở nên vững chãi hơn, và khiến ta nhận ra điều gì thật sự quan trọng.
- Việc không hạnh
phúc khiến bạn khó chịu đến mức buộc bạn phải tiến về phía trước, phải thay đổi
để không còn mắc kẹt nữa, dù bằng cách nào đi nữa.
Một điều khác
chúng ta có thể làm để buông bỏ mục tiêu gọi là Hạnh Phúc, để rồi từ đó lại đạt
được hạnh phúc, chính là đặt ra một mục tiêu dễ đạt hơn. Với hầu hết chúng ta,
hạnh phúc dường như là thứ quá xa tầm với, đến mức ta không tin rằng mình có thể
đạt được nó. Và bởi vì ta có niềm tin đó, nên nó thật sự trở thành điều không
thể đạt tới.
Vậy nên, điều
chúng ta cần làm là tìm ra một điều gì đó có vẻ dễ đạt được hơn, một điều gì đó
nằm trên đường đến Hạnh phúc, nhưng không phải là đích đến cuối cùng. Tùy bạn
quyết định điều gì là một mong muốn có thể đạt được đối với bạn. Một ví dụ về một
mong muốn dễ đạt hơn là: Ba khoảnh khắc mãn nguyện mỗi ngày. Một ví dụ khác là:
Cảm giác đủ đầy ít nhất một lần mỗi ngày. Một khi bạn đặt ra mục tiêu dễ đạt
đó, bạn có thể nuôi dưỡng nó mỗi ngày. Bạn sẽ thấy rằng việc đạt được mục tiêu
này dễ dàng hơn rất nhiều so với việc cứ cố gắng “vươn tới hạnh phúc”. Với hầu
hết chúng ta, cố vươn tới Hạnh phúc chẳng khác nào cố nhảy từ đây lên Mặt
Trăng, thay vì chỉ là bước qua một cái mương nhỏ.
Vì vậy, điều bạn
nên làm là đặt ra những mục tiêu nhỏ, những “cái mương” nhỏ trên hành trình đến
Mặt Trăng, thay vì ép bản thân phải nhảy một lèo tới đó, bởi vì khi bạn nhìn
vào khoảng cách giữa nơi bạn đang đứng và nơi bạn muốn đến (nếu nơi đó là Hạnh
phúc), bạn sẽ thấy nản lòng hoàn toàn. Nhưng nếu điểm đến có vẻ khả thi hơn, bạn
sẽ cảm thấy nó gần gũi và có thể đạt được.
Một cách khác để
buông bỏ khái niệm “Hạnh phúc” là nhận ra rằng, đối với bạn, Hạnh phúc là một mục
tiêu. Và vì thế, nó giống như một vạch đích lùi dần, hay một chân trời xa mà bạn
sẽ không bao giờ chạm tới. Càng tiến gần tới điều bạn nghĩ là Hạnh phúc, nó lại
càng rút xa khỏi tầm tay bạn. Khi Hạnh phúc gắn liền với việc đạt được những
mong muốn (và mong muốn thì sẽ không bao giờ ngừng mở rộng), bạn sẽ không bao
giờ thật sự đạt tới Hạnh phúc.
Đôi khi, việc nhận
ra rằng bạn sẽ không bao giờ đạt được cái gọi là "đích đến của Hạnh
phúc" lại giúp bạn ngừng theo đuổi nó một cách mù quáng và bắt đầu tìm thấy
sự mãn nguyện với chính nơi mình đang đứng. Mãn nguyện không đồng nghĩa với cam
chịu. Nó không khiến bạn trở nên lười biếng, bị động hay thờ ơ. Nó chỉ giúp bạn
biết tận hưởng hành trình của cuộc sống, thay vì cứ mãi ám ảnh chạy theo lời hứa
về một “hạnh phúc ở tương lai”.
Khi bạn đang mắc
kẹt trong những cảm xúc tiêu cực, bạn không thể chạm tới những trạng thái cảm
xúc tích cực thuần khiết. Thực tế là, mọi sự tập trung vào những trạng thái
tích cực thuần khiết, như Hạnh phúc, chỉ khiến bạn cảm nhận rõ hơn rằng bạn không
ở đó. Nó khiến bạn cảm nhận rõ mình đang không hạnh phúc. Nó làm tăng khoảng
cách giữa nơi bạn đang ở và nơi bạn muốn đến. Và đó là lý do tại sao, đôi khi,
cách tốt nhất để buông bỏ Hạnh phúc là ngừng tập trung vào Hạnh phúc, và bắt đầu
tập trung vào Sự nhẹ nhõm.
Bất kể bạn đang ở
đâu, về mặt rung động và cảm xúc, bạn luôn có thể chạm đến cảm giác Nhẹ nhõm.
Và cảm giác nhẹ nhõm là hệ quả của sự buông xả. Buông xả tạo ra sự nhẹ nhõm.
Khi bạn đang cảm
thấy tội lỗi, việc nghĩ đến một suy nghĩ mang cảm xúc giận dữ sẽ khiến bạn cảm
thấy nhẹ nhõm, bởi vì suy nghĩ đó giúp bạn buông bỏ sự gắn bó với cảm giác tội
lỗi. Chính việc buông bỏ cảm giác tội lỗi đó khiến bạn cảm thấy nhẹ nhõm khi
chuyển vào không gian cảm xúc của sự giận dữ. Như vậy, chính sự buông xả một trạng
thái cảm xúc tiêu cực mới tạo ra cảm giác nhẹ nhõm, khi bạn đang dần tiến về
phía một trạng thái tích cực hơn. Bạn đang cho phép bản thân mình trôi theo chiều
gió mà Vũ Trụ đang thổi tới. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, vì nó cực kỳ quan trọng:
Bất kỳ sự buông
bỏ nào khỏi rung động thấp và sự dịch chuyển sang rung động cao hơn đều sẽ mang
lại cảm giác nhẹ nhõm về mặt cảm xúc, vì vậy, hãy theo đuổi cảm giác nhẹ nhõm,
chứ không phải Hạnh phúc.
Có lẽ cách tốt
nhất để làm điều đó là nhận ra rằng bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất trong từng
khoảnh khắc hiện tại. Ở mọi thời điểm trong ngày, bạn luôn có một lựa chọn: “Tốt
hơn hay Tệ hơn?”
- Suy nghĩ – “Điều
này khiến mình cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn?”
- Lời nói – “Những
lời này khiến mình cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn?”
- Hành động –
“Việc này khiến mình cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn?”
Nếu bạn có thể sống
từng ngày, từng suy nghĩ, từng lời nói, từng hành động, hướng về phía cảm thấy
tốt hơn, thì bạn đang trôi theo dòng chảy của Vũ Trụ, đang đi về phía điều được
mong muốn (và điều được mong muốn ấy chính là Hạnh phúc), tức là bạn đang cho
phép bản thân mình trôi về phía Hạnh phúc. Chọn điều khiến bạn thấy tốt hơn sẽ
mang lại cảm giác nhẹ nhõm. Chọn điều khiến bạn thấy tệ hơn sẽ gây ra căng thẳng.
Vậy nên, hãy sống
cuộc đời mình không theo đuổi Hạnh phúc, mà theo đuổi điều khiến bạn thấy tốt
hơn.
Chính những suy
nghĩ là thứ khiến chúng ta cảm thấy không hạnh phúc. Và một suy nghĩ thì vô hại
và không có sức mạnh, cho đến khi ta tin vào nó. Hãy đối xử nhân từ với những
suy nghĩ của bạn, hãy gặp gỡ chúng bằng sự thấu hiểu. Chúng không đến để hại bạn,
chúng không cố làm tổn thương bạn. Nếu bạn có thể ngừng tin vào những suy nghĩ
mình đang nghĩ, nếu bạn có thể ngừng cam kết rằng chúng đúng hay sai, thì chúng
sẽ không còn quyền kiểm soát cảm xúc của bạn nữa.
Bạn không phải
là nỗi đau của mình. Bạn không phải là câu chuyện của mình. Bạn thậm chí không
phải là “cái danh tính” của mình. Không có gì “sai” khi bạn đang khổ đau. Nếu bạn
đang khổ đau, hay đang cảm thấy điều gì đó không mong muốn, bạn đang khám phá
những điều kiện cần thiết để biết rõ mình thật sự muốn gì.
Tất cả những gì
bạn cần làm để đi về phía điều bạn mong muốn, là cho phép bản thân chọn điều gì
đó khiến mình cảm thấy tốt hơn về mặt cảm xúc. Sự gắn bó của chúng ta với Hạnh
phúc, và nỗ lực không ngừng để vươn tới nó, chính là điều khiến ta kháng cự lại
sự bất hạnh, và vì thế, tự kéo dài nó trong cuộc đời mình.
Vậy nên, hôm nay
tôi ngồi đây để nói với bạn: Nếu bạn muốn được hạnh phúc, hãy buông bỏ sự gắn
bó với Hạnh phúc. Đừng biến Hạnh phúc thành mục tiêu tối thượng nữa.
Nó đã là lý do
khiến bạn làm mọi điều bạn làm, và Vũ Trụ biết điều đó.
Vì vậy, nếu bạn
thật sự muốn được hạnh phúc, bạn cần đạt tới một trạng thái nơi bạn hiểu rằng: Hạnh
phúc không phải là thứ ở ngoài kia để bạn đạt tới, mà là một bản chất luôn hiện
diện, điều bạn cần làm là Cho Phép nó hiện hữu…
Chúc bạn một tuần
tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=41C8hGQQqHA
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.