Teal Swan Transcripts 111
Tự luyến
02-03-2014
Chủ nghĩa ái kỷ
(narcissism) bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp.
Narcissus là một chàng trai đã phải lòng chính hình ảnh phản chiếu của mình
trong một vũng nước. Theo cách hiểu ngày nay, chủ nghĩa ái kỷ là việc tìm thấy
sự thỏa mãn trong sự phù hoa, hay việc tự ngưỡng mộ những phẩm chất của chính
mình một cách vị kỷ. Nó thường bị xem là một dạng của lòng kiêu hãnh tự hủy hoại
bản thân. Riêng tôi, tôi hoàn toàn không đồng tình với cách nhìn nhận này về chủ
nghĩa ái kỷ. Không có gì sai trái với Narcissus cả.
Trân trọng, yêu
thương những phẩm chất của chính mình là một điều tích cực. Nó còn tốt hơn gấp
bội so với việc cố gắng trở nên "vị tha" – điều mà thực ra là bất khả
thi. Nhưng nền văn hóa của chúng ta đã bị ảnh hưởng sâu sắc trong hàng ngàn năm
bởi Cơ Đốc giáo - Kinh Thánh, nơi mà tình yêu bản thân bị coi là phù phiếm và
cuối cùng là kiêu ngạo. Mà như bạn có thể biết, kiêu ngạo là một trong bảy tội
lỗi nguyên thủy. Thế nên, thật đáng buồn, Narcissus đã trở thành biểu tượng
không chỉ của tình yêu bản thân mà còn của lòng kiêu ngạo. Và từ đó, chúng ta bắt
đầu nhầm lẫn giữa yêu bản thân và ích kỷ, trong khi đó là hai thứ hoàn toàn
khác nhau. Khi cố gắng hiểu về chủ nghĩa ái kỷ, điều quan trọng là chúng ta cần
phân biệt rõ ràng giữa yêu bản thân và ích kỷ.
Phần lớn mọi người
nghĩ rằng chủ nghĩa ái kỷ là một mức độ cực đoan của tình yêu bản thân. Nhưng
thực tế không phải vậy. Chủ nghĩa ái kỷ xuất hiện khi một người cảm nhận một sự
thiếu hụt nghiêm trọng về các nguồn lực như tình yêu. Tình yêu bản thân được định
nghĩa là sự tận tâm sâu sắc hay tình cảm trìu mến dành cho chính mình. Và lẽ ra
đó nên là trạng thái bình thường. Bởi bạn đã lựa chọn trải nghiệm cuộc sống qua
góc nhìn cá nhân mà bạn gọi bằng tên của mình, bạn là người duy nhất sẽ đồng
hành cùng chính mình cho đến cuối đời. Bạn nên là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống
của chính mình, và bạn nên yêu bản thân trên hết mọi thứ.
Ích kỷ được định
nghĩa là chỉ quan tâm đến lợi ích, phúc lợi và quyền lợi của bản thân mà không
màng đến tác động với người khác. Ích kỷ không phải là một trạng thái tự nhiên.
Nó chỉ xuất hiện khi một người bị ám ảnh bởi sự thiếu hụt trong cuộc sống của họ.
Chúng ta rất hay nhầm lẫn giữa yêu bản thân và ích kỷ trong khi hai điều này
khác nhau một trời một vực. Ích kỷ sinh ra khi một người không biết cách yêu bản
thân và đáp ứng nhu cầu của chính mình, dẫn đến cảm giác thiếu thốn nội tại và
rồi họ dành thời gian tìm cách lấp đầy khoảng trống ấy từ bên ngoài.
Ở gần một người
ích kỷ thường rất khó chịu vì bạn sẽ luôn cảm thấy như mình đang bị họ rút cạn
năng lượng. Họ không biết cách tạo ra hoặc tìm được điều họ muốn nếu không lấy
từ người khác. Họ không biết yêu chính mình. Vì thế, cuộc sống của họ phụ thuộc
vào việc khiến bạn cung cấp cho họ những thứ đó. Nếu bạn không làm, họ sẽ không
biết phải xoay sở thế nào. Họ cảm thấy bất lực và họ sẽ nổi giận vì sợ hãi.
Tuy nhiên, nếu
ta lùi lại một bước, lòng trắc ẩn sẽ cho ta thấy rằng họ đến từ một nơi của sự
đói khát nội tại. Mong đợi họ không tranh giành những gì họ đang khao khát chẳng
khác nào mong một đứa trẻ đang đói không đi ăn trộm thức ăn. Những người bị coi
là ích kỷ, như người theo chủ nghĩa ái kỷ, và những người bị coi là vị tha, như
người hay hy sinh bản thân, thật ra đều xuất phát từ cùng một lối tư duy thiếu
thốn. Đó là lý do vì sao họ lại "hợp vía" với nhau và luôn tìm thấy
nhau.
Cả hai đều nhìn
nhận năng lượng trong thế giới, đặc biệt là tình yêu, như một tài nguyên hữu hạn
có thể bị sử dụng cạn kiệt. Họ không nhận ra rằng nó là một dòng năng lượng
vĩnh cửu, vô hạn và luôn tuôn chảy. Người vị tha tin rằng mình phải hy sinh
tình yêu và những nguồn lực khác vì họ tin rằng nếu dành điều đó cho bản thân,
tức là đang lấy mất phần của người khác, như thể chỉ có một lượng nhất định để
chia. Còn người ích kỷ cũng tin rằng chỉ có từng đó để mà tranh giành, nhưng họ
không cảm thấy có sự gắn bó hay liên hệ sâu sắc với người khác, nên họ tin rằng
mình phải giành giật tình yêu và nguồn lực từ người khác nếu không họ sẽ không
sống nổi.
Khi bạn hoàn
toàn hòa hợp với chính mình, sẽ không có cách nào để người khác lấy đi đủ năng
lượng khiến bạn cảm thấy thiếu hụt, bởi dòng năng lượng đang chảy qua bạn là vô
hạn. Thành thật mà nói, một người theo chủ nghĩa ái kỷ rất khó mà xem video
này, và nếu có xem thì họ cũng hiếm khi nhận ra mình là một người như vậy, và
càng khó tìm thấy sự chữa lành. Lý do là vì để chữa lành, một người ái kỷ phải
thừa nhận những tổn thương bị đè nén bên trong họ. Họ phải sống lại nỗi đau đã
tạo ra tình trạng này ngay từ đầu. Và nỗi đau đó, vốn đã bị đè nén và lãng
quên, lại đau đớn đến mức người ái kỷ thà né tránh còn hơn đối mặt.
Tôi sẽ nói rằng
có hai điều tối quan trọng mà một người ái kỷ cần làm để chữa lành:
#1: Họ cần thay
đổi niềm tin của mình về sự thù địch của thế giới mà họ đang sống, cũng như về
bản thân và giá trị tự thân của họ, để có thể bắt đầu phát triển khả năng kết nối
thân mật. Sự thân mật đó sẽ giúp họ cảm thấy được kết nối với người khác, và
chính kết nối đó sẽ giúp họ hình thành lòng cảm mến đối với con người. Từ đó, họ
sẽ biết quan tâm đến người khác.
#2: Họ cần phát
triển một tư duy phong phú về mọi khía cạnh trong cuộc sống, từ tiền bạc cho đến
tình yêu... Mọi thứ trong cuộc sống của họ cần được nhìn nhận như một nguồn tài
nguyên vô hạn, chứ không phải một thứ hữu hạn mà họ thiếu hụt. Dù luôn có những
trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, người ái kỷ thường được hình thành theo một cách
rất cụ thể.
Người ái kỷ từng
là một đứa trẻ không thể nào phù hợp với hình mẫu mà một trong hai, hoặc cả hai
người cha mẹ, đã kỳ vọng về nhân cách hay hành vi của chúng. Chúng không thể hiểu
làm thế nào để làm hài lòng người lớn. Hệ quả là đứa trẻ bị đối xử như thể
chúng bướng bỉnh và khó bảo. Chúng trở thành “đứa trẻ có vấn đề”. Người cha/mẹ
đã cá nhân hóa hành vi của đứa trẻ và bắt đầu kháng cự lại nó. Họ trừng phạt đứa
trẻ bằng cả những cách công khai lẫn ngấm ngầm.
Họ gọi đứa trẻ
là ích kỷ và vô ơn. Họ oán giận đứa trẻ từ sâu bên trong, và vì thế đứa trẻ bị
nhìn nhận như một mối đe dọa ở cấp độ tiềm thức. Mối quan hệ giữa đứa trẻ và
người gắn bó chính với nó trở nên đầy thù địch ở mức độ cảm xúc, và có thể cả
thể chất. Hệ quả là đứa trẻ không thể hình thành sự gắn bó với người lớn quan
trọng đó. Chúng không thể gắn bó với người lớn. Chúng không tin tưởng người lớn.
Thay vào đó, chúng phát triển một thế giới quan ích kỷ và thù địch, bởi vì
chúng cảm thấy mình không được yêu thương.
Họ tin rằng thế
giới cũng giống như mối quan hệ của họ với cha mẹ: một thế giới không có sự ấm
áp, không có sự chấp nhận và không có tình yêu. Họ khép lại cảm xúc của mình. Họ
tin rằng thế giới là một nơi không an toàn, và rằng ai cũng chỉ vì bản thân mình
mà thôi. Họ mất đi hy vọng rằng mình có thể được yêu thương, cảm thấy hoàn toàn
không xứng đáng, và bắt đầu hành trình tìm kiếm cảm giác tốt đẹp về chính mình.
Sự xấu hổ, ngờ vực, giận dữ và cảm giác thiếu thốn tích tụ dần trong suốt cuộc
đời của đứa trẻ ấy cho đến khi trưởng thành, trong một thế giới không có tình
thương, nơi họ không xứng đáng được yêu, không thể nhận được tình yêu, và cũng
không thể được đáp ứng nhu cầu một cách tự nhiên từ người khác. Họ phải thao
túng người khác để có được những gì họ cần.
Đó chính là nền
móng tạo ra rối loạn nhân cách ái kỷ, mà thật ra không phải là một “rối loạn”,
mà là một cơ chế thích nghi. Đây không phải chuyện đùa, những bậc cha mẹ ái kỷ
sẽ sinh ra những đứa con hoặc là ái kỷ, hoặc là những người quá phụ thuộc và hy
sinh bản thân đến mức bất lực. Phần lớn những người khao khát nổi tiếng là bởi
họ lớn lên trong một môi trường như thế, vì cả cuộc đời họ chỉ là một cuộc tìm
kiếm không ngừng cho giá trị bản thân.
Đây chính là lý
do thực sự khiến đa số người ở Hollywood không thể duy trì một mối quan hệ bền
vững. Đó là vì khả năng yêu thương của họ phụ thuộc vào mối quan hệ của chính họ,
mà vốn là mối quan hệ đã tạo ra chủ nghĩa ái kỷ. Lòng trắc ẩn là điều cần thiết
khi tiếp xúc với người ái kỷ.
Sự thật về người
ái kỷ là họ sống với những niềm tin đau đớn nhất, và bởi vậy họ sống những cuộc
đời cũng đau đớn nhất trên cõi đời này. Phần lớn mọi người tin rằng chủ nghĩa
ái kỷ là một dạng cực đoan của lòng kiêu hãnh, rằng những người này có lòng tự
trọng rất cao. Nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Những người này tìm kiếm
sự thoả mãn bản thân dưới dạng sự tôn trọng và công nhận, họ luôn trong trạng
thái tìm kiếm giá trị bản thân, chính vì họ có mức độ tự trọng rất thấp. Họ
không hề có lòng kiêu hãnh; cái mà họ có là cảm giác tồi tệ về chính con người
mình.
Vậy chúng ta nên
làm gì nếu ta thường xuyên thu hút những người ái kỷ vào cuộc sống của mình? Nếu
điều đó xảy ra, đã đến lúc nhìn lại những tổn thương trong quá khứ và cấu trúc
nhân cách của chính mình.
Rất nhiều người
thu hút người ái kỷ vào đời mình cũng giống như người ái kỷ, họ đã lớn lên với
cha mẹ hoặc người chăm sóc chỉ biết đến bản thân. Họ cảm thấy mình không được
yêu thương, vì từ nhỏ họ luôn có cảm giác cha mẹ chỉ tìm cách lấy từ họ, thay
vì cho họ. Cha mẹ ái kỷ thường đối xử với con như một phần mở rộng của chính họ.
Kết quả là, những đứa trẻ đó bị dùng như một công cụ để đạt được điều gì đó cho
cha mẹ. Những bà mẹ cho con đi thi hoa hậu là một ví dụ điển hình. Những đứa trẻ
đó không cảm thấy mình được nhìn nhận hay được trân trọng vì chính con người thật
của chúng.
Điều này tạo nên
một vết thương tâm lý. Bản thể của bất kỳ ai cũng đều khao khát chữa lành vết
thương đó. Thế nên khi lớn lên, đứa trẻ ấy sẽ vô thức tái tạo lại mối quan hệ với
cha mẹ, có thể là qua bạn bè, sếp, hoặc người yêu. Chúng làm điều này để cố gắng
giải quyết nỗi đau ban đầu. Nếu chúng có thể khiến một người giống mẹ hoặc cha,
người cũng ích kỷ như vậy, yêu thương mình, thì bằng cách nào đó, chúng cảm thấy
mình đã vượt qua được tổn thương đó. Chúng có thể cảm thấy như thể cha mẹ thật
sự yêu thương mình.
Nhưng vấn đề là
thế này: Nếu chúng không thể khiến người giống mẹ hay cha yêu mình, điều đó sẽ
củng cố niềm tin rằng chúng thật sự không xứng đáng được yêu, và rằng cha mẹ đã
đúng về chúng. Chúng ta luôn thu hút những người có mức độ cảm xúc giống với
chúng ta. Đó là lý do vì sao những người ái kỷ và những người hay hy sinh bản
thân lại hay tìm đến nhau.
Nhưng đây cũng
là một tin tốt. Điều đó có nghĩa là càng chữa lành những tổn thương và điều chỉnh
lại cấu trúc nhân cách của chính mình, ta sẽ càng phù hợp hơn với những người
có khả năng tạo nên một mối quan hệ có đi có lại. Khi đó, ta sẽ ít thu hút người
ái kỷ hơn, và chúng ta sẽ ít tự luyến hơn.
Vậy hẳn là bạn
đang tự hỏi: “Làm sao tôi biết được có người ái kỷ trong cuộc sống của mình hay
không?” Nếu bạn muốn biết, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây:
1. Trong mối
quan hệ đó có sự trao đổi qua lại không, hay chỉ có một người luôn cho đi và
người kia luôn nhận?
2. Bạn có thể là
chính mình trong mối quan hệ đó không? Bạn có cảm thấy mình phải kiềm chế tài
năng để khiến họ bớt thấy bị đe dọa không? Hay người bạn đó tôn vinh bạn và để
bạn tỏa sáng theo cách riêng của mình?
3. Hai bên có
chia sẻ sự tổn thương, yếu đuối với nhau không? Tức là, cả hai có thể nói chuyện
một cách chân thật về cảm xúc của mình với nhau?
4. Bạn có tin tưởng
người này với những cảm xúc của mình không, hay bạn luôn cảm thấy phải cảnh
giác? Họ đã từng dùng cảm xúc của bạn để chống lại bạn chưa?
5. Người bạn đó
có thể cho bạn sự thấu cảm và thấu hiểu không, hay họ chỉ cho bạn lòng thương hại
khiến bạn cảm thấy mình thấp kém hơn họ?
6. Người bạn này
có khơi dậy những điều tốt đẹp nhất trong bạn không? Bạn có cảm thấy tốt về
chính mình khi ở cạnh họ không? Bạn có được là con người thật của mình, cả khi
vui lẫn khi buồn không?
7. Khi có vấn đề
xảy ra cần được nói rõ, người bạn đó có biết chịu trách nhiệm cho hành vi của
mình không? Họ có khả năng tự nhận thức và tự đánh giá bản thân không?
8. Bạn có được
phép đặt ra những ranh giới lành mạnh với người này không? Khi bạn thiết lập
ranh giới, điều đó có gây ra xung đột giữa hai người không? Bạn có cảm thấy rằng
nếu đặt ranh giới thì sẽ mất họ không? Hay nhu cầu và mong muốn của bạn được họ
hiểu và cả hai có thể giải quyết một cách dễ dàng?
9. Hai người có
quan tâm đến nhau vì con người thật của nhau, chứ không phải vì những thành tựu,
hay vì những gì bạn làm cho họ?
10. Người bạn đó
có lợi dụng bạn vì mục đích của họ, hay họ trân trọng những gì bạn mang đến cho
mối quan hệ?
Nếu bạn nhận ra
mình có xu hướng thu hút người ái kỷ, thì điều vô cùng quan trọng là bạn cần
xác định lại ranh giới lành mạnh của mình. Một cách đơn giản để hiểu về ranh giới
là: chúng luôn được xác định bởi cảm xúc của bạn.
Nếu bạn tôn trọng
cảm xúc của mình, bạn đang tôn trọng ranh giới của mình. Những ai thường hút về
phía mình người ái kỷ sẽ được lợi rất nhiều nếu xem video của tôi trên YouTube
có tiêu đề: "Làm thế nào để phát triển ranh giới
lành mạnh" (Teal Swan
Transcripts 097).
Bạn sẽ không thể
khiến một người ái kỷ bắt đầu quan tâm đến bạn và bắt đầu chữa lành, đó phải là
điều họ tự muốn làm. Đó là lý do tại sao việc bạn tập trung vào quá trình chữa
lành của chính mình là điều thiết yếu, thay vì cố thay đổi người ái kỷ.
Nhưng hãy cẩn thận:
khi bạn bắt đầu tôn trọng ranh giới của mình, bạn sẽ thấy người ái kỷ xuất hiện
trong cuộc sống bạn ít hơn hẳn. Người ái kỷ thực sự là những “ma cà rồng năng
lượng”. Nếu bạn không để họ hút năng lượng của bạn nữa, họ sẽ buộc phải rời đi
để tìm người khác mà họ có thể bám vào, bởi vì họ chưa học được cách tạo ra
năng lượng từ chính mình. Và bạn không muốn ở gần một người suốt ngày hút năng
lượng của bạn. Vậy nên, hãy để họ ra đi. Hãy để chỗ trống đó trong cuộc đời bạn
được lấp đầy bởi những người có khả năng yêu thương, thân mật và trao đổi tình
cảm một cách tương xứng.
Nếu bạn thường
thu hút người ái kỷ, tôi khuyên bạn cũng nên xem video YouTube của tôi có tiêu
đề: “Ma cà rồng tâm linh” (Teal Swan Transcripts 077).
Tôi không muốn
khiến bạn nghĩ rằng việc “phục hồi” một người ái kỷ là điều không thể, bởi vì
nó là có thể. Thật ra, tình yêu vô điều kiện chính là tần số rung động có thể
chữa lành người ái kỷ. Nhưng rất có thể, nếu người ái kỷ trong đời bạn khiến bạn
đau khổ, đó là vì bạn có những phần bên trong mình chưa được chữa lành. Và đó
chính là “người chưa lành lặn” đang cố gắng chữa lành “người chưa lành lặn”, và
điều đó không bao giờ hiệu quả.
Vì vậy, điều bạn
cần làm là trung thực tuyệt đối với chính mình: liệu việc bạn trao tình yêu vô
điều kiện cho người ái kỷ đó là một hành động yêu thương bản thân, hay là một
hành động tự chối bỏ chính mình? Có lẽ, điều yêu thương bản thân thực sự nên
làm là cho phép mình đặt ra ranh giới và đi về phía những mối quan hệ có tình
yêu chân thật?
Nếu bạn là người
hay thu hút người ái kỷ, thì điều quan trọng là bạn phải bắt đầu xác định rõ
nhu cầu và mong muốn của mình, và tôn trọng chúng. Đồng thời, bạn cũng cần xem
xét lại những niềm tin lỗi thời của mình về sự ích kỷ và sự hy sinh.
Hãy có những kỳ
vọng thực tế về người ái kỷ. Hãy nghĩ về họ như một đứa trẻ đang đói. Yêu cầu một
đứa trẻ đang đói chia sẻ đồ ăn là một kỳ vọng không thực tế. Nhưng đó chính là
điều chúng ta đang làm khi kỳ vọng một người ái kỷ có thể trao đi sự đáp lại
trong tình cảm. Nếu bạn điều chỉnh kỳ vọng của mình về họ, và tìm cách được đáp
ứng nhu cầu từ nơi khác, bạn sẽ dễ dàng để họ “là chính họ” hơn và không còn cảm
thấy bị tổn thương bởi hành vi của họ.
Đừng mong bạn có
thể làm họ hài lòng. Họ mang trong mình niềm tin rằng "không bao giờ là đủ",
điều này có nghĩa là dù bạn có cho họ bao nhiêu, họ vẫn mắc kẹt trong cảm giác
thiếu thốn, và khó lòng tỉnh thức trước tình yêu dồi dào mà bạn mang lại cho họ.
Một điều nữa mà
chúng ta cần làm là nhận ra: mọi điều người ái kỷ đang làm chỉ là phản chiếu lại
những rung động và cảm xúc bị đè nén trong chính chúng ta. Hãy nhìn thẳng vào cảm
giác mà người ái kỷ mang lại cho bạn. Họ khiến bạn cảm thấy không được yêu,
không xứng đáng? Bạn có cảm thấy như mình vô hình, bị lợi dụng? Hãy bước vào trạng
thái “trước khi biểu hiện ra thực tế” và nhận ra rằng những cảm giác đó vốn đã
có sẵn bên trong bạn từ trước rồi. Thật ra, chính vì chúng tồn tại bên trong bạn
nên bạn mới thu hút người đó đến với thực tại của mình.
Những cảm xúc đó
thực sự bắt đầu từ đâu? Chúng ta cần làm cho quá trình chữa lành liên quan đến
chủ nghĩa ái kỷ quay về với chính bản thân mình, chứ không phải xoay quanh người
ái kỷ, nếu chúng ta thực sự muốn được chữa lành. Chúng ta cần hiểu rằng họ chỉ
đang phản chiếu lại ta, và thực tại xung quanh ta cũng chỉ đang phản chiếu những
rung động bên trong ta.
Chúng ta sẽ bắt
đầu thấy sự chuyển biến trong cuộc sống ngay khi chúng ta bắt đầu giải quyết tận
gốc các vấn đề bên trong, thay vì cứ tiếp tục bị đánh lạc hướng bởi hình ảnh phản
chiếu bên ngoài. Một người ái kỷ không gì khác hơn là tấm gương phản chiếu những
phần bên trong ta còn chưa được chữa lành.
Chúc bạn có một
tuần thật tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=4f6ee0EjKlE
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.