Teal Swan Transcripts 109 - KỊCH TÍNH (Làm thế nào để tránh kịch tính và những “nữ hoàng kịch tính”)

 

Teal Swan Transcripts 109


KỊCH TÍNH (Làm thế nào để tránh kịch tính và những “nữ hoàng kịch tính”)

 

15-02-2014

 



Tuần này, tôi nhận được một email từ một người chia sẻ rằng họ đã sẵn sàng chấm dứt tất cả những kịch tính trong cuộc sống của mình, những kịch tính chủ yếu đến từ người khác. Lý do tôi chọn câu hỏi này là vì tôi thường xuyên nhận được câu hỏi tương tự: Làm sao để chấm dứt kịch tính trong cuộc sống?

 

Từ “kịch” ban đầu có nghĩa là “diễn xuất”, đó là lý do vì sao nó xuất hiện đầu tiên trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

 

Khi liên hệ đến đời sống cảm xúc, “kịch tính” là một trạng thái, một tình huống, hoặc chuỗi sự kiện liên quan đến xung đột mãnh liệt. Ghép hai điều này lại, bạn sẽ có định nghĩa về một người “kịch tính”: đó là người cư xử như thể họ đang ở trong trạng thái xung đột dữ dội.

 

Có một quan niệm cho rằng người “kịch tính” hoặc “nữ hoàng kịch tính” là người phản ứng thái quá hoặc đang diễn để gây sự chú ý, giống như một diễn viên trên sân khấu. Một “nữ hoàng kịch tính” hành xử như thể mọi chuyện tồi tệ hơn thực tế rất nhiều.

 

Chính vì vậy, “kịch tính” thường mang một định kiến tiêu cực. Bạn sẽ nghe người ta nói: “Tôi không chịu nổi mấy chuyện kịch tính nữa” hoặc “Anh/cô ta nghiện kịch tính”, hay “Anh/cô ta đúng là một nữ hoàng kịch tính”.

 

Tôi muốn nói rõ ngay từ đầu rằng, trong đời sống cảm xúc của con người, không hề tồn tại thứ gọi là “kịch tính”. Không thể có chuyện “quá kịch tính”. Và khi bạn nói ai đó đang kịch tính hay là “nữ hoàng kịch tính”, tức là bạn đang khiến họ cảm thấy xấu hổ vì cảm xúc của mình, những cảm xúc mà tôi dám chắc là hoàn toàn chân thật.

 

Không ai phản ứng thái quá cả. Chưa từng có ai trên Trái Đất này phản ứng thái quá với bất kỳ điều gì. Lý do là vì chúng ta luôn hành xử hoàn toàn phù hợp với thực tại mà chỉ riêng ta đang cảm nhận.

 

Và thực tại mà mỗi người cảm nhận không giống nhau.

 

Ví dụ nhé, giả sử bạn đã kết hôn và bạn có thói quen hay quên đeo nhẫn cưới. Bạn để nó lại trên bàn sau khi tắm xong và quên không đeo lại. Giờ hãy tưởng tượng rằng vợ/chồng bạn nổi giận vì chuyện đó, và dành 20 phút tiếp theo để khóc rồi la hét với bạn. Bạn có thể sẽ nhìn họ và nghĩ: Người này thật là kịch tính.

 

Vì rốt cuộc, bạn vẫn còn yêu họ, vẫn còn là vợ/chồng họ. Chỉ là cái nhẫn thôi mà. Bạn chỉ quên đeo lại nó thôi. Theo góc nhìn của bạn, vợ/chồng bạn đang hoặc là cố gây sự chú ý, hoặc là phản ứng thái quá và nghĩ rằng sự việc tồi tệ hơn thực tế.

 

Nhưng giờ hãy thử đặt mình vào góc nhìn của người bạn đời. Giả sử họ xem chiếc nhẫn cưới như một biểu tượng hữu hình của tình yêu. Khi bạn quên đeo nhẫn, thực tại của họ có thể trông như thế này: Người ấy quên mình rồi, hoặc không còn yêu mình nữa.

 

Điều này càng tồi tệ hơn nếu họ từng có ký ức tiêu cực. Giả sử vợ/chồng bạn từng kết hôn trước đây, và có lần họ về nhà thấy ngôi nhà trống trơn, chỉ còn chiếc nhẫn cưới của người cũ để lại trên bàn bếp sau khi bỏ đi mãi mãi. Giờ đây, họ gắn việc thấy chiếc nhẫn bị bỏ lại trên bàn với việc bị bỏ rơi hoàn toàn.

 

Vì thế, lý do duy nhất khiến họ có vẻ “kịch tính” là vì bạn không nhận ra rằng ngay lúc này, hai người đang sống trong hai thực tại khác nhau. Bạn đang sống trong một thực tại nơi bạn quên đeo một món trang sức sau khi tắm. Họ đang sống trong một thực tại nơi bạn không còn yêu họ và sắp bỏ rơi họ.

 

Giờ thì phản ứng của họ còn có vẻ “kịch tính” nữa không? - Không. Nó hoàn toàn hợp lý.

 

Bạn có lẽ cũng sẽ phản ứng y như vậy nếu bạn nghĩ rằng người mình yêu không còn yêu mình và sắp rời bỏ mình.

 

Khi bạn nói ai đó “hãy tỉnh lại đi” hay “suy nghĩ hợp lý đi”, nghĩa là bạn đang yêu cầu họ điều chỉnh góc nhìn để giống với bạn.

 

Đúng là đôi khi chia sẻ góc nhìn của mình có thể giúp ai đó cảm thấy dễ chịu hơn. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc góc nhìn của bạn là sự thật. Sự thật là một trải nghiệm mang tính chủ quan.

 

Khi ai đó cư xử như thể một tình huống tệ hơn bạn nghĩ, điều đó chỉ có nghĩa là hình ảnh họ đang tưởng tượng về tình huống đó tồi tệ hơn so với hình ảnh bạn đang tưởng tượng. Nghĩa là ý nghĩa mà họ gán cho sự việc đó đau đớn hơn ý nghĩa mà bạn gán cho cùng một sự việc.

 

Mỗi người luôn hành xử một cách hoàn hảo theo đúng với thực tại mà họ đang cảm nhận.

 

Một khi bạn hiểu điều đó, bạn sẽ không còn cảm thấy khó chịu với cách người khác cư xử. Bạn sẽ ngừng xem thường hay phủ nhận cảm xúc của họ. Bạn sẽ ngừng coi họ là đang “diễn”. Họ sẽ không còn có vẻ như đang “phản ứng thái quá”. Và quan trọng nhất, bạn sẽ không còn cảm thấy cá nhân hóa hành vi của họ nữa.

 

Những người nói: “Tôi không muốn chút kịch tính nào trong đời nữa” thường có ý rằng: “Tôi phát mệt vì phải ở cạnh những người kịch tính. Tôi cảm thấy họ làm tôi mất cân bằng và mất đi sự bình yên bên trong.”

 

Nhưng vấn đề là thế này: Bạn đang sống trong một vũ trụ vận hành theo luật hấp dẫn. Nếu bạn phát chán vì bị bao quanh bởi những người kịch tính, nghĩa là bạn đang không chịu thừa nhận rằng kịch tính thật sự đang tồn tại bên trong chính bạn.

 

Vậy nên câu hỏi quan trọng nhất là: “Bên trong tôi có điều gì đang được phản chiếu thông qua những người khác?

 

Sự thật là: nếu tôi có xung đột với người khác, nghĩa là tôi đang có xung đột bên trong chính mình. Tôi đang trong tình trạng “nội chiến” với bản thân.

 

Nếu bạn bị bao quanh bởi kịch tính, bạn sẽ dễ bị cám dỗ để cố gắng loại bỏ tất cả những người gây ra kịch tính khỏi cuộc đời mình. Nhưng đó chỉ là một hành động mang tính bề mặt. Và nó sẽ chẳng mang lại hiệu quả gì cả.

 

Bởi vì ngay khi bạn loại bỏ những người “kịch tính” ấy khỏi cuộc sống, khoảng trống mà họ để lại sẽ nhanh chóng được lấp đầy bởi những người kịch tính khác. Lý do là vì bạn đang không nhận ra rằng chính bạn đang thu hút họ đến với trải nghiệm của mình. Bạn đang thu hút xung đột vào cuộc sống của mình.

 

Nếu bạn là người thường xuyên bị kịch tính vây quanh và bạn đã quá mệt mỏi với nó, thì đây là những câu hỏi vô cùng quan trọng mà bạn cần tự hỏi:

 

- Tôi có phải là người hay lo xa?

- Tôi có hay nghĩ đến những kịch bản tồi tệ nhất?

- Tôi có thầm yêu thích những tình huống kịch tính và vì vậy mà tôi vô thức muốn chúng xảy ra, bởi vì thường ngày tôi cảm thấy tê liệt, và kịch tính khiến tôi cảm thấy được điều gì đó?

- Tôi có thầm yêu thích những người kịch tính vì khi ở cạnh họ, tôi cảm thấy mình có vẻ lý trí, ổn định và sáng suốt hơn?

- Tôi có dễ cảm thấy chán nản và vì vậy tôi thu hút kịch tính để giải trí bản thân?

- Tôi có lớn lên trong môi trường có người thân thiếu ổn định về mặt cảm xúc, và từng trải nghiệm xung đột như là tình yêu? Và vì vậy, giờ đây tôi mong chờ điều đó ở người khác, và chỉ nhận ra tình yêu khi có xung đột?

- Có phải tôi đang mang một cuộc xung đột nội tâm khiến tôi cảm thấy bất ổn về cảm xúc, điều mà tôi không sẵn sàng thừa nhận hoặc đối diện, và nó cứ thế phản chiếu lại qua các mối quan hệ của tôi?

- Tôi có đang từ chối công nhận cảm xúc của chính mình, đến mức chúng buộc phải phản ánh qua người khác, và tôi lại đối xử với người khác y hệt như cách tôi đối xử với chính mình: bằng cách phủ nhận cảm xúc của họ?

 

Chúng ta cần tìm một cách để giải tỏa sự kháng cự của mình đối với kịch tính, và học cách chấp nhận nó, nếu chúng ta thực sự muốn giảm bớt sự hiện diện của nó trong cuộc sống.

 

Kịch tính không phải là điều xấu. Kịch tính chính là sự tương phản. Và sự tương phản chính là động lực thúc đẩy sự mở rộng. Người có nhiều kịch tính nhất trong đời là người có nhiều tương phản nhất. Và người có nhiều tương phản nhất là người có nhiều cơ hội phát triển nhất.

 

Và không ai xứng đáng bị phủ nhận cảm xúc của mình chỉ vì bị nói rằng họ “đang kịch tính”.

 

Rất có thể, nếu bạn hay phủ nhận cảm xúc của người khác bằng cách nói họ đang làm quá lên, thì bạn đã học được cách phủ nhận chính cảm xúc của bản thân trong suốt cuộc đời mình. Bạn áp đặt kỳ vọng đó lên người khác vì bạn đã áp đặt nó lên chính mình.

 

Dù cho bạn có mong mình không cảm thấy những điều bạn đang cảm thấy, đã đến lúc phải thành thật thừa nhận cảm xúc thật sự của bạn, và không còn cảm thấy xấu hổ vì chúng nữa. Việc bạn cảm thấy xấu hổ sâu sắc với cảm xúc của mình chính là lý do khiến bạn muốn chối bỏ cảm xúc đó. Và nó cũng là lý do khiến bạn muốn phủ nhận cảm xúc của người khác.

 

Nhưng bạn cần biết điều này: không ai phản ứng thái quá cả. Kể cả bạn. Phản ứng thái quá là điều không thể xảy ra. Mỗi người chỉ đơn thuần phản ứng hoàn hảo theo đúng góc nhìn và thực tại mà họ đang cảm nhận.

 

Chúc bạn một tuần tốt lành.

 

 

 

 

Link gốc của bài viết

 

https://www.youtube.com/watch?v=OIixfnmEgn8

 

 

 

 

 

 

Theo dõi trên Facebook

 

https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/

 

DANH SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG

 

https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.