Teal Swan Transcripts 104
Sự thất vọng (Cách vượt qua sự thất vọng)
18-01-2014
Chào tất cả mọi
người. Hôm nay chúng ta sẽ nói về sự thất vọng.
Có hai điều cần
được bàn đến khi nói về sự thất vọng. Thứ nhất là: Mong đợi sự thất vọng. Thứ
hai là: Làm gì khi ta thực sự cảm thấy thất vọng.
Có thể bạn chưa
nhận ra, nhưng bạn có thể chính là một trong những người luôn mong đợi sự thất
vọng trong cuộc sống của mình. Bạn có thể là người không cho phép bản thân hy vọng.
Những ai mong đợi sự thất vọng trong cuộc đời sẽ trải qua một cuộc sống bị bó hẹp.
Nhưng là bó hẹp
điều gì? Đó là sự bó hẹp niềm vui. Những ai mong đợi sự thất vọng thì không cho
phép bản thân cảm nhận những cảm xúc tích cực. Ta cảm thấy một sự thoải mái
quen thuộc và an toàn khi ở trong những trạng thái cảm xúc tiêu cực như nỗi buồn.
Bởi vì khi cảm thấy như thế, ta chắc chắn rằng sẽ không còn rơi xuống sâu hơn nữa.
Và ta sẽ không còn bị thất vọng thêm, từ cái vị trí đó.
Đây là điều rất
quan trọng để hiểu rõ: Nếu bạn là một người cho rằng trầm cảm hay buồn bã mới
là thứ cảm xúc “thật”, hoặc rằng có một cảm giác thân thuộc, đáng tin trong các
trạng thái cảm xúc tiêu cực như trầm cảm hay buồn bã, thì lý do là vì bạn không
chỉ mong đợi điều đó, mà bạn còn sợ hãi sự thất vọng một cách tuyệt vọng.
Và như vậy, thời
điểm duy nhất mà chúng ta cảm thấy hoàn toàn an toàn về mặt cảm xúc, chính là
khi ta đã cảm thấy không vui.
Những ai kỳ vọng
sự thất vọng thường hoảng loạn khi mọi thứ bắt đầu tốt đẹp. Ta luôn cố tìm ra
điều tiêu cực trong mọi tình huống, để không bị bất ngờ vì nó. Ta trải nghiệm
tình yêu như một nỗi nhung nhớ hoài cổ về điều gì đó, dù đối tượng ta yêu vẫn
còn hiện diện. Ta cảm thấy bất lực và tuyệt vọng nhất chính là khi mọi thứ diễn
ra tốt đẹp, vì ta sống theo niềm tin rằng vũ trụ đang chống lại mình và rằng càng
lên cao thì sẽ rơi càng đau.
Phần lớn những
người sống với sự kỳ vọng thất vọng đều nhìn nhận chính bản thân mình là một sự
thất vọng. Ta trông chờ bản thân sẽ là nỗi thất vọng của người khác. Bởi vì khi
ta còn nhỏ, ta từng cảm thấy mình là một sự thất vọng đối với những người có thẩm
quyền xung quanh mình như giáo viên, người thân, cha mẹ, và thậm chí cả anh chị
em.
Không gì ta làm
ra là đủ tốt để chứng tỏ rằng ta có giá trị và xứng đáng. Nếu mọi thứ diễn ra tốt
đẹp với ta, điều đó đồng nghĩa với việc ta xứng đáng với những điều tốt ấy. Và
ta đơn giản là không thể tin được điều đó. Ta tin rằng mình không xứng đáng được
vũ trụ đối xử tốt. Ta nghĩ mình không xứng đáng để mọi chuyện suôn sẻ. Ta nghĩ mình
không xứng đáng có được bước ngoặt lớn, người bạn đời lý tưởng hay mức lương mơ
ước. Ta thậm chí không biết vì sao mình không xứng đáng, hoặc đã làm gì để phải
chịu đau đớn.
Tất cả những gì
ta biết là: hẳn ta phải xứng đáng với điều đó, bởi vì đó chính là thứ ta đã
quen nhận được.
Tệ hơn nữa, những
người sợ hãi và mong đợi sự thất vọng thường tập cho mình thói quen mong chờ kịch
bản tồi tệ nhất.
Và điều này trở
thành vấn đề nghiêm trọng trong một thực tại nơi tâm trí tạo ra thế giới bạn
đang sống. Khi tâm trí tạo ra hiện thực, và bạn mong đợi sự thất vọng, thì bạn
đang thực sự ở trong vòng lặp tạo ra sự thất vọng. Đó là một lời tiên tri tự ứng
nghiệm.
Nhưng tôi muốn
nhắc bạn rằng: Khi bạn đang làm việc với ai đó đang ở trong tần số rung động của
sự thất vọng, hoặc chính bạn cũng đang mong đợi sự thất vọng, thì điều tồi tệ
nhất bạn có thể làm là nhắc họ rằng đó là một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Điều
đó hoàn toàn không giúp ích gì. Thực tế, nó chỉ khiến người đó cảm thấy xấu hổ
vì đã mong đợi điều tiêu cực. Nó khiến họ lo lắng về cả chính nỗi lo lắng của
mình.
Nếu bạn là kiểu
người luôn mong đợi sự thất vọng, điều quan trọng là bạn phải lập ra một danh
sách những lần bạn đã mong chờ kịch bản tồi tệ, nhưng nó lại không xảy ra. Có
thể bạn từng nghĩ rằng mình sẽ bị cho leo cây trong buổi hẹn, nhưng người kia
chỉ đến muộn vì kẹt xe. Có thể bạn từng nghĩ ai đó sẽ qua đời, nhưng họ lại hồi
phục. Có thể bạn từng nghĩ một cơ hội sẽ tuột khỏi tay, nhưng thật ra nó chỉ mất
thêm chút thời gian để đến.
Điều cốt lõi là:
Khi bạn nhìn thấy bằng chứng rằng thất vọng không phải lúc nào cũng xảy ra, thì
bộ não bạn sẽ không còn bám víu vào kỳ vọng tiêu cực ấy một cách mãnh liệt như
trước nữa.
Nỗi sợ nền tảng ẩn
sâu bên dưới cuộc sống và tâm trí của những người kỳ vọng sự thất vọng, chính
là niềm tin, và nỗi sợ rằng mình bất lực. Cụ thể hơn, là cảm giác bất lực vì
nghĩ rằng mình không thể tạo ra thực tại của chính mình. Những người mong đợi sự
thất vọng tin rằng cuộc sống xảy đến với họ, rằng họ không thể kiểm soát liệu
mình sẽ cảm thấy tốt hay tệ.
Tôi muốn lặp lại
điều này vì nó rất quan trọng: Những người sợ thất vọng là những người không
tin rằng mình thật sự có quyền kiểm soát cuộc đời mình. Họ tin rằng trải nghiệm
sống của họ được quyết định bởi một thế lực lớn hơn và mạnh hơn chính họ.
Nhiều người
trong chúng ta dù tin rằng mình tạo ra thực tại vẫn không thực sự mang niềm tin
đó đến tận gốc rễ con người mình. Bởi vì niềm tin vào sự bất lực vẫn ăn sâu hơn,
đó là tàn tích từ những trải nghiệm thời thơ ấu.
Nếu bạn đang kỳ
vọng sự thất vọng, thì điều thiết yếu là bạn phải chứng minh cho chính mình thấy
rằng bạn là người tạo ra thực tại của mình. Cách để làm điều đó là sử dụng hình
dung mỗi ngày, chỉ cần 5 phút mỗi ngày, không hơn.
Hãy đặt hẹn giờ,
và trong 5 phút đó, hãy tập trung vào một điều gì đó mà bạn không thực sự quan
tâm. Nhưng hãy tập trung vào cùng một điều đó suốt hai tuần. Lý do tôi muốn bạn
chọn một điều không quá quan trọng với bạn, là vì bạn sẽ không có quá nhiều sự
kháng cự với vấn đề đó.
Ví dụ, tôi không
thực sự quan tâm đến... những quả bóng bowling. Trong cuộc sống hằng ngày của
tôi, tôi không có nhiều cảm xúc tích cực hay tiêu cực gì đối với bóng bowling.
Tôi rất trung lập với chúng. Điều này giúp tôi có thể tập trung vào hình ảnh những
quả bóng bowling mà không có bất kỳ rung động nội tâm nào chống lại ý tưởng về
bóng bowling. Khác với, chẳng hạn, một người thực sự rất muốn có thứ gì đó như tiền,
nhưng lại mang trong mình đủ kiểu niềm tin tiêu cực như:
“Tiền không mọc
trên cây.”
“Tôi không xứng
đáng có tiền.”
“Nó sẽ không đến
với tôi.”
Loại năng lượng
đó tạo ra một mức độ kháng lực khiến bạn không thể tập trung một cách thuần khiết
vào vấn đề đó. Vì vậy, chúng ta cần để dành những chủ đề “lớn lao” như vậy cho
đến khi bạn thực sự tin rằng mình tạo ra hiện thực của chính mình. Vì thế, để bắt
đầu, hãy chọn một điều gì đó mà bạn thật sự rất trung lập, không quan tâm theo
hướng tích cực hay tiêu cực, rồi tập trung vào điều đó trong 5 phút mỗi ngày. Hãy
hình dung điều đó một cách chân thực nhất có thể. Sau đó, điều bạn sẽ làm là quan
sát xem chủ đề đó bắt đầu xuất hiện trong cuộc sống của bạn như thế nào.
Vậy tôi sẽ bắt đầu
quan sát xem bóng bowling có xuất hiện trong thực tại của tôi hay không.
Luật hấp dẫn hoạt
động theo cách mà: đó là một luật phổ quát, bất cứ điều gì bạn tập trung vào, nó
sẽ trở thành một phần trong rung động của bạn, và phải xuất hiện trong thực tại
của bạn, tùy theo hệ thống niềm tin của chính bạn.
Vậy nên, nếu tôi
tập trung vào bóng bowling, chúng buộc phải xuất hiện trong cuộc sống tôi. Bạn
có thể sẽ thấy mình bị “bủa vây” bởi chủ đề đó sau khi bắt đầu hình dung nó. Không
phải vì nó luôn luôn ở đó nhưng bạn không nhận ra. Mà là bởi vì giờ đây bạn đã
đồng điệu về rung động với nó, bạn bị hút về phía nó, và nó cũng bị hút về phía
bạn.
Phần quan trọng
nhất trong bài tập này, đó là bạn nhận ra rằng chính tâm trí của bạn đang tạo
ra hiện thực của bạn. Nếu bạn nghĩ về điều gì đó, nó phải xuất hiện. Việc này sẽ
đánh sập niềm tin rằng bạn bất lực với thực tại của mình, và từ đó, việc mong đợi
sự thất vọng sẽ không còn là điều hợp lý nữa.
Tôi cũng muốn
nói rằng, sự lo lắng có mối liên hệ mật thiết với việc mong đợi thất vọng. Và cũng
vậy với ý niệm rằng “mình không xứng đáng”. Vì lý do đó, nếu bạn đang vật lộn với
việc kỳ vọng sự thất vọng trong cuộc sống, tôi muốn bạn xem video Youtube của tôi có tên: “Xứng đáng và Đặc quyền” (Teal Swan Transcripts 029). Tôi cũng muốn
bạn tìm video khác có tên: “How to Stop Worrying” (Làm sao để ngừng lo lắng) (Teal Swan Transcripts 075).
Cả hai video đó
sẽ giúp bạn rất nhiều với vấn đề này.
Giờ tôi muốn
chia sẻ một vài gợi ý để đối diện với sự thất vọng khi nó thật sự xảy ra:
1.
Hãy để bản thân cảm nhận và bày tỏ sự thất vọng đó.
Hãy thừa nhận
nó.
Chúng ta không
giỏi trong việc cho phép bản thân đi qua một quá trình mà không cố gắng thúc ép
nó kết thúc nhanh chóng. Sự kháng cự cảm xúc trước thất vọng khiến ta bị kẹt lại
trong chính cảm xúc ấy.
Hãy chia sẻ với
người khác hoặc viết vào nhật ký mức độ thất vọng mà bạn đang cảm thấy, và cho
phép bản thân đắm chìm vào, khám phá các cảm giác và cảm xúc đó, mà không cần
phải thay đổi nó ngay.
Bạn phải thật sự
sẵn sàng bước tiếp, thì mới có thể bước tiếp được. Và bạn không thể làm được điều
đó nếu chưa đối mặt và cảm nhận trọn vẹn sự thất vọng. Bạn không bao giờ nên
mong đợi bản thân có thể vượt qua nó.
2.
Tìm góc nhìn rộng hơn.
Việc chia sẻ sự
thất vọng của bạn với người khác là một ý tưởng hay. Tại sao?
Vì góc nhìn của
họ có thể giúp bạn nhìn sự việc theo một cách khác.
Nhưng tôi muốn
nhấn mạnh: điều vô cùng quan trọng là bạn phải cho phép mình cảm nhận trọn vẹn
sự thất vọng trước, trước khi bạn thực hiện bước này. Vì chúng ta không muốn để
quan điểm của người khác trở thành lý do khiến bạn tự phủ nhận cảm xúc của
chính mình, và rồi bắt bản thân không được cảm thấy như vậy nữa.
3.
Đừng coi đó là điều cá nhân.
Hầu hết chúng ta
đều coi thất vọng là chuyện cá nhân. Ta bắt đầu tự hỏi: mình đã làm gì để đáng
phải chịu nỗi đau này?
Sự hiểu ra ý
nghĩa thật sự của trải nghiệm chỉ có thể đến khi bạn không còn xem nó là một sự
trừng phạt cá nhân. Bạn sẽ không học được gì cả nếu cứ tự hành hạ và đổ lỗi cho
bản thân, (mà thật ra đổ lỗi cho bản thân cũng là một hình thức tự xấu hổ).
Điều quan trọng
là bạn phải hiểu rằng: Trải nghiệm của chúng ta không liên quan đến việc “xứng
đáng” hay “không xứng đáng”, cũng không liên quan đến việc “có đủ tốt” hay
“không đủ tốt”. Nó liên quan đến những suy nghĩ và mong muốn sâu thẳm thật sự
bên trong bạn.
Luật hấp dẫn
không phải là một tiến trình có tính cá nhân. Nó đáp lại bằng cách phản chiếu
chính xác rung động của bạn, rung động vốn được quyết định bởi những suy nghĩ
chi phối bạn nhiều nhất. Nó không chọn lọc đối tượng, và cũng không thiên vị ai.
Nó vô tư như trọng lực. Nó không tồn tại để trừng phạt bạn.
4.
Khi điều gì đó gây thất vọng xảy ra, hãy bắt đầu tìm kiếm, hoặc ít nhất là mở
lòng, với khả năng có một tia hy vọng.
Bạn không thể thật
sự biết rằng người, cơ hội hay điều gì đó bạn muốn có phải là thứ bạn thật sự đang
khao khát không. Có thể là không. Có thể thứ bạn thực sự mong muốn lại đang
ngay góc cua phía trước. Việc tìm được điểm tích cực trong một trải nghiệm gây
thất vọng là một trong những bước quan trọng nhất để vượt qua nỗi thất vọng đó.
Tôi có thể đảm bảo
với bạn rằng, luôn có một điều tích cực ẩn chứa trong mọi sự thất vọng. Đối với
tôi, một trong những điều yêu thích là viết ra danh sách những khía cạnh tích cực
trong một cuốn nhật ký đặc biệt, dành riêng để ghi lại những điều tích cực của
những nỗi thất vọng mà tôi từng trải qua. Điều này không chỉ khiến tôi chủ động
tìm kiếm mặt sáng của vấn đề, mà còn giúp tâm trí tôi không rơi vào vòng xoáy
tiêu cực vô tận.
5.
Thực hành nghệ thuật của sự buông bỏ.
Bạn hoàn toàn có
thể khao khát một điều gì đó mà không cần phải dính mắc vào kết quả.
Nhưng tôi thật sự
muốn làm rõ rằng: “tách biệt” và “không dính mắc” là hai điều khác nhau. Tách biệt
là một cơ chế đối phó, là chiến lược tự vệ. Trong khi đó, không dính mắc là một
sự thực hành của niềm tin, là cho phép vũ trụ mang đến những điều bạn mong muốn
theo cách mà bạn thậm chí chưa thể hình dung ra.
Quá trình này
giúp bạn không giới hạn bản thân trong một kết quả duy nhất. Nó giúp bạn nhận
ra rằng những điều bạn khao khát có thể đến theo cách hoàn toàn bất ngờ. Và
càng dính mắc vào một điều gì đó cụ thể, bạn càng vô tình loại bỏ đi những cơ hội
và khả năng khác, có thể còn tốt hơn nữa.
6.
Hãy lập một kế hoạch mới.
Sự thất vọng thường
là dấu hiệu cho thấy điều gì đó cần được thay đổi. Thất vọng chính là cơ hội để
bạn nhìn lại. Khi chúng ta cảm thấy thất vọng, nghĩa là cách tiếp cận của chúng
ta để đạt được điều mình muốn cần được điều chỉnh.
Vậy bài học rút
ra từ sự thất vọng là gì?
Bạn cần làm gì
khác đi trong tương lai?
Luôn luôn có điều
gì đó giá trị để học hỏi từ thất vọng.
Nhưng hãy nhớ:
điều đó chỉ thực sự có giá trị nếu bài học đó khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn nghĩ rằng:
“Bài học tôi rút ra là: lần sau đừng mong đợi gì quá nhiều, đừng đếm gà trước
khi nở, và nên chuẩn bị tinh thần cho thất vọng...” thì bạn không thực sự mở
lòng để học, mà bạn đang đóng lại để tránh tổn thương. Và hai điều đó hoàn toàn
khác nhau.
Tôi cũng muốn bạn
hiểu rằng: Không có gì sai khi “đổi ngựa giữa dòng” cả. Không có gì sai khi
thay đổi hướng đi.
Một số phát minh
vĩ đại nhất trong lịch sử loài người là kết quả của những thất vọng to lớn. Chúng
đến ngay sau những lần thất vọng sâu sắc, vì chính những cú va chạm đó khiến
con người phải thay đổi một cách mạnh mẽ. Và những thay đổi mạnh mẽ ấy lại đem
đến kết quả đột phá.
7.
Ghi nhận những điều đang diễn ra tốt đẹp trong hiện tại.
Hãy nhìn vào những
gì bạn đang có, đang tận hưởng. Khi ta rơi vào thất vọng, ta bắt đầu nhìn cuộc
sống qua lăng kính của sự thiếu thốn.
Sự mất mát, hay
cảm giác bị “trêu đùa” vì không đạt được điều mình muốn, làm tăng nhận thức của
ta về những gì đang thiếu trong cuộc sống. Để chống lại cú trượt dài này, bạn
chỉ cần ngồi xuống và liệt kê tất cả những điều bạn muốn có, mà hiện tại bạn đã
có rồi.
Bạn biết ơn điều
gì?
Bạn yêu thích điều
gì trong cuộc sống của mình?
Những thành công
nào bạn đã đạt được?
Điều gì trong cuộc
sống bạn là tốt đẹp?
Điều này sẽ giúp
bạn nhìn thấy bức tranh tổng thể.
Đừng chỉ nghĩ đến
điều lớn lao, hãy nghĩ cả những điều nhỏ bé. Nếu bạn yêu thích ly cà phê mỗi
sáng, thì đó chính là một điều tốt đẹp mà bạn đang có. Càng nhận ra nhiều điều
tích cực mà bạn đang có, bạn sẽ càng ít cảm thấy cuộc sống mình thiếu thốn. Và cảm
giác bị “tước đoạt” cũng sẽ vơi đi.
8.
Đừng hành động – hãy nghỉ ngơi.
Thất vọng là một
cú đòn mạnh vào lòng tự tin của chúng ta. Vì vậy, ta không nên hành động từ trạng
thái rung động đó. Điều quan trọng là bạn phải cho mình thời gian để vượt qua cảm
xúc thất vọng, và cho phép sự cảm hứng xuất hiện trở lại. Nếu không, bạn sẽ
hành động từ trạng thái tuyệt vọng.
Và bất cứ ai từng
thật sự thất vọng đều biết việc hành động từ trạng thái tuyệt vọng đau đớn và
vô ích thế nào. Nó không bao giờ đem lại kết quả tích cực. Bạn không bao giờ
nên làm gì khi đang ở trong trạng thái rung động của thất vọng. Và khi bạn bắt
đầu lại, đi về phía điều mình mong muốn, hãy đi bằng những bước thật nhỏ.
Bởi vì thất vọng
làm tổn thương sự tự tin, nên khi bạn đạt được những bước tiến nhỏ, sự tự tin của
bạn sẽ được hồi phục. Và bạn sẽ thấy việc hướng về sự kỳ vọng tích cực trở nên
dễ dàng hơn. Hãy tin rằng điều bạn muốn là điều được dành cho bạn.
9.
Hãy mở lòng với những cơ hội mới, dù là bất ngờ.
Tôi luôn yêu một
câu nói, dù nó có màu sắc tôn giáo: “Khi Thượng đế đóng một cánh cửa, Ngài sẽ mở
ra một cánh cửa sổ.”
Nó có nghĩa là: vũ
trụ không thể đóng lại một cánh cửa nào mà không mở ra một cơ hội khác. Chỉ vì
bạn cảm thấy thất vọng hôm nay, không có nghĩa là bạn thực sự nên thất vọng. Thực
tế là, hầu hết thời gian chúng ta đang “kiểm kê cảm xúc” quá sớm.
Ta chưa thể nhìn
thấy rằng: điều mình vẫn luôn khao khát thật ra đang ngay gần đó, ngay khúc cua
kế tiếp. Và vài năm nữa, bạn sẽ biết ơn vì điều bạn tưởng là mình muốn đã không
xảy ra.
10.
Đừng bao giờ ngừng tiến về phía điều bạn mong muốn. Đừng bao giờ từ bỏ.
Cuộc sống trở
nên vô nghĩa nếu nó không được sống vì hạnh phúc và đam mê. Và thất vọng chỉ là
một cái hố trên con đường đời. Nếu bạn cho phép mình bị dừng lại bởi cái hố đó,
mà ta gọi là thất vọng, cuộc sống của bạn sẽ trở nên vô nghĩa.
Và tôi có thể đảm
bảo với bạn rằng: Một cuộc đời đầy những thất vọng nối tiếp nhau còn tốt hơn
hàng triệu lần một cuộc đời vô nghĩa, vì không có niềm vui. Bất cứ ai đã từng từ
bỏ ước mơ của chính mình đều có thể nói với bạn điều này.
Tôi muốn bạn hiểu
một điều rất quan trọng: Sự mở rộng của vũ trụ, và cả sự mở rộng của cá nhân bạn,
chỉ có thể xảy ra khi bạn hòa hợp với những mong muốn mới của mình. Nó chỉ có
thể xảy ra khi bạn đạt được điều bạn khao khát.
Nếu bạn không đạt
được điều mình mong muốn, bạn sẽ không bao giờ chạm tới nền tảng nhận thức mới,
nơi từ đó bạn có thể mong muốn nhiều hơn, mở rộng nhiều hơn. Vì vậy, việc bạn
không đạt được điều bạn muốn không nằm trong lợi ích của vũ trụ.
Thất vọng không
có lợi cho sự mở rộng của vũ trụ hay của bạn. Và nếu thất vọng không phục vụ
cho sự mở rộng, thì bạn không sinh ra để sống trong thất vọng. Và mọi điều bạn
có thể mong muốn, đều là điều mà bạn xứng đáng có.
Điều đó có nghĩa
là: tất cả thất vọng đều chỉ là tạm thời.
Chúc bạn một tuần
thật bình an.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=_FD1uvqn-d0
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.