Teal Swan Transcripts 063
Thiền để giải phóng sự kháng cự và cho
phép
22-06-2013
Xin chào mọi người.
Tuần này, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về thiền. Cụ thể hơn, nhiều người đã
yêu cầu tôi chia sẻ với các bạn một trong những bài thiền yêu thích nhất của
tôi. Bài thiền này được thiết kế để giải phóng sự kháng cự trong cơ thể, đưa cơ
thể bạn vào trạng thái hoàn toàn cho phép.
Và như chúng ta
đã biết, không chỉ tâm trí mới ảnh hưởng đến cơ thể. Cơ thể cũng ảnh hưởng đến
tâm trí. Điều mà hầu hết chúng ta không nhận ra là cơ thể mình thường xuyên ở
trong trạng thái kháng cự. Nếu bạn đeo một chiếc kính có thể nhìn thấy dòng chảy
năng lượng trong một căn phòng hay bất kỳ không gian nào, bạn sẽ thấy năng lượng
không hề đứng yên. Nó di chuyển giống như nước đang chảy vậy. Không biết các bạn
có bao giờ ngồi ngoài biển, giữa những con sóng và cảm nhận cách những con sóng
đẩy cơ thể mình đi không?
Trên một mức độ
tinh tế hơn, điều đó cũng đang diễn ra với không khí và năng lượng trong một
căn phòng hoặc ngoài trời, giống như nơi chúng ta đang ở bây giờ. Chúng ta đã
quá quen với việc chống lại, với việc kháng cự lại cách năng lượng di chuyển
trong không gian. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể đứng yên khi nghe ai đó
nói hoặc ngồi yên một chỗ. Đó là vì chúng ta đang kháng cự lại dòng chảy năng
lượng trong căn phòng. Và rõ ràng, trạng thái kháng cự này đối lập hoàn toàn với
trạng thái Cho Phép.
Trạng thái Cho
Phép là một trạng thái mang tính tâm linh nhiều hơn. Nó cho phép dòng năng lượng
từ bản thể cao hơn của bạn chảy xuyên qua cơ thể, rồi sau đó là hành động và lời
nói của bạn. Vậy nên, để bắt đầu bài thiền này, bạn hãy ngồi thẳng lưng.
Rồi sau đó, bạn
có thể nhận ra rằng ngay cả việc giữ lưng thẳng cũng là một dạng kháng cự, nên
bạn có thể cảm thấy cơ thể mình dần thả lỏng theo dòng năng lượng. Điều đó hoàn
toàn ổn. Hãy nhắm mắt lại và bắt đầu quan sát hơi thở. Tôi thích bắt đầu các
bài thiền theo cách này, vì bạn có thể luyện cho bộ não tự kích hoạt vào trạng
thái sóng não phù hợp với thiền, đơn giản chỉ vì nó đã quen với việc quan sát
hơi thở sẽ dẫn đến điều gì tiếp theo. Vậy nên, chúng ta bắt đầu bằng việc quan
sát hơi thở.
Bạn sẽ nhận thấy
tâm trí mình lang thang. Nếu bạn nghe thấy âm thanh nào đó, tâm trí sẽ lập tức
bị thu hút về phía đó. Đừng phán xét điều đó. Tất cả những gì bạn cần làm là nhẹ
nhàng đưa sự chú ý trở lại với hơi thở. Không cần phải chống lại việc tâm trí bị
cuốn đi. Chỉ cần tiếp tục đưa nó trở về.
Tiếp theo, bạn
hãy chủ động đặt ra ý định là không chống lại bất kỳ nguồn năng lượng nào trong
căn phòng này. Nói cách khác, bạn đang đặt ra ý định hoàn toàn cho phép tất cả
năng lượng trong phòng di chuyển cơ thể bạn theo bất kỳ cách nào mà nó muốn. Bạn
đang đưa cơ thể mình vào trạng thái hoàn toàn không kháng cự.
Đôi khi, nếu bạn
hình dung mình như một cành liễu trong gió, cơ thể bạn sẽ dễ dàng hiểu được điều
bạn đang yêu cầu nó làm. Bởi vì những gì bạn đang yêu cầu bây giờ hoàn toàn ngược
lại với những gì bạn vẫn luôn bắt cơ thể làm, đó là kháng cự lại dòng chảy năng
lượng để trông không giống như một kẻ lập dị.
Nếu bạn quan sát
tôi một chút, đây là điều sẽ bắt đầu xảy ra với cơ thể khi bạn ở trong trạng
thái không kháng cự. Bạn có thấy cơ thể tôi trông giống như đang bị những con
sóng đẩy đi không? Nhưng bạn không được tự tạo ra chuyển động đó, tức là đừng
chủ động cử động. Bạn chỉ cần cảm nhận nó. Đừng để cơ thể mình di chuyển trừ
khi bạn thực sự cảm nhận được rằng năng lượng trong phòng đang di chuyển cơ thể
bạn.
Lúc đó, bạn sẽ cảm
thấy giống như mình đang hòa vào một điệu nhảy tuyệt vời, và bạn sẽ bắt đầu
quên đi cảm giác về không gian xung quanh mình. Đây thực sự là một bài thiền rất
tuyệt vời. Cá nhân tôi thực hành bài này hàng tuần vì nó là một trong những bài
yêu thích nhất, giúp tâm trí tôi bước vào trạng thái hoàn toàn cho phép.
Bạn càng học được
cách linh hoạt hơn về mặt cơ thể, thì bạn cũng sẽ trở nên linh hoạt hơn trong
tâm trí, linh hoạt hơn khi đối diện với người khác, linh hoạt hơn với chính những
niềm tin của mình, tất cả mọi thứ đều liên quan mật thiết với nhau.
Sau đó, tôi muốn
bạn nâng cấp bài thiền này lên. Đầu tiên, hãy thực hiện bài thiền này như tôi vừa
hướng dẫn, chỉ đơn giản là ở trong không gian và để cơ thể bạn được di chuyển bởi
năng lượng nơi đó. Nhưng sau đó, tôi muốn bạn bật một bản nhạc lên, và hãy nhận
ra rằng ngay cả việc ngồi yên khi có nhạc cũng là một trạng thái kháng cự.
Thật ra, đây
chính là toàn bộ nền tảng của chuyển động tự do. Tôi chắc rằng các bạn từng
nghe nói về Ecstatic Dance (khiêu vũ xuất thần) hoặc những lớp học nhảy tự do rồi đúng không?
Tất cả những điều
này đều xoay quanh việc cho phép cơ thể bạn được di chuyển bởi âm nhạc, giống
như cách bạn cho phép cơ thể mình được di chuyển bởi năng lượng trong bất kỳ
không gian nào mà bạn đang ở. Vì vậy, bạn hãy bật nhạc lên và thực hiện y hệt
điều đó trong bài thiền của mình. Hãy để âm nhạc di chuyển cơ thể bạn theo bất
kỳ cách nào mà nó muốn.
Bạn sẽ bắt đầu
nhận ra rằng bạn đồng bộ với âm nhạc. Bởi vì trường lượng tử kết nối tất cả, cơ
thể bạn không nhất thiết phải nghe thấy âm thanh để năng lượng của âm thanh đó
làm cơ thể bạn di chuyển. Và bạn sẽ bắt đầu cảm nhận như thể mình đang phản ứng
với âm thanh ngay cả trước khi nó được phát ra.
Điều đó thực sự
rất tuyệt vời và tôi hy vọng bạn sẽ thử để cảm nhận xem cơ thể bạn sẽ dễ chịu đến
mức nào khi không còn ở trong trạng thái cứng nhắc, kháng cự lại năng lượng
xung quanh nữa. Bạn sẽ nhận ra rằng không có hai không gian nào giống nhau về mặt
năng lượng.
Ngay bây giờ,
chúng ta đang ngồi giữa vùng hoang dã của Utah. Năng lượng ở nơi này di chuyển đặc
biệt nhanh, đó là lý do bạn thấy cơ thể tôi bắt đầu chuyển động nhanh như thế
này. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Đôi khi bạn sẽ ở trong một
không gian, ví dụ như trong một góc phòng, nơi năng lượng như xoáy lại, và bạn
sẽ nhận thấy rằng chuyển động của mình không mạnh mẽ như vậy.
Vậy nên không có
một hình mẫu cố định nào cho bài thiền này, cũng không có đúng hay sai về việc
nó nên trông thế nào hoặc không nên trông thế nào. Vì năng lượng luôn di chuyển
khác nhau, tùy thuộc vào nơi bạn đang ở, đất nước bạn sống, căn phòng bạn ngồi
hay bạn đang ở ngoài trời.
Mọi thứ sẽ luôn
luôn khác nhau và sẽ khiến cơ thể bạn di chuyển theo cách khác nhau. Bạn cứ thoải
mái ở lại với bài thiền này bao lâu cũng được. Một số người có thể muốn làm
trong 8 đến 10 phút, một số khác có thể sẽ muốn duy trì cả một giờ đồng hồ. Thực
sự không quan trọng, không có cách đúng hay sai nào để thiền cả.
Mục tiêu của thiền
là đưa bạn vào trạng thái Cho Phép, thay vì kháng cự. Là để dừng lại những dòng
suy nghĩ tiêu cực, hoặc thậm chí là dừng hẳn suy nghĩ, để bạn có thể tiếp tục
ngày mới của mình trong một trạng thái cởi mở hơn, dễ đón nhận hơn. Một trạng
thái giúp bạn hạnh phúc và vui vẻ hơn.
Với những ai
quen thuộc với chuông pha lê hay các phương pháp chữa lành bằng âm thanh, tôi
nghĩ rằng chuông pha lê hoặc chuông giả kim là những công cụ tuyệt vời nhất để
thực hiện kiểu thiền này.
Nếu bạn có thể
tìm được ai đó chơi chuông cho bạn trong lúc bạn thiền, thì trải nghiệm này sẽ vô
cùng chữa lành, thậm chí là rất sâu sắc. Bởi vì bạn có thể cảm nhận được năng
lượng đẩy ra từ những chiếc chuông rõ ràng hơn nhiều so với khi bạn nghe nhạc
qua radio hay từ một chiếc đĩa CD.
Vậy nên, tôi
khuyên bất cứ ai thực sự yêu thích bài thiền này ngay từ lần đầu tiên hãy thử với
chuông pha lê. Bạn cũng nên thử với nhiều thể loại nhạc khác nhau. Mỗi bản nhạc
đều mang một năng lượng khác nhau, và năng lượng phát ra từ bản nhạc đó cũng sẽ
có một mô hình khác biệt. Đó là lý do tại sao nó nghe khác nhau trong tai bạn.
Hãy trải nghiệm
nhiều loại nhạc khác nhau và bạn sẽ thấy chúng tác động lên cơ thể mình ra sao.
Khi bạn chỉ đứng yên nghe nhạc, bạn có thể chỉ nghe được âm thanh, nhưng bạn sẽ
không nhận ra tác động thật sự của nó lên cơ thể cho đến khi bạn cho phép cơ thể
mình bị ảnh hưởng bởi âm nhạc.
Tôi nhận ra rằng,
khi bạn cho phép cơ thể mình được di chuyển, tâm trí của bạn sẽ bị cuốn vào việc
quan sát chuyển động của cơ thể hơn là mải mê với những dòng suy nghĩ khiến bạn
xao nhãng khỏi bài thiền. Đây cũng là một trong những lý do thiền động lại rất
hiệu quả với con người.
Vì một số người rất
giỏi trong việc ngưng suy nghĩ khi họ ngồi yên, nhưng những người khác thì lại thực
sự cần đến chuyển động. Bạn sẽ nhận ra rằng mỗi người có một kiểu tâm trí khác
nhau.
Tôi hay đùa gọi
kiểu tâm trí của những người luôn cần có một thứ gì đó để tập trung vào là "tâm
trí của một chú chó Labrador". Bạn nào từng
xem những chú Labrador ở công viên chó sẽ hiểu, chúng liên tục dõi theo quả
bóng, bạn ném bóng đi thì chúng lao đi, rồi quay về ngay lập tức, cứ như thể nếu
bạn không cho bộ não của chúng một việc gì đó để làm hoặc tập trung vào, thì
chúng sẽ tự tiêu hao chính mình.
Với kiểu người
như vậy, thiền động sẽ là phương pháp tốt nhất.
Đây chính là một
dạng thiền động. Vậy nên, khi bạn cho phép cơ thể mình di chuyển, bộ não sẽ tập
trung vào việc quan sát chuyển động đó thay vì tập trung vào những suy nghĩ về
môi trường xung quanh hay những thứ gây xao nhãng khác. Điều đó cũng sẽ giúp bạn
đi vào trạng thái Cho Phép dễ dàng hơn.
Bộ não không phải
kẻ thù, nó chỉ là một công cụ. Và một số người trong chúng ta sở hữu một công cụ
rất sắc bén về khả năng tập trung, nên nó cần được giao cho một nhiệm vụ nào đó.
Vậy nên, bạn có
thể cho nó một việc để làm, chứ không nhất thiết lúc nào cũng phải chiến đấu với
một bộ não hiếu động. Nó không phải kẻ thù đâu. Bạn chỉ cần biết cách làm việc
với kiểu tâm trí đó.
Trong hành trình
tâm linh, trạng thái Cho Phép chính là chìa khóa. Chính sự kháng cự của chúng
ta mới tạo ra mọi biểu hiện tiêu cực mà bạn thấy trong cuộc đời mình. Mọi thứ
tiêu cực thực chất chỉ là kháng cự mà thôi.
Vì vậy, thực
hành bất cứ dạng thiền nào hướng về trạng thái Cho Phép sẽ mang lại lợi ích rất
lớn cho hành trình tâm linh của bạn.
Và tôi thực sự
hy vọng bạn sẽ thử bài thiền này và chia sẻ cho tôi biết cảm nhận của bạn như
thế nào.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=veW3XfY6cT0
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.