Teal Swan Transcripts 050
Một thông điệp về những ngày tồi tệ (Cảm
hứng, Cảm thấy tốt)
09-02-2013
Xin chào mọi người.
Hôm nay, tôi muốn nói về một vấn đề trong cộng đồng tâm linh. Tất cả các truyền
thống tôn giáo và hệ thống niềm tin đều có những cạm bẫy riêng. Và một trong những
cạm bẫy lớn nhất trong cộng đồng tâm linh là một vấn đề mà chúng ta có thể gọi
là bỏ qua. Khi bỏ qua, chúng ta thực chất là né tránh chính mình.
Chúng ta bỏ qua
những cảm xúc thật của mình và trạng thái thực sự của bản thân để ưu tiên cho
những niềm tin tâm linh. Hầu hết chúng ta đều có một hình dung rõ ràng về mục
tiêu mà mình đang hướng đến, đó là sự giác ngộ. Chúng ta muốn thoát khỏi bản
ngã, và hơn thế nữa, chúng ta muốn không còn đau khổ. Chúng ta có một hình ảnh
trong đầu về việc giác ngộ trông như thế nào.
Hình ảnh hoàn hảo
về một người đã giác ngộ. Nhưng điều mà hầu hết mọi người không biết là hình ảnh
đó thực chất là một lời nói dối mà chúng ta tự nhủ. Giác ngộ không giống như vậy.
Giác ngộ không phải là “sự nghỉ hưu” khỏi cuộc sống. Nó không phải là một trạng
thái rút lui khỏi những thăng trầm của đời người.
Chúng ta tạo ra
ý tưởng rằng giác ngộ là một trạng thái "nghỉ hưu" an lạc khi chúng
ta đối mặt những thăng trầm của cuộc sống và không muốn trải nghiệm chúng nữa.
Chúng ta tưởng tượng rằng giác ngộ đồng nghĩa với hạnh phúc tuyệt đối 24/7.
Nhưng khi chúng ta chống lại những đối lập trong cuộc sống, khi ta không chấp
nhận những thăng trầm, thì càng giác ngộ, suy nghĩ của ta càng thay đổi. Góc
nhìn của chúng ta bắt đầu điều chỉnh theo góc nhìn của Nguồn. Và như vậy, ý
nghĩa của những trải nghiệm cũng thay đổi.
Điều thay đổi
chính là cách chúng ta suy nghĩ và đối diện với những thăng trầm đó. Chúng
không còn được trải nghiệm theo cách như trước nữa. Trong hàng nghìn năm qua,
những thăng trầm của cuộc sống thường được ví như sóng của luân hồi. Vì vậy, sẽ
hữu ích nếu ta xem những người thực hành tâm linh như những vận động viên lướt
sóng. Thực hành tâm linh chính là thực hành cưỡi lên những con sóng đó để một
ngày nào đó chúng ta làm chủ được mối quan hệ của mình với chúng.
Giống như một
người mới tập lướt sóng, ban đầu chúng ta thường xuyên bị sóng quật ngã và cuốn
đi nhiều lần. Nhưng càng thực hành, ta càng giỏi hơn trong việc giữ thăng bằng
ngay giữa những con sóng. Và rồi, ngày càng hiếm khi ta ngã khỏi ván lướt sóng.
Chúng ta có thể đối diện với những con sóng lớn hơn mà vẫn giữ được thăng bằng.
Những bậc giác ngộ là những bậc thầy trong việc lướt trên những con sóng của cuộc
đời.
Nhưng bạn có nhận
ra không, trong bất kỳ phiên bản nào của câu chuyện, sóng cũng không hề biến mất.
Người giác ngộ không trở thành bậc thầy lướt sóng rồi quay lại và nhấn một nút
ma thuật để ngăn sóng đến. Đó là bởi vì những con sóng lớn không còn làm họ đau
khổ nữa. Người giác ngộ thấy rằng chính những con sóng đó đã giúp họ đạt được sự
giác ngộ mà họ đang duy trì. Vì thế, họ đón nhận chúng.
Một người thực sự
giác ngộ vẫn trải nghiệm đầy đủ mọi cung bậc cảm xúc. Điều duy nhất thay đổi là
suy nghĩ của họ. Họ có khả năng kiểm soát và điều hướng suy nghĩ một cách có ý
thức. Và khi bạn kiểm soát và điều hướng suy nghĩ của mình, bạn có thể kiểm
soát và điều hướng cảm xúc của mình. Những gì họ đạt được là sự tỉnh thức và khả
năng điều hướng suy nghĩ theo cách giúp họ có thể tự leo lên bậc thang cảm xúc
bất cứ khi nào họ muốn.
Nói cách khác, sự
thật mà chúng ta không muốn chấp nhận chính là ngay cả Đức Phật cũng có những
ngày tồi tệ. Mara* không biến mất mãi mãi khi Đức Phật đối diện với hắn dưới
cây bồ đề. Hắn vẫn tiếp tục quay lại trong suốt cuộc đời của Ngài. Nhưng điều
thay đổi sau khi giác ngộ là Phật đã nhận ra Mara. Ngài nhận ra rằng những hiện
thân tiêu cực của bản ngã mà Mara đại diện thực ra chỉ là một sự phản chiếu của
chính Ngài.
-------------------
*
Trong Phật giáo, Mara (Ma vương) là một thế lực cám dỗ, tượng trưng cho những
ham muốn, sợ hãi và ảo tưởng ngăn cản con người đạt đến giác ngộ. Mara không phải
là một thực thể độc lập như quỷ hay ác thần trong một số tôn giáo khác mà thường
được hiểu là biểu tượng của những trở ngại nội tâm, bao gồm:
-
Dục vọng (Kāmamāra) – sự ham muốn vật chất, sắc đẹp, lạc thú.
-
Sợ hãi và cái chết (Maccumara) – nỗi sợ hãi về sự vô thường, cái chết.
-
Phiền não (Kilesamāra) – tham, sân, si, nghi ngờ, vô minh.
-
Ngũ uẩn (Khandhamāra) – sự chấp thủ vào thân xác và tâm trí như một cái “tôi”
riêng biệt.
Theo
kinh điển, trước khi Đức Phật thành đạo, Mara đã cố gắng cám dỗ và đe dọa ngài
bằng nhiều cách, từ gửi các con gái xinh đẹp để quyến rũ đến tạo ra những cảnh
tượng đáng sợ. Tuy nhiên, Đức Phật đã chiến thắng tất cả bằng sự tỉnh thức và
trí tuệ. (Ghi chú từ người dịch bài)
--------------------
Và vì thế, Ngài
có thể chủ động vươn lên trên chúng. Dù ban đầu Ngài vẫn cảm nhận được những cảm
xúc như sợ hãi, cám dỗ và nghi ngờ, nhưng Ngài không để bản thân bị mắc kẹt
trong chúng. Thực tế, trong nhiều kinh điển cổ xưa, Phật đã kết bạn với Mara.
Ngài chào đón Mara và mời hắn vào uống trà. Vì Phật nhận ra rằng Mara chính là
người thầy quý giá nhất của mình, vì chính hắn là người đã dạy cho Ngài những
bài học quan trọng nhất.
Nếu không có
Mara, sự giác ngộ thậm chí đã không xảy ra. Giác ngộ chỉ là sự khởi đầu. Sau
khi đạt được giác ngộ, bạn vẫn phải tiếp tục sống. Bạn vẫn phải tích hợp những
gì mà giác ngộ đã dạy bạn. Bạn vẫn phải hòa nhập với sự nhận thức mà mình đã đạt
được.
Hầu hết chúng ta
đều nhận thức được rằng chúng ta đang tạo ra thực tại của mình dựa trên những
suy nghĩ mà chúng ta đang nghĩ, dựa trên những gì chúng ta chú ý đến. Vì lý do
này, dễ hiểu tại sao nhiều người trong số các bạn lại muốn tránh tập trung vào
những cảm xúc hiện tại của mình. Vì có thể bạn nghĩ rằng nếu bạn tập trung vào
những gì mình đang cảm thấy và suy nghĩ thực sự, thì chúng sẽ trở nên tồi tệ
hơn.
Nhưng điều chúng
ta không hiểu là: né tránh chính là chống đối. Bất cứ khi nào chúng ta cố gắng
né tránh điều gì, thực chất chúng ta đang tập trung vào nó. Và bất cứ điều gì
ta chống đối, nó sẽ tiếp tục tồn tại. Vì vậy, khi ta né tránh và phủ nhận chính
mình, phủ nhận cảm xúc và suy nghĩ của mình, thì thực chất, ta đang tạo ra nhiều
hơn những điều đó.
Vậy nên, điều tốt
nhất mà bạn có thể làm chính là quay lại và đối diện với những gì bạn thực sự
đang cảm thấy, những suy nghĩ thực sự đang diễn ra trong bạn. Đã đến lúc chúng
ta phải thừa nhận rằng những cảm xúc tiêu cực và những suy nghĩ tiêu cực tồn tại
là có lý do. Cảm xúc tiêu cực luôn là một tín hiệu cảnh báo cho điều mà bạn cần
học. Chúng luôn là tiềm năng cho sự mở rộng cá nhân to lớn. Nhưng nếu bạn né
tránh cảm xúc tiêu cực, bạn cũng đồng thời né tránh bài học, cũng như cơ hội mở
rộng.
Nếu bạn đang lái
xe và bánh xe bị xì, bạn sẽ không phớt lờ nó và tiếp tục lái xe. Bạn sẽ dừng lại,
ra ngoài kiểm tra vấn đề là gì và sửa nó trước khi tiếp tục. Nhưng đó lại chính
là điều mà hầu hết chúng ta đang mong đợi bản thân phải làm.
Chúng ta đang
mong đợi bản thân lái xe trên một chiếc lốp xẹp. Bất cứ khi nào chúng ta phớt lờ
cảm xúc thực sự của mình, bất cứ khi nào chúng ta cố nhắm mắt trước thực tại và
tập trung vào việc né tránh vấn đề để thay vào đó tập trung vào điều mà chúng
ta nghĩ rằng mình nên tập trung, thì chúng ta đang tiếp tục lái xe với một chiếc
lốp xẹp.
Nói một cách
khác, chúng ta tiếp tục lái xe trên một chiếc lốp xẹp khi mong đợi bản thân né
tránh cảm xúc thực sự và suy nghĩ thực sự của mình, chỉ để theo đuổi cách mà
chúng ta nghĩ rằng mình nên cảm thấy và nên suy nghĩ về điều gì đó. Trong cộng
đồng tâm linh, nó đã trở thành một kỳ vọng văn hóa ngầm rằng chúng ta phớt lờ vị
trí thực sự của mình để tập trung vào nơi mà chúng ta nghĩ rằng mình nên ở. Rằng
chúng ta nên hành xử như một người đã giác ngộ tâm linh, ngay cả khi điều đó
không phản ánh đúng cảm xúc và suy nghĩ thực sự của chúng ta.
Kết quả là hầu hết
chúng ta đều cảm thấy rằng cảm xúc duy nhất được chấp nhận là hạnh phúc. Và nếu
chúng ta không cảm thấy hạnh phúc, thì có nghĩa là chúng ta đã thất bại. Điều
này dẫn đến cảm giác xấu hổ và bối rối khi chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chúng ta cố gắng che giấu, không muốn nói với ai rằng mình đang có một ngày tồi
tệ. Vì cảm giác xấu hổ khi đối mặt với khó khăn, chúng ta không muốn thừa nhận
mức độ đau khổ thực sự của mình trong khoảnh khắc hiện tại.
Và rồi những lời
nói của chúng ta không còn phản ánh sự thật. Chúng chỉ là những nguyên tắc đã
được tập dượt mà chúng ta tự dùng để trừng phạt chính mình. Ví dụ, sự thật về
tình trạng hiện tại của bạn có thể là bạn đang rất đau khổ. Cuộc sống của bạn
có thể đang rơi vào bế tắc. Bạn có thể hoàn toàn không biết phải làm gì tiếp
theo.
Nhưng nếu bạn phớt
lờ sự thật đó bằng những suy nghĩ như: “Ồ, vẫn có nhiều điều khác trong cuộc sống
của tôi đang ổn mà. Tôi biết chắc điều gì đó tốt đẹp sẽ đến từ chuyện này.” thì
bạn chỉ đang lặp lại một nguyên tắc tâm linh, rằng điều tốt đẹp sẽ sinh ra từ
những điều tiêu cực. Nhưng đó không phải là cảm xúc thực sự của bạn lúc
này.
Ngay lúc này, bạn
không biết liệu mọi thứ có trở nên tốt đẹp hay không. Ngay lúc này, bạn không
biết chuyện này sẽ dẫn đến đâu. Và sẽ rất khó để bạn tập trung vào những điều
tích cực vì thực tế là những điều tiêu cực đang quá sức áp đảo. Về cơ bản, bạn
đang lặp lại nguyên tắc tâm linh rằng “mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp” chỉ vì bạn đã được
dạy rằng những người giác ngộ sẽ nhìn nhận khó khăn theo cách đó. Nhưng sự thật
là, ở thời điểm này, bạn có thể hoàn toàn không tin điều đó.
Khi bạn nói ra
điều đó mà không thực sự cảm thấy như vậy, thì khả năng cao là bạn đang chối bỏ
chính mình. Bạn đang bỏ qua sự thật về bản thân ngay lúc này. Bạn đang né tránh
cảm xúc thật của mình. Và điều cực kỳ quan trọng cần hiểu là khía cạnh cảm xúc
của chúng ta giống như những đứa trẻ, hững đứa trẻ không bao giờ lớn lên.
Phần cảm xúc
trong ta không bao giờ trưởng thành, chúng ta chỉ học cách làm cha mẹ tốt hơn
cho chúng mà thôi. Nếu bạn phủ nhận cảm xúc thật của mình, bạn đang vô hiệu hóa
đứa trẻ nhỏ bên trong bạn, đứa trẻ đang cố gắng diễn đạt cảm giác của nó một
cách tuyệt vọng. Nếu bạn phủ nhận cảm xúc thật, bạn sẽ không bao giờ có thể bước
vào một trạng thái tốt hơn. Bạn cần biết mình đang ở đâu cũng như biết nơi mình
muốn đến nếu bạn muốn tìm ra hướng đi phù hợp.
Bạn có thể tưởng
tượng việc sử dụng bản đồ để tìm đường đi mà lại không chịu thừa nhận vị trí hiện
tại của mình không? Bạn có thể tưởng tượng một bác sĩ cố gắng giúp bạn khỏe hơn
nhưng lại từ chối đánh giá tình trạng hiện tại của bạn để tìm ra nguyên nhân
khiến bạn cảm thấy tồi tệ không? Một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm
cho chính mình là thừa nhận nơi bạn đang đứng và nói: “Tôi đang ở đây.”
Điều này không
có nghĩa là bạn đã thất bại. Điều này không có nghĩa là bạn đã bỏ cuộc và chấp
nhận cảm thấy tồi tệ. Điều này có nghĩa là bạn đã buông bỏ sự kháng cự đối với
vị trí hiện tại của mình. Và khi bạn buông bỏ sự kháng cự đối với điều gì đó, bạn
đang cho phép bản thân trôi theo hướng mà bạn mong muốn.
Và vì lý do này,
một cách đầy nghịch lý, khi bạn thừa nhận nơi mình đang đứng và buông bỏ sự
kháng cự đối với nơi đó, bạn sẽ không còn mắc kẹt ở đó nữa. Bạn đang cho phép bản
thân được giải phóng bằng cách thừa nhận vị trí hiện tại và buông bỏ sự kháng cự
đối với nó.
Không có gì đáng
xấu hổ khi phải vật lộn với cuộc sống. Bạn không thất bại nếu có một ngày tồi tệ.
Đức Phật cũng từng có những ngày tồi tệ. Chúa Jesus cũng có những ngày tồi tệ.
Nhà tiên tri Muhammad cũng có những ngày tồi tệ. Bạn sẽ không bao giờ gặp một
thực thể nào đang tồn tại trong thân xác con người, dù là bậc thầy tâm linh hay
không, mà không phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống.
Và vì thế, bạn
cũng sẽ không bao giờ gặp một con người nào có thể duy trì trạng thái cân bằng
hoàn hảo suốt 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Mong đợi điều đó từ bản thân là
một hành động tàn nhẫn. Cảm thấy xấu hổ hay thất vọng khi bản thân rơi vào trạng
thái mất cân bằng cũng là một hành động tàn nhẫn. Thất vọng với người khác khi
họ mất cân bằng cũng là một hành động tàn nhẫn.
Chúng ta cần ngừng
việc duy trì sự tàn nhẫn đó, không chỉ với chính mình mà còn trong cộng đồng
tâm linh mà chúng ta đang xây dựng. Thực hành tâm linh đúng như tên gọi của nó,
một sự thực hành. Ngay cả với những người được coi là bậc thầy tâm linh, đó vẫn
là một sự thực hành không ngừng.
Sự cân bằng và sự
giác ngộ không phải là thứ mà ai đó ban tặng cho bạn. Không phải là một món quà
được trao khi bạn chứng minh rằng mình xứng đáng. Đó là điều mà bạn phải duy
trì liên tục. Chúng ta chọn duy trì sự cân bằng vào từng khoảnh khắc. Và trong
từng khoảnh khắc, luôn tồn tại một sự lựa chọn: chọn một suy nghĩ, nói một lời,
hoặc thực hiện một hành động phù hợp với sự cân bằng hoặc không.
Dù bạn có đạt được
giác ngộ trong kiếp này hay không, thì lựa chọn đó luôn nằm trong tay bạn. Và
phủ nhận chính mình không phải là một sự cân bằng mà tôi từng thấy.
Vậy nên, câu hỏi
mà bạn cần tự hỏi là: Liệu tôi có thực sự tập trung vào điều tích cực vào lúc
này? Hay tôi đang sử dụng sự tích cực như một cái cớ để né tránh chính
mình?
Chúc bạn một tuần
tốt lành.
Link gốc của bài
viết
https://www.youtube.com/watch?v=Lx-AtPKWf9k
Theo
dõi trên Facebook
https://www.facebook.com/Go-With-The-Earth-110516891516479/
DANH
SÁCH TẤT CẢ CÁC BÀI VIẾT CỦA TRANG
https://gowiththeearth.blogspot.com/2021/10/tat-ca-sach-co-tai-blogs.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.